Wednesday 29 April 2009

Nhà thờ Thánh Giá ở Vác-sa-va



Văn phòng của tôi nằm trong một thung lũng. Từ thung lũng nhỏ này, nếu đi theo con dốc cong men dọc khuôn viên của trường Tổng Hợp, lên đến ngã ba trên đỉnh dốc, tôi sẽ thấy bức tượng Copernics và tòa nhà của Viện Hàn Lâm Khoa Học Ba Lan ở phía bên trái. Nếu đi về phía bên phải chừng một trăm mét, tôi sẽ gặp cổng chính của trường Tổng Hợp. Bên kia đường, gần như đối diện với cổng trường, là nhà thờ Thánh Giá.

Lần đầu tiên tôi vào nhà thờ này là khi còn học năm thứ nhất. Một người bạn Ba Lan sau giờ học trên giảng đường muốn vào đây cầu nguyện và rủ tôi đi cùng. Tôi vẫn nhớ, trong quãng đường ngắn ngủi từ cổng trường sang nhà thờ, chúng tôi đã nói một câu chuyện gì đó rất vui và cười vang cả đường. Khi đến trước cửa nhà thờ, bạn tôi chợt nghiêm mặt lại, thì thầm bảo tôi: „Không cười nữa nhé!” Chúng tôi bước những bước rón rén vào trong, và tôi thì gần như nín thở.

Cho đến giờ tôi vẫn không quên cảm giác kỳ lạ khi nhìn thấy bạn tôi, vốn to lớn và mạnh mẽ như một con sư tử, thành kính quỳ xuống trước hình Chúa, hiền lành và ngoan ngoãn như một con mèo! Không bao giờ tôi có thể tưởng tượng được người bạn giỏi giang, cương cường, kiêu hãnh, lúc nào cũng rất „phớt ăng lê” ấy lại ở trong tư thế này, trạng thái này. Và có lẽ tôi sẽ mãi mãi không hiểu được sức mạnh nào đã làm cho bạn tôi quỳ gối xuống một cách nhẹ nhàng như thế. Tôi vốn chẳng tin vào thần thánh hay bất cứ một thứ tôn giáo nào.

Sau đó, trong suốt thời gian học đại học, tôi đã vào đây nhiều lần. Nhà thờ Thánh Giá được xây vào những năm cuối thế kỷ XVII theo kiểu baroque. Nơi đây, vào năm 1792 đã diễn ra phiên họp long trọng của Quốc hội nhân kỷ niệm Hiến pháp Mồng 3 tháng 5 tròn một tuổi. Đây là bản hiến pháp đầu tiên của châu Âu, và thứ 2 trên thế giới (sau hiến pháp Mỹ). Nhà thờ bị phá hủy gần như hoàn toàn vào năm 1944, sau khi chiến tranh kết thúc mới được khôi phục lại trong ròng rã một thập niên.

Có những lần, tôi vào nhà thờ chỉ để nhìn tấm biển bằng đá có khắc dòng chữ „Nơi đây an nghỉ trái tim của Fryderyk Chopin”. Không hiểu sao tôi luôn có một cảm giác bình yên khi nhìn vào đó. Nhà thờ Thập Tự Thánh cũng là nơi lưu giữ trái tim của đại văn hào Władysław Reymont, người đoạt giải Nobel văn chương vào năm 1924.

Nhưng điều khiến tôi xúc động nhất mỗi khi vào nhà thờ này là góc thờ thánh Jude Thaddaeus ở phía bên cánh trái. Thánh Thaddeus là vị thánh coi sóc về những chuyện tuyệt vọng, khó khăn, không lối thoát. Ở nơi thờ ông, tôi nhìn thấy hàng ngàn những tấm biển bằng kim loại nhỏ xíu người ta gắn lên bức tường bên cạnh và dát lên những bệ quỳ để cầu nguyện. Trên các tấm biển ấy là lời cảm ơn của những con người trong tuyệt vọng, đã đến đây khẩn cầu thánh Thaddeus, và lời cầu nguyện của họ đã trở thành hiện thực. Tôi đã đọc rất nhiều những tấm biển ấy, những nỗi tuyệt vọng không giống nhau, nhưng lòng biết ơn thì là một. Mỗi một tấm biển nhỏ xíu kia là một câu chuyện, một cuộc đời, một phép màu. Nhìn thấy chứng tích của ngần ấy phép màu, làm sao có thể không xúc động...

Cuối cùng thì tôi cũng đã hiểu sức mạnh nào làm người bạn năm xưa của tôi quỳ gối nhẹ nhàng như thế.

2 comments:

Bí Ngô NZ said...

Ơ mình tưởng Chopin yên nghỉ trong nghĩa địa Père Lachaise ở Paris chứ? Mình từng chụp ảnh mộ phần của ông mà?

Thái Linh said...

Đúng thế, nhưng trái tim Chopin thì được mang về Ba Lan (theo ý nguyện của ông) và giữ trong nhà thờ này.