Wednesday 1 April 2009

Tại sao chúng ta hay kể chuyện?

Tư duy là gì? Trước hết, nó thường được coi là công cụ để suy luận. Tư duy tốt có nghĩa là dựa trên các nguyên tắc lô gích chặt chẽ, đưa ra được những chứng minh đúng cho các định lý trừu tượng và tìm được cách giải quyết vấn đề tốt nhất. Những người lạc quan của cách đặt vấn đề như thế này nóng lòng chờ đợi thời điểm khi có thể đưa toàn bộ tư duy của con người vào các quá trình tính toán được – như các quá trình của máy điện toán.

Nhưng ngành tâm lý học hiện đại lại khẳng định một cách trái ngược, rằng suy luận lô gích không phải là cách duy nhất, thậm chí không phải là cách phổ biến và hữu dụng nhất của tư duy con người. Để sống viên mãn, người ta cần cái gì đó nhiều hơn thế.

Một trong những nhà tâm lý học có ảnh hưởng lớn nhất trong vòng vài thập kỷ nay Jerome Bruner viết về điều này như sau: „ Những năm gần đây, tôi theo dõi được một loại tư duy khác, hoàn toàn khác biệt về hình thức suy luận: tư duy dựa trên kết cấu không phải của các lý lẽ lô gích hay quy nạp, mà là của các chuyện kể hoặc các câu chuyện (narrative).” Lối tư duy theo câu chuyện trở thành một trong những lãnh vực nghiên cứu quan trọng nhất, kể từ khi người ta chú ý đến vai trò chính yếu của nó trong cuộc sống của mỗi cá nhân cũng như trong các thực tiễn xã hội khác như việc kết bạn, xử án, giảng dạy về bản sắc dân tộc trong trường học v.v.

Việc khám phá ra vai trò cơ bản của câu chuyện được một số người ví như một loại cách mạng. Tâm lý học hiện đại nhận ra rằng – như lời Bruner – cuộc sống „không phải là như nó vốn thế, mà là như nó thể hiện ra.” Và rằng đối với chúng ta, nó thường là như chúng ta biết cách kể về nó thế nào. Các nhà tâm lý học đưa ra khái niệm sơ đồ câu chuyện. Đó là niềm tin ăn sâu, thường là vô thức, rằng những câu chuyện tương tự xảy ra với những người giống ta. Ngược lại, nếu trong cùng một hoàn cảnh y hệt, một người tràn đầy hy vọng và tìm thấy hứng khởi trong việc đương đầu với thử thách, còn người thứ hai thì thất vọng và thụ động, thì đó có thể là vì họ có các sơ đồ câu chuyện của các sự kiện này hoàn toàn khác nhau. Mà trên cơ sở đó, họ đặt ra các ý nghĩa hoàn toàn khác nhau cho cuộc sống của mình và xoay xở với chúng một cách khác nhau.

Bản thân kỹ năng kể và nghe các câu chuyện vốn là phổ biến đối với loài người. Dường như nó gắn liền với một loại nhu cầu. Thông thường, khi kể chuyện, chúng ta chờ đợi hoặc e ngại một kết thúc cụ thể. Chúng ta lưu giữ một cách tự động trong ký ức các kết cuộc có thể xảy ra từ những câu chuyện thường gặp hay từ lịch sử. Nhưng không chỉ các câu chuyện mới mới hấp dẫn mọi người. Cả những câu chuyện mà ta đã biết rất rõ cũng mang đến sự dễ chịu và làm ta nguôi ngoai. Câu chuyện có sức hấp dẫn bất khả từ và có mặt khắp nơi trong cuộc sống của chúng ta. Chính là bằng cách này, chúng ta thu nhập kiến thức để hoạt động trong môi trường của mình, mang đến cho mình động lực để đạt các mục đích và học hàng loạt các kỹ năng cần thiết để sống. Nếu ta hoàn toàn loại bỏ các câu chuyện kể, các cuộc tán gẫu ra khỏi đời sống, có thể chúng ta sẽ chung sống khó khăn hơn.

Thảm kịch lớn của những người bệnh tâm thần hoặc cô đơn nhiều khi chính là họ không còn biết cách kể những câu chuyện dễ hiểu và được mọi người chấp nhận, điều này đồng nghĩa với việc bị tuột ra khỏi chuỗi mắt xích của những câu chuyện kể giữa người với người. Việc không kể chuyện được trở thành sự chịu đựng đau đớn.

Người ta đã chỉ ra rằng những người không bao giờ kể cho ai về câu chuyện đặc biệt quan trọng nào đấy trong đời mình, ví dụ như cái chết đột ngột của người thân hay một tội lỗi nghiêm trọng thời trẻ, thường có nguy cơ cao bị bệnh hiểm nghèo và suy giảm sức đề kháng cơ thể. Dường như sự kìm nén không nói ra đã ngốn hết năng lượng bên trong họ.

Loại chuyện nào có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc sống của chúng ta? Với mỗi người, trước hết là các câu chuyện về bản thân mình, kể lịch sử những sự kiện quan trọng nhất trong đời hoặc những biến chuyển nội tâm. Chúng ta kể những chuyện này cho bạn bè, người thân, đôi khi chúng ta viết ra giấy.
Tế nhị hơn, nhưng có lẽ lại có ảnh hưởng quan trọng hơn với chúng ta là các câu chuyện gia đình. Lịch sử của tôi cũng là lịch sử của cha mẹ tôi, đường ray số phận của tôi cũng liên quan tới số phận của tổ tiên tôi. Mà số phận tổ tiên tôi lại liên quan đến lịch sử của nhóm xã hội hay của dân tộc và đặt tôi vào một bối cảnh rộng hơn. Tất cả những điều này hình thành nhận thức thầm kín về việc chúng ta là ai, ta phải hành xử thế nào và số phận tiếp theo của ta ra sao.

Các khuôn mẫu căn bản của câu chuyện luôn lưu lại trong chúng ta một cách không nhận thấy. Bruner nhận xét hóm hỉnh: „Con cá nhận thấy nước cuối cùng, trừ phi nó có một sự trợ giúp siêu hình”. Chúng ta thường không nhìn thấy mình chìm ngập trong dòng sông của các câu chuyện như thế nào. Có những gia đình mà người ta truyền từ đời này qua đời khác hình mẫu người phụ nữ bất hạnh, hay dự cảm rằng sau mỗi thành công sẽ là bất hạnh. Ảnh hưởng của những câu chuyện kiểu như thế đối với người ngoài có vẻ như thần bí, giống như có một lời nguyền của dòng họ. Nhưng ngành tâm lý học đã có thể soi rọi một phần cơ chế này.

Trong một thí nghiệm kinh điển, sir Fredric Bartlett bắt một số người bất kỳ phải nhớ và sau đó kể lại một câu chuyện cổ tích của người da đỏ mà họ chưa biết trước đó và xa lạ với nền văn hóa của họ. Đó là câu chuyện về hai người đàn ông ra trận và một người hy sinh không rõ trong hoàn cảnh nào. Những người được thí nghiệm hoàn toàn bình thường và có trí nhớ tốt. Trước sự kinh ngạc của các nhà tâm lý học, họ không những không thể nhớ rõ chuyện kể có khuôn mẫu câu chuyện khác với văn hóa của họ, mà họ còn biến thể nó đến mức không nhận ra được. Để cho câu chuyện hợp lý, những người Mỹ miêu tả những người da đỏ bằng ngôn ngữ y học và kỹ thuật, loại bỏ hẳn các chi tiết liên quan đến thế giới thần linh. Thí nghiệm lại với một nhóm sĩ quan quân đội thì họ chủ yếu nhớ đến các loại vũ khí mà người da đỏ dùng. Khi thí nghiệm với nhóm y tá, họ tập trung vào nhớ các vết thương và sự quan tâm của các nhân vật dành cho gia đình.

Vần đề là ở chỗ không một chi tiết nói trên nào – cả vũ khí, cả các vết thương – có trong nguyên bản câu chuyện. Người ta nhớ những gì hoàn toàn không có và quên mất những chi tiết thực sự. Sau vài lần truyền miệng từ người nọ sang người kia thì nó không còn là chuyện của người da đỏ nữa mà đã trở thành câu chuyện điển hình của văn hóa những người kể.

Trên cơ sở thí nghiệm này và các thí nghiệm tương tự, các nhà tâm lý học kết luận rằng tư duy của con người được các sơ đồ nhận thức điều khiển , mà sơ đồ câu chuyện là một trong các sơ đồ đó. Sơ đồ này vận hành tương tự như sự hạn chế nhận thức, giống như cặp kính mà qua đó chỉ có thể nhìn thấy một phần quang phổ màu sắc. Nó khiến chúng ta biết các đặc tính nào của một hoàn cảnh là quan trọng và đáng nhớ, còn những thứ khác thì ta không để ý hay dễ quên. Cũng chính như vậy, nếu đối với ai đó câu chuyện về sự ghen tuông và phản bội là một câu chuyện mang tính then chốt, một sơ đồ câu chuyện đặc trưng, thì anh ta sẽ có khuynh hướng nhìn thấy sự ghen tuông và phản bội ở khắp mọi nơi. Hơn thế nữa, anh ta khó lòng bẻ gãy hình mẫu đó trong cuộc sống riêng của mình. Nguyên nhân một phần là do chúng ta luôn phản kháng lại một cách hiệu quả với các thông tin không phù hợp với câu chuyện mà chúng ta mang trong đầu. Ngay cả khi có một câu chuyện hoàn toàn khác với những gì sơ đồ áp đặt xảy ra với chúng ta, chúng ta cũng không nhận thấy nó.

Các nhà tâm lý trị liệu biết rằng trong những trường hợp như vậy việc đem đến cho ai đó những câu chuyện hoàn toàn mới có thể giúp ích được cho họ. Học những cách hành xử mới trong cuộc sống cũng giống như học ngoại ngữ. Chúng ta học cách dùng một bộ lọc mới, học cách nhìn mới đối với cuộc sống. Chúng ta mong đợi kết cục khác cho các câu chuyện của cuộc đời ta. Như vậy tốt nhất là kể cho ai đó nghe một câu chuyện tốt lành, hơn là chỉ lý thuyết suông rằng họ cần phải thay đổi và họ có thể sống khác đi.

(Magdalena Budziszewska, bài đăng trên chuyên san về tâm lý học của tạp chí Polityka, Thái Linh lược dịch)

No comments: