Saturday 25 April 2009

Savoir-vivre bên bàn ăn



Savoir-vivre hay là phép lịch sự, phép xử thế, bon-ton, nhưng phép giao thiệp và lễ nghi hiện hành trong một môi trường xã hội nhất định.

Theo tiếng Pháp, savoir có nghĩa là „biết”, vivre – nghĩa là „sống”. Savoir-vivre do đó có thể tạm dịch là „nghệ thuật sống”. Theo cách hiểu thông thường thì savoir-vivre có nghĩa là: 1) biết cách giao tiếp, hành xử, biết các nghi thức, các phép lịch sự, hoặc 2) biết sống, biết xử sự và giải quyết các tình huồng khó khăn trong cuộc sống.

Một cách bao quát nhất thì các quy tắc của savoir-vivre là: nụ cười, sự tử tế, thiện chí, sự đúng giờ, sự kín đáo, lòng trung thực, chân thành, phép lịch sự.

Các quy tắc savoir-vivre liên quan trước hết đến một số lĩnh vực của cuộc sống như: 1) các quy tắc bên bàn ăn (cách bày bàn, đưa thức ăn, đồ uống, cách dùng bữa); 2) các quy tắc về phục trang, ăn mặc; 3)các quy tắc giao tiếp (ở nơi làm việc, trong gia đình, trong các buổi tiệc); 4) các quy tắc thông tin liên lạc (cách nghe điện thoại, sử dụng internet v.v) 5) các quy tắc hành xử trong những trường hợp đặc biệt.

Còn người Anh thì tóm gọn các quy tắc vàng trong ứng xử vào chữ IMPACT (I – integrity, M – manners, P- personality, A – appearance, C – consideration, T- tact)

Bên bàn ăn

Khăn ăn: dùng để bảo vệ quần áo khỏi bị dây bẩn và để lau miệng trong khi ăn. Có 2 loai khăn ăn: khăn vải và khăn giấy. Trong một bữa tiệc nhiều món ăn không nên dùng khăn giấy. Khăn ăn bằng giấy chỉ nên dùng khi uống cà phê hoặc trong bữa ăn sáng.

Không bao giờ được quấn khăn ăn quanh cổ, cũng không nên để khăn ăn dưới đĩa hay giữa các đĩa thức ăn, giữa dao dĩa, côc chén. Khăn ăn nên để trên đùi, nếu trong bữa ăn bạn phải đứng dậy thì gấp tạm khăn ăn lại và để xuống ghế ngồi. Khi đã ăn xong món cuối cùng, bạn gấp khăn ăn lại và để lên bàn, bên cạnh đĩa của mình.

Dao dĩa: Thông thường chúng ta cầm dao tay phải, cầm dĩa tay trái. Với những món ăn không phải dùng dao thì cầm dĩa sang tay phải.

Dao dĩa cũng có ngôn ngữ riêng. Nếu bạn muốn tạm dừng, „giải lao” trong khi ăn, thì đặt dao dĩa chéo nhau theo hình chữ X lên đĩa của mình, lưỡi dao hướng vào phía trong lòng đĩa. Khi đã dùng xong bữa, muốn nói „xin hãy dọn đi”, bạn đặt dao dĩa song song với nhau theo chiều dọc, cán dao và dĩa hướng về phía mình. Không được gác dao dĩa lên thành đĩa, cán chạm xuống mặt bàn.

Muốn khen ngợi đầu bếp „Món ăn rất ngon”, bạn đặt dao dĩa theo hình kim đồng hồ chỉ 7 giờ kém 25.

Muốn biểu lộ rằng món ăn không ngon miệng, bạn đặt dao dĩa theo hình kim đồng hồ chỉ 6 giờ 25.

Trong bữa tiệc tại nhà riêng, không nên biểu lộ sự khen ngợi hay chê trách bằng dao dĩa.

Không được để dao dĩa xuống bàn ăn hay để lên khăn ăn.

Trên bàn tiệc bày theo kiểu cổ điển, có thể có những chiếc đĩa bằng kim loại, thường là bằng bạc hay mạ bạc, khác hẳn những chiếc đĩa khác trên bàn. Đây chỉ là những chiếc đĩa trang trí, không bao giờ được dùng chúng để ăn, hay đặt thìa dĩa, khăn ăn lên đó.

Trườc khi ăn nên đi toilet và rửa tay.

Khi ngồi ăn, phải giữ tư thế ngay ngắn, thân mình cách bàn ăn chừng 1 gang tay. Không chống khủyu tay lên bàn, không vắt chéo chân hay rung đùi. Không nghịch dao dĩa hay gõ lanh canh.

Nếu trong khi ăn cần xì mũi, nên quay ra đằng sau để làm việc đó. Tốt nhất là bạn nên đứng lên và đi ra xa vài bước.

Không húp xì xụp, nhai chóp chép, gây ra tiếng động trong khi ăn.

Sẽ là rất mất lịch sự nếu bạn hòan tòan không động đến món ăn được bưng ra, hay là ăn rất ít. Nếu một món ăn đối với bạn quá lạ lẫm, bạn cũng nên thử một chút. Nếu bạn bị đau dạ dày thì tốt nhất là nên từ chối khi được mời ăn, còn hơn là đau khổ ngồi nhìn một bàn đầy thức ăn.

Khi ăn không nên để thừa, nhất là xúp hay món khai vị. Trong tiệm ăn, không nên tra gia vị quá nhiều vì như vậy là làm hỏng tác phẩm của người đầu bếp.

Nếu là tiệc đứng, tốt nhất bạn nên lấy đồ ăn vừa phải, hết lại lấy tiếp chứ không nên làm một đĩa tú hụ.

Khi bữa ăn chưa kết thúc, không nên hút thuốc. Không nên dùng nước hoa quá mạnh, vì bên bàn ăn thì mùi vị của thức ăn phải được ưu tiên số 1.

Trong bữa ăn không nên gọi điện thoại di động. Tốt nhất là bạn nên tắt chuông điện thoại trong suốt bữa ăn, nếu quên làm việc này thì khi chuông reo cũng nên tắt máy ngay và xin lỗi mọi người xung quanh.

Khi người phục vụ đưa đồ ăn hay thức uống cho bạn, hãy nói „cảm ơn”, nhưng không nên nói „cảm ơn rất nhiều”.

Ngay cả trong một quán ăn sang trọng nhất cũng có thể có những sai sót làm bạn không hài lòng. Khi đó hãy nhẹ nhàng và kín đáo bày tỏ điều đó với những người phục vụ. Không nên to tiếng bình luận.

Nếu bạn thấy trong món ăn của mình có sợi tóc rơi vào, hãy yêu cầu đổi đĩa khác. Nếu đây là bữa tiệc tại nhà thì bạn nên để món đó lại không ăn, và cũng không bình luận.

Nếu món xúp quá nóng bạn chưa dùng được ngay, cũng không nên dùng thìa khuyấy khoắng hay thổi phù phù.

Trong tiệm ăn, nếu trong cốc rượu vang của bạn có lẫn một mảnh nút chai, điều này cho thấy rượu đã không được mở đúng cách nên các mảnh vụn của nút chai đã rơi vào trong chai. Không nên lấy thìa hay đĩa vớt mảnh nút chai này ra. Bạn hãy đề nghị mở chai rượu khác và rót vào cốc khác. Khi thấy chiếc ly bị bẩn (có vết môi hay dấu vân tay trên thành cốc), bạn có quyền và nên đề nghị đổi chiếc ly khác.

Khi hai người nam nữ vào tiệm ăn, người đàn ông đi trước mở cửa và bước vào trước. Người phục vụ sẽ đến chào và dẫn hai người tới bàn ăn. Lúc này người phục vụ đi trước, theo sau là người phụ nữ, người đàn ông đi cuối cùng. Người đàn ông luôn luôn nhường cho phụ nữ quyền chọn ghế ngồi, sau đó thận trọng đẩy ghế vào để giúp người phụ nữ ngồi xuống được thoải mái.

Trong bữa ăn, nếu người phụ nữ rời khỏi bàn, ví dụ như để vào toilet, thì khi cô trở lại bàn ăn, người đàn ông phải đứng dậy khỏi ghế. Nếu như một bàn đông hơn 2 người, thì những người đàn ông có thể chỉ làm cử chỉ đứng dậy này một cách tượng trưng cũng được.

Khi thanh toán, nên kín đáo để người được mời không được biết trị giá hóa đơn. Nếu đây là một bữa ăn có tính chất bạn bè, có thể thỏa thuận trước là mỗi người trả phần của mình.

Thông lệ „boa” cho người phục vụ có khác nhau ở các nước. (Xem phần dưới). Nếu bạn trả bằng thẻ tín dụng thì nên có một khoản boa riêng cho người phục vụ bắng tiền mặt. Nếu bạn thực sự không hài lòng về chất lượng phục vụ, bạn có thể không boa. Ở một số nước nếu trong thực đơn đã ghi rõ rằng giá các món ăn đã bao gồm cả tiền phục vụ, bạn cũng không cần boa.

Khi rời bàn ăn, người đàn ông kéo ghế ra giúp người phụ nữ đứng dậy. Nếu có áo khoác, người đàn ông mặc áo khoác của mình trước rồi giúp người phụ nữ mặc áo.

Mức tiền boa trong tiệm ăn ở một số nước

Áo: 10-15%
Bulgaria: 5-10%
Cyprus: 10%
Séc: 10%
Đan Mạch: tiền phục vụ thường đã được bao gồm trong giá.
Dominicana: 10%
Ai Cập: 5-10%
Pháp: tiền phục vụ thường đã được bao gồm trong giá, nhưng có thể cho thêm tiền boa.
Hy Lạp: 10-15%
Tây Ban Nha: mặc dù tiền phục vụ thường đã được bao gồm trong hóa đơn, nên làm tròn số.
Hà Lan: mặc dù tiền phục vụ thường đã được bao gồm trong giá, nên boa thêm 10%.
Canada: 15%
Maroco: 10%
Mexico: 10-15%
Đức: 10-15%
Na Uy: làm tròn hóa đơn
Ba Lan: làm tròn hóa đơn
Bồ Đào Nha: 10-15%
Nam Phi: 10%
Mỹ: ít nhất 15%
Thụy Sỹ: làm tròn hóa đơn
Tunisie: 10-15%
Thổ Nhĩ Kỳ: 10%
Hungary: 10%
Anh: 10-15% (nếu trả tiền trong quán rượu bên quầy thu tiền thì không đưa tiền boa).
Ý: 10-15%

4 comments:

Marcus Vu said...

Tớ thắc mắc về cái định nghĩa savoir-vivre của Lilia cái. Theo tớ biết thì savoir-vivre thường được hiểu là biết hưởng thụ cuộc sống chứ không phải là mấy thứ nghi lễ mà Lilia kể trên.

Thái Linh said...

hihi, tớ thì lần đầu tiên nghe thấy savoir-vivre có nghĩa là biết hưởng thụ cuộc sống :)

Tụi Tây có hàng đống sách viết về savoir-vivre trong ăn mặc, trong ngôn ngữ, trong ứng xử... khi nào rảnh tớ sẽ nói tiếp. Đây là mấy bài cũ viết từ lâu rồi, chuyển nhà thì bê qua thôi.

Marcus Vu said...

Hì hì, ý tớ nói là cách dùng từ này trong đời sống á. Trong sách vở thì tớ không nói đến.

Thực sự là nó rất nghiêng về phía hưởng thụ.

Ví dụ nhé: Tụi bạn Pháp kể lể là chúng nó đi nghỉ bên bờ biển, tối tối tụ tập uống rượu vang với ăn hào. Chép miệng ghen tị thì chúng nó nói: Savoir-vivre.

Thái Linh said...

Ừ, có thể nghĩa tớ dùng là nghĩa cũ rồi, nhưng từ này được giữ nguyên dùng trong tiếng Ba Lan để chỉ các quy tắc, nghi thức như thế (không có từ khác thuần Ba Lan).