Thursday 29 September 2011

Natalie



Ryszard Rynkowski

Lời Việt: Thái Linh


Từ chuyến đi mất dấu quay về
Lạnh cắt da cơn gió đông thì
Là con giúp cho cha, vượt qua những đọa đày, con
mòn ngóng trông cha trước hiên nhà,
và thế giới bé xinh trong mắt hiền hòa
là an phúc cho cha, là nỗi hi vọng, Natalie

Oh Natalie
Là tương lai con thế giới xanh hơn, tháng năm vui hơn
Oh Natalie
Thời gian cho con, nơi ấy riêng con, Natalie
Oh Natalie
Rồi đây con học cho biết sống, Natalie
Oh Natalie
Rồi đường riêng con đi theo ý muốn, Natalie
Và khi con lau giọt lệ đầu
Tựa giờ đây, cha luôn bên con, Natalie

Ngày mai đây con lớn khôn rồi
Tựa cánh chim bay vút phương trời
Ngày cha sẽ nín lặng, tuyệt không nói một lời.
Bạn hữu ra đi, khuất cuối con đường
Ngọn gió phiêu linh tan tác lá vàng
Mùa thu quá dãi dằng, trong nắng cháy bùng, Natalie

Rồi bỗng nhiên con sẽ quay về
Một sớm tinh mơ sương nắng chan hòa
Nhẹ tay gõ khẽ khàng, và con bước vào nhà, con
lặng lẽ nhìn cha không nói nên lời.
Ngày ấy con ơi, cha đã biết rồi
Tình yêu với chia xa, nhẹ như bóng mây qua, Natalie.

Oh Natalie
Là tương lai con thế giới xanh hơn, tháng năm vui hơn
Oh Natalie
Thời gian cho con, nơi ấy riêng con, Natalie
Oh Natalie
Rồi đây con học cho biết sống, Natalie
Oh Natalie
Rồi đường riêng con đi theo ý muốn, Natalie
Và khi con lau giọt lệ đầu
Tựa giờ đây, cha luôn bên con, Natalie

Natalie

Natalie

Natalie

Natalie...

Monday 26 September 2011

Khát vọng tình yêu


Ca khúc Wojciech Młynarski viết dựa theo bản Waltz No 19 in A Minor của F. Chopin

Lời Việt: Thái Linh

Dù ở nơi đây hay phương ấy
Mộng lành như ánh sao vút trên trời xa
Nguyện tình nồng trong tim ta đó
Xóa nhòa đi những tháng ngày buồn

Vệt lệ nào nhòe trên trang giấy
Và niềm khao khát đắm say trong tim bừng lên
Để một lần xin yêu dấu
Tơ hồng vương bước đường trần

Này đây trong gió loang khi ban mai vừa chớm sang
Liễu ru hồn rì rào, khúc ca nào riêng mình
Này đây đêm đảo xa trong chiếc áo choàng thẫm đen
Nỗi buồn vẫn một gương mặt quen

Ngày trần gian không muốn ban cho ta tình ước ao
Tim muôn phần dạt dào, ta vẫn càng khát khao
Đồng nho xanh lai láng nơi bao nốt nhạc vút cao
Xin dâng một phút nồng say

Dù ở nơi đây hay phương ấy
Hỏi lòng ta ôi mãi vẫn riêng mình ta
Trần gian ơi sao xa xôi quá
Đâu rồi yêu dấu trong đời?

Giọt lệ nào mặn nơi khóe môi
Và niềm đau xót xa trong tim mù khơi
Chẳng màng chi bao danh tiếng
Bởi vì đâu? Vì đâu ai hỡi?

Dù ở nơi đây hay phương ấy
Mộng lành như ánh sao vút trên trời xa
Nguyện tình nồng trong tim ta đó
Xóa nhòa đi những tháng ngày buồn

Nhịp tim như chim xanh vỗ cánh
Mãi còn khao khát nồng nàn
Và dấu yêu luyến thương cho đôi lòng còn vương vấn

Trong tim này luôn mãi hoài mong

Bởi vì đâu? Ai hỡi vì đâu?

...

Thursday 22 September 2011

Vì Roma là vô tận, vô cùng



Đúng một tháng tròn sau chuyến đi Roma. Trong suốt một tháng ấy, giữa ngồn ngộn công việc, trong thực tại Warszawa dịu mát và ẩm ướt, hành trình Roma vẫn lặng lẽ tiếp diễn trong tôi, thực tại Roma vẫn âm thầm hiện hữu, những vòng sóng dư âm vẫn lan tỏa, ánh lên nét sáng từ những bức ảnh, những trang sách mà tôi đã đọc, đã chụp, đã xem và vẫn còn mãi trở đi trở lại với chúng. Tôi nghĩ rằng có lẽ phải lâu, lâu lắm nữa tôi mới đủ sức viết chút gì đó về Roma, khi mọi ấn tượng và cảm xúc không còn lộn xộn và bề bộn nữa, khi Roma đã ngấm đủ vào tôi.

Nhưng rồi hôm nay, trước một chuyến đi xa, tôi phải vội vàng ghi lại nhưng gì vẫn còn rất ngổn ngang và mơ hồ, vì tôi sợ mình sẽ chẳng còn thời gian nữa.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi đến Roma, nhưng lại như lần đầu, bởi vì những lần trước tôi đến khi còn quá trẻ, như một khách du lịch vô tâm và „hạnh phúc”, cái hạnh phúc mà Goethe đã ghen tị đến thế với những du khách chớp nhoáng của Roma, chỉ cần đến, nhìn thấy nó, rồi vui vẻ ra đi, và thế là đủ. Nhưng đó không phải là cái hạnh phúc của một người thực sự du hành, một người vừa „học lại từ đầu cách nhìn và làm quen với mọi thứ đúng như nó là thế”, vừa biết về nơi ấy như từ tiền kiếp, hiểu rõ từng nơi chốn và yêu nó tới mức mỗi giây mỗi phút đều quí giá, đều là nhắc nhở đau đớn về lúc chia xa. Goethe nói ai đã từng biết rõ về nước Ý, nhất là Roma, người ấy sẽ không bao giờ còn là một con người hoàn toàn bất hạnh. Không sai. Nhưng tôi nghĩ ai đã từng biết rõ Roma rồi rời xa nó, người ấy sẽ không bao giờ còn là một con người hoàn toàn hạnh phúc.

Khách du lịch và người nước ngoài, từ bao nhiêu thế kỷ nay, đã luôn là một phần của Roma, đến nỗi khó lòng hình dung ra một Roma thiếu họ. Từ những trang viết của Montaigne, Stendhal, Goethe, qua Muratov hay Antoine Ampere, đều là „c'est une ville rapiécée d'étrangers”. Giờ đây, trong thời đại xê dịch này, Roma càng nhiều du khách nước ngoài hơn bao giờ hết. Nhưng có lẽ không mấy ai yêu Roma từ cái nhìn đầu tiên. Ấn tượng ban đầu của nhiều người khi đến Roma là sự thất vọng. Vì điều gì không rõ. Có thể vì sự lộn xộn vĩnh hằng của nó, từ hàng nghìn năm. Có thể vì chính đám đông người nước ngoài này. Cũng có thể vì người dân Roma (mà Goethe gọi là những đứa trẻ được nuông chiều) có vẻ (chỉ có vẻ thôi) không mấy hiếu khách. Nhưng sớm hay muộn, du khách cũng sẽ bị Roma quyến rũ. Dần dần, nhẹ nhàng, nhưng Roma không ngừng khuấy động tâm hồn họ, lấp đầy nó, thấm sâu vào nó, để rồi cuối cùng ở lại mãi đó, cho đến hết cuộc đời.


Thật khó xác định rõ ràng điều gì đã khiến Roma quyến rũ đến thế, cái cảm thức Roma ấy hình thành từ những điều đơn giản và nhỏ nhặt nhất, từ mỗi bước chân, mỗi buổi sáng, mỗi góc phố, mỗi đường cong, mỗi viên gạch, mỗi mái vòm, mỗi hàng cột, mỗi di tích, mỗi hòn đá, mỗi ánh đèn, mỗi tia nước mát lành từ vòi phun, mỗi tiếng lao xao quán xá về đêm, mỗi làn gió biển, từ những hình ảnh và ấn tượng vụt thoáng qua giây lát, để rồi đến một lúc nào đó, ta chợt giật mình nhận ra mình đã thấm đẫm Roma tự bao giờ.

Đến Roma lần này, dường như tôi cùng một lúc du hành nhiều chuyến khác nhau. Vừa là chuyến du hành về quá khứ, gặp lại mình và Roma của mười lăm năm trước. Vừa là chuyến du hành với R. Kapuściński, bởi Roma là thành phố đầu tiên ông đặt chân tới khi ra nước ngoài, cũng là thành phố cuối cùng ông đến trước khi tạm biệt thế giới này, và giữa hai lần đến Roma ấy, trong suốt quãng đời đầy di chuyển của mình, ông đã đến Roma rất nhiều lần. Thành phố này đã yêu ông và đã được ông yêu biết bao nhiêu. Vừa là chuyến du hành với những trang sách mà tôi hằng yêu thích: Những cuộc đời song hành, Quo Vadis, Du hành Ý đại lợi, Những bức tranh nước Ý – Roma... với Plutarch, Sienkiewicz, Goethe, Muratov, hay đâu đó là Byron, Montaigne, Stendhal, Ampère... Và tất nhiên, là chuyến du hành với lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật. Những chuyến du hành ấy vừa song song, vừa đan xen lẫn nhau, với những diễn biến và tác động không ngừng đến mọi giác quan, khiến cho tôi chồng chất bao cảm xúc, có lúc tưởng như cái đầu muốn nứt ra (theo cách nói của con gái tôi). Trong cái nhịp điệu chậm rãi của Roma, nơi thời gian có thể ngừng lại ở bất cứ đâu, là một dòng thác lũ của lịch sử, của các sự kiện, các kiệt tác, những kho báu, ào ào cuồn cuộn tuôn chảy trong vẻ ngoài im lìm bình thản. Tôi luôn có cảm giác sợ mình không biết mà bỏ qua một cái gì đó quí giá trên mỗi bước chân. Cảm giác mình quá nhỏ bé trong dại dương Roma vừa sâu vừa rộng này, càng đi, càng bơi, thì chỉ càng thấy thăm thẳm mênh mông. Và không chỉ là cảm giác. Thực tế, tôi đã bỏ qua rất nhiều điều, vì không biết, vì không có thời gian.

Thật ra ban đầu tôi không có ý định „tham quan” Roma, tôi ngỡ mình đã biết về nó. Đúng là tôi đã „biết” tất cả các di tích quan trọng của nó. Nhưng khi đến Roma rồi, tôi lại không thể cưỡng lại được việc đi dạo lang thang, và những chuyến du hành kia rất tự nhiên bất ngờ ập đến. Lúc đó tôi mới chợt nhận ra mười lăm năm qua tôi đã thay đổi đến thế nào. Mười lăm năm trước tôi đã nhìn rất nhiều mà chẳng thấy, hay đúng ra là trong lúc đó, tôi gần như chỉ nhìn thấy người bạn đồng hành của mình mà thôi, và những gì gắn liền với người ấy. Tôi cũng xúc động vì sự cổ kính của Roma, nhưng đó chỉ là một cảm giác xúc động nhẹ nhàng. Còn giờ đây, tôi bàng hoàng nhận ra mình đã biết ít về Roma biết bao nhiêu. Vẫn những di tích ấy, những công trình ấy, những cảnh vật ấy, nhưng bên trong đó là những câu chuyện trùng trùng điệp điệp, là những vẻ đẹp bây giờ tôi mới thấy được, là những giá trị bây giờ tôi mới nhận ra. Nhưng trước hết, đó là sự „thấy mình”. Bởi chắc hẳn mười lăm năm sau, nếu có quay lại đây, tôi cũng sẽ „bàng hoàng nhận ra mình đã biết ít về Roma biết bao nhiêu”. Vì Roma là vô tận vô cùng.


Vì những chuyến đi thực ra không phải để nhìn, mà là để thấy. Không phải thấy ngoại giới, mà là thấy chính mình. Để tìm thấy mình, trong cuộc tìm kiếm không ngừng, u buồn và miên viễn.

(8.9.2011)


Monday 19 September 2011

Chiếc chìa khóa (Wisława Szymborska)

Thái Linh dịch

Chìa khóa từng ở đây, bỗng nhiên không còn nữa
Ta phải làm sao mở cửa vào nhà?
Chìa khóa mất rồi chắc ai đó sẽ tìm ra,
và ngắm nghía – anh ta cần gì nó?
rồi bước tiếp, tiện tay vứt bỏ
như quẳng đi miếng sắt vụn vô tình.

Nếu với tình yêu em dành cho anh
điều tương tự cũng xảy ra như vậy,
thì không chỉ chúng mình, mà toàn thế giới
sẽ hư hao mất một tình yêu.
Trên bàn tay xa lạ nhặt lên
tình yêu không mở ra căn nhà nào hết,
nó sẽ chỉ là một khuôn hình, không hơn không kém.
Xin những rỉ hoen phù hộ nó trên đời.

Quẻ bói này được lập người ơi
không dựa vào tiếng công kêu, các quân bài hay những vì tinh tú.


Wednesday 14 September 2011

Lòng hận thù (Wisława Szymborska)

Thái Linh dịch

Hãy nhìn xem, trong thế kỷ chúng ta
lòng hận thù vẫn đầy hiệu quả,
vẫn đường đường phong độ làm sao.
Nó nhẹ nhàng vượt qua những rào cao.
Thật dễ dàng - nó nhảy ra, xộc đến.

Lòng hận thù không như bao tình cảm khác.
Nó vừa cũ vừa mới hơn chúng, đồng thời.
Tự nó đẻ ra nguyên nhân hồi sinh nó trên đời.
Nếu nó có thiếp đi,
thì cũng không bao giờ vĩnh viễn.
Chứng mất ngủ không khiến lòng hận thù cạn kiệt,
mà chỉ tiếp sức thêm.

Tôn giáo này hay tôn giáo kia -
miễn sao được quỳ xuống vạch xuất phát.
Tổ quốc này hay tổ quốc khác -
miễn sao được chạy bứt lên.
Công bằng và không tệ lúc đầu tiên.
Rồi nó tự thúc mình phải chạy.
Lòng thù hận. Lòng thù hận.
Khuôn mặt nó nhàu nhò nhăn nhúm
bởi say cuồng mê ngất của tình yêu.

Còn những tình cảm khác, ôi dào,
lờ mờ và ốm yếu.
Từ khi nào tình anh em bằng hữu
trông cậy được vào đám đông?
Có bao giờ, có bao giờ không,
lòng cảm thông được về đích trước?
Bao nhiêu người nỗi nghi ngờ lôi kéo được?
Chỉ lòng hận thù biết khích động mà thôi.

Nhanh trí, giỏi giang, cần mẫn tuyệt vời.
Lòng hận thù đã viết nên bao khúc ca, chẳng cần phải nói.
Bao trang sử nó đã từng đánh số.
Nó đã trải ra bao tấm thảm người
trên bao nhiêu quảng trường và sân chơi.

Chúng ta đừng nói dối, bạn ơi:
lòng hận thù có thể tạo ra cái đẹp.
Những quầng lửa của nó trong đêm đen vô cùng diễm tuyệt.
Trong ban mai hồng tươi những cuộn khói diệu vời.
Trước điêu tàn khó cưỡng nổi sầu lơi
nỗi cảm động và tâm tình bi lụy,
khó cưỡng nổi lòng hận thù trỗi lên mạnh mẽ
lớp lớp hàng hàng.

Về tương phản, nó là quán quân
giữa rú gầm và im lặng
giữa máu đỏ và màu tuyết trắng.
Nhưng hơn hết, nó chẳng bao giờ chán
với chủ đề tên đao phủ tinh tươm
trước nạn nhân ô uế, điếm đàng.

Với nhiệm vụ mới giao, nó luôn rất sẵn sàng.
Nếu phải đợi, lòng hận thù sẽ đợi.
Người ta bảo lòng hận thù mù quáng.
Mù quáng ư? Mắt xạ thủ tinh anh
và nhìn về tương lai táo bạo, kiên gan -
chẳng ai ngoài nó.


Sunday 11 September 2011

Bức ảnh ngày 11 tháng 9 (Wisława Szymborska)

(ảnh lấy từ internet)



Họ nhảy xuống từ những tầng nhà cháy
- một, hai, rồi thêm vài người
dưới thấp, trên cao.

Bức ảnh đã giữ họ sống
và giờ đây giữ họ
trên mặt đất hướng về mặt đất.

Mỗi người vẫn còn vẹn nguyên
với khuôn mặt riêng
với máu còn ẩn kín.

Vẫn đủ thời gian
cho tóc xõa tung,
và chìa khóa, tiền xu
rơi ra khỏi túi.

Họ vẫn luôn còn trong tầm tay với
của không trung,
trong phạm vi những nơi
vừa mới mở.

Chỉ hai điều tôi có thể làm cho họ:
Miêu tả chuyến bay này
và không thêm câu cuối vào đây.


Thái Linh dịch