Tuesday 31 January 2012

Szymborska và viên Đại Pháp quan (Czesław Miłosz)


(Thái Linh dịch)

Đây là một bài thơ xúc động của Szymborska về nỗi ngạc nhiên mà tất cả chúng ta thuở nào đều từng có khi khám phá sự vận hành của thế giới. Ta hãy xếp bài thơ này vào miền ngây thơ mà đối với chúng ta vẫn luôn là quý giá. Nhưng về bản chất, bài thơ lại không ngây thơ.

Bởi khám phá „luật hấp dẫn” nghĩa là gì? Không gì xa lạ với các câu chuyện cổ tích hơn định luật này. Ta phải biết bứt lên khỏi mặt đất, ví dụ bay vút lên, hoặc nhảy qua cửa sổ và bay như Margarita của Bulgakov để tham gia vào Đêm Phù thủy, hay cưỡi chổi như Harry Porter. Cô bé con trong bài thơ của Szymborska đã đi trước Newton, người cũng ngạc nhiên vì quả táo rơi xuống đất và đã miêu tả điều này như một định luật. Nhưng định luật đó là gì? Cô bé con còn có rất nhiều khám phá ở phía trước, những khám phá đều dẫn đến một điều: rằng thời gian tồn tại và trong nó diễn ra sự lớn lên, trưởng thành, già đi và chết. Em cũng sẽ khám phá về sự mất mát những người thân bất khả vãn hồi. Em sẽ hiểu những chuyện đã rồi thì không thể thay đổi, bởi thời gian chỉ vận hành một chiều bằng sức mạnh của những sự kiện bất khả tư nghì. Nói cách khác, em sẽ biết rằng luật hấp dẫn có thể gọi khác đi là định luật của những điều tất yếu liên kết với nhau trong sợi dây xích nhân quả. Có thể nói rằng tất cả mọi thứ khác, toàn bộ thế giới thần tiên của những ấn tượng, âm thanh, màu sắc, xúc giác chỉ là sự trang hoàng diễm lệ mà phía sau nó, cái tất yếu ẩn mình.

Người ta ít suy nghĩ về tất cả những điều này, nhưng có một triết gia đã đặt câu hỏi: „Rồi, tôi làm văng cái cốc ra khỏi bàn, nó rơi xuống và vỡ. Những tại sao chúng ta lại học được cách coi điều đó là bình thường? Chẳng phải đó là thử thách cho ý chí tự do của chúng ta sao? Chẳng phải đó sự xâm phạm ý chí ấy một cách rõ ràng hay sao? Vì sao chúng ta phải vờ như điều đó không xúc phạm chúng ta? Vậy là chúng ta phải đầu hàng và giả vờ rằng chúng ta thích nó? Nhưng nếu luật tất yếu chi phối tất cả, thì có nghĩa là ngay ý muốn của Thượng đế cũng bị nó giới hạn? Tôi sẽ nói cho các bạn biết một sự thật mà chẳng ai muốn công nhận: rằng toàn bộ nền triết học, khởi đầu từ các triết gia Hy Lạp cổ đại, không gì khác hơn chính là chủ nghĩa khắc kỷ dưới các lớp giả trang khác nhau, bởi nguyên tắc của chủ nghĩa khắc kỷ là: hãy cười giễu và chịu đựng như chẳng có chuyện gì”. Triết gia ấy là Lev Shestov1. Thực ra, ông đã có tiền nhân - triết gia Đan Mạch Soren Kierkegaard, người có tinh thần gần gũi với ông. Kierkegaard cho rằng bất chấp những sự hiển nhiên, chúng ta phải tin vào tự do vô tận của Thượng đế, người nếu muốn có thể hành động trái ngược với các luật lệ của vạn vật. Thậm chí ngài có thể xoay ngược dòng chảy thời gian để những điều đã xảy ra trở nên vô hiệu và trả lại Regina Olsen2 cho ông. Kierkegaard, cũng như Shestov, là kẻ thù với mọi biến thể của chủ nghĩa khắc kỷ, kể cả những biến thể dưới lớp mặt nạ của việc quy thuận các quy luật lịch sử, và tất nhiên là ông không chịu đựng nổi Hegel.

Song chúng ta hãy đi tiếp theo cái mạch ẩn giấu dưới các thử nghiệm của cô bé con. Shestov là nhà nghiên cứu nhiệt thành về những nọc độc ẩn giấu trong các tác phẩm của Dostoyevsky. Trong „Bút ký dưới hầm”, Dostoyevsky sáng tạo ra nhân vật „người dưới hầm”, một nhân vật kinh tởm, bẩn thỉu và đố kị, nhưng ông lại khiến hắn trở thành người chuyên chở một sự thật tàn bạo. Sự thật rằng trái đất lệ thuộc vào những sợi xích nhân quả, rằng trái tim con người nổi loạn chống lại điều đó song chẳng làm được gì, và con người chỉ còn lại một việc duy nhất là kêu lên sự phản kháng của mình. „Người dưới hầm” kêu lên: „tôi không muốn, tôi không muốn cái điều tất yếu có lý, tôi không muốn hai với hai là bốn. Tôi chỉ có ý chí tự do của mình để chống lại trật tự của mặt đất này. Nhưng tôi sẽ nói lên sự bất đồng của mình đến cùng.” Ở đây, Dostoyevsky nói ra cái điều ông đã thể hiện trong bức thư nổi tiếng gửi bà Fonvizin3, nơi ông viết: nếu tất cả những gì khoa học chứng minh về sự tất yếu của vạn vật trái ngược với các yếu tố siêu tự nhiên mà hiện thân là Chúa trong sách Phúc Âm, và nếu khoa học có lý, thì tôi không chọn nó mà chọn Chúa. Có thể sự phản kháng nguy hiểm một cách cực đoan ấy là chìa khóa cho toàn bộ sáng tác của Dostoyevsky. Và ông hồ như yếu đuối khi nói về niềm tin, bởi Ivan Karamazov – gần như là một bản sao của ông – đã đặt ra „Huyền thoại về viên Đại Pháp quan”. Đó là truyện ngụ ngôn mà chiều sâu của nó đôi khi được so sánh với những gì ghi trong sách Phúc Âm. Viên Đại Pháp quan, sản phẩm trí tưởng tượng của kẻ vô thần Ivan, đã cai trị xã hội do hắn tổ chức, khi hắn đi đến kết luận rằng Kitô đã lầm. Khi bị con quỷ trên sa mạc cám dỗ, Kitô đã từ chối ba cám dỗ của hắn. Tất cả chúng ta đều cho rằng việc đá không thể biến thành bánh mì là điều hiển nhiên và rõ ràng. Kẻ cám dỗ kêu gọi quyền năng linh thánh của Kitô hãy phá vỡ điều hiển nhiên này và biến đá thành bánh mì. Nếu Kitô thực hiện điều đó, ngài có thể trở thành ân nhân của loài người và có thể nuôi sống hết những người đói ăn. Nhưng ngài đã từ chối cám dỗ này. Tiếp theo, kẻ cám dỗ đưa ngài lên nóc đền thờ và thách ngài nhảy xuống dưới, vì các thiên thần sẽ giữ ngài lại. Một lần nữa con quỷ lại kêu gọi nổi loạn chống lại sự hiểu biết hiển nhiên của chúng ta về sự rơi của mọi vật xuống mặt đất. Một lần nữa Kitô lại kháng cự được cám dỗ và chỉ ra rằng ngài chẳng muốn liên quan gì đến những điều hiển nhiên trần thế. Và cuối cùng là cám dỗ thứ ba, nhắm đến bản tính người trong Kitô, như đã biết, là bản tính trước nhất khao khát quyền lực. Từ chối việc giành được quyền lực đối với tất cả các vương quốc trên thế gian, tương tự như việc từ chối biến đá thành bánh mì, biểu hiện việc Kitô từ bỏ sự tạo dựng một xã hội hạnh phúc lý tưởng. Nếu đã như thế, viên Đại Pháp quan nghĩ, thì tôi sẽ thiết lập một trật tự thuận với tất cả những điều rõ ràng, hiển nhiên và bất di bất dịch, kể cả thuận với thực tế rằng con người là những nô lệ bẩm sinh và họ chỉ có thể hạnh phúc khi có ai đó bảo đảm cho họ cái ăn và sự an toàn, dẫu rằng không có tự do. Khi Kitô giáng thế lần nữa, viên Đại Pháp quan bỏ tù ngài, vì sự có mặt của người khách này đe dọa gây ra rối loạn cho trật tự đã được thiết lập. Cuối cùng hắn thả ngài ra và yêu cầu ngài đừng trở lại thêm lần nào nữa. Kitô không nói gì, chỉ đặt lên má viên Pháp quan một nụ hôn. Kẻ vô thần Ivan đã đưa vào ngụ ngôn này viễn cảnh tiên tri của một xã hội lý tưởng được xây dựng bởi những người cộng sản. Thậm chí có thể diễn giải nụ hôn bí ẩn của Kitô như là hành động thương hại của ngài công nhận thiện ý của các nhà cách mạng khi họ lao động vô ích.

Tại đây tôi nhớ đến trường ca „Mười hai người” của Aleksandr Blok, trong đó trên trán những người lính hồng quân „mang vòng hoa hồng bạch trước Chúa Giê-su”. Và một liên tưởng nữa: sự hiển nhiên của các định luật trong thế giới này chính là điều Simone Weil4 từng gọi là pesanteur, sức nặng. Bà là người theo  tất định luận cực đoan, bà cho rằng tất cả mọi thứ, kể cả đời sống tinh thần của con người, đều giải thích được bằng các nguyên nhân có thể khám phá. Ngoại lệ duy nhất là thiên ân chống lại sức nặng ấy, và như vậy hồ như đó là nụ hôn im lặng của Kitô trên gương mặt viên Đại Pháp quan.

Như đã thấy, sau bài thơ vô tội của Wisława Szymborska ẩn giấu một vực thẳm mà ta có thể rơi mãi vào đó gần như vô cùng, một mê cung tăm tối mà dù muốn dù không chúng ta vẫn ghé thăm trong cuộc đời mình.

(theo tạp chí Dekada Literacka, số 5-6 năm 2003)

---------

1Lev Shestov (1866-1935) – triết gia và nhà văn Nga, một trong những tiền khu của chủ nghĩa hiện sinh. Sau cách mạng 1917 sống lưu vong ở Tây Âu
2Regina Olsen – người yêu thời trẻ của Kierkegaard, đã chia tay với ông vì thấy ông yêu triết học hơn nàng
3Bà Fonvizin – vợ một nhà cách mạng tháng Chạp (1825) từng tiếp xúc với Dostoyevsky. Miłosz nhắc đến bức thư nổi tiếng của Dostoyevsky gửi bà, viết vào cuối 1853
4Simone Weil (1909-1943) – nữ nhà văn và triết gia Pháp. „Sức nặng và thiên ân” là tên một tác phẩm nổi tiếng của bà

*Czesław Miłosz (1911-2004) – nhà thơ lớn của Ba Lan, nhà viết tiểu luận, nhà văn, dịch giả, nhà ngoại giao, luật gia, nhà nghiên cứu lịch sử văn học, giải Nobel văn học năm 1980

Cô bé con kéo tấm khăn trải bàn (Wisława Szymborska)

Thái Linh dịch


Em đã hơn một năm trong thế giới này,
nhưng mọi thứ trong thế giới này còn chưa được xem xét hết
và chưa trong tầm kiểm soát.

Bây giờ cần thử nghiệm các đồ vật
không thể tự chuyển động.

Cần phải giúp đỡ chúng
phải đẩy, phải xê,
lấy ra và mang đi.

Không phải thứ nào cũng muốn như thế,
ví dụ bàn, tủ đứng, các bức tường ngoan cố, tủ búp phê.

Nhưng tấm khăn trên cái bàn bướng bỉnh kia
- nếu túm chặt được vào mép -
thì tỏ vẻ muốn đi.

Trên khăn trải bàn nào đĩa, nào li,
bình đựng sữa, bát, thìa,
rung rinh lên vì thích.

Thật tò mò muốn biết,
chúng sẽ chọn chuyển động nào
khi ra đến mép:
lang thang trên trần nhà?
bay quanh bóng đèn?
nhảy lên bệ cửa sổ, rồi tót lên cây?

Ông Newton còn chưa can dự gì vào đây.
Thây kệ ông ấy từ trên trời vẫy tay nhìn xuống.

Cuộc thử nghiệm này cần phải được thực hiện.
Và sẽ được thực hiện.

Monday 2 January 2012

Utopia (Wisława Szymborska)


Thái Linh dịch


Một hòn đảo, nơi mọi thứ đều rõ ràng.

Có thể đứng vững vàng trên nền luận chứng.

Ngoài đường dẫn đến mục tiêu, không còn con đường nào khác.

Các lùm cây trĩu xuống vì những lời giải đáp.

Nơi đây cây Tiên Đoán Anh Minh mọc lên
cành chằng chịt vĩnh hằng.

Cây Thấu Hiểu thẳng tắp đến kinh ngạc
bên dòng suối mang tên À Ra Là Thế.

Càng vào sâu trong rừng, càng thấy mở rộng thêm
Thung Lũng Hiển Nhiên.

Nếu có chút Nghi Ngờ, gió sẽ xua tan.

Không cần gọi Tiếng Vọng cất liên hồi
và hăng say giải thích mọi bí mật thế giới.

Bên phải là hang động, có Ý Nghĩa trú ngụ bên trong.

Bên trái là hồ Xác Tín Sâu Sắc.
Từ đáy hồ trồi lên Chân Lý, nhẹ bơi trên mặt nước bập bềnh.

Niềm Tin Không Chuyển Lay trong thung lũng cao vượt hẳn lên,
Từ trên đỉnh thấy mồn một Bản Chất Sự Vật.

Dẫu đầy vẻ đẹp tươi, đảo vẫn không người,
nhưng thấy có những dấu chân bên bờ nước,
không dấu chân nào không hướng ra biển khơi.

Dường như từ nơi đây người ta chỉ ra đi được mà thôi
Để chìm vào lòng nước sâu, bất khả qui hồi.

Chìm vào cuộc đời không sao dò thấu.