Wednesday 18 July 2012

Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông



Nguyễn Thái Linh *

Trong bối cảnh Luật Biển Việt Nam vừa được quốc hội thông qua, Việt Nam đang ở một tư thế thuận lợi hơn trong công cuộc bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình trên Biển Đông. Luật Biển Việt Nam tự đặt mình dưới các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và được xây dựng phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Đây là một bước tiến lớn về pháp lý, đồng thời thể hiện tinh thần tôn trọng cộng đồng quốc tế và luật pháp quốc tế của Việt Nam. Nếu được áp dụng tốt, Luật Biển Việt Nam sẽ là một công cụ tích cực trong việc bảo vệ chủ quyền và quản lý biển.

Trước tình hình các tranh chấp trên Biển Đông ngày một phức tạp, với các động thái ngày một ngang ngược của Trung Quốc, Việt Nam càng cần tỏ ra bình tĩnh nhưng cương quyết, sử dụng những biện pháp hòa bình theo đúng tinh thần của Luật Biển và luật pháp quốc tế, tránh gây xung đột và căng thẳng không cần thiết. Khi Trung Quốc dùng sức mạnh vũ lực, hung bạo và trắng trợn bất chấp pháp lý, thì sức mạnh của Việt Nam chính là „sức mạnh mềm” ở thế đối lập, sức mạnh của lẽ phải, dựa vào pháp luật đến cùng, trừ phi bị tấn công bằng võ lực và có bằng chứng hiển nhiên. Một điều quan trọng là phải chứng minh việc vi phạm pháp luật của đối phương ở tọa độ nào, thời gian nào, mức độ vi phạm đến đâu với đầy đủ tư liệu minh chứng rõ ràng và những biện pháp truyền thông phù hợp và kêu gọi truyền thông quốc tế đưa tin, bài. Việt Nam cần kiên quyết và kiên nhẫn với các biện pháp này đến cùng.

Một mặt, nhà nước Việt Nam cần liên tục khẳng định chủ quyền và phản đối các hành động xâm phạm của Trung Quốc bằng các tuyên bố chính thức đến cộng đồng quốc tế, Liên Hiệp Quốc và các cơ quan liên quan.

Mặt khác, cần tích cực tìm cách giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo đúng luật quốc tế như đàm phán, thương lượng, đưa ra trọng tài hay tòa án quốc tế. Tuy nhiên, khi yêu sách và tham vọng của Trung Quốc quá vô lý và ngang ngược, khó có thể đàm phán và thương lượng một cách công bằng. Trung Quốc cũng chưa bao giờ chịu chấp nhận thẩm quyền của bất cứ tòa án hay trọng tài quốc tế nào cho các tranh chấp trên Biển Đông nên điều cấp thiết là Việt Nam cùng các bên liên quan cần tìm cách ràng buộc Trung Quốc bằng một bộ quy tắc ứng xử (COC) có giá trị pháp lý. Việc Trung Quốc từ chối đàm phán COC và hội nghị bộ trưởng ASEAN không ra được tuyên bố chung vì các mâu thuẫn liên quan đến vấn đề Biển Đông vừa qua cho thấy các nước ASEAN không đủ đoàn kết và sức mạnh để tạo sức ép với Trung Quốc và chế độ concensus của ASEAN (cơ chế đồng thuận – một vấn đề chỉ được thông qua khi được tất cả các nước ASEAN tán thành, không có nước nào phản đối) cần phải điều chỉnh. Do vậy, rất cần tranh thủ sự ủng hộ của các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc... để họ tạo sức ép đối với Trung Quốc trong quá trình đàm phán COC. Hội nghị thượng đỉnh Đông Á là một khả năng cực kỳ thuận lợi có thể xét đến.

Việt Nam cần củng cố các cơ quan chấp pháp như cảnh sát biển, lực lượng hải quan, biên phòng, kiểm ngư v.v.... để có thể nắm rõ và chủ động xử lý các vi phạm trong vùng biển chủ quyền của mình, đồng thời hoàn thiện hệ thống quản lý hoàn thiện trên biển hiện đại có vệ tinh hỗ trợ và có khả năng phục vụ nhu cầu truyền thông chính đáng của VN ra quốc tế bằng nhiều thứ tiếng . Đây là phần Việt Nam còn rất yếu, cần tập trung nỗ lực để cải thiện.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là Việt Nam cần ý thức được tư thế chính đáng của mình trước thái độ bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc để xử lý các xâm phạm ngày một gia tăng của Trung Quốc một cách chủ động, bình tĩnh nhưng kiên quyết. Trong các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể xử lý theo đúng các qui định của luật Biển và luật quốc tế. Điều 73 khoản 1 của Công ước của LHQ về luật Biển ghi rõ: „Trong việc thực hiện các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh vật của vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có thể thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà mình đã ban hành theo đúng Công ước.' Đối với các hành động xâm phạm mang tính chất kinh tế, dân sự và bán dân sự của Trung Quốc, Việt Nam có thể sử dụng các biện pháp pháp lý như truy đuổi, yêu cầu ngừng hành vi, phạt hành chính, khám xét, bắt giữ, lập biên bản, dẫn độ và khởi tố theo các điều khoản của Luật Biển và luật quốc tế. Từ trước tới nay Việt Nam chưa sử dụng các biện pháp chính đáng này. Với thái độ ngày một hung hăng và ngang ngược của Trung Quốc, đây là lúc Việt Nam cần kiên quyết và dứt khoát thực hiện các biện pháp trong khuôn khổ luật pháp cho phép để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Việt Nam cũng có thể học tập kinh nghiệm của Phillippines, đơn phương kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Các biện pháp quân sự chỉ được sử dụng trong trường hợp phòng vệ chính đáng, khi bị tấn công bằng vũ lực.

Ngoài ra việc phổ biến và giáo dục Luật Biển (khi đã chính thức có hiệu lực), UNCLOS 1982 và các kiến thức về luật pháp cho ngư dân, các lực lượng cảnh sát, võ trang và các giới chấp pháp cũng là điều rất cần thiết. Khi nắm vững luật pháp, các ngư dân và người làm công tác biển sẽ tự tin hơn khi đối phó với kẻ xâm phạm biển. Đặc biệt khi các động thái này được sự hỗ trợ của truyền thông ra quốc tế.

Việt Nam cũng cần đầu tư thêm vào việc tranh thủ dư luận nước ngoài. Bộ Ngoại Giao Việt Nam nên có trang web phân tích pháp lý khi có sự kiện như cát cáp, TQ đuổi Ấn Độ khỏi lô 127, 128, CNOOC đấu thầu 9 lô dầu khí, vv... Như vậy các nhà báo và các nhà bình luận sẽ chuyển quan điểm của Việt Nam tới thế giới. Cần đầu tư thêm vào việc dùng báo chí quốc tế để nêu quan điểm của Việt Nam.


(*)Tác giả chân thành cảm ơn TS. Lê Vĩnh Trương và TS. Duơng Danh Huy đã góp ý cho bài viết này.