Tuesday 27 March 2012

Chiếc giường của Spinoza (Zbigniew Herbert)

Có một điều lạ là trong ký ức chúng ta, hình ảnh các triết gia được khắc ghi sâu sắc nhất vào giai đoạn cuối đời của họ. Socrates nâng ly độc cần lên môi, Seneca đang được người nô lệ mở phanh mạch máu (Rubens có một bức họa như thế), Descartes lang thang giữa các căn phòng lạnh lẽo trong lâu đài với dự cảm rằng vai trò gia sư cho hoàng hậu Thụy Điển sẽ là vai cuối của mình, ông lão Kant ngửi chút bột cải ngựa trước khi bắt đầu cuộc đi dạo thường nhật (cây gậy chống phía trước lún mỗi lúc một sâu hơn xuống cát), Spinoza bị căn bệnh lao phổi hành hạ đang nhẫn nại mài mắt kính, ông đã yếu tới mức không thể kết thúc Luận cương về cầu vồng... Một phòng trưng bày những nhân vật cao quý đang đi vào cõi chết, các mặt nạ nhợt nhạt, những cái khuôn thạch cao.

Trong mắt các nhà viết tiểu sử, Spinoza luôn là một nhà hiền triết mẫu mực – ông tập trung hết sức vào cấu trúc minh bạch của tác phẩm mình, tuyệt đối thờ ơ với những chuyện vật chất, hoàn toàn thoát khỏi các ham muốn. Nhưng có một tình tiết trong cuộc đời ông mà một số người im lặng lờ đi, còn với một số khác là sự quá quắt khó hiểu của tuổi trẻ.

Đó là vào năm 1656, cha Spinoza qua đời. Baruch bị người trong gia đình xem là kẻ lập dị, một gã trai thiếu thực tế, tiêu tốn thời gian quý giá vào việc nghiên cứu đám thư sách khó hiểu. Nhờ một âm mưu quỷ quyệt mà đầu trò là người chị cùng cha khác mẹ Rebecca và chồng cô ta Casseres, người ta đã tước quyền thừa kế của Spinoza, với hy vọng chàng trai trẻ lãng trí thậm chí chẳng nhận ra chuyện đó. Nhưng mọi chuyện lại xảy ra khác hẳn.

Baruch thưa kiện ra tòa với một sức mạnh không ai ngờ; anh mời các trạng sư, gọi các nhân chứng, tháo vát đâu ra đấy và đầy nhiệt tình, biết rõ hoàn hảo về từng tình tiết nhỏ nhặt nhất của thủ tục, vào vai người bị tước quyền lợi và người con bị hại một cách đầy thuyết phục.

Việc phân chia bất động sản được tiến hành khá nhanh (có các quy phạm pháp luật rõ ràng về phần này). Nhưng phần hai của tố tụng diễn ra đầy bất ngờ, khiến ai nấy căm phẫn và hổ thẹn.

Baruch – như bị ma xui quỷ khiến – bắt đầu đòi hỏi hầu hết mọi thứ trong ngôi nhà của cha. Bắt đầu từ cái giường, mà mẹ anh Debora đã qua đời trên đó (anh cũng không quên những tấm màn màu ô liu sậm). Rồi anh đòi những thứ chả có giá trị gì, giải thích đó là vì sự gắn bó tình cảm. Tòa án ngán ngẩm vô cùng, không sao hiểu nổi vì đâu mà gã trai khổ hạnh kia lại ngoan cố muốn thừa kế cái que cời, chiếc bình thiếc sứt quai, cái bàn bếp tầm thường, bức tượng mục đồng cụt đầu, cái đồng hồ hỏng trong hành lang đã thành ổ chuột, hay bức tranh treo trên lò sưởi, đen sạm đến nỗi trông như bức tự họa của hắc ín.

Rồi Baruch thắng kiện. Giờ đây anh có thể tự hào ngồi lên đống chiến lợi phẩm của mình, ném cái nhìn khiêu khích vào những kẻ đã ra sức tước quyền thừa kế của anh. Nhưng anh không làm điều đó. Anh chỉ chọn cái giường của mẹ (cùng các bức màn màu ô liu sậm) – và tặng những thứ còn lại cho những kẻ thua kiện.

Không ai có thể hiểu vì sao anh làm vậy. Tất cả dường như là một sự quá quắt rành rành, thực chất lại mang đầy ý nghĩa sâu sắc. Đúng vậy, như thể Baruch muốn nói rằng đức hạnh hoàn toàn không phải là nơi nương náu của những kẻ yếu đuối, mà hành động từ bỏ là hành động can đảm của những người hy sinh những thứ đáng thèm muốn thông thường (với không thiếu do dự và luyến tiếc) cho những việc khó hiểu và lớn lao. 

(Thái Linh dịch từ tập "Tĩnh vật với chiếc cương ngựa, NXB Tập san Văn học, Warszawa 2003)

Friday 16 March 2012

Nỗi cô đơn (Rainer Maria Rilke)


Thái Linh dịch*

Nỗi cô đơn như cơn mưa.
Từ biển khơi dâng vào chiều tối,
từ những bình nguyên mù xa mất lối,
vội vã cuốn lên bầu trời,
nơi cô đơn chất chứa muôn đời,
rồi từ đó rơi xuống lòng phố thị.

Cô đơn thường rơi lúc tàn canh, khi từng con phố
theo ánh triêu dương dần hé lộ,
khi những tấm thân trống rỗng bàng hoàng
chỉ thấy trước mình là tuyệt vọng, ly tan,
khi những người dị mộng
phải đồng sàng,

là khi nỗi cô đơn tuôn tràn
theo những dòng sông, trôi ra biển lớn...

(*) theo các bản dịch tiếng Ba Lan của Dariusz Guzik, Andrzej Lam và Mieczysław Jastrun (http://rilke.pl/ksiegozbior/poezja/samotnosc/)

Sunday 11 March 2012

Vermeer (Wisława Szymborska)

Cô gái rót sữa, Johannes Vermeer


(Thái Linh dịch)


Chừng nào cô gái ấy, ở Rijksmuseum
trong tĩnh lặng và chăm chú
ngày qua ngày vẫn rót sữa
từ bình ra âu
thì thế giới còn chưa xứng đáng đâu
với ngày tận thế.


Nguyên tác:
Vermeer

Dopóki ta kobieta z Rijksmuseum
w namalowanej ciszy i skupieniu
mleko z dzbanka do miski
dzień po dniu przelewa,
nie zasługuje Świat
na koniec świata.

Saturday 10 March 2012

Bức thư (Zbigniew Herbert)

Bức thư tình, sơn dầu, Jan Vermeer

Thái Linh dịch

Bức thư được tình cờ phát hiện vào nhưng năm hai mươi, đích xác là năm 1924, trong một tiệm đồ cổ ở Leiden. Ba tờ giấy ngà ngà cỡ 11,5 x 17 xăng-ti-mét, với những vết hoen ố vì ẩm ướt, nhưng nét chữ vẫn giữ được tốt, chữ nhỏ, rõ ràng và rất dễ đọc. Không rõ ai đó đã dán bức thư vào mặt trong bìa cuốn tiểu thuyết diễm tình Hiệp sĩ thiên nga một thời rất nổi tiếng, do nhà sách Coola ở Amsterdam xuất bản năm 1651.

Đa số các nhà nghiên cứu (Isarlo, Gillet, Clark, de Vries, Borrero, Goldschneider) biểu lộ sự hoài nghi về phát hiện này, duy chỉ có nhà sử học, nhà thơ trẻ tuổi người Utrecht là van der Velde đã bảo vệ quyết liệt đến cùng tính xác thực của bức thư  (mở ngoặc nói thêm, anh đã bị đâm bằng dao không xa Scheveningen trong những hoàn cảnh bí ẩn). Tác giả của nó – theo nhà nghiên cứu trẻ tuổi - không ai khác chính là Johannes Vermeer, còn người nhận là Antonie van Leeuvenhoek, nhà tự nhiên học nổi tiếng về những cống hiến trong lĩnh vực hoàn thiện kính hiển vi. Cả hai, nhà bác học và người nghệ sỹ, đều sinh cùng năm, cùng ngày, và suốt cuộc đời đều sống ở cùng một thành phố.

Bức thư không có dấu vết sửa đổi hay những can thiệp sau này, nhưng có hai lỗi chính tả ngộ nghĩnh và một vài chữ viết sai thứ tự, thấy rõ là nó được viết vội vàng. Vài dòng bị gạch đi, một cách dứt khoát và mạnh mẽ tới mức chúng ta sẽ không bao giờ biết được những ý nghĩ điên rồ hay đáng xấu hổ nào ẩn trong màu mực đen.

Nét chữ (những chữ v nhọn viết như hình số tám mở, dáng chữ hơi khấp khểnh, như thể ai đó đang bước vội đột nhiên dừng lại) cho thấy sự giống nhau đến kinh ngạc nếu không nói là y hệt với chữ ký duy nhất còn giữ được của Vermeer trong sổ đăng ký của Hội Thánh Luca năm 1662. Các phân tích hóa học giấy và mực cho phép xác định niên đại của tài liệu là nửa sau thế kỷ XVII, tất cả cho thấy bức thư có thể do chính tay Vermeer viết, nhưng vẫn thiếu những bằng chứng không thể bác bỏ. Chúng ta đều rõ rằng những vụ giả mạo hoàn hảo về kỹ thuật vẫn xảy ra.

Tất cả những người phủ nhận tính xác thực của tài liệu đã đưa ra rất nhiều lập luận, nhưng thành thật mà nói chẳng mấy thuyết phục. Sự cẩn trọng khoa học, thậm chí là chủ nghĩa hoài nghi sâu sắc, hiển nhiên là những tính chất đáng biểu dương, song có thể ngầm cảm thấy rằng các chỉ trích chủ yếu do nội dung bức thư gây nên – điều không ai nói trắng ra. Giả sử Vermeer viết thư cho mẹ vợ, bà Maria Tins, xin vay 100 Flo-ring nhân dịp làm lễ rửa tội cho con trai Ignatius, hay đề nghị cầm một trong số các bức tranh của mình cho bác thợ nướng bánh van Buyten để thế số nợ lay lắt kéo dài, thì tôi cho rằng sẽ chẳng ai lên tiếng phản đối. Nhưng khi Thinh lặng Vĩ đại tự mình lên tiếng sau hai thế kỷ rưỡi, mà điều nó nói vừa là tuyên ngôn và thú nhận riêng tư, vừa là lời tiên tri – thì chúng ta không muốn chấp nhận điều đó, bởi trong chúng ta có nỗi sợ hãi sâu xa trước thiên khải và sự bất thuận với phép màu.

Và đây là bức thư:

„Hẳn là anh ngạc nhiên khi tôi lại viết thư mà không đến thẳng nơi làm việc của anh, như thường thấy, vào lúc xẩm tối. Song tôi nghĩ rằng mình không đủ can đảm, không thể nhìn thẳng vào mắt anh để nói những điều mà anh lát nữa anh sẽ đọc.

Tôi những muốn không viết bức thư này. Tôi đã phân vân rất lâu, bởi thực sự không muốn làm tổn thương tình bạn lâu năm của chúng ta. Song có những việc quan trọng hơn tình gắn bó của chúng ta, quan trọng hơn Leeuvenhoek, quan trọng hơn Vermeer.

Cách đây mấy hôm anh cho tôi xem giọt nước bằng chiếc kính hiển vi mới của mình. Tôi đã luôn nghĩ rằng nó tinh khiết như thủy tinh, vậy mà trong đó lúc nhúc các sinh vật kì dị như nơi địa ngục trong suốt của Bosch. Khi cho tôi xem, anh đã theo dõi sự khiếp đảm của tôi một cách hài lòng, tôi cảm thấy vậy. Chúng ta đã im lặng. Rồi sau đó anh nói rất từ tốn và rành mạch: „Nước là thế đấy, anh bạn thân mến ạ, là thế chứ không có gì khác.”

Tôi hiểu qua đó anh muốn biểu lộ điều gì: chúng tôi, các nghệ sĩ, chúng tôi chỉ ghi lại những cái bề ngoài, ghi lại cuộc sống của những cái bóng, những bề mặt vụn gãy của thế giới, mà không có can đảm và tài năng để thấu đạt bản chất sự vật. Chúng tôi, dường như có thể nói, chỉ là những người thợ thủ công làm việc với các chất liệu ảo tưởng, trong khi anh và những người như anh – các anh là những bậc thầy của chân lý.

Như anh biết, cha tôi có cái quán „Mechelen” ngoài bãi chợ. Một người thủy thủ già hay lui tới đó, ông đã đi khắp thế giới từ Madagascar đến Biển Bắc – tôi nhớ ông rất rõ – lúc nào ông cũng chuyếnh choáng say, nhưng ông kể chuyện thật tuyệt và mọi người đều thích nghe ông. Ông là một thứ hấp dẫn của quán, kiểu như một bức tranh rực rỡ hay một con thú lạ. Một trong những câu chuyện ưa thích của ông kể về hoàng đế Trung hoa Tần Thủy Hoàng.

Số là vị hoàng đế này ra lệnh bao bọc đất nước bằng một bức tường dày, để rào ngăn với những gì khác lạ, và đốt hết thư sách để không nghe thấy được những giọng nói nhắc nhở của quá khứ. Mọi thực hành nghệ thuật đều mang tội chết. (Sự vô dụng hoàn toàn của chúng hiển lộ với tất cả lòe loẹt so với những việc nước quan trọng khác, như xây thành hay xử trảm đám phiến quân). Khi đó các nhà thơ, họa sĩ và nhạc sĩ phải trốn vào núi hay vào các ngôi chùa hẻo lánh, sống ngoài vòng pháp luật, bị bầy mật thám săn đuổi. Hàng đống tranh, quạt, tượng, gấm vóc, xa xỉ phẩm hay những thứ đồ được xem là đẹp, bị đốt cháy trên các quảng trường. Trẻ con, đàn bà, đàn ông mặc tuyền màu xám như nhau. Hoàng đế thậm chí còn gây chiến với hoa, ra lệnh rải đá lên các mảnh đất trồng chúng. Một chiếu chỉ đặc biệt quy định rằng khi mặt trời lặn, tất cả mọi người phải ở nhà, kéo rèm đen che kín cửa sổ, bởi anh cũng biết đấy, gió, những đám mây và ánh chiều tà có thể vẽ nên những bức tranh cuồng dã thế nào.

Hoàng đế chỉ coi trọng kiến thức và các học giả được rắc lên người hàng núi vàng. Các nhà chiêm tinh hàng ngày đem đến cho hắn tin tức về việc phát hiện ra một vì sao thực hay ảo mà người ta lấy hiệu của hoàng đế để đặt tên, tới mức chẳng bao lâu cả bầu trời nhung nhúc những chấm sáng Tần Thủy Hoàng I, Tần Thủy Hoàng II, Tần Thủy Hoàng III v.v. và v.v. Các nhà toán học vừa đánh vật với việc tìm ra những hệ số mới, những phương trình phức tạp, những hình hình học không thể tưởng tượng nổi, vừa biết rõ công việc của mình là vô vọng và chả đem lại lợi ích cho ai. Các nhà tự nhiên học hứa hẹn rằng họ sẽ trồng được thứ cây ngọn đâm vào đất còn rễ thì vươn lên tới trời, cũng như thứ hạt lúa mì to bằng nắm tay.

Cuối cùng, hoàng đế khao khát sự bất tử. Các danh y làm những thí nghiệm tàn bạo lên người và động vật để tìm ra bí mật về trái tim vĩnh cửu, lá gan vĩnh cửu, lá phổi vĩnh cửu.

Khi đó hoàng đế muốn thay đổi cả thiên địa càn khôn, để tên hắn được ghi khắc vào ký ức của các thế hệ mai sau. Hắn không hiểu rằng, cuộc sống của một người dân làng, một người buôn rau hay một người thợ chữa giày bình thường còn đáng kính trọng và ngưỡng mộ hơn nhiều – ngược lại chính hắn sẽ trở thành một chữ cái xanh xao, một trong vô số các biểu tượng nhạt nhẽo lặp đi lặp lại của điên cuồng và cường bạo.

Ngần ấy tội ác, ngần ấy tàn phá hắn đã gây ra trong tâm hồn và tư tưởng con người, vậy mà cái chết của hắn lại nhàm chán khủng khiếp. Hắn nghẹn hột nho mà chết. Để quét dọn hắn khỏi mặt đất, thiên nhiên đã chẳng buồn gắng sức làm một cơn bão hay trận lụt.

Anh hẳn sẽ hỏi tôi kể cho anh nghe tất cả những thứ này để làm gì và câu chuyện về vị hoàng đế xa xôi lạ lẫm kia liên hệ thế nào với giọt nước. Tôi trả lời anh, chắc chắn không được sáng sủa rõ ràng lắm, với hy vọng anh sẽ hiểu lời của một con người đầy những dự cảm chẳng lành và bất an.

Vâng, tôi e sợ anh và những người như anh đang lên đường trong một chuyến đi nguy hiểm có thể mang đến cho nhân loại không chỉ lợi ích mà cả những thiệt hại lớn lao không thể cứu vãn. Anh thấy chăng, các phương tiện và công cụ quan sát càng hoàn hảo thì cứu cánh càng trở nên xa vời và mơ hồ. Cùng với mỗi phát minh mới, một vực thẳm mới lại mở ra. Chúng ta trở nên ngày càng cô đơn hơn trong vũ trụ bí ẩn trống rỗng.

Tôi biết, các anh muốn đưa loài người ra khỏi cái mê cung của mê tín và sự may rủi, các anh muốn mang lại cho họ kiến thức và một sự bảo vệ chắc chắn, sáng sủa và duy nhất – theo các anh – trước nỗi sợ hãi và bất an. Nhưng nó có thực sự đem đến giải thoát hay không, nếu chúng ta đem thay thế từ „Thượng đế” bằng từ „tất yếu”?

Anh có thể chê rằng nghệ thuật của chúng tôi chẳng giải đáp được bất kỳ câu đố nào của tự nhiên. Nhưng sứ mệnh của chúng tôi không phải là giải câu đố, mà là ý thức được chúng, nghiêng đầu trước chúng và chuẩn bị cho đôi mắt trước những ngây ngất và ngạc nhiên không ngừng. Nếu anh vẫn cho rằng các phát minh là quan trọng, thì tôi xin thưa rằng tôi tự hào về việc mình đã kết hợp được một loại màu xanh cô-ban đặc biệt đậm cùng với màu vàng chanh sáng, cũng như ghi lại được sự phản chiếu của ánh sáng ban chiều hắt vào thủy tinh dày hay vào bức tường xám.

Công cụ chúng tôi sử dụng cổ sơ về bản chất – cái que có gắn nhúm lông cứng ở đầu, tấm ván hình chữ nhật, màu, dầu - và chúng tôi không thay đổi chúng từ hàng thế kỷ nay, cũng giống như cơ thể và bản chất con người không thay đổi. Nếu tôi hiểu đúng sứ mệnh của mình, thì đó là việc hợp nhất con người và hiện thực xung quanh anh ta, bởi vậy tôi và những người anh em như tôi lặp đi lặp lại đến vô cùng không biết bao lần bầu trời và những đám mây, chân dung các thành phố và con người – toàn bộ cái vũ trụ đầy vụ lợi này, bởi chỉ ở trong nó chúng tôi mới cảm thấy an toàn và hạnh phúc.

Con đường của chúng ta sẽ chia đôi ngả. Tôi biết tôi không đủ thuyết phục anh và anh sẽ không chán việc đánh bóng các mắt kính cũng như việc xây tháp Babel của mình. Nhưng xin anh cho phép cả chúng tôi nữa cũng được thực hiện công việc cổ lỗ của mình, được nói với thế giới những lời hợp nhất, nói về niềm vui của sự hài hòa tìm thấy được, về niềm khao khát tình tương ái muôn đời.

(Trích từ tập tiểu luận "Tĩnh vật với chiếc cương ngựa", NXB Tập san Văn học, Warszawa 2003)


Thursday 8 March 2012

Siêu hình học (Wisława Szymborska)

Thái Linh dịch


Đã xảy ra, đã trôi qua.
Đã xảy ra, nên đã trôi qua.
Theo trình tự không thể đảo ngược,
bởi đó là quy luật của trò chơi sẵn thua từ trước.
Kết luận cũ nhàm, chẳng đáng viết ra,
nếu không có một thực tế không thể chối cãi,
thực tế của muôn đời, mãi mãi,
của cả vũ trụ hiện tồn lẫn vũ trụ mai sau,
rằng một điều đã thực sự xảy ra
cho đến tận khi nó trôi qua,
thậm chí ngay cả
việc hôm nay anh vừa ăn bánh khoai rưới tóp mỡ.


Nguyên tác:


Metafizyka 


Było, minęło.
Było, więc minęło. 
W nieodwracalnej zawsze kolejności, 
bo taka jest reguła tej przegranej gry. 
Wniosek banalny, nie wart już pisania,
gdyby nie fakt bezsporny, 
fakt na wieki wieków, 
na cały kosmos, jaki jest i będzie, 
że coś naprawdę było, 
póki nie minęło, 
nawet to, 
że dziś jadłeś kluski ze skwarkami.


Friday 2 March 2012

Sonnet XVII (Pablo Neruda)

Anh không yêu em như thể em là bông hồng muối, là viên đá topa,
hay mũi tên của những bông cẩm chướng rắc gieo ngọn lửa:
anh yêu em như người ta yêu điều gì đó âm u,
trong bí mật, giữa tâm hồn và bóng tối.

Anh yêu em như yêu cái cây không khai hoa
nhưng mang trong mình ánh sáng của những đóa hoa chưa nở,
nhờ tình yêu của em, trong cơ thể anh ngụ mùi hương quánh đặc thâm u,
dâng lên từ mặt đất.

Anh yêu em không biết vì đâu, khi nào hay ra sao
Anh yêu em thật thà, không hoài nghi, không kiêu ngạo;
yêu như thế bởi anh không biết yêu em cách khác

chỉ cách ấy mà thôi, là anh hay là em không còn phân tách
rất đỗi thân thương, khi tay em trên ngực anh đã là tay anh,
rất đỗi thân thương, khi mắt em khép trong giấc ngủ anh.

(Thái Linh dịch từ bản dịch tiếng Ba Lan của Jan Zych)