Thursday 23 April 2009

Du hành "xuyên thời gian, qua không gian" cùng Herodotus

Link

12/03/2009 08:29 (GMT + 7)

(TuanVietNam) - Đọc Du hành cùng Herodotus, có thể thấy Kapuscinski là người ham hiểu biết thế giới như thế nào. Mong ước cháy bỏng của ông là được một lần bước chân ra khỏi biên giới nước mình. Sau đó, giống như Herodotus, ông chưa trở về từ chuyến đi này đã chuẩn bị cho cuộc du hành tiếp theo.

Tên sách: DU HÀNH CÙNG HERODOTUS
Tác giả: Ryszard Kapuscinski
Dịch giả: Nguyễn Thái Linh
Phát hành: Nhã Nam Books & NXB Văn hóa Sài Gòn
*****

Tôi có may mắn được R. Kapuscinski, lúc sinh thời, coi là bạn vong niên, là người thân của gia đình. Tôi được ông tiếp chuyện tại nhà riêng trên phố Prokuratorska 11 ở thủ đô Vacsava, được tặng sách, được nhiều lần dự các cuộc gặp gỡ với công chúng Ba Lan yêu văn học và yêu mến tác phẩm của ông.

Nhưng vinh dự bao giờ cũng đi kèm với trách nhiệm nặng nề. Bạn bè Ba Lan, khi biết tôi không chỉ là người thân của gia đình ông mà còn là dịch giả văn học Ba Lan ở Việt Nam, nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng cho đến gần đây, chưa có cuốn sách nào của bậc thầy về thể loại phóng sự văn học này được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Tôi luôn rất lúng túng khi tìm câu trả lời và tìm cách chống chế cho thực tế khó lòng chối cãi này.

"Niềm vui trọn vẹn" với Du hành cùng Herodotus

Đầu năm 2008, nhân kỷ niệm một năm ngày mất của R. Kapuscinski, theo đề xuất của tôi, tạp chí Văn học Nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam ra số đặc biệt về ông. Có thể coi đây là một cố gắng lớn, cũng là một cột mốc quan trọng đánh dấu việc giới thiệu với bạn đọc Việt Nam một nhà văn đặc biệt xuất sắc không chỉ của Ba Lan mà của cả thế giới thế kỷ 20. Nhưng với khuôn khổ của tờ tạp chí ra hai tháng một lần, những gì cần làm để quảng bá con người và tác phẩm của R. Kapuscinski chưa thể khiến những người yêu mến và ngưỡng mộ ông hài lòng.

Phải đợi đến khi cuốn Du hành cùng Herodotus của ông do Nguyễn Thái Linh dịch và Công ty Nhã Nam phối hợp với nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn cho ra mắt bạn đọc Việt Nam, tôi mới có được niềm vui trọn vẹn.

Ngày 23 tháng 1 năm 2009, nhân kỷ niệm hai năm ngày mất của R. Kapuscinski, Câu lạc bộ Người làm sách nằm ngay trên thành cổ Vacsava, tổ chức cuộc gặp mặt giới thiệu cuốn sách mới xuất bản về ông. Những người yêu mến nhà văn và yêu mến tác phẩm của ông ngồi chật hội trường.

Tôi đến cuộc gặp với cuốn Du hành cùng Herodotus bằng tiếng Việt trong tay, lòng trào dâng niềm tự hào khi bà quả phụ Alicja Kapuscinska, trả lời câu hỏi của một thính giả về các thứ tiếng nước ngoài mà sách của chồng đã được dịch ra, lần đầu tiên kể tên bản dịch ra tiếng Việt bên cạnh các thứ tiếng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ở khu vực châu Á.

Tôi hơi quá lời chăng về việc dịch và xuất bản một tác phẩm của nhà văn Ba Lan ra tiếng Việt? Lẽ ra đó là chuyện thường tình. Bởi lẽ từ trước đến nay, trong quá trình giao lưu và phát triển của bất cứ nền văn học nào, văn học dịch bao giờ cũng chiếm địa vị quan trọng. Đối với Việt Nam, một đất nước mà văn học hình thành và phát triển trong những điều kiện đặc biệt, với tư tưởng học hỏi để vươn lên, văn học dịch càng có vai trò xứng đáng.

Nhưng nếu nhìn nhận sự kiện cuốn Du hành cùng Herodotus của R. Kapuscinski được dịch và xuất bản tại Việt Nam qua phân tích những khía cạnh liên quan đến vị trí của nhà văn trong văn học Ba Lan, giá trị đích thực của tác phẩm và thực tế việc giới thiệu ông ở Việt Nam cho tới nay, mới thấy hết ý nghĩa của việc làm thoạt nhìn tưởng rất thường tình này.

Về R. Kapuscinski, suốt mấy chục năm nay, vai trò và vị trí của ông trong văn học dân tộc và văn học thế giới là điều không cần bàn cãi. Liên tục trong mấy năm trước khi qua đời, ông luôn là người được bình chọn vào danh sách các nhà văn cuối cùng đưa ra bỏ phiếu bầu người xứng đáng nhất nhận giải Nobel Văn học. Gần đây một độc giả Ba Lan đã viết rằng nếu có nhà xuất bản nào đem in cuốn sổ tay ghi các số điện thoại của Kapuscinski thì người ta cũng mua và đọc.

Ở Ba Lan, nhiều người nghiện mua và đọc sách của ông. Tại Mỹ, tác phẩm của ông là sách đọc bắt buộc trong chương trình môn văn học. Trên quê hương Chopin đã có chuyện một số cặp thanh niên chia tay nhau chỉ vì một trong hai người không đọc sách của Kapuscinski. Trong ngôn ngữ nước này cũng xuất hiện một thuật ngữ mới là kapumaniak, tức là người nghiện Kapuscinski.

Bà quả phụ Alicja Kapuscinska kể rằng gần hai năm sau khi chồng bà qua đời, những người hàng xóm đề nghị bà bật đèn điện ở phòng làm việc của ông vào ban đêm để họ có được cảm giác là ông vẫn sống và làm việc trong căn phòng đó.

Độc giả Ba Lan từ lâu vốn quen với những đề tài thuộc thế mạnh của Kapuscinski, tức là các vùng đất khác nhau trên thế giới, cho nên họ đinh ninh rằng cuốn sách tiếp theo của ông sẽ viết về Mỹ Latin hoặc thị trấn Pinsk quê hương ông. Vậy mà "đùng một cái", ông cho ra đời vào năm 2004 Du hành cùng Herodotus với số lượng phát hành lần thứ nhất lên đến 100 ngàn bản.

Ở thời kỳ khủng hoảng văn hóa đọc như hiện nay, bản thân con số ấy đã nói lên giá trị của tác phẩm rồi. R. Kapuscinski giải thích lý do viết cuốn sách đó của mình:

"Tôi vốn là người học lịch sử, cho nên dễ hiểu là tôi quan tâm đến quá khứ, trong đó có quá khứ xa xưa, giống như Herodotus. Khi viết cuốn sách này, tôi cảm nhận được rất nhiều niềm vui, giống như trước đây tôi đã từng hồ hởi vượt qua các biên giới về không gian thì bây giờ tôi đã vượt qua biên giới về thời gian. Mà cuốn "Sử ký" của Herodotus lại là một tác phẩm văn học lớn chưa được đánh giá đúng mức".

R. Kapuscinski cũng cho rằng Sử ký là tác phẩm văn xuôi lớn đầu tiên ở châu Âu, nó vừa được viết bởi ngòi bút tài năng vừa có giá trị mở đường, bởi vì trước đó mới chỉ có các tác phẩm sử thi, trường ca, các vở bi kịch viết riêng cho nhà hát. Sử ký chứa đựng trong mình nhiều yếu tố tổng hợp, cả kịch tính, cả tâm lý học, cả nhân chủng học.

Tinh thần lao động nghệ thuật ở R. Kapuscinski nói chung và trong trường hợp sáng tác Du hành cùng Herodotus nói riêng là đáng khâm phục, đáng để những người cầm bút lấy làm tấm gương. Ông kể rằng trước khi đặt bút viết tác phẩm này, ông đã tập hợp 140 cuốn sách liên quan đến đề tài, trong đó có hơn 10 cuốn trực tiếp nói đến Herodotus. Tuy vậy ông vẫn thấy số lượng tài liệu này quá ít và những thông tin về con người ông quan tâm là vô cùng ít ỏi. Chưa kể phần lớn các tài liệu vẫn chỉ ở dạng phỏng đoán, giả thiết chứ chưa phải là khẳng định.

Quyết định viết về Horodotus, R. Kapuscinski không nghĩ mình sẽ lặp lại những gì người khác đã làm, mà ông dự định đi con đường khác. Ông mượn danh tác giả Sử ký để nói về một số chi tiết liên quan đến bước đi ban đầu trong nghề làm báo của mình, trong đó có những chuyện ông chưa bao giờ kể. Ông hồi tưởng lại chuyện ông đã du hành cùng Sử ký như thế nào khắp cái thế giới bỗng nhiên mở ra trước mặt mình.

Cũng có một lý do nữa thôi thúc R. Kapuscinski viết Du hành cùng Herodotus. Chả là ông đã nhận ra rằng sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, người ta liên tiếp gọi điện thoại cho ông, đề nghị ông bình luận về các vấn đề châu Á, Iraq, đạo Hồi ... Người ta mời ông dự các hội nghị, hội thảo, xin phép phỏng vấn. Tất cả những cái đó chỉ khiến ông mất thời gian, không thể tập trung vào việc viết lách.

Cuối cùng, để không ai quấy rầy mình nữa, mỗi lần có ai hỏi ông đang viết gì, ông trả lời đang viết cuốn sách về Trung Đông, nhưng về các vấn đề Trung Đông cách đây hai ngàn rưởi năm. Nghe xong mọi người nói "cảm ơn" và lặng lẽ rút lui.

Thực ra khi đọc Sử ký ông đã phát hiện mới toàn bộ vẻ đẹp của tác phẩm. Nội dung của nó sâu sắc, ngôn ngữ của nó óng ánh, đến nỗi R. Kapuscinski cứ ngập chìm trong nó và càng đọc nhiều lần càng phát hiện ra nhiều điều mới mẻ.

Cuốn sách "lạ" nhất của Kapuscinski

Du hành cùng Herodotus là cuốn sách lạ nhất trong số những tác phẩm của Kapuscinski. Nó lạ là bởi vì nó chứa đựng rất nhiều yếu tố một lúc: vừa hiện tại, vừa hồi tưởng, vừa phóng sự, vừa lịch sử, vừa tiểu sử vừa xã hội học, và ở mức độ nào đó, có cả chính trị nữa. Cũng có thể nói nó được viết ra từ sự nhún nhường. Ở đây cây bút phóng sự kiệt xuất thế giới, thay vì những đề tài mang tính thời sự đang diễn ra, đã trở về với quá khứ xa xưa, đề cập đến những điều tưởng như đã bị lãng quên, không ai muốn lục lại.

Và thật thú vị, cuốn sách ngay sau khi ra đời đã gây tiếng vang lớn. Không ít ý kiến cho rằng Du hành cùng Herodotus là một trong số những tác phẩm quan trọng nhất và xuất sắc nhất trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác vốn rất đa dạng và giàu có của R. Kapuscinski. Người đọc cầm nó trên tay và đọc nó với cảm giác mừng vui, lo lắng lẫn lộn. Nó vừa bí ẩn vừa bất thường.

Giống như các tác phẩm văn học lớn khác, chủ đề của nó không bị bó hẹp, mà trải đều trên nhiều bình diện. Tác giả mạnh dạn trở lại với quá khứ từ 25 thế kỷ trước để xác định những sự thật tàn bạo về bản chất con người và trật tự thế giới. Đây vừa là cuốn sách ghi đậm dấu ấn cuộc đời tác giả, rất riêng tư, cảm động, chân tình, mạnh dạn bộc bạch, song cũng lại là tác phẩm mang phong cách đặc trưng Kapuscinski: không bao giờ để cho những vấn đề quan trọng nhất của thế giới mất hút trong tầm mắt mình.

Con mắt "toàn cầu" của cây bút Ba Lan

Trong khi nhiều người nhìn thế giới theo kiểu cục bộ địa phương thì R. Kapuscinski nhìn nó theo kiểu toàn cầu: Ông tập hợp những phần sự thật chung nhất vào một tổng thể chứ không quá coi trọng những sự thật nhỏ lẻ, chỉ mang tính nhất thời.

Ngay cả với những người được coi là trí thức, nhưng do phải sống trong thời đại bùng nổ thông tin, không có nhiều thời gian để đọc sách báo, phải chịu nhiều tác động của hoàn cảnh, bị tính chất thời đại chi phối, Kapuscinski cũng mách cho họ biết, cái gì là quan trọng. Ở những cái chúng ta coi là hiển nhiên, R. Kapuscinski đã phát hiện ra nhiều điều mới lạ.

Vậy điều gì quyết định sự thành công của tác phẩm? Có nhà phê bình văn học Ba Lan cho rằng bí quyết thành công là sự chân tình của ngòi bút Kapuscinski. Ông đã chiếm được niềm tin trọn vẹn của người đọc, một điều mà rất nhiều các nhà văn lớn khác đã từng mơ ước nhưng không có được.

Trong tác phẩm Du hành cùng Herodotus R. Kapuscinski đã mở rộng lòng mình hơn bao giờ hết trước người đọc. Ông hồi tưởng lại những năm 40, 50 của cuộc đời mình. Và nếu như trước đây ông đã phát hiện giúp chúng ta bao điều mới mẻ của hiện tại thì bây giờ ông chỉ ra cho chúng ta thấy và hiểu rõ hơn về một quá khứ xa xưa. Ông không chỉ khiến chúng ta ngạc nhiên mà bản thân ông cũng lấy làm ngạc nhiên trước những điều vừa phát hiện.

Đọc Du hành cùng Herodotus, có thể thấy Kapuscinski là người ham hiểu biết thế giới như thế nào. Mong ước cháy bỏng của ông là được một lần bước chân ra khỏi biên giới nước mình. Sau đó, giống như Herodotus, ông chưa trở về từ chuyến đi này đã chuẩn bị cho cuộc du hành tiếp theo. Ông coi các cuộc hành trình không phải là nhu cầu cấp thiết của cuộc sống, cũng không phải sự tìm kiếm cảm giác mới lạ, mà là "một cố gắng hiểu sâu hơn, nhận thức sâu hơn mọi điều – nhận thức cuộc sống, nhận thức thế giới và nhận thức bản thân mình".

Phải chăng tất cả là do sự tò mò quyết định? Điều đó đã rõ, song trước hết có lẽ là do nhu cầu lúc nào cũng muốn mình trở thành người bị bất ngờ, bị ngạc nhiên. Kapuscinski đã từng viết: "Con người không còn bị bất cứ cái gì làm cho ngạc nhiên là con người đã bị rút hết ruột gan, là con người có trái tim cạn khô nhiệt huyết. Ở một người luôn mang trong đầu ý nghĩ rằng tất cả đã là quá khứ và không có gì có thể gây ngạc nhiên nữa, trong con người đó, cái đẹp nhất là vẻ đẹp cuộc sống, đã chết rồi".

"Đơn thương độc mã" du hành thế gian

Nếu chúng ta tin rằng ở các nhà văn lỗi lạc, mỗi tác phẩm viết ra, thậm chí mỗi câu chữ, mỗi trang sách viết ra, đều là sự mang nặng đẻ đau, là sự thai nghén, đều là thứ có thể so sánh với con tằm rút ruột nhả tơ, thì điều này ở Kapuscinski rõ ràng hơn bao giờ hết. Kapuscinski đã hy sinh tuổi trẻ, hy sinh hạnh phúc gia đình vì sự nghiệp, vì những trang sách cho chúng ta cầm trên tay hôm nay.

Khi ông chu du khắp thế giới với tư cách người viết phóng sự, bao giờ ông cũng chỉ có một thân một mình. Và ông đắm chìm trong cái hiện thực ngôn ngữ và văn hóa xa lạ của đất nước ông đến. Ông chỉ có người bạn đồng hành nói cùng thứ tiếng với mình – cuốn Sử ký của Herodotus xuất bản bằng tiếng Ba Lan.

Ryszard Kapuscinski mấy chục năm nay là một trong số không nhiều các nhà văn Ba Lan luôn hiện diện trong tiềm thức của giới độc giả được liệt vào loại tinh hoa của thế giới hiện đại. Lúc đầu có vẻ như ông được coi trọng ở nước ngoài nhiều hơn trong nước. Đối với nhiều người, ông thật sự là thần tượng.

Tại Ba Lan cũng như trên thế giới, có hai đối tượng luôn nóng lòng chờ đợi tác phẩm của ông: Các nhà làm sách chờ đợi với hy vọng sách in ra sẽ bán chạy, thu nhiều lợi nhuận, giới trí thức còn sốt ruột hơn vì khi sách của ông được xuất bản, họ có thêm nhiều đề tài để bàn luận với nhau. Khi cuốn Du hành cùng Herodotus ra đời, cả hai đối tượng này đều không bị thất vọng. Vì thế tác phẩm này cần được coi là cuốn sách đặc biệt trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của nhà văn.

Trong Du hành cùng Herodotus, Kapuscinski một lần nữa thể hiện tài kể chuyện của mình. Các câu chuyện ông kể tạo thành một dòng chảy, lúc hiền hòa, khi dữ dội, nên có sức cuốn hút vô cùng lớn. Người ta đọc nó như đọc một cuốn tiểu thuyết giải trí viết về các cuộc phiêu lưu kỳ thú.

Tác giả cũng chỉ ra cho chúng ta những nền văn hóa khác nhau, đánh thức trong chúng ta một niềm tin là "cần phải tìm hiểu các nền văn hóa khác một cách kỹ càng, bởi vì những thế giới khác lạ này giống như những tấm gương để chúng ta soi mình và soi nền văn hóa của mình vào. Nhờ những tấm gương đó, chúng ta hiểu mình kỹ hơn, bởi lẽ chúng ta sẽ không xác định được bản sắc của mình một khi chúng ta không đặt mình bên cạnh người khác".

Bí mật của "huyền thoại" Kapuscinski

R. Kapuscinski được coi là cây bút huyền thoại về thể loại phóng sự văn học của Ba Lan và của thế giới. Trong cuốn Du hành cùng Herodotus, ông đã tiết lộ một phần bí mật, lý giải vì sao các phóng sự của ông có sự khác biệt so với các tác phẩm cùng loại của những người khác và tại sao chúng đọng lại sâu trong trí nhớ người đọc.

Bí mật đó là cuộc đời và tác phẩm của Herodotus, tác giả Sử ký, sống cách chúng ta 25 thế kỷ, người được Kapuscinski coi là ông tổ của thể loại phóng sự. Ông cũng tin rằng những người viết phóng sự hiện đại, các nhà báo, các nhà sử học có thể học được rất nhiều điều ở Herodotus, bởi ông này là nhà tư tưởng cầm bút đầu tiên đã nhìn thấy hành tinh của chúng ta với danh nghĩa một tổng thể văn hóa.

* Nguyễn Chí Thuật (Poznan, tháng 1 năm 2009)


Đôi điều về Du hành cùng Herodotus bản Việt ngữ
của dịch giả Nguyễn Thái Linh



Với bản dịch ra tiếng Việt tác phẩm Du hành cùng Herodotus của R. Kapuscinski, Nguyễn Thái Linh gia nhập đội ngũ những người dịch văn học Ba Lan ở Việt Nam. Nhưng cần phải nhấn mạnh là chị đã có "màn chào hỏi" đầy ấn tượng. Thái Linh có thế mạnh của người thông thạo cả hai thứ tiếng.

Trình độ tiếng Ba Lan của chị có lẽ không phải bàn nhiều vì chị sang Ba Lan từ năm 14 tuổi, tuy lúc đầu học trung học trong một trường dành cho con em các nhà ngoại giao Nga, sau mới học tiếng Ba Lan trước khi vào đại học. Nhưng môi trường học tập và sử dụng tiếng Ba Lan của chị có thể coi là "chuẩn". Điều đáng khâm phục ở chị là vốn tiếng Việt rất phong phú, giàu có, đủ đáp ứng đòi hỏi ở trình độ cao của công việc dịch thuật.

Lao động dịch thuật bao giờ cũng là thứ lao động thầm lặng và cố gắng không ngừng. Thái Linh đã ít nhiều tâm sự về những ngày dịch Du hành cùng Herodotus. Chị có thể còn trẻ về tuổi đời, kinh nghiệm nghề nghiệp chưa nhiều, song thái độ lao động nghiêm túc, tâm huyết với công việc mình làm, những cái đó là điều đáng quý, không phải dễ gì có được.

Việc dịch ra tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam tác phẩm rất có giá trị của một nhà văn được đánh giá cao trên toàn thế giới như Kapuscinski không chỉ chấm dứt những nghi ngại ở nhiều người về quan điểm chính trị của Việt Nam khi đánh giá các nhà văn nước ngoài mà còn chứng tỏ mong muốn hòa nhập của văn học Việt Nam vào dòng chảy văn học thế giới, là sự nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển chung của văn học toàn cầu, là sự nhanh nhạy của một nhà xuất bản trong cơ chế thị trường.

Cách đây mấy tháng, tôi đã thông báo với bà quả phụ Alicja Kapuscinska và nhà xuất bản ZNAK về việc tôi sẽ dịch Du hành cùng Herodotus của Kapuscinski. Sau vài tuần miệt mài làm việc, tranh thủ kỳ nghỉ Noel và Tết dương lịch, tôi đã dịch được một phần khá lớn tác phẩm này. Chưa kịp vui mừng trước thành công ban đầu của mình, tôi nhận được tin chị Nguyễn Thái Linh đã hoàn thành bản dịch và cuốn sách đã ra mắt bạn đọc Việt Nam.

Lẽ thường tình tôi có thể tự cho phép mình có những phản ứng tiêu cực, nếu không tức tối lồng lộn thì cũng tiếc đứt ruột về công sức đã bỏ ra vô ích. Vậy mà không hiểu sao trong tôi lại tràn ngập niềm vui về thành công của một đồng nghiệp thuộc thế hệ sau. Cảm giác hạnh phúc xâm chiếm lòng tôi.

Vậy là từ nay Việt Nam mình có tên trong danh sách những nước đã giới thiệu tác phẩm của Kapuscinski, nhà văn Ba Lan và thế giới kiệt xuất, cây bút đã đưa phóng sự văn học trở thành một thể loại đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học trong thời đại mới, con người mà sự vắng mặt đã làm cho thế giới nghèo nàn hơn, ít sự thông thái hơn, như lời giáo sư người Mỹ Mark Danner phát biểu ngay sau khi Kapuscinski qua đời.

Du hành cùng Herodotus do Nguyễn Thái Linh dịch chắc chắn không phải là tác phẩm cuối cùng của Ryszard Kapuscinski được dich ra tiếng Việt. Những gì ông viết ra và để lại cho nhân loại cũng chính là những gì ông viết ra và để lại cho độc giả Việt Nam.

(Nguyễn Chí Thuật)

No comments: