Friday 24 April 2009

(opera) La Boheme



Nhắc đến La Boheme của Giacomo Puccini, người ta thường liên tưởng đến ngay những người nghệ sỹ phóng túng của thành Paris cuối thế kỷ XIX, và những thứ gắn liền với họ như khu Latin, những căn phòng áp mái, căn bệnh lao phổi „thời thượng” và sự thiếu thốn triền miên...

Vở opera mở đầu với không gian là một đêm Giáng sinh mưa gió trong căn phòng của Rodolfo – một thi sĩ nghèo. Một không gian thật u buồn và ảm đạm. Rodolfo và các bạn của chàng – Marcello (họa sỹ), Schaunard (nhạc sỹ) và Colline (người say mê các triết gia và những cuốn sách triết học), nghĩa là đủ các thành phần của giới nghệ sỹ – quyết định kéo nhau đến tửu quán Momus để vui chơi. Những người bạn đã kéo nhau ra ngoài, Rodolfo còn nấn ná lại trong phòng một chút....

Bỗng nhiên cô gái hàng xóm xuất hiện. Cô xin lửa để thắp nến, rồi cô làm rơi chìa khóa... Thực ra tất cả những lý do đó đâu có quan trọng gì. Điều quan trọng là chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, họ bỗng nhiên cảm nhận được tình yêu... Người thi sỹ suốt đời coi khinh những kẻ giàu sang và Mimi - cô gái yêu thơ, yêu hoa, yêu mùa xuân ấy đã tìm thấy trong khoảnh khắc tất cả sự tin yêu trong cuộc đời. Tất cả chỉ là trong chớp mắt. Mimi đã đi cùng với Rodolfo đến quán Momus, còn Rodolfo thì nói với các bạn của mình: „Tôi là thi sỹ, còn Mimi là Nàng thơ của tôi!” Phải chăng tình yêu đích thực luôn là như thế - xuất hiện vào những thời điểm bất ngờ nhất, chẳng theo một quy luật hay chuẩn mực nào, chỉ là sự đồng cảm tuyệt đối và niềm tin sâu thẳm từ đáy tim...

Nhưng hạnh phúc thật ngắn ngủi. Hạnh phúc thực sự vốn là ngắn ngủi như thế, hay trên sân khấu mọi thứ đều diễn ra nhanh hơn? Mimi bị lao phổi nặng, và nàng sắp chết. Sau những yêu thương và hờn giận, nồng nàn và cay đắng, vui sướng va ghen tuông... họ chia tay nhau. Ở đây Puccino đã để cho Rodolfo có một tình cảm rất đời thường, đó là nỗi sợ. Rodolfo có phần sợ bệnh lao phổi của Mimi! Vào thời Puccini người ta đã biết bệnh lao phổi có thể lây... Họ chia tay nhau mà không thể quên dược nhau. Và cảnh cuối cùng, một kiệt tác của Puccini, là cảnh Mimi chết. Rodolfo và những người bạn đang vui đùa cùng vài cô gái, thì Musetto – người tình cũ của Marcello – đưa Mimi tới. Cô sắp chết và muốn được nhìn thấy Rodolfo lần cuối. Bỗng nhiên tất cả những trò vui nhộn trở nên nhạt nhẽo, vô nghĩa và tầm phào như là cuộc đời phù du này, khi người ta đối diện với cái chết của người mà mình yêu thương. Không hiểu sao khi xem đến đây, nước mắt cứ giàn dụa chảy. Khi mình nhìn thấy một sự mất mát quá lớn mà không làm gì để ngăn nó lại được, khi mình chưa mất mà biết là sẽ mất, khi mình thấy mình đã lãng phí thòi gian vì những thứ không đâu, trong khi điều quan trọng nhất, thứ quí giá nhất, người mình yêu thương nhất lại đang lìa xa mình... Điều này có lẽ còn thương tâm hơn là cảnh Rodolfo thét gọi tên người yêu khi nàng đã chết. Người ta nói khi viết cảnh này, Puccini đã dùng những gam trầm sâu, và sau khi ông chơi những nốt nhạc ấy trên đàn piano giữa đêm khuya, ông đã bước ra giữa phòng và khóc nức nở như một đứa trẻ. Ông như tận mắt chứng kiến cái chết của nhân vật mình tạo ra. Mimi là nhân vật mong manh nhất của Puccini. Một nhà phê bình Ba lan viết: „Sau khi nghe những âm thanh này thì cuộc sống không còn như trước nữa. Không chỉ là cuộc sống của các nghệ sỹ, mà là cuộc sống của chính chúng ta”.

Vở La Boheme ra mắt khán giả lần đầu tiên tại Turin (Ý) vào năm 1896. Hai năm sau đó nó được trình diễn tại Nhà Hát Lớn Warszawa.

La Boheme lần này với sự dàn dựng của Trelinski ra mắt khán giả Warszawa lần đầu tiên vào tháng 3.2006. Ở đây, khán giả không còn thấy cái không khí cũ kỹ của Paris cách đây hơn một thế kỷ nữa. Đây là một câu chuyện muôn đời của những người nghệ sỹ: yêu tự do, phóng khoáng, ghét những chuẩn mực, địa vị, tiền tài... Không gian có thể là bất cứ đâu: New York, London, Warszawa hay Berlin… Những người nghệ sỹ của Trelinski mặc quần bò, áo da hoặc những chiếc váy gợi cảm… Họ không ở trong những căn phòng áp mái nữa, những studio áp mái với tầm nhìn ra thành phố bây giờ không còn là của họ, mà đã là của giới thượng lưu rồi. Bây giờ họ ở trong các khu nhà hộp cao tầng bằng bê tông… Nhưng tâm hồn họ thì muôn đời vẫn thế, những nỗi đau của họ thì muôn đời vẫn thế, tình yêu và cái chết thì muôn đời vẫn thế… Và đây chính là điều Trelinski muốn nhấn mạnh – tình yêu và cái chết. Ông nói người ta đã để cho cái không khí Paris làm lu mờ mất cái cốt yếu nhất của tác phẩm này. Những sắc thái của tình yêu, cuộc sống và cái chết, qua câu chuyện của Rudolfo và Mimi hay Marcello và Musseta, được thể hiện qua âm nhạc của Puccini thật tuyệt vời. Đây là một vở rất khó, nhịp điệu và sắc thái luôn thay đổi, đòi hỏi các nghệ sỹ phải có trình độ cao và cả kinh nghiệm dày dạn nữa. Trong buổi diễn lần này, các vai chính đều do các nghệ sỹ của nhà hát St. Peterburg đảm nhận.

1 comment:

Lila | Thanh said...

Chào chị, em biết blog chị từ bên 360. Em chưa xem/nghe La Boheme, nhưng những vở đã xem của Puccini em đều yêu thích (Turandot, Madama Butterfly.) Bài này chị viết xúc động quá, nhất là đoạn này: "Khi mình nhìn thấy một sự mất mát quá lớn mà không làm gì để ngăn nó lại được, khi mình chưa mất mà biết là sẽ mất, khi mình thấy mình đã lãng phí thòi gian vì những thứ không đâu, trong khi điều quan trọng nhất, thứ quí giá nhất, người mình yêu thương nhất lại đang lìa xa mình... Điều này có lẽ còn thương tâm hơn là cảnh Rodolfo thét gọi tên người yêu khi nàng đã chết."

Cảm ơn chị về bài viết này và các entries khác :)