Sunday 31 May 2009

Tình yêu (Hanna Krall)


Hanna Krall sinh năm 1937. Bà tốt nghiệp khoa báo chí ĐHTH Warszawa. Bà là nhà văn, nhà viết xã luận, chuyên về phóng sự mô tả cuộc sống hàng ngày của những con người bề ngoài bình thường. Từ năm 1955 bà làm việc cho nhật báo "Đời sống Vac-sa-va" (Zycie Warszawy) và cho tờ "Chính trị" (Polityka). Hanna Krall được nhận nhiều giải thưởng có giá trị, trong đó có Giải Thưởng Lớn của Quỹ Văn Hóa, một trong những giải thưởng cao quý nhất tại Ba Lan.

Cuốn sách nổi tiếng nhất của bà "Kịp trước Chúa Trời" ra đời năm 1977, là ghi chép các cuộc nói chuyện của tác giả và bác sỹ M. Edelman, một trong những người lãnh đạo của khởi nghĩa khu Do Thaí ở Warszawa. Cuốn sách mở ra mảng đề tài Do Thái, đề tài được nối tiếp trong những tác phẩm sau đó của bà như "Phép thôi miên", "Điệu nhảy trong đám cưới người khác", "Nơi đó không còn dòng sông nào"... Mô-tip chính ở đây là sự đan bện của số phận những con người, phần lớn các câu chuyện đề cập đến vấn đề sự giống và khác nhau của lịch sử Ba Lan - Do Thaí - Đức, đặc biệt là trong thời kỳ Đại Chiến II và những năm ngay sau chiến tranh.

Các tác phẩm chính: "Phiá đông Arbat" (1972) "Kịp trước Chúa Trời" (1977), "Sáu sắc thái của màu trắng" (1978) "Người phụ nữ thuê nhà lại" (1985) "Phép thôi miên" (1989), "Cửa sổ. Những khó khăn khi thức dậy" (1990), "Điệu nhảy trong đám cưới người khác" (1993) "Điều gì đã xảy ra với câu chuyện cổ tích của chúng ta ?" (1994) "Bằng chứng tồn tại" (1996) "Nơi đó không còn dòng sông nào" (1998) "Vậy là anh, Daniel" (2001).

"Tình yêu" là một tác phẩm trong cuốn "Nơi đó không còn dòng sông nào" - tuyển tập các phóng sự siêu hình với đề tài Do Thái. Cuốn sách đã nhanh chóng được xếp vào danh sách bestseller tại Đức, và đã được đề cử giải thưởng Nike năm 1999, một trong những giải thưởng văn học quan trọng nhất của Ba Lan.

(Thái Linh dịch và giới thiệu)


Tình yêu

1.

- Hãy kể cho tôi nghe chuyện gì đó - Tôi đề nghi.

( Sau mỗi cuộc gặp gỡ với bạn đọc tôi đều kết thúc như vậy : "Hãy kể cho tôi một câu chuyện ... chuyện thật ... quan trọng ... của người khác hoặc về chính mình...")

Tôi tắt micro.

Im lặng bao trùm.

Mọi người suy nghĩ xem họ có biết câu chuyện nào quan trọng không. Và xem họ có muốn thổ lộ nó cho tôi không.

Thông thường họ kể với lời lẽ lộn xộn, một cách khó khăn.

Một phụ nữ ở Goteborg tiến đến, bà có đôi mắt cận màu xám và dùng từ rất cẩn thận:

- Alicja, cô giúp việc người Ba Lan, đã yêu Meir, chú tôi. Cô ấy đã cứu chú. Cô đã chết vì nhớ chú. Chú tôi giống Rudolf Valentino.

Bà trao cho tôi tấm danh thiếp "Helen Zonenshein - giáo sư triết học". Bà mỉm cười thận trọng, theo kiểu Bắc Âu.

- Suốt đời tôi mang theo mình Alicja, cô giúp việc người Ba Lan.

2.

Rudolf Valentino...?

Trong ảnh trông ông có vẻ nhàm chán.

- Đôi mắt ... - bà Giáo sư kể - tuy rằng là mắt hạnh nhân. Còn cử chỉ... và thân hình mảnh dẻ .... Cô nhận ra chú ấy ngay.

Nhận ra không khó.

Chú cúi chào. Chú quỳ gối. Chú khiêu vũ. Và những nụ cười quyến rũ, những biến hóa, cải trang...

Chú ấy có chọc tức ai không à? Sao - chọc tức là thế nào? Mọi người say mê chú. Họ yêu chú. Cả thế giới đều yêu quý chú, có thể là trừ những người đàn ông làm ăn với chú.

Trong làm ăn chú ấy cũng cứ như là ở trong phòng khách: chú quyến rũ, không giữ uy tín và không nhớ những lời hứa.

- Meir - những người anh van vỉ - nghiêm túc lên nào.

Những người nghiêm túc là anh em nhà Zonenszajn. Các con trai của ra-bin(1) thành Radom, người tha thiết muốn hợp nhất truyền thống Ba Lan và Emanuel Kant. Modernity and tradition phải hoà nhập, nhưng Radom đã không biết đến modernity. Radom không cần ra-bin nữa và cả gia đình chuyển đến Warszawa. Họ bán buôn và bán lẻ: bột mỳ, lúa mạch, cá mòi, gạo. Họ nhập khẩu mạnh cá mòi từ thị trường Bắc Âu - báo chí viết về doanh nghiệp "Anh em nhà Zonenszajn".

Bởi vậy David, người anh buôn bột mỳ, cha của sáu đứa con, nói:

- Meir, khi nào thì chú mới trưởng thành?

Icie, buôn lúa mạch, cha của bốn đứa con, nói:

- Meir, khi nào thì chú ...

Szlomo, buôn gạo, cha của hai con:

- Meir ...

Aron, cha của cô con gái một, bé nhất trong gia đình, giáo sư triết học tương lai, Aron buôn cá mòi và ngư phẩm:

- Meir!

Các anh đều nghiêm túc và trưởng thành, nhưng khi Aron - nhỏ bé và tẻ nhạt - bước vào phòng khách, chẳng ai vui hơn lên. Không ai biết Aron đã đến hay chưa. Khi Meir bước vào, mọi người bừng sáng lên và cả thế giới trở nên đáng yêu.

3.

Chú Meir lấy một cô thợ may giàu có, đẫy đà, với mái tóc dài màu sáng và cái cổ ngắn. Họ thuê người giúp việc. "Cô sen", khi đó mọi người gọi như vậy. Cô ấy từ quê ra. Cô có đôi mắt tinh nhanh, nụ cười thân thiện và môi trên hơi dẩu ra, không cân đối.

Alicja, cô sen nhà quê, đã yêu mê mệt chú Meir.

Chúa ơi. Tất cả đàn bà con gái đều yêu chú ấy, nhưng không thực sự. Không ai nghiêm túc với chú Meir, không một ai cả - trừ cô sen nhà quê.

4.

Trong thời gian chiến tranh Alicja tỏ ra can đảm và tháo vát. Cô giải quyết giấy tờ giả, mua chuộc quan chức...

Nhờ có Alicja họ đã ra được khỏi gết-tô(2) - chú Meir, Aron anh của chú, và gia đình họ.

Chú Meir ra sau cùng. Chú sợ. Chần chừ đến phút cuối, nhưng chuyến ra đi của chú rất đáng nhớ. Chú mặc đồ cưỡi ngựa, đi giày cao cổ, mặc áo khoác may từ tấm chăn kẻ ô vuông sặc sỡ - và một gã cùng đinh kéo chú đến cái cổng gần nhất.

- Tiền!

Chú Meir lôi tiền ra từ một chiếc giày và đưa cho gã. Chú lôi từ chiếc kia ra - và đưa. Gã đếm, cất đi...

- Tôi có thể đi chứ ? - chú Meir vừa hỏi vừa run.

Gã lại lôi ví ra, đếm và đưa cho chú một nửa chỗ tiền:

- Của anh đây. Anh cũng phải sống chứ.

Khi mà cả thế giới đều yêu chú, lẽ nào gã cùng đinh lại không yêu mến chú cho được?

- Hãy đi đi và hãy sống - gã nhắc lại, vỗ vai chú Meir.

Vậy là chú Meir đi. Và chú đã sống.

5.

Alicja để mọi người ở khu a-riat. Cô mang thức ăn cho họ. Cô dẫn thầy thuốc đến. Cô bị bắt khi mang thịt lậu từ quê ra. Cô đã ở trong trại tập trung Oswiecim. Tại đó cô gặp Gienia, em họ của chú Meir.

"Tôi tự làm cho mình cái cốc màu xanh có quai đan - sau chiến tranh Gienia viết thư từ Jerusalem cho gia đình ở Oslo - Hôm đó khi trời còn tối đen, trước giờ điểm danh, tôi chạy vào bếp, Alicja lấy muôi và cạo cháy xúp từ đáy nồi cho tôi..."

6.

Những người đã chết:

David, người buôn bột mỳ, cùng với vợ và sáu con,

Icie, buôn lúa mạch, cùng với vợ và bốn con,

Szlomo, buôn gạo, cùng với vợ và hai con.

Những người sống sót, nhờ có Alicja:

Chú Meir cùng vợ và con gái,

Aron, anh chú Meir, cùng vợ và con gái (giáo sư triết học tươnglai),

Gienia, em họ chú Meir.

7.

Họ gặp mặt tại Lodz: các gia đình sống sót và Alicja.

Họ quyết định xuất cảnh.

Cần phải làm gì đó với Alicja trước khi ra đi.

Họ tìm được chồng cho cô - chú ta ô-kêi.

Có hình chú ta trong tập ảnh gia đình. Tóc sáng, cằm không có ngấn, cái nhìn thành thật và chiếc mũi to hếch lên.

- Chú ta không xấu trai - Helen kể - không đẹp trai. Không ngu ngốc. Không thông minh. Chú ta ô-kêi. Biết giữ lời hứa và hoàn toàn không giống Rudolf Valentino.

8.

Họ nói:

- Như thế là tốt nhất, Alicja thân yêu a. Cô sẽ xây dựng gia đình, sẽ sinh con đẻ cái. Nếu được, hãy đến Na Uy thăm chúng tôi một ngày nào đó...

Alicja đã nghe lời với sự thông hiểu. Cô xây dựng gia đình. Cô sinh con đẻ cái.

- Chúng tôi sẽ nhớ cô suốt đời, Alicja thân yêu...

Họ đã giữ lời hứa. Họ gửi tiền từ Oslo, hoa quả từ Israel.

"Gienia yêu quý, tôi đã nhận được đô la ...." - Alicja viết trong tấm thiệp mừng năm mới.

" Đã nhận ..." - Alicja viết trong biểu mẫu Ngân hàng PKO, nội xuất.

"Chúa ơi, sao số phận lại ác nghiệt với tôi thế? Tai sao chúng ta không ở bên nhau? Hãy viết thư cho tôi với, để tôi trưởng thành lên. Tôi đã trưởng thành rồi, bởi vậy mọi thứ với tôi thật nhọc nhằn... Nhưng kỳ lạ thay, tôi tin rằng một ngày nào đó tôi sẽ được sống cùng với mọi người..." Alicja viết.

"Đã nhận...."

"Tôi đã nhận đô la."

"Tôi xin báo cho quý vị tin buồn. Vợ tôi hiện đang ở trong bệnh viện tâm thần..." Chồng Alicja viết thư đến Oslo.

9.

Hai chủ đề luôn luôn có mặt trong gia đình Helen: Alicja và tất chân phụ nữ.

Tất chân phụ nữ là chủ đề dễ chịu. Aron hiểu biết về tương lai tươi sáng của chất liệu ni-lon, Meir thu phục cho chúng các bà chủ hiệu quần áo. Aron đánh giá đúng ý nghĩa của quần tất, Meir thu phục cho chúng... Aron có tầm nhìn, Meir có duyên. Doanh nghiệp "Anh em nhà Zonenshein" buôn bán rất tuyệt.

Alicja là chủ đề buồn bã.

- Alicja thế nào rồi ? – Mẹ Helen hỏi với vẻ quan tâm - Mọi người có nhận được thư không?

- Alicja không được tốt – Vợ Meir trả lời và thở dài thành tiếng.

- Có tin tức gì của Alicja không? - Chú Meir hỏi.

- Tin xấu, rất xấu - cha Helen hạ giọng trả lời buồn bã,

- Tại sao cả nhà không mời cô ấy đến? - Helen hỏi - cô ấy nhớ mọi người đấy.

- Đến Oslo à? - Mọi người ngạc nhiên - Cô ấy sẽ làm gì ở đây?

- Rõ rồi - Helen nói - đó chỉ là một cô nhà quê Ba Lan. Một cô nhà quê Ba Lan thì có thể làm gì với mọi người ở Oslo chứ?

- Đừng có kêu lên - mẹ bảo - chúng ta biết ơn cô ấy. Chúng ta sẽ giúp đỡ cô ấy. Có thể làm gì hơn được...?

"Khi mới bị bệnh tôi có khuynh hướng tự sát, bây giờ hết rồi... Tất nhiên là tôi phải tránh xúc động. Con trai đến bệnh viện thăm tôi một năm hai lần. Khi chồng tôi làm thủ tục ly dị, anh ấy nhận chăm sóc tôi, nhưng bây giờ anh ấy không quan tâm đến tôi nữa. Nếu mọi người sẵn lòng thì hãy cho tôi hoặc là quần áo cũ, hoặc là chanh hay cam, vì thuế hải quan thấp..." Alicja viết.

Bức thư cuối cùng từ Ba Lan do người chồng cũ của cô viết:

"Tôi xin thông báo với quý vị tin buồn. Alicja không còn nữa."

Helen Zonenshein bỏ trốn khỏi nhà.

Cô làm bồi bàn, giữ trẻ và kiếm tiền mua vé sang Mỹ. Cô sống ở California cùng với những thanh niên Do Thái khác cũng bỏ trốn khỏi nhà.

10.

Họ đi đất. Họ cài hoa lên tóc. Họ lặp đi lặp lại I love you và kể về những gia đình tư sản mà họ căm ghét.

Helen kể về Alicja.

- Đối với họ cô ấy là cô nhà quê Ba Lan. Cô ấy đã đem họ sang phiá a-riat, nhưng cô ấy vẫn là cô nhà quê Ba Lan...

- Cô ấy đem họ đi à? Đi đâu? - những thanh niên Do Thái ở Mỹ hỏi.

Ra-bin Shlomo Carlebach trông coi họ. Ông chơi đàn ghi ta và kể về các xađức, các thánh nhân của ông. Các thánh nhân sống cách đây một trăm hoặc hai trăm năm, còn những thành phố mà họ đã thuyết giáo thì có những cái tên lạ lẫm: Izbica, Turzysko,

Gostynin, Kock...

Mordechaj ở Izbica dạy chúng ta: Khi yêu, tình yêu của bạn sẽ đem người đến từ thế giới thường nhật và từ thiên đường...

Shlomo Carlebach nói, còn Helen nghĩ về tình yêu của Alicja.

Jechiel ở Gostynin trước khi cầu nguyện đã cho một người Do Thái lạ mượn chiếc khăn của mình. Người lạ trả lại chiếc khăn ướt đẫm nước mắt. - Đừng lo - anh ta nói - đến mai nó sẽ khô - Tôi không muốn nó khô - Jechiel la lên - Tôi không bao giờ muốn nó khô trở lại nữa. - Hãy thu dọn đi - người lạ nói -Mendel ở Kock đang đợi anh. Họ cùng ra đi và Jechiel trở thành đồ đệ của xađức nổi tiếng ở Kock.

Shlomo Carlebach đã kể như vậy, còn Helen nghĩ về nước mắt củaAlicja.

Abraham ở Turzysko không ngủ và không ăn. Mọi người hỏi ông nguyên do. Ông trả lời: - Khi tôi lên chín, cha tôi Mordechaj, xađức ở Czarnobyl, đã đánh thức tôi lúc rạng sáng, thắng ngựa và chúng tôi ngồi lên xe. Chúng tôi đi vào rừng. Trong quãng rừng thưa tôi nhìn thấy một túp lều. - Con hãy giữ dây cương - cha nói. Ông đi vào túp lều và trở ra với một người đàn ông trẻ. Gương mặt buồn của người trẻ tuổi toả hào quang. Anh ta lắng nghe chăm chú những lời cha tôi nói. - Anh có chắc rằng đó chính là điều anh muốn nói với tôi không? - anh ta hỏi. Cha tôi quả quyết - Tôi chắc - và cả hai oà lên khóc. Họ ôm vai nhau và khóc mãi không ngừng. Cuối cùng họ từ biệt và cha tôi leo lên xe. Chúng tôi lên đường, không nhìn vào mặt nhau.

Khi thấy căn nhà của chúng tôi từ xa, tôi hỏi: - Cha ơi, người đó là ai? - Mesjasz. Đó là Mesjasz, con trai của David - Ông ấy muốn gì ở chúng ta? - Ông ấy hỏi đã đến lúc chưa, ông ấy đã đến được chưa. Cha đã phải nói cho ông ấy một sự thật khủng khiếp: không còn ai mong đợi ông ấy cả.

Nếu như các người nhìn thấy Mesjasz, nếu các người biết rằng ông ấy không đến với chúng ta vì không ai mong đợi ông ấy cả - thì các người có ăn và ngủ được không? - Ra-bin Carlebach kết luận thay cho Abraham ở Turzysko. Còn Helen nghĩ về gia đình mình. Mesjasz để làm gì, khi mà mọi người thậm chí đã không mong đợi Alicja.

Carlebach nói chuyện thông thái và hát hay, nhưng Helen không muốn nghe những bài hát mê hoặc. Cô muốn đọc sách - và cô đến Berkeley.

Cô học xong đại học. Làm xong tiến sỹ. Trở thành giáo sư triết học. Cô quay về Oslo.

Cô nhìn thấy chú Meir trên ghế bành, sau khi bị xung huyết. Chú không khó tính. Không than phiền. Không đòi hỏi gì cả. Chú ngồi với nụ cười hạnh phúc, lặp đi lặp lại một từ:

- Hiné...Hiné

Tiếng Hê-brơ có nghĩa là:

- Nào, hãy nhìn kìa …

Như thể chú nhìn thấy những thứ đẹp diệu kỳ.

Chú chết lặng lẽ.

- Hiné - chú thì thào, nhắm mắt lại và mỉm cười, say sưa.

Vài giờ sau ai đó nhận ra:

- Meir chết rồi.

Ai đó nói:

- Cái chết nhẹ nhàng. Chúa yêu Meir.

Đó là Aron, cha của Helen.

Trong giọng nói của ông lộ rõ sự ghen ti.

Thậm chí Chúa cũng yêu Meir.

Còn ai sẽ yêu những người nhỏ bé, tẻ nhạt, chắc chắn và nghiêm túc...?

Goteborg.

-------

Chú thích (ND):

(1) ra-bin: giáo sỹ Do Thái

(2) gết-tô: Khu dành riêng cho người Do Thái

Saturday 30 May 2009

Singapore cuối tuần



1.

Thứ sáu. Mờ sáng. Hà Nội thật yên tĩnh. Dường như có thể cảm nhận được từng hơi thở nhẹ của thành phố qua làn sương mỏng trước kính xe. Tôi bắt đầu một chuyến du hành của riêng mình - món quà bất ngờ mà cuộc đời mang đến, hay nói đúng hơn - là món quà của những người thân yêu dành tặng cho tôi.

Check in. Boarding. Tôi thích cái cảm giác này. Tôi thích ngắm nhìn mọi người ở một nơi như sân bay. Họ rất khác nhau mà lại rất giống nhau. Ở sân bay, thế giới dường như nhỏ bé lại. Bây giờ tôi sẽ đến một nơi hoàn toàn mới lạ: Singapore.

Singapore đẹp. Những con đường mềm mại rợp bóng cây, nhẹ nhàng uốn lượn theo triền dốc thấp. Thích nhất là các hàng cây trông giống như phượng, nhưng tán lá dày hơn và toả rất rộng, từ hai bên đường vươn ra đan vào nhau tạo thành mái vòm xanh mát. Tôi hỏi người lái taxi tên loại cây này là gì, ông nói một từ tiếng Quan Thoại nghe siao sing gì đó, rồi giải thích nó có nghĩa là „raining tree”. Các cây cầu vượt đều được trồng hoa giấy phủ kín hai bên thành , trông như những dải hoa bắc ngang đường. Singapore là thành phố của cây xanh, chỗ nào trông cũng như công viên . Khí hậu Singapore rất ôn hoà, quanh năm chỉ có một mùa, nhiệt độ khoảng từ 26-30 độ C. Ở đây có vô số các loài hoa phong lan. Loài phong lan mang tên Vanda Miss Joaquim đã được chọn làm loài hoa biểu tượng của Singapore, bởi nó có sức sống mãnh liệt và nở hoa quanh năm, tượng trưng cho tình yêu cuộc sống và sự phát triển mạnh mẽ của đất nước này.

Hơn 3/4 dân Singapore là người Hoa, còn lại là người Mã Lai và Ấn Đô. Ngoài tiê’ng Anh là ngôn ngữ hành chính, Singapore còn dùng tiếng Quan Thoại (Mandarin), tiếng Mã Lai và tiếng Ấn (Tamil). Ở các bến tàu xe và nơi công cộng, mọi chỉ dẫn đều được ghi bằng bốn thứ tiếng. Người Sing bình thường nói tiếng Anh nghe là lạ - nhè nhẹ và hơi ... xủng xoẻng. Không phải English mà là ...Singlish. Không phải „ô key” mà „ô key là” :-)

Singapore rất trẻ, ra đường gặp toàn thanh niên, trung niên ít và hầu như không thấy người già. Đây là điều rất gây ấn tượng cho tôi, vì ở châu Âu đi ra đường chỉ thấy người già, hoàn toàn trái ngược với ở đây.

Hơn 90% dân Singapore dùng điện thoại di động. Với mức lương tháng trung bình 2500 S.$ (khoảng 1500 USD) thì một chiê’c điện thoại di động gia’ khoảng vài trăm S$ không phải là một khoản chi lớn. Người Sing luôn thích „lên đời” điện thoại. Trên tàu xe „người người nói điện thoại”, các kiểu chuông, các kiểu nhạc, các kiểu tít tít bíp bíp, rất là vui tai.

Giao thông công cộng ở Singapore rất thuận tiện, có xe buýt và xe điện ngầm MRT (Mass Rapid Transit). Nhiều xe buýt hai tầng, trên mỗi xe đều có vài màn hình chiếu các chương trình TV. Đi xe buýt hay MRT, tôi rất thích thú vì không cần phải rút thẻ vé ra khỏi ví, cứ để nguyên cả ví mà dí vào chỗ cảm ứng, máy sẽ nhận ra thẻ, và tự động thực hiện các thao tác liên quan. Thật là tiện lợi!

Người Singapore có truyền thống xếp hàng. Chỗ nào cũng thấy họ làm những song chắn để mọi người đứng xếp hàng vào giữa. Khi đứng trong hàng không được hút thuốc, nếu không sẽ bị phạt 500 S$. Vứt rác lung tung bị phạt từ 500 S$ đến 1000 S$. „Luật pháp” là một từ thực sự có ý nghĩa ở đất nước này.

Sau một hồi đi dạo ở khu trung tâm thành phố, những toà nhà cao, những dãy cửa hàng bán đồ hiệu, những trung tâm shopping.v.v.. không gây hứng thú cho tôi lắm. Tôi không có nhu cầu về hàng điện tử, còn quần áo, mỹ phẩm, đồ dùng .... thì cũng giông giống ở các nơi khác. Hơn nữa, vì quỹ thời gian có hạn nên tôi không xếp mục „shopping” vào „chương trình”. Nhưng tôi cũng ghi nhận được một điều: ở đây toà nhà nào cũng như vừa mới xây. Mọi thứ đều sạch sẽ và được chăm chút cẩn thận. Singapore là nơi sạch nhất mà tôi đã từng đến.

Đã về chiều, tôi và hai người bạn quyết định đến Night Safari. Đây là vườn thú đêm đầu tiên và duy nhất trên thế giới, mở cửa từ 19h30 cho đến nửa đêm. Có thể đi bộ, nhưng phần vì nhát gan, phần vì tôi hơi mệt sau cả ngày hết bay rồi lại lang thang, nên chúng tôi quyết định đi bằng tram (đoàn tàu bánh hơi nhỏ, có mái nhưng không có kính che hai bên). Trời đã tối hẳn. Ánh sáng được bố trí rất tự nhiên, dìu dịu như ánh trăng. Cảnh vật hệt như ở trong một khu rừng nhiệt đới. Suối chảy, thác reo. Có lúc tàu phải lội qua một đoạn đường ngập nước, cây cối hai bên um tùm rậm rạp. Tiếng sói Ấn Độ hú thê thảm. Tiếng côn trùng ỉ eo. Rồi bỗng nhiên đi qua một chiếc cầu, và mở ra trước mắt là một dòng sông rộng mênh mông.... Những cảnh tượng luôn thay đổi trước mắt bạn. Trong Night Safari du khách không được chụp ảnh. Ánh đèn máy ảnh sẽ làm cho các con vật khó chịu và chúng có thể tấn công bạn. Hổ, báo, sư tử, mèo rừng, voi, gấu, tê giác, hà mã, sói, hươu nai, linh dương, khỉ vượn, chim chóc và bao nhiêu loài vật khác tôi chẳng thể nhớ nổi tên, thản nhiên đi lại, ăn uống. Bây giờ tôi mới biết là hơn 90% các loài vật sống về đêm. Bởi vậy thời gian để quan sát chúng thích hợp nhất là ban đêm chứ không phải ban ngày. Chúng không hề buồn ngủ như tôi đã tưởng tượng. Có lúc đoàn chúng tôi phải dừng lại vì một con gấu to chắn ngang trước mũi tàu. Bác lái tàu bóp còi một cái, thế là nó hiền lành bỏ đi.

Chúng tôi ra khỏi Night Safari thì đã hơn 10 giờ đêm. Bữa tối đầu tiên ở Singapore rất đơn giản: mì vằn thắn và món thịt xiên nướng satay. Một ngày đã trôi qua với nhiều cảm xúc và ấn tượng.

2.

Thứ bảy. Ánh nắng nhẹ nhàng lọt qua cửa sổ. Hôm nay, điểm đến của chúng tôi là Jurong Birdpark, nơi đã được du khách bình chọn là điểm du lịch yêu thích nhất của Singapore năm 2002.

Jurong Birdpark là vườn chim lớ n nhất châu Á Thái Bình Dương, với hơn 8000 con chim của khoảng 600 loài. Người ta gọi Jurong Birdpark là „hơn cả thiên đường của các loài chim”. Có vô số các loài vẹt đủ màu sắc sặc sỡ, các loài chim tu căng, chim thiên đường, hạc, chim mỏ sừng, cú mèo, chim ca’nh cụt....Ở một đầm nước người ta nuôi 1001 con hồng hạc, là nơi tập trung nhiều hạc nuôi nhất trên thế giới.

Trong Jurong Birdpark có một thác nước nhân taọ cao nhất thế giới, xung quanh cây cối được trồng um tùm tạo cho người xem có cảm giác như đang ở trong rừng châu Phi. Ở đây các loài chim được thả bay tự do.

Một nơi thú vị nữa là Jungle Jewels, với khung cảnh của rừng rậm Nam Mỹ, nơi du khách có thể xem các loài chim ruồi (hummingbirds). Người ta nói chim ruồi vỗ cánh trung bình 80 lần một giây, nhanh hơn cả khả năng ghi nhận của mắt người.

Rời Jurong Birdpark, chúng tôi thẳng tiến Sentosa, hòn đảo du lịch cách trung tâm thành phố 15 phút đi xe buýt. Sentosa tiếng Mã Lai có nghĩa là „yên tĩnh và thanh bình”. Từ bờ bên này, chúng tôi đi cáp treo ra đảo. Từ trên cáp treo, tôi đã thấy cái đầu trắng của Sư tử Biển – Merlion - biểu tượng của Singapore. Theo truyền thuyết, vào khoảng thế kỷ XIII có chàng hoàng tử Mã Lai bị dạt vào một hòn đảo hoang. Hoàng tử nhìn thấy một con vật nửa sư tử nửa cá, nên đặt tên cho hòn đảo là Singa Pura, có nghĩa là Thành phố Sư Tử (Lion City). Cái tên Singapore bắt nguồn từ đó. Tượng Merlion cao 37m. Từ trên đỉnh đầu của Sư tử biển du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh Singapore và một vùng trời nước bao la. Ban đêm, người ta chiếu đèn laser từ mắt Sư tử biển, trông tựa như nó đang ngồi dõi theo và canh giữ cho cuộc sống thanh bình của cư dân trên hòn đảo xinh đẹp này.

Phía đông Sentosa là bãi biển Palawan. Từ đây, đi băng qua một cây cầu treo bằng gỗ lắc lư dập dềnh, chúng tôi ra đến một nơi mà người ta cho rằng đó là điểm cực nam của lục địa châu Á, hoặc điểm gần xích đạo nhất của châu Á. Một đôi uyên ương đang chụp ảnh cưới ở đó, cô dâu người Ấn Đô da ngăm đen trông rất xinh. Tôi nhớ có lần đã đọc ở đâu đó rằng Singapore là một trong những nước có dịch vụ chụp ảnh cưới đẹp nhất trên thế giới.

Buổi tối ở Sentosa đèn sáng lung linh, trông xa như một khay châu báu khổng lồ . Dọc theo Fountain Garden là những vòi phun nước đủ màu. Các bậc thang đều được kết đèn sáng lóng lánh. Một nhóm thanh niên vỗ trống rộn rã, những du khách trẻ quây quần xung quanh và nhảy múa cuồng nhiệt, không khí vô cùng vui nhộn. Nhưng chỉ lát nữa thôi là tất cả sẽ tập trung ở Musical Fountain để xem biểu diễn nhạc nước. Musical Fountain ở đây nổi tiếng thế giới có lẽ vì Singapore là nước đầu tiên có loại hình này. Không chỉ là nước lên xuống và thay đổi màu sắc theo tiếng nhạc, màn trình diễn 45 phút với những hình ảnh của một Sentosa huyền diệu trong đêm, với hiệu quả đặc biệt của ánh sáng laser, kỹ thuật đồ họa vi tính và những cột lửa ở Musical Fountain thực sự đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc và ấn tượng. „People from the West, people from the East, forget about troubles, gather here in Sentosa...” Phải rồi, ở đây, trong một đêm đầy sắc màu như thế này, bất cứ điều phiền muộn nào cũng sẽ tan biến. Tâm hồn ta sẽ trở nên trong suốt và lóng lánh sắc màu…

3.

Chủ nhật. Nắng thật đẹp. Những cây cọ cảnh thân đỏ rực, lá xanh mướt óng ả trong màu vàng mơ của nắng sớm. Giàn hoa giấy đổ tràn một thác màu hồng tươi trước thềm. Buổi sáng miền nhiệt đới tưng bừng màu sắc. Ngày mới bắt đầu, rực rỡ như một ngày hội.

Tôi đến chơi với hai bạn đang học ở trường Đại Học Công Nghệ Nam Dương (Nanyang Technological University - NTU), cách trung tâm thành phố khoảng 25km. Khuôn viên của trường rộng 200 héc ta, do kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Kenzo Tange thiết kế. Có các tuyến xe buýt để đi lại trong trường. Trường đẹp như một khu nghỉ mát, cây cối xanh tươi, hoa lá rực rỡ, không khí trong lành. Các ký túc xá trông sạch sẽ và xinh xắn. Mọi toà nhà của các khoa đều rất hiện đại. NTU là một trường đại học trẻ, mới được thành lập từ năm 1955. Khoảng 1/3 sinh viên là người nước ngoài. Hàng năm có khoảng 50 sinh viên Việt Nam đến học ở đây.

Cuối cùng thì cũng đến giờ phải ra sân bay. Từ trường NTU đến sân bay Changi là „hai đầu đất nước”. Chúng tôi đi „xuyên Sing” từ tây sang đông theo xa lộ PIE, một xa lộ tuyệt đẹp với rất nhiều „raining tree”. Tạm biệt những cây „raining tree” dễ thương, tạm biệt Singapore, hòn đảo thanh bình đã cho tôi những ngày cuối tuần đáng nhớ!

(2003)

Lời chúc mùa Giáng Sinh





Giáng sinh đã về ấm áp
Thắm như lá nhất phẩm hồng
Cháy lên bên khung cửa sổ
Trong màn sương giá mùa đông

Đêm thanh Thánh đường vời vợi
Hồn êm tan vào thinh không
Niềm yêu ai không giấu nổi
Nồng nàn như hương lá thông

Nỗi buồn hãy là bông tuyết
Tan ra trong đất ấm mềm
Niềm vui xin như năm tháng
Mỗi ngày chỉ một nhiều thêm!

Giáng sinh hạnh phúc, bình yên
Yêu-thương ngập tràn muôn ngả
Nguyện cầu từ tận đáy tim
Tạ ơn phước lành Thiên Chúa...

Thái Linh
(Giáng Sinh 2008)

Monday 18 May 2009

(opera) Rigoletto



(Giọng ca sopran xuất sắc của Ba Lan Aleksandra Kurzak trong vai Gilda và Andrzej Dobber trong vai Rigoletto)

***
Tóm tắt nội dung
Rigoletto, vở opera nổi tiếng của Giuseppe Verdi, được viết dựa trên cốt truyện vở kịch „Đức vua tiêu khiển” (Le Roi s’amuse) của Victor Hugo. Rigoletto là tên lão hề của vị công tước chơi bời trăng hoa xứ Mantua. Rigoletto bị căm ghét vì thường đem số phận và phẩm giá của người khác ra làm trò cười bằng miệng lưỡi rắn độc của mình. Trong một buổi dạ hội ở cung điện của công tước, hắn bị bá tước Monterone nguyền rủa bằng những lời rất độc địa.
Rigoletto có một người con gái xinh đẹp tuyệt trần là Gilda mà hắn vô cùng yêu quý. Hắn bảo vệ con gái như giữ con ngươi trong mắt mình. Không may, Gilda lại đem lòng yêu công tuớc Mantua và nhầm tưởng hắn là một học trò nghèo tên Gualter Malde mà nàng vẫn gặp trong những buổi đi lễ nhà thờ. Gilda bị đám cận thần của công tước phát hiện ra khi chúng đang âm mưu bắt cóc vợ bá tước Ceprano về cho công tước tiêu khiển. Thay vì bắt cóc vợ bá tước Ceprano, chúng đã bắt cóc Gilda. Để rửa nhục cho con gái, Rigoletto thuê tên giết người chuyên nghiệp Sparafucile giết công tước Mantua. Em gái của Sparafucile, Maddalena, là một vũ nữ. Khi Sparafucile muốn giết ai, Maddalena quyến rũ người đó, chuốc rượu rồi Sparafucile ra tay.
Rigoletto đưa Gilda đến quán rượu để nàng nhìn tận mắt công tước Mantua tán tỉnh Maddalena như thế nào. Mặc dù vậy, khi biết cha mình thuê Sparafucile giết công tước, và khi thấy Sparafucile đồng ý với Maddalena rằng nếu có người gõ cửa quán trước lúc nửa đêm, hắn sẽ giết người đó thế mạng cho công tước, Gilda đã giả làm người khách bộ hành tình cờ xin trú chân. Nàng chết thay cho công tước vì trong lòng vẫn còn yêu hắn. Vở opera kết thúc trong nỗi đau tột cùng của Rigoletto khi phát hiện ra cái xác không phải là công tước Mantua mà chính là con gái mình.
Rigoletto là bi kịch của một lão hề luôn phải khiến cho chủ mình vui cười, một con người chỉ được phép hài hước, vui vẻ, bị tước mất quyền biểu lộ những cảm xúc thực sự, để rồi trở thành vô cảm và lại trút những bi kịch lên số phận người khác. Bi kịch của Rigoletto lên đến đỉnh điểm khi hắn mất đi tất cả, mất đứa con gái mà hắn nâng niu và yêu thương, người duy nhất gợi lên trong hắn những tình cảm dịu dàng, như một tia sáng mong manh duy nhất trong cuộc đời tăm tối của hắn. Rigoletto cũng là bi kịch của những người phụ nữ khi họ bị đàn ông đem ra đùa giỡn, cho dù đó là Gilda với tình yêu ngây thơ trong trắng, đầy dâng hiến và không chút vụ lợi. Gilda đáng yêu nhất, dịu hiền nhất lại bị số phận giáng những đòn thảm khốc nhất. Và Rigoletto còn là bi kịch của vòng quay “tội ác và hình phạt”, cái bánh xe nghiệt ngã trong tăm tối đã nghiền nát loài người từ thời cổ xưa, với những tiếng thở dài buồn thảm của thuyết định mệnh.

Từ Paris đến Mantua

Tuy dựa trên cốt truyện vở kịch của Victor Hugo, nhưng bối cảnh và các nhân vật đã phải thay đổi nhiều. Nhân vật chính của “Đức vua tiêu khiển” là Triboulet, một nhân vật lịch sử có thật, là anh hề nổi tiêng của vua Louis XII và Francis I. Vở kịch với những hơi hướng chống đối chính quyền ra mắt quần chúng ngày 23.11 năm 1832. Ngay hôm sau, vở kịch bị tạm treo không cho công diễn, và bị cấm hẳn vào ngày tiếp theo, 24.11.1832. Mãi 50 năm sau, đúng ngày 22.11.1882, “Đức vua tiêu khiển” mới được công diễn lần thứ hai, nghĩa là 31 năm sau buổi ra mắt Rigoletta của Verdi.

Trong Rigoletta, địa điểm, thời gian và tên nhân vật đều được thay đổi. Không còn là hoàng cung nước Pháp thế kỷ XV-XVI với Triboulet, mà là cung điện của công tước xứ Mantua (miền Bắc nước Ý) vào khoảng đầu thế kỷ XVII và lão hề Rigoletto (cái tên Rigoletto, không biết vô tình hay cố ý, lại có gốc là rigolo, tiếng Pháp có nghĩa là người buồn cười, người kỳ cục). Trước khi được quyết định trở thành công tước xứ Mantua, ban đầu, nhân vật của Verdi là công tước Vendôme. Vở opera lúc đầu mang nhan đề “Lời nguyền" nhưng cuối cùng đổi thành Rigoletto. Tất cả những thay đổi này đều bởi vì vở opera của Verdi cũng gặp phải khó khăn từ phía người kiểm duyệt: nhan đề không được “nhạy cảm” như thế, vở opera nhất định không được nhắc đến Francis I hay bất cứ vị vua nào, không được có những tư tưởng chống đối chính quyền. Điều này cũng ảnh hưởng phần nào đến nội dung tác phẩm, các mạch bi kịch bị mất cân bằng khi công tước Mantua - người đã gây ra bao nghiệp chướng - lại nhởn nhơ chơi bời, từ đầu đến cuối không hề gặp một hình phạt nào. Bản thân Verdi cũng từng viết rằng “đáng lẽ nên có cảnh Gilda trong phòng ngủ của công tước (trong “Đức vua tiêu khiển”, khi Blanche vùng ra khỏi tay Francis I để chạy trốn, nàng đã chạy vào...phòng ngủ của vua). Trong cảnh này sẽ có một duet, và là một duet tuyệt vời!” Nhưng các thầy tu sẽ không đồng ý.

Bước ngoặt

Rigoletto là vở opera đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của Verdi cũng như trong lịch sử opera. Trong Rigoletto, cái đẹp của âm nhạc chiếm vị trí trung tâm với các giai điệu và việc đặt chúng “đắc cách” vào các tình huống bi kịch. Vẫn còn phong cách bel canto, nhưng không phải là thứ bel canto vô cảm chỉ cốt để phô diễn giọng hát. Mạch sáng tác này tiếp tục được phát triển trong các tác phẩm tiếp theo của Verdi. Rigoletto và các vở ngay sau đó là Trubadur, Traviata (Trà hoa nữ), đã mở ra một loạt các vở opera với những tuyệt tác như Vũ hội hóa trang, Don Carlos, Aida, Otello và Falstaff. Rossini, sau buổi công diễn đầu tiên của Rigoletto ở Paris đã nói “Cuối cùng tôi đã tìm thấy thiên tài của Verdi trong âm nhạc của vở Rigoletto”.

Mặt khác, công chúng của Verdi trước đây chỉ quen với các vở mà nhân vật chính thể hiện tình yêu lý tưởng với đất nước và chiến đấu để giải phóng nó, quen với những màn kết hùng tráng và các dàn đồng ca. Nhưng trong Rigoletto, trung tâm của vở kịch là bi kịch của từng con người, từng cá nhân, “tất cả nảy sinh từ con người, có tác động trong con người và chỉ tìm được các giải đáp cho mình ở con người”, như triết gia người Ý Bontempelli đã nói. Những con người sống động, đầy các tình huống thường ngày, những tình cảm muôn thủa của con người như tình yêu, ghen tuông, thù hận khiến cho opera của Verdi rất gần với bi kịch Shakespeare. Theo Henryk Swolkień, kể từ Rigoletto, các nhân vật của Verdi ngày càng trở nên nhạy cảm hơn. Như Violetta trong Traviata (Trà hoa nữ), Renato trong Vũ hội hóa trang, thậm chí là Amneris trong Aida.

Thành công vang dội

Rigoletto công diễn lần đầu vào ngày 11 tháng 3 năm 1851 tại Gran Teatro La Fenice (Venice). Thành công tuyệt đối! Khán thính giả cuồng nhiệt với quartet ở hồi cuối “Bella figlia dell’amore”. Aria kết thúc hồi II được yêu cầu hát lại ba lần. Tổng số các lần bis lên tới mười hai! Khán giả ra về và hát vang bài hát của công tước “La donna è mobile”, và từ đó nó trở nên vô cùng nổi tiếng. Verdi đã đoán trước được điều này, nên ông đưa bản nhạc của bài hát này cho giọng ca tenor đảm nhận vai công tước chỉ một ngày trước buổi diễn và bắt anh phải thề không được hát lên thành tiếng, không được cho ai xem. Đây là bài hát rất dễ nhớ, những người nghe nó sẽ thuộc ngay, và Verdi không muốn nó bị hát ngoài phố trước ngày công diễn. Cả dàn nhạc cũng phải thề y như vậy, và bí mật đã được giữ kín. Phản ứng của khán giả sau đêm công diễn cho thấy sự thận trọng của Verdi là không thừa.

Ngay ngày hôm sau, tờ “Gazzetta” của Venice viết: “Đêm qua chúng ta dường như bị những điều mới mẻ vây chặt: cái mới của âm nhạc, cái mới của phong cách, cái mới trong hình thức của từng phần...”

Chỉ trong mùa diễn đầu tiên, Rigoletto đã được công diễn 21 lần. Các nhà hát khắp nước Ý đua nhau trình diễn Rigoletto. Vở opera nhanh chóng có mặt trên sân khấu nước ngoài, sớm nhất là ở Graz, Budapest, Praga, Lubeka, Stuttgat, Brema, Hannover, London. Hai năm sau, vào năm 1853, Rigoletto được trình diễn ở Warzawa, Ba Lan.

Tiếng vang của Rigoletto tất nhiên đã bay đến Paris. Có một điều thú vị là việc trình diễn Rigoletto ở Paris lại bị chính Victor Hugo phản đối. Duy nhất vì lý do tác quyền. Mãi đến tận năm 1857 Nhà Hát Ý mới xin được các giấy phép của tòa án để trình diễn Rigoletto, ở Paris vở opera cũng gặt hái thành công vang dội. Victor Hugo dù không thay đổi quan điểm của mình, vẫn thán phục phần âm nhạc của vở kịch, nhất là quartet nổi tiếng.

Quả thật, trong Rigoletto đầy ắp giai điệu với các ballad (“Questa o quella”) , aria (“Caro nome”, “Parmi veder le lagrime”, “La ra, la ra”, “Cortigiani!”, “Tutte le feste al tempio”, “la donna è mobile”), duet (“Deh, non parlare”, “E il sol dell’amina”, “Si, vendetta!”, "Lassu in cielo") và quartet nổi tiếng “Bella figlia dell’amore”, đòi hỏi kỹ thuật cực kỳ cao. Cũng chính vì thế, điều kiện tiên quyết để vở opera được biểu diễn thành công là các giọng ca. Toàn bộ xương sống của vở opera được dựng trên giọng ca của các nhân vật chính là công tước (tenor), Gilda (sopran) và Rigoletto (barytone). (Ở đây, nhân vật phản diện, công tước Mantua, lại là giọng tenor, điều rất ít gặp trong các vở opera.) Rigoletto không phải là vở opera mà các giọng ca có thể giấu đi hay xóa bớt các khiếm khuyết của mình vào các cảnh dựng hoành tráng đông người với các dàn đồng ca. Trong vở này, các nghệ sỹ phải thực sự hát hay, không chỉ solo, mà cả trong duet, trio hay quartet. Phần dàn dựng có thể lui xuống thứ yếu, nhất là để khắc họa tính bi kịch, sân khấu càng không nên dàn dựng cầu kỳ (trừ màn đầu của hồi I, khi bối cảnh là buổi vũ hội trong cung điện của công tước).

Mặc dù được khán giả đón nhận nồng nhiệt ngay từ đầu và sự nồng nhiệt ấy vẫn chưa bao giờ thuyên giảm, Rigoletto lại bị giới phê bình thời đó hắt hủi. Tưởng như không ai có thể nghi ngờ về sự phong phú trong giai điệu của vở Rigoletto, vậy mà tờ “Gazette Musicale” của Paris lại nhận xét là “il n’y a pas de mélodie!” (không có giai điệu!). Tờ Times của London viết: “Rigoletto là vở opera kém cỏi nhất của Verdi, nghèo nàn nhất và hoàn toàn không có chút sáng tạo. Đi sâu vào phân tích chỉ mất thời gian và phí chỗ”.

Nhưng thời gian đã chứng minh rằng khán giả không lầm. Ngày nay, chúng ta có thể xếp Rigoletto vào trong số mười vở opera nổi tiếng nhất thế giới. Bản thân Verdi, người luôn là vị giám khảo nghiêm khắc nhất đối với các tác phẩm của mình, cũng rất hài lòng với Rigoletto. Ông nói với giọng ca barytone Varesi, người đảm nhận vai Rigoletto trong lần công diễn đầu tiên năm 1851:“Tôi nghĩ rằng mình không bao giờ viết được vở nào hay hơn nữa ...”

(5.2009)

Tuesday 5 May 2009

Saturday 2 May 2009

Du hành cùng Herodotus: Kapuscinski và sức nặng lịch sử

(Bài dịch dưới đây của Viêt Kiều Sài Gòn từ nguồn tiếng Anh của tác giả Frank Bures đăng trên tạp chí điện tử World Hum ngày 03 tháng 7 năm 2007. Những chú thích cho bài dịch là của người dịch.

Bures, Frank. “‘Travels with Herodotus’: Kapuscinski and the Weight of History”. World Hum. 03 Jul. 2007.)

Frank Bures cân nhắc quyển sách của Kapuscinski mới được dịch và di sản gây ra tranh cãi của nhà văn Ba Lan này.

Vào giữa thập niên 1950, một phóng viên trẻ và ngờ nghệch người Ba Lan tên Ryszard Kapuscinski ngẫu hứng tuyên bố với sếp rằng anh muốn ra hoạt động ở nước ngoài. Một năm sau, vị sếp bảo anh ta qua Ấn Độ và đưa cho một quyển sách bìa cứng với hàng chữ mạ vàng ở bìa trước “Herodotus, Lịch Sử”. Kapuscinski đi Ấn Độ, và như ông kể lại trong quyển “Du Hành cùng Herodotus”, tác phẩm cuối cùng trước khi mất, và không có chút ý niệm nào về việc ông đã làm. Ông không biết ngay đến một chút tiếng Anh, chưa kể Hindi hay Bengali, và ít nhất là một kẻ thất bại trong nghề phóng viên tường trình . Bù lại ông được nếm mùi vị du hành, vượt biên giới, lãnh hội kinh nghiệm trực tiếp về thế giới, và bị cuốn hút hoàn toàn. Tình yêu du hành, sự khác biệt, và thám hiểm dẫn dắt ông trong suốt cuộc đời còn lại.

Kapuscinski cũng trở nên yêu tác phẩm cổ điển trong quyển sách bìa cứng ấy viết bởi một nhà du hành khác với những thôi thúc tương tự như của ông. Herodotus, gốc nửa Hi Lạp sinh vào thế kỉ thứ 5 trước Công Nguyên viết chỉ một bộ sách, là một nhà du hành kỳ diệu đi khắp thế giới thời đó, lần tìm và góp nhặt những câu chuyện thành lịch sử theo cách chưa ai từng làm, và cuối cùng viết lại để không bị mai một. Bộ “Lịch Sử” hay “Điều Tra” bao gồm chín quyển khảo sát nền tảng và những sự kiện liên quan đến cuộc chiến tranh giữa Hi Lạp và Ba Tư. Khi du hành trong thế giới như con người được biết vào thời đó, Herodotus không mỏi mệt, không sợ sệt, luôn hoài nghi, và cẩn trọng trong việc thu thập thông tin. Thật vậy, ông xứng đáng là sử gia thực thụ đầu tiên.

Kapuscinski chia sẻ với Herodotus về cách nhìn, khát vọng, và động lực căn bản. Trong quyển “Du Hành”, Kapuscinski tưởng tượng người Hi Lạp “nhanh nhảu, quyến rũ, du cư không mệt mỏi, đầy kế hoạch, ý tưởng, lý thuyết.” Ông tiếp:” Luôn du hành. Ngay cả khi ở nhà…lúc mới trở về từ hay đang chuẩn bị cho một cuộc thám hiểm. Du hành là nỗ lực sống còn, sự tự chứng minh cho việc lao mình vào nỗ lực, phấn đấu để tìm hiểu về đời sống, thế giới, và có lẽ cuối cùng là về chính họ.” Khi Kapuscinski tiếp tục thực hiện những chuyến du hành qua trung Quốc, Phi châu, Nam Mỹ và những nơi khác, ông thường đem theo và nghiền ngẫm quyển “Lịch Sử”, tự đánh mất trong mưu đồ của những đạo quân Hi Lạp và Ba Tư, trong những phong tục kì lạ Herodotus ghi chép lại, và trong những câu hỏi thú vị Herodotus đặt ra, những câu hỏi không phải là không giống những câu Kapuscinski vẫn có. Xuyên suốt tác phẩm của Kapuscinski, ông thường xen kẽ những đoạn ghi chép về chuyến đi của chính ông với những “giờ ra chơi” khi ông về phòng đọc và ghi chép lại những điều Herodotus viết.

Những “giờ ra chơi” này mô tả điều Herodotus viết. Thật hấp dẫn khi Kapuscinski khảo sát sở thích về văn hóa của Herodotus hay cuộc vây hãm thành Babylon của Darius. Nhưng vào những lần khác, các đoạn văn này làm trì trệ tác phẩm với tóm tắt về những chiến lược quân sự tỉ mỉ của Ba Tư khi Kapuscinski đọc trong lúc đang ở Sudan, Tanzania, hay Trung Quốc. Đến những đoạn như thế, tôi tự hỏi tại sao tôi không đọc thẳng từ quyển Herodotus viết vẫn hay hơn. Tuy nhiên, khi Kapuscinski trở lại với những chuyến du hành của chính ông, dòng văn trở lại lưu loát.

Du Hành cùng Herodotus” hay hơn quyển “Bóng Mặt Trời” (Shadow of the Sun) nhưng không tuyệt bằng quyển “Cuộc Chiến Bóng Đá” (The Soccer War). “Du Hành” tĩnh lặng hơn, và phản ánh nhiều hơn và lấp đầy những khoảng trống về cuộc đời của Kapuscinski ta biết qua trong vài tác phẩm đã dịch ra tiếng Anh. (Một số khác trong nguyên bản Ba Lan.) Tuy nhiên có một khoảng trống dường như Kapuscinski chỉ phần nào nhận thức là ông đang lấp đầy qua tác phẩm này. Trong giai đoạn khởi đầu sự nghiệp phóng viên nước ngoài, như được ghi lại trong “Du Hành”, ông bận rộn sục sạo tìm đến những điểm nóng hòng ghi lại những vụ đánh bom, biểu tình, và xử tử mới nhất. Khi chuyện ấy không thể thực hiện được, ông và các phóng viên khác hay ngồi dưới hàng hiên hay quầy rượu của khách sạn chuyện vãn.

“Có kẻ nghe nói đảo chánh lật đổ Mobutu (1) ,” ông viết, “kẻ khác bác bỏ cho đó là tin đồn- làm sao kiểm chứng đây? Dựa theo những lời đồn đại, thì thầm, suy đoán lẫn sự thật như thế, chúng tôi viết tường trình gửi về nhà. (2) ” Một ngày nọ, Kapuscinski nhận được nguồn tin từ vị đại sứ Algeria ở Tanzania về một vụ đảo chính sắp diễn ra ở thủ đô Algiers. Nhưng khi đến thủ đô, vụ đảo chánh đã xảy ra xong xuôi. Không đốt cờ. Không có những xung đột với cảnh sát. Không nổi loạn. Không có gì để liếc mắt! Ông không biết phải viết gì nhưng phải viết gì đó để biện minh cho chi phí của chuyến đi. Vì vậy, Kapuscinski quyết định tìm hiểu về những lực lượng đàng sau cuộc đảo chánh. Cuối cùng ông viết về di sản của cuộc chiến tranh Algeria (3) , sự chia rẽ giữa những người “Ả Rập vùng biển” và “Ả Rập vùng sa mạc”, và làm thế nào vụ đảo chánh gây ra sự phân hóa của xã hội Algeria. Kết quả là sự ra đời của bài viết “Algeria Che Mặt”, một câu chuyện linh động và cuốn hút cô đọng trong tác phẩm “Cuộc Chiến Bóng Đá” (The Soccer War). Đây là một tác phẩm tham khảo cần yếu cho ai muốn tìm hiểu hay dự định thăm viếng Algeria.

Sự kiện xảy ra ở Algeria dường như tạo sự ngạc nhiên cho chính Kapuscinski. Trước khi đến thời điểm thức tỉnh đó,” ông viết, “ tôi luôn tim tòi hình ảnh tuyệt vời với ảo tưởng là hình ảnh tuyệt vời ấy sẽ biện minh cho sự hiện diện của tôi và không đòi hỏi tôi phải có trách nhiệm hiểu rõ những sự việc đang diễn ra. (4) “ Tôi nghĩ điều ông muốn nói là sự kiện xảy ra ở Algeria biến ông từ một phóng viên tường trình sự kiện thành một người viết văn, từ một người thu lượm không chọn lựa những miếng vụn từ đống rác của lịch sử thành một nghệ sĩ biến những mãnh vụn ấy xinh đẹp và cộng hưởng, từ một người chỉ thấy một bức hình nhỏ trước mặt đến một người luôn nhận thức bối cảnh to hơn trong đó bức hình hiện hữu. Như mỗi người viết về du hành hay nhà văn thuần túy đều biết, một trong những điều khó nhất khi bạn trên một con đường là luôn luôn giữ phối cảnh, kềm giữ hình ảnh lớn hơn và nhớ câu chuyện to hơn trong đó câu chuyện bạn đang viết là một phần nhỏ. Có Herodotus làm bạn đồng hành quả thật đã phơi bày quan điểm ấy, mặc dầu Kapuscinski không nói ra. Khá thú vị khi chuyến đi Algeria đó cũng có thể là một bước ngoặc khác cho Kapuscinski.

Phải chăng đấy là điểm ông bắt đầu chú ý đến hình ảnh lớn hơn đến độ quên hình ảnh nhỏ hơn? Trong quá trình tìm tòi cộng hưởng, ý nghĩa, và cấu thành câu chuyện nhằm tạo nên mãnh lực cho tác phẩm, có lẽ ông đã đi theo con đường dẫn đến một số phê phán như: tường trình cẩu thả trong vài trường hợp mà chỉ có người Phi châu hay học giả về Phi châu có thể nhận ra; hay tổng quát hóa đôi khi thêm kỳ thị chủng tộc đến độ gần nhảm nhí như trong một số trường hợp; và dường như cố ý thêu dệt nhằm tạo ẩn dụ và tồn tại trong vài trường hợp.

Trước khi qua đời, Kapuscinski có lúc mơ hồ chấp nhận hoặc cộc lốc chối bỏ những buộc tội trên. Dù vậy, ông vẫn được ca ngợi và thường xuyên được xem như một ứng viên cho giải Nobel. Không thể nghi ngờ các tác phẩm của ông tuyệt đẹp, diễn ý, và ở một ý nghĩa nào đó vượt thời gian.

Nhưng ý nghĩa nào? Herodotus, tương tự như vậy, cũng có kiến thức và thông hiểu về sự kiện thiếu chính xác. Nhưng chúng ta vẫn đọc sách của ông 2500 năm về sau vì ông dẫn dắt ta về thời đại của ông, đặt để chúng ta vào thế giới cổ đại kỳ diệu và lạ lùng nơi ông sống. Tuy nhiên, ta sẽ lỗi lầm khi chấp nhận giá trị bề ngoài của ông hay của bất cứ nhà văn nào. Nên tôi không nghĩ ta không nên đọc Kapuscinski chỉ vì những tiếng ồn ào cáo buộc. Ta không nên đọc sách của ông như kinh điển, hay như nguồn thông tin duy nhất, nhưng là một ý nghĩa tương đối giống như ông đang ngồi kế chúng ta ở một quầy rượu kể lại những câu chuyện hay ho về những sự vật ông đã thấy trong chuyến hành trình xuyên thế giới.

Vì vậy, một mặt tôi cảm thấy lòng chùn xuống vì những lời cáo buộc và bật dội bởi những “lý thuyết” trong các tác phẩm sau này của Kapuscinski về Phi châu, và đánh mất lòng tin cậy vào ông, một mặt khác vẫn muốn đứng cận kề bảo vệ và ngưỡng mộ ông. Tôi vẫn cảm thấy những gì ông viết quả thật đáng kinh ngạc và đoán là trong hàng trăm năm ông vẫn được đọc trong khi những nhà văn đứng đắn cùng thời đã bị lãng quên. Bởi vì đôi khi, tôi không cần chi tiết chính xác của sự việc đã xảy ra đặc biệt là trong chu kỳ tin tức 24 tiếng. Đôi khi tôi chỉ muốn biết cảm giác như thế nào nơi sự kiện xảy ra.

Và không nhà văn nào chuyển tải cho tôi đến đó bằng Kapuscinski như khi ông nói:”vấn đề không phải câu chuyện không được diễn tả; mà là cái gì bao quanh câu chuyện. Thời tiết, không khí của con đường, cảm xúc của con người, lời dị nghị của thành phố, mùi hôi; hàng ngàn và hàng ngàn yếu tố của thực tế là một phần cấu thành sự kiện mà bạn đang đọc trong mẩu tin 600 chữ trên tờ báo buổi sáng.”

Đó là lý do tại sao tôi vẫn yêu Kapuscinski bất kể những khuyết điểm của ông và cảm thấy chúng ta cần đọc và hiểu tác phẩm của ông ở chân giá trị của nó: không phải là bàn tóm tắt những sự kiện nhưng là câu chuyện về thế giới như ông nhìn thấy. Tôi đồng ý với câu nói của Salman Rushdie:” nếu bạn chỉ muốn sự kiện, bạn đi chỗ khác. Rất nhiều người viết có thể cung cấp điều đó. Người ta đến với Ryszard Kapuscinski để thâm nhập điều gì sâu hơn và mạnh mẽ hơn.”

Và đó là lý do tại sao “Du Hành cùng Herodotus”, và có lẽ tất cả những tác phẩm của Kapuscinski cần được đọc như nghệ thuật chứ không phải khoa học. Điều chắc chắn không có gì để nghi ngờ, quyển sách đáng để đọc.

Frank Bures là biên tập viên của World Hum nơi những bài viết của ông đã dành được nhiều giải thưởng. Bạn có thể tìm đọc thêm những bài viết khác của ông tại frankbures.com.

-------------------------

Ghi chú của người dịch

(1) Mobutu Sese Seko Nkuku Ngbendu wa Za Banga (October 14, 1930 – September 7, 1997), thường được biết như Mobutu, hay Mobutu Sese Seko), sinh dưới tên Joseph-Désiré Mobutu, là tổng thống Zaire (nay là Cộng Hoà Dân Chủ Congo - Democratic Republic of the Congo hay viết tắt là DRC ở phía bắc của Angola) trong 32 years (1965–1997) sau khi lật đổ Joseph Kasavubu. Mobutu lập chế độ độc tàỉ ở Zaire với mục tiêu bứng gốc triệt hạ tất cả những ảnh hưởng văn hoá thời thuộc địa và gây chiến nhằm thách thức sự gia tăng ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản ở các nước Phi châu khác. Quản lý lệch lạc nền kinh tế Zaire cộng thêm thâm lạm tài chính và tài nguyên thiên nhiên làm lợi cho chính cá nhân mình biến tên Mobutu đồng nghĩa với chế độ cướp dân (kleptocracy - một chính quyền nắm quyền lực và làm giàu riêng tư cho giới cầm quyền bằng cách rút rỉa tài nguyên và tài sản công mà không cần giả dạng dưới chiêu bài lợi ích nào hết. Nguồn gốc từ chữ Hi Lạp klepto+kratein có nghĩa là lãnh đạo bởi những thằng ăn cướp) ở Phi châu.

Dịch từ nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Mobutu

(2) Nghe rất quen thuộc như thời chiến tranh Việt Nam (1956 – 1975) sau hiệp định Genève năm 1954 khi các phóng viên nước ngoài viết tường trình về nhà từ khách sạn Caravel và Continental chứ không phải từ mồ hôi và máu ở chiến trường.

(3) Chiến tranh Algeria (1954 – 1962), còn gọi là Chiến Tranh Dành Độc Lập Algeria, dẫn đến độc lập cho Algeria từ Pháp. Đây là một cuộc chiến tranh thuộc địa quan trọng và phức tạp với nhiều tính chất như chiến tranh du kích, kháng chiến bí mật, khủng bố thường dân, sử dụng tra tấn của cả đôi bên, và những hoạt động chống khủng bố của Pháp. Khởi đầu bằng cuộc nổi dậy của Phong Trào Giải Phóng Quốc Gia (FLN) vào ngày lễ Các Thánh 1-11-1954. Cuộc xung đột rúng động nền tảng và dẫn đến sự sụp đổ của Đệ Tứ Cộng Hòa Pháp (1946-58). Dưới sự điều động của chính quyền Guy Mollet, quân đội Pháp khởi đầu bằng một chương trình “bình định” Algeria, một vùng đất Pháp xem như là một phần của nước họ. Chiến dịch bình định giữ trật tự công cộng này nhanh chóng trở thành một cuộc chiến toàn diện. Người dân Algeria lúc đầu muốn một giải pháp hòa bình nhưng dần dần nhắm đến mục tiêu dành độc lập với sự ủng hộ của những quốc gia Ả Rập khác và của cả thế giới với ý tưởng chống thuộc địa. Cùng lúc đó, ngườ dân Pháp chia thành hai nhóm về vấn đề “Algeria của Pháp”: giữ tình trạng thuộc địa và đàm phán một hình thức giữa độc lập và hoàn toàn sát nhập vào Pháp, hay hoàn toàn độc lâp cho Algeria. Quân đội Pháp cuối cùng thắng về quân sự, nhưng tình hình đã thay đổi và độc lập cho Algeria không tránh được. Vì bất ổn ở Quốc Hội Pháp, Đệ Tứ Cộng Hòa giải thể đưa đến sự trở lại lãnh đạo của Charles de Gaulle vào tháng 5 năm 1958 và nền Đệ Ngũ Cộng Hòa. Việc đưa De Gaulle trở lại nhằm giữ Algeria và sát nhập nước này vào khối Liên Hiệp Pháp bao gồm những cựu thuộc địa của Pháp. Tuy nhiên , De Gaulle dần dần nghiêng về hướng trả độc lập cho Algeria vì thấy đó là điều không tránh được. De Gaulle tổ chức cuộc bỏ phiếu cho dân Algeria và họ chọn độc lập. FLN và Pháp đàm phán và cuối cùng ký hiệp ước Evian tháng 3 năm 1962 dẫn đến độc lập cho Algeria. Ahmed Ben Bella là vị tổng thống đầu tiên của Algeria sau độc lập.

Dịch từ nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Algerian_War

(4) Câu này khá tối nghĩa, ngay cả với Frank Bures, tác giả bài bình luận. Có lẽ Kapuscinski muốn nói trước khi thực sự vào cuộc, sống, hiểu, đem tấm lòng và cảm xúc hòa nhập vào sự kiện ông đang tường trình; sự kiện đối với ông chỉ là những hình ảnh sốt dẽo đủ biện minh cho sự hiện hữu của chính nó và ông không cần có trách nhiệm gì thêm với chúng. Ông là người ngoài cuộc dửng dưng như một ống kính thu hình.


Friday 1 May 2009

Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên


7 giây. Chúng ta cần từng đó thời gian để quyết định: tôi thích cái này, để phán xét: đúng hay sai, để phải lòng hay chán ghét ai đó. Vô cùng nhanh, bộ não gửi cho chúng ta câu trả lời cảm tính, tức thời và.... thường là KHÔNG chính xác đến đáng ngạc nhiên. Có nên tin vào cảm nhận đầu tiên hay không? Phải làm gì để chúng ta ít sai lầm hơn?

Không hiếm khi một người phỏng vấn tuyển nhân viên từ chối ai đó chỉ sau vài phút nói chuyện, chỉ vì người này có nụ cười giống cô bạn vô duyên hồi cấp 1, giọng nói giống anh chàng hàng xóm đáng ghét, mái tóc giống người đồng nghiệp hay kèn cựa v.v... Trong khi đó, có thể chính họ sẽ là những nhân viên lành nghề nhất, thích hợp với công việc đó nhất. Điều này không làm nhà tâm lý học David Myers ngạc nhiên. Ông đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện ra: dự đoán của phần lớn các chuyên gia tuyển dụng nhân sự thường sai lầm đến mức gây sốc. Kết quả của các dự đoán này thường tồi tệ hơn các bài kiểm tra đơn thuần để đánh giá ứng cử viên rất nhiều.

Có thật là các ý nghĩ đầu tiên thường đúng nhất không? Ngày nay chúng ta sẵn lòng tin vào điều này hơn bao giờ hết. Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy cảm nhận đầu tiên đánh lừa các quan tòa khi phán xét về mức độ đáng tin cậy trong lời khai của các các nhân chứng hay bị cáo, đánh lừa các bác sỹ khi dự đoán bệnh nhân có khuynh hướng tự tử hay không, đánh lừa các nhân viên bán hàng (nhân là các nhân viên bán xe hơi) và làm cho họ coi thường các khách hàng tiềm năng (mà sau đó chạy sang hãng của đối thủ cạnh tranh mua xe). Những cuộc hôn nhân từ tình yêu từ cái nhìn đầu tiên không bền vững hơn những cuộc hôn nhân mà tình yên đến từ từ theo thời gian.

Tại sao cảm nhận đầu tiên của chúng ta lại sai? Có phải vì chúng ta thiếu trực giác (intuition)?

Trực giác phụ thuộc vào sự hiểu biết, kinh nghiệm, các trải nghiệm được ghi nhớ sẵn trong ký ức. Khi ta cảm thấy ai đó hay một nơi nào đó dễ mến, dễ thương, có nghĩa là ta cảm thấy người đó hay nơi đó có cái gì đó quen thuộc với ta. Khi không có thời gian để phân tích và suy nghĩ, chúng ta nghĩ tắt. Toàn bộ bí ẩn của trực giác là sự tìm kiếm chớp nhoáng trong kho ký ức, nhanh đến nỗi bản thân chúng ta cũng không ý thức được. Kết quả có trong vài giây: đó chính là cảm nhận. Tốt hoặc xấu. Nhưng trước hết là chính xác hay sai lầm.

Điều này phụ thuộc vào cái gì? Vào việc chúng ta có những gì trong kho ký ức. Chúng ta càng có nhiều hiểu biết, nhiều quan sát thì càng tốt. Nếu chúng ta là chuyên gia trong lĩnh vực nào đó, các cảm nhận của chúng ta phần lớn sẽ đúng. Nếu ta không thạo về vấn đề gì, cảm nhận sẽ đánh lừa chúng ta.

Một đứa bé hai tuổi thích nghịch các ổ điện. Trực giác của nó nói rằng cái đó tuyệt đối an toàn. Hàng nghìn năm, loài người bằng cảm nhận đã tin rằng trái đất phẳng.

Cảm nhận đầu tiên cũng giống như khi ta đọc nhan đề của một bài viết và dừng lại ở đó. Như vậy có phải là đủ không? Nhưng đó chính là điều chúng ta làm khi nhìn người khác, làm quen với họ và đánh giá họ bằng vài giây cảm nhận.

Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên giống như tình cảm từ máy tự động. Người phụ nữ gặp một người đàn ông. Trong chớp mắt cơ cấu suy nghĩ bằng trực giác khởi động: hồi tưởng về tất cả các người đàn ông cô từng quen trong quá khứ được lục lại trong ký ức, giọng nói, nét mặt, cử chỉ, mùi hương, lối sống. Kết luận chớp nhoáng: đây là người đàn ông dành cho tôi. Anh ta có cái gì đó thân quen, gợi những liên tưởng dễ chịu. Vì thế chúng ta thường phàn nàn khi ai đó cứ yêu những người đàn ông giống nhau.

Trực giác là sự thừa hưởng một cách tiến hóa của chúng ta, nhiệm vụ của nó là cảnh báo các nguy hiểm. Những thứ thân quen có nghĩa là tốt và an toàn, còn những thứ lạ - là nguy hiểm. Trong cuộc sống nhiều khi mọi sự không như vậy, nhưng trực giác luôn luôn nhắc nhở ta theo cách cũ ấy.

Không ai là có trực giác tốt trong tất cả mọi chuyện. Bạn có thể có cảm nhận chính xác về đàn ông, nhưng lại cảm nhận sai bét về các vấn đề tài chính. Càng nhiều hiểu biết và kinh nghiệm, bạn sẽ càng có ít những suy nghĩ theo lối mòn, những định kiến. Đó là điều kiện để có các cảm nhận quý giá và chính xác.

Nếu bạn muốn cảm nhận của mình về mọi người chính xác hơn, bạn có thể luyện tập bằng cách có thêm các kinh nghiệm mới, mở rộng các mối quan hệ của mình, quen biết thêm nhiều người, nhất là những người khác với bạn.

Con trai của tỉ phú và nhà tài chính George Soros có lần đã tiết lộ: - Tôi thấy cha tôi trình bày các lý thuyết tại sao ông lại mua loại cổ phiếu này, bán cổ phiếu kia. Tầm phào! Ai cũng biết là cha tôi bán cô phiếu ra khi ông thấy đau lưng.

Các nhà tâm lý học khuyên chúng ta không nên coi thường các tín hiệu của cơ thể. Sự bất an, đau bụng, giật giật ở chân cũng là các cảm nhận. Thay vì tự trấn an: đây là tôi đang lo lắng thôi, vào thời gian này trong năm tôi luôn cảm thấy khó ở, bạn hãy quan sát xem các sự kiện hay quyết định gì đến cùng với các tín hiệu này. Một bài tập tốt là hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đã quyết định chuyện đó rồi, và quan sát tình cảm cũng như các hình ảnh hiện ra. Quan sát tất cả, đến tận cuối cùng, vì thường xảy ra trường hợp sau các cảm nhận tích cực đầu tiên, các cảm nhận khác ít thú vị hơn bắt đầu xuất hiện. Mà những cảm nhận cuối cùng mới là quan trọng nhất.

(Theo Twój Styl)