Friday 19 June 2009

Hai mươi năm cuộc đời

Ngày này cách đây đúng hai mươi năm, 19.6.1989, tôi đặt chân đến Ba Lan.

Khi đó tôi mười bốn tuổi. Từ Hà Nội, tôi đi máy bay một mình sang Moscow, ở đó vài ngày chờ một đoàn công tác rồi cùng họ đi tàu sang Warszawa. Mẹ đón tôi ở sân ga trung tâm, khi đó gần như là ga tàu hoành tráng nhất Đông Âu. Tôi bước xuống tàu, bước vào một cuộc sống mới, một khúc ngoặt của đời mình.

Khi đó tôi còn quá nhỏ để nhận thức được những gì đang xảy ra quanh mình, để hiểu rằng những ngày ấy, đất nước Ba Lan đang trải qua những giờ phút lịch sử. Hai mươi năm sau, ngày tôi dự lễ khai mạc Hội nghị thế giới các dịch giả văn học Ba Lan ở Kraków cũng chính là ngày các nhân vật quan trọng của châu Âu đến đây, kỷ niệm 20 năm người dân Ba Lan giành được tự do: ngày 4.6. Đêm hôm đó, sau buổi gặp gỡ các dịch giả Kapuściński, chúng tôi nâng cốc uống mừng tự do, mừng Ba Lan, trong một niềm ngất ngây khó tả. Đó cũng chính là 20 năm kể từ ngày người ta xuất bản rộng rãi các tác phẩm của Kapuściński - nhà văn, nhà báo vĩ đại của thế kỷ.

Hai mươi năm qua, tôi chứng kiến những đổi thay bằng cặp mắt của một đứa trẻ, của một cô gái, rồi của một phụ nữ. Ngày tôi mới sang Ba Lan, người Việt chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay: các nhân viên thương vụ, sứ quán, và vài sinh viên, nghiên cứu sinh. Có lần, mẹ tôi đi thăm một cơ sở ở tỉnh nọ, nhân viên của cả cơ quan đó kéo đến để nhìn xem... người Việt Nam đầu cua tai nheo ra sao! Bây giờ thì đồng bào tôi đã có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm trên đất nước này, với bao chuyện buồn có, vui có, cay đắng và tủi nhục cũng có...

Cộng đồng người Việt đã trải qua mấy thời kỳ, từ những ngày „đánh” quần bò, máy tính, đồng hồ... sang Nga, tạo nên một thế hệ các „tướng”, các „soái” đầu tiên. Đó cũng là thời kỳ mà những người Ba Lan tháo vát, nhanh nhẹn, biết nắm cơ hội của kinh tế thị trường... giàu lên nhanh chóng. Rồi đến thời kỳ khởi đầu bằng cuộc „xuống đường” bán hàng của các cô thợ may Việt Nam ở Łodź. Đây thực sự là một cuộc cách mạng. Từ đó, cộng đồng người Việt ở Ba Lan bắt đầu biết thế nào là bán hàng. Nhưng bán hàng thời đó cũng khác bây giờ. Chỉ cần có một tấm ni lông trải ra, đổ hổ lốn lên đấy linh tinh đủ các thứ hàng „quốc hồn quốc túy” như áo phông, áo xoa, áo pi-lot, tượng gỗ, áo ki-mô-nô, vòng ốc... những thứ mà bây giờ có cho người ta cũng còn phải suy nghĩ xem có lấy hay không, thế là người ta xúm lại, vòng trong vòng ngoài, tíu ta tíu tít, chỉ một buổi là bán hết cả túi hàng to, và mỗi buổi như thế người bán hàng có thể lãi được vài trăm đô la. Thời đó vẫn còn là cái thời của „cơn mưa vàng”. Rồi đến thời kỳ hoàng kim của chợ Sân Vận Động, người Việt bán hàng „có tổ chức” ở khu chợ trời lớn nhất Đông Âu. Từ ngày Sân Vận Động „tấc đất tấc vàng”, để có quyền thuê một cái ki ốt sắt bé tí cũng phải tốn cả chục, thậm chí cả trăm ngàn đô la, đến bây giờ đã gần như tan rã, chỉ còn sót lại những người nghèo nhất, chậm chân nhất. Những ai nhanh chân và có chút vốn đều đã chuyển vào các khu trung tâm thương mại. Khang trang, lịch sự, hiện đại, theo tiêu chuẩn châu Âu, so với nhưng tấm ni lông trải ngoài chợ năm xưa thì một trời một vực. Nhưng thị trường cũng đã thay đổi một trời một vực, khó khăn hơn rất nhiều, người ta kiếm tiền vất vả hơn rất nhiều, các tệ nạn, những chuyện lừa đảo, „bùng” nợ... cũng ngày một nhiều hơn. Những ngày này chính là thời điểm rất khó khăn của cộng đồng người Việt ở Ba Lan, trong bối cảnh khó khăn chung và khủng hoảng toàn cầu, dù không đến mức bi đát như ở các nước Đông Âu khác, hay như ở Nga, nhưng tôi cũng luôn nghe thấy những chuyện đau lòng.

Hai mươi năm, xã hội Ba Lan cũng đã thay đổi rất nhiều. Và tôi cảm thấy mình may mắn vì được làm chứng nhân cho những thay đổi ấy, điều mà không phải ai cũng có được. Hai mươi năm cuộc đời, không phải là quá dài nhưng cũng thừa đủ để một đứa trẻ sơ sinh trở thành người lớn. Hai mươi năm trưởng thành của tôi, những năm tháng quan trọng nhất trong đời mình, tôi đã trải qua ở đây, trên mảnh đất Ba Lan thân yêu này, đất nước của Chopin, của Szymborska và Kapuściński. Ở đây tôi đã có những tình yêu, một gia đình, một mái ấm, những công việc mình yêu thích và những người bạn. Có cả những dại khờ, va vấp. Nhưng nếu phải nói gọn lại trong một câu, thì tôi sẽ nói rằng: đó là hai mươi năm hạnh phúc của đời tôi.

(Vài dòng lộn xộn, để ghi nhớ một ngày quan trọng trong đời.)

Monday 15 June 2009

Chiếc áo của Apollo

Láng giềng của Simon là Apollo – một người không đoán được tuổi, gầy và ít nói. Anh đứng trước nhà và đang là áo trên bàn. Anh có chiếc bàn là than to, cũ và rỉ sét. Cái áo còn cũ hơn. Để miêu tả nó, phải dùng đến ngôn ngữ của các nhà phê bình nghệ thuật, của những người theo chủ nghĩa hậu hiện đại đỏng đảnh, các chuyên gia của chủ nghĩa tuyệt đỉnh, nghệ thuật thị giác và chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng. Đó chính là tuyệt tác của nghệ thuật ghép vải, nghệ thuật phi hình, nghệ thuật cắt dán và nghệ thuật quần chúng, là màn biểu diễn trí tưởng tượng tót vời nhất của những người thợ may mà chúng tôi đã đi ngang trên đường từ Kampala đến đây. Bởi vì chiếc áo này hẳn đã phải thủng không biết bao nhiêu lần, có không biết bao nhiêu miếng và mẩu của đủ thứ vải, màu và chất liệu khác nhau, đến mức không cách gì xác định được màu sắc và chất vải của cái áo thủy tổ nguyên bản đầu tiên, cái áo đã khởi đầu cho cả quá trình sửa đổi, biến hình dài lâu mà kết quả của nó giờ đây đang nằm trước mặt Apollo trên cái bàn dùng để là quần áo.

(Trích Gỗ Mun, R. Kapuściński)

Sunday 14 June 2009

Ảnh mới nhận



Xem ra dư âm của hội nghị vẫn còn :) Đây là 2 bức ảnh chụp các dịch giả Kapuściński mình vừa nhận được (click vào ảnh thì xem được rõ hơn). Ảnh của Book Institute, do Marta Jedras chụp. À, ở trong tấm ảnh bên trên có chị người Hàn Quốc đứng sau lưng mình tên là Estera Choi, hơn mình 4 tuổi, Head of the Literature Translation Department, Hankuk University of Foreign Studies. Chị này đã dịch Gỗ mun, bây giờ đang dịch Du hành cùng Herodotus, ngược với mình, nên 2 chị em trò chuyện rất nhiều. Bạn Marcus hết mong mình đoạt chức hoa hậu nhé :) Thôi an ủi bạn là mình chắc chắn đoạt chức á hậu của đoàn Việt Nam :))

Wednesday 10 June 2009

Giày số 19


(Một bức ảnh ở bảo tàng Auschwitz-Birkenau chụp cảnh những người Do Thái khi vừa mới đến trại)



Giày số 19
Đôi giày đầu tiên của con.

Mẹ ghé môi hôn
Gót chân con ấm hồng
Mẹ ghì sát vào lòng
Bàn chân con ngón thơm.

Triệu triệu tế bào thơ ngây
Reo mừng, hối hả
Kể cho mẹ nghe
Ước mơ về miền đất xa
Về những chân trời con sẽ đến
Những khát khao bay nhảy
“Con sẽ đứng sẽ đi sẽ vùng vẫy
Sẽ huy hoàng như một giọt sương sa”.(*)


Giày số 19
Nhỏ nhất trong các số giày.


Giày số 19
Dành cho những đôi chân
Đang chập chững tập đi
Những bước đầu tiên
Trên đời.

*
Oświęcim
Bảo tàng Auschwitz
Mẹ đứng lặng im
Nhìn hàng vạn đôi giày sau tủ kính
Đôi gần nhất (có lẽ là):
Giày số 19.

Thái Linh
(Oświęcim, 6-2009)

(*) Thơ Bùi Giáng

Tuesday 9 June 2009

Monday 8 June 2009

Các dịch giả của Kapuściński



Trên thế giới hiện nay có khoảng 60 dịch giả dịch các tác phẩm của Kapuściński. Trong đại hội lần này, các dịch giả có mặt đã có một buổi gặp gỡ rất thân mật với công chúng tối ngày 4.6.2009 tại trường Đại Học Sân Khấu nhân dịp xuất bản cuốn sách "Du hành cùng Ryszard Kapuściński, chuyện kể của mười bốn dịch giả". Khi kết thúc buổi gặp gỡ, các dịch giả và bà Bożena Dudko, người chủ biên cuốn sách, đã chụp ảnh lưu niệm.

Hàng đầu tiên (ngồi) từ trái sang phải:

  1. Giáo sư Silvano De Fanti (sinh năm 1949), chuyên ngành lịch sử văn học Ba Lan tại Đại học Udine. Dịch văn học Ba Lan từ 30 năm nay.
  2. Anna Rubio Rodon (1960), nhà sử học, giảng viên khoa Thư viện và Tư liệu Đại học Barcelona.
  3. Agata Orzeszek (1953), nhà phê bình văn học, giảng viên văn học Nga tại Đại học Barcelona. Hơn 20 năm dịch thuật.
  4. Giáo sư Wu Lan (ngồi phía sau), giảng dạy tại Trung tâm Ngôn ngữ và Văn Hóa dành cho Ngoại giao đoàn tại Bắc Kinh.
  5. Bożena Dudko (1963), nhà ngôn ngữ học, nhà báo, biên tập viên NXB Znak, người chủ biên 2 tập sách „Du hành cùng Ryszard Kapuściński”
  6. Abel A. Murcia Sorano (1961) nhà thơ Tây Ban Nha, hiện là giám đốc Viện Cervantes ở Kraków, tác giả của nhiều cuốn từ điển. Thành viên danh dự của Hội Nhà văn Ba Lan.
  7. Thái Linh

Hàng sau (đứng) từ trái qua phải:

  1. Ljubica Rosic (1944), nhà ngôn ngữ học, giảng viên văn học và ngôn ngữ Ba lan tại Belgrad, biên tập viên tạp chí dịch thuật „Mostovi”
  2. Szymaniak Włodzimierz (đứng phía sau), nhà ngôn ngữ học, phê bình văn học, giảng viên đại học ở Cộng hòa Cabo Verde
  3. Veronique Patte (1951), giáo viên tiếng Nga ở Paris
  4. Ewa van den Bergen-Malaka (1953)(đứng phía sau), dịch giả đến từ Hà Lan
  5. Erzsébet Szenyán (1943), giáo viên, biên tập viên văn học ở Budapest, đã dịch khoảng 40 cuốn sách văn học Ba Lan.
  6. Vera Verdiani (1935) người Ý, dịch văn học Ba lan từ 50 năm nay.

  7. Kovács István (đứng phía sau), giáo sư sử học ở Budapest.
  8. Biserska Rajcic (1940) người Serbia, 45 năm dịch thuật, đoạt giải Transatlantyk năm 2009 và nhiều giải thưởng khác.
  9. Giáo sư Nguyễn Chí Thuật, hiện đang giảng dạy tại Đại học Poznań, Ba Lan.
  10. Bozena Antoniuk, Ukraina
  11. Tomasz Barciński (1936), hiện đang sống ở Mỹ.
  12. Jurij Czajnikow, hiện đang sống ở Moscow.
  13. Ksenia Starosielska (1937), nhà phê bình văn học, biên tập viên ở Moscow, đoạt giải Transatlantyk năm 2008.
  14. Jerzy Sławomirski (1956) (đứng phía sau), nhà ngôn ngữ học, hiện đang sống tại Barcelona.
  15. Anders Bodegard (1944), nhà ngôn ngữ học, hơn 20 năm dịch thuật, hiện đang sống ở Thụy Điển. Nhờ các bản dịch của ông mà Wisława Szymborska đoạt giải Nobel văn học. Ông được trao tặng giải thưởng Transatlantyk năm 2007.
  16. Diana Kuprel (1963), biên tập viên, nhà văn, hiện đang sống tại Toronto, Canada.
  17. Nikolaj Jez (1948), phó giáo sư ngành văn học Ba Lan ở Đại học Lublana, thành viên ban giám khảo giải thưởng Gặp gỡ Văn học Quốc tế Vilenica.
Còn đây là ảnh (tranh thủ) chụp trong thời gian diễn ra các buổi thảo luận của đại hội:

Với GS. Nguyễn Chí Thuật, GS. Wu Lan và GS. Szymaniak Włodzimierz

Với Anders Bodegard (Transatlantyk 2006)


Sunday 7 June 2009

Giải thuởng TRANSATLANTYK


TRANSATLANTYK là giải thưởng thường niên quan trọng nhất của Book Institute dành cho dịch giả có nhiều đóng góp trong việc quảng bá văn học Ba Lan, trị giá 10.000 Euro. Giải thuởng Transatlantyk năm nay đuợc trao cho Biserka Rajcic, nữ dịch giả người Serbia, vượt qua 58 ứng cử viên. Bà sinh năm 1940. Trong sự nghiệp dịch thuật suốt 45 năm của mình, bà đã dịch 80 cuốn sách (trong số đó 70 cuốn đã đuợc in) với đủ các thể loại: thơ, văn xuôi, tản văn, các cuốn sách triết học, sân khấu học, chính trị học, sử học v.v. Bà đã dịch khoảng 300 tác giả Ba Lan xuất sắc nhất thuộc mọi thế hệ, trong đó có: Wisława Szymborska, Ryszard Kapuściński, Czesław Miłosz, Tadeusz Rózowicz, Zbigniew Herbert, Julia Hartwig, Leszek Kołakowski, Jerzy Stempowski, Tadeusz Miciński, Jan Kott, Witkacy, Tadeusz Kantor, Jerzy Grotowski, Maria Janion, Stanisław Lem, Adam Zagajewski, Ewa Lipska, Stanisław Baranczak, Ryszard Krynicki, Janusz Szuber…


Lễ trao giải Transatlantyk được cử hành long trọng tại Nhà Hát Cổ, Krakow đêm 5.6.2009. Tới dự buổi lễ có các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các nhà hoạt động văn hoá xuất sắc nhất Ba Lan cùng toàn bộ các dịch giả tham dự Đại hội quốc tế các dịch giả văn học Ba Lan lần thứ II.

Thursday 4 June 2009

Đại hội Quốc tế các dịch giả văn học Ba Lan lần thứ II


Đại hội do Book Institute tổ chức (dưới sự bảo trợ của Bộ Văn Hoá Ba Lan) khai mạc vào ngày 4.6.2009 tại giảng đường lớn của Đại Học Jagiellonski (truờng đại học cổ nhất Ba Lan và là một trong những truờng cổ nhất thế giới) ở Kraków - thủ đô văn hoá của Ba Lan. Đại hội kéo dài từ 4.6 đến 6.6.2009, với 215 dịch giả từ 56 nước tới dự.


Việt Nam với 5 dịch giả: Lê Bá Thự, Nguyễn Chí Thuật, Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Thị Thanh Thư và Nguyễn Thái Linh là một phái đoàn khá "hùng hậu". Trong ảnh từ trái sang phải là các dịch giả: Nguyễn Thị Thanh Thư, Lê Bá Thự, Nguyễn Chí Thuật, Nguyễn Thái Linh.


Các dịch giả chụp ảnh lưu niệm ở Villa Decius, chiều ngày 4.6.2009. Villa Decius là một tòa lâu đài nhỏ được xây dựng từ năm 1535 do các kiến trúc sư người Ý Bartolommeo BerrecciGiovanni Cini thiết kế. Từ những ngày đầu, Villa Decius đã là nơi gặp gỡ của giới trí thức, nghệ sỹ, văn hóa của Ba Lan. Truyền thống này được tiếp nối cho đến ngày nay.



Sau Villa Decius là khuôn viên xanh tuơi và một toà nhà rất đẹp. Hàng năm, các dịch giả có thể xin tài trợ của Book Institute để đến đây thực hiện công việc dịch thuật trong không gian yên tĩnh, thời gian có thể là từ một đến ba tháng.

Monday 1 June 2009

Ngày đầu tiên đi học




Ngày đầu tiên đi học
Hồi hộp biết bao nhiêu
Ba mẹ dặn dò nhiều
Nhớ làm sao cho hết!

Bàn tay ba nhẹ siết
Cho em thêm vững lòng,
Những người đi trên đường
Nhìn em cười khích lệ.

Trường mới sao to thế!
Bạn mới rõ là đông.
Em hớn hở vui mừng
Nhận ra vài bạn cũ.

Thôi đành – em tự nhủ
“Mình đã lớn thật rồi!”
Chẳng còn được rong chơi
Hôm nay em đi học.

Chắc là sẽ khó nhọc,
Chắc chẳng dễ dàng đâu...
Nhưng thôi, cũng không sao –
Em đã LÊN LỚP MỘT!

Thái Linh
(ngày Bonbon vào lớp một, 1.9.2008)