Wednesday 21 January 2009

Những nụ hoa đào trên xứ lạnh

(Trung thu 2008 ở Vác-sa-va, Ba Lan. Photo: Hải Yến)
*
"Tôi xin trang trọng thề sẽ cố gắng là người tốt và trung thực. Tôi sẽ gìn giữ danh dự và tiếng thơm của trường. Tôi sẽ kính trọng các thầy cô giáo, người trên và cha mẹ. Tôi sẽ học những gì là Đẹp. Tôi sẽ yêu tổ quốc của mình."
Đó là lời thề mà các học sinh lớp một của trường tiểu học số 205 ở Vác-sa-va, Ba Lan, trang trọng tuyên thệ trong ngày làm lễ nhập trường. Khi chuẩn bị học thuộc lời thề này ở nhà, con gái tôi đã hỏi: „Mẹ ơi, con có thể đọc câu cuối thành „Tôi sẽ yêu các tổ quốc của mình” được không?”

Con gái tôi, cũng như bao đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, sẽ luôn gặp phải những tình huống như thế, những câu hỏi như thế. Chúng là những đứa trẻ „xa xứ”, một khái niệm mà nhiều người thường nghĩ tới với đôi chút ngậm ngùi, đôi chút xót xa, như thể chúng có phần thiệt thòi, có phần đáng thương...

Nhưng tôi lại không nghĩ vậy. Trẻ em ngày nay sống trong một thế giới rộng mở mà nhiều khi các biên giới địa lý không còn nhiều ý nghĩa. Những đứa trẻ xa xứ ngày một nhiều hơn. Nhìn từ một góc độ khác thì chính các em là những đứa trẻ hạnh phúc. Con gái tôi vui sướng vì có hai tổ quốc để yêu thương, có hai dịp đón năm mới, vừa được ông già Noel tặng quà, vừa có ngày Tết để háo hức với những bao lì xì. Từ nhỏ, thế giới của các em đã không giới hạn trong một khung cảnh hạn hẹp. Thế giới của con gái tôi có lá vàng mùa thu, tuyết trắng mùa đông, nhưng cũng có cả hoa đào hồng rực mùa xuân, biển xanh và nắng chói chang mùa hạ ở một nơi xa xôi nhưng đầy âu yếm mà chúng tôi vẫn gọi là „quê nhà”. Đối với con bé, thế giới đã được nhân đôi, phong phú, khác biệt. Yêu thương cũng nhân đôi. Đứa trẻ, ngay từ những năm đầu đời, đã có thể nhìn cuộc sống với một tâm hồn cởi mở và đôi mắt bao dung. Đây thực sự là một thế mạnh, một ưu điểm của các em mà rất tiếc, không phải bậc cha mẹ nào cũng ý thức được đúng mức.

Những đứa trẻ sinh ra ở nước ngoài sẽ hòa nhập với cuộc sống ở đây chẳng mấy khó khăn. Các em nói tiếng nước sở tại còn thạo hơn tiếng mẹ đẻ, thậm chí tư duy luôn bằng thứ tiếng ấy. Nhưng để các em phát huy được thế mạnh “đa văn hóa” của mình, các bậc cha mẹ phải luôn nỗ lực không ngừng. Làm sao để tiếng Việt, phong tục và văn hóa Việt thấm vào các em một cách tự nhiên, nhẹ nhàng như bầu không khí mà các em đang hít thở? Với con gái, tôi và gia đình chỉ nói tiếng Việt và ra lệ: ai „lỡ miệng” nói tiếng Ba Lan thì sẽ bị phạt. Vậy là con bé lại trở thành „ viên cảnh sát” tích cực nhất để bắt lỗi ai không nói tiếng Việt trong nhà. Buổi tối, trước khi đi ngủ, tôi thường đọc cho cháu nghe một câu chuyện bằng tiếng Việt. Sách là người bạn tốt nhất của tôi trong công cuộc „giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” cho con gái. Một câu chuyện không cần quá dài, quan trọng là cháu hiểu được tường tận từng từ. Vốn từ ngữ ấy sẽ thấm dần vào đầu óc trẻ, nhiều khi đem lại những kết quả thật bất ngờ. Tôi vẫn nhớ cảm giác kinh ngạc vui thích của mình khi nghe con tả lại cuộc đi thăm viện bảo tàng tự nhiên của lớp mẫu giáo. Cháu giải thích tường tận cho tôi bằng tiếng Việt đời sống và sự diệt vong của loài khủng long, dùng từ hoàn toàn chính xác, kể cả những từ đầy tính „học thuật” như „động vật bò sát” hay „thiên thạch”! Những từ ấy chắc hẳn cháu đã được nghe tôi đọc từ một quyển sách nào đó.

Tham gia các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng trong những dịp lễ tết cổ truyền là một cách tốt để thổi „hồn Việt” vào đời sống của trẻ. Khi đó, khái niệm „Việt Nam” đối với các cháu không còn xa xôi và trừu tượng nữa, mà nó sẽ tươi tắn như cành đào, cây quất ngày Tết, ngộ nghĩnh thú vị như những thứ đồ chơi Trung Thu, và có lẽ quan trọng hơn, là ...ngon lành như mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh dày, bánh trôi, bánh chay, bánh nướng bánh dẻo... Tôi còn nhớ, một lần chồng tôi đưa con đi dự Tết Trung Thu do cộng đồng tổ chức. Khi trở về, trong khi ba nó nức nở khen Trung Thu năm nay tổ chức hoành tráng, các màn văn nghệ rất đặc sắc, thì con gái cứ phụng phịu bảo „Chẳng hay lắm.”. Hỏi ra mới biết, hóa ra cỗ Trung Thu thiếu món bánh dẻo mà cháu đã háo hức mong chờ!

Thời nay, việc tổ chức một lễ hội thật Việt Nam hay nấu các món ăn Việt không còn quá khó như trước đây nữa. Tôi nhớ ngày mình mới sang Ba Lan cách đây hai mươi năm, một chai nước mắm hay một lọ mắm tôm cũng là cả một „kho báu”. Thời ấy người ta có thể chỉ vì được người nhà hay bạn bè từ Việt Nam sang cho mấy cọng rau mùi mà phải kỳ công nấu cả một nồi phở cho đỡ thèm, một cuốn sách hay băng video Việt Nam được chuyền tay nhau xem đến nát bươm. Bây giờ đã khác nhiều, thực phẩm Việt Nam và châu Á không thứ gì là không có. Những người cầu kỳ thì đến Tết cũng có thể mua lá dong, lạt, gạo nếp, đỗ xanh về gói bánh chưng rồi tự luộc như ở Việt Nam, thậm chí còn ... hơn Việt Nam, vì ở „nhà mình” bây giờ cũng còn mấy người tự gói bánh chưng! Rồi internet và VTV4 càng làm cho Việt Nam trở nên gần gụi hơn bao giờ hết. Có thể nói không ngoa là tuy ở nước ngoài, nhưng trong phạm vi gia đình, chúng ta có thể có một không gian thuần túy Việt Nam. Điều này khiến cho việc „giữ gìn bản sắc Việt” cho trẻ em xa xứ trở nên dễ dàng hơn trước rất nhiều.

Nhưng có lẽ như vậy cũng chưa thật là đủ. Để nuôi dạy trẻ thật tốt, tôi nghĩ chính các bậc cha mẹ phải tích cực hơn nữa để hòa đồng với cuộc sống ở nước sở tại, chứ không phải chỉ co cụm trong cộng đồng của mình. Điều này tưởng khó nhưng nhiều khi lại rất đơn giản, chỉ cần chúng ta có một tư duy tích cực. Một người bạn của tôi có con học mẫu giáo. Thỉnh thoảng, bạn lại cùng các cô giáo tổ chức một „ngày Việt Nam” cho các cháu. Trong ngày ấy, các cháu được nghe kể truyện cổ Việt Nam, vẽ cờ và bản đồ Việt Nam, được học vài từ tiếng Việt đơn giản, học...cầm đũa, được ngắm nghía và sờ mó những thứ „kỳ lạ” như cái nón, cái chày, cái cối, được ăn các món Việt khoái khẩu như nem, bánh cuốn, bánh rán... Đối với các bạn trong lớp mẫu giáo, nước Việt Nam của con trai bạn tôi đã trở nên gần gũi và thân thiện hơn. Các cô giáo thì vui mừng vì có thêm đề tài thú vị để dạy cho các cháu, khơi dậy sự ham tìm hiểu và lòng bao dung với những giá trị khác biệt. Còn bạn tôi thì niềm vui luôn lấp lánh trong mắt mỗi khi đưa con đến trường, nghe các bạn cháu chào bằng câu chào tiếng Việt vừa mới học được... Thiết nghĩ, ví dụ của bạn tôi có thể áp dụng ở khắp nơi, các thầy cô giáo chắc hẳn sẽ rất hồ hởi và nhiệt tình khi chúng ta đưa ra đề nghị tổ chức những buổi vui như thế cho các cháu.

Một mùa xuân mới lại đang đến. Nhìn con hồn nhiên chơi đùa với các bạn, lòng tôi tràn ngập cảm giác vui sướng xen lẫn đôi chút tự hào. Các em như những tia nắng ấm, như những nụ hoa đào hồng tươi trên xứ lạnh. Chăm sóc và nuôi dưỡng để những búp nụ ấy rạng rỡ nở hoa chắc chắn là công việc không dễ dàng chút nào, nhưng phần thưởng sẽ rất xứng đáng cho những người „trồng cây” cần mẫn. Nếu chúng ta hết sức dốc lòng, thì đó sẽ là những bông hoa độc đáo và tươi đẹp nhất của mùa xuân.

(Bài đã đăng trên Lao Động Cuối Tuần, số Xuân 2009)


Friday 16 January 2009

Tia nắng nhỏ


Có một ngày, giọt nắng
Đậu xuống vòm ngực ba,
Muốn giữ nắng lại nhà
Ba ủ vào bụng mẹ.

Con ra đời như thế -
Từ một giọt nắng trong
Mẹ mang nắng trong lòng
Chín tháng dài có lẻ...

Biển vốn yêu con trẻ
Nên gửi sóng tới thăm
Sóng vỗ nhẹ thì thầm
Bên tai con âu yếm.

Vì con, mùa xuân đến
Truyền sức sống ngập hồn
Tay, chân như mầm non
Nhú ra từ giọt nắng.

Giọt sương mai ngời sáng
Làm đôi mắt long lanh,
Những sợi cỏ mướt xanh
Để cho con làm tóc.

Mấy chùm bông đuôi sóc
Của cây liễu bên hồ
Tặng những mịn non tơ
Cho da con êm ái.

Cánh chim nào mê mải
Vẫy gọi giữa vô biên
Bàn chân con không yên
Đạp hoài trong bụng mẹ.

Ơi yêu thương nhỏ bé,
Tia nắng ấm ngoan lành!
Cả thế giới ngát xanh
Đang mong chờ con đó…

Thái Linh
(24- 2-2008)

Thursday 15 January 2009

Thiên sứ quyền năng

Jerzy Pilch là một trong những nhà văn được yêu thích nhất của văn học Ba Lan đương đại. Ông sinh năm 1952 tại Wisla, Balan. Ông tốt nghiệp khoa ngữ văn trường ĐHTH Jegiellonski (Krakow). Ông viết tiểu thuyết và là biên tập viên tờ Tygodnik Powszechny (Tuần báo Phổ Thông).

Ông đã đoạt giải thưởng của Quỹ Nhà Thờ năm 1989. Tháng 10.2001 ông được trao tặng giải thưởng Nike - giải thưởng văn học lớn và uy tín nhất của Ba Lan - cho cuốn "Thiên sứ quyền năng". Trong danh sách đề cử năm đó có nhiều nhà văn xuất sắc của Ba Lan, một trong số đó là Czeslaw Milosz - người từng đoạt giải Nobel văn học.

Các tác phẩm chính: "Những lời thú tội của người sáng tác chuyện cấm", London 1988; "Danh sách những kẻ ngoại tình", London 1993 ; "Nỗi tuyệt vọng vì mất xe ngựa", Krakow 1994; "Những niềm vui thú khác" , Poznan 1995; "Độc thoại từ miệng cáo" , Krakow 1996; "Những luận đề về sự ngu ngốc, uống và chết , London 1997; "Một nghìn thành phố yên tĩnh" , London 1997; „Bên thiên sứ quyền năng" Krakow 2000; „Những câu chuyện giáng sinh” (đồng tác giả với Olga Tokarczuk và Andrzej Stasiuk) 2000.

"Thiên sứ quyền năng" là một cuốn tiểu thuyết với lối văn phong tiêu biểu cho Jerzy Pilch - cuốn hút, dí dỏm, những từ ngữ tuôn chảy như một bản trường ca, không thể tách rời độc thoại, đối thoại hay trích dẫn v.v., không thể định nghiã hay phân loại theo các quy tắc ngữ pháp thông thường, nhưng mỗi từ đều là một từ thích hợp nhất, đắt nhất. Cuốn sách là câu chuyện về tình yêu và cuộc đấu tranh để chiến thắng chính mình, mà, theo như bình luận của NXB Văn Học, "có thể đọc liền một hơi, còn nếu bạn đọc trên tàu điện thì bạn có thể sẽ quên mất bến xuống..."
(Thái Linh dịch và giới thiệu)

*

Phần 1

Chiếc váy màu vàng

Trước khi những gã ma-phia cùng với nữ thi sỹ da màu Albert Lulaj xuất hiệt trong căn hộ của tôi, trước khi họ kéo tôi ra khỏi giấc ngủ say mèm và trước khi họ ra yêu sách - đầu tiên bằng những lời đề nghị đạo đức giả, sau đó là bằng những lời ẩn ý đe dọa không thương tiếc - tôi đã có thể tạo điều kiện để in thơ Albert Lulaj trên tờ "Tuần báo Phổ Thông", trước khi xảy ra những sự kiện bão tố mà tôi tha thiết muốn kể, là buổi tối trước những biến cố, buổi sáng sớm và chiều tối ngày hôm trước. Và tôi từ sáng sớm đến chiều tối ngày hôm trước đã uống rượu đào. Đúng thế, tôi đã uống rượu đào, đã nhớ man dại tình yêu cuối cùng trước khi chết, đã chìm sâu vào cuộc sống trụy lạc bằng đôi tai.

Buổi sáng vẫn còn chẳng có chuyện gì xảy ra, điều độ, mà thậm chí là khổ hạnh đúng mực. Tôi nằm dài trên chiếc giường một cho đến trưa, đọc báo và nghe các bản nhạc của tay kèn saxo Feliks Slovacka. Gần trưa, trong số cả loạt giai điệu do Slovack thể hiện chỉ có một khúc lọt được vào tâm trí tôi, đó là nhạc phẩm của Karel Svoboda với tựa đề Where’ve you got your nest, little bird? Tôi nghe và thắc mắc, nguyên tác tiếng Séc sẽ là thế nào: "Kde je tvoje hnízdo, ptácátko?", mà cũng có thể là: "Kde je tvoje hnízdo, ptácku?". Vì tôi vẫn không thể giải đáp được tiểu từ nào: nhẹ hơn - ptacku, hay là mạnh hơn - ptácáko, sẽ đúng và phù hợp hơn, nên trong cảm giác bất lực ngôn ngữ (mặc dù vẫn trong say mê), tôi nhổm dậy hết lần này tới lần khác từ chiếc giường một, đi đến chỗ máy quay điã và quay đi quay lại tác phẩm đang làm tôi xúc động sâu xa.

Đó là một ngày tháng Bảy đẹp trời, từ tầng mười hai tôi nhìn thấy rõ những sườn đồi bao quanh thành phố, xa hơn nữa là bình nguyên, ruộng đồng, những cọc mốc, đường ray xe lửa, dòng sông mát dịu nước sáng màu, những ngọn núi phía chân trời, sông Wisla như một viên sỏi trắng dưới đáy thung lũng lá kim, quán ăn "Nâng Cốc" và khu vườn thơm mùi rạ mới bên cạnh, những bầy ong bướm trên các thùng bia. Con chó béc giê lông bạc màu của bác sỹ Swobodzicki tợp tợp khẩu phần của mình từ cái nồi tôn. Ông bác sỹ đã chết từ một năm nay, nhưng con chó, theo thói quen, hàng ngày cứ đến quán, những người vẫn còn đang sống đổ vào cái nồi của nó bia hơi Zywiec được rót từ thùng ra một cách công bằng.

Tôi đã nhìn thấy rõ tất cả, như thể tôi đang ở đó, và tại nơi tôi đang đứng, tôi cũng nhìn thấy rõ tất cả: những ô cửa sổ đang mở của các ngôi nhà, từng chiếc ô tô có hình dạng khí động học thời thượng cổ lăn trên đường phố, một người phụ nữ mặc chiếc váy hai dây màu vàng đứng cạnh máy rút tiền tự động. Từ trên cao tôi đoán nàng thông minh và xinh đẹp. Bỗng nhiên tôi tin chắc rằng nàng chính là tình yêu cuối cùng của đời tôi. Đó là một sự chắc chắn toàn thân, không chỉ phần đang say của tôi, mà cả phần tỉnh của tôi và tất cả các phần không rõ nét, các phần không đánh giá được theo khiá cạnh tỉnh táo của tâm hồn tôi dường như đều chắc chắn. Ngay lập tức tôi phải mặc quần áo, xức nước thơm và chạy xuống dưới không cần chờ thang máy và theo gót nàng. Tôi nghiêm túc do dự một thoáng, không biết có nên xử sự như vậy chăng, nhưng cái máy rút tiền tự động, cái máy rút tiền tự động đã gạch bỏ tình yêu này. Nếu tôi thực sự chạy xuống và theo chân nàng, tôi sẽ hành động như mọi khi tôi vẫn hành động: tôi sẽ đi sau nàng, bước những bước nhanh và khắc nghiệt của tên giết người hàng loạt, tôi sẽ đi sau nàng cho tới khi nàng phát hiện ra, cho tới khi nàng hoảng hốt chắc mẩm rằng có người theo sát mình một cách không khoan nhượng. Sau đó một chút, khi đã bị nàng nhìn thấy và chú ý, tôi sẽ tiếp tục cuộc rượt đuổi trên đường phố cho tới thời điểm nỗi bất an, sợ hãi và tò mò của nàng bắt đầu biến thành chất nổ... khi đó – không để cho vụ nổ xảy ra - tôi sẽ thực sự tăng tốc và đi ngang hàng với nàng, tôi sẽ cúi chào ga lăng và sẽ nói hơi hạ giọng:

- Vô cùng xin lỗi cô, vô cùng xin lỗi, nhưng vì đã lâu quá rồi (chỗ này cái giọng hơi hạ thấp của tôi sẽ đứt quãng, tựa như là vì e thẹn), quá lâu, tôi đi theo cô đã quá lâu, cho nên tôi quyết định phải thú thật....

Khi đó nàng chắc chắn sẽ bật ra chuỗi cười ngọc trai, nơi sự sung mãn giống cái sẽ gắn liền với cảm giác nhẹ nhõm vì người đuổi theo nàng không phải là kẻ biến thái dã man theo nàng để thoả mãn thèm khát, mà là một người sành điệu từng trải theo chân nàng vì cái đẹp.

- Vì lý do gì, ồ, vì lý do gì mà ông đi theo tôi chứ ? – nàng sẽ hỏi và nở nụ cười mê hồn, mặc dù trong giọng nói của nàng vẫn còn những âm hưởng âu lo.

- Thật sao, thật sao, khó hiểu như vậy thật ư? - tôi sẽ chống đỡ với tài hùng biện và sẽ nói với nàng bằng sinh lực tràn đầy, những lời nói của tôi sẽ như bản trường ca tình yêu xiết chặt lấy nàng bằng sức mạnh của vần điệu và phép ẩn dụ, tôi sẽ hát cho nàng nghe những bài hát tán tỉnh và sau vài câu nàng sẽ hoàn toàn xiêu lòng, sẵn sàng bị quyến rũ, yêu đến chết đi được, nàng sẽ là của tôi, của tôi mãi mãi, tôi sẽ đưa nàng đi trên con đường sáng lạn của cuộc sống lứa đôi.

Nhưng, tiếc thay, tôi không thể hành xử như vậy được, tôi không thể sử dụng những thủ thuật kinh điển trong thời điểm này. Làm sao có thể đi theo từng bước người phụ nữ vưà mới rút tiền từ máy tự động? Rôì tôi sẽ giải thích sao đây với đám cảnh sát do nàng gọi đến, rằng không phải ham muốn cướp bóc, mà là tình yêu từ cái nhìn đầu tiên đã dẫn dắt những hành động của tôi ư? Chẳng bõ giải thích, chẳng bõ thử, tôi phẩy tay, đầu hàng và buồn bã nhìn từ tầng mười hai người phụ nữ đáng lẽ trở thành mẹ của các con tôi - đang bỏ đi. Với nỗi tiếc nuối khôn cùng tôi dõi theo tình yêu cuối cùng của đời mình rời khỏi máy rút tiền tự động, còn đi thêm một đoạn nữa trên đường Jana Pawla và mãi mãi, mãi mãi rẽ sang phố Panska. Một lần nữa trong lịch sử những tình cảm cao quý lại bị tiền bạc đánh bại. Đột nhiên tôi bị một cảm giác giận dữ khủng khiếp xâm chiếm, tôi giận dữ với những cái máy rút tiền tự động vài năm trước còn chưa có. Nỗi phẫn nộ tràn ngập, tôi nhớ lại sự sụp đổ của bức tường Berlin và tôi phản đối sự sụp đổ của bức tường Berlin, tất cả những người nhiệt thành dùng buá đập vỡ bức tường Berlin đã lấy mất của tôi người con gái tóc nâu mặc váy vàng, và tôi phản đối công đoàn "Đoàn Kết", vì công đoàn "Đoàn Kết" đã lấy mất của tôi người con gái tóc nâu mặc váy vàng, và Lech Walesa đã lấy mất của tôi người con gái tóc nâu mặc váy vàng, và giáo hoàng Jan Pawel vẫn thường kêu gọi: hãy hiển linh hỡi Thượng Đế, đã lấy mất của tôi người con gái tóc nâu mặc váy vàng, và Thượng Đế hiển linh và biến đổi diện mạo trái đất đã lấy mất của tôi người con gái tóc nâu mặc váy vàng. Chúa ơi, Thượng Đế ơi - tôi nghĩ - nếu mọi chuyện vẫn như xưa, nếu chủ nghiã cộng sản không sụp đổ, nếu không có thị trường tự do, nếu như ở phần này của châu Âu nơi tôi sinh không xảy ra vô số thay đổi thì bây giờ đã không có những cái máy rút tiền tự động, mà nếu không có những cái máy rút tiền tự động, thì mọi chuyện giữa tôi và người đẹp tóc sẫm màu mặc váy vàng sẽ suôn sẻ như đáng lẽ nó phải thế.

Không ai, ngay cả Thượng Đế, có thể quay ngược lại tiến trình các sự kiện, không ai và không cái gì làm người con gái tóc nâu chắc đang đi đến góc phố Panska và phố Zelazna, quay trở lại - chỉ còn nỗi thống khổ, nỗi đau và niềm cay đắng vì phải chia xa với tấm thân rám nắng trong chiếc váy vàng. Nhưng tôi không thể không nhận thấy: nỗi đau và niềm cay đắng vì chia xa làm tăng thêm cái đẹp xung quanh. Vẫn vang lên đau đớn và não nùng, mà thậm chí còn đau đớn và não nùng hơn, tiếng kèn saxo của Feliks Slovack. Tôi nhìn lên, chiếc tàu điện đi qua đám cỏ mọc cao đến nỗi có thể che lấp được cả con ngựa lẫn bộ yên cương, gần hơn, trong những toà công sở hoành tráng bao quanh bùng binh ONZ có hai người lính gác đi từ phòng này sang phòng khác, bật đèn và tắt đèn, nhìn tôi qua những tấm kính Venice, phiá trên các nóc nhà và phiá trên các giàn ăng ten có đám mây sáng đang di chuyển, đó là một ngày vĩ đại giữa muà hè. Đó là ngày người ta đã chờ đợi cả năm, mà có thể là từ hằng nhiều năm, đó là ngày mà con người ta có thể ngừng uống rượu bất cứ lúc nào.

Tôi quay lưng lại cửa sổ và nhìn căn phòng tràn ngập âm thanh của kèn saxo, trong cái chai trên bàn vẫn còn nhiều rượu đào, tôi đến gần, rót đầy, uống cạn và cảm thấy thăng hoa. Chúa ơi, tôi đã cảm thấy thăng hoa làm sao, thật hợp với một ngày đặc biệt! Tâm trí tôi bừng lên ánh sáng công bằng và thân ái, suy nghĩ của tôi ngay lập tức hiện thành những từ ngữ tài hoa, cử chỉ của tôi chuẩn xác. Tôi đi tắm, gội đầu, mặc quần áo, xức nước thơm, chạy xuống dưới không chờ thang máy và theo dấu chân người con gái tóc nâu xinh đẹp thông minh mặc chiếc váy hai dây màu vàng. Tôi đã sẵn sàng băng qua phố Panska, phố Zelazna, phố Zlota, phố Sienna, tất cả các đường phố, tôi sẵn sàng lật tung cả thành phố, ngó vào tất cả các cánh cổng, bấm chuông tất cả các căn hộ - tôi biết là tôi sẽ tìm thấy nàng. Tôi sẽ tìm thấy nàng trên mặt đất - chứ không phải trên trời, đang sống - chứ không phải sau khi chết, trong hiện thực - chứ không phải trong mơ.

Thursday 8 January 2009

Những nốt nhạc trong rừng Campinos

„Tôi sẽ ra đi và nằm xuống, ngả mình

Giữa những cây liễu

Có thể lúc bấy giờ

Tôi sẽ viết những vần thơ”

(W. Broniewski)

Nếu bạn đến Vacsava vào một ngày hè cuối tuần đẹp trời, tôi sẽ đưa bạn đến thăm công viên Łazienki. Chúng ta sẽ tới bên tượng đài Chopin, giữa vườn hoa hồng mênh mông. Lăn ra bãi cỏ, bạn hãy nhắm mắt lại để từng nốt nhạc Chopin thấm vào hồn cùng với mùi cỏ thơm ngai ngái và hương hoa hồng thoang thoảng, cùng với những cơn gió nhẹ và đôi chút lao xao, cùng với ánh nắng ấm áp đậu trên mi mắt và cả bầu trời xanh mây trắng lồng lộng trên đầu... Khi bản nhạc kết thúc, bạn sẽ tặng cho người nghệ sỹ vừa chơi đàn một tràng pháo tay nồng nhiệt. Người nghệ sỹ ấy sẽ cúi đầu cảm ơn bên cây đàn dương cầm đặt dưới chân tượng Chopin. Và Chopin thì đang ngồi đó trầm tư, mái tóc bồng bềnh bay trong gió, dưới một cây liễu. Bạn hãy ghi nhớ hình ảnh ấy nhé, bởi vì nó đã trở thành một trong những biểu tượng của xứ này. Chopin và cây liễu. Chopin và âm nhạc. Chopin và Ba Lan.

Nếu bạn hỏi tôi loài cây gì gắn bó ruột thịt với Ba Lan, như cây tre Việt Nam, cây bạch dương nước Nga, cây phong Canada hay anh đào Nhật Bản, thì tôi sẽ trả lời rằng đó là cây liễu. Không phải những cây liễu ủ rũ yếu ớt soi bóng điệu đà bên hồ nước như bạn tưởng tượng đâu. Cây liễu ở Ba Lan có thể là những cây cổ thụ rất to, được người ta chặt ngang ở một độ cao nhất định nào đấy để những cành non tua tủa đâm lên thành tán, khi thì giống những bàn tay xòe ra, khi thì trông tựa một mái đầu.

wierzby 4 by you.

Cây liễu đã hàng bao thế kỷ nay hiện hữu trong không gian phong cảnh Ba Lan, trong tâm thức người Ba Lan. Một cánh đồng, một trảng cỏ với những cây liễu nổi lên là hình ảnh mà mỗi người con Ba Lan xa xứ nghĩ đến ngay khi nhớ về Tổ quốc. Không gian ấy sẽ trống rỗng, cô đơn và nhạt nhẽo biết bao nhiêu nếu không có hình dáng của liễu. Chỉ thêm vào vài cây liễu, nó lập tức là một không gian đậm đặc Ba Lan, lập tức có hồn, có bản sắc, có hơi thở ấm áp riêng của mình. Những đứa trẻ đi xa khi trở về, nhìn thấy những cây liễu thân quen là biết mình sắp về đến nhà, một mái nhà nhỏ nào đấy trong ngôi làng nằm sau rặng liễu kia...

wierzby by you.

Những cây liễu trong rừng Campinos -vùng quê nơi Chopin đã sinh ra - xào xạc thì thầm gieo những nốt nhạc đầu tiên vào tâm hồn Người, để rồi giờ đây lại thấm đẫm nhạc Chopin. Khi trôi qua một đồng cỏ xanh với những cây liễu nổi lên đâu đó, tôi luôn có cảm giác mình đang nghe những nốt nhạc của một bản Polonez. Trên đường từ Vacsava đến Campinos, có một con đường nhỏ dẫn vào một lâu đài. Hai bên đường là hai rặng liễu tuyệt đẹp, đẹp như trong truyện cổ tích. Mỗi khi đi ngang, tôi lại tự nhủ lần sau mình sẽ mang máy ảnh đến đây, chụp con đường này, những rặng liễu này. Thế rồi „lần sau” là tôi lại quên...

wierzba snieg by you.

Liễu cũng luôn hiện hữu trong văn chương, thi ca, hội họa, phim ảnh... Này đây là những cây liễu trong các tác phẩm của Kasprowicz, Lenartowicz, Grudzienski, Konopnicka, Slowacki, Zeromski, Asnyk, Broniewski... Này đây, liễu trong tranh của Rapacki và rất nhiều các họa sỹ khác... Liễu trong các thước phim của Andrzej Wajda. Những cây liễu đen - trắng của nhiếp ảnh gia kiệt xuất E. Hartwig khi thì huyền ảo như trong mơ, khi thì lung linh như phát sáng, khi thì trầm mặc như một bức tranh cổ Trung Hoa...

hartwig wierzby 3 by you.

hartwig wierzby 2 by you.

hartwig_wierzby[1] by you.

hartwig wierzba by you.

(Những bức ảnh liễu của E. Hartwig)

Cây liễu tượng trưng cho sự trong sạch, tinh khiết và sức sống mãnh liệt. Bạn cắm một cành liễu xuống đất là sẽ có ngay một cây liễu mới. Người ta nói: bạn sẽ không bao giờ giết chết được một cây liễu. Cũng như dân tộc Ba Lan luôn có một sức sống mãnh liệt và bất khuất.

catkins by you.

(Những chùm bông đuôi sóc luôn là hình ảnh của mùa xuân và lễ Phục Sinh)

Cây liễu gắn liền với mùa xuân. Khi những chùm bông đuôi sóc nở ra trắng mịn là dịp Lễ Phục Sinh đến. Người ta đem những cành bông liễu đến nhà thờ làm lễ. Những chiếc giỏ, chiếc làn làm bằng nhành liễu theo chân các bà nội trợ ra chợ, theo chân người vào rừng hái nấm, sum vầy cùng cả gia đình trong các buổi picnic ngoài trời. Liễu gắn bó với cuộc sống đời thường của người Ba Lan như thế.

wierzby2 by you.

Bạn ơi, ngày trở về, bạn hãy mang trong lòng mình hình ảnh những cây liễu hiền hòa trên các bình nguyên Ba Lan. Liễu sẽ thì thầm kể cho bạn nghe rất nhiều điều bí mật của xứ sở này...

(9.2008)

Wednesday 7 January 2009

Du hành cùng một quyển sách

Nhị Linh
*
Cuối cùng thì một nhân vật đặc biệt xuất sắc của thế giới báo chí quốc tế thế kỷ hai mươi đã đến được với Việt Nam thông qua một tác phẩm rất nổi tiếng: “Du hành cùng Herodotus” (Nguyễn Thái Linh dịch từ tiếng Ba Lan, Nhã Nam và NXB Văn hóa Sài Gòn). Nhân vật đó tên là Ryszard Kapuscinski, chắc hẳn là người Ba Lan được biết đến nhiều nhất trên toàn cầu cùng với Lech Walesa và Karol Woltyla (tức Giáo hoàng Jean-Paul II). Và khi đọc “Du hành cùng Herodotus”, người ta có thể hiểu tại sao một nhà văn khó tính như Salman Rushdie lại từng dùng sự ngưỡng mộ để miêu tả Kapuscinski: “Nếu nghe nói về một con đường không ai đi nổi mà sống sót, ông sẽ đi vào đó, chỉ để xem mình có vượt qua được hay không” và nữa: “Một Kapuscinski đáng giá bằng một nghìn nhà văn làng nhàng chuyên rên rỉ và mơ mộng hão huyền”.

Vào năm 1964, Kapuscinski (khi đó 32 tuổi), được Hãng Thông tấn Ba Lan (PAP) cử làm thông tín viên nước ngoài duy nhất của hãng, điều đó có nghĩa là trong mười năm liền ông phụ trách đưa tin từ 50 nước. “Sở trường” của Kapuscinski là viết về các nước thuộc Thế giới Thứ ba, và không bỏ qua vụ việc lớn nào trong đời sống chính trị của các nước ấy. Trong “Du hành cùng Herodotus” ông kể lại vụ đảo chính đầy kỳ lạ ở Algeria; đang ở Dar es-Salaam, bỗng nhiên ông được vị đại sứ Algeria mời đến gặp để nói ông nên đi sang đất nước Bắc Phi, dù chưa hề có một dấu hiệu nào cho thấy sẽ có một cuộc đảo chính lớn. Thế nhưng Kapuscinski, tuân theo sự nhạy cảm nhà nghề của một thông tín viên chuyên nghiệp, đã trở thành chứng nhân của cuộc đảo chính lật đổ “bạo chúa” Ben Bella để đưa Boumedienne lên nắm quyền tại Algiers, “thành phố lớn, đầy nắng, trải ra bên bờ vịnh rộng hình vòng cung” (tr. 286).

Rồi Iran của cuộc cách mạng Hồi giáo dưới sự đứng đầu của “ông già cứng rắn và nguy hiểm” Ayatollah Khomeini (tr. 189) năm 1979, khi mà Kapuscinski ở Tehran để theo dõi và viết về những tuần lễ cuối cùng của các vị Shah Hồi giáo. Tất nhiên không thể bỏ qua Uganda, Congo, Ấn Độ, Trung Quốc và rất nhiều nơi nữa, mà “Du hành cùng Herodotus” đã kể lại một phần (rất nhỏ so với hàng chục năm không dừng chân của một phóng viên quả cảm, dĩ nhiên!).

Theo tổng kết, khi quay về sống ở Ba Lan cuộc đời Kapuscinski đã trải qua 27 cuộc cách mạng hoặc đảo chính, 40 lần bị nhốt vào tù, và sống sót qua bốn án tử hình. Một cuộc đời phiêu lưu như vậy dĩ nhiên làm người ta cảm thấy bị cuốn hút, và quả thực là một điều vô cùng hiếm có của thời chúng ta sống ngày nay, khi mà phương tiện đi lại thuận tiện cũng đồng nghĩa với các hiểm họa trên con đường du hành giảm đi đáng kể. Nhưng không chỉ có vậy, con người văn hóa của Kapuscinski cũng khiến ông tìm thấy vẻ đẹp của sự nhiệt hứng ở những giọt mồ hôi đầm đìa trên cơ thể Louis Armstrong khi nhạc sĩ tài danh đến biểu diễn ở Khartoum (Sudan) năm 1960 trước một nhúm người cùng màu da với ông nhưng gần như không được hoan nghênh (tr. 159-161).

Thế nhưng, điều thực sự làm nên giá trị văn học cho “Du hành cùng Herodotus” nằm ở cái nhân vật vô hình nhưng lúc nào cũng ở bên cạnh nhà phóng viên kể từ đầu sự nghiệp quốc tế: sử gia Hy Lạp cổ đại Herodotus. Quyển “Sử ký” của Herodotus là món quà tặng của vị tổng biên tập cho chuyến đi nước ngoài đầu tiên của Kapuscinski (sang Ấn Độ) và sẽ luôn ở bên cạnh ông. Trong “Du hành cùng Herodotus” ông đã viết như thế này: “Khi ấy ở Congo, những câu chuyện Herodotus kể cuốn hút tôi đến mức nhiều khi tôi sống trong nỗi kinh hoàng của trận chiến giữa Hy Lạp và Ba Tư nhiều hơn là của cuộc chiến tranh Congo đang diễn ra mà tôi là thông tín viên này” (tr. 212). Kapuscinski thuộc vào hạng người ấy: cuộc du hành thực tế trong cuộc đời luôn song song với một cuộc du hành vô hình, trong tâm trí, một bên thì đi xuôi thời gian, còn bên kia thì đi ngược. Kapuscinski đọc Herodotus để biết về lịch sử các miền đất mà mình đặt chân đến, nhưng đi kèm đó cũng là niềm khát khao được nhìn thấu đáo mọi điều, được mở rộng lòng mình cho những mới mẻ, được thông cảm với những con người không một chút giống mình.

Một điều đặc biệt nữa là trong “Du hành cùng Herodotus”, Kapuscinski đã thực hiện một phân tích hết sức tỉ mỉ phương pháp làm việc và bản thân con người của Herodotus, như ông cảm nhận khi đọc đi đọc lại các đoạn trong tác phẩm bất hủ về những sự kiện và con người xa xăm. Không chỉ học được thái độ làm việc nghiêm túc từ sử gia, Kapuscinski còn có thể đưa ra một hình dung về nhân vật rất ít được biết tới ngày nay, hay nói chính xác là viết một “hư cấu” về nhân cách Herodotus và đặt nó vào một cuốn sách phi hư cấu như “Du hành cùng Herodotus”. Tác phẩm của Kapuscinski, ngay lập tức, trở nên đa dạng và vươn lên một tầm cao của thể loại du ký rất thường xuyên bị biến thành những bản ghi chép phong tục rườm rà không mấy có ích cho sự hiểu của chúng ta với thế giới.

Sunday 4 January 2009

Nước Nga buồn thảm

Richard Pipes (nhà sử học, chính trị học, Xô-viết học người Mỹ, cố vấn của tổng thống Ronald Reagan. Bài đăng trên tuần báo Wprost (Ba Lan) số ra ngày 21-28/12/2008. Thái Linh dịch)

Xưa kia, Gogol đọc những chương đầu tiên của „Những linh hồn chết” cho Pushkin nghe. Nhà thơ thường ngày hay cười, khi nghe tác phẩm của Gogol, trở nên mỗi lúc một buồn bã hơn. Khi nhà văn ngừng đọc, Pushkin thở dài và thốt lên: „Lạy Chúa, nước Nga của chúng ta mới buồn thảm làm sao!”

Tôi nghĩ đến cảnh tượng từ đầu thế kỷ XIX ấy khi theo dõi các sự kiện ở Nga. Vì đâu một dân tộc như dân tộc Nga, tài năng trong văn học, nghệ thuật và khoa học, lại không thể tổ chức được cuộc sống xã hội để bảo đảm cho mình sự ổn định và một nhà nước pháp quyền? Tại sao người Nga che giấu hết cuộc khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, bù đắp cho điều đó bằng sự khinh mạn và khủng bố các nước láng giềng? Thật là một vở kịch thương tâm. Đã 17 năm trôi qua từ khi Liên Xô sụp đổ. Các nước Đông Âu, sau khi thoát khỏi sự kìm kẹp của Nga, đã xây dựng được những nhà nước dân chủ dù ít dù nhiều và hòa nhập vào cộng đồng châu Âu. Họ biết họ thuộc về cái gì. Chỉ có nước Nga là vẫn không biết.

Theo các điều tra dư luận, người Nga chối bỏ lối sống và các giá trị phương Tây. Trên phương diện chủng tộc và tôn giáo, họ không thuộc thế giới Hồi giáo hay Phật giáo phương Đông, họ khẳng định rằng họ muốn đi theo con đường riêng của mình, mặc dù họ không xác định được con đường đó là gì. Vì vậy họ rơi vào tình trạng tự cô lập, không biết tìm cho mình một chỗ đứng trong gia đình các dân tộc toàn thế giới.

Những người lãnh đạo nước Nga – phần lớn là các cựu quân nhân cảnh sát chính trị xô viết – ý thức được sự vô vọng của nền kinh tế cộng sản và đã quay sang chủ nghĩa tư bản. Nhưng đấy là chủ nghĩa tư bản trong đó nhà nước kiểm soát các ngành kinh tế mang lại nhiều lợi nhuận, như dầu lửa và khí đốt, đồng thời tỏ ra không tôn trọng sở hữu tư nhân. Ví dụ như các hợp đồng với British Petroleum và Shell, bị cắt đứt với lý do không tuân thủ việc bảo vệ môi trường. Tài sản của Michail Chodorkovsky, chủ hãng Yukos, bị tịch thu trên cơ sở các cáo buộc gian dối về tội trốn thuế. Thực chất là các lý do chính trị.

Cả Putin lẫn Medvedev đều không được chuẩn bị cho các hậu quả của khủng hoảng tài chính thế giới. Cả hai đều cho rằng nước Nga được cách ly khỏi kinh tế thế giới như Liên Xô trước kia. Vì vậy họ cam đoan rằng họ kiểm soát được cuộc khủng hoảng là hậu quả sự thiếu thận trọng của người Mỹ. Nhưng họ không giải thích được cho nhân dân tại sao thị trường chứng khoán Nga sụt giảm 85%, mất nhiều hơn bất cứ thị trường chứng khoán nào khác trên thế giới. Họ không thể giải thích tại sao đồng Rúp mất giá. Nền kinh tế của họ, phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng, đang bị đe dọa, khi mà trên thị trường quốc tế giá một thùng dầu tụt xuống dưới 70 USD. Các nhà lãnh đạo Nga đến bây giờ mới nhận thức được họ đã trả cái giá đắt như thế nào cho cuộc xâm lược Georgia, khi sau đó các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Nga một số vốn trị giá gần 100 tỉ USD.

Trong lãnh vực chính trị tình hình cũng không khá hơn. Người Nga hoài nghi cho rằng mọi chính phủ đều do các chính khách chỉ biết chăm lo đến quyền lợi cá nhân lãnh đạo. Bởi vậy phần lớn dân Nga không quan tâm đến chuyện bầu những người lãnh đạo. Họ thấy các chính phủ chuyên quyền là phù hợp với mình. Những người lãnh đạo phải „mạnh mẽ, cương quyết và không khoan nhượng”. Putin và Medvedev đều tỏ rõ cho mọi người hiểu rằng họ không định xây dựng nước Nga thành một nước dân chủ. Họ lặp lại quan điểm của nữ hoàng Catherine II và Aleksandr II, rằng dân chủ sẽ dẫn đến sự sụp đổ của nước Nga. Trong bài giảng ở Đại học Columbia, Mỹ vào năm 2003 Putin phản đối lại lời chỉ trích rằng ở nước ông ta không có tự do ngôn luận, viện lý lẽ là trong lịch sử của mình, nước Nga chưa từng biết đến thứ tự do này. Việc chính quyền hiện nay không ưa tự do ngôn luận đã khiến cho mười ba nhà báo dũng cảm dám chỉ trích chế độ phải trả giá bằng mạng sống. Cho tới nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Lệ chuyên quyền, đối với truyền thống phương Tây là cá biệt, lại được 2/3 dân Nga ủng hộ. Hậu quả của nó là sự tách biệt dân chúng khỏi các vấn đề của quốc gia. Có thể đặt câu hỏi nếu khủng hoảng chính trị nổ ra, người dân Nga có đứng lên giúp đỡ chính phủ hay không? Trong các thời điểm như vậy dân chúng rút lui vào cuộc sống riêng, để kệ cho chính phủ tự bảo vệ mình. Người ta đã có thái độ như thế ở Nga vào năm 1917 và năm 1991, khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, trong sự thờ ơ của nhân dân.

Khi người Nga nói họ muốn chính phủ phải „mạnh mẽ, cương quyết và không khoan nhượng”, ý họ cũng muốn nói đến chính sách ngoại giao. Khi hỏi rằng nước họ nên được nhìn nhận như thế nào trên trường quốc tế, gần một nửa số người được hỏi trả lời là „một nước hùng mạnh, bất khả chiến bại, một cường quốc của thế giới”. Chỉ có 3% trả lời là „nước yêu hòa bình và thân thiện”, và 1% là „nước pháp quyền và dân chủ”. Thái độ ấy của phần lớn xã hội lý giải sự nỗ lực đến mức ám ảnh của người Nga để xây dựng địa vị „cường quốc lớn” mà họ đạt tới đỉnh điểm trong chế độ Xô viết và đã đánh mất. Cũng chính vì lý do này mà phần lớn người Nga coi Stalin là lãnh tụ lớn nhất, và coi thường Kerensky và Yeltsin, những người đã cố gắng mang tự do đến cho họ. Tham vọng lớn nhất của các lãnh tụ là xây dựng cho nước Nga khả năng gây khiếp sợ và bắt người khác phải vì nể.

Mỗi năm chính sách ngoại giao của Nga một trở nên hung hãn hơn. Chính quyền phản ứng một cách giận dữ khi cảm thấy các mong muốn của mình bị lờ đi, như trong trường hợp Kosovo, Georgia hay các vấn đề hệ thống phòng chống tên lửa của Mỹ ở Ba Lan và Séc. (...) Có vẻ như mục đích chính của sự can thiệp vào Georgia là để quấy rối và làm mất thể diện nước Mỹ. Moscow muốn cho thấy – và họ đã thành công – rằng Mỹ không có khả năng cứu bất cứ một đồng minh nào trong „vùng ảnh hưởng đặc biệt” của Nga. Các nỗ lực của Nga để chia rẽ châu Âu và Mỹ cũng phục vụ cho mục đích này. Moscow thực hiện chính sách này thành công. Một phần là do sự phụ thuộc của châu Âu vào việc cung cấp năng lượng của Nga, phần khác vì sự ghen tị với vai trò chủ đạo của Mỹ trên thế giới mà các chính khách châu Âu – Berlusconi, Sarkozy và Merkel – đã chọn sự trung lập trong căng thẳng của Washington – Moscow. Nước Nga cảm ơn Liên Hiệp châu Âu vì đã không áp dụng với nước này các hình phạt cho cuộc xâm lược Georgia.

Chuẩn bị cho dân chúng trước sự sụp đổ giả tưởng của Hoa Kỳ, truyền thông Nga vẽ ra những bức tranh vui tươi cho nước mình, mà đến năm 2020 phải vượt qua Hoa Kỳ trong kinh tế và quân sự và có thể - cùng với Trung Quốc - thay thế siêu cường quốc đáng căm ghét này. Đồng Rúp sẽ phải trở thành ngoại tệ dự trữ chính, còn Moscow – thành thủ đô tài chính của thế giới. Khi đọc các dự báo như vậy, người ta có thể đặt câu hỏi liệu các tác giả có tin vào chúng không, hay là họ đang có mưu đồ. (...)

Tôi tin rằng để nước Nga không còn là một khó khăn cho chính mình và cho phần còn lại của thế giới, nó phải chọn ra được một chính phủ biết xóa bỏ những mộng tưởng siêu cường quốc, dồn công sức cho việc phát triển nền kinh tế quốc dân hiệu quả và nhà nước pháp quyền. Chính phủ ấy cũng phải từ bỏ sự tự cô lập và tiếp nhận một tiến trình theo phương Tây mạnh mẽ. Chính sách này không có cơ hội dưới trướng chính phủ của Putin – Medvedev. Có thể nước Nga cần một cú sốc mới để đương đầu với hiện thực.