(Bài dịch dưới đây của Viêt Kiều Sài Gòn từ nguồn tiếng Anh của tác giả Frank Bures đăng trên tạp chí điện tử World Hum ngày 03 tháng 7 năm 2007. Những chú thích cho bài dịch là của người dịch.
Bures, Frank. “‘Travels with Herodotus’: Kapuscinski and the Weight of History”. World Hum. 03 Jul. 2007.)
Frank Bures cân nhắc quyển sách của Kapuscinski mới được dịch và di sản gây ra tranh cãi của nhà văn Ba Lan này.
Vào giữa thập niên 1950, một phóng viên trẻ và ngờ nghệch người Ba Lan tên Ryszard Kapuscinski ngẫu hứng tuyên bố với sếp rằng anh muốn ra hoạt động ở nước ngoài. Một năm sau, vị sếp bảo anh ta qua Ấn Độ và đưa cho một quyển sách bìa cứng với hàng chữ mạ vàng ở bìa trước “Herodotus, Lịch Sử”. Kapuscinski đi Ấn Độ, và như ông kể lại trong quyển “Du Hành cùng Herodotus”, tác phẩm cuối cùng trước khi mất, và không có chút ý niệm nào về việc ông đã làm. Ông không biết ngay đến một chút tiếng Anh, chưa kể Hindi hay Bengali, và ít nhất là một kẻ thất bại trong nghề phóng viên tường trình . Bù lại ông được nếm mùi vị du hành, vượt biên giới, lãnh hội kinh nghiệm trực tiếp về thế giới, và bị cuốn hút hoàn toàn. Tình yêu du hành, sự khác biệt, và thám hiểm dẫn dắt ông trong suốt cuộc đời còn lại.
Kapuscinski cũng trở nên yêu tác phẩm cổ điển trong quyển sách bìa cứng ấy viết bởi một nhà du hành khác với những thôi thúc tương tự như của ông. Herodotus, gốc nửa Hi Lạp sinh vào thế kỉ thứ 5 trước Công Nguyên viết chỉ một bộ sách, là một nhà du hành kỳ diệu đi khắp thế giới thời đó, lần tìm và góp nhặt những câu chuyện thành lịch sử theo cách chưa ai từng làm, và cuối cùng viết lại để không bị mai một. Bộ “Lịch Sử” hay “Điều Tra” bao gồm chín quyển khảo sát nền tảng và những sự kiện liên quan đến cuộc chiến tranh giữa Hi Lạp và Ba Tư. Khi du hành trong thế giới như con người được biết vào thời đó, Herodotus không mỏi mệt, không sợ sệt, luôn hoài nghi, và cẩn trọng trong việc thu thập thông tin. Thật vậy, ông xứng đáng là sử gia thực thụ đầu tiên.
Kapuscinski chia sẻ với Herodotus về cách nhìn, khát vọng, và động lực căn bản. Trong quyển “Du Hành”, Kapuscinski tưởng tượng người Hi Lạp “nhanh nhảu, quyến rũ, du cư không mệt mỏi, đầy kế hoạch, ý tưởng, lý thuyết.” Ông tiếp:” Luôn du hành. Ngay cả khi ở nhà…lúc mới trở về từ hay đang chuẩn bị cho một cuộc thám hiểm. Du hành là nỗ lực sống còn, sự tự chứng minh cho việc lao mình vào nỗ lực, phấn đấu để tìm hiểu về đời sống, thế giới, và có lẽ cuối cùng là về chính họ.” Khi Kapuscinski tiếp tục thực hiện những chuyến du hành qua trung Quốc, Phi châu, Nam Mỹ và những nơi khác, ông thường đem theo và nghiền ngẫm quyển “Lịch Sử”, tự đánh mất trong mưu đồ của những đạo quân Hi Lạp và Ba Tư, trong những phong tục kì lạ Herodotus ghi chép lại, và trong những câu hỏi thú vị Herodotus đặt ra, những câu hỏi không phải là không giống những câu Kapuscinski vẫn có. Xuyên suốt tác phẩm của Kapuscinski, ông thường xen kẽ những đoạn ghi chép về chuyến đi của chính ông với những “giờ ra chơi” khi ông về phòng đọc và ghi chép lại những điều Herodotus viết.
Những “giờ ra chơi” này mô tả điều Herodotus viết. Thật hấp dẫn khi Kapuscinski khảo sát sở thích về văn hóa của Herodotus hay cuộc vây hãm thành Babylon của Darius. Nhưng vào những lần khác, các đoạn văn này làm trì trệ tác phẩm với tóm tắt về những chiến lược quân sự tỉ mỉ của Ba Tư khi Kapuscinski đọc trong lúc đang ở Sudan, Tanzania, hay Trung Quốc. Đến những đoạn như thế, tôi tự hỏi tại sao tôi không đọc thẳng từ quyển Herodotus viết vẫn hay hơn. Tuy nhiên, khi Kapuscinski trở lại với những chuyến du hành của chính ông, dòng văn trở lại lưu loát.
“Du Hành cùng Herodotus” hay hơn quyển “Bóng Mặt Trời” (Shadow of the Sun) nhưng không tuyệt bằng quyển “Cuộc Chiến Bóng Đá” (The Soccer War). “Du Hành” tĩnh lặng hơn, và phản ánh nhiều hơn và lấp đầy những khoảng trống về cuộc đời của Kapuscinski ta biết qua trong vài tác phẩm đã dịch ra tiếng Anh. (Một số khác trong nguyên bản Ba Lan.) Tuy nhiên có một khoảng trống dường như Kapuscinski chỉ phần nào nhận thức là ông đang lấp đầy qua tác phẩm này. Trong giai đoạn khởi đầu sự nghiệp phóng viên nước ngoài, như được ghi lại trong “Du Hành”, ông bận rộn sục sạo tìm đến những điểm nóng hòng ghi lại những vụ đánh bom, biểu tình, và xử tử mới nhất. Khi chuyện ấy không thể thực hiện được, ông và các phóng viên khác hay ngồi dưới hàng hiên hay quầy rượu của khách sạn chuyện vãn.
“Có kẻ nghe nói đảo chánh lật đổ Mobutu (1) ,” ông viết, “kẻ khác bác bỏ cho đó là tin đồn- làm sao kiểm chứng đây? Dựa theo những lời đồn đại, thì thầm, suy đoán lẫn sự thật như thế, chúng tôi viết tường trình gửi về nhà. (2) ” Một ngày nọ, Kapuscinski nhận được nguồn tin từ vị đại sứ Algeria ở Tanzania về một vụ đảo chính sắp diễn ra ở thủ đô Algiers. Nhưng khi đến thủ đô, vụ đảo chánh đã xảy ra xong xuôi. Không đốt cờ. Không có những xung đột với cảnh sát. Không nổi loạn. Không có gì để liếc mắt! Ông không biết phải viết gì nhưng phải viết gì đó để biện minh cho chi phí của chuyến đi. Vì vậy, Kapuscinski quyết định tìm hiểu về những lực lượng đàng sau cuộc đảo chánh. Cuối cùng ông viết về di sản của cuộc chiến tranh Algeria (3) , sự chia rẽ giữa những người “Ả Rập vùng biển” và “Ả Rập vùng sa mạc”, và làm thế nào vụ đảo chánh gây ra sự phân hóa của xã hội Algeria. Kết quả là sự ra đời của bài viết “Algeria Che Mặt”, một câu chuyện linh động và cuốn hút cô đọng trong tác phẩm “Cuộc Chiến Bóng Đá” (The Soccer War). Đây là một tác phẩm tham khảo cần yếu cho ai muốn tìm hiểu hay dự định thăm viếng Algeria.
Sự kiện xảy ra ở Algeria dường như tạo sự ngạc nhiên cho chính Kapuscinski. Trước khi đến thời điểm thức tỉnh đó,” ông viết, “ tôi luôn tim tòi hình ảnh tuyệt vời với ảo tưởng là hình ảnh tuyệt vời ấy sẽ biện minh cho sự hiện diện của tôi và không đòi hỏi tôi phải có trách nhiệm hiểu rõ những sự việc đang diễn ra. (4) “ Tôi nghĩ điều ông muốn nói là sự kiện xảy ra ở Algeria biến ông từ một phóng viên tường trình sự kiện thành một người viết văn, từ một người thu lượm không chọn lựa những miếng vụn từ đống rác của lịch sử thành một nghệ sĩ biến những mãnh vụn ấy xinh đẹp và cộng hưởng, từ một người chỉ thấy một bức hình nhỏ trước mặt đến một người luôn nhận thức bối cảnh to hơn trong đó bức hình hiện hữu. Như mỗi người viết về du hành hay nhà văn thuần túy đều biết, một trong những điều khó nhất khi bạn trên một con đường là luôn luôn giữ phối cảnh, kềm giữ hình ảnh lớn hơn và nhớ câu chuyện to hơn trong đó câu chuyện bạn đang viết là một phần nhỏ. Có Herodotus làm bạn đồng hành quả thật đã phơi bày quan điểm ấy, mặc dầu Kapuscinski không nói ra. Khá thú vị khi chuyến đi Algeria đó cũng có thể là một bước ngoặc khác cho Kapuscinski.
Phải chăng đấy là điểm ông bắt đầu chú ý đến hình ảnh lớn hơn đến độ quên hình ảnh nhỏ hơn? Trong quá trình tìm tòi cộng hưởng, ý nghĩa, và cấu thành câu chuyện nhằm tạo nên mãnh lực cho tác phẩm, có lẽ ông đã đi theo con đường dẫn đến một số phê phán như: tường trình cẩu thả trong vài trường hợp mà chỉ có người Phi châu hay học giả về Phi châu có thể nhận ra; hay tổng quát hóa đôi khi thêm kỳ thị chủng tộc đến độ gần nhảm nhí như trong một số trường hợp; và dường như cố ý thêu dệt nhằm tạo ẩn dụ và tồn tại trong vài trường hợp.
Trước khi qua đời, Kapuscinski có lúc mơ hồ chấp nhận hoặc cộc lốc chối bỏ những buộc tội trên. Dù vậy, ông vẫn được ca ngợi và thường xuyên được xem như một ứng viên cho giải Nobel. Không thể nghi ngờ các tác phẩm của ông tuyệt đẹp, diễn ý, và ở một ý nghĩa nào đó vượt thời gian.
Nhưng ý nghĩa nào? Herodotus, tương tự như vậy, cũng có kiến thức và thông hiểu về sự kiện thiếu chính xác. Nhưng chúng ta vẫn đọc sách của ông 2500 năm về sau vì ông dẫn dắt ta về thời đại của ông, đặt để chúng ta vào thế giới cổ đại kỳ diệu và lạ lùng nơi ông sống. Tuy nhiên, ta sẽ lỗi lầm khi chấp nhận giá trị bề ngoài của ông hay của bất cứ nhà văn nào. Nên tôi không nghĩ ta không nên đọc Kapuscinski chỉ vì những tiếng ồn ào cáo buộc. Ta không nên đọc sách của ông như kinh điển, hay như nguồn thông tin duy nhất, nhưng là một ý nghĩa tương đối giống như ông đang ngồi kế chúng ta ở một quầy rượu kể lại những câu chuyện hay ho về những sự vật ông đã thấy trong chuyến hành trình xuyên thế giới.
Vì vậy, một mặt tôi cảm thấy lòng chùn xuống vì những lời cáo buộc và bật dội bởi những “lý thuyết” trong các tác phẩm sau này của Kapuscinski về Phi châu, và đánh mất lòng tin cậy vào ông, một mặt khác vẫn muốn đứng cận kề bảo vệ và ngưỡng mộ ông. Tôi vẫn cảm thấy những gì ông viết quả thật đáng kinh ngạc và đoán là trong hàng trăm năm ông vẫn được đọc trong khi những nhà văn đứng đắn cùng thời đã bị lãng quên. Bởi vì đôi khi, tôi không cần chi tiết chính xác của sự việc đã xảy ra đặc biệt là trong chu kỳ tin tức 24 tiếng. Đôi khi tôi chỉ muốn biết cảm giác như thế nào nơi sự kiện xảy ra.
Và không nhà văn nào chuyển tải cho tôi đến đó bằng Kapuscinski như khi ông nói:”vấn đề không phải câu chuyện không được diễn tả; mà là cái gì bao quanh câu chuyện. Thời tiết, không khí của con đường, cảm xúc của con người, lời dị nghị của thành phố, mùi hôi; hàng ngàn và hàng ngàn yếu tố của thực tế là một phần cấu thành sự kiện mà bạn đang đọc trong mẩu tin 600 chữ trên tờ báo buổi sáng.”
Đó là lý do tại sao tôi vẫn yêu Kapuscinski bất kể những khuyết điểm của ông và cảm thấy chúng ta cần đọc và hiểu tác phẩm của ông ở chân giá trị của nó: không phải là bàn tóm tắt những sự kiện nhưng là câu chuyện về thế giới như ông nhìn thấy. Tôi đồng ý với câu nói của Salman Rushdie:” nếu bạn chỉ muốn sự kiện, bạn đi chỗ khác. Rất nhiều người viết có thể cung cấp điều đó. Người ta đến với Ryszard Kapuscinski để thâm nhập điều gì sâu hơn và mạnh mẽ hơn.”
Và đó là lý do tại sao “Du Hành cùng Herodotus”, và có lẽ tất cả những tác phẩm của Kapuscinski cần được đọc như nghệ thuật chứ không phải khoa học. Điều chắc chắn không có gì để nghi ngờ, quyển sách đáng để đọc.
Frank Bures là biên tập viên của World Hum nơi những bài viết của ông đã dành được nhiều giải thưởng. Bạn có thể tìm đọc thêm những bài viết khác của ông tại frankbures.com.
-------------------------
Ghi chú của người dịch
(1) Mobutu Sese Seko Nkuku Ngbendu wa Za Banga (October 14, 1930 – September 7, 1997), thường được biết như Mobutu, hay Mobutu Sese Seko), sinh dưới tên Joseph-Désiré Mobutu, là tổng thống Zaire (nay là Cộng Hoà Dân Chủ Congo - Democratic Republic of the Congo hay viết tắt là DRC ở phía bắc của Angola) trong 32 years (1965–1997) sau khi lật đổ Joseph Kasavubu. Mobutu lập chế độ độc tàỉ ở Zaire với mục tiêu bứng gốc triệt hạ tất cả những ảnh hưởng văn hoá thời thuộc địa và gây chiến nhằm thách thức sự gia tăng ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản ở các nước Phi châu khác. Quản lý lệch lạc nền kinh tế Zaire cộng thêm thâm lạm tài chính và tài nguyên thiên nhiên làm lợi cho chính cá nhân mình biến tên Mobutu đồng nghĩa với chế độ cướp dân (kleptocracy - một chính quyền nắm quyền lực và làm giàu riêng tư cho giới cầm quyền bằng cách rút rỉa tài nguyên và tài sản công mà không cần giả dạng dưới chiêu bài lợi ích nào hết. Nguồn gốc từ chữ Hi Lạp klepto+kratein có nghĩa là lãnh đạo bởi những thằng ăn cướp) ở Phi châu.
Dịch từ nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Mobutu
(2) Nghe rất quen thuộc như thời chiến tranh Việt Nam (1956 – 1975) sau hiệp định Genève năm 1954 khi các phóng viên nước ngoài viết tường trình về nhà từ khách sạn Caravel và Continental chứ không phải từ mồ hôi và máu ở chiến trường.
(3) Chiến tranh Algeria (1954 – 1962), còn gọi là Chiến Tranh Dành Độc Lập Algeria, dẫn đến độc lập cho Algeria từ Pháp. Đây là một cuộc chiến tranh thuộc địa quan trọng và phức tạp với nhiều tính chất như chiến tranh du kích, kháng chiến bí mật, khủng bố thường dân, sử dụng tra tấn của cả đôi bên, và những hoạt động chống khủng bố của Pháp. Khởi đầu bằng cuộc nổi dậy của Phong Trào Giải Phóng Quốc Gia (FLN) vào ngày lễ Các Thánh 1-11-1954. Cuộc xung đột rúng động nền tảng và dẫn đến sự sụp đổ của Đệ Tứ Cộng Hòa Pháp (1946-58). Dưới sự điều động của chính quyền Guy Mollet, quân đội Pháp khởi đầu bằng một chương trình “bình định” Algeria, một vùng đất Pháp xem như là một phần của nước họ. Chiến dịch bình định giữ trật tự công cộng này nhanh chóng trở thành một cuộc chiến toàn diện. Người dân Algeria lúc đầu muốn một giải pháp hòa bình nhưng dần dần nhắm đến mục tiêu dành độc lập với sự ủng hộ của những quốc gia Ả Rập khác và của cả thế giới với ý tưởng chống thuộc địa. Cùng lúc đó, ngườ dân Pháp chia thành hai nhóm về vấn đề “Algeria của Pháp”: giữ tình trạng thuộc địa và đàm phán một hình thức giữa độc lập và hoàn toàn sát nhập vào Pháp, hay hoàn toàn độc lâp cho Algeria. Quân đội Pháp cuối cùng thắng về quân sự, nhưng tình hình đã thay đổi và độc lập cho Algeria không tránh được. Vì bất ổn ở Quốc Hội Pháp, Đệ Tứ Cộng Hòa giải thể đưa đến sự trở lại lãnh đạo của Charles de Gaulle vào tháng 5 năm 1958 và nền Đệ Ngũ Cộng Hòa. Việc đưa De Gaulle trở lại nhằm giữ Algeria và sát nhập nước này vào khối Liên Hiệp Pháp bao gồm những cựu thuộc địa của Pháp. Tuy nhiên , De Gaulle dần dần nghiêng về hướng trả độc lập cho Algeria vì thấy đó là điều không tránh được. De Gaulle tổ chức cuộc bỏ phiếu cho dân Algeria và họ chọn độc lập. FLN và Pháp đàm phán và cuối cùng ký hiệp ước Evian tháng 3 năm 1962 dẫn đến độc lập cho Algeria. Ahmed Ben Bella là vị tổng thống đầu tiên của Algeria sau độc lập.
Dịch từ nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Algerian_War
(4) Câu này khá tối nghĩa, ngay cả với Frank Bures, tác giả bài bình luận. Có lẽ Kapuscinski muốn nói trước khi thực sự vào cuộc, sống, hiểu, đem tấm lòng và cảm xúc hòa nhập vào sự kiện ông đang tường trình; sự kiện đối với ông chỉ là những hình ảnh sốt dẽo đủ biện minh cho sự hiện hữu của chính nó và ông không cần có trách nhiệm gì thêm với chúng. Ông là người ngoài cuộc dửng dưng như một ống kính thu hình.
2 comments:
Post a Comment