Friday, 24 April 2009
(opera) Madame Butterfly
Madame Butterfly của Giacomo Puccini là vở opera dựa theo vở kịch cùng tên của David Belasco. Puccini có dịp xem vở kịch này khi sang London dự buổi ra mắt vở Tosca ở nhà hát Convent Garden. Mặc dù một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết, nhưng vở kịch đã gây cho ông ấn tượng vô cùng sâu sắc.
David Belasco (1853-1931) mà tên tuổi ngày nay đã hoàn toàn bị lãng quên, là một trong những nhân vật đặc sắc nhất của giới sân khấu Mỹ thời kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Tổ tiên của ông là những người Do Thái Bồ Đào Nha phải bỏ trốn sang Anh từ thế kỷ XV vì bị đàn áp tôn giáo. Từ Anh, cha ông di cư sang California vào giữa thế kỷ XIX. David Belasco sinh ra tại San Francisco, nhưng lớn lên ở Victoria, Canada. Ban đầu, ông muốn làm linh mục, nhưng rồi lại đi theo tiếng gọi của sân khấu, cũng là tiếp nối truyền thống gia đình mà trong đó cha và bác ông đều là nghệ sỹ.
David Belasco viết “Madame Butterfly” vào năm 1900, vở kịch đã trở thành một trong những thành công lớn nhất của ông, được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt không riêng ở Mỹ mà còn ở các quốc gia Anh ngữ khác. Vở kịch chỉ có vỏn vẹn 1 hồi, dựa theo tiểu thuyết cùng tên được đăng tải trên một tạp chí Mỹ 2 năm trước đó của Jonh Luter Long - một luật sư xem việc viết lách như một thú giải khuyây ngoài giờ làm việc. Tiểu thuyết của Long kể về cuộc hôn nhân giữa một geisha Nhật và một sỹ quan hải quân Mỹ, cuối cùng đổ vỡ vì những xung đột về chủng tộc, văn hóa, tâm hồn… Trong tiểu thuyết, bối cảnh câu chuyện xảy ra ở Mỹ và Nhật, nhân vật chính là nàng Cio-Cio San tự tử không thành vì được cứu kịp thời. Trong vở kịch của mình, Belasco tập trung cho câu chuyện xảy ra chỉ ở Nagasaki, và để thêm phần kịch tính nên đã cho nàng Cio-Cio San “một đi không trở lại”.
Viết libretto cho vở opera này là Luigi Illica và Giuseppe Giacosa. Ban đầu, vở opera được ấn định là chỉ có prologue (phần mở đầu), nơi diễn ra hôn lễ của Cio-Cio San và thuyền trưởng Pinkerton, và một hồi. Sợ rằng như vậy sẽ quá ngắn, Puccini kéo ra thành 2 hồi.
Vở opera được ra mắt khán thính giả lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1904 ở nhà hát La Scala, Milan và… thất bại thảm hại! Đó là một trong những ngày đen tối và cay đắng nhất trong suốt sự nghiệp nghệ thuật của Puccini. Mặc dù có một dàn nghệ sỹ tuyệt vời, vai chính do Rosina Storchio - giọng ca sopran trữ tình xuất sắc nhất của Ý thời đó đảm nhiệm, vở opera thất bại một cách không thể cứu vãn. Nhà hát như biến thành một địa ngục. La Scala đã chứng kiến nhiều buổi ra mắt thất bại, nhưng không khí bao trùm trong nhà hát ngày hôm đó là một điều thực sự bất thường.
Rosina Storchio kể lại: „Lúc 8 giờ rưỡi, tất cả chúng tôi đã sẵn sàng, phục sức và trang điểm xong xuôi ở trong hậu trường. Tito gọi chúng tôi ra sân khấu. Anh nhìn chúng tôi từ đầu đến chân. Anh hài lòng. Mọi thứ đều ổn cả… Puccini lại gần tôi và nói “9 giờ rồi, chúng ta bắt đầu thôi. Campanini đã ra với dàn nhạc.” Tôi tiến ra cánh gà. Nhà hát không yên ắng. Tôi có một linh cảm xấu. Tôi trở vào phòng thay đồ. Khi dàn nhạc bắt đầu chơi, tay trái tôi siết chặt lên trái tim, tay phải làm dấu Thánh 3 lần…
Các tình tiết quá nhiều trong phần đầu, mọi người bắt đầu mệt mỏi. Một nghệ sỹ đi vào cánh gà và chửi thề “Chó má, khán giả kiểu gì vậy! Họ không làm gì hết, chỉ ho thôi! Quỷ tha ma bắt họ đi...” Trán tôi vã mồ hôi lạnh. Những người phục vụ đã sẵn sàng mở đường, bây giờ đến lượt tôi. Tôi hát „ Làn gió mùa xuân tươi tắn thổi đến từ biển và từ đất liền...”, nhưng một sự im lặng thù địch bao trùm khắp phía dưới. Đột nhiên một tiếng kêu phá vỡ im lặng „La Boheme, La Boheme!” Những giọng khác lặp lại theo anh ta „La Boheme! La Boheme! Chúng tôi đã nghe cái này rồi!” Một phần khán giả phản ứng bằng cách vỗ tay, nhưng điều này càng làm cho những người kia phản đối dữ hơn. Một hồi rất dài sắp kết thúc. Duet của tôi và Pinkerton làm họ dịu xuống một chút, nhưng khi câu hát trên kia trở lại, những tiếng la hét lại nổi lên: „La Boheme! La Boheme!”.
Khi màn hạ xuống chỉ có một ít tiếng vỗ tay và rất nhiều tiếng phản đối.(...) Trong giờ nghỉ không một ai vào hậu trường. Không một người bạn, không một nhà báo.(..) Chúng tôi nhìn nhau không nói gì hết, nản lòng và kinh hãi. Tôi nhìn gương mặt Puccini, những mảng lớn đỏ ửng lan khắp mặt. Ông căng thẳng hút thuốc, hết điếu này đến điếu khác, không để ý đến những người nhân viên cứu hỏa đang làm nhiệm vụ đang vờ như không nhìn thấy gì (...)
Aria „Un bel di vedremo” được đón nhận trong tiếng la ó phản đối. Có thể chính tôi cũng không kiểm soát được giọng hát của mình nữa? Nhưng tôi đã chắc rằng minh không thể hát với một sự biểu cảm lớn hơn thế... Toàn bộ phần cuối của vở opera được nghe với một sự lạnh nhạt bàng quan. Cái chết của tôi không tạo ra được cho họ một chút ấn tượng nào. Butterfly kết thúc trong những tiếng huýt sáo và la ó.”
Sau đó, Madame Buterrfly không được trình diễn thêm một lần nào ở nhà hát La Scala trong thời gian Puccini còn sống.
Kết cục thảm khốc của buổi ra mắt là một đòn đau giáng xuống Puccini. Ông kể lại: „Đó là một buổi tối khủng khiếp. Sự thất bại không mong đợi đã đâm tôi thât sâu. Nhưng tôi nhất quyết đương đầu với cảm xúc nổi loạn. Tôi quá yêu tác phẩm của mình để có thể tin vào những đánh giá khách quan đã làm tổn thương nó đến thế (...) Buổi tối hôm đó, đầy đau đớn, tôi đã thét lên tiếng kêu phản kháng. Nhưng ngày hôm sau tôi cảm thấy vô cùng tan nát và hổ thẹn. Tôi không khóc vì 3 năm công sức của mình, nhưng tôi buồn khi thấy giấc mơ thơ mộng mà tôi ôm ấp với một tình yêu như thế tan vỡ. Trong khoảnh khắc đó, tôi tưởng rằng mình không thể sáng tác thêm được một nốt nhạc nào nữa...”
Nhưng Puccini không gục ngã. Chỉ 2 ngày sau ông đã viết thư cho anh rể: „Anh Massimo thân mến! Anh hãy yên lòng, giống như tôi vậy. Đám mafia tàn bạo tra tấn tôi, nhưng không làm tôi gục ngã được. Butterfly sẽ sống lại, sẽ nở hoa, và sự hồi sinh sẽ đến rất nhanh thôi, rồi anh sẽ thấy!”
Quả vậy, thành công của Madame Butterfly đến ngay sau đó, vào tháng 5.1904 ở Nhà Hát Lớn Brescia. Thành công rực rỡ hoàn toàn bù đắp lại thất bại ở La Scala hôm nào. Có tới 7 đoạn bị khán giả yêu cầu hát lại. Người ta gọi tên Puccini mãi không thôi. Điều này khá lạ lùng vì Brescia cách Milan không xa, và rất đông khán giả hôm đó đến từ Milan, trong số đó có thể nhiều người mới chỉ 3 tháng trước đó đã „phỉ nhổ” Butterfly.
Một tháng sau, Madame Buttefly chinh phục Buenos Aires và thành công vang dội. Ngày nay, vở opera này trở thành một trong những vở được trình diễn nhiều nhất trên thế giới.
Nghe aria Un bel di vedremo
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment