Friday 1 May 2020

Âm nhạc của màn đêm




The Music of the Night

Andrew Lloyd Webber Lời Việt: Thái Linh Đêm về khơi gọi từng cảm giác dâng ngọt sắc Bóng huyền lay động và làm tâm mơ tỉnh giấc Lặng im trong đêm tối, các giác quan dần buông lơi chiến lũy Nhẹ nhàng, dịu dàng màn đêm giăng mắc lộng lẫy Níu lại, giữ lại lặng nghe cũng tơ nhẹ rung Ngoảnh mặt đi em hỡi đừng nhình ánh ban ngày nhức nhối Xin em không màng chi ánh sáng đang tâm lạnh lùng Hãy nghe âm nhạc của màn đêm cất lên vô cùng! Nào em hãy khép đôi mi dâng hồn về chốn u huyền Gạn đi hết ưu tư trong đời muộn phiền Khép đôi mi, hãy đưa tâm hồn em nhẹ vút Em sẽ sống như chưa từng biết thế gian... Mượt mà, êm đềm nhạc sẽ vuốt ve trìu mến Hãy cảm, hãy để nhạc len khắp tâm hồn em Mở lòng em tươi sáng tung muôn ngàn giấc mơ bay khắp trong nhung huyền bóng tối em biết em không thể ngăn... Bóng tối âm nhạc của màn đêm thẳm sâu vô cùng. Nào em hãy đưa hồn du hành về thế giới lạ kỳ Bỏ lại hết suy tư em mang trong đời Em hãy đến nơi nào tâm hồn em mở lối Khi phiêu du, em đang về đây với ta. Dập dềnh, phiêu bồng ngọt ngào men say nồng ấm Hãy chạm, hãy nhìn và nhâm nhi mỗi cảm giác Nào bay lên mơ ước Bao u hoài trong tim cất bước trước uy quyền ta ban trong mỗi khúc ca vừa ngân Uy quyền của nhạc trong bóng đêm vô cùng. Chỉ riêng em sẽ khiến khúc ca nhẹ vút Hãy để nhạc của đêm cất lên vô cùng.

Thursday 14 September 2017

Điệu luân vũ thành Viên (François Feldman)


Lời Việt: Thái Linh Bao kiếp hoa đào nương Nơi ấy trên cầu buông Trầm mình vào cơn sóng nước Phận lạc loài dâng mắt cay. Hương quán xưa còn đây Thơm lá hoa cỏ cây Đời lập lòe trong khói thuốc Giọt sầu nào vương tóc mây. Những dĩ vãng lãng đãng trôi như gió mây Điệu luân vũ ấy vẫn cuốn xoay, vẫn lướt bay? Bước chân ai mê say dắt em trong đêm nay? Tình còn ngất ngây? Những dĩ vãng lãng đãng trôi như gió mây Điệu luân vũ ấy vẫn cuốn xoay, vẫn lướt bay? Bước chân ai mê say dắt em trong đêm nay? Tình còn ngất ngây? Di tích xưa thành Rome Bao dấu chân người thương Chuyền bội tình ai đã viết Lập trình từ logic quen. Trong đáy sâu màn đêm Thêm mãi chán chường thêm Lệ tình đầu hoen sách cũ Từ ngày ngây thơ ấm êm Những dĩ vãng lãng đãng trôi như gió mây Điệu luân vũ ấy vẫn cuốn xoay, vẫn lướt bay? Bước chân ai mê say dắt em trong đêm nay? Tình còn ngất ngây? Những dĩ vãng lãng đãng trôi như gió mây Điệu luân vũ ấy vẫn cuốn xoay, vẫn lướt bay? Bước chân ai mê say dắt em trong đêm nay? Tình còn ngất ngây? Những dĩ vãng lãng đãng trôi như gió mây Điệu luân vũ ấy vẫn cuốn xoay, vẫn lướt bay? Bước chân ai mê say dắt em trong đêm nay? Tình còn ngất ngây? Yêu thương còn đây?

Wednesday 5 April 2017

Tình yêu nghiệt ngã (Philipp Kirkorov)



Lời Việt: Thái Linh

Tôi dâng người từng ca khúc,
từng lời hát tôi ngân
Tôi mở lòng mình trong trắng,
người muốn gì cứ lấy đi!
Tôi chờ mong cùng mơ ước
giá băng sẽ tan một ngày
Nhưng trong tim người yêu dấu
tình ái không nương náu!
Nào tôi đâu biết
Tình yêu còn nghiệt ngã tơi bời
Và tim cô đơn khô héo bên đời
Tôi có đâu hay, có đâu hay!
Dầu sao đi nữa
Cầu mong sao luôn hạnh phúc cho người
Gặp nhau chi nữa thêm đắng lời!
Còn nói thêm chi, còn nói thêm chi...
Tôi chưa từng gặp ai đó
đẹp rạng rỡ như người
Tâm hồn u buồn muôn lối,
sầu héo trước nhan sắc ấy!
Nhưng trong mắt người yêu dấu
tôi nhìn thấy một lời
Và hồn tê dại đau nhói
vì chữ „không” băng giá!
Nào tôi đâu biết
Tình yêu còn nghiệt ngã tơi bời
Và tim cô đơn khô héo bên đời
Tôi có đâu hay, có đâu hay!
Dầu sao đi nữa
Cầu mong sao luôn hạnh phúc cho người
Gặp nhau chi nữa thêm đắng lời!
Còn nói thêm chi, còn nói thêm chi...
Nào tôi đâu biết
Tình yêu còn nghiệt ngã tơi bời
Và tim cô đơn khô héo bên đời
Tôi có đâu hay, có đâu hay!
Dầu sao đi nữa
Cầu mong sao luôn hạnh phúc cho người
Gặp nhau chi nữa thêm đắng lời!

Còn nói thêm chi, còn nói thêm chi...

Monday 26 December 2016

Dress code - mặc gì, dịp nào, ở đâu



„Thà làm một kẻ ngu thanh lịch còn hơn là một kẻ ngu không thanh lịch” – Immanuel Kant bảo thế.

dress code là thứ mật mã mà bất cứ „kẻ ngu thanh lịch” nào cũng phải biết. Đơn giản nhất thì nó là mật mã mặc gì vào dịp nào cho đúng, nhưng hơn thế, nó còn là cách bạn „trình bày” bản thân cho phù hợp với vị trí công việc, xã hội, với tuổi tác và đặc điểm ngoại hình của mình, thậm chí phù hợp với mùa hay thời gian trong ngày. Với một số người, nó còn là cách thể hiện phong cách, cá tính riêng, thể hiện sự duy nhất, độc đáo của họ.

Bắt đầu từ những điều đơn giản nhất đã nhé: dress code mặc gì vào dịp nào. Nếu bạn nhận được giấy mời đi dự một buổi tiệc với dòng chữ nhỏ ở góc „black tie”, thì bạn phải mặc gì? Công ti quy định dress code „business professional” nghĩa là sao? Tiệm ăn ghi „dress code: smart casual” tức là thế nào? Dưới đây là những dress code cơ bản từ cấp độ cao nhất đến thấp nhất theo nghi thức ngoại giao.

White tie (trang phục formal buổi tối ): đàn ông mặc áo đuôi tôm dài (tailcoat) và phụ kiện (áo sơ mi trắng, nơ trắng), phụ nữ mặc váy dạ hội dài chất liệu chủ yếu là lụa. Mặc vào các dịp: dạ hội, các nghi thức có mặt các quan chức nhà nước cao cấp nhất.




Morning dress (trang phục formal ban ngày) đàn ông mặc áo đuôi tôm vạt chéo (morning coat, jacket) và phụ kiện (sơ mi sáng màu, nơ hoặc cà vạt); phụ nữ mặc váy dài hoặc bộ váy áo các màu khác nhau, nếu đi dự đám cưới thì tránh màu đen và trắng, nếu đi đám tang mặc màu đen, chất liệu lụa, len nhẹ, đội mũ. Mặc vào các dịp: đám cưới, xem đua ngựa, các gala mùa hè ngoài trời, đám tang.



Black tie, smoking (trang phục semi-formal): đàn ông mặc đồ smoking đen (tuxedo, dinner jacket) và phụ kiện (sơ mi trắng, nơ đen); phụ nữ mặc váy buổi tối dài (hoặc đến đầu gối) hoặc bộ váy áo vest buổi tối, chất liệu lụa. Mặc vào các dịp: gala, ra mắt phim, kịch, các lễ kỉ niệm long trọng.




Informal (trang phục informal): đàn ông mặc com-lê xanh tím than hoặc màu ghi và cà vạt, buổi tối mặc màu xanh tím than đậm; phụ nữ mặc váy dài đến đầu gối hoặc quần phăng, chất liệu lụa hoặc pha lụa, len nhẹ, ban ngày mặc màu sáng hơn đồ mặc buổi tối. Mặc vào các dịp: ăn trưa, gặp mặt hội họp, khai mạc triển lãm, cocktail, ăn tối, đến nhà hát, đi nghe hòa nhạc.




Business professional (trang phục informal): đàn ông mặc com-lê xanh tím than hoặc màu ghi và cà vạt; phụ nữ mặc váy đến đầu gối hoặc quần phăng, chất liệu lụa hoặc pha lụa, len nhẹ, màu sắc tùy vào dịp – dịp càng quan trọng thì màu càng tối. Mặc vào các dịp: trang phục hàng ngày của chính trị gia, phát biểu trước quần chúng, business luch...



City (trang phục informal): đàn ông mặc com-lê các màu trừ màu đen, xanh tím than và ghi, hoặc áo vest và quần khác màu; phụ nữ mặc váy mang tính chất ban ngày, chất liệu lụa không bóng, pha lụa, vải bông, len nhẹ. Mặc vào các dịp: tiệc vườn, sự kiện thể thao long trọng, dự hội nghị.



Country (trang phục informal): đàn ông mặc áo vest dạ (thường là áo kẻ nâu) cùng các phụ kiện nâu; phụ nữ mặc áo khoác (jacket) thể thao, áo khoác dạ kẻ nâu, váy hoặc quần khác màu, váy dài có tay, chất liệu: len, cotton, dạ, sợi tổng hợp, thun, đi giày thấp gót. Mặc vào các dịp: gặp gỡ không long trọng, đi dạo chơi.





Casual smart (trang phục informal): đàn ông mặc áo vest thể thao và quần không li, phụ nữ mặc áo khoác thể thao và quần jeans, áo tunic và quần bó, hoặc váy có tay mang tính thể thao, chất liệu: len nhẹ, cotton, pha lụa, dạ. Mặc vào các dịp: đi công viên, đi dạo, các cuộc vui chơi mang tính thoải mái.




Casual (trang phục informal): đàn ông mặc áo thun chui đầu, áo phông, áo len, quần jeans hoặc quần không li; phụ nữ mặc áo phông, áo sơ mi, áo len, quần jeans, váy thể thao, váy thun... chất liệu len, cotton, sợi tổng hợp, dạ. Mặc ra đường phố, khi đi nghỉ.


Business casual (trang phục informal): đàn ông mặc sơ mi thể thao, quần jeans hoặc quần không li; phụ nữ mặc áo phông, áo sơ mi, quần jeans, váy thể thao, váy đến đầu gối, chất liệu len, cotton, dạ, sợi tổng hợp. Mặc đi làm hàng ngày nếu trong công ty không có quy định khác.



Thursday 10 November 2016

Ngày hôm qua (Charles Aznavour)

Lời Việt: Thái Linh
Ngày hôm qua, ngày xanh đã xa,
hương tháng năm thấm qua môi ngọt lành giọt sương mới sa
Tôi nếm cay đắng ngọt bùi tựa trò dại ngốc trẻ thơ
Như ánh nến lay chập chờn khi trêu đùa cùng cơn gió
Ngàn muôn mộng ước tôi mơ,
Ngàn muôn tương lai đã xây,
Như cát đắp những lâu đài vội ­lụi tàn theo gió xoay 
Tôi sống tràn những đêm dài chẳng màng gì tới ngày mai
Bao tháng năm thoáng trôi vèo đời người thoảng như cơn gió.

Ngày hôm qua, ngày xanh đã xa
Bao khúc ca đắm say nào còn đợi chờ được hát lên
Bao thú vui chốn dương trần còn chờ tôi tới tìm quên
bao nỗi đau trên đời mà mù lòa nào tôi chẳng hay!
Tôi chạy tựa như hoang thú, và thời trẻ trai vút nhanh,
Không phút suy ngẫm xem cuộc đời này chân lí chốn nao  
Trong mỗi câu lúc chuyện trò mà ngày nào tôi đã trao
Chỉ thấy có mỗi tôi, tôi, nào còn chi nữa đâu…

Ngày hôm qua vầng trăng ngát xanh
và mỗi ngày mới điên rồ là một trò vui mới toanh
Ôi những năm tháng diệu kỳ nhiệm màu tựa phép thần tiên
Nhưng những hoang phí hão huyền tôi nào đâu hay biết!
Trò vui tình ái tôi chơi, cuồng điên và kiêu hãnh, tôi
nhen mãi những đốm lửa vội tàn lụi tàn trong phút giây
bạn hữu phiêu lãng chân trời tựa bèo dạt theo nước mây
khi hết đêm lúc canh tàn chỉ còn mình­­ tôi nơi đây.
Và bao nhiêu bài ca trong tôi còn chưa cất lên
Tôi nếm đắng cay bùi ngùi giọt lệ nào chưa biết tên
Trả giá cho tháng năm nao xa xưa
cho dĩ vãng xa
cho bao ngày  
xa
đã
xa                 

                                                                                                                                                                                                              


                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                

Monday 29 August 2016

Porto chưa đến đã say



Một căn nhà tràn ngập ánh sáng, ba bề là những ô cửa sổ lớn màu trắng lộng gió nhìn ra sông Douro. Hoàng hôn rọi những tia nắng sánh vàng khiến rượu vang trong bình pha lê trên bàn rực lên một màu óng ả. Nhìn qua cửa sổ xuống dưới là thấy những đàn cá bơi ven bờ. Rồi đêm dần buông, sông dần long lanh với ngàn vạn ánh đèn từ các du thuyền và từ đôi bờ hắt xuống. Từng đám hải âu chao lượn náo động khắp mặt sông, sà vào sát cửa sổ. Những bầy chim bồ câu vụt bay lên bầu trời đêm xanh thẫm, dịu dàng lấp lánh mấy vì sao...

Những hình ảnh đầu tiên Porto dành cho tôi là như thế. Và tôi biết, chỉ với khoảnh khắc ấy thôi, tôi đã say Porto mất rồi.

Rượu vang trong bình tất nhiên là quốc tửu Bồ Đào Nha. Bên kia sông là Vila Nova de Gaja - thiên đường của những người yêu rượu vang, nơi bất cứ ai đến Porto cũng không thể không đến - với san sát hầm rượu của các hãng nổi tiếng như Taylor's, Sandeman, Graham's, Offley, Kopke, Cruz, Ramos Pinto, Ferreira... và hàng chục hầm rượu nhỏ khác. Tôi đang ở xứ sở của porto, thứ rượu vang ngọt lừng danh thế giới, tinh túy của thung lũng Douro có truyền thống trồng nho từ suốt 2000 năm.

Nhưng điều thú vị là rượu vang porto lại do người Anh tình cờ tạo ra. Vào thế kỷ XVII, bị cắt nguồn rượu vang Pháp vì chiến tranh, họ tìm nguồn các cung cấp rượu vang mới và đã đến Porto. Để rượu vang không bị hỏng khi vận chuyển bằng đường thủy trong nhiều ngày nắng nóng, họ pha thêm rượu mạnh vào. Rượu mạnh ức chế con men và làm ngưng quá trình lên men, giữ lại lượng đường trong rượu. Porto ra đời như thế.

Sau khi được pha thêm rượu mạnh, việc rượu vang được ủ trong hầm bao lâu trước khi đem bán phụ thuộc vào loại rượu. Có rất nhiều loại vang porto khác nhau về màu sắc, hương vị và nồng độ, nhưng tất cả đều là rượu vang cường hóa với nồng độ từ 19-21 độ. Sự khác nhau cơ bản giữa các loại rượu phụ thuộc vào nơi rượu vang già đi: trong thùng gỗ sồi hay trong chai.

Trong số các loại rượu porto được ngâm ủ trong thùng gỗ sồi, Porto Tawny là loại phổ biến nhất, được để trong thùng khoảng 3-5 năm và lọc trước khi đóng chai. Cao hơn một bậc là Tawny Reserve, ủ trong thùng ít nhất 7 năm. Quí nhất là Tawny „có tuổi” với 4 loại: 10, 20, 30 và 40 tuổi. Càng nhiều tuổi, rượu càng giảm bớt hương vị hoa quả, càng lên hương rễ cây và quả khô. Tawny sau khi đóng chai cần được uống ngay, không nên giữ trong hầm rượu gia đình.

Rượu vang có thể được già đi trong chai. Porto Ruby được làm theo cách này. Nho được ngâm trong các thùng sứ hay inox lớn từ 3-6 năm, sau đó được lọc và đóng chai. Porto Ruby thời xưa là thức uống phổ biến nhất ở Anh, với hương vị hoa quả đặc trưng.

Loại rượu porto trẻ nhất là Rosé Porto, được làm tương tự như Porto Ruby, nhưng trước khi nước nho chuyển hẳn sang màu đỏ thì người ta bỏ vỏ nho đi. Loại rượu này có dòng hương anh đào, phúc bồn tử và dâu tây rõ rệt, nhẹ nhàng và tươi mát, nhất là khi được ướp ở nhiệt độ 4 độ C.

Porto trắng, hay Porto Branco được làm từ các loại nho khác với porto đỏ, có màu vàng dịu, vị nhẹ nhàng và mùi hương hoa, với độ ngọt khác nhau từ chát đến rất ngọt. Nhưng cần nhớ porto là loại rượu không bao giờ chát hẳn.

Dòng rượu cao cấp hơn là Late Bottled Vintage (LBV) được làm từ thứ nho đỏ tốt nhất, được đóng chai sau khi nằm trong thùng gỗ từ 4 đến 6 năm. LBV nên dùng ngay sau khi mua, mặc dù một số loại LBV có thể để được lâu trong chai tùy thuộc vào việc rượu được lọc hay chưa. Rượu đã được lọc không có cặn cần uống ngay. Rượu chưa lọc có thể giữ trong chai ở tư thế nằm ngang sao cho nút chai chạm rượu và luôn được giữ ẩm. Loại LBV này có thể giữ được tới 20 năm, nhưng không lâu hơn. LBV có màu hồng ngọc sâu thẫm đặc trưng, mang mùi vị của các loại hoa quả như phúc bồn tử, mâm xôi có dòng hương hạt tiêu và sô cô la. Trước khi dùng nên rót ra bình để chừng 1 tiếng đồng hồ cho dậy hương.

Loại rượu porto sang nhất, cao cấp nhất, lâu năm nhất là Vintage Porto (VP) làm từ những niên vụ nho tốt nhất, là một trong những loại vang ngon nhất thế giới. Được xem là „bộ mặt” của các nhà sản xuất porto, vì thế số lượng rất hạn chế, trung bình khoảng 3-4 năm mới có 1 vụ. Rượu được ngâm ủ trong thùng gỗ sồi chỉ trong vòng 2 năm trước khi đóng chai. Vintage Porto có thể giữ được 20-30, thậm chí trên 60 năm. Rượu càng lâu năm thì càng giảm lượng đường và cồn, thay vào đó, hương thơm và mùi vị càng đậm đà, cao quý. Không nên uống Vintage Porto ngay sau khi mở, rượu càng ít tuổi thì càng cần nhiều thời gian chờ cho lên hương. Rượu non dưới 10 năm cần rót ra bình trước khi uống thậm chí tới 10-12 tiếng. Rượu 25-30 tuổi cần 4-6 tiếng. Rượu trên 60 năm cần 1-2 tiếng. Vintage Porto được khuyên dùng sau khi ăn, trong các ly dung tích tối đa 150 ml, nhỏ hơn ly rượu vang thông thường.

Uống porto với gì? Porto thường được uống khai vị hoặc sau bữa ăn với các món tráng miệng. Đôi khi porto cũng được uống với món chính. Tawny Porto hợp với các loại hoa quả khô hoặc bánh ngọt có vị sô cô la đắng, cà phê hay hạnh nhân. Các loại Tawny có tuổi nhất khi uống với pho mát sẽ rất ngon và có thể giữ được trong tủ lạnh tới vài tháng sau khi mở chai, nhưng tốt nhất chỉ nên để đến 1 tháng. Late Bottled Vintage thường được uống với pho mát, các loại hạt hay sô cô la đen, có thể giữ trong tủ lạnh 2 tuần sau khi mở. Ngược lại, Vintage Porto không nên để lâu, chỉ tối đa là 2-3 ngày sau khi mở, dùng với pho mát, hoa quả khô hay các loại hạt. Porto trắng thường uống khai vị với chanh, tonic và đá, hoặc thay chanh bằng vài lá bạc hà, ngon nhất khi được uống với hạnh nhân, cá hồi hun khói hay mận khô và sau khi được ướp lạnh ở nhiệt độ khoảng 6-10 độ C. Sau khi mở chai có thể cất trong tủ lạnh tới vài tuần. Ruby Porto kết hợp với hoa quả hay bánh ngọt vị hoa quả là tuyệt nhất, hoặc với pho mát non hay nước lê, sau khi hơi ướp lạnh ở nhiệt độ 12-16 độ.

Có thể bạn sẽ thấy „phức tạp quá” khi đọc một mớ thông tin về rượu porto như thế. Nhưng hãy tin tôi, tất cả những „lý thuyết” này sẽ trở nên cực kỳ đơn giản, dễ hiểu khi bạn ở ngay Porto và có thể „thực hành” mọi nơi mọi lúc. Chiều chiều, bên hai bờ sông Douro người ta ngồi la liệt ở các quán xá, trong bóng đổ của những hầm rượu san sát, trên những bờ tường, những bậc thang, vừa ngắm non nước trữ tình và những chiếc du thuyền trôi qua dưới các cây cầu, vừa thưởng thức rượu vang và chuếnh choáng cùng ánh hoàng hôn đang lấp lánh buông nơi mặt nước... Trong không gian ấy, người ta sẽ „ngộ” ra Porto nhẹ nhàng đến không ngờ. Uống xong ly rượu cuối cùng / Bỗng nhiên chợt nhớ đã từng đầu tiên”*.

Porto là chốn đến để mà say. Song Porto không chỉ là nơi để say mĩ tửu, mà còn là nơi người ta thấy khắp nơi men say lâng lâng dâng lên trong mắt những đôi tình nhân. Chưa ở đâu tôi gặp nhiều đôi lứa tay đan tay, môi kề môi như ở đây, gần như trên mỗi bước chân. Tình yêu quả là sáng suốt. Porto là nơi lý tưởng để những người yêu nhau cùng thưởng ngoạn, vì phong cảnh vừa lãng mạn vừa sôi động, vì rượu và đồ ăn ngon, vì người dân thân thiện và giá cả không quá đắt đỏ.

Đến Porto, hãy sống thật chậm, từ từ như khi thưởng thức một ngụm rượu vang, để Porto lan tỏa và ngấm vào các giác quan của bạn như ánh nắng dần tan vào đêm mỗi buổi chiều. Hãy lang thang trên những dốc phố, những ngóc ngách, để thấy Porto hiền hòa không tráng lệ nhưng luôn bất ngờ hiện ra những góc đẹp đến thắt lòng, để thấy có nơi u tối, có nơi tàn tạ mà sao thương thật là thương... Hãy đi dạo và ngắm thành phố từ trên cao không chỉ một lần, mà vào cả lúc ngày lên lẫn khi đêm xuống hay trong bóng chiều nhập nhoạng, cả khi trời nắng lẫn lúc trời mưa hay giữa mê tỉnh cầu vồng. Hãy quẳng hết đi những cuốn sách hướng dẫn du lịch về Porto (tất nhiên trước khi quẳng thì bạn hãy đọc chúng), hãy trò chuyện với bác lái taxi, bà bán rau ở chợ, ông lão bán tạp hóa, anh bồi bàn trong tiệm ăn hay cô chủ nhà trọ...

Hãy đứng trên cầu Luis I đón làn gió mát rượi từ biển thổi vào từng ngõ ngách trong buồng phổi và nhìn ra xa hơn. Phía xa kia. Ở đó là biển lớn, là đại dương. Từ nơi đây, người ta đã ra đi để chinh phục thế giới. Từ nơi đây, nhà nước và bản sắc Bồ Đào Nha hình thành. Từ nơi đây, tôi biết, tôi sẽ không bao giờ quên được Porto.



* thơ Bùi Giáng


Thursday 18 August 2016

Khúc tình già



Jacques Brel / Gérard Jouannest
Lời Việt: Thái Linh

Hai mươi năm yêu bên nhau ôi điên rồ
Bao phen chia li anh thôi mong chờ
Bao phen em ra đi đôi mi hoen mờ
Ba lô trên vai anh không quay về.

Bao nhiêu thương đau bao cơn bão tố
Trong căn phòng buồn chẳng còn nên thơ
Từng lời nào muộn phiền trên vách in hằn
Anh quên lưu hương, em quên luyến nhớ
Rượu nồng tình hồng chỉ là xa xưa
Mộng lành ngọt ngào ngày nào đã như mơ.

Nhưng dấu yêu ơi,
Em vẫn luôn mãi trong trái tim anh tuyệt vời
Cho dẫu đêm tối hay lúc ban mai rạng ngời
Anh luôn yêu em, người ơi, anh mãi yêu em...

Em luôn soi ra nơi anh muôn chiêu trò
Anh quen nơi em bao nhiêu những yêu bùa
Em ngăn chân anh không sa nơi đen bùn
Anh buông đôi tay mất em bao lần.

Đương nhiên em dăm ba phen đắm đuối
Cùng vài người tình giết thời gian trôi
Đổ đầy ngày dài bằng môi mắt da thịt.
Nhưng can chi đâu, em, sau rốt cuối
Tài tình là người còn hoài đôi mươi
Trẻ dại một đời mặc dòng cứ trôi xuôi.

Nhưng dấu yêu ơi,
Em vẫn luôn mãi trong trái tim anh tuyệt vời
Cho dẫu đêm tối hay lúc ban mai rạng ngời
Anh luôn yêu em, người ơi, anh mãi yêu em...

Trôi xuôi trôi đi tháng năm ôi mỏi mòn
Ta trôi theo nhau tháng năm đau buồn
Nhưng bao uyên ương sống không giận hờn
Ai đâu hay chăng chán chê muôn phần?

Đương nhiên em thôi không mau nước mắt
Và anh chẳng còn sầu muộn vu vơ
Chẳng còn điều gì dễ giấu nhau bây giờ.
Ta thôi ngây thơ, thôi chơi tới bến,
Tình cờ là chuyện ngày một xa xưa,
Chỉ là mình cùng dịu dàng sát thương nhau.

Nhưng dấu yêu ơi,
Em vẫn luôn mãi trong trái tim anh tuyệt vời
Cho dẫu đêm tối hay lúc ban mai rạng ngời
Anh luôn yêu em, người ơi, anh mãi yêu người...






Monday 15 August 2016

Du lịch thông minh



Xách ba lô lên và đi”, ai mà chẳng thích! Nhưng du lịch một cách thông minh để các trải nghiệm này vừa trở nên quý giá, vừa là những trải nghiệm có ý thức, thì không phải ai cũng để ý. Có người đã đặt ra khái niệm „hậu-du-khách” (post-tourist) để chỉ những người khác với du khách hay phượt thủ thông thường ở chỗ họ có ý thức về sự phụ thuộc lẫn nhau toàn cầu, về quan hệ nhân quả của các hành xử khi là một du khách, ý thức về các quá trình tâm lí, thương mại hay hệ tư tưởng. Xin tạm gọi các „hậu-du-khách” này là những du khách thông minh. Trong thực tế, điều này có thể biểu hiện như thế nào?

Một số điều sau đây có thể khiến bạn du lịch thông minh hơn:


1. Nên lựa chọn kỹ nơi đến du lịch một cách có ý thức. Không nhất thiết phải đến nơi nào khách du lịch không mấy được hoan nghênh, ví dụ như Bhutan hay núi thiêng Uluru ở Úc. Thế giới rộng lớn có bao nhiêu nơi để đi, sao phải chen chân vào chốn không mời làm gì cho khổ?

2. Đừng mang theo quá nhiều đồ. Chọn những thứ quần áo „đa năng”, dễ phối dễ mặc trong mọi hoàn cảnh, chỉ cần 1-2 chiếc thay vì 3-4 bộ khác nhau. Mỗi kg hành lí của bạn sẽ khiến máy bay đốt nhiều nhiên liệu hơn, và do dó xả nhiều khí thải hơn. Máy bay là nguồn thải CO2 tăng tốc nhanh nhất hiện nay. Một chuyến bay khứ hổi Paris - New York thải ra 1 tấn CO2, trong khi đó một cái cây trung bình chỉ hút được 5 kg CO2 trong 1 năm. Để xử lý được 1 tấn khí thải, cần vài chục cái cây trong vài năm.

3. Máy bay đốt nhiên liệu nhiều nhất khi lên và xuống. Bởi vậy nếu có thể, nên chọn những chuyến bay thẳng không transit. Thay vì du lịch vài chuyến ngắn, hãy lên kế hoạch đi một chuyến dài.

4. Ở những nước kém phát triển chính quyền không mấy có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, ví dụ như Việt Nam, Ấn Độ, Tunisie, Ai Cập... rác thải phần lớn sẽ được đổ thẳng ra sông, biển, sa mạc... Đến những nước này, nên sử dụng khăn tắm nhiều lần trong khách sạn, đừng lau xong 1 cái là quẳng ngay xuống sàn để phục vụ phòng phải thay cái khác. Đừng tắm lâu hay xả nước hoang phí. Tiết kiệm điện, hạn chế dùng đèn, máy sấy tóc, điều hòa nhiệt độ nếu không cần thiết lắm.

5. Những chương trình hấp dẫn dành cho khách du lịch rất nhiều khi rất không „vô tội” như bề ngoài. Đừng xem các chương trình biểu diễn múa voi, bởi trước đó những con voi này đã bị tách khỏi mẹ từ rất nhỏ, đánh đập, bỏ đói để dạy làm những trò biểu diễn.

Những con vật dùng để phục vụ du khách thường là những con thú bị ngược đãi: khỉ bị cho dùng ma túy để nhào lộn, rắn bị bẻ răng để du khách cho ăn, cá heo bị nuôi trong các bể nhân tạo cho du khách xem thường bị chết rất nhiều vì khác với điều kiện sống tự nhiên của chúng... Nếu không thế ngắm nhìn động vật tự do trong thiên nhiên (ví dụ ra Đại Tây Dương xem cá heo) thay vì vào xem các bể nuôi cá heo nhân tạo, bạn hãy dùng số tiền đó để đóng góp cho việc bảo vệ chúng.

6. Đừng đi săn thú ở châu Phi. Giấy phép đi săn không được kiểm soát dẫn tới tình trạng trong vòng 20 năm qua, số lượng của các loài động vật ở giới hạn tuyệt chủng đã bị giảm tới 30 %.

7. Để phục vụ du khách, nhiều nghi lễ truyền thống của địa phương đã bị thay đổi, biến dạng. Các lễ hội bị tập trung lại vào mùa du lịch. Các vở múa Kanthakali ở Ấn Độ bị rút ngắn mất 2/3, người Bali phải múa hàng ngày những điệu múa đáng lẽ chỉ diễn ra 60 năm một lần, người Karen ở Thái Lan đánh trống cho khách du lịch nghe mặc dù theo truyền thống, họ chỉ đánh trống trong đám ma...

8. Những chuyến tham quan các khu ổ chuột của các tour du lịch không hề đem lại lợi ích cho người dân ở đó, mà chỉ là sự xâm phạm nhân phẩm và quyền riêng tư của họ. (Mặc dù vậy, hàng năm vẫn có tới 40 nghìn khách du lịch thăm các khu ổ chuột ở Rio, và khoảng 300 nghìn khách du lịch thăm các khu ổ chuột ở cape Town).

9. Đừng tham gia các chương trình nửa du lịch nửa làm thiện nguyện, ví dụ kiểu „trò chơi tình nguyện viên” trong vài ngày giúp các em bé mồ côi ở Nepal hay Campuchia. Số trẻ em mồ côi ở các nước này tăng đột biến, nhưng không phải trên thực tế, mà chỉ là để cung cấp cho các địa điểm „du lịch thiện nguyện”. Các trẻ em này trở thành nguồn thu nhập của các tổ chức du lịch. Du khách vừa bị làm tiền, vừa gián tiếp tiếp tay cho tệ nạn, vừa tưởng rằng mình „là người tốt” để ru ngủ lương tâm.

(Viết trước một chuyến đi dài (thay cho vài chuyến đi ngắn), cũng là để tự nhắc mình :-) Nhiều thông tin được lấy từ bài „7 tội lỗi của du khách” của Zuzana Kisielewska, tạp chí Focus số tháng 8/2016).

Sunday 7 August 2016

Hài kịch (Wisława Szymborska)


Thái Linh dịch


Tình yêu của chúng mình sẽ qua đi trước tiên,
một trăm năm, hai trăm năm trôi qua nữa,
rồi ta sẽ lại chung đôi:

Cô đào và anh kép hài
mà công chúng yêu thích,
sẽ vào vai chúng ta trong vở kịch.

Một vở hài kịch xinh xinh
với dăm ba vần điệu,
chút múa may, và thật lắm tiếng cười,
lột tả sát sao bao tình huống cuộc đời.
Và những tràng vỗ tay.

Anh sẽ nực cười thay
trên sân khấu, với nỗi ghen tuông ấy
và cái cà vạt kia.

Cái đầu em sẽ quay đi,
trái tim em và vương miện,
tim ngu ngốc nát tan rên xiết
còn vương miện thì đang rơi.

Ta sẽ hẹn hò nhau người ơi,
sẽ chia ly, để khán phòng cười cợt,
mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng vượt,
mình sẽ đinh ninh như thế với nhau.

Và dường như cay đắng khổ đau
đối với chúng ta còn quá ít -
mình lao vào nhau qua nẻo ngôn từ.

Rồi ta cúi chào lịch sự
kết thúc vở kịch vui.
Khán giả về nhà đi ngủ
sau khi chảy nước mắt vì cười.

Họ sẽ sống thật tuyệt vời,
họ sẽ dạy thuần tình ái,
dưới tay họ cọp beo cũng ngoan ngoãn vâng lời.

Còn chúng ta muôn kiếp cứ thế thôi,
đầu đội mũ gắn chuông lục lạc,
mình sẽ lắng nghe tiếng chuông lúc lắc
một cách dã man.

***
Nguyên tác:

                    Buffo
      Najpierw minie nasza miłość,
      potem sto i dwieście lat,
      potem znów będziemy razem:
      komediantka i komediant,

      ulubieńcy publiczności,
      odegrają nas w teatrze.

      Mała farsa z kupletami,
      trochę słońca, dużo śmiechu,
      trafny rys obyczajowy
      I oklaski.

      Będziesz śmieszny nieodparcie
      na tej scenie, z tą zazdrością,
      w tym krawacie.

      Moja głowa zawrócona,
      moje serce i korona,
      głupie serce pękające
      i korona spadająca.

      Będziemy się spotykali,
      rozstawali, śmiech na sali,
      siedem rzek, siedem gór
      między sobą obmyślali.

      I jakby nam było mało
      Rzeczywistych klęsk i cierpień
      - dobijemy się słowami.

      A potem się pokłonimy
      i to będzie farsy kres.
      Spektatorzy pójdą spać
      ubawiwszy się do łez.

      Oni będą ślicznie żyli,
      oni miłość obłaskawią,
      tygrys będzie jadł z ich ręki.

      A my wiecznie jacyś tacy,
      a my w czapkach z dzwoneczkami,
      w ich dzwonienie barbarzyńsko
      zasłuchani.