Tuesday, 27 March 2012

Chiếc giường của Spinoza (Zbigniew Herbert)

Có một điều lạ là trong ký ức chúng ta, hình ảnh các triết gia được khắc ghi sâu sắc nhất vào giai đoạn cuối đời của họ. Socrates nâng ly độc cần lên môi, Seneca đang được người nô lệ mở phanh mạch máu (Rubens có một bức họa như thế), Descartes lang thang giữa các căn phòng lạnh lẽo trong lâu đài với dự cảm rằng vai trò gia sư cho hoàng hậu Thụy Điển sẽ là vai cuối của mình, ông lão Kant ngửi chút bột cải ngựa trước khi bắt đầu cuộc đi dạo thường nhật (cây gậy chống phía trước lún mỗi lúc một sâu hơn xuống cát), Spinoza bị căn bệnh lao phổi hành hạ đang nhẫn nại mài mắt kính, ông đã yếu tới mức không thể kết thúc Luận cương về cầu vồng... Một phòng trưng bày những nhân vật cao quý đang đi vào cõi chết, các mặt nạ nhợt nhạt, những cái khuôn thạch cao.

Trong mắt các nhà viết tiểu sử, Spinoza luôn là một nhà hiền triết mẫu mực – ông tập trung hết sức vào cấu trúc minh bạch của tác phẩm mình, tuyệt đối thờ ơ với những chuyện vật chất, hoàn toàn thoát khỏi các ham muốn. Nhưng có một tình tiết trong cuộc đời ông mà một số người im lặng lờ đi, còn với một số khác là sự quá quắt khó hiểu của tuổi trẻ.

Đó là vào năm 1656, cha Spinoza qua đời. Baruch bị người trong gia đình xem là kẻ lập dị, một gã trai thiếu thực tế, tiêu tốn thời gian quý giá vào việc nghiên cứu đám thư sách khó hiểu. Nhờ một âm mưu quỷ quyệt mà đầu trò là người chị cùng cha khác mẹ Rebecca và chồng cô ta Casseres, người ta đã tước quyền thừa kế của Spinoza, với hy vọng chàng trai trẻ lãng trí thậm chí chẳng nhận ra chuyện đó. Nhưng mọi chuyện lại xảy ra khác hẳn.

Baruch thưa kiện ra tòa với một sức mạnh không ai ngờ; anh mời các trạng sư, gọi các nhân chứng, tháo vát đâu ra đấy và đầy nhiệt tình, biết rõ hoàn hảo về từng tình tiết nhỏ nhặt nhất của thủ tục, vào vai người bị tước quyền lợi và người con bị hại một cách đầy thuyết phục.

Việc phân chia bất động sản được tiến hành khá nhanh (có các quy phạm pháp luật rõ ràng về phần này). Nhưng phần hai của tố tụng diễn ra đầy bất ngờ, khiến ai nấy căm phẫn và hổ thẹn.

Baruch – như bị ma xui quỷ khiến – bắt đầu đòi hỏi hầu hết mọi thứ trong ngôi nhà của cha. Bắt đầu từ cái giường, mà mẹ anh Debora đã qua đời trên đó (anh cũng không quên những tấm màn màu ô liu sậm). Rồi anh đòi những thứ chả có giá trị gì, giải thích đó là vì sự gắn bó tình cảm. Tòa án ngán ngẩm vô cùng, không sao hiểu nổi vì đâu mà gã trai khổ hạnh kia lại ngoan cố muốn thừa kế cái que cời, chiếc bình thiếc sứt quai, cái bàn bếp tầm thường, bức tượng mục đồng cụt đầu, cái đồng hồ hỏng trong hành lang đã thành ổ chuột, hay bức tranh treo trên lò sưởi, đen sạm đến nỗi trông như bức tự họa của hắc ín.

Rồi Baruch thắng kiện. Giờ đây anh có thể tự hào ngồi lên đống chiến lợi phẩm của mình, ném cái nhìn khiêu khích vào những kẻ đã ra sức tước quyền thừa kế của anh. Nhưng anh không làm điều đó. Anh chỉ chọn cái giường của mẹ (cùng các bức màn màu ô liu sậm) – và tặng những thứ còn lại cho những kẻ thua kiện.

Không ai có thể hiểu vì sao anh làm vậy. Tất cả dường như là một sự quá quắt rành rành, thực chất lại mang đầy ý nghĩa sâu sắc. Đúng vậy, như thể Baruch muốn nói rằng đức hạnh hoàn toàn không phải là nơi nương náu của những kẻ yếu đuối, mà hành động từ bỏ là hành động can đảm của những người hy sinh những thứ đáng thèm muốn thông thường (với không thiếu do dự và luyến tiếc) cho những việc khó hiểu và lớn lao. 

(Thái Linh dịch từ tập "Tĩnh vật với chiếc cương ngựa, NXB Tập san Văn học, Warszawa 2003)

2 comments:

Dũng Huy said...

thanks blog

hntuan said...

Vậy rốt cuộc ngay cả việc đòi thừa kế Spinoza vẫn là một người mẫu mực nhỉ.