Monday 4 July 2016

Nhớ về xứ sở những bức tranh



Tôi đặt vé đi Amsterdam trong một phút nhớ Vincent điên cuồng, khi trong lòng không có mong muốn nào mãnh liệt hơn là được chìm đắm vào không gian của ông, được mặt đối mặt với những nét cọ hằn in nội tâm ông. Từ sân bay, tôi ghé qua khách sạn cất va li, thay chiếc váy màu vàng tôi đặc biệt dành riêng cho cuộc hội ngộ này, và đi thẳng tới bảo tàng Van Gogh.

Chiều tháng Năm nắng dịu trong tiết cuối xuân đầu hè mát mẻ. Tôi có thể lặp đi lặp lại một nghìn lần: tháng Năm là tháng đẹp nhất ở châu Âu! Thiên nhiên vừa bừng tỉnh đang say sưa pha màu điểm sắc trong những khu rừng, vườn hoa, công viên, giữa những bình nguyên, sườn đồi, hẻm núi, cả trên những chậu hoa nơi bao lơn, cột đèn, thành cầu, hè phố... Những màu sắc hào phóng, tinh khôi, tươi trẻ. Thiên nhiên mà Vincent từng yêu đến thế. Với ông, „nghệ thuật là con người cộng thêm thiên nhiên”. Ông viết cho em trai Théo: „Em hãy gắng khám phá cái đẹp ở bất cứ nơi nào có thể; phần lớn mọi người không nhìn thấy cái đẹp (…), em hãy dạo chơi thường xuyên và hãy yêu thiên nhiên – chỉ có bằng cách ấy mới có thể học được điều gì đó và hiểu được nghệ thuật tốt hơn. Các họa sĩ hiểu và yêu thiên nhiên và vì thế họ dạy cho chúng ta cách nhìn ngắm thiên nhiên như thế nào”. Vincent thường xuyên đi dạo nhiều giờ liền giữa thiên nhiên, say sưa ngắm nhìn từng cánh bướm, từng chiếc lá, từng con côn trùng. Tôi chợt nhớ Bùi Giáng. Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi / Trần gian ơi cánh bướm cánh chuồn chuồn / Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại / Con côn trùng sâu bọ cũng yêu luôn... Vincent và Bùi Giáng, hai kẻ rong chơi hoang dại, đều điên rồ lừng lẫyi đi qua cuộc đời này, đều yêu trần gian đến từng tế bào xương tủy, đều ngang tàng tự do đến bất cần, phá vỡ mọi quy ước, luật lệ, xóa nhòa mọi đường biên quen thuộc, đều có sức sáng tạo bão lốc phi thường, đều cô đơn và chẳng hiếm lần tuyệt vọng, nhưng trên hết đều yêu tha nhân đến xót xa. Cả hai đều đã trở thành những huyền thoại...

Gặp gỡ với một huyền thoại, điều này mới thật khó khăn làm sao. Tôi luôn tự hỏi mình: trong cuộc hội ngộ của tôi với Vincent, bao nhiêu phần sẽ bị màn sương mù của huyền thoại che phủ? Trong ánh mắt tôi nhìn những bức tranh của ông, có bao nhiêu phần là cách nhìn mà truyền thông, xã hội, văn hóa... đã định hướng và áp đặt cho tôi? Làm sao tôi có thể „trò chuyện” với ông hồn nhiên như với một người bạn? Làm sao tôi không cảm thấy lo lắng và e ngại trước cuộc gặp gỡ với một nhân vật khổng lồ đến thế? Những bản sao tranh ông tràn ngập khắp nơi, trong các căn hộ, khách sạn, quán xá, các thư viện, hiệu sách, quầy lưu niệm, thậm chí cả trong các cửa hàng thời trang hay trên những chuyến bay... Liệu tôi có tìm được gì nữa cho riêng mình khi đến gặp ông ở một nơi chẳng còn mấy riêng tư? Chỉ riêng năm 2015 đã có tới gần hai triệu người đến thăm bảo tàng Van Gogh.

Nhưng những hoài nghi ấy hoàn toàn tan biến khi tôi đứng trước bức tranh Cây hạnh nở hoa mà tôi hằng yêu thích trên tầng cao nhất của bảo tàng. Màu xanh dịu của bản gốc là thứ màu sắc tôi chưa từng thấy trong đời. Nó mềm mại và trong trẻo như một ban mai mùa xuân tinh khiết. Mát rượi mịn màng như manh lụa nhẹ vờn trong gió thoảng. Tinh khôi như chưa hề trôi qua hơn một trăm năm. Chỉ còn tôi và bức tranh. Hiện thực như đang tan ra trong một thứ dưỡng chất trần gian tinh túy nhất. Có hề chi những xôn xao của từng đoàn khách du lịch xung quanh. Có hề chi cả chặng đường tôi đã đi qua để tới đây. Giây phút ấy tôi thấy mình là người hạnh phúc nhất trần gian, bởi tôi đã nhìn được thật sâu vào đôi mắt Vincent và tìm thấy ở đó những tia sáng dịu dàng, ấm áp và không ngừng trong trẻo. Cây hạnh nở hoa là một trong những bức tranh riêng tư nhất của ông. Nó chính là bức chân dung tự họa thầm kín và vô cùng chân thực.

Một bức họa rất riêng tư khác, nhưng hoàn toàn khác hẳn, là bức Tĩnh vật với cuốn Thánh kinh mở ông vẽ vài năm trước, sau cái chết của cha mình. Cuộc xung đột triền miên giữa hai cha con đã kết thúc bằng họa phẩm tuyệt đẹp này. Quyển Thánh kinh của người cha, bệ vệ, nặng nề, mở rộng ở chương 53 của Isaie. Bên cạnh là chiếc chân nến với ngọn nến đã tàn, thường là biểu tượng của memento mori, của cái chết, trong hội họa thời xưa. Trước quyển Thánh kinh đồ sộ là một cuốn sách nhỏ bé: „Niềm vui sống” của Emile Zola, tác giả Vincent yêu thích, người có cùng quan điểm với ông khi cho rằng „nghệ thuật là một góc thiên nhiên được nhìn qua tâm tình con người”. Cuốn sách của Zola sờn rách cho thấy nó được đọc thường xuyên. Sự sắp xếp màu sắc và chủ đề của bức tranh là sự tương phản giữa hai thế giới xưa cũ và đương đại, giữa tôn giáo và niềm vui cuộc sống, với chiến thắng tối hậu thuộc về màu vàng chanh trên bìa cuốn sách của Zola, màu vàng hẳn đã làm Théo choáng váng, „như một tiếng thét, một vệt sáng hay tiếng kèn trompet đang chế ngự cả một dàn nhạc khổng lồ. Từ đây màu vàng, màu của niềm vui sống, sẽ lớn dần trong hội họa Vincent.”ii

Tôi gặp lại màu vàng Vincent trong bức chân dung tự họa đẹp nhất của ông ở bảo tàng Van Gogh, vẽ năm 1888 vào những ngày cuối cùng của ông ở Paris. Ông đứng trước giá vẽ, „mái tóc như đồng lúa chín vàng với những bông anh túc đỏ, trán, má và tay lấm lem. Chiếc áo màu lam điểm những vệt vàng sinh động (...) gợi nhớ bầu trời Van Gogh đầy sao. Giá vẽ màu vàng, bảng pha màu màu vàng và những cây cọ màu vàng không chỉ tiệp với màu râu ria lởm chởm và tương phản với màu xanh lam của chiếc áo choàng, màu nền xám nhạt và đôi tay màu đất, mà chúng còn báo trước sự khải hoàn của „nốt màu vàng cao vút”, như chính lời ông, nốt màu mà ông sẽ đạt tới vào mùa hè năm đó trên những tấm toan tuyệt nhất từ Arles.”iii Nốt màu vàng cao vút ấy, hôm nay tôi mang trên mình để đến gặp ông, bởi tôi muốn cuộc hội ngộ này phải tràn đầy niềm vui sống. Vui sống, đó cũng là điều tôi thầm hứa với Vincent, với chính mình, là món quà không bao giờ tôi từ chối dành tặng cho riêng mình và những người tôi thương yêu.

Với tôi, chuyến thăm Amsterdam lần này trước hết là hành trình theo dấu Vincent. Tôi đến Rijskmuseum để ngắm Các viên chứcCô dâu Do Thái của Rembrant mà Vincent đã ngồi nhìn ngắm hàng giờ khi bảo tàng này mới mở cửa. Ông viết cho Théo: „Bức Các viên chức là tác phẩm tuyệt vời và hoàn hảo nhất của Rembrant; nhưng bức Cô dâu Do Thái thật độc đáo, được vẽ bằng bàn tay rực lửa. Em thấy đấy, Rembrant trong Các công chức trung thành với tạo hóa, mặc dù ở đó, như mọi khi, ông trở nên thanh cao hơn, thanh cao đầy sâu sắc, và thăng hoa bất ngờ. Nhưng Rembrant còn có tài năng khác, khi ông không phải giữ đúng chính xác nguyên bản như các bức chân dung đòi hỏi, khi ông có thể chuyển động trong không gian của thi ca, trở thành thi sĩ, tức là trở thành kẻ sáng tạo. Điều này được thấy rõ trong Cô dâu Do Thái. Delacroix sẽ hiểu bức tranh này thế nào nhỉ? Một cảm xúc thanh cao làm sao, một cõi thâm sâu không hề hữu ý! Phải sống đi chết lại nhiều lần để có thể vẽ được như thế – đó là những lời thích hợp cho bức tranh này.”

Nghệ thuật vẽ chân dung với Rembrant là đỉnh cao chiếm một vị trí quan trọng trong hội họa Hà Lan thế kỷ XVII, nền hội họa mà Gombrich gọi là „chiếc gương soi của tạo hóa”. Song đó không phải là một tấm gương chính xác mà vô hồn. Phản chiếu con người hay phong cảnh thiên nhiên luôn là phản chiếu tâm hồn của người nghệ sĩ, những ý thích, niềm vui hay tâm trạng anh ta. Chính điều này khiến cho vẽ tĩnh vật - lĩnh vực đặc sắc nhất của hội họa Hà Lan – trở nên vô cùng thú vị. Các họa sĩ Hà Lan đã cho thấy chủ đề của bức tranh chẳng mấy quan trọng, các bức tĩnh vật trở thành nơi tuyệt vời để họ thử nghiệm các giải pháp khác nhau cho những vấn đề trong hội họa, ví dụ như cách thủy tinh màu phản chiếu và khúc xạ ánh sáng, sự tương phản và ảnh hưởng lẫn nhau của màu sắc và chất liệu...

„Tương tự như có thứ âm nhạc vĩ đại không lời, tồn tại một thứ hội họa vĩ đại với chủ đề rất khiêm tốn. Những họa sĩ Hà Lan cả đời chuyên vẽ đi vẽ lại những mô típ quen thuộc rốt cuộc đã chứng minh rằng bản thân chủ đề chỉ có ý nghĩa thứ yếu.”iv

Chủ đề chỉ là thứ yếu, bậc thầy kiệt xuất nhất trong việc chứng minh điều này là Vermeer. Tranh của ông chính là các bức tĩnh vật với người, mà nổi tiếng nhất là bức
Cô gái rót sữa. E.H. Gombrich viết: „Khó lý giải được vì sao một bức tranh rất đơn giản không cầu kỳ như thế lại là kiệt tác xuất sắc nhất mọi thời đại. Phần lớn những người có may mắn được xem bản gốc đều đồng ý với tôi rằng trong nó có một cái gì như thể phép màu. Có thể miêu tả một trong những yếu tố của phép màu ấy, nhưng không thể lý giải được nó. Đó là cách Vermeer đạt được một cách chuẩn xác khi diễn tả màu sắc, chất liệu và hình dạng, nhưng đồng thời bức tranh lại không khô khan và mệt mỏi. Như một nhiếp ảnh gia làm dịu đi sự tương phản mạnh mẽ mà không cần làm nhòe hình khối, Vermeer làm mềm các đường nét mà vẫn giữ được cảm giác vững chãi. Chính sự kết hợp kỳ lạ, độc đáo giữa cái mềm mại và sự sắc nét khiến cho các bức tranh đẹp nhất của người nghệ sĩ ấy trở thành không thể nào quên. Chúng cho phép ta thấu suốt cái đẹp bình yên của một cảnh trí đơn giản và tưởng tượng người nghệ sĩ đã cảm thấy điều gì khi quan sát làn ánh sáng rọi qua cửa số và làm sống động màu sắc tấm vải.”

Tôi đã là người may mắn được ngắm nhìn tận mắt phép màu ấy, điều không một bản sao nào có thể đem lại cho dù kỹ thuật cao đến đâu. Bản gốc Cô gái rót sữa nhỏ hơn tôi vẫn hình dung. Một khoảnh vuông be bé giữa Rijskmuseum mênh mông mà như khiến cả thế giới trở nên bất động. Trong bức tranh này, mọi thứ đều đứng yên, chỉ có dòng sữa nhỏ xíu mong manh chảy ra từ chiếc bình là chuyển động. Nó đã chảy như thế gần bốn trăm năm. Thời gian không còn ý nghĩa gì nữa. Ánh sáng hắt vào khiến nó sáng lên, hơi lấp lánh tinh nghịch, như ánh mắt của Szymborska khi bà viết thi phẩm Vermeer:

Chừng nào cô gái ấy, ở Rijksmuseum
trong tĩnh lặng và chăm chú
ngày qua ngày vẫn rót sữa
từ bình ra âu,
thì thế giới còn chưa xứng đáng đâu
với ngày tận thế.

Phải, chưa thể tận thế khi dòng sữa ấy vẫn chảy. Chưa thể tận thế khi người ta vẫn còn có thể đắm chìm giữa bao nhiêu bức họa kiệt tác trong Rijskmuseum. Tôi nhớ Vincent đã viết cho em trai: „Khi anh ở trong một môi trường khác, giữa những bức tranh và các tác phẩm nghệ thuật, anh đã bất ngờ yêu ngay môi trường ấy và như em biết, yêu tới mức nhiệt thành. Anh không hối tiếc về điều đó, và hôm nay, khi đang ở xa, anh cảm thấy nhớ về xứ sở những bức tranh.”

Và hôm nay, khi đang ở xa, tôi cũng đang nhớ về xứ sở những bức tranh. Để giữ trong tâm hồn một dòng sữa mát. Để ngân lên nốt màu vàng cao vút giữa thế giới bề bộn xung quanh.

(7.2016)

***

iChữ của Bùi Giáng
iiDavid Haziot
iiiWojciech Karpiński

ivE.H. Gombrich