Tuesday 8 December 2015

Bím tóc (Tadeusz Różewicz)


Thái Linh dịch

Khi tất cả phụ nữ được đưa đến
đã bị cạo đầu hết
bốn công nhân dùng chổi
làm bằng cây đoạn để quét
và gom tóc

Dưới các tấm kính sạch bóng
là tóc cứng quèo của những người bị ngạt chết
trong lò hơi
trong tóc ấy có những chiếc trâm
và những chiếc lược ngà

Những mái tóc không được ánh sáng thấu qua
không bay tung trong gió
không có bàn tay nào vuốt nữa
không chạm mưa hay những đôi môi

Trong thùng lớn rối bời
những mớ tóc khô
của những người chết vì hơi ngạt
và bím tóc xám
cái đuôi chuột bé xíu thắt nơ
mà ở trường các cậu bé hư
vẫn giật.

(bài thơ được tác giả viết năm 1948 sau khi thăm bảo tàng Auschwitz)


Sunday 29 November 2015

Chú ruồi (Jan Brzechwa)

(Thái Linh dịch)

Mọi người ai nấy đều tắm
Chú ruồi cũng muốn sạch tinh.
Chủ nhật ruồi tắm dầu đen,
Thứ hai tắm trong nước xúp,
Thứ ba - rượu vang lặn ngụp,
Thứ tư - xúp vịt vẫy vùng,
Thứ năm - nước bắp cải hầm,
Thứ sáu - xốt gỏi bò băm,
Thứ bảy – nước quả mơ ép...
Tắm vậy ích gì không biết?
Ích gì? Ruồi chỉ thấy phiền,
Cả người lép nhép bẩn nguyên!
Nhưng chuyện phải tắm bằng nước

Thì ruồi chẳng nghĩ ra được.


Nguyên tác
Mucha

Z kąpieli każdy korzysta,
A mucha chciała być czysta.
W niedzielę kąpała się w smole,
A w poniedziałek w rosole,
We wtorek - w czerwonym winie,
A znowu w środę - w czerninie,
A potem w czwartek - w bigosie,
A w piątek - w tatarskim sosie,
W sobotę - w soku z moreli...
Co miała z takich kąpieli?
Co miała? Zmartwienie miała,
Bo z brudu lepi się cała,
A na myśl jej nie przychodzi,
Żeby wykąpać się w wodzie.

Wednesday 10 June 2015

Có thể tất cả những điều này (Wisława Szymborska)

(Thái Linh dịch)

Có thể tất cả những điều này
đang xảy ra trong phòng thí nghiệm?
Dưới một ngọn đèn ban ngày
và tỉ tỉ ngọn đèn đêm?

Có thể chúng ta là thế hệ thử nghiệm?
Bị đổ từ ống này sang ống khác,
bị xóc lắc trong bình,
bị quan sát bởi cái gì đó hơn cả con mắt,
từng người
cuối cùng sẽ bị lấy nhíp gắp?

Có thể khác:
không có bất cứ can thiệp nào?
Các thay đổi tự diễn ra
theo kế hoạch?
Kim đồ thị vẽ chậm chạp
những đường dích dắc định trước?

Có thể cho đến giờ chúng ta chẳng có gì thú vị?
Màn hình kiểm tra thỉnh thoảng mới bật lên?
Chỉ khi có chiến tranh và là chiến tranh to,
có một số cuộc nổi dậy trên trái đất,
hay những chuyến di cư lớn từ điểm A sang B?

Có thể ngược lại:
Ở đó người ta chỉ thưởng thức từng hồi?
Và đây, một cô bé trên màn hình
đang đơm cúc vào tay áo.
Máy cảm ứng kêu inh ỏi
các nhân viên chạy vào.
Ồ, sinh vật nhỏ này là sao,
có một trái tim bên trong đang đập!
Thật duyên dáng nghiêm cẩn
khi xâu kim!
Ai đó phấn chấn la lên:
„Báo với Sếp ngay,
để ông ấy đến xem tận mắt!”


Nguyên tác:

Może to wszystko

Może to wszystko 
dzieje się w laboratorium? 
Pod jedną lampą w dzień 
i miliardami w nocy? 

Może jesteśmy pokolenia próbne? 
Przesypywani z naczynia w naczynie, 
potrząsani w retortach, 
obserwowani czymś więcej niż okiem, 
każdy z osobna 
brany na koniec w szczypczyki? 

Może inaczej: 
żadnych interwencji? 
Zmiany zachodzą same 
zgodnie z planem? 
Igła wykresu rysuje pomału 
przewidziane zygzaki? 

Może jak dotąd nic w nas ciekawego? 
Monitory kontrolne włączane są rzadko? 
Tylko gdy wojna i to raczej duża, 
niektóre wzloty ponad grudkę Ziemi, 
czy pokaźne wędrówki z punktu A do B? 

Może przeciwnie: 
gustują tam wyłącznie w epizodach? 
Oto mała dziewczynka na wielkim ekranie 
przyszywa sobie guzik do rękawa. 

Czujniki pogwizdują, 
personel się zbiega. 
Ach cóż to za istotka 
z bijącym w środku serduszkiem! 
Jaka wdzięczna powaga 
w przewlekaniu nitki! 
Ktoś woła w uniesieniu: 
Zawiadomić Szefa, 
niech przyjdzie i sam popatrzy! 


Thursday 23 April 2015

Phiên bản các sự kiện (Wisława Szymborska)



Thái Linh dịch


Nếu được phép lựa chọn
Hẳn chúng ta sẽ suy nghĩ rất lâu.

Cái cơ thể được đề nghị cho ta thật không thoải mái
và tàn tạ đi một cách xấu xí.

Những cách thỏa mãn cơn đói
sẽ khiến ta ghê tởm,
sự di truyền ép buộc
và sự chuyên chế của các tuyến
khiến ta khó chịu.

Thế giới quanh ta
không ngừng tan vỡ.
Những kết quả của nguyên nhân
nổi trận lôi đình.

Trong số những số phận được đưa ra cho chúng ta xem
ta sẽ từ chối phần lớn
với nỗi buồn và sự kinh hoàng.

Thí dụ những câu hỏi thế này sẽ được đặt ra:
có đáng để sinh trong đớn đau
một đứa con chết lưu
và trở thành thủy thủ để làm gì
nếu không thể cập bến.

Chúng ta sẽ chấp nhận cái chết
nhưng không dưới bất kỳ hình thức nào.
Tình yêu lôi cuốn chúng ta,
ổn thôi, nhưng đó là tình yêu
biết giữ lời hứa.

Cả sự bất kiên định trong đánh giá
lẫn sự phù du của các tuyệt tác
đều khiến chúng ta khiếp sợ
việc phụng sự nghệ thuật.

Mỗi người đều muốn có tổ quốc không láng giềng
và sống một cuộc đời
trong khoảng lặng giữa các cuộc chiến.

Không ai trong chúng ta muốn cầm quyền
hay bị cai trị,
không ai muốn là nạn nhân
cho những ảo ảnh của mình và người khác,
sẽ không có tình nguyện viên
cho việc tụ tập, diễu hành,
cho những bộ lạc tuyệt chủng lại càng không
mà thiếu chúng
lịch sử sẽ không cách gì tiếp diễn
suốt nhiều thế kỷ dự kiến.

Trong khi đó một số lượng lớn
những vì sao từng sáng
sẽ tắt đi và nguội ngắt.
Sẽ đến lúc phải quyết định.

Với rất nhiều hạn chế, rốt cuộc cũng sẽ xuất hiện
các ứng cử viên
cho cương vị một số thầy lang và nhà thám hiểm,
cho vài triết gia không chút tiếng tăm,
cho đôi ba thợ làm vườn,
nhạc sỹ và nghệ nhân vô danh -
dẫu ngay cả những sinh linh ấy
cũng không thể thỏa mãn
vì thiếu các ứng cử viên khác.

Phải suy nghĩ lại một lần nữa
về tất cả mọi thứ.

Chúng ta được đề nghị
một chuyến du hành
mà ta sẽ trở về
chóng vánh và chắc chắn.

Chuyến đi ra ngoài sự vĩnh cửu
dẫu có nói gì thì cũng vẫn chán ngắt,
sự vĩnh cửu không biết trôi qua,
chuyến đi có thể không bao giờ lặp lại.

Chúng ta sẽ bị nỗi nghi ngờ vây bủa
liệu khi biết trước tất cả mọi thứ
ta có biết thực sự tất cả mọi thứ.

Liệu một lựa chọn sớm như vậy
có là lựa chọn
hay tốt hơn nên cho nó vào lãng quên
còn nếu chọn
thì chọn nơi ấy.

Chúng ta sẽ nhìn Trái đất.
Đã có những kẻ mạo hiểm sống ở đó.
Một cái cây mảnh khảnh
bám vào đá
nhẹ dạ tin
không bị gió giật đi.

Một con vật nhỏ
đào hang
với nỗ lực và niềm hy vọng
theo chúng ta là kỳ cục.
Chúng ta sẽ thấy mình quá thận trọng,
bé mọn và nực cười.

Chẳng bao lâu hàng ngũ chúng ta bắt đầu giảm bớt.
Những người thiếu kiên nhẫn nhất biến mất.
Họ sẽ đi tiên phong nhóm ngọn lửa đầu tiên
- Phải, điều đó sáng rõ.
Chính bởi ngọn lửa họ thắp lên
bên bờ dốc của dòng sông có thật.

Vài người
thậm chí sẽ quay trở lại.
Nhưng không về phía chúng ta.
Và dường như họ vừa giành được thứ gì đó? trên tay? 

Sunday 29 March 2015

Điều gì là cốt yếu trong cuộc đời?



(Thái Linh dịch)
Cuộc trò chuyện đặc biệt với triết gia Leszek Kołakowski về cách sống và điều cốt yếu trong cuộc đời do phóng viên Jacek Żakowski, tuần báo Polityka thực hiện.

Jacek Żakowski: Một người đàn ông ngoài bốn mươi đi gặp nhà thông thái...

Leszk Kołakowski: Nghĩa là giống như anh?

hoặc một cô tóc vàng tuổi đôi mươi chân dài đến nách...

Cái này thì không giống anh rồi.

người đó ngồi xuống bên nhà thông thái và hỏi: „Điều gì là cốt yếu trong cuộc sống?”. Nhà thông thái sẽ nói gì với người ấy?

Nhà thông thái làm sao mà biết được?

Ông ta đã đọc hàng nghìn cuốn sách, đã sống trên đời gần 77 năm, đã nổi danh là thông thái. Nếu ông ta không biết thì còn ai biết?

Gần 77 năm? Nghĩa là tôi phải là nhà thông thái nọ?

Bởi thế tôi mới đến đây.

Nhưng nếu tôi nhận vai này thì tựa như tôi tự nhận mình là sư phụ. Cái đó không tốt. Muhammad Ali có thể nhảy quanh võ đài và hét vang rằng anh ta giỏi nhất thế giới. Nhưng những người khác thì không làm thế được.

Ta hãy cho rằng có một người đang rất cần những lời khuyên và sự giúp đỡ đang đứng trước mặt ông. Có thể anh ta không biết phải làm gì với đời mình. Có thể anh ta dã sắp xếp cuộc sống của mình không ổn. Có thể anh ta cảm thấy giờ là giây phút cuối cùng để thay đổi điều gì đó và tập trung vào thứ thực sự cốt yếu. Ông phải giúp anh ta.

Và tôi phải già vờ là mình biết một công thức phổ quát nào đó?

Thế ông không biết sao?

Chuyện này khó... Một công thức như thế có lẽ là hữu ích cho những người khác. Có những người – dẫu rằng rất hiếm – coi cuộc sống của mình như một cống hiến. Họ có thể thực hiện cống hiến này trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong y học, chính trị, khoa học, cứu trợ xã hội, trong các tổ chức quốc tế. Có lẽ là họ được viên mãn trong cuộc sống, bởi họ có cảm giác về một ý nghĩa lớn lao hơn sự tồn tại của bản thân.

Ông có thấy gần gũi với điều đó không?

Tất nhiên. Nhưng tôi không chắc có thể học được hay biết cách tiến tới quan điểm đó hay không. Mặt khác, tôi cũng thấy gần gũi với quan điểm của Phật giáo cho rằng đời là bể khổ. Chúng ta chẳng thay đổi được gì. Cõi niết bàn mở ra trước mắt chúng ta chỉ khi ta có thể dứt bỏ mọi ham muốn, giới hạn những mong đợi của mình đến tối thiểu. Có những người đạt được sự giải thoát về tinh thần nhờ việc tự hạn chế. Nhưng tôi cũng không biết có thể khuyên tất cả mọi người điều đó hay không.

Việc tự hạn chế để đạt được hạnh phúc có hấp dẫn ông không?

Tôi không nói về hạnh phúc, vì tôi không biết nó là gì. Và tôi chưa từng biết. Nhưng có cái hay trong khuynh hướng hạn chế ham muốn để chấp nhận nghịch cảnh một cách bình thản trong đạo Phật hay chủ nghĩa khắc kỷ. Không bị trói buộc bởi các nhu cầu, không phát điên phát rồ vì không đạt được điều chúng ta mong muốn. Không muốn quá nhiều. Không với quá cao. Tốt hơn là ít muốn hơn và ít thất vọng hơn. Ví dụ: tôi là một cô tóc vàng xinh đẹp, quyến rũ, tài năng. Tôi đến Hollywood để trở thành ngôi sao, nhưng tôi toàn đóng các phim vớ vẩn. Tôi thất vọng. Tôi thấy đời tôi uổng phí, bất hạnh, tôi phải đi chết hay sao? Tốt hơn là tôi nên đặt mục đích thấp hơn.

Nếu ông với tư cách cô gái tóc vàng trở thành ngôi sao thì ông cũng có thể thất vọng và thấy đời uổng phí.

Bởi chuyện đời có uổng phí hay không là chủ quan. Không thể đánh giá khách quan điều đó. Giả sử tôi là một thợ làm vườn. Tôi không làm gì khác. Tôi không màng danh vọng hay địa vị. Tôi chỉ muốn đủ ăn và có những lợi ích căn bản, nhưng tôi chẳng thèm những giá trị được đại chúng coi là vĩ đại. Tôi không muốn trở thành Einstein. Có điều gì không ổn nếu tôi không muốn trở thành Einstein?

Nhất là khi điều đó có thể có các kết cuộc khác nhau.

Thường là kết cuộc không hay. Tôi nhớ có một nhà vật lý kiệt xuất đã nói: „Hoặc là trở thành Einstein, hoặc là không đáng sống.” Nhưng ông ta cũng không phải là Einstein. Phải chăng điều đó có nghĩa là đời ông ta là bỏ đi?

Có thể điều căn bản không phải là trở thành Einstein, mà là việc cố gắng trở thành Einstein?

Điều đó tất nhiên là tốt hơn rồi. Cố gắng hướng tới những điều vĩ đại nói chung là tốt. Nhưng nếu tôi giả định trước rằng tôi sẽ không đạt được những điều đó, thì chắc chắn tôi sẽ không đạt được. Bởi những điều lớn lao không đến tình cờ. Chúng đòi hỏi nỗ lực. Bởi vậy dẫu sao điều quan trọng vẫn là có một chút hy vọng. Nhưng không quá nhiều. Chỉ vừa đủ để tránh thảm họa khi tôi hiểu ra rằng tôi sẽ không là Einstein. Nếu không tôi sẽ thấy đời mình là bỏ đi.

hoặc ông sẽ đánh mất ý nghĩa cuộc đời, nếu ông trở thành Einstein...

…. hoặc tôi cứ nỗ lực không ngừng một cách vô ích. Đó cũng có thể là uổng phí cuộc đời.

Có lẽ tôi đã có lời khuyên đầu tiên của nhà thông thái. Cốt yếu là không mong muốn quá nhiều.

Đồng ý , „monng muốn không quá nhiều” có lẽ là công thức tốt cho một cuộc sống viên mãn.

Nhưng không quá nhiều cái gì? Vì có nhiều lợi ích khác nhau. Tôi đã nghĩ ngay ra cả tá trong đầu. Tuổi trẻ, dân tộc, tiền bạc, công việc, tình bạn, lạc thú, niềm vui, gia đình, tình dục, danh tiếng, hạnh phúc, kiến thức, quyền lực, tự do...

Ta hay bỏ hạnh phúc sang một bên, vì tôi không biết nó là cái gì. Mỗi người định nghĩa nó một khác. Cần phải chấp nhận rằng, như nó vốn là, hạnh phúc không tồn tại.

Có những bằng chứng thực nghiệm về sự tồn tại của hạnh phúc. Ai cũng có thể nói cho ông biết hôm nay họ có hạnh phúc bằng hôm qua hay không. Thực kiện về việc khó miêu tả hay nắm bắt được về một điều gì đó không dẫn đến kết luận là nó không tồn tại.

Đó sẽ là bằng chứng về tồn tại của thiếu hạnh phúc. Nhưng nếu tôi muốn đồng ý với anh rằng hạnh phúc tồn tại, thì tôi sẽ nói rằng đó là cuộc sống của một đứa trẻ cho tới khi nó khoảng 5 tuổi trong một gia đình thực sự yêu thương và không gặp bất hạnh lớn nào trong thời gian đó.

Còn sau đó theo ông đã là bất hạnh?

Có thể đó chưa phải là bất hạnh, nhưng nó thay đổi quan hệ của chúng ta đối với cuộc sống. Thuyết hoài nghi đã bước vào cuộc sống của chúng ta, và nhận thức rằng thế giới là bất thiện hảo. Đứa trẻ nhỏ không đặt ra câu hỏi về hạnh phúc và không biết đến khái niệm hạnh phúc. Khi ai đó có trong đầu khái niệm về hạnh phúc và tự hỏi phải làm sao để mình hạnh phúc, phải sắp xếp cuộc sống thế nào, điều gì là cốt yếu trong đời, thì có nghĩa người đó đã không còn và sẽ không bao giờ thực sự hạnh phúc nữa. Không ai không bao giờ đạt được hạnh phúc được biết đến như nó vốn là.

Nhưng có thể đến gần nó nhiều hơn hay ít hơn. Việc tìm lời giải đáp cho câu hỏi: „điều gì là cốt yếu trong đời” về bản chất là để phục vụ cho điều đó. Tuổi trẻ theo ông có quan trọng không?

Tuổi trẻ cũng là thứ chúng ta có thể bỏ sang một bên, vì đó là thứ mà phần lớn mọi người luôn mất đi. Nhưng cũng không phải tất cả. Có những người trẻ mãi đến cùng, theo một nghĩa nào đó.

Làm thế nào chia tay với tuổi trẻ để ít xa rời hạnh phúc nhất?

Đơn giản như đang giỡn. Giải thoát khỏi cảm giác rằng tuổi trẻ là một giá trị gì đó đặc biệt. Nếu ta không thấy tuổi trẻ là một lợi ích thì ta cũng không thấy mình mất mát gì khi già đi.

Cái đó nói thì dễ... Chắc hẳn có lúc ông từng nghĩ: „Điều này với tuổi tác của tôi đã không còn thích hợp nữa”.

Cái gì không còn thích hợp nữa? Tuổi tôi không còn thích hợp để quyến rũ phụ nữ nữa? Từ khi nào thì không còn thích hợp? Nếu tôi chắc chắn rằng điều đó không hiệu quả thì tôi sẽ không cố thử. Nhưng chúng ta có thể biết chắc điều đó không? Tôi không cho rằng tuổi trẻ như một lợi ích là cốt yếu trong cuộc sống và cần phải cho nó một tầm quan trọng đặc biệt. Ngược lại điều quan trọng là con người giải thoát được khỏi sự tôn sùng tuổi trẻ. Bởi sự tôn sùng này có thể làm lãng phí một quãng đời của chúng ta.

Vậy ta bỏ tuổi trẻ sang một bên. Nhà thông thái còn có thể chọn điều gì trong danh sách này là điều cốt yếu trong cuộc đời?

Theo những tiêu chuẩn nào?

Theo tiêu chuẩn điều gì đáng để đánh cược trong đời chăng?

Một người bình thường không có quan điểm Phật giáo và không coi thường các lợi ích của thế giới, nhưng biết hân hưởng những điều tốt lành nho nhỏ, cụ thể, cần mỗi thứ một chút. Không có gì xấu khi ai đó vui sướng vì có chút tiền hay một công việc hay ho. Nhưng không thể xây dựng một thang giá trị phổ quát. Phần lớn chúng ta không muốn từ bỏ bất cứ thứ gì. Chúng ta biết rằng các ích lợi xung đột và giới hạn lẫn nhau, rằng „khó mà vừa ăn bánh vừa có nó”, rằng ta không thể có đầy đủ tất cả mọi thứ, rằng cả những người trong mắt chúng ta là có đầy đủ mọi thứ cũng không nhất thiết phải thấy họ được số mệnh ưu đãi. Có lẽ dễ hơn khi nói thiếu điều gì sẽ khiến ta phiền muộn nhiều hơn. Schopenhauer cho rằng lợi ích là không có đau khổ. Ví dụ bây giờ tôi ngồi đây và không cảm thấy đau chỗ nào. Vậy là tốt. Nhưng tôi không thấy điều này là cái gì đó quan trọng. Khi bắt đầu bị đau, và nếu đó là cơn đau dữ dội, thì tôi thấy nó là quan trọng nhất.

Vậy có lẽ – để được ông cho biết nhiều hơn, tôi nên hỏi điều gì là tồi tệ nhất trong cuộc đời. Không hỏi tiền có quan trọng không, mà hỏi thiếu tiền có kinh khủng không.

Nhưng ở đây cũng không có thang giá trị phổ quát. Với người bị tra tấn thì các đòn tra tấn là tồi tệ nhất. Với người đói thì đó là cơn đói. Người ta tự sát vì không thể trả nợ nần, hoặc vì thất tình. Bởi vậy có thể điều cốt yếu nhất là tự giải thoát khỏi đau khổ. Dẫu rằng mặt khác (vì trong cuộc sống điều gì cũng có hai mặt) những người theo chủ nghĩa khắc kỷ khẳng định rằng nhà thông thái thực sự là người không còn đau khổ, thậm chí không đau khi bị tra tấn.

Nếu đó là sự thật thì sự minh triết là cốt yếu nhất trong cuộc sống. Nhưng chẳng biết những người theo chủ nghĩa khắc kỷ có đổi ý khi bị tra tấn hay không.

Có các truyền thuyết về những nhà thông thái nhờ minh triết mà sống sót.

Nhưng có thật không?

Chính vậy, ở đây lại có một chướng ngại tiếp theo. Thực chất chúng ta biết ít về người khác. Và qua đó cũng biết ít về chính mình. Nhưng chắc chắn sụ minh triết, kiến thức, kỹ năng hân hưởng những điều đẹp đẽ dù nhỏ bé trong chừng mực nào đó có thể bù đắp những thiếu thốn hay đau đớn mà mỗi người phải chịu đựng. Tôi có thể cô đơn, nghèo túng, bệnh tật, đói ăn mà vẫn hân hưởng thi ca. Nhưng điều đó không dễ. Khả năng này cần được tôi luyện. Có thể học cách hân hưởng phần giá trị của thế giới có thể tiếp cận được. Điều này quan trọng, bởi nó cho chúng ta cảm giác rằng thế giới không chỉ được dựng nên từ cái xấu, từ đau khổ, bất hạnh và đấu tranh.

Văn hóa là thuốc phiện?

Khi anh nói „thuốc phiện” thì anh đã giả định rằng đó là ảo giác. Tôi hút ma túy để có ảo giác. Nhưng khi tôi sử dụng các lợi ích tinh thần thì không phải là tôi đang trải nghiệm ảo giác. Đó là một phần thật của thế giới đáng để chúng ta tiếp xúc, bởi nó cho tôi thấy rằng bất chấp mọi điều kinh khủng của cuộc sống, bất chấp mọi bất hạnh, đau khổ, đau đớn, thiếu thốn, trong thế giới này vẫn có điều gì đó rất tốt lành và đẹp đẽ. Thậm chí khi tôi học toán và nhờ đó hiểu được các chứng minh nào đó, thì đó là lợi ích, nó cho tôi tham gia vào phía tốt lành của trật tự thế giới này. Những lợi ích như thế có rất nhiều và tôi có thể sự dụng chúng mà không cần giàu có, quyền lực, danh tiếng, nghĩa là tất cả những thứ mà người ta tranh đấu vì chúng.

Vậy văn hóa sẽ là cốt yếu trong cuộc sống.

Tham gia vào các lợi ích tinh thần do con người tạo ra. Về điều này thì tôi không cần phải xung đột với những người khác. Và đó có thể là những thứ hoàn toàn nhỏ bé – chỉ cần tôi có thể thực sự hân hưởng chúng. Tôi có thể đi trên phố và hân hưởng việc ngắm nhìn một tác phẩm kiến trúc, một khu vườn xinh đẹp, một người phụ nữ ăn mặc trang nhã, một cái xe hơi tuyệt đẹp. Đó là những lợi ích nhỏ nhặt, nhưng rất hiện thực. Thậm chí tôi có thể ngồi trong căn phòng lạnh lẽo và hân hưởng thi ca hay âm nhạc. Rất đáng họcmột chút những thứ này để có thể thực sự hân hưởng chúng. Để có thể thán phục âm nhạc hay hội họa, phải biết chút gì đó về chúng. Nhưng điều cốt yếu nhất là nuôi dưỡng trong mình sự sẵn sàng hân hưởng những cái đẹp dễ tiếp cận.

Điều này nghe rất hay, nhưng hơi lý tưởng. Phần lớn chúng ta thích tạo ra những lợi ích khiến người khác thán phục, bởi sau sự thán phục dành cho tác phẩm là sự thán phục dành cho tác giả.

Danh vọng và những tràng pháo tay là lợi ích mà việc theo đuổi nó thường dẫn đến bất hạnh. Bởi đó là những lợi ích mà người ta thường cố gắng để đạt được một cách vô hiệu. Không chỉ vì khó đạt được chúng. Trước hết là bởi danh vọng nói chung chỉ có thể đạt được khi người ta siêu đẳng trong một lĩnh vực nào đó. Khi ai đó nghĩ đến danh vọng, mà không nghĩ về sự siêu đẳng, thì cùng lắm anh ta chỉ đạt được sự nổi danh đại chúng. Để nổi tiếng thực sự, cần phải là Einstein hay Greta Garbo.

Hoặc là Leszek Kołakowski.

Ồ không, tôi không nổi tiếng. Nổi tiếng bây giờ là những người chúng ta luôn thấy trên TV.

Danh tiếng với ông có vẻ là điều ngại ngùng.

Vì sao? Trong danh vọng không có gì xấu. Có gì xấu khi ai đó muốn trở thành giáo hoàng hay Muhammad Ali. Chỉ việc những giấc mơ về danh vọng thường không thành hiện thực mới là xấu.

Phần lớn những mơ ước của con người đều không thành hiện thực. Còn nếu chúng thành hiện thực, thì hóa ra là không phải thế. „Đáng lẽ không phải như thế, bạn thân mến”.

Với danh vọng cũng thường như vậy.

Nhưng giấc mơ danh vọng – có lẽ là của phân nửa những người bình thường – có cần phải từ bỏ không, hay đó là nhu cầu tự nhiên được người khác công nhận?

Nhu cầu được khẳng định là điều tự nhiên và hầu như không thể dứt bỏ, trừ khi nó bị nhận thức Phật giáo giết chết. Bởi Phật giáo giải phóng chúng ta khỏi mọi ham muốn một cách hiệu quả nhất. Đó không chỉ đối với các đồ vật, mà còn đối với các trạng thái: danh tiếng, quyền lực, của cải. Bởi vậy Phật giáo là một trong những tín ngưỡng đẹp nhất và minh triết nhất mà loài người tạo ra.

Thật thú vị khi một triết gia gần như suốt đời viết về Cơ đốc giáo và chủ nghĩa cộng sản về cuối đời lại có khuynh hướng Phật giáo.

Vì sao lại về cuối đời? Tôi luôn dành cho Phật giáo và văn hóa Vệ đà một sự tôn trọng đặc biệt.

Nhưng ông đã không viết gì về Phật giáo hay Ấn Độ giáo.

Vì tôi không biết đủ về chúng. Tôi không biết các ngôn ngữ phương Đông, nhưng tôi nhớ tôi đã có ấn tượng mạnh thế nào với kinh Vệ đà. Tôi luôn có ấn tượng mạnh với tư tưởng và tín ngưỡng Đông phương.

Ông không muốn nghiên cứu Phật giáo thay vì Cơ đốc giáo hay chủ nghĩa cộng sản hay sao?

Muốn chứ. Chỉ là khi sống trong thế giới Cơ đốc giáo và cộng sản, thì là tự nhiên khi việc hiểu các tư tưởng này là quan trọng đối với một con người. Phật giáo dẫu sao cũng không phải là thế giới của chúng ta, mặc dù đó là một thế giới đặc biệt quan trọng. Nhưng hình như anh muốn nói chuyện về việc nói chung điều gì là cốt yếu trong đời người, chứ không phải về chuyện Phật giáo có gì quan trọng đối với tôi.

Bây giờ tôi thêm văn cảnh tri thức và tôn giáo liên quan vào những điều cốt yếu ấy.

Điều đó chắc chắn là quan trọng. Ví dụ danh vọng đối với một Phật tử chính cống hoàn toàn không có chút ý nghĩa nào, cũng như những lợi ích trần thế phù phiếm khác.

Nhưng điều đó có tốt không? Nếu ông không nổi tiếng, thì sự minh triết của ông cũng không có ích lợi mấy. Ông sẽ ngồi ở Oxford, sẽ đọc sách, sẽ viết các bài giảng hay bài luận và sẽ chẳng có mấy người mua, người ta sẽ không xem ông trên TV Ba Lan, không chờ đọc các bài báo của ông... Theo nghĩa nào đó nếu không nhờ nổi tiếng thì chúng tôi đã bỏ phí ông rồi. Nếu sụ minh triết của ông không trở nên nổi tiếng thì nó sẽ ít hữu ích hơn.

Có thể nói vậy, nhưng tôi không nổi tiếng.

Ở đây chúng ta ghi nhận sự khác biệt, vì cố cãi chỉ phí thời gian.

Được. Nhưng khi hướng đến danh vọng thì rất dễ ảo tưởng „Tôi không cố gắng đạt danh vọng, tôi chỉ muốn đem lại chút gì đó hữu ích cho mọi người”. Nhưng thú thật là tôi không biết một người nhảy cao 3 mét thì đem lại điều gì hữu ích cho người khác.

Cảm xúc, cảm giác được tham gia vào hành động tuyệt vời của anh ta.

Tôi nghĩ rằng đó là ảo tưởng. Anh ta ảo tưởng rằng mình làm điều đó cho mọi người, nhưng anh ta chỉ làm cho bản thân – để chiến thắng và được ngưỡng mộ. Còn mọi người thì ảo tưởng về sự tham gia của mình vào đó, như anh vừa nói, mặc dù họ chỉ là người xem – họ chẳng có chút cống hiến hay tham gia nào vào cú nhảy đó.

Có gì xấu trong ảo tưởng đó?

Chẳng có gì xấu. Cử để cho họ ảo tưởng. Nhưng cơ bản là đừng trách móc cuộc đời khi không được đánh giá cao. Chúng ta đừng gắng hết sức vì danh tiếng, bởi nói chung chẳng đạt được đâu và chúng ta sẽ cảm thấy đời mình thất bại. Mà việc cảm thấy như vậy chỉ vì mình không phải là Einstein hay Muhammed Ali thì thật là ngớ ngẩn.

Nhưng có mục tiêu cao có phải là xấu không? Chắc ông đã phải trải qua nhiều đau khổ và từ bỏ nhiều thứ để đạt được đến chất lượng trí tuệ mà ông đang có?

Tôi không nghĩ về mình như thế. Nhưng đặt mục tiêu cao là điều tốt. Chỉ có điều tốt hơn hết là nên có thước đo của riêng mình.

Đánh giá mình theo các tiêu chuẩn riêng, không theo sự tán thưởng của người khác?

Có lẽ là vậy. Bởi sự tán thưởng thường không được chia sẻ một cách công bằng. Quả vậy, đánh giá mình bằng thước đo riêng là điều quan trọng trong cuộc sống.

Vậy là chúng ta đã có vài lời khuyên chung. Còn...

Về tình dục thì xin đừng hỏi tôi. Không phải vì nó không quan trọng, mà vì tôi không muốn đi sâu vào chuyện này.

Vậy tình dục là quan trọng và chúng ta không trao đổi về nó. Thế còn công việc?

Công việc trong cuộc sống rất quan trọng, điều này khá nhàm. Nhưng anh cũng đừng bắt tôi phải đưa ra nguyên tắc chung nên dùng thời gian thế nào – dành cho công việc hay cho gia đình, hay đi uống bia với bạn bè. Mỗi người đều có khó khăn khi tìm sự cân bằng giữa các ích lợi này. Mà không có một đơn thuốc khách quan nào tồn tại. Thậm chí không thể cho mình cái quyền dạy dỗ người khác: „Đừng đi uống bia nếu bạn còn có thể làm việc.” Trong việc dạy dỗ nói chung luôn có điều gì đó đáng ngờ.

Nhưng ông kính trọng đức Phật vì những lời dạy bảo...

Phải.

và nhiều người biết ơn ngài vì ngài đã can đảm dạy bảo...

Phải.

… thế thì?

Tôi không khẳng định rằng khi ai đó cố gắng giải thích cho người khác về thiện ác là xấu. Chúng ta cũng có quyền làm điều đó nếu chúng ta nhận thức được rằng người khác sẽ thực hiện các lựa chọn khác. Nhưng để làm điều này thì phải cảm thấy mình là một sư phụ tốt. Tôi không có cảm giác đó.

Tôi không tìm sư phụ. Tôi tìm người uy tín. Tôi không muốn có những lời giải đáp dễ dãi thường gặp. Tôi muốn nghe xem Leszek Kołakowski đã biết được điều gì về cuộc đời từ tất cả những cuốn sách thông thái, từ kinh nghiệm bản thân và từ những nghiền ngẫm của mình. Tôi hỏi ông: Sống thế nào, thưa giáo sư?

Tôi không biết... Tôi thật sự không biết. Tôi hiểu chúng ta cần những sư phụ... Tôi hiểu chúng ta vẫn luôn đặt ra cho mình câu hỏi: Sống thế nào?... Tôi hiểu chúng ta muốn có những bậc thầy không khiến chúng ta thất vọng... Nhưng không chắc có những bậc thầy như thế, không chắc họ có lý, và không chắc chúng ta nên nghe họ. Ngay cả những lời khuyên tốt nhất của bậc thầy tốt nhất cũng không cần phải thích hợp với tôi và cuộc đời của tôi. Bởi mỗi người sắp xếp đời mình theo một cách khác. Và chúng ta không phải giải thích điều đó. Chúng ta thường làm những việc mà chúng ta không nên làm một cách có ý thức. Những việc gây hại cho ta và cho người khác. Sư phụ bảo chúng ta điều đó là xấu. Nhưng chúng ta cũng tự biết thế. Ngài nói: „Đừng uống rượu”. Nhưng chúng ta vẫn uống.

Vì rượu xoa dịu đau khổ tinh thần?

Nó giúp ta chút gì đó. Sư phụ biết thế. Nhưng ngài cũng không nói: „Hãy uống rượu!” vì ngài không muốn chịu trách nhiệm về những điều xấu xa trong đời ta. Những cái xấu mà chúng ta gây nên, chúng ta phải tự chịu trách nhiệm. Nhất là khi có cả vấn đề về tỉ lệ. Mỗi người đêu hiểu cái xấu khi uống say một lần khác với cái xấu khi tôi bị nghiện rượu. Và mỗi người vượt qua ranh giới này ở những thời điểm khác nhau. Ai, bao giờ – điều này không có sư phụ nào biết được. Tự chúng ta cũng không biết. Vậy nên chúng ta uống rượu và mạo hiểm... Nhưng tôi cho phép mình thưởng thức rượu. Không phải với những hình thức cực đoan, nhưng tôi thích uống rượu vang khi ăn tối và li nhỏ cogniac hay whisky sau bữa tối. Nếu một sư phụ bảo „Đừng uống” thì tôi cũng không nghe. Vì tôi thích rượu vang và cogniac. Nhưng tôi cũng không uống say.

Ông chưa say bao giờ à?

Cũng có, khi còn trẻ. Không có gì phải khoe.

Thế có gì phải xấu hổ không?

Chắc là có. Bởi điều đó có nghĩa là tôi mất kiểm soát đối với các phản xả của mình. Điều này dù sao cũng làm phiền tôi. Nhưng bản thân việc uống rượu thì không. Anh thấy không, hóa ra ngay cả trong những chuyện nhàm chán nhất cuộc sống của chúng ta cũng là một chuỗi những thỏa hiệp không ngừng. Thỏa hiệp giữa những điều trên lý thuyết là tốt với những điều tôi thích dẫu nó không tốt. Ở đây có lẽ ta trở về với câu nói tầm thường nhất, rằng không có ai hoàn hảo.

Và không cần phải hoàn hảo?

Nếu ai đó muốn trở nên hoàn hảo thì cũng không cấm được, mặc dù nỗi khao khát này thường khiến chúng ta thành người khó ưa. Ai mơ ước về sự hoàn hảo, người đó thường dạy dỗ, chấn chỉnh, cho người khác những bài học và tất cả mọi người chạy mất dép. Là một sư phụ không ngừng dạy dỗ và chấn chỉnh là điều không hay. Đó là một cách sống rất xấu. Vậy nên có lẽ cần thỏa hiệp với bản thân và thế giới. Tôi làm nhiều điều và khoan dung với những thứ xung quanh mà tôi không thích, có thể tôi cố gắng hạn chế chúng, nhưng tôi hiểu rằng cách lợi ích trong cuộc sống thường xung đột với nhau. Thực chất khó khăn của cuộc sống chính là sự xung đột lợi ích này. Bởi vậy không có bất cứ một thang giá trị nào hoàn hảo. Nếu tôi tin rằng có một thang giá trị như thế, thì tôi sẽ hướng tới việc công nhận một giá trị nào đó là tuyệt đối và tôi sẽ làm cho những người khác bất hạnh, và cho cả bản thân tôi, dẫu rằng tôi có thể không nhận ra điều đó.

Không biết tôi hiểu có đúng không, rằng nếu bây giờ tôi lại hỏi ông: Điều gì là cốt yếu trong cuộc sống, thì tôi sẽ được nghe rằng chắc điều cốt yếu nhất là sự thỏa hiệp có lý trí?

Có thể nói vậy, nhưng chúng ta cũng không cần phải làm thành một học thuyết. Đó là giá trị mà chúng ta thực hành, nhưng chúng ta không cần phải gọi là thỏa hiệp. Chỉ cần hiểu rằng chúng ta giảm thiểu rủi ro bất hạnh nếu chúng ta chấp nhận sự tầm thường của cuộc sống.

Chấp nhận gì cơ?

Sự tầm thường. Nếu tôi chấp nhận rằng tôi sẽ không là giáo hoàng, hay Greta Garbo, nếu tôi biết rằng tôi không và không cần phải là người hoàn hảo, nếu tôi không đòi hỏi ở mình quá nhiều, tôi hân hưởng những điều nhỏ nhặt, tôi chấp nhận những tội lỗi nho nhỏ và nếu sừ chấp nhận này không khiến tôi bất hạnh, thì đối với mọi người đều tốt hơn.

Nhờ sự tầm thường để có được cuộc sống tốt lành? Đây là lời khuyên của ông?

Có thể là vậy. Nhưng tôi không muốn khuyên ai. Tôi chỉ nói những điều tôi cho là hữu ích.
Nếu nhận thức đó không khiến chúng ta bất hạnh thì chắc trước tiên cần phải biết rằng chính như thế là tốt hơn.

Vậy có thể khi đặt ra luận điểm này cho bao nhiêu người, ông đã mở cho họ con đường đến cuộc sống tốt lành.

Khi điều này không xuất phát từ học thuyết, mà chỉ từ cách cảm nhận cuộc sống. Thế giới không tồn tại để nuôi dưỡng chúng ta bằng hạnh phúc và mê say. Thế giới không phải là thứ chúng ta có thể sử dụng để đạt đến hạnh phúc. Không có cái gì là hạnh phúc. Ta hãy quên những tìm kiếm này đi. Ta hãy hân hưởng sự tầm thường và trong khả năng cho phép tránh bị đau khổ, mặc dù không thể tránh được hoàn toàn.

Ông có thích thế giới của những con ruồi không cánh?

Thế anh có biết thế giới nào tốt hơn không? Có thể đây không phải là một dự phóng sáng lạn. Cũng không phải là một lý thuyết hấp dẫn. Cũng không đặt mục tiêu cao. Không! Đây là một dự phóng khiêm tốn, nhưng khả thi... Và chắc như vậy tốt hơn.... Để cảm thấy dễ chịu khi chúng ta gặp bất hạnh, cần có một cá tính đặc biệt hay có một học thuyết đặc biệt. Ít người có khả năng đó... Nó là thế... Tất nhiên chúng ta có thể tin như Leibniz, thậm chí điều này hữu ích, rằng chúng ta sống trong thế giới tốt nhất có thể. Chúng ta được phép tin vào điều đó. Nhưng Leibniz cũng biết rằng chúng ta phải tiếp nhận niềm tin này a priori, bởi Thượng đế đã phải tạo ra một thế giới tốt nhất có thể. Ngài không thể tạo ra thế giới hoàn toàn không có khổ đau và điều ác. Vì theo logic đó là điều không thể. Hoặc là – chúng ta sẽ phải là những cỗ máy tự động thiếu tư duy, không có tình cảm, không có cảm quan sáng tạo, không có khả năng sử dụng tự do. Vậy nên cái ác, sự đau đớn, khổ đau là cái giá mà chúng ta phải trả để là chính mình. Nhưng điều đó không có nghĩa là khi ta đau răng thì ta tính sổ với Leibniz và tự nhủ: „Đau là tốt, vì trong kế hoạch chung của Thượng đế nhờ vậy mà thế giới trở nên tốt hơn”. Trên lý thuyết điều đó có thể thuyết phục chúng ta, nhưng không niềm tin nào chữa được cơn đau răng.

Thế còn tiền bạc thì sao, thưa giáo sư? Ông vừa trải qua một điều không xảy ra với nhiều người trong thế giới hiện thực. Chuyện gì xảy ra với một triết gia khi một triệu đô la rơi xuống đầu?

Chẳng có gì đặc biệt. Đó không phải là một bước ngoặt nào trong cuộc sống. Điều đó không có nghĩa tôi là người theo chủ nghĩa khắc kỷ hoàn toàn xa lạ với mọi vật chất. Tôi không xa lạ với điều gì. Được nhận một triệu thì không tồi. Nhưng với tôi là quá muộn để đổi đời. Tôi không mua cho mình xe Rolls-Royce (trị giá bằng một nửa phần thưởng của tôi), tôi không trở thành tay chơi.

Thế ông không nghĩ rằng trên thế giới này dẫu sao vẫn có một sức mạnh công bằng ngầm ẩn à? Bởi có cả biển người cật lực gắng sức cả đời vì tiền và ít người có được số tiền như thế, còn ông không gắng sức, sống hơi giống một người khắc kỷ, đột nhiên lại trở nên giàu có. Có thể dẫu sao vẫn có công bằng trên thế giới?

Không có! Thế giới không công bằng. Không có bất cứ sự công bằng nào. Công bằng theo Aristotles là cho mỗi người cái anh ta đáng được có. Nhưng chúng ta không biết ai đáng được cái gì. Không ai đáng được thắng một triệu. Không có công bằng trong các phán quyết của số phận. Còn nếu có, thì đó là sắp đặt của Thượng đế hoàn toàn không có gì chung với sự công bằng trong cách hiểu của chúng ta. Vì sự tính toán của Thượng đế hoàn toàn khác. Nếu có tồn tại một ý định nào đó của Thượng đế, thì chúng ta cũng không được biết. Và cần phải chấp nhận điều này.

Thế nếu ông phải chọn một lợi ích quan trọng nhất trong đời, thì ông sẽ nói gì?

Tôi muốn im lặng nhất. Nhưng nếu anh rứt móng tay hay cứ nhằng nhẵng hỏi tôi thì chắc hẳn tôi sẽ – không xây dựng một học thuyết cứng nhắc nào cả – nói rằng trong số các lợi ích quan trọng trong đời thì vị trí số một là tình bạn. Bởi trong mỗi cuộc đời con người có biết bao bất hạnh, đau đớn, khổ đau, thất bại, rất khó khăn khi phải chịu đựng một mình. Không ai có thể tránh được thất bại trong cuộc sống! Những tham vọng, ước mơ, đam mê không thành, những đau khổ có lỗi hay không có lỗi. Đau khổ luôn đồng hành với chúng ta. Có một câu nói nổi tiếng của Epicurus về đau khổ: „Những đau đớn không thể chịu đựng nổi thì ngắn, những đau đớn dài lâu thì chịu đựng được”. Thế nên những đau khổ luôn đồng hành với chúng ta là chịu đựng được. Nhưng chúng tồn tại. Và ta phải chịu đựng chúng. Mà nếu có bạn bè thì chúng ta trải qua dễ dàng hơn.

Vì họ có thể giúp chúng ta?

Vì khi biết có người khác bên mình, chúng ta sẽ chịu đựng cái ác của thế giới này tốt hơn. Ta thấy có những người mà đối với họ những thất bại và đau khổ của ta cũng là thất bại và đau khổ của họ, bởi vậy ta cảm thấy dễ chịu hơn, chúng ta có nhiều sức mạnh hơn và can đảm hơn. Điều đó an ủi và tiếp sức cho chúng ta cũng còn vì khi chúng ta làm điều gì đó xấu – mà điều này với ai cũng xảy ra – bạn bè không hắt hủi và mất niềm tin vào chúng ta, ta vẫn luôn được họ ủng hộ. Ta cũng không đánh mất lòng tin vào họ, không tạm treo tình bạn khi biết họ không hoàn hảo. Bởi vì khác với tình yêu, tình bạn không lý tưởng hóa. Nếu có điều gì đo như là một cuộc sống tốt lành, thì đó có lẽ là cuộc sống giữa bè bạn tương trợ lẫn nhau. Chúng ta cần trong cuộc sống những ngừi ta có thể trông cậy tuyệt đối và tin tưởng, những người ta biết rằng sẽ không lừa gạt, không phản bội ta, giúp ta khi cần và ta nên giúp, nên tương trợ trong khốn khó – điều mỗi người đều gặp phải và thiếu bạn bè thì ta khó lòng vượt qua. Hơn nữa, tình bạn là lợi ích phụ thuộc rất nhiều vào chính chúng ta. Ta có thể xây đắp nó bằng chính nỗ lực của mình. Vì tình bạn là mối liên hệ tin cậy mà mỗi người có thể dựng nên quanh mình. Mà sự tin cậy giúp ích chúng ta. Không chỉ sự tin cậy đặc biệt giữa bạn bè. Tất nhiên ta không thể tin tưởng hoàn toàn tất cả mọi người. Cái đó rõ rồi. Nhưng nên có giả định tích cực khi ta thấy ái đó lần đầu.

Nghĩa là tin người lạ như cho vay nợ?

Tin trên nguyên tắc thì đúng hơn. Bởi sẽ rất tệ nếu sống trong niềm tin thường trực rằng ai cũng có thể lừa đảo, lợi dụng và tôi phải cảnh giác liên tục. Thật buồn khi phải sống luôn nhìn quanh nghi ngờ. Cả tin dễ chịu hơn.

Cái này nghe ngây thơ quá, và có thể không an toàn.

Có thể. Nhưng như thế vẫn tốt hơn. Chắc rằng chúng ta sec không chỉ một lần thất vọng, nhưng thỉnh thoảng bị lừa còn tốt hơn sống cuộc đời luôn nghi ngờ không tin ai. Ngoài ra lòng tin của chúng ta khiến người khác trở nên tốt đẹp hơn, và chính chúng ta cũng thế.

Nhưng tình bạn không phải chỉ có lòng tin. Ông có tin vào tình bạt bất vụ lợi không?

Tất nhiên. Dễ nhất là kết bạn thực sự với những người không có liên hệ lợi ích nào với chúng ta.

Mỗi người đều muốn có những người bạn có thể trông cậy trong những giờ phút đen tối nhất, nhưng ít người chắc chắn có được như vậy. Tìm những người bạn như thế ở đâu?

Thành thật mà nói thì đây có lẽ là chuyện ngẫu nhiên. Cả cuộc đời là chuỗi không ngừng những ngẫu nhiên không thể dự đoán trước. Phải là thế và chắc hẳn như thế là tốt. Có nhiều thứ thậm chí không cần cố gắng hiểu. Chắc chắn là có một mối liên hệ tinh thần khiến ta kết bạn với ai đó, còn với nhiều người khác thì không bao giờ thành mặc dù ta thường xuyên gặp họ. Khó mà nói được vì sao lại như thế, nhưng mỗi người đều có thể nói ngay mình không thể kết bạn với ai. Ví dụ tôi không thể kết bạn được với những người không ngừng đòi hỏi phải được tham gia vào quyền lực. Không phải vì tôi đánh giá họ không tốt. Tôi không đánh giá. Thậm chí tôi có thể thích họ, gặp gỡ và trò chuyện với họ. Nhưng tôi không kết bạn. Vì tôi không carmt hấy gần gũi. Điều này có lẽ quá bình thường.

Có và không. Bởi vì dẫu sao tôi vẫn cảm thấy có điều gì đó không bình thường khi tôi nghe ông nói – từ góc nhìn cả đời của ông – rằng bạn bè là quan trọng nhất. Nguyên tắc bạn bè là trên hết này có đúng trong cuộc sống của ông không?

Chắc chắn không chỉ một lần. Nhưng tôi không thể cho ví dụ cụ thể.

Ông đã có những lúc lên voi xuống chó trong đời. Ví dụ như khi ông rời Ba Lan, khi đó thật chẳng dễ dàng gì. Khi đó bạn bè có giúp đỡ ông không?

Chắc rồi, họ giúp chứ. Nhưng nếu bây giờ tôi bắt đầu nói về chuyện này thì tôi sẽ phải kể khi đó khó khăn thế nào. Mà tôi không muốn kêu ca. Chúng ta hãy cố gắng kêu ca ít hơn về cuộc sống. Nếu có thể, chúng ta hãy can đảm. Đừng kêu la thế giới tồi tệ ra sao đối với chúng ta. Bởi vì khi cằn nhằn về những tội lỗi xấu xa của thế giới, chúng ta thường bị chê cười hơn là được giúp đỡ.

Thế bạn bè khi đó không xuất hiện à?

Họ xuất hiện khi chính chúng ta sẵn sàng cho tình bạn. Bởi vì có những người sợ tình bạn, họ cho rằng có bạn bè là khiến mình có thêm các khoản chi phí, những sự nỗ lực, không thoải mái. Những người này tự họ khiến mình bất hạnh. Biết làm sao. Chắc là không giúp gì được cho họ. Còn với bạn bè thì không nên hà tiện. Ít khi có khoản chi nào có lời như vậy.

Nghĩa là về bản chất, bạn bè quan trọng nhất là bởi tình bạn là nơi các nguyên tắc chung trong quan hệ giữa người với người không có hiệu lực? Không có cạnh tranh, không lý tính, không phán xét, không phân loại, không vụ lợi.

Tôi không biết có thể nói đơn giản vì sao hay không. Đó đơn giản là mối quan hệ qua lại giữa những người hoàn toàn tin cậy nhau. Họ không co rằng người kia phải hoàn hảo và vô tội, nhưng họ thực sự tin tưởng nhau. Có thể thú tội với bạn thân, nếu ta cần, có thể nhờ khuyên bảo mà không sợ bị cười. Với bạn bè chúng ta cảm thấy hoàn toàn an toàn. Không có gì trong cuộc sống quan trọng hơn thế. Bạn là người ta có thể trông cậy bất chấp tất cả. Bạn thậm chí không cần phải tha thứ cho ta. Có những tội lỗi kinh khủng tới mức làm hỏng tình bạn. Nhưng những lỗi lầm bình thường thì không làm hỏng được nó. Chúng có thể làm hỏng mối quen biết, nhưng không phá hỏng tình bạn.

Thế tình yêu?

Tình yêu giữa đàn bà và đàn ông là một sự phức tạp. Ở đó cũng có cảm giác không cần tha thứ. Chúng ta cũng tha thứ nhưng một cách tự nhiên và ngẫu hứng. Chúng ta giải thích, tự vệ, nhưng không lên án. Như chúng ta tha thứ lẫn nhau.

Sự khác nhau nằm ở chỗ chúng ta là định mệnh không tránh khỏi của nhau. Ta có thể chia tay với những người khác nếu ta không chấp nhận họ. Có nghĩa là tình bạn vẫn là nơi phần lớn các nguyên tắc chung bị loại bỏ. Ở đây không có nguyên tắc công bằng. Khi người ta hỏi ông nên trao giải thưởng quan trọng cho ai đó, thì ông sẽ nêu tên bạn mình trước tiên chứ?

Không có nguyên tắc chung.

Thế tình bạn có được cộng điểm trong trường hợp này không?

Tất nhiên là có. Tôi sẽ nghĩ về bạn mình rất nồng nhiệt. Và không có gì là xấu ở đây.

Đấy không phải là sự dung túng bạn bè hay sao? Điều đó không làm tổn hại nguyên tắc bình đẳng và các nguyên tắc chung sống sao?

Chúng ta không, và chúng ta cũng đừng giả vờ, là chúng ta có thể tuyệt đối công tâm. Chúng ta không như thế. Chúng ta sẽ không như thế. Và chắc hẳn vậy là tốt. Nhưng chúng ta nên biết điều đó thì tốt hơn là tự dối mình. Chúng ta muốn bạn bè mình may mắn, chúng ta muốn ủng hộ họ, và nếu điều đó nằm trong khả năng của chúng ta, chúng ta đứng về phía lợi ích của họ. Hãy để cho mọi sự như thế.

Ồ bây giờ ông đang ca ngợi sự dung túng.

Đó là vấn đề thước đo. Tình bạn là tốt và sự dung túng là xấu, ranh giới giữa chúng là thước đo. Nhưng đó cũng không phải là một ranh giới rõ ràng. Và chắc cuộc sống của chúng ta là vậy. Không có các ranh giới rõ ràng. Trong bất cứ một sự việc đúng đắn nhất nào cũng không nên rơi vào chủ nghĩa cơ yếu. Tránh khắc nghiệt và chủ nghĩa cơ yếu, đó lại là một điều quan trọng nữa trong cuộc sống. Các nguyên tắc cứng nhắc, không thể sửa đổi, không thể mềm dẻo – đó thường không phải là các nguyên tắc minh triết. Các nguyên tắc minh triết không bao giờ tuyệt đối. Bởi trong cuộc sống hầu như không bao giờ có tình huống không có gì quan trọng trừ một thứ duy nhất. Và hãy cứ để mọi thứ như thế. Không có điều gì đơn nghĩa trên đời. Là như vậy. Có lẽ phải là như vậy. Và có lẽ như vậy là tốt.



Sunday 8 February 2015

London và một thực tại khác



Trong cuốn „Thời kỳ khủng hoảng của các bảo tàng”, Jean Clair – sử gia nghệ thuật, nhà bảo tồn, giám đốc lâu năm của bảo tàng Picasso ở Paris – sau khi kể trải nghiệm đầu đời của mình với nghệ thuật đã viết: „Giờ đây, sáu mươi năm sau, tôi vẫn yêu nghệ thuật, nhưng tình yêu đã nhiều ghen tuông hơn, con mắt tinh tường hơn, và niềm say mê có nhiều đòi hỏi khắt khe hơn. Bởi thế tôi chạy trốn khỏi những bảo tàng lớn nơi tôi đã học về nghệ thuật. Tôi chỉ thích thú bước qua ngưỡng cửa những nơi chốn mỗi lúc một trở nên ít ỏi hơn, nơi sự cô đơn, tĩnh lặng và ánh sáng còn cho phép người ta yêu nghệ thuật. Những nơi ấy là Brussels, London, Munich, Vienna...”

Phải. London. Điều cuốn hút nhất của London, với tôi, luôn là các bảo tàng nghệ thuật. Đó là một thế giới khác. Một thực tại khác. Là nơi chốn để hoài nhớ và lâu lâu lại muốn tìm về để lấy lại sự cân bằng khi công việc và cuộc sống quá bận rộn. Phải chăng đó là một phản ứng tự nhiên, một nhu cầu nằm sẵn trong gene di truyền của con người, có cội rễ sâu xa từ những hang động ở Indonesia 40 nghìn năm trước?

Tất nhiên đó không phải là niềm tin ngây thơ rằng các tác phẩm nghệ thuật có một sức mạnh tương tự như tượng thánh, chỉ cần nhìn thấy, chạm vào là lập tức được an ủi, được lành bệnh, rằng một bức tranh tự nhiên sẽ tác động đến người xem mà không cần bất cứ nỗ lực nào, bất cứ sự chuẩn bị hay kiến thức nào. Đó thật ra không phải là một sự „tìm đến” mà là sự „tìm về”. Người ta tìm đến những gì chưa biết, những gì nằm ngoài bản thân mình, những gì hướng về tương lai. Người ta tìm về những gì đã biết đã quen, những gì bên trong mình, những gì hướng về quá khứ.

Đó là cảm giác thân quen, trìu mến và an ủi tràn ngập trong lòng khi tôi ngồi trước bức tranh Cái ghế của Van Gogh ở Bảo tàng Quốc gia, sau một ngày lang thang chân mỏi rã. Sự vững chãi và bình yên tỏa ra từ bức tranh khiến tôi không còn thấy mệt mỏi. Những nét cọ kiên quyết, mạnh mẽ. Màu vàng tươi sáng như nụ cười ấm áp của Van Gogh. Và cái tẩu trên ghế, Cái tẩu của Van Gogh1 mà tôi đã say sưa đọc bao ngày! Bức tranh là bức chân dung tự họa đẹp nhất của họa sĩ. Tôi ngồi đó ngắm ông, bao nhiêu điều trở về như cuốn phim trong tâm trí. Tôi nghĩ về Gauguin, về Ngôi Nhà Màu Vàng, về tình bạn của họ, những xung đột, sự ra đi... Tôi nhớ lại bức chân dung tự họa với băng tai của Van Gogh mà tôi mới xem sáng hôm đó trong Courtauld Gallery - bảo tàng tôi yêu thích nhất ở London.

Courtauld Gallery, ở đó có đủ sự cô đơn, tĩnh lặng và ánh sáng. Không có quá nhiều người xem và ai cũng khẽ khàng. Ánh sáng tự nhiên rọi vào từ các ô cửa sổ lớn khiến các bức tranh được ngắm nhìn trong điều kiện tương tự như khi chúng được vẽ nên, chứ không phải thứ ánh sáng nhân tạo thường thấy ở các bảo tàng. Nơi ấy, tôi đã ngỡ ngàng và cảm động, lần đầu tiên, nhận ra màu xanh mát rượi và dịu dàng của Cezanne trong bức tranh Hồ ở Annecy. Không giống bất cứ bức ảnh chụp nào trong bất cứ album nào. Đó là màu xanh của mùa xuân tinh khiết. Trong màu xanh ấy có cả làn không khí trong trẻo và nụ cười mát lành của bạn tôi, có cả cái mong manh của những bong bóng xà phòng mà con gái tôi thổi bên bờ hồ Annecy năm ngoái. Cezanne đưa tôi tìm về kỷ niệm, cũng như Manet đưa tôi tìm về một „bữa sáng trên thảm cỏ” ở Paris năm nào, với nắng mềm và hoa hồng giăng đầy xung quanh...

Tôi không nghĩ rằng mình có thể học được nhiều điều mới mẻ ở các bảo tàng. Nếu có học, thì đó là một sự học lại. Tôi nhận ra mình đi lướt rất nhanh những phòng tranh thời Trung Cổ, Phục Hưng, nhưng có thể ở lì cả buổi với các họa sĩ ấn tượng hay hậu ấn tượng. Cũng y như khi tôi xem sách về các thời kỳ nghệ thuật. Những gì qua sách vở không hấp dẫn tôi thì cũng khó gây ấn tượng trực tiếp.

Hẳn là phải có một cái duyên thì người ta mới có thể đi ngang qua một bức tranh hay tác phẩm nào đó, hoàn toàn không chủ ý, và bỗng nhiên thấy rung động, cảm thấy nó đặc biệt, như khi Zbigniew Herbert đi ngang qua bức Tĩnh vật với chiếc yên cương của Torrentius, một họa sĩ ông chưa từng biết, để từ đó bắt đầu một câu chuyện dài với những năm tháng tìm tòi, nghiên cứu về cuộc đời của người họa sĩ phi thường chỉ để lại duy nhất một bức tranh này. Nhưng để có được cái duyên như thế có lẽ người ta còn cần một sự mẫn cảm đặc biệt, một nền tảng hiểu biết sâu sắc về lịch sử nghệ thuật, là những điều mà một người bình thường như tôi không có.

Không chỉ là sự tìm về những kỷ niệm và trải nghiệm, chuyến viếng thăm bảo tàng còn là sự tìm về một thứ ngôn ngữ nguyên sơ, chân thành và trực tiếp, chậm rãi và nghiêm cẩn. Bằng màu sắc, hình khối, thời gian, bằng suy tư và những đối thoại không lời. Khác với ngôn ngữ Facebook hay ngôn ngữ thương mại. Picasso trong bảo tàng không phải nickname hay nhãn hiệu một loại ô tô.

Không phải tôi muốn nói rằng giờ đây còn có thể tách rời nghệ thuật và thương mại. Trong một thế giới thương mại như thế giới hiện nay thì đó là điều không tưởng. Gallery Saatchi ở London, nơi tập hợp rất nhiều tác phẩm của rất nhiều nghệ sỹ đương đại nổi tiếng là sở hữu của Charles Saatchi, một tỉ phú trong ngành quảng cáo, được xếp vào số những người có ảnh hưởng nhất trong thị trường nghệ thuật quốc tế và không ít lần bị cáo buộc là đã thao túng thị trường. Song bảo tàng, như một định chế, vốn phi thương mại và phi lợi nhuận, với mục đích dành cho nghiên cứu, giáo dục và cuối cùng mới là giải trí. Trong bảo tàng, người ta có không gian và điều kiện để tìm về một ngôn ngữ khác, thứ ngôn ngữ mà bản chất của nó vốn không phải (và không nên) mang tính thương mại.

Trong bảo tàng, người ta gìn giữ những thứ quý báu nhất của dân tộc, của nhân loại để mọi người cùng được chiêm ngưỡng, tìm hiểu. Năm 2007 khi bảo tàng Louvre tuyên bố ký hợp đồng với Adu Dhabi để „cho thuê” thương hiệu Louvre với giá hơn 500 triệu $ và thành lập bảo tàng Louvre Adu Dhabi, sau đó một phần vật phẩm của Louvre sẽ được mang đến Adu Dhabi trưng bày với giá cho thuê khoảng hơn 700 triệu $ trong vòng 30 năm, dự án này đã làm dấy lên một làn sóng phản đối và nhiều cuộc tranh cãi từ giới giám đốc và các chuyên gia bảo tàng. Bảo tàng và các bộ sưu tập của chúng không phải là những món hàng thương mại. Đầu những năm 2000, khi thành phố Liège nợ nần be bét muốn bán bức tranh Gia đình Soler của Picasso trong bảo tàng để trang trai nợ nần, hàng loạt các kiến nghị phản đối từ các bảo tàng ở châu Âu và Mỹ đã khiến chính quyền Liège phải từ bỏ ý định. Trong lịch sử đương đại châu Âu chỉ có 2 quốc gia từng đem bán di sản nghệ thuật của mình là Nga và Đức. Năm 1922 Lenin bán một phần bộ sưu tập của nữ hoàng Catherine II cho một triệu phú Mỹ. Sau khi Hitler lên cầm quyền, nước Đức Quốc xã tiến hành một chiến dịch xóa sổ nghệ thuật „suy đồi” của người Do Thái, nghĩa là gần như toàn bộ nghệ thuật hiện đại. Hitler cho tiêu hủy hoặc bán lại cho tư nhân toàn bộ các tác phẩm nghệ thuật của các bảo tàng. Tuy nhiên trong cả hai trường hợp này vấn đề đều được lý giải bằng ý thức hệ. Theo đạo đức chủ nghĩa xã hội sự xa hoa của bộ sưu tập thuộc về Catherina II không thích hợp với sự nghèo khổ của nhân dân. Theo tư tưởng của Đảng Quốc Xã, tác giả được giới thiệu và trưng bày phải phù hợp với bộ chuẩn tắc của chủng tộc Đức.2

Di sản nghệ thuật được bảo quản và trưng bày trong các bảo tàng không phải là đối tượng của thị trường và thương mại, mà là tài sản chung của nhân dân. Các tác phẩm nghệ thuật được sưu tập không phải là hàng hóa có thể tái sản xuất, chúng mang tính chất đặc biệt, cụ thể, duy nhất, res unica solaque, mang chở tinh hoa và tâm hồn của loài người qua những thời đại khác nhau. 

Các bảo tàng công ở London đều miễn phí. Về điểm này, London là kiểu mẫu của đạo đức bảo tàng. Những ngày ở London, tôi chỉ lang thang từ sáng đến tối trong các bảo tàng mà vẫn không thấy chán, dẫu biết rằng London còn có nhiều điều khác đầy hấp dẫn. Thôi đành hẹn đến lần sau.

Nhưng biết đâu lần sau, đến London, tôi cũng lại chỉ kịp lang thang trong các bảo tàng? Để rồi mệt quá đôi chân này / tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơitôi sẽ lại tìm về chiếc ghế ấy, chiếc ghế của Van Gogh?


(2.2015)


-------
1 Cái tẩu của Van Gogh” là cuốn sách viết về Van Gogh của Wojciech Karpiński, sử gia nghệ thuật, nhà phê bình văn học và nhà viết tiểu luận người Ba Lan, hiện sống tại Paris.

2 Theo Jean Clair

Saturday 10 January 2015

Kẻ khủng bố, đang nhìn (Wisława Szymborska)

Thái Linh dịch


Quả bom sẽ nổ trong quán ăn lúc mười ba giờ hai mươi.
Bây giờ mới là mười ba giờ mười sáu phút.
Vài người còn kịp ăn,
vài người kịp đi ra.

Kẻ khủng bố đã đến bên kia đường.
Khoảng cách này bảo vệ hắn trước mọi cái xấu
và cảnh y như trong phim:

Người phụ nữ mặc áo khoác vàng, đang bước vào.
Người đàn ông đeo kính râm, đang bước ra.
Những cậu trai mặc quần bò, đang tán chuyện.
Mười ba giờ mười bảy phút bốn giây.
Gã thấp bé này may mắn, đang ngồi lên xe máy,
còn gã cao kều thì đang bước vào.

Mười ba giờ mười bảy phút bốn mươi giây.
Cô gái, đang bước đi đeo nơ xanh trên tóc.
Nhưng bỗng dưng bị cái xe buýt che mất.

Mười ba giờ mười tám phút.
Không thấy cô gái nữa.
Cô ta có ngu ngốc đến mức bước vào quán hay không,
còn phải xem họ sẽ khiêng ra những gì.

Mười ba giờ mười chín phút.
Không có ai bước vào.
Thay vào đó, một gã hói béo bước ra.
Nhưng hình như gã tìm gì trong túi áo và
lúc mười ba giờ hai mươi kém mười giây
gã quay lại vì đôi găng tay quèn ấy.

Mười ba giờ hai mươi.
Thời gian lê thật chậm.
Có lẽ là bây giờ.
Chưa phải bây giờ.
Đúng, là bây giờ.
Quả bom, đang nổ.