Thursday 25 October 2012

Thơ M. I. Lermontov -Thái Linh dịch

Cánh buồm

Trắng lên đơn độc một cánh buồm
Trong màu biển biếc giữa mờ sương...
Buồm mải tìm chi nơi viễn xứ?
Những gì bỏ lại ở quê hương?

Gió rít, cuộn dâng lớp sóng cuồng
Cột buồm kẽo kẹt ngả nghiêng luôn...
Ôi! Buồm không kiếm tìm hạnh phúc,
Chẳng lánh niềm vui chốn dặm trường!

Luồng ngọc biếc xanh dưới cánh buồm
Trên cao tia nắng ánh vàng buông...
Nhưng buồm kiêu bạt đòi bão tố
Như thấy yên bình trong gió giông!

(1832)


Mắt huyền

Giữa ngàn sao đêm hè, ta chỉ thấy
Hai vì sao nơi đáy mắt nàng
Mắt nhung huyền, đôi mắt phương Nam!
Giờ tao ngộ là phút giờ ngang trái.

Nếu có hỏi, những vì sao đêm ấy,
Chúng chỉ nói về hạnh phúc chốn thiên đàng.
Mắt huyền ơi, nơi sao đáy mắt nàng
Tim ta thấy cả thiên đàng, địa ngục.

Trong mắt nàng ánh tình yêu sáng rực
Mắt nhung huyền, đôi mắt phương Nam!
Những vì sao ban ngày và những vì sao đêm
Từ phút ấy trong hồn ta sáng mãi.

(1830)

Thursday 18 October 2012

Nơi đây (Wisława Szymborska)

Thái Linh dịch


Tôi chẳng hay nơi khác ra sao,
nhưng nơi đây trên Trái đất này mọi thứ đều khá bộn.
Nơi đây sản xuất ra ghế và nỗi buồn,
những cái kéo, đàn vĩ cầm, sự ân cần, máy bán dẫn,
những đập nước, những trò đùa và chén tách.

Có thể mọi thứ nhiều hơn ở nơi nào khác,
nhưng vì một số lý do, nơi ấy không có các bức tranh,
không có bánh gối, bóng hình ti vi, và mùi soa lau nước mắt.

Các địa phương kèm vùng ngoại vi ở nơi đây nhiều không kể xiết.
Anh có thể đặc biệt thích vài nơi,
đặt cho chúng tên riêng,
và bảo vệ chúng trước cái ác.

Có thế có những chốn tương tự ở nơi nào khác,
nhưng chẳng ai thấy chúng đẹp xinh.
Chẳng ở đâu, hay hiếm ở nơi đâu,
anh có riêng thân trên
với những phụ tùng cần thiết
để thêm con mình vào đám trẻ dưng.
Ngoài ra anh còn có tứ chi và cái đầu kinh ngạc.

Sự vô tri nơi đây làm việc luôn quá sức,
nó luôn đếm, đo, so sánh điều chi,
rồi từ đó rút ra kết luận và nguyên căn.

Tôi biết, tôi biết anh đang nghĩ gì.
Nơi đây chẳng có gì bền chắc,
bởi từ ngàn xưa đến ngàn sau thiên nhiên luôn thống trị.
Nhưng hãy nhìn xem – các thế lực thiên nhiên mệt mỏi dễ dàng
và đôi khi chúng phải nghỉ thật lâu
đến lần sau.

Tôi biết anh còn nghĩ đến đâu.
Chiến tranh, chiến tranh, chiến tranh.
Nhưng giữa các cuộc chiến tranh là giờ nghỉ.
Nghiêm – con người xấu xa.
Nghỉ – con người thiện hảo.
Khi nghiêm những hoang mạc được tạo ra.
Khi nghỉ nhà cửa được xây nên đẫm mồ hôi trán
và người ta nhanh chóng dọn vào.

Đời sống trên trái đất chẳng đắt đỏ là bao.
Anh chẳng phải trả xu nào cho những giấc mơ, thí dụ.
Cho ảo ảnh – chỉ khi đã mất.
Cho việc sở hữu tấm thân – chỉ bằng tấm thân.

Dường như thế vẫn còn chưa đủ,
anh quay không mất tiền trong vòng đu quay của các hành tinh,
và cùng nó quay lậu vé trong bão tuyết thiên hà,
trong thời gian chóng mặt
tới mức ở nơi đây trên trái đất
chẳng có gì thậm chí kịp run lên.

Anh hãy nhìn cho rõ mà xem:
Cái bàn nằm nơi nó hằng nằm đó,
tờ giấy trên bàn vẫn nguyên như cũ,
qua cánh cửa sổ nghiêng hờ chỉ làn gió hiu hiu,
và trên tường không có vết nứt khủng khiếp nào
có thể cuốn anh biến vào vô định.  



Tuesday 9 October 2012

Thời mạt kỉ (Wisława Szymborska)

Thái Linh dịch


Thế kỉ XX của chúng ta lẽ ra phải tốt đẹp hơn các thế kỉ trước.
Nhưng nó không còn kịp chứng tỏ điều này,
chỉ còn vài năm đếm trên đầu ngón tay,
hơi thở thể kỉ gấp gáp,
bước chân thế kỉ liêu xiêu.

Đã xảy ra quá nhiều điều
đáng lẽ không phải xảy ra,
còn điều phải đến
lại không đến.

Lẽ ra phải tiến tới mùa xuân
và hạnh phúc, cùng những điều khác.

Nỗi sợ hãi
phải rời bỏ thung lũng và non xa.
Sự thật phải cán đích trước dối trá.

Đáng lẽ không được diễn ra
một số điều bất hạnh,
ví dụ như chiến tranh
hay nạn đói, vân vân.

Sự bất khả tự vệ của những kẻ bất khả tự vệ,
lòng tin cậy, và những điều tương tự như thế
lẽ ra phải được tôn trọng.

Ai từng muốn hân hưởng thế giới,
đang đứng trước một công việc
bất khả thi.

Trò ngốc nghếch không khôi hài.
Sự minh triết chẳng tươi vui.

Niềm hy vọng, tiếc thay
đã không còn là thiếu nữ,
vân vân và vân vân.

Thượng đế, lẽ ra, rốt cuộc đã phải tin vào con người
thiện hảo và mạnh mẽ,
nhưng thiện hảo và mạnh mẽ
vẫn luôn là hai kẻ khác nhau.

Sống ra sao? - trong thư có người hỏi tôi như thế,
đó chính là người tôi đang định hỏi
y chang.

Một lần nữa và như mọi khi,
như trên cho thấy,
không có câu hỏi nào khẩn thiết hơn
những câu hỏi thơ ngây.


Nguyên tác:

Miał być lepszy od zeszłych nasz XX wiek.
Już tego dowieść nie zdąży,
lata ma policzone,
krok chwiejny,
oddech krótki.


Już zbyt wiele się stało,
co się stać nie miało,
a to, co miało nadejść,
nie nadeszło.


Miało się mieć ku wiośnie
i szczęściu, między innymi.


Strach miał opuścić góry i doliny.
Prawda szybciej od kłamstwa
miała dobiegać do celu.


Miało się kilka nieszczęść
nie przydarzyć już,
na przykład wojna
i głód, i tak dalej.


W poważaniu być miała
bezbronność bezbronnych,
ufność i tym podobne.


Kto chciał cieszyć się światem,
ten staje przed zadaniem
nie do wykonania.


Głupota nie jest śmieszna.
Mądrość nie jest wesoła.


Nadzieja
to już nie jest ta młoda dziewczyna
et cetera, niestety.


Bóg miał nareszcie uwierzyć w człowieka
dobrego i silnego,
ale dobry i silny
to ciągle jeszcze dwóch ludzi.


Jak żyć - spytał mnie w liście ktoś,
kogo ja zamierzałam spytać
o to samo.


Znowu i tak jak zawsze,
co widać poniżej,
nie ma pytań pilniejszych
od pytań naiwnych.


Thursday 4 October 2012

Cuộc sống nhọc nhằn cùng ký ức (Wisława Szymborska)

Thái Linh dịch


Tôi là khán giả tồi cho ký ức của mình.
Nó muốn tôi không ngừng lắng nghe giọng nó,
còn tôi thì cựa quậy không yên, gây mất trật tự,
nghe được chăng hay chớ,
đi ra đi vào, rồi lại đi ra.

Nó muốn chiếm của tôi toàn bộ tâm trí và thời gian.
Khi tôi ngủ, nó làm điều này khá dễ.
Ban ngày thì hên xui, nên nó bực mình.

Nó ấn cho tôi thư, ảnh ngày xưa một cách nhiệt tình,
nó khơi ra những chuyện linh tinh và quan trọng,
hướng mắt tôi vào những nơi bị bỏ qua, sao lãng,
và làm chúng đông đúc lên bằng những người thân đã chết của tôi.

Trong các câu chuyện của nó đương nhiên tôi luôn trẻ hơn rồi.
Điều đó cũng hay, nhưng để làm quái gì mãi cái tình tiết ấy.
Mỗi tấm gương mang cho tôi một thông điệp khác.
Nó nổi trận lôi đình khi tôi nhún vai.

Đầy thù hằn, nó lôi ra mọi lỗi lầm của tôi,
những lỗi lớn, đã được quên dễ dãi.
Nó nhìn vào mắt tôi, chờ đợi
xem phản ứng ra sao.
Rồi cuối cùng lại an ủi ngọt ngào
rằng mọi thứ còn chưa quá tệ.

Ký ức muốn tôi sống cùng và chỉ cho riêng nó.
Tốt nhất là trong căn phòng kín mít tối mò,
nhưng trong các dự định của tôi luôn có ánh nắng bây giờ,
những đám mây thời nay, những con đường hiện tại.

Đôi lúc tôi ngán nó đến tận cổ.
Tôi đề nghị chia tay. Từ nay mãi mãi.
Khi ấy nó mỉm cười thương hại,
bởi biết rằng đó cũng chính là bản án cho tôi.  


Nguyên tác:

Jestem złą publicznością dla swojej pamięci.
Chce, żebym bezustannie słuchała jej głosu,
a ja się wiercę, chrząkam,
słucham i nie słucham,
wychodzę, wracam i znowu wychodzę.
Chce mi bez reszty zająć uwagę i czas.
Kiedy śpię, przychodzi jej to łatwo.
W dzień bywa różnie, i ma o to żal.

Podsuwa mi gorliwie dawne listy, zdjęcia,
porusza wydarzenia ważne i nieważne,
przywraca wzrok na prześlepione widoki,
zaludnia je moimi umarłymi.

W jej opowieściach jestem zawsze młodsza.
To miłe, tylko po co bez przerwy ten wątek.
Każde lustro ma dla mnie inne wiadomości.
Gniewa się, kiedy wzruszam ramionami.

Mściwie wtedy wywleka wszystkie moje błędy,
ciężkie, a potem lekko zapomniane.
Patrzy mi w oczy, czeka, co ja na to.
W końcu pociesza, że mogło być gorzej.

Chce, żebym żyła już tylko dla niej i z nią.
Najlepiej w ciemnym, zamkniętym pokoju,
a u mnie ciągle w planach słońce teraźniejsze,
obłoki aktualne, drogi na bieżąco.

Czasami mam jej towarzystwa dosyć.
Proponuję rozstanie. Od dzisiaj na zawsze.
Wówczas uśmiecha się z politowaniem,
bo wie, że byłby to wyrok i na mnie.