7 giây. Chúng ta cần từng đó thời gian để quyết định: tôi thích cái này, để phán xét: đúng hay sai, để phải lòng hay chán ghét ai đó. Vô cùng nhanh, bộ não gửi cho chúng ta câu trả lời cảm tính, tức thời và.... thường là KHÔNG chính xác đến đáng ngạc nhiên. Có nên tin vào cảm nhận đầu tiên hay không? Phải làm gì để chúng ta ít sai lầm hơn?
Không hiếm khi một người phỏng vấn tuyển nhân viên từ chối ai đó chỉ sau vài phút nói chuyện, chỉ vì người này có nụ cười giống cô bạn vô duyên hồi cấp 1, giọng nói giống anh chàng hàng xóm đáng ghét, mái tóc giống người đồng nghiệp hay kèn cựa v.v... Trong khi đó, có thể chính họ sẽ là những nhân viên lành nghề nhất, thích hợp với công việc đó nhất. Điều này không làm nhà tâm lý học David Myers ngạc nhiên. Ông đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện ra: dự đoán của phần lớn các chuyên gia tuyển dụng nhân sự thường sai lầm đến mức gây sốc. Kết quả của các dự đoán này thường tồi tệ hơn các bài kiểm tra đơn thuần để đánh giá ứng cử viên rất nhiều.
Có thật là các ý nghĩ đầu tiên thường đúng nhất không? Ngày nay chúng ta sẵn lòng tin vào điều này hơn bao giờ hết. Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy cảm nhận đầu tiên đánh lừa các quan tòa khi phán xét về mức độ đáng tin cậy trong lời khai của các các nhân chứng hay bị cáo, đánh lừa các bác sỹ khi dự đoán bệnh nhân có khuynh hướng tự tử hay không, đánh lừa các nhân viên bán hàng (nhân là các nhân viên bán xe hơi) và làm cho họ coi thường các khách hàng tiềm năng (mà sau đó chạy sang hãng của đối thủ cạnh tranh mua xe). Những cuộc hôn nhân từ tình yêu từ cái nhìn đầu tiên không bền vững hơn những cuộc hôn nhân mà tình yên đến từ từ theo thời gian.
Tại sao cảm nhận đầu tiên của chúng ta lại sai? Có phải vì chúng ta thiếu trực giác (intuition)?
Trực giác phụ thuộc vào sự hiểu biết, kinh nghiệm, các trải nghiệm được ghi nhớ sẵn trong ký ức. Khi ta cảm thấy ai đó hay một nơi nào đó dễ mến, dễ thương, có nghĩa là ta cảm thấy người đó hay nơi đó có cái gì đó quen thuộc với ta. Khi không có thời gian để phân tích và suy nghĩ, chúng ta nghĩ tắt. Toàn bộ bí ẩn của trực giác là sự tìm kiếm chớp nhoáng trong kho ký ức, nhanh đến nỗi bản thân chúng ta cũng không ý thức được. Kết quả có trong vài giây: đó chính là cảm nhận. Tốt hoặc xấu. Nhưng trước hết là chính xác hay sai lầm.
Điều này phụ thuộc vào cái gì? Vào việc chúng ta có những gì trong kho ký ức. Chúng ta càng có nhiều hiểu biết, nhiều quan sát thì càng tốt. Nếu chúng ta là chuyên gia trong lĩnh vực nào đó, các cảm nhận của chúng ta phần lớn sẽ đúng. Nếu ta không thạo về vấn đề gì, cảm nhận sẽ đánh lừa chúng ta.
Một đứa bé hai tuổi thích nghịch các ổ điện. Trực giác của nó nói rằng cái đó tuyệt đối an toàn. Hàng nghìn năm, loài người bằng cảm nhận đã tin rằng trái đất phẳng.
Cảm nhận đầu tiên cũng giống như khi ta đọc nhan đề của một bài viết và dừng lại ở đó. Như vậy có phải là đủ không? Nhưng đó chính là điều chúng ta làm khi nhìn người khác, làm quen với họ và đánh giá họ bằng vài giây cảm nhận.
Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên giống như tình cảm từ máy tự động. Người phụ nữ gặp một người đàn ông. Trong chớp mắt cơ cấu suy nghĩ bằng trực giác khởi động: hồi tưởng về tất cả các người đàn ông cô từng quen trong quá khứ được lục lại trong ký ức, giọng nói, nét mặt, cử chỉ, mùi hương, lối sống. Kết luận chớp nhoáng: đây là người đàn ông dành cho tôi. Anh ta có cái gì đó thân quen, gợi những liên tưởng dễ chịu. Vì thế chúng ta thường phàn nàn khi ai đó cứ yêu những người đàn ông giống nhau.
Trực giác là sự thừa hưởng một cách tiến hóa của chúng ta, nhiệm vụ của nó là cảnh báo các nguy hiểm. Những thứ thân quen có nghĩa là tốt và an toàn, còn những thứ lạ - là nguy hiểm. Trong cuộc sống nhiều khi mọi sự không như vậy, nhưng trực giác luôn luôn nhắc nhở ta theo cách cũ ấy.
Không ai là có trực giác tốt trong tất cả mọi chuyện. Bạn có thể có cảm nhận chính xác về đàn ông, nhưng lại cảm nhận sai bét về các vấn đề tài chính. Càng nhiều hiểu biết và kinh nghiệm, bạn sẽ càng có ít những suy nghĩ theo lối mòn, những định kiến. Đó là điều kiện để có các cảm nhận quý giá và chính xác.
Nếu bạn muốn cảm nhận của mình về mọi người chính xác hơn, bạn có thể luyện tập bằng cách có thêm các kinh nghiệm mới, mở rộng các mối quan hệ của mình, quen biết thêm nhiều người, nhất là những người khác với bạn.
Con trai của tỉ phú và nhà tài chính George Soros có lần đã tiết lộ: - Tôi thấy cha tôi trình bày các lý thuyết tại sao ông lại mua loại cổ phiếu này, bán cổ phiếu kia. Tầm phào! Ai cũng biết là cha tôi bán cô phiếu ra khi ông thấy đau lưng.
Các nhà tâm lý học khuyên chúng ta không nên coi thường các tín hiệu của cơ thể. Sự bất an, đau bụng, giật giật ở chân cũng là các cảm nhận. Thay vì tự trấn an: đây là tôi đang lo lắng thôi, vào thời gian này trong năm tôi luôn cảm thấy khó ở, bạn hãy quan sát xem các sự kiện hay quyết định gì đến cùng với các tín hiệu này. Một bài tập tốt là hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đã quyết định chuyện đó rồi, và quan sát tình cảm cũng như các hình ảnh hiện ra. Quan sát tất cả, đến tận cuối cùng, vì thường xảy ra trường hợp sau các cảm nhận tích cực đầu tiên, các cảm nhận khác ít thú vị hơn bắt đầu xuất hiện. Mà những cảm nhận cuối cùng mới là quan trọng nhất.
(Theo Twój Styl)
3 comments:
hôm trước khi học lớp phương pháp luận sáng tạo, thầy cũng có nhắc em đến khái niệm ấn tượng và con người ta thường bị ấn tượng dẫn đến nhiều chọn lựa sai...đọc bài này của chị em thấy có nhiều điểm tương đồng
Yêu từ cái nhìn đầu tiên... :p
Mình có anh bạn sau hơn 20 trưởng thành ở Mỹ, anh trở về VN, gặp, quen và đám hỏi với 1 cô gái chỉ trong vòng... 1 tháng; và 1 năm sau, anh trở về làm đám cưới và rước vợ sang.
Khi mình băn khoăn về điều đó, anh chỉ bảo: đừng bao giờ hỏi lý do, bởi ngay cả anh cũng không hiểu; cuộc đời lắm lúc không diễn ra như trong suy nghĩ và hình dung của mỗi người.
Theo mình, kinh nghiệm sống để phán đoán đúng sai trong tích tắc là điều có thể hiểu và lý giải (như bài viết này) nhưng những cảm nhận của tình yêu dường như vẫn còn nhiều ẩn số :p
Độ bền vững của hôn nhân, không phụ thuộc vào nó bắt đầu như thế nào
Post a Comment