„Xách
ba lô lên và đi”, ai mà chẳng thích! Nhưng du lịch một
cách thông minh để các trải nghiệm này vừa trở nên
quý giá, vừa là những trải nghiệm có ý thức, thì
không phải ai cũng để ý. Có người đã đặt ra khái
niệm „hậu-du-khách” (post-tourist) để chỉ những người
khác với du khách hay phượt thủ thông thường ở chỗ
họ có ý thức về sự phụ thuộc lẫn nhau toàn cầu,
về quan hệ nhân quả của các hành xử khi là một du
khách, ý thức về các quá trình tâm lí, thương mại hay
hệ tư tưởng. Xin tạm gọi các „hậu-du-khách”
này là những du khách thông minh. Trong thực tế, điều
này có thể biểu hiện như thế nào?
Một số điều sau đây có thể khiến bạn du lịch thông minh hơn:
1. Nên lựa chọn kỹ nơi đến du lịch một cách
có ý thức. Không nhất thiết phải đến nơi nào khách
du lịch không mấy được hoan nghênh, ví dụ như Bhutan
hay núi thiêng Uluru ở Úc. Thế giới rộng lớn có bao
nhiêu nơi để đi, sao phải chen chân vào chốn không mời
làm gì cho khổ?
2. Đừng
mang theo quá nhiều đồ. Chọn những thứ quần áo „đa
năng”, dễ phối dễ mặc trong mọi hoàn cảnh, chỉ cần
1-2 chiếc thay vì 3-4 bộ khác nhau. Mỗi kg hành lí của
bạn sẽ khiến máy bay đốt nhiều nhiên liệu hơn, và
do dó xả nhiều khí thải hơn. Máy bay là nguồn thải
CO2 tăng tốc nhanh nhất hiện nay. Một chuyến bay khứ
hổi Paris - New York thải ra 1 tấn CO2, trong khi đó một
cái cây trung bình chỉ hút được 5 kg CO2 trong 1 năm. Để
xử lý được 1 tấn khí thải, cần vài chục cái cây
trong vài năm.
3. Máy
bay đốt nhiên liệu nhiều nhất khi lên và xuống. Bởi
vậy nếu có thể, nên chọn những chuyến bay thẳng
không transit. Thay vì du lịch vài chuyến ngắn, hãy lên
kế hoạch đi một chuyến dài.
4. Ở
những nước kém phát triển chính quyền không mấy có
trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, ví dụ như
Việt Nam, Ấn Độ, Tunisie, Ai Cập... rác thải phần lớn
sẽ được đổ thẳng ra sông, biển, sa mạc... Đến
những nước này, nên sử dụng khăn tắm nhiều lần
trong khách sạn, đừng lau xong 1 cái là quẳng ngay xuống
sàn để phục vụ phòng phải thay cái khác. Đừng tắm
lâu hay xả nước hoang phí. Tiết kiệm điện, hạn chế
dùng đèn, máy sấy tóc, điều hòa nhiệt độ nếu không
cần thiết lắm.
5. Những
chương trình hấp dẫn dành cho khách du lịch rất nhiều
khi rất không „vô tội” như bề ngoài. Đừng xem các
chương trình biểu diễn múa voi, bởi trước đó những
con voi này đã bị tách khỏi mẹ từ rất nhỏ, đánh
đập, bỏ đói để dạy làm những trò biểu diễn.
Những
con vật dùng để phục vụ du khách thường là những
con thú bị ngược đãi: khỉ bị cho dùng ma túy để
nhào lộn, rắn bị bẻ răng để du khách cho ăn, cá heo
bị nuôi trong các bể nhân tạo cho du khách xem thường
bị chết rất nhiều vì khác với điều kiện sống tự
nhiên của chúng... Nếu không thế ngắm nhìn động vật
tự do trong thiên nhiên (ví dụ ra Đại Tây Dương xem cá
heo) thay vì vào xem các bể nuôi cá heo nhân tạo, bạn
hãy dùng số tiền đó để đóng góp cho việc bảo vệ
chúng.
6. Đừng
đi săn thú ở châu Phi. Giấy phép đi săn không được
kiểm soát dẫn tới tình trạng trong vòng 20 năm qua, số
lượng của các loài động vật ở giới hạn tuyệt
chủng đã bị giảm tới 30 %.
7. Để
phục vụ du khách, nhiều nghi lễ truyền thống của địa
phương đã bị thay đổi, biến dạng. Các lễ hội bị
tập trung lại vào mùa du lịch. Các vở múa Kanthakali ở
Ấn Độ bị rút ngắn mất 2/3, người Bali phải múa
hàng ngày những điệu múa đáng lẽ chỉ diễn ra 60 năm
một lần, người Karen ở Thái Lan đánh trống cho khách
du lịch nghe mặc dù theo truyền thống, họ chỉ đánh
trống trong đám ma...
8. Những
chuyến tham quan các khu ổ chuột của các tour du lịch
không hề đem lại lợi ích cho người dân ở đó, mà
chỉ là sự xâm phạm nhân phẩm và quyền riêng tư của
họ. (Mặc dù vậy, hàng năm vẫn có tới 40 nghìn khách
du lịch thăm các khu ổ chuột ở Rio, và khoảng 300 nghìn
khách du lịch thăm các khu ổ chuột ở cape Town).
9. Đừng
tham gia các chương trình nửa du lịch nửa làm thiện
nguyện, ví dụ kiểu „trò chơi tình nguyện viên”
trong vài ngày giúp các em bé mồ côi ở Nepal hay
Campuchia. Số trẻ em mồ côi ở các nước này tăng đột
biến, nhưng không phải trên thực tế, mà chỉ là để
cung cấp cho các địa điểm „du lịch thiện nguyện”.
Các trẻ em này trở thành nguồn thu nhập của các tổ
chức du lịch. Du khách vừa bị làm tiền, vừa gián tiếp
tiếp tay cho tệ nạn, vừa tưởng rằng mình „là người
tốt” để ru ngủ lương tâm.
(Viết
trước một chuyến đi dài (thay cho vài chuyến đi ngắn),
cũng là để tự nhắc mình :-) Nhiều thông tin được
lấy từ bài „7 tội lỗi của du khách” của Zuzana
Kisielewska, tạp chí Focus số tháng 8/2016).
No comments:
Post a Comment