*
"Tôi xin trang trọng thề sẽ cố gắng là người tốt và trung thực. Tôi sẽ gìn giữ danh dự và tiếng thơm của trường. Tôi sẽ kính trọng các thầy cô giáo, người trên và cha mẹ. Tôi sẽ học những gì là Đẹp. Tôi sẽ yêu tổ quốc của mình."
Đó là lời thề mà các học sinh lớp một của trường tiểu học số 205 ở Vác-sa-va, Ba Lan, trang trọng tuyên thệ trong ngày làm lễ nhập trường. Khi chuẩn bị học thuộc lời thề này ở nhà, con gái tôi đã hỏi: „Mẹ ơi, con có thể đọc câu cuối thành „Tôi sẽ yêu các tổ quốc của mình” được không?”
Con gái tôi, cũng như bao đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, sẽ luôn gặp phải những tình huống như thế, những câu hỏi như thế. Chúng là những đứa trẻ „xa xứ”, một khái niệm mà nhiều người thường nghĩ tới với đôi chút ngậm ngùi, đôi chút xót xa, như thể chúng có phần thiệt thòi, có phần đáng thương...
Nhưng tôi lại không nghĩ vậy. Trẻ em ngày nay sống trong một thế giới rộng mở mà nhiều khi các biên giới địa lý không còn nhiều ý nghĩa. Những đứa trẻ xa xứ ngày một nhiều hơn. Nhìn từ một góc độ khác thì chính các em là những đứa trẻ hạnh phúc. Con gái tôi vui sướng vì có hai tổ quốc để yêu thương, có hai dịp đón năm mới, vừa được ông già Noel tặng quà, vừa có ngày Tết để háo hức với những bao lì xì. Từ nhỏ, thế giới của các em đã không giới hạn trong một khung cảnh hạn hẹp. Thế giới của con gái tôi có lá vàng mùa thu, tuyết trắng mùa đông, nhưng cũng có cả hoa đào hồng rực mùa xuân, biển xanh và nắng chói chang mùa hạ ở một nơi xa xôi nhưng đầy âu yếm mà chúng tôi vẫn gọi là „quê nhà”. Đối với con bé, thế giới đã được nhân đôi, phong phú, khác biệt. Yêu thương cũng nhân đôi. Đứa trẻ, ngay từ những năm đầu đời, đã có thể nhìn cuộc sống với một tâm hồn cởi mở và đôi mắt bao dung. Đây thực sự là một thế mạnh, một ưu điểm của các em mà rất tiếc, không phải bậc cha mẹ nào cũng ý thức được đúng mức.
Những đứa trẻ sinh ra ở nước ngoài sẽ hòa nhập với cuộc sống ở đây chẳng mấy khó khăn. Các em nói tiếng nước sở tại còn thạo hơn tiếng mẹ đẻ, thậm chí tư duy luôn bằng thứ tiếng ấy. Nhưng để các em phát huy được thế mạnh “đa văn hóa” của mình, các bậc cha mẹ phải luôn nỗ lực không ngừng. Làm sao để tiếng Việt, phong tục và văn hóa Việt thấm vào các em một cách tự nhiên, nhẹ nhàng như bầu không khí mà các em đang hít thở? Với con gái, tôi và gia đình chỉ nói tiếng Việt và ra lệ: ai „lỡ miệng” nói tiếng Ba Lan thì sẽ bị phạt. Vậy là con bé lại trở thành „ viên cảnh sát” tích cực nhất để bắt lỗi ai không nói tiếng Việt trong nhà. Buổi tối, trước khi đi ngủ, tôi thường đọc cho cháu nghe một câu chuyện bằng tiếng Việt. Sách là người bạn tốt nhất của tôi trong công cuộc „giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” cho con gái. Một câu chuyện không cần quá dài, quan trọng là cháu hiểu được tường tận từng từ. Vốn từ ngữ ấy sẽ thấm dần vào đầu óc trẻ, nhiều khi đem lại những kết quả thật bất ngờ. Tôi vẫn nhớ cảm giác kinh ngạc vui thích của mình khi nghe con tả lại cuộc đi thăm viện bảo tàng tự nhiên của lớp mẫu giáo. Cháu giải thích tường tận cho tôi bằng tiếng Việt đời sống và sự diệt vong của loài khủng long, dùng từ hoàn toàn chính xác, kể cả những từ đầy tính „học thuật” như „động vật bò sát” hay „thiên thạch”! Những từ ấy chắc hẳn cháu đã được nghe tôi đọc từ một quyển sách nào đó.
Tham gia các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng trong những dịp lễ tết cổ truyền là một cách tốt để thổi „hồn Việt” vào đời sống của trẻ. Khi đó, khái niệm „Việt Nam” đối với các cháu không còn xa xôi và trừu tượng nữa, mà nó sẽ tươi tắn như cành đào, cây quất ngày Tết, ngộ nghĩnh thú vị như những thứ đồ chơi Trung Thu, và có lẽ quan trọng hơn, là ...ngon lành như mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh dày, bánh trôi, bánh chay, bánh nướng bánh dẻo... Tôi còn nhớ, một lần chồng tôi đưa con đi dự Tết Trung Thu do cộng đồng tổ chức. Khi trở về, trong khi ba nó nức nở khen Trung Thu năm nay tổ chức hoành tráng, các màn văn nghệ rất đặc sắc, thì con gái cứ phụng phịu bảo „Chẳng hay lắm.”. Hỏi ra mới biết, hóa ra cỗ Trung Thu thiếu món bánh dẻo mà cháu đã háo hức mong chờ!
Thời nay, việc tổ chức một lễ hội thật Việt Nam hay nấu các món ăn Việt không còn quá khó như trước đây nữa. Tôi nhớ ngày mình mới sang Ba Lan cách đây hai mươi năm, một chai nước mắm hay một lọ mắm tôm cũng là cả một „kho báu”. Thời ấy người ta có thể chỉ vì được người nhà hay bạn bè từ Việt Nam sang cho mấy cọng rau mùi mà phải kỳ công nấu cả một nồi phở cho đỡ thèm, một cuốn sách hay băng video Việt Nam được chuyền tay nhau xem đến nát bươm. Bây giờ đã khác nhiều, thực phẩm Việt Nam và châu Á không thứ gì là không có. Những người cầu kỳ thì đến Tết cũng có thể mua lá dong, lạt, gạo nếp, đỗ xanh về gói bánh chưng rồi tự luộc như ở Việt Nam, thậm chí còn ... hơn Việt Nam, vì ở „nhà mình” bây giờ cũng còn mấy người tự gói bánh chưng! Rồi internet và VTV4 càng làm cho Việt Nam trở nên gần gụi hơn bao giờ hết. Có thể nói không ngoa là tuy ở nước ngoài, nhưng trong phạm vi gia đình, chúng ta có thể có một không gian thuần túy Việt Nam. Điều này khiến cho việc „giữ gìn bản sắc Việt” cho trẻ em xa xứ trở nên dễ dàng hơn trước rất nhiều.
Nhưng có lẽ như vậy cũng chưa thật là đủ. Để nuôi dạy trẻ thật tốt, tôi nghĩ chính các bậc cha mẹ phải tích cực hơn nữa để hòa đồng với cuộc sống ở nước sở tại, chứ không phải chỉ co cụm trong cộng đồng của mình. Điều này tưởng khó nhưng nhiều khi lại rất đơn giản, chỉ cần chúng ta có một tư duy tích cực. Một người bạn của tôi có con học mẫu giáo. Thỉnh thoảng, bạn lại cùng các cô giáo tổ chức một „ngày Việt Nam” cho các cháu. Trong ngày ấy, các cháu được nghe kể truyện cổ Việt Nam, vẽ cờ và bản đồ Việt Nam, được học vài từ tiếng Việt đơn giản, học...cầm đũa, được ngắm nghía và sờ mó những thứ „kỳ lạ” như cái nón, cái chày, cái cối, được ăn các món Việt khoái khẩu như nem, bánh cuốn, bánh rán... Đối với các bạn trong lớp mẫu giáo, nước Việt Nam của con trai bạn tôi đã trở nên gần gũi và thân thiện hơn. Các cô giáo thì vui mừng vì có thêm đề tài thú vị để dạy cho các cháu, khơi dậy sự ham tìm hiểu và lòng bao dung với những giá trị khác biệt. Còn bạn tôi thì niềm vui luôn lấp lánh trong mắt mỗi khi đưa con đến trường, nghe các bạn cháu chào bằng câu chào tiếng Việt vừa mới học được... Thiết nghĩ, ví dụ của bạn tôi có thể áp dụng ở khắp nơi, các thầy cô giáo chắc hẳn sẽ rất hồ hởi và nhiệt tình khi chúng ta đưa ra đề nghị tổ chức những buổi vui như thế cho các cháu.
Một mùa xuân mới lại đang đến. Nhìn con hồn nhiên chơi đùa với các bạn, lòng tôi tràn ngập cảm giác vui sướng xen lẫn đôi chút tự hào. Các em như những tia nắng ấm, như những nụ hoa đào hồng tươi trên xứ lạnh. Chăm sóc và nuôi dưỡng để những búp nụ ấy rạng rỡ nở hoa chắc chắn là công việc không dễ dàng chút nào, nhưng phần thưởng sẽ rất xứng đáng cho những người „trồng cây” cần mẫn. Nếu chúng ta hết sức dốc lòng, thì đó sẽ là những bông hoa độc đáo và tươi đẹp nhất của mùa xuân.
(Bài đã đăng trên Lao Động Cuối Tuần, số Xuân 2009)
Con gái tôi, cũng như bao đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, sẽ luôn gặp phải những tình huống như thế, những câu hỏi như thế. Chúng là những đứa trẻ „xa xứ”, một khái niệm mà nhiều người thường nghĩ tới với đôi chút ngậm ngùi, đôi chút xót xa, như thể chúng có phần thiệt thòi, có phần đáng thương...
Nhưng tôi lại không nghĩ vậy. Trẻ em ngày nay sống trong một thế giới rộng mở mà nhiều khi các biên giới địa lý không còn nhiều ý nghĩa. Những đứa trẻ xa xứ ngày một nhiều hơn. Nhìn từ một góc độ khác thì chính các em là những đứa trẻ hạnh phúc. Con gái tôi vui sướng vì có hai tổ quốc để yêu thương, có hai dịp đón năm mới, vừa được ông già Noel tặng quà, vừa có ngày Tết để háo hức với những bao lì xì. Từ nhỏ, thế giới của các em đã không giới hạn trong một khung cảnh hạn hẹp. Thế giới của con gái tôi có lá vàng mùa thu, tuyết trắng mùa đông, nhưng cũng có cả hoa đào hồng rực mùa xuân, biển xanh và nắng chói chang mùa hạ ở một nơi xa xôi nhưng đầy âu yếm mà chúng tôi vẫn gọi là „quê nhà”. Đối với con bé, thế giới đã được nhân đôi, phong phú, khác biệt. Yêu thương cũng nhân đôi. Đứa trẻ, ngay từ những năm đầu đời, đã có thể nhìn cuộc sống với một tâm hồn cởi mở và đôi mắt bao dung. Đây thực sự là một thế mạnh, một ưu điểm của các em mà rất tiếc, không phải bậc cha mẹ nào cũng ý thức được đúng mức.
Những đứa trẻ sinh ra ở nước ngoài sẽ hòa nhập với cuộc sống ở đây chẳng mấy khó khăn. Các em nói tiếng nước sở tại còn thạo hơn tiếng mẹ đẻ, thậm chí tư duy luôn bằng thứ tiếng ấy. Nhưng để các em phát huy được thế mạnh “đa văn hóa” của mình, các bậc cha mẹ phải luôn nỗ lực không ngừng. Làm sao để tiếng Việt, phong tục và văn hóa Việt thấm vào các em một cách tự nhiên, nhẹ nhàng như bầu không khí mà các em đang hít thở? Với con gái, tôi và gia đình chỉ nói tiếng Việt và ra lệ: ai „lỡ miệng” nói tiếng Ba Lan thì sẽ bị phạt. Vậy là con bé lại trở thành „ viên cảnh sát” tích cực nhất để bắt lỗi ai không nói tiếng Việt trong nhà. Buổi tối, trước khi đi ngủ, tôi thường đọc cho cháu nghe một câu chuyện bằng tiếng Việt. Sách là người bạn tốt nhất của tôi trong công cuộc „giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” cho con gái. Một câu chuyện không cần quá dài, quan trọng là cháu hiểu được tường tận từng từ. Vốn từ ngữ ấy sẽ thấm dần vào đầu óc trẻ, nhiều khi đem lại những kết quả thật bất ngờ. Tôi vẫn nhớ cảm giác kinh ngạc vui thích của mình khi nghe con tả lại cuộc đi thăm viện bảo tàng tự nhiên của lớp mẫu giáo. Cháu giải thích tường tận cho tôi bằng tiếng Việt đời sống và sự diệt vong của loài khủng long, dùng từ hoàn toàn chính xác, kể cả những từ đầy tính „học thuật” như „động vật bò sát” hay „thiên thạch”! Những từ ấy chắc hẳn cháu đã được nghe tôi đọc từ một quyển sách nào đó.
Tham gia các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng trong những dịp lễ tết cổ truyền là một cách tốt để thổi „hồn Việt” vào đời sống của trẻ. Khi đó, khái niệm „Việt Nam” đối với các cháu không còn xa xôi và trừu tượng nữa, mà nó sẽ tươi tắn như cành đào, cây quất ngày Tết, ngộ nghĩnh thú vị như những thứ đồ chơi Trung Thu, và có lẽ quan trọng hơn, là ...ngon lành như mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh dày, bánh trôi, bánh chay, bánh nướng bánh dẻo... Tôi còn nhớ, một lần chồng tôi đưa con đi dự Tết Trung Thu do cộng đồng tổ chức. Khi trở về, trong khi ba nó nức nở khen Trung Thu năm nay tổ chức hoành tráng, các màn văn nghệ rất đặc sắc, thì con gái cứ phụng phịu bảo „Chẳng hay lắm.”. Hỏi ra mới biết, hóa ra cỗ Trung Thu thiếu món bánh dẻo mà cháu đã háo hức mong chờ!
Thời nay, việc tổ chức một lễ hội thật Việt Nam hay nấu các món ăn Việt không còn quá khó như trước đây nữa. Tôi nhớ ngày mình mới sang Ba Lan cách đây hai mươi năm, một chai nước mắm hay một lọ mắm tôm cũng là cả một „kho báu”. Thời ấy người ta có thể chỉ vì được người nhà hay bạn bè từ Việt Nam sang cho mấy cọng rau mùi mà phải kỳ công nấu cả một nồi phở cho đỡ thèm, một cuốn sách hay băng video Việt Nam được chuyền tay nhau xem đến nát bươm. Bây giờ đã khác nhiều, thực phẩm Việt Nam và châu Á không thứ gì là không có. Những người cầu kỳ thì đến Tết cũng có thể mua lá dong, lạt, gạo nếp, đỗ xanh về gói bánh chưng rồi tự luộc như ở Việt Nam, thậm chí còn ... hơn Việt Nam, vì ở „nhà mình” bây giờ cũng còn mấy người tự gói bánh chưng! Rồi internet và VTV4 càng làm cho Việt Nam trở nên gần gụi hơn bao giờ hết. Có thể nói không ngoa là tuy ở nước ngoài, nhưng trong phạm vi gia đình, chúng ta có thể có một không gian thuần túy Việt Nam. Điều này khiến cho việc „giữ gìn bản sắc Việt” cho trẻ em xa xứ trở nên dễ dàng hơn trước rất nhiều.
Nhưng có lẽ như vậy cũng chưa thật là đủ. Để nuôi dạy trẻ thật tốt, tôi nghĩ chính các bậc cha mẹ phải tích cực hơn nữa để hòa đồng với cuộc sống ở nước sở tại, chứ không phải chỉ co cụm trong cộng đồng của mình. Điều này tưởng khó nhưng nhiều khi lại rất đơn giản, chỉ cần chúng ta có một tư duy tích cực. Một người bạn của tôi có con học mẫu giáo. Thỉnh thoảng, bạn lại cùng các cô giáo tổ chức một „ngày Việt Nam” cho các cháu. Trong ngày ấy, các cháu được nghe kể truyện cổ Việt Nam, vẽ cờ và bản đồ Việt Nam, được học vài từ tiếng Việt đơn giản, học...cầm đũa, được ngắm nghía và sờ mó những thứ „kỳ lạ” như cái nón, cái chày, cái cối, được ăn các món Việt khoái khẩu như nem, bánh cuốn, bánh rán... Đối với các bạn trong lớp mẫu giáo, nước Việt Nam của con trai bạn tôi đã trở nên gần gũi và thân thiện hơn. Các cô giáo thì vui mừng vì có thêm đề tài thú vị để dạy cho các cháu, khơi dậy sự ham tìm hiểu và lòng bao dung với những giá trị khác biệt. Còn bạn tôi thì niềm vui luôn lấp lánh trong mắt mỗi khi đưa con đến trường, nghe các bạn cháu chào bằng câu chào tiếng Việt vừa mới học được... Thiết nghĩ, ví dụ của bạn tôi có thể áp dụng ở khắp nơi, các thầy cô giáo chắc hẳn sẽ rất hồ hởi và nhiệt tình khi chúng ta đưa ra đề nghị tổ chức những buổi vui như thế cho các cháu.
Một mùa xuân mới lại đang đến. Nhìn con hồn nhiên chơi đùa với các bạn, lòng tôi tràn ngập cảm giác vui sướng xen lẫn đôi chút tự hào. Các em như những tia nắng ấm, như những nụ hoa đào hồng tươi trên xứ lạnh. Chăm sóc và nuôi dưỡng để những búp nụ ấy rạng rỡ nở hoa chắc chắn là công việc không dễ dàng chút nào, nhưng phần thưởng sẽ rất xứng đáng cho những người „trồng cây” cần mẫn. Nếu chúng ta hết sức dốc lòng, thì đó sẽ là những bông hoa độc đáo và tươi đẹp nhất của mùa xuân.
(Bài đã đăng trên Lao Động Cuối Tuần, số Xuân 2009)
No comments:
Post a Comment