Tuesday 1 November 2011

Những ghi chép về Chopin (André Gide) - phần 2

Thái Linh dịch

Tôi hay nghe người ta so sánh Beethoven với Michelangelo, Mozart với Correggio hay Giorgione... Mặc dù tự thấy việc so sánh các nghệ sỹ thực hành các ngành nghệ thuật khác nhau là vô nghĩa, tôi vẫn không thể ngăn mình và không thể không nhận thấy những nhận xét của tôi về Chopin rất thường dùng được cho Baudelaire và ngược lại. Cũng đã không ít lần, khi nói về Chopin, cái tên Baudelaire tuôn xuống ngòi bút tôi một cách rất tự nhiên. Các tác phẩm của Chopin được gọi là „âm nhạc không lành mạnh”. Người ta gọi „Những bông hoa ác” là „thi ca không lành mạnh” và tôi cho rằng bởi cùng một lý do. Cả hai người đều tìm kiếm sự hoàn hảo với sự chăm chút như nhau, cùng sợ hãi trốn tránh phép tu từ, tránh thuật diễn thuyết và hùng biện, song tôi muốn nói rằng cả hai người đều sử dụng cùng một thủ pháp gây bất ngờ và nhờ nó mà có những rút ngắn phi thường.

Khi trong đoạn đầu của Ballada op.23 in G-minor, ngay sau toàn bộ phần mở đầu, để dẫn vào chủ đề chính được lặp lại trong các gam khác nhau, sau vài nhịp lưỡng lự ở gam Fa trưởng (không có chỉ dẫn về cách chơi, chỉ có các âm chủ và các quãng năm), Chopin bất ngờ giáng một nốt Si giáng sâu, thình lình thay đổi bức tranh phong cảnh như cái chạm của chiếc đũa thần. Câu thần chú táo bạo này dường như sánh ngang với một vài phép rút ngắn của tác giả „Những bông hoa ác”.



Thêm nữa, tôi cho rằng trong lịch sử âm nhạc, Chopin chiếm vị trí (và vai trò) như Baudelaire trong lịch sử thi ca: cả hai người ban đầu đều không được người ta hiểu, vì những lý do như nhau.

Đấu tranh với hình ảnh sai lầm mới khó khăn làm sao! Ngoài Chopin của những người trình diễn, còn có Chopin của các thiếu nữ. Chopin quá đa cảm. Đáng tiếc, ông là như thế! Nhưng không chỉ như thế. Dĩ nhiên, có cả một Chopin ưu sầu đã chắt ra từ cây dương cầm những tiếng thổn thức nức nở. Khi nghe một vài những bản nhạc ấy, người ta có cảm giác Chopin không bao giờ ra khỏi gam thứ. Nhưng tôi thích thú và ngợi ca nơi Chopin điều này, rằng bằng gam thứ và vượt lên nó, Chopin lại đạt đến niềm vui. Chính là niềm vui chiếm ưu thế ở ông (Nietzsche cảm nhận được điều này rất rõ), niềm vui hoàn toàn không có gì giống với sự vui vẻ có phần hời hợt và thông tục của Schumann. Nó là niềm hạnh phúc có chút gì đó của Mozart, nhưng nhân tính hơn, tự tại thiên nhiên và hóa thân vào phong cảnh như cái mỉm cười từ cảnh bên suối trong Giao hưởng Đồng Quê của Beethoven. Tôi không cho rằng trước Debussy và một số nhạc sỹ Nga, âm nhạc đã từng thấm nhuần cuộc chơi của ánh sáng, tiếng nước chảy, tiếng gió, lá cây. Ông ghi sfogato. Đã có nhạc sỹ nào khác dùng từ này chưa, hay từng có ý định ấy, từng thấy cần biểu lộ bầu không khí, biểu lộ làn gió đang thổi đến và ngắt đi nhịp điệu, bất ngờ làm tươi mới và ngát hương ngay giữa khúc barcarole, hay chưa?

Những đề xuất âm nhạc của Chopin mới đơn giản làm sao! Ở đây, không thể so sánh với bất cứ nhạc sỹ nào trước ông. Họ (ngoại trừ Bach) giống các thi sĩ xuất phát từ cảm xúc, rồi sau đó tìm từ ngữ để thể hiện nó. Hoàn toàn ngược lại, giống như Valery xuất phát từ câu, từ – Chopin, như một nghệ sỹ tuyệt vời, xuất phát từ các nốt nhạc (điều này càng khiến người ta nói „Chopin ứng tác”), nhưng nhiều hơn Valery, ông cho phép cảm xúc con người làm chủ hoàn toàn và ngay lập tức những âm sắc đơn giản ấy rồi khai triển nó đến bến huy hoàng.

Thật vậy, Chopin - và đây là điều cốt yếu – cho phép các nốt nhạc dẫn dắt mình và cho phép chúng cho ý kiến lẫn nhau. Ông cân nhắc sức mạnh biểu cảm của từng nốt nhạc. Ông cảm nhận được nốt nhạc này hay nốt nhạc kia biến đổi ý nghĩa theo vị trí của mình trong gam và bằng cách bất ngờ thay đổi bè trầm, đột nhiên ông khiến chúng nói lên điều gì đó khác với những gì chúng nói ban đầu. Sức mạnh biểu đạt của Chopin nằm ở đó.


Thú thực tôi cũng không hiểu rõ tên gọi mà Chopin thích đặt cho các tác phẩm ngắn của mình – Prelude (khúc dạo đầu). Khúc dạo đầu cho cái gì? Chúng dẫn vào đâu? Sau mỗi prelude của Bach là đến tẩu pháp (fugue), chúng cùng nhau tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh. Tôi hoàn toàn không hình dung nổi tiếp sau prelude của Chopin là một bản nhạc cùng giọng, ngay cả khi của cùng tác giả, và cũng không hình dung được các prelude được chơi kế tiếp nhau. Mỗi prelude là một khúc dạo đầu vào suy tưởng và chúng không phải là các bản nhạc hòa tấu. Không ở đâu Chopin tỏ ra riêng tư hơn thế. Mỗi prelude, hay gần như mỗi prelude (mà một số là siêu ngắn) tạo ra một bầu không khí đặc biệt và dựng nên một phối cảnh của cảm xúc, rồi sau đó

biến mất như cánh chim chìm xuống. Tất cả im tiếng.


Không phải tất cả các prelude đều quan trọng như nhau. Một số bản đầy quyến rũ, các bản khác lại kinh khủng. Trong số chúng, không có những bản làng nhàng vô thưởng vô phạt.

Trong tất cả các bản nhạc của Chopin, Prelude đầu tiên (op. 28 no.1) là một trong những tác phẩm dễ bị làm hỏng nhất, và theo tôi, bị diễn giải sai lệch khủng khiếp nhất. Được ủy nhiệm agitato ghi ở đầu bản nhạc, hết thảy những người trình tấu (ít nhất là theo tôi biết) đều nộp mình cho các cử động điên cuồng và hỗn loạn. Tôi xin hỏi các bạn: liệu có thể chăng, ở ngay ngưỡng cửa của loạt tác phẩm này, trong một giọng giản dị và trong sáng nhất, Chopin lại muốn có những biểu lộ đầy bất an như thế? Các bạn hãy nghĩ đến bản Etiude op.10 đầu tiên vui tươi trong sáng xiết bao, cũng được viết ở giọng Đô trưởng. Hãy nghĩ đến hai prelude giọng Đô trưởng của Das Wohltemperierte Klavier. Tinh khiết làm sao, nhẹ nhàng làm sao, mời gọi an ủi xoa dịu một cách hiển nhiên. Hãy nghĩ đến các prelude cho đàn organ của Bach, cũng ở giọng này, nghĩ về tính chất lời mở đầu đặc biệt của chúng. Tôi hoàn toàn không có ý định liên tưởng giữa Prelude này của Chopin với các prelude của Bach. Nhưng tôi muốn thấy trong tác phẩm mở đầu tập nhạc này một mái cong cổng chào đơn giản, một lời khuyến khích gọi mời. Cũng giống như prelude đầu tiên trong Das Wohltemperierte Klaver của Bach thoạt tiên dâng hiến cho chúng ta một dòng nhạc rất trong, sau nhịp thở thứ nhất mới tiếp tục khai triển. Sự gấp gáp mạnh mẽ ban đầu cuốn lại thành một vòng tròn hoàn hảo – bốn nhịp ở Bach và tám nhịp ở Chopin, rồi sau đó trở về điểm xuất phát và lại một lần nữa phất cao cành cọ chiến thắng, mặc dù ngay lúc khởi đầu nó hầu như không cho thấy khả năng đó. Người trình diễn ra sức biến bản nhạc nạn nhân này thành một thứ hỗn loạn, điều đó khiến tôi khiếp đảm. Hoàn toàn ngược lại, tác phẩm này phải được chơi một cách thoải mái, không nên tạo ra cảm giác của bất kỳ sự căng thẳng đầu óc hay gắng sức nào. Không được làm mất đi giai điệu ý nhị kín đáo của phần trên dành cho hai ngón tay sau cùng, vốn chỉ lặp lại đồng âm giai điệu của phần giữa mà Chopin đã xác định trước là „kiềm chế” (một chỉ dẫn thường không được thực hiện, mặc dù là một trong những chỉ dẫn quan trọng nhất). Thật vậy, trái ngược với agitato khi chơi bị đẩy đến mức bão tố, toàn bộ bản nhạc này giống như ngọn sóng êm dịu xinh đẹp dẫn theo một ngọn sóng khác nhỏ hơn mà sức mạnh của nó nằm ở những chuyển động mềm mại của nước.



(còn tiếp)

Những ghi chép về Chopin (André Gide) - phần 1
Những ghi chép về Chopin (André Gide) - phần 3
Những ghi chép về Chopin (André Gide) - phần cuối

2 comments:

Anonymous said...

Sao chị không dịch tiếp bài này ạ : )

Thái Linh said...

Chị cũng đang địch dịch tiếp đây :)