Thursday 23 April 2009

La Traviata - Trà hoa nữ


Còn nhớ tới quê hương xa xôi
Ngày con cất tiếng khóc trong nôi
Tuổi ấu thơ bao năm êm trôi
Mẹ ru con ngay đã xa rồi.
Đồng lúa chín tắm nắng quê hương
Dòng sông xanh mang bao yêu thương
Nhìn thông reo như đang rì rào
Chờ mong con mau mau quay về.
Trở về nhà con trai yêu nhé!
Không can chi buồn thương khổ đau
Trở về làng quê ta yêu dấu
Uống nước trong lành nơi đồng sâu
Và những giấc mơ xưa xa xôi
Con hãy nghe cha quên đi rồi
Đồng quê yêu dấu, thương mến đang chờ
Trở về đi thôi
Ngày tháng dần trôi
Ước mong sao những ngày hiu quạnh cha hằng mong đợi
Hãy trở về với gia đình yên vui!



Đoạn aria này trong hồI II của vở La Traviata (Trà hoa nữ) là lời người cha Germont khuyên con trai Alfredo trở về quê nhà. Đây là aria duy nhất bằng tiếng Việt mà tôi thuộc, dù chỉ nghe đúng 1 lần trên chương trình nhạc giao hưởng thính phòng của Đài tiếng nói Việt Nam vào một buổi trưa năm tôi chừng 12-13 tuổi… Không hiểu sao đoạn aria này lại khắc sâu vào tâm trí tôi đến thế, không hiểu sao tôi lại rất thích nó. Có thể vì lời người cha tha thiết quá, có thể vì tôi sẵn thích “Trà hoa nữ” của A.Dumas, cũng có thể vì không hiểu do đâu tim tôi đã nhói lên từ ngay câu đầu “Mẹ ru con nay đã xa rồi”, hoặc có thể vì đây chẳng phải là những lời hát yêu đương trai gái , mà tôi thì vốn hay thích tìm những thứ tình cảm khác trong thi ca, âm nhạc... hơn là tình yêu lứa đôi.

Có thể nói rằng tôi bắt đầu thích opera từ aria này.

Trong suốt hơn một thế kỷ rưỡi nay, La Traviata của Verdi luôn là một trong những vở opera nổi tiếng nhất. Người ta nói rằng đêm nào vở này cũng được trình diễn ở đâu đó trên thế giới.

Vở opera lấy cốt truyện “Trà hoa nữ” của A. Dumas, tiểu thuyết dựa trên một nhân vật có thật là nàng Maria Duplessis – một kỹ nữ (courtisane) nổi tiếng của Paris thời đó. Trong số những người say đắm nàng, ngoài A.Dumas còn có cả chàng Ferenc Liszt trẻ tuổi. Nàng chết trẻ năm 23 tuổi vì bệnh lao, trong xa hoa nhung lụa và sự ái mộ của không biết bao nhiêu đàn ông. Giới kỹ nữ cao cấp như Maria Duplessis là “đặc sản” của Paris thời đó, đặc sản của chủ nghĩa lãng mạn – sự lý tưởng hóa thứ tình bán mua.

La Traviata là khởi đầu đồng thời cũng là vở xuất sắc nhất cho thể loại opera và bi nhạc kịch mà trung tâm chỉ có một nhân vật: người phụ nữ và tình yêu của nàng. Các vở khác thuộc thể loại này là Tristan và Isolde của Wagner, Tosca và Madame Butterfly của Puccini, Pelléas và Mélisande của Debussy. Nhân vật chính của các vở này đều là những người phụ nữ giàu sang, phức tạp, nhạy cảm. Nhưng La Traviata của Verdi khác với tất cả các vở khác ở chỗ nó gắn chặt và bám rễ sâu từ cuộc sống thực tế, từ xã hội Paris đầu thế kỷ XIX. Paris lãng mạn, kinh thành ánh sáng, Paris của giới nghệ sỹ, của các thi sỹ, văn sỹ, nhạc sỹ, họa sỹ…, Paris của Balzac, Stendhal, Gautier, Victor Hugo, Dumas, Delacroix, Berlioz, Paris của opera, của kịch nghệ và sân khấu, Paris của trộm cắp, đĩ điếm, tội phạm, Paris của những kỹ nữ nổi tiếng, của những cuộc vui và hoan lạc triền miên…

Trong La Traviata, cấp độ của tình yêu và bi kịch tăng dần. Trong hồI I, tình yêu ở mức độ thấp hơn – tình yêu lạc thú tầm thường, thứ tình yêu của kỹ nữ mà biểu hiện của nó là những cuộc chơi hoan lạc triền miên… chiếm ưu thế. Nàng Violetta không tin vào tình yêu đích thực, có cảm động đôi chút về tấm tình của chàng Alfredo thì những lời cuối cùng của nàng khi hết hồi vẫn là “siempre libera” – tự do mãi mãi, tự do muôn năm, tự do để ăn chơi nhảy múa cho thỏa chí, tình yêu là cái quái gì!

Đây là đoạn Alfredo cùng tất cả mọi người nâng cốc vì tình yêu (Libiamo, libiamo) trong bữa tiệc, do 3 tenor Domingo, Carreras & Pavarotti hát:

http://www.youtube.com/watch?v=yOhQlWFdiik


Ở hồi II, tình yêu đã mang sắc thái cao hơn, nàng Violetta hy sinh vì hạnh phúc của người mình yêu, chia tay với Alfredo dù trong lòng vẫn rất yêu chàng. Bi kịch cũng lên cao. Tôi lúc nào cũng xúc động khi nghe những lời cuối cùng của Violetta nói với Alfredo “Vĩnh biệt Alfredo! Hãy yêu em, yêu em thật nhiều, hãy yêu em như em yêu anh!”. Người nghệ sỹ hát những lời này như dồn hết tất cả sinh khí trong lồng ngực tuôn vào lời hát, như một con chim hót những tiếng cuối cùng trước khi chết, những lời tha thiết cuối cùng cho người yêu thương để rồi sau đó là phải khoác vào mình cái mặt nạ lạnh lùng tàn nhẫn của kẻ bội tình…


HồI III, khi mọi hiểu lầm đã tan, tình yêu tưởng như đạt đến đỉnh điểm thì bi kịch cũng lên đến đỉnh điểm – Violetta chết vì lao phổi. Ở đây, tình yêu cao thượng đã chiếm ưu thế tuyệt đối. Những cuộc chơi phù phiếm đã chẳng còn một chút ý nghĩa gì (ví dụ như chi tiết hình ảnh và âm thanh rất xa xôi của những hội hóa trang ngoài đường phố).

Vở La Traviata trong buổi công chiếu lần đầu vào năm 1853 ở Venice đã thất bại thảm hại. Một trong những lý do của thất bại này là định kiến của xã hội và những nhà đạo đức nhan nhản ở Venice thời đó. Tựa đề “La Traviata” có nghĩa là “kỹ nữ”, “người đàn bà hư hỏng”. Người ta bực mình: tại sao một tình yêu cao cả như thế mà lại là của một kỹ nữ, chẳng lẽ ko còn ai biết yêu cao thượng nữa hay sao? Nhưng Verdi rất sáng suốt khi tin vào giá trị của Traviata, ông cho ra mắt lại nhưng đổi tên mới là “Violetta”, cho thời gian của câu chuyên lùi lại khoảng năm 1700, thay đổi chút trang phục cho phù hợp… Và thế là thành công vang dội! Sau đó, Traviata lấy lại tên ban đầu của nó, đã trở thành vở opera hàng đầu, một kiệt tác của opera trữ tình.

2 comments:

Anonymous said...

Tôi thật sự xúc động và vô cùng cảm ơn chị và chính bài viết này. Vì bài viết quá hay, đầy tính nghệ thuật, chất sắc bén và cả tình cảm trong bài viết. Nếu chị thực sự viết bằng sự nghiên cứu và tình cảm của mình. Tôi thực sự khâm phục chính chị mà không phải của chính học giả và nhà bình luận nào khác. Nhưng bài viết quá tuyệt. Nó khiến tôi muốn đọc "Trà hoa nữ" ngay. Chúc chị may mắn. Cảm ơn bài viết của chị

Nguyễn Tuấn said...

Rất sung sướng đọc bài của chị. Bản aria hồi II vở La Traviata cũng vang lên trong tôi không biết đã bao nhiêu năm. Hôm nay nhờ bài viết của chị mà tôi tìm được bản này trên Youtube, nhờ chị đưa lên cho những ai cũng muốn tìm nghe: http://www.youtube.com/watch?v=QdnxR0PoPvA