Saturday, 21 April 2012

Linh hồn bé mọn (Zbigniew Herbert)




Tôi không thấy ở bất cứ đâu Freud vượt lên được tâm lý học của chính mình, và tôi chẳng rõ bằng cách nào ông muốn giải thoát những người bệnh khỏi sự đau đớn mà bản thân ông, như một bác sỹ, cũng đang phải chịu đựng. (Carl Gustav Jung)

Tôi không còn nhớ rõ mình đã bắt gặp văn bản ấy như thế nào. Có lẽ đó là vào thời gian tôi viết tiểu luận về Akrópolis, do công việc rất chật vật nên như thường lệ, tôi trốn vào thư sách, đọc các tiểu luận, các bài viết, bài báo rải rác trong các tạp chí khảo cổ học chuyên ngành và lập các ghi chép về chúng, dẫu lòng vẫn hồ nghi chẳng biết chúng có ích lợi gì không. Rõ ràng là tôi đã tự dối mình. Như thể tôi muốn biện minh rằng mình không vô công rồi nghề, rằng mình không rơi vào trạng thái tinh thần kiệt quệ, bởi vậy tôi làm một công việc thay thế, vô ích và chán ngán, với hy vọng từ sự vô ích và chán ngán đó tia sáng cảm hứng bất chợt lóe lên. Trong khi đó, mỗi ngăn kéo mục lục chuyên đề trong các thư viện tôi viếng thăm đều chứa hàng trăm tựa sách bằng các thứ tiếng khác nhau, hồ như muốn nói: „Anh vất vả mà làm gì, mọi thứ đều đã được viết ra, chẳng có gì để bổ sung trong lĩnh vực này. Vai trò duy nhất mà anh có thể làm là vai trò của người biên soạn”.

Chính trong thời gian bất an và lúng túng này, tôi bắt gặp bức thư Sigmund Freud gửi Romain Rolland nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của ông. Bức thư, theo như tính chất của nó, được dành để đưa vào cuốn sách lưu niệm mà bạn bè thân thiết xuất bản nhằm bày tỏ lòng trân trọng với nhà văn lớn.

Bỏ qua hình thức thư tín của phần mở đầu và kết thúc, có thể xem bức thư của Freud như một tiểu luận, và nó càng thú vị hơn khi người khởi thảo môn phân tâm học sử dụng phương pháp này với chính mình, hay nói chính xác hơn, với một tình tiết của trải nghiệm bản thân. Tình tiết này cách thời điểm viết thư hơn ba mươi năm và nhìn bề ngoài thì hoàn toàn nhàm chán, nó xuất hiện một cách dai dẳng và ngoan cố trong vùng ý thức – như Freud thú nhận - mà chẳng có nguyên nhân hay lý do nào rõ rệt.

Đó là năm 1904, như vào mỗi cuối tháng tám đầu tháng chín hàng năm, Freud và em trai quyết định nghỉ hè bên bờ Địa Trung Hải. Nhưng lần này kỳ nghỉ của họ ngắn hơn, nên họ thôi không du hành nước Ý như mọi khi, thay vào đó họ đến Trieste, rồi từ đó định ra đảo Corfu nghỉ vài ngày. Một người quen tình cờ gặp ở Trieste khuyên họ không nên thực hiện dự định ấy. Vào thời gian đó trên đảo rất nóng – anh ta nói – một chuyến tham quan Athens sẽ dễ chịu hơn nhiều. Đi bằng tàu thủy sẽ rất có lợi, vì còn dư ba ngày để thăm thú thành phố.

Đề nghị xem ra sáng suốt và hấp dẫn này – thật kỳ cục – lại khiến tâm trạng hai anh em trở nên khá u ám. Họ lang thang trong thành phố, không mấy dứt khoát, và thảo luận về dự định đi Athens chẳng lấy gì làm sôi nổi, họ chỉ nhìn thấy rặt những trở ngại. Nhưng tới giờ văn phòng Lloyd mở cửa, họ vẫn xuất hiện bên quầy và mua vé, như thể tạm quên đi trong chốc lát những khó chịu vừa qua.

Vào buổi chiều hôm chúng tôi đến, khi đang ở Akropolis và ngắm nhìn bao quát phong cảnh, đột nhiên một ý nghĩ kỳ cục này chợt đến với tôi: „Vậy là tất cả những điều này thực sự tồn tại, y như ta đã được học ở trường”. Nhận xét đó không mấy đặc biệt, nhưng thể hiện chính xác cảm nhận của tất cả những người lần đầu đứng trước Colosseum, trước tượng thần Vệ nữ thành Milo hay bức chân dung nàng Mona Lisa. Và Freud đưa ra một thăm dò mang tính phân tích vào sâu trong trải nghiệm và cảm nhận này, để chỉ ra rằng nó hoàn toàn không thông thường như người ta tưởng.

Theo người khởi thảo môn phân tâm học, ở đây xảy ra trường hợp đặc biệt đồng tồn tại trong cùng một tâm thức hai thái độ trái ngược và hai phản ứng hoàn toàn khác nhau đối với thực tại nảy sinh từ chúng. Dĩ nhiên đó không phải là một sự phân hóa bệnh lý của cái tôi, nhưng trong cá nhân hình thành một khe nứt bất an và mối quan hệ đơn giản giữa chủ thể và đối tượng trở nên bị xáo trộn. Ta hãy xem xét kỹ hơn hiện tượng này.

Phản ứng đặc trưng nảy sinh từ thái độ thứ nhất là sự ngạc nhiên, rằng Akropolis đang được nhìn thấy kia thật sự tồn tại, như thể trước đó sự hiện hữu thực sự của nó vốn bị nghi ngờ; ngược lại, phản ứng đặc thù của thái độ thứ hai là „ngạc nhiên vì sự ngạc nhiên đó”, bởi vì hiện thực Akropolis chưa bao giờ từng là đối tượng của hoài nghi.

Để minh họa cho thái độ thứ nhất, Freud nói rằng có thể so sánh nó, với đôi chút cường điệu, với phản ứng của một người đang lướt trên hồ Loch Ness ở Scotland thình lình nhìn thấy thân hình con quái vật nổi tiếng bị kéo lên bờ, khi ấy anh ta buộc phải công nhận: nó tồn tại thực sự, cái con quái vật biển mà ta chưa bao giờ tin ấy. Thái độ thứ hai, ngược lại, gần với chủ nghĩa hiện thực ngây thơ, chấp nhận vô điều kiện chứng thực của các giác quan, hoàn toàn mở ngỏ và không bị xáo trộn bởi bất cứ phản chiếu nào của thích thú hay kinh sợ.

Diễn giải tự nhiên nhất của hai cảm giác „kình địch” này là khẳng định rằng có sự khác biệt cơ bản giữa điều ta trải nghiệm trực tiếp và điều ta được nghe hay biết qua sách vở, và rằng chính sự chồng lấp của kiến thức với sở thị dẫn đến những cảm giác mâu thuẫn đó cùng sự xáo trộn cảm nhận thực tại. Song Freud không chấp nhận diễn giải này bởi theo ông nó quá sáo mòn và chẳng giải thích được điều gì.

Freud cố gắng truy dấu tại sao ở Trieste ông lại chối bỏ viễn cảnh đi Athens hấp dẫn đến thế, và tại sao ở Akropolis niềm vui sướng nảy sinh từ cuộc gặp gỡ trực tiếp với tuyệt tác kiến trúc lại bị bóng đen nặng nề của chủ nghĩa hoài nghi che phủ. „Theo chứng thực của các giác quan, giờ đây tôi đang ở Akropolis, chỉ là tôi không thể nào tin được điều đó”, hay chính cảm giác đó được thể hiện một cách rõ ràng hơn: „Điều bây giờ tôi đang nhìn thấy không phải là thực”.

Chủ nghĩa hoài nghi – chính xác là từ đó. Không chỉ là một từ – theo Freud – mà còn là điều gì đó lớn hơn nhiều, bởi đây là một cơ chế tâm lý ăn sâu trong con người. Chúng ta biết rõ hoạt động của cơ chế tâm lý này từ kinh nghiệm thông thường. Mỗi khi gặp bất hạnh, chúng ta cự tuyệt nó bằng tiếng kêu: „không, không thể thế được!”, như thể ta cố gắng loại trừ phần hiện thực này, chối bỏ nó khỏi phạm vi ý thức của chúng ta. Và tác giả dẫn ra một ví dụ văn học – trích đoạn trường ca „Ay de mi Alhama”, trong đó phản ứng phòng vệ này được biểu lộ rõ ràng. Vua Boabdil nhận được tin Alhama thất thủ. Ngài hiểu rõ rằng điều đó có nghĩa là vương triều của ngài chấm dứt. Song vì không muốn biết điều đó, ngài xử sự với tin chẳng lành như thể nó chưa đến được với mình, như thể việc chối bỏ nó có thể thay đổi được diễn biến tình hình.

Cartas le fueron venidas,
de que alhama era ganada
Las cartas echó en el fuego
y al mensagero mataba.

Có thể dễ dàng hiểu được hành xử và tâm trạng nhà vua. Đơn giản là ngài cố gắng chiến thắng sự bất lực của mình, chiến thắng cảm giác rằng quyền lực của ngài không còn vô biên như xưa nữa, bởi vậy ngài ném bức thư báo tin thất bại vào lửa và ra lệnh giết các sứ giả. Không thể thay đổi số mệnh, ngài hủy diệt phương tiện thông tin.

Phản ứng phòng vệ này không khó lý giải và có thể được minh họa bằng hàng loạt ví dụ ít cực đoan hơn, trong đời thường cũng như trong văn học, gần gũi hơn với kinh nghiệm thông thường. Freud chú ý đến mặt thứ hai của chính sự vận hành cơ chế tâm lý này, như ông khẳng định, cái mặt tối, phi lô gích và mâu thuẫn với bản năng sinh tồn. Và ông cố gắng chỉ ra rằng con người cũng phản ứng tương tự như trong trường hợp bất hạnh – nghĩa là chối bỏ hiện thực - khi đột nhiên gặp hạnh phúc bất ngờ, gặp vận may, phần thưởng lớn, được người con gái mình thầm yêu chấp nhận lời cầu hôn. Phản ứng này được biểu lộ rõ trong câu tục ngữ có mặt trong mọi ngôn ngữ châu Âu: „quá tốt đẹp nên không thể là thực”. Trong khi sự phòng vệ chống lại mệnh rủi là điều hiển nhiên, thì vì sao chúng ta lại có phản xạ hoài nghi và không tin vào điều mang lại niềm vui, là nụ cười của số phận – Freud hỏi. Ông gọi tình thế mâu thuẫn này là „tình thế thất bại bởi thành công” và cho rằng con người mắc bệnh không chỉ vì không đạt được những khao khát trong đời, mà cả khi những khao khát mãnh liệt được thỏa mãn.

Việc tự phân tích tâm lý này sẽ thiếu sót nếu cụ già tám mươi tuổi Sigmund Freud vào thời điểm viết bức-thư-tiểu-luận này không quay trở lại thời thơ ấu và thời hoa niên trong ký ức. Ông nhớ lại sự nghèo khổ của gia đình, không khí ngột ngạt, đầy cấm đoán, tuổi trẻ với các khả năng và chân trời bị hạn chế.

Không, Freud không bao giờ nghi ngờ sự tồn tại của Akropolis, nhưng ông chưa từng có chút hy vọng rằng khi nào đó mình sẽ được tận mắt nhìn thấy nó. Và trong cái ngày điều đó xảy ra, ông những muốn nói với em trai: „Em có nhớ thời trẻ của chúng mình không? Hàng ngày mình cứ mãi đi đến trường trên một con đường, còn chủ nhật thì đến Prater hoặc xó xỉnh nào mình biết rõ trong thành phố. Thế mà bây giờ mình đang ở Athens, trên đỉnh Akropolis! Mình đã trải qua chặng đường mới dài làm sao!” - „Và nếu có thể so sánh những điều nhỏ bé với những điều lớn lao – ông viết tiếp – liệu Napoleon I trong ngày lên ngôi ở Notre Dame có nói với em trai rằng: „Cha của chúng ta sẽ nói gì nếu bây giờ ông có thể có mặt ở đây nhỉ?”.”

Đó là biểu hiện của niềm vui sướng tự hào, nhưng nó chỉ diễn ra trong khoảnh khắc và gần như ngay lập tức bị xáo trộn bởi ý thức về việc vượt qua điều cấm kỵ, việc hái trái cấm, cảm giác tội lỗi sâu thẳm. Cảm giác tội lỗi ư? Phải, Freud đáp.

Có lỗi với ai? Cha Freud là một tiểu thương không giàu có lắm, học vấn không nhiều, và Akropolis chẳng có mấy ý nghĩa đối với ông. Nhưng các con trai đã hơn cha. Họ thật quá vượt trội so với cuộc hiện sinh bình thường của ông, họ „truất ngôi” ông và chính trong sự xâm phạm vào thần tượng người cha này cần truy dấu cảm giác tội lỗi đó, cảm giác đã tước đoạt đi niềm vui lẽ ra phải là một phần của những người đang tiếp xúc với tuyệt tác nghệ thuật.

Tại đây xuất hiện những lời phê bình của Freud : „Phải chăng mặc cảm người cha đã ngấm hết hoàn toàn vào quan điểm của trường phái Freud và chứng minh rằng nó chẳng thực hiện được bất cứ sự giải phóng đáng kể nào cho con người khỏi thuyết định mệnh của „câu chuyện gia đình”? Mặc cảm này với tất cả sự cứng nhắc định mệnh của nó và tính dễ kích động thái quá là một chức năng tôn giáo bị hiểu sai...”.

Trong bức-thư-luận-văn được viết vào cuối đời này, có lẽ chủ nghĩa bi quan sâu sắc của tác giả thể hiện nhiều hơn ở các thư văn khác. Đây không chỉ là chủ nghĩa bi quan thuộc về nhận thức, mà còn liên quan đến ngay chính bản chất con người, đến sự bất lực căn bản của anh ta trong việc đạt được hạnh phúc.

*

Tôi cố gắng tóm tắt một cách khả dĩ trung thành dòng tư duy của người khởi thảo môn tâm lý học chuyên sâu trong thử nghiệm nhỏ qua thư của ông nhằm giải thích một hiện tượng tâm lý cụ thể. Bởi thử nghiệm này được viết ra tuyệt hay và đầy khơi gợi, tôi bắt đầu suy nghĩ xem mình đã từng gặp điều gì đó tương tự hay chưa. Giống như khi đọc những cuốn sách giáo khoa bệnh học tâm thần, ta nhận ra ở mình, qua thấu cảm, những căn bệnh khác nhau được mô tả trong đó.

Trước hết tôi tự hỏi cảm giác tội lỗi của tôi trước các tuyệt tác như thế nào. Câu trả lời không hề dễ dàng, sự thú nhận đánh thức con quỷ của chủ nghĩa chủ quan, bắt ta phải nghĩ về thời thơ ấu, về những thất bại trong cuộc sống hay những người yêu dấu đã vắng xa, những người thân đã khuất của chúng ta, những người không được chia sẻ niềm vui sướng tuôn trào khi ta được trải nghiệm những điều đẹp đẽ.

Và nó là thế này: khi đứng ở Akropolis, tôi tưởng đến linh hồn những người bạn thua thiệt của mình, thương tiếc cho số phận họ, không phải vì tử thần nghiệt ngã, mà thương cảm vì họ đã bị tước đoạt mất sự huy hoàng vô tận của thế giới. Tôi đã gieo một hạt anh túc lên nấm mồ bị lãng quên.

Sở dĩ tôi dẫu sao cũng đã không bị rơi vào chủ nghĩa hoài nghi mà Freud miêu tả, vào nỗi xáo trộn của niềm tin về sự tồn tại thực sự của những gì tôi nhìn thấy, thì đó là vì một số nguyên nhân chính. Một khi tôi đã được chọn – tôi nghĩ – và điều đó chẳng vì công lao gì sất, được chọn trong trò chơi số phận mù lòa, vậy thì tôi phải ban cho lựa chọn đó một ý nghĩa, tước đi tính ngẫu nhiên và tùy tiện của nó. Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là đối đầu với sự lựa chọn và biến nó thành của tôi. Tưởng tượng rằng tôi là người đại diện hoặc đại biểu của tất cả những người đã không được toại nguyện. Và giống như khi là người đại diện hay đại biểu, phải quên chính mình đi, dốc ra tất cả sự nhạy cảm và năng lực hiểu của mình, để Akropolis, các giáo đường, Mona Lisa tái diễn trong tôi, dĩ nhiên trong chừng mực giới hạn của trí óc và trái tim tôi. Và để tôi có thể truyền đạt lại cho người khác những gì mình lĩnh hội được từ chúng.

Việc mình luôn cảm thấy không tự tin trước các tuyệt tác, tôi cho là chuyện tự nhiên. Các tuyệt tác có cái quyền tốt đẹp là phá vỡ lòng tự tin kiêu ngạo và truy vấn tầm quan trọng của chúng ta. Chúng lấy đi một phần hiện thực của tôi, bắt tôi phải im lặng và ngừng tất bật vì những chuyện linh tinh, ngu ngốc. Chúng cũng không cho phép „tôi – như thánh Thomas More nói - cứ lúng túng mãi quanh chuyện vượt lên một thứ được gọi là „cái tôi” „. Nếu chấp thuận gọi tất cả những điều này là cuộc giao dịch, thì đó là một giao dịch có lợi nhất có thể. Vì sự khiêm nhường và yên lặng, các tuyệt tác đổi cho tôi „mật ngọt và ánh sáng” mà tự tôi không thể tạo ra trong chính mình.

Một trong những tội lỗi chí tử của văn hóa đương đại là nó tránh đương đầu trực tiếp với các giá trị tối cao, cũng như lòng tin đầy ngạo mạn rằng chúng ta có thể tồn tại không cần các khuôn mẫu (thẩm mỹ cũng như đạo đức), bởi vị thế của chúng ta trong thế giới được cho là phi thường và không gì sánh được. Chính vì vậy ta chối bỏ sự trợ giúp của truyền thống, bì bõm trong nỗi cô đơn của mình, đào bới trong những ngóc ngách tăm tối của linh hồn bé mọn bơ vơ.

Một quan điểm sai lầm đang tồn tại là truyền thống giống như khối tài sản thừa kế và người ta thừa kế nó một cách máy móc, không cần gắng sức, bởi vậy những người phản đối việc thừa kế cùng những ưu tiên vô lý đứng ra phản đối truyền thống. Trong khi đó, mỗi tiếp xúc với quá khứ thực chất đòi hỏi nỗ lực, công sức, do đó nó khó khăn và không thú vị, bởi „cái tôi” nhỏ bé của chúng ta kêu lên và tự vệ trước điều đó.

Tôi luôn tha thiết muốn giữ niềm tin rằng các tác phẩm tinh thần vĩ đại khách quan hơn chúng ta. Và chúng sẽ phán xét chúng ta. Ai đó đã nói rất chí lý rằng không chỉ chúng ta đọc Homer, xem bích họa Giotto, nghe Mozart, mà Homer, Giotto và Mozart đang chăm chú nhìn, nghe chúng ta, khẳng định sự phù phiếm và ngu ngốc của chúng ta. Những kẻ không tưởng tội nghiệp, những kẻ đốt đền, những kẻ thanh lý quá khứ giống như những kẻ điên tàn phá các tác phẩm nghệ thuật, bởi họ không thể tha thứ cho sự bình yên, phẩm giá và hơi mát tỏa ra từ chúng.

(Thái Linh dịch từ tập tiểu luận "Mê cung bên bờ biển", Nhà xuất bản Tập san Văn học, Warszawa 2000)

No comments: