Tuesday 18 October 2011

Bất khả tự vệ nơi vô tận hoang vu



Moses Isegawa (*)

Thái Linh dịch


Ryszard Kapuściński giống như con mèo chín mạng trong ngạn ngữ. Chúng ta có thể xem mình là những người may mắn, bởi Kapuściński đã miêu tả câu chuyện đời ông trong "Gỗ mun", một cuốn sách phi thường – sâu sắc, uyên áo, đầy ắp những sự kiện lịch sử, những cuộc phiêu lưu, đầy hóm hỉnh và những "Kapuściński luận" điển hình, khiến cho ngay cả một đầu óc không lấy gì làm thông minh cũng học được những điều cơ bản của lịch sử châu Phi theo cách của Kapuściński.

Kapuściński không phải là nhà du hành đầu tiên chứng kiến nhiều cuộc đảo chính, cách mạng và chiến tranh, khi tính mạng ngàn cân treo sợi tóc. Nhưng rất ít người có khả năng kể về điều đó một cách sâu sắc, đẹp và đầy cảm thông đến thế. Châu Phi may mắn vì đã mở cánh cửa cho con người này, vừa hành hạ ông bằng bệnh sốt rét và lao phổi, nhưng đồng thời cũng vừa trao cho ông vô số bí mật của mình. Châu Âu cũng may mắn vì đã dễ dàng đến được với kho báu của ngòi bút Kapuściński, bởi ông thấm vào vào tâm hồn người đọc như một vị phù thủy. Trong số rất nhiều cuốn sách xuất bản năm nay, không mấy cuốn có thể sánh được với viên ngọc trai này, cuốn sách vượt ra ngoài giới hạn về thể loại của mình.

Những gì Kapuściński sáng tác càng đáng khâm phục bội phần khi chúng ta ý thức được rằng mọi nhà văn khi đã gần thất thập đều giống như một con thú cô đơn, một con trâu lìa bầy, sợ hãi tương lai, bị bóng ma của tử thần đang đến gần vây bủa, bị hành hạ vì những nuối tiếc một thời vàng son đã qua. Sách của các nhà văn như thế thường thiếu sức sống, chúng u ám và èo uột như bờ miệng của một ông già bất đắc chí tẻ ngắt. Vậy mà Kapuściński viết như thể còn cả cuộc đời phía trước – smiling all the way to the bank. Ông thực sự tin rằng mình có thể thay đổi thế giới, rằng ông có thể "mê hoặc" mọi người, rằng ông có khả năng trao cho họ chiếc chìa khóa để mở ra các châu lục mà cho đến giờ với họ vẫn là bất khả thâm nhập.

Có thể so sánh ông với Ngugi wa Thiong'o về tâm huyết và lòng nhiệt thành mang tính sứ mạng, nhưng văn phong của ông nên thơ và vững chãi như văn phong Ben Orki. Giọng ông vang lên bên tai ta thật thân quen, ngay cả khi ta chưa từng đọc bất cứ tác phẩm nào của ông trước đó, và chúng ta tự hỏi: "Mình đã biết điều này từ đâu nhỉ?" Có thể gió đã mang lời ông đến cho ta, bởi ông không ưa trình bày các sự kiện khô khan, cũng không phải là một do thám viên đi tìm kiếm những nơi đáng cho bạn đọc đến nghỉ hè. Ông là vị phù thủy biết biến vài sự kiện được lựa chọn kỹ lưỡng thành vàng ròng lấp lánh. Các sự kiện chỉ là thứ phân bón để ông vun trồng sự thông hiểu cho hành tinh muôn mảnh vỡ của chúng ta, hành tinh với hàng nghìn lớp chồng chất khác nhau, nơi với đa số mọi người thực tại kết thúc nơi bậc cửa nhà họ.

Tất cả các tác phẩm lớn đều tạo ta ngôn ngữ riêng của mình thông qua việc đặt vấn đề trong một ánh sáng mới. Desmond Morris đã làm như thế trong cuốn sách tiên phong "Con khỉ trần trụi". Jared Diamond thực hiện điều đó trong "Guns, Germs and Steel". Kapuściński cũng làm thế ở đây. Ông biết rằng với nhiều người lịch sử là rành mạch, được sắp xếp trật tự và cứng nhắc, rằng nó bị giam cầm chung thân trong các cuốn sách của thư viện công cộng. Ở đó có thể lướt qua nó chút xíu, có thể phân tích các cuộc chiến tranh, tìm nguyên nhân, diễn biến, hậu quả và một cái gì đó kiểu "rồi họ sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long".

Trong châu Phi của Kapuściński, lịch sử như một thiên thạch từ trên trời rơi xuống giữa thanh thiên bạch nhật, đột nhiên chế ngự người ta như căn bệnh sốt rét – một cơn ác mộng vô thủy vô chung. Cho dù nguyên nhân chiến tranh nằm ở chế độ nô lệ (như trường hợp cuộc chiến tại Sudan hay xung đột tại Liberia), ở các căng thẳng sắc tộc (như tại Nigeria hay Rwanda), hay ở chủ nghĩa thực dân hoặc chủ nghĩa thực dân mới (như tại nhiều vùng khác của châu Phi), thì chúng đều vươn ra tứ phía như những vòi bạch tuộc, không ngừng thay đổi hình dạng, màu sắc và bộ da, để rốt cuộc các warlord lợi dụng tình hình và đưa toàn bộ vấn đề phức tạp trở thành cuộc chiến vì bát cơm.

Ai có vũ khí, kẻ đó nhận được thức ăn trước tiên, và hắn quyết định ai được xếp hàng tiếp theo, ai bị rớt khỏi hàng. Warlord – con rối của lịch sử – có một lượng dự trữ khá lớn thanh niên và trẻ em bản xứ, những người có thể làm tất cả mọi chuyện vì một nắm thức ăn. Sự dư thừa thanh thiếu niên và nền công nghệ cho phép ngay cả trẻ con cũng có thể sử dụng súng máy đã gây ra nhiều cuộc cách mạng. Trong cái thế giới nơi các sự kiện không được ghi lại, không có nhật ký, nơi tất cả những gì phai nhòa trong ký ức cũng biến mất khỏi thực tại, con bạch tuộc của lịch sử trở thành tất cả và không gì cả, cho đến khi nó rơi vào quên lãng hoặc bị nghiền nát bởi một xung đột mới hay nối tiếp xung đột cũ.

Châu Phi của Kapuściński là trò chơi của các thế lực tự nhiên. Ở đó thiên nhiên ngự trị một cách tàn bạo, dã man và điên cuồng. Mặt trời không mọc, chỉ như mũi tên bắn lên trời, nơi từ đó nó hành hạ những con người chân đất khốn cùng bị giam cầm trong không gian mênh mông. Mưa là cơn hồng thủy quét sạch nhà cửa mùa màng. Những trận hạn hán thiêu cháy tất cả chỉ chừa ra con người và nước.

Kapuściński đã đến các làng quê không có vườn tược, những ngôi làng không có lấy một con chim hay súc vật nào, không một ngọn cỏ nhành hoa, nơi con người chỉ sống để tìm thức ăn và nước uống. Ông đã đến những nơi cái cây làm nên thánh đường, còn các con đường là một nhà mồ vĩ đại. Con người bơ vơ bất khả tự vệ trong những không gian hoang dã vô tận, trong hoang vu khôn cùng, bị bệnh sốt rét, cái nóng và cái đói hành hạ. Đối mặt với sự thiếu thốn nền tảng xã hội cơ bản, một người châu Phi của Kapuściński gắn bó với những người ruột thịt, với tổ tiên, các thần linh và Đấng Tối cao chỉ bằng sợi dây tinh thần.

Trong cuộc sống của Kapuściński, Người Khác, Người Lạ đóng một vai trò quan trọng. Kapuściński truy dấu con đường quanh co mà những kẻ buôn nô lệ đã đi qua. Chúng đã thử cướp đi nhân tính của Người Khác, để nô dịch họ, giết chóc, hủy diệt mà không để mình bị suy suyển tài sản hay sự bình an về tinh thần. Người Khác thường bị ấn định theo sắc tộc, như vậy dễ dàng hơn, bởi không phải viện đến quả cầu thủy tinh để có thể chỉ ra hắn, đổ lên đầu hắn những điều bịa đặt tồi tệ, để hủy diệt và bóc lột. Đôi khi Người Khác mang cùng màu da, nhưng điều đó không có nghĩa anh ta sẽ bị tiêu diệt với ít hằn học hơn.

Từ khái niệm Người Khác nảy sinh một loại chủ nghĩa apartheid đã giam cầm người da trắng trong những khu xa hoa của các thành phố, và người da đen trong bùn, đầm lầy hay những khu nhà lụp xụp khô cằn, thiếu khí. Kapuściński - thường xuyên là người da trắng duy nhất trong một ngôi làng châu Phi, trong các khu ổ chuột hay trong đoàn xe hộ tống trên sa mạc - đấu tranh chống lại việc biến Người Khác thành quỷ dữ. Ông phản đối chủ nghĩa apartheid có mặt ở khắp nơi, ở Dar es Salam hay nơi nào khác. Ông thuê phòng trong khu ổ chuột Nigeria, chữa bệnh ở trạm xá dành cho các cư dân da đen ở Tazania, xếp hàng cạnh phụ nữ và trẻ con để lấy nước.

Ông không quan tâm đến chủ nghĩa apartheid ở Nam Phi. Ông quan tâm đến chủ nghĩa apartheid ở Liberia, đã có sớm hơn từ trước và đưa Người Khác đến chỗ phi lý. Các nô lệ được giải phóng, khi còn ở Mỹ từng là những Người Khác, ở Liberia đã đảo ngược vai trò: chúng tước quyền công dân của chín mươi chín phần trăm dân chúng, giam họ trong các getto, giết họ trong các cuộc chinh phạt cướp bóc và đến tận sau năm 1920 còn bán họ làm nô lệ. Người ta bị cách ly như trong các tàu du hành vũ trụ. Một trăm mười một năm sau diễn ra cái kết đẫm máu bi thảm của chính thể chuyên chế những nô lệ được giải phóng, nhưng sau đó thiên đường cũng chưa bắt đầu. Một Người Khác mới lại được tạo ra. Kapuściński chỉ ra rằng mỗi người đều có thể trở thành Người Khác, rằng chúng ta sẽ không bao giờ loại bỏ được hoàn toàn chủ nghĩa apartheid, và rằng cái xấu xuất phát từ chính bên trong – đó là số phận của con khỉ trần trụi.

Sau nhiều năm Kapuściński đi đến kết luận rằng không có châu lục nào phức tạp như châu Phi, nơi việc đổi cái thước loga thành quả cầu thủy tinh và ngược lại diễn ra còn nhanh hơn là một ngôi sao kịp mờ. Dưới những điều thường nhật ẩn giấu các bí mật và cần thận trọng khi đưa ra những kết luận vội vã. Từ ngữ giống như con kỳ đà: "độc lập" mang hàng nghìn bộ mặt khác nhau đối với hàng nghìn người. Và mỗi người đều có lý: có thể nói châu Phi đang hỗn loạn và có thể dễ dàng chỉ ra điều đó. Cũng có thể nói ở châu Phi đang thanh bình – một số vùng thanh bình đến mức mọi người đã quên mất chúng.

Đó là một thế giới bất khả thâm nhập, nơi quân đội bốn trăm nghìn lính được vũ trang bằng mọi vũ khí đạn dược tối tân của Nga bị trao vào tay đám quân du kích chân đất dốt nát, nơi anh công nhân bướng bỉnh người Uganda có thể một mình gây ra cuộc cách mạng kết liễu nền chuyên chế kéo dài nhiều thế kỷ ở Zanzibar.

Không thể tóm tắt châu Phi trong một từ. Nó tồn tại và chỉ tồn tại trong hằng hà sa số các biến thể, mang các gương mặt, hình dạng và tập quán khác nhau. Có thể gọi nó như vậy như một đơn vị địa lý, tựa cách gọi Chúa của người Do Thái và người Cơ đốc, nhưng cũng như Chúa, không cách gì chạm được vào nó. Nó tan ra, thay đổi như con bạch tuộc, khi mà mỗi nhóm người hay vùng đất lớn một chút đều có nền văn hóa khác biệt, đều có thể đem tới điều gì đó lạ thường. Mười nghìn vương quốc, liên bang và lãnh thổ của các bộ lạc bị sát nhập tại hội nghị Berlin tai tiếng (1878) vẫn luôn được nhận diện trong tấm chắp vá của năm mươi quốc gia châu Phi bị phân chia. Ai không chấp nhận điều này mà cứ cố khái quát hóa và suy nghĩ bằng các khuôn mẫu, định kiến, kẻ đó sẽ trắng tay.

Hãy cảnh giác, hỡi các chuyên gia về châu Phi! - cây bút bậc thầy nói. Để có thể thấu được điều gì đó ở đây, cần có một cái kính viễn vọng. Đây là nơi chốn của những người kiên nhẫn, minh triết, làm việc có hệ thống. Ai kiếm tìm những lời giải đáp dễ dãi tốt hơn nên ở lại châu Âu, nơi mọi thứ đều đã được ghi lại. Ở châu Phi nghèo đến mức rác rưởi – những thứ ở nhà hẳn bị vứt ngay không đắn đo – cũng có thể quý hơn vàng. Cái áo, cái bát, cái can đôi khi là cả gia tài. Ở đó, nơi sợi lông gà trống có thể là tấm hộ chiếu để tới thiên đường, bản chất của sự vật luôn bị giấu kín.

Người nào không có sự nhạy cảm đối với kiểu tâm lý này, tốt hơn nên gói gém các tấm bằng của mình và quay về London mù sương. Châu Phi là nơi có sức tưởng tượng tột bậc, nơi cả thành phố được dựng nên không một chiếc đinh, không một viên gạch hay một tấm sắt, nơi người ta biến đi như ma, nơi trên đường ray xe lửa đột nhiên xuất hiện các chủ quầy hàng, nơi cái hố trên đường mời gọi các khả năng đầu tư đưa một xóm nhỏ yên tĩnh vào quỹ đạo của sự phát triển nhanh chóng, nơi các thầy tu như những bác sĩ phẫu thuật tiến hành cuộc cấy ghép nỗi cắn rứt lương tâm của châu Âu vào các giáo dân đang đong đưa hát, nơi các thánh đường được tạc từ đá núi nằm sâu dưới mặt đất, và nơi có những xứ sở ngầm dưới đất.

Mấy mươi năm trước, Kapuściński đã lâm bệnh. Ông cầu xin để không bị trả về Ba Lan. Ông muốn chữa bệnh lao phổi ở Tanzania, trong trạm xá dành cho người da đen. Nhờ bệnh tật, ông đã có thể chiến thắng sự phân biệt chủng tộc. Ông đã không còn là một người da trắng hùng mạnh, một con quỷ từ những cơn ác mộng vẫn ám ảnh người dân da đen, mà là một con vượn người yếu đuối ho ra máu và nháy đựng lên khi bị mũi tiêm đâm vào mông.

Ông đã khám phá tác dụng kỳ diệu của nụ cười, vẻ đẹp của những ngôi làng mọc lên lộn xộn, khám phá những chiếc xe tải kéo, những khu trại cho người cùng khổ. Nhờ thế, từ rất gần, ông làm quen với nỗi sợ hãi mà người châu Phi mang trong mình, có thể thâm nhập sâu vào tâm hồn họ. Ông phẫn nộ với nền độc tài quần chúng, đám ăn cướp, lái buôn nô lệ, hải tặc, những kẻ đầu tiên đặt mối liên hệ với châu Phi. Những kẻ như Stanley, với sự man rợ của chúng, cai trị bằng cướp bóc và dối trá, khiến ông khinh bỉ.

Việc loại người này đã hình thành bức tranh của châu Âu về các dân tộc và nền văn hóa khác khiến ông tràn đầy ghê sợ. Ông gắng sức nhìn kỹ hơn, thấy được nhiều hơn, khám phá điều quần chúng kia không thấy được. Ông khẳng định sự bất khả trong việc miêu tả bằng các ngôn ngữ châu Âu những gì nằm ngoài châu Âu. Vì lẽ đó, ông thấy ghê tởm chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và những chứng loạn thần kinh đưa tất cả mọi thứ về màu da.

Ông đã mở cho chúng ta cánh cửa vào cuộc đời, những chuyến du hành và thi ca của ông. Hãy để cho các nhà văn châu Phi và châu Âu phải run rẩy, bởi chỉ một cuốn sách kiệt xuất nào khác mới có thể vượt qua được tác phẩm này về tầm cao. Hỡi các nhà văn, xin đừng trách là tôi đã không báo trước!

(Bài đăng trên NRC Handelsblad, số ra ngày 13.7.2001, bản dịch từ tiếng Hà Lan sang tiếng Ba Lan của Zofia Klimaszewska)

-----
* nhà văn Hà Lan gốc Uganda, có tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng.


.

Wednesday 12 October 2011

Những ghi chép về Chopin (André Gide) - phần 1




Gần đây, có một người bạn tôi nói rằng trước kia bạn không thích Chopin lắm mặc dù cũng hay nghe, nhưng sau khi đến thăm Ba Lan (trong vài ngày ngắn ngủi), bạn mới hiểu Chopin hơn. Điều này có lẽ cũng lý giải cho lòng yêu mến Chopin của tôi, một người đã sống trong không gian này trong suốt hơn hai mươi năm, bầu trời này, mặt đất này. Bạn khiến tôi nhớ đến lời André Gide, người cũng yêu mến Chopin và đã dành cho ông nhiều thời gian hơn bất cứ nhạc sỹ nào khác, được ghi trong một cuốn sách nhỏ tôi đọc đã lâu: "Bởi một định mệnh lạ lùng nào đó, không tái diễn với bất kỳ ai khác, Chopin càng vuột đi khi càng có nhiều người ra sức tìm hiểu ông". Có lẽ phải thêm vào như thế này: "Chopin càng vuột đi khi càng có nhiều người ra sức tìm hiểu ông mà chưa đến Ba Lan":)
(Và chợt nhớ cái chạnh lòng khi đọc một câu nhỏ Claude Lévi-Strauss nhắc đến Chopin, hình như trong "Nhiệt đới buồn").

Cuốn sách được viết từ những năm 30, với những nhận xét tinh tế, nhiều khi bất ngờ, đến giờ vẫn đầy thuyết phục và không lạc hậu ấy, chính là "Những ghi chép về Chopin".

Tôi sẽ tranh thủ thời gian dịch cuốn sách này, như một sự chia sẻ với bè bạn và lưu giữ ở đây. Về dịch thuật, chắc chắn không tránh khỏi sai sót, nhất là về từ ngữ trong âm nhạc là lãnh vực mà tôi không chuyên, mong được mọi người thông cảm và góp ý.

Thái Linh

***


Tôi dự định cho ra đời „Những ghi chép về Chopin” của mình từ năm 1892. Từ đó, gần bốn mươi năm đã trôi qua. Đúng ra khi ấy tôi định sẽ viết „Những ghi chép về Schumann và Chopin”. Ngày hôm nay, việc so sánh hai tên tuổi này khơi lên trong tôi sự khó chịu như Nietzsche đã cảm thấy khi so sánh „Goethe và Schiller”. Thời ấy tôi ngỡ có thể nói nhiều về Schumann, nhưng rốt cuộc càng ngày tôi càng cảm thấy ông ít quan trọng hơn.

Schumann là nhà thơ. Chopin là nghệ sỹ, điều hoàn toàn khác biệt, nhưng tôi sẽ lý giải sau.

Bởi một định mệnh lạ lùng nào đó, không tái diễn với bất kỳ ai khác, Chopin càng vuột đi khi càng có nhiều người ra sức tìm hiểu ông. Người ta có thể chơi Bach, Scarlatti, Beethoven, Schumann, Liszt hay Faure với ít hay nhiều thành công hơn. Không thể xuyên tạc ý nghĩa những bản nhạc của họ khi hơi sai nhịp. Chỉ có thể phản bội Chopin, một cách sâu sắc, tại tâm và hoàn toàn tự nhiên.

Các bạn đã bao giờ từng nghe một diễn viên xướng Baudlaire như thể đó là Casimir Delavigne hay chưa? Người ta chơi Chopin như thể đó là Liszt. Họ không hiểu được sự khác biệt. Và như thế, Liszt đã được tôn lên cao hơn. Người trình diễn có thể bắt được điều gì đó và say sưa điều gì đó. Nhờ anh ta, có thể hợp nhất với Liszt. Chopin thì hoàn toàn vuột khỏi anh ta và điều đó tinh tế đến mức thính giả thậm chí còn chẳng đoán ra.

Tương truyền Chopin khi ngồi xuống trước dương cầm luôn gây ấn tượng rằng ông đang ứng tác. Hồ như ông đang không ngừng tìm kiếm, sáng tác, dần dần khám phá tư tưởng của chính mình. Sự phân vân đầy quyến rũ ấy giờ đây đã là bất khả, khi bản nhạc được trình tấu không phải trong từng bước hình thành, mà đã như một tổng thể hoàn hảo, khách quan và khép kín. Tôi không thấy ý nghĩa nào khác trong các nhan đề Chopin đặt cho vài trong số những bản nhạc trang nhã nhất của ông: Impromptus. Không thể cho rằng Chopin ứng tác với nghĩa đen của từ này. Không. Nhưng quan trọng là chúng phải được chơi theo cách mang lại ấn tượng như thế, nghĩa là với một sự thiếu khẳng quyết nào đó – tôi không dám nói là với sự uể oải – nhưng dẫu sao cũng là thiếu cái khẳng quyết mang theo những nhịp nhanh. Đó là cuộc diễu hành của những khám phá, và người chơi không nên khơi khơi khiến mọi người hiểu rằng anh ta biết trước những điều mình sẽ nói, rằng mọi điều đã được xuống bút viết sẵn rồi. Tôi thích những khi một đoạn nhạc đang dần hình thành dưới nhưng ngón tay của người chơi tưởng như rời khỏi anh ta, khiến chính anh ta phải ngạc nhiên và mời chúng ta đến với niềm vui thích của mình. Thưa dương cầm thủ, anh muốn tôi phải trải nghiệm cảm xúc gì ngay cả trong một bản nhạc táo bạo như Etude op. 25 no 11 cung La thứ mãnh liệt và bão táp, nếu chính anh chẳng trải nghiệm một cảm xúc nào hết và cũng không khiến tôi cảm thấy anh đang trải nghiệm khi bất thần bước vào La giáng trưởng, ngay sau đó là Mi trưởng tựa tia nắng mặt trời đột nhiên kết thúc bão táp mưa sa, nếu bằng sự khẳng quyết của mình anh khiến tôi hiểu rằng anh biết trước điều đó, rằng rất cả đều đã được chuẩn bị sẵn? Mỗi sự chuyển điệu trong âm nhạc Chopin, không bao giờ nhàm chán và luôn luôn bất ngờ, đều phải ẩn chứa và giữ gìn cái tinh khôi ấy, thậm chí là cảm xúc e sợ đồng hành với điều mới mẻ kinh ngạc, với niềm bí ẩn của sự quyến rũ sét đánh, nơi tâm hồn được đặt trước những con đường chưa vết chân qua, nơi từ đó bức tranh phong cảnh sẽ dần hé lộ.

Bởi vậy, hầu như khi nào tôi cũng thích âm nhạc của Chopin nói với chúng ta bằng giọng khe khẽ, gần như thì thầm, không bùng nổ (tất nhiên ngoại trừ một vài tác phẩm, chủ yếu các bản scherzo và polonez), thiếu vắng sự khẳng quyết khó ưa của người biểu diễn, cái sự khẳng quyết sẽ cướp đi nét quyến rũ dễ thương. Những người từng được nghe Chopin đàn kể rằng ông đã chơi như thế. Dường như ông luôn luôn không đi hết tiếng đàn. Tôi muốn nói rằng ông hầu không bao giờ để cây đàn chắt ra âm thanh tròn đầy, do đó thính giả của ông thường cảm thấy thất vọng, họ nghĩ „mình không trả tiền để nghe như thế”.

Chopin đề nghị, giả thiết, gợi ý, thuyết phục; hầu như không bao giờ khẳng quyết.

Còn chúng ta, chúng ta càng chăm chú lắng nghe tư tưởng của ông, nó càng vuột mất. Tôi liên tưởng đến „sắc thái xưng tội” mà Laforgue đã ca ngợi ở Baudelaire.

Ai chỉ biết đến Chopin qua những người biểu diễn quá điêu luyện có thể xem ông như người cung cấp các bản nhạc chói sáng và hiệu quả mà có lẽ tôi sẽ chẳng thể chịu đựng nổi nếu chính tôi không đến được với ông sâu hơn, nếu ông đã không biết nói thầm với tôi: „Đừng nghe họ. Vì họ mà anh không còn có thể nói được điều gì nữa. Những gì mà họ đã gây ra còn khiến tôi đau khổ hơn anh. Tôi thà là một kẻ vô danh còn hơn bị nhìn nhận như người không phải là tôi.”

Tôi cảm thấy nực cười với những thính giả ngây ngất trước một số người chơi Chopin nổi tiếng. Có điều gì đáng thích thú trong cách chơi của họ? Chỉ còn lại những gì phổ biến và thế tục. Không còn gì nữa, như tiếng chim hót của Rimbaud, „lẽ ra phải bắt ngắt đi và điểm thêm một cái đỏ mặt”.

Những ghi chép về Chopin (André Gide) - phần 2
Những ghi chép về Chopin (André Gide) - phần 3
Những ghi chép về Chopin (André Gide) - phần cuối