Saturday, 25 April 2009

Kapuściński ở Việt Nam

Bożena Dudko

(Bài đăng trên nhật báo Gazeta Wyborcza ngày 23.1.2009, kỷ niệm 2 năm ngày mất của Ryszard Kapuściński. Bài được trang web của Book Institute đăng lại vào ngày 26.1.2009).

Quyển sách đầu tiên của Kapuściński bằng tiếng Việt đã được xuất bản. Dịch giả „Du hành cùng Herodotus” là nữ luật sư 33 tuổi sống tại Vácsava.

Mặc dù Nguyễn Thái Linh sống ở Ba Lan từ năm 1989 và tốt nghiệp khoa luật Đại học Tổng hợp Vacsava, mãi đến tháng 1 năm 2007 cô mới thực sự biết về sự hiện hữu của Kapuściński, khi giới truyền thông thương tiếc vĩnh biệt nhà báo của thế kỷ, nhà trí thức, nhà văn kiệt xuất.

- Tất nhiên là trước đây tôi đã bắt gặp tên ông, tôi nghe ông trên đài, đọc một số bài báo – Thái Linh (sinh năm 1975) kể. – Nhưng mãi tới khi ông qua đời tôi mới thực sự quan tâm đến ông, tôi xúc động vì Ba Lan và thế giới đã vĩnh biệt ông như thế. Tôi hiểu rằng đó phải là một nhân vật vô cùng đặc biệt.

Vậy là Thái Linh bắt đầu đọc tất cả những gì có trên internet về ông. Và khi đó trên báo chí tràn ngập không chỉ các hồi tưởng vê người phóng viên vĩ đại, mà cả những trích đoạn các quyển sách của ông.

Nguyễn Thái Linh lập một blog cho bạn bè Việt từ năm 2007, cô bắt đầu chia sẻ với các đồng hương của mình niềm ngưỡng mộ con người và nhà văn Kapuściński. Cô được hưởng ứng ngay, mặc dù ở Việt Nam chưa có cuốn sách nào của Kapuściński được xuất bản. (Trong các tạp chí chỉ có những bài báo về Kapuściński của nhà ngữ văn Ba Lan sống ở Hà Nội Nguyễn Chí Thuật và trích đoạn các tác phẩm của ông do giáo sư Nguyễn Chí Thuật dịch).

Mặc dù ở Việt Nam có 700 tờ báo, nhưng người dân không đọc báo, vì tất cả các báo đều là báo nhà nước và viết giống nhau. Thay vào đó, có thể tìm thấy một thế giới thực sự trên internet, đông đảo người Việt đọc blog và các trang thông tin trên mạng. Và sách.

Ở nước Việt Nam 86 triệu dân có 60 nhà xuất bản lớn hoạt động – tất cả đều có kiểm duyệt, hàng năm xuất bản 27 nghìn đầu sách, tức là 276 triệu cuốn, trong đó văn học nước ngoài chiếm phần lớn. Tờ báo mạng lớn nhất là VnExpress, chỉ đăng bài bằng tiếng Việt, mỗi ngày có tới sáu triệu lượt truy cập.

Trên blog của mình Thái Linh bắt đầu đăng trích đoạn các cuộc phỏng vấn Kapuściński và các tác phẩm của ông. Nhờ thế, cô được một biên tập viên của nhà xuất bản có tiếng Nhã Nam ở Hà Nội để ý đến. Cô biên tập viên bắt đầu thuyết phục Thái Linh dịch một quyển sách nào đó của Kapuściński cho họ. Nguyễn lưỡng lự rất lâu, vì cô là luật sư và từ trước tới nay chưa dịch chuyên nghiệp bao giờ cả, nhất là dịch văn học, nên cô sợ mình không đủ sức. Nhưng đề nghị rất hấp dẫn, và cô biên tập viên, nhận ra khiếu văn của Thái Linh, đã nhẹ nhàng „ép” cô thử sức. Cuối cùng đi đến thỏa thuận rằng Nguyễn sẽ liên lạc với nhà xuất bản khi đã dịch được một nửa quyển sách. Dịch quyển nào? – Dich giả được quyền quyết định.

Sau khi đọc „Du hành cùng Herodotus” mà không thể dứt ra được, cô nhận thấy một tự truyện văn học như thế này, nơi tác giả tổng kết cuộc đời phóng viên của mình, sẽ là bước đầu tốt nhất và lôi cuốn độc giả Việt Nam đến với các tác phẩm khác của ông.

- Đúng khi đó – Thái Linh kể - tôi lại mang bầu và không được khỏe lắm, nên tôi không đi làm, nhưng có thể dịch. Công việc này cuốn hút tôi đến mức tôi dành toàn tâm toàn ý cho nó, ngồi dịch suốt hai tháng trời, mỗi ngày tám tiếng bên máy tính. Vậy là đến tháng 6 năm ngoái bản dịch đã xong. Tôi may măn vì người biên tập cho tôi là Cao Việt Dũng, một trong những dịch giả Việt Nam xuất sắc nhất của thế hê trẻ, khi làm việc với anh tôi học đươc rất nhiều điều. Anh cũng rất thích „Du hành cùng Herodotus”, nên chúng tôi làm việc cấp tập và đến tháng 8 thì quyển sách đã hoàn chỉnh.

Quyển sách ra mắt vào giữa tháng 12 và ngay lập tức đã được cả bạn đọc lẫn các nhà phê bình tiếp nhận rất tốt. (E-van, chuyên mục văn học của „VnExpress” đã đăng một bài điểm sách dài vào ngày 12.1). Điều này khuyến khích công ty Nhã Nam lên kế hoạch xuất bản các quyển sách tiếp theo của Kapuściński. Sẽ là quyển sách nào? Có thể là „Hoàng đế” hay „Chân dung tự họa của người phóng viên” với bản dịch của giáo sư Nguyễn Chí Thuật, người đã truyền bá các sáng tác của Kapuściński từ 20 năm nay (năm 2008, nhân kỷ niệm 1 năm ngày mất của Kapuściński, ông đã làm cả một số đặc biệt của tạp chí „Văn học nước ngoài” về tác giả „Sa của các Sa”). Hay có thể là „Gỗ mun”? – Thái Linh đã bắt đầu dịch tác phẩm này.

Hiện nay Nhã Nam và Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội đang dự định tổ chức một cuộc gặp mặt về Kapuściński nhân dịp ra mắt quyển sách đầu tiên của ông bằng tiếng Việt. Đây sẽ là một sự kiện văn hóa, bởi vì thể loại phóng sự văn học hiện có tại Ba Lan, ở Việt Nam là thể loại chưa được biết đến. Công việc của tôi – giáo sư Nguyễn Chí Thuật nói – là chuẩn bị cho các độc giả cũng như giới phê bình văn học nước tôi đến với văn học phi hư cấu của Ba Lan, thể loại mà các ghi chép phóng viên chỉ là điểm khởi đầu, thực chất mục đích của nó là sự khái quát văn học.

1 comment:

phinstar said...

Em thật sự rất thích văn phong trong bản dịch của chị...chính vì thế em quyết tâm tìm hiểu thông tin về dịch giả với cái tên khá lạ này...may mắn là em tìm được blog của chị ở đây.

Hi vọng sẽ có cơ hội đọc tiếp những bản dịch khác của chị giới thiệu về Ba Lan