Saturday, 27 December 2008
Có gì đâu
Mình đã xa nhau
Chuyện thường tình của bao đôi lứa
Mặt trời vẫn lên, nắng ngoài song cửa
Bên hiên lũ trẻ chơi đùa
Hoa mộc lan vẫn nở đúng mùa
Sắc tinh khôi bừng lên trắng buốt
Những phím dương cầm vẫn ngân lên trong suốt
Những câu thơ vẫn lay động tim người...
Có gì đâu
Em vẫn nở nụ cười
Với những người hàng ngày gặp mặt
Em vẫn nói những lời nhã nhặn,
Vẫn hòa vào tấp nập sớm hôm
Vẫn rắc lên tóc mình một chút hương thơm,
Không quên nháy đèn cảm ơn khi sang làn xe trên đường cao tốc
Có gì đâu mà khóc
Chuyện thường tình, muôn thủa, có gì đâu...
Có gì đâu
Chỉ là
Một vết thương sâu.
(Thái Linh)
Sức mạnh của ngôn từ
Nguyên nhân của những giới hạn là gì? Đó là vì những gì được viết ra rất hiếm khi, chỉ trong những trường hợp đặc biệt, có thể gây ảnh hưởng một cách trực tiếp đến con người và tiến trình lịch sử. Những ảnh hưởng này thường là gián tiếp, thậm chí thoạt nhìn tưởng như là không thấy được. Vì vậy cần có thời gian để chúng đến được với nhận thức của người đọc, thời gian để những nhận thức này thành hình, thay đổi và sau đó ảnh hưởng đến những quyết định, thái độ và hành động của chúng ta.
Để viết có thể thay đổi cái gì đó, điều quyết định không chỉ là các tác giả, mà trước hết là người đọc, người nghe, sự nhạy cảm và lòng tin của họ với ngôn từ, sự sẵn lòng va thiện chí trong việc trả lời và phản ứng đối với chúng. Hoàn cảnh mà ngôn từ được phát đi và đón nhận, bầu không khí xung quanh, xu thế của thời đại và hiện trạng của văn hoá cũng là những yếu tố có ý nghĩa. Các tác giả không có ảnh hưởng gì đáng kể đối với những yếu tố này, trong khi chúng có thể làm giảm hoặc thậm chí cản trở sức mạnh và giá trị của ngôn từ.
Nhưng cho dù có những rào cản và ngăn trở này, tôi vẫn tin chắc rằng viết có thể làm thay đổi mọi thứ, và thay đổi được rất nhiều. Tôi nói dựa trên kinh nghiệm của rất nhiều bạn bè tôi, những người đã mạo hiểm bằng mạng sống của mình, đôi khi thậm chí đã hy sinh cả mạng sống, để bằng nghiệp viết và ngòi bút của mình không chỉ đưa thông tin về những gì đang xảy ra trên thế giới, mà còn bằng những thông tin ấy thay đổi hiện thực, lột trần cái xấu, hàn gắn vết thương và làm cho thế giới này trở nên nhân bản hơn.
Tôi xin đưa ra một trong số rất nhiều ví dụ. Rwanda từ năm 1959 là một đất nước luôn có những cuộc thảm sát bộ lạc và đẳng cấp xảy ra liên tục và có hệ thống mà cả thế giới đã không hề hay biết, vì trong vòng vài chục năm các nhà báo không được phép bước chân vào đất nước này. Bản thân tôi khi còn cư trú tại nước láng giềng Tanzania cũng đã vài lần tìm cách vào mà không được. Cho đến tận năm 1994 các bài viết về những cuộc thảm sát mới đánh thức dư luận quốc tế và từ đó Rwanda - lần đầu tiên trong lịch sử của mình - mới không còn là nơi của những cuộc thanh toán nội bộ hàng loạt và đẫm máu.
Chính việc viết - để lột trần và tố cáo, hay thông thường hơn - để cung cấp thông tin, đã góp phần quan trọng trong việc loại trừ các trại tập trung, lật đổ nhiều chính thể tội ác như chế độ độc tài Pol Pot, Mobutu, Amin hay Duvalier. Và chính bởi những văn bản luôn có thể thay đổi nhiều thứ mà suốt bao thế kỷ chúng là nỗi khiếp sợ của các chính quyền độc tài vốn luôn dùng mọi cách để chống lại. Vì thế mà người ta đốt sách, cưỡng bức lưu vong và tuyên án tử hình với những người cầm bút. Thực chất là chúng ta không thể hình dung được một cuốn sách giáo khoa lịch sử thế giới mà lại không có các chương về ảnh hưởng của văn bản, dưới hình thức truyền đơn, báo chí ngầm và những nhà xuất bản ngoài luồng, đối với tiến trình đấu tranh xã hội và chính trị.
Khi hỏi „Viết có thể thay đổi được gì không?”, chúng ta thường nghĩ đến những thay đổi tích cực và có lợi, đến một thế giới tốt đẹp hơn. Nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng viết cũng có thể thay đổi thế giới theo chiều hướng tiêu cực, làm tăng cái xấu, lòng hận thù và bạo lực. Đó là khi người ta viết với tinh thần cuồng tín, bài ngoại, với tinh thần của chủ nghĩa chính thống và chủ nghĩa phát xít, ví dụ như cuốn „Mein Kampf” của Hitler.
Tôi nghĩ rằng câu hỏi về mối liên hệ giữa viết và những sự thay đổi, về sự tồn tại và tính chất của mối liên hệ này, là rất quan trọng và luôn mang tính thời sự. Rất tốt là chúng ta đặt ra câu hỏi này ngày hôm nay – khi hiện thực đang đặt ra cho nền văn học những thử thách mới. Câu hỏi này nảy sinh từ nỗi bất an về hiệu quả của những gì chúng ta viết, về bản thân giá trị của việc viết lách. Vì một mặt chúng ta nhìn thấy sự bùng nổ của những sản phẩm viết – sách, báo và tạp chí ngày một nhiều hơn – nhưng đồng thời chúng ta cũng cảm nhận được bao nhiêu cái xấu trên thế giới này và thấy rằng dường như số lượng của những vấn đề và xung đột tăng lên chứ không giảm đi. Do đó mà có chủ nghĩa hoài nghi của nhiều người cầm bút, do đó mà chúng ta ngờ vực, thậm chí không tin vào ý nghĩa của việc viết lách.
Trí óc của con người hiện đại bị ngập trong những cơn lũ của ngôn từ, và điều này làm chúng rất nhanh mất đi giá trị và sức mạnh. Càng ngày người ta càng ít nói với chúng ta mà càng hay làm chúng ta mất phương hướng, mệt mỏi và kiệt sức. Nhưng đáng lẽ ra sự khủng hoảng thừa này không được làm chúng ta nản lòng. Văn học luôn gánh vác trách nhiệm. Từ hàng ngàn năm nay văn học luôn đồng hành với cuộc sống của các thế hệ, thường làm cho nó tốt đẹp hơn, và ngày nay không ai gỡ bỏ trách nhiệm này của văn học. Ngược lại, trong thời kỳ khó khăn mà chúng ta đang sống, nó bắt chúng ta phải nói bằng một niềm tin và sức mạnh đặc biệt, rằng: „Đúng vậy, viết có thể thay đổi điều gì đó trở nên tốt đẹp hơn, mặc dù không nhiều, nhưng chắc chắn là có thể.”
(Bài phát biểu trong Liên hoan văn học quốc tế lần thứ I „Những tiếng nói từ khắp thế giới” tổ chức tại New York vào tháng 4.2005, Thái Linh dịch)
Nhìn tận mắt
Krzysztof Masłon: Điều gì đã thôi thúc ông viết „Du hành cùng Herodotus”? Chúng tôi đã mong đợi một cuốn sách hơi khác, về châu Mỹ La tinh chẳng hạn, hay về quê hương Pinsk của ông. Vậy mà ông lại đưa bạn đọc trở về thời đại cách đây 2500 năm.
Ryszard Kapusciński: Xin đừng quên tôi vốn học ngành lịch sử, vậy nên không có gì là lạ khi tôi quan tâm đến tương lai và quá khứ (như với Herodotus) trên tư cách của một nhà sử học. Việc viết cuốn sách này khiến cho tôi rất mãn nguyện: giờ đây tôi vượt qua các biên giới về thời gian vói không kém phần ham thích như trước kia tôi đã vượt qua các biên giới về không gian. Mà cuốn „Sử ký” của Herodotus lại là một tác phẩm văn học lớn và chưa được đánh giá đúng mức.
KM: Chưa được đánh giá đúng mức? Các nhà sử học nghiên cứu về thời cổ đại vẫn thường xuyên trích dẫn trước tác này...
RK: Bởi vì họ chỉ nhìn thấy trong „Sử ký” của Herodotus nguồn thông tin về châu Âu và thế giới thời đó. Trong khi đó, đây là một tuyệt tác văn học, một tác phẩm văn xuôi lớn đầu tiên của châu Âu. Trước đó chỉ có sử thi, trường ca, các vở bi kịch, chứ không có văn xuôi! Mà lại là một áng văn thật tuyệt. „Sử ký” có kịch tính đặc sắc, diễn biến tâm lý tuyệt vời, mang những giá trị nhân chủng học lớn lao và được viết rất tuyệt.
KM: Có thể hiểu rằng khi gợi lại chuyện về Herodotus, ông đồng thời cũng đưa ra hình ảnh của chính mình – một phóng viên trẻ lần đầu tiên đi ra nước ngoài: đến Ấn Độ và Trung Quốc vào giữa thập niên 50, để rồi không lâu sau đó là sang châu Phi và hiểu về nó đến tận gan ruột, điều mà cuốn „Gỗ mun” của ông đã cho thấy.
RK: Để chuẩn bị viết cuốn sách này, tôi đã thu thập 140 bài báo. Khoảng mười mấy bài nói về chính Herodotus, người mà chúng ta thực sự biết đến rất ít, với nhiều giả thuyết hơn là những điều chắc chắn. Tôi không muốn viết một cuốn sách tương tự, nhất là khi tôi thấy điều đó không cần thiết. Tôi muốn đi một con đường khác, hồi tưởng lại những ngày đầu trong nghề phóng viên của mình, những điều mà tôi chưa bao giờ kể. Và tôi nhớ lại mình đã cùng „Sử ký” đi khắp thế giới như thế nào, cái thế giới bỗng nhiên mở ra trước mặt tôi, tôi đã đọc Herodotus và say mê ông như thế nào...
Sau ngày 11.9.2001, thế giới trở nên quan tâm nhiều hơn đến ... thế giới. Và tôi không giấu diếm là còn có một lý do nữa để tôi viết „Du hành cùng Herodotus”. Bởi vì người ta bắt đầu hay gọi điện cho tôi và đề nghị tôi bình luận về những vấn đề của châu Á, Iraq, đạo Hồi. Họ mời tôi dự các hội thảo, các cuộc phỏng vấn. Vài tháng trôi qua, tôi không viết được một chữ nào cả. Thời gian cứ trôi nhanh mà việc viết lách của tôi thì dậm chân tại chỗ. Tôi tự nhủ: „Đủ rồi”, và từ đó khi người ta hỏi tôi đang làm về vấn đề gì, tôi nói „Về vùng Cận Đông”. „Cái đó thật thú vị!” Nghe họ đáp vậy, tôi liền nói thêm rằng đó là vùng Cận Đông của 2500 năm trước. „Ồ, vậy thì thôi, chúng tôi xin cảm ơn”. „Không có chi”.
KM: Vậy có nghĩa là „Du hành cùng Herodotus” thực chất được hình thành từ sự „ngoan cố’?
RK: Có một chút như vậy. Nhưng với riêng tôi – là sự khám phá vẻ đẹp mới mẻ của những áng văn này. Nó rất sâu sắc, nó có một ngôn ngữ rất đẹp, thậm chí sáng chói, làm cho tôi hoàn toàn chìm đắm vào „Sử ký” và khám phá nó một làn nữa cho chính mình.
KM: Trong một chừng mực nào đó thì ông đã viết cuốn sách về Herodotus.
RK: Câu hỏi ở đây là: trong chừng mực nào? Đây là „Du hànhcùng Herodotus”, chứ không phải „Herodotus”. Đã có nhiều tư liệu người ta viết về ông, ngày nay chúng có thể đã trở thành xưa cũ rồi, nhưng đó là chuyện khác. Bởi vì môn khoa học lịch sử đã thay đổi. Trước đây chỉ cần đọc 2-3 cuốn sách giáo khoa lịch sử là người ta có thể nói rằng mình biết hầu như đủ. Bây giờ, để biết về quá khứ, cần phải thực sự đi sâu vào nó, vì có không biết bao nhiêu trường phái, bao nhiêu lý thuyết khác nhau, và càng ngày càng nhìều những dòng mạch mới, đòi hỏi người ta phải biết cách chuyển động trong cả cái đám bụi rậm ấy. Và khi đó chúng ta thấy khoa học trở nên phong phú, hấp dẫn lạ thường. Tôi đã có nỗ lực này, trong khả năng của mình.
KM: Điều gì trong „Sử ký” làm ông chú ý trước nhất?
RK: Sự tôn trọng người khác của tác giả và sự khiêm tốn đối với độc giả. Herodotus luôn trăn trở để làm sao có được nhiều kiến thức nhất và truyền đạt nó lại cho các thính giả của mình. Thời đó khả năng đọc và viết còn rất hạn chế, mọi thứ đều được truyền khẩu. Herodotus nói về „Sử ký” cho các học sinh của mình nghe và nhận tiền của họ. Vậy ông phải tìm cách tập trung sự chú ý và làm cho người nghe quan tâm, nếu không họ sẽ không trả tiền. Do đó „Sử ký” phải cuốn hút. Và nó đúng là như thế! Cuốn sách đầy các giai thoại hấp dẫn ẩn chứa những suy ngẫm sâu sắc và quan trọng. „Sử ký” viết với tinh thần dành cho người địa phương, vì Herodotus khi đó giảng cho những người địa phương rằng họ không phải là những người duy nhất hay quan trọng nhất, rằng thế giới rất phong phú, muôn màu muôn vẻ. Herodotus đã mở rộng tầm nhìn của con người. Chính ông là người đầu tiên mang đến cho tư duy của con người khái niệm „toàn cầu”, có thể nói rằng ông là nhà toàn cầu hoá đầu tiên.
KM: Có bao giờ ông bắt gặp ở Herodotus sự dối trá?
RK: Nói về sự dối trá ở đây là không thích hợp, có lẽ là sự nhầm lẫn hay thiếu hiểu biết thì đúng hơn. Những phát hiện của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khảo cổ học, vẫn luôn xác nhận những ghi chép của ông, thường là rất chính xác. Bởi vì Herodotus luôn kiểm chứng những gì nghe được nếu ông có thể. Khi ông nghe tin về kim tự tháp, ông đã vội vã đến ngay đó, trong cái nóng khủng khiếp, chủ yếu là đi bộ, để nhìn chúng tận mắt. Mà đó là hàng ngàn ki lô mét. Vào thời đó!
KM: Ông cũng đã kể về cái nóng kinh hoàng ở Khartoum, đến nỗi việc sang đường cũng trở thành không thể, chưa nói đến chuyện đi tiếp xa hơn. Ông có bao giờ nghĩ rằng trong các điều kiện như vậy tốt nhất là không cần kiểm chứng thông tin làm gì cho mệt, cứ để cho trí tưởng tượng hoạt động một chút?
RK: Không bao giờ, bởi vì đó sẽ là dấu chấm hết của tôi, với tư cách một phóng viên. Hơn nữa, với điều kiện thông tin liên lạc ở châu Phi vào những năm 60, phương pháp duy nhất để kiểm tra những gì đang xảy ra là đến tận nơi. Bên cạnh đó, đặc điểm của tất cả, tuyệt đối tất cả các thông cáo chiến tranh là sự dối trá. Mọi bên tham chiến đều nói dối, một cách rất vô liêm sỉ. Một nhà sử học người Anh viết sách về cuộc chiến Ả rập – Israel năm 1972, sau khi tổng hợp thông tin của cả hai bên, đã chỉ ra rằng con số thiệt hại được đưa ra lớn gấp 3 lần hiện trạng của các quân đội tham chiến. Ví dụ người ta nói về con số 600 chiếc xe tăng bị tiêu huỷ, mặc dù tổng số xe tăng của cả hai bên chỉ là 260.
Một cuốn sách quan trọng khác là „The First Casualty” của bạn tôi, cũng là nhà báo, Philip Knightley, nói rằng nạn nhân đầu tiên của chiến tranh chính là sự thật. Tác giả đưa ra một biên niên sử các sự kiện từ cuộc chiến Krym (cuộc chiến Nga Thổ 1853-1856 – ND) đến chiến tranh Việt Nam, đối chiếu những gì xảy ra với những gì người ta viết. Và bức tranh của mỗi cuộc chiến tranh đều là sự xuyên tạc thực tế. Hành động đầu tiên của mọi tướng lĩnh và mọi bộ tham mưu là cắt đứt truyền thông, cấm các nhà báo, vì họ có thể kiểm chứng các thông cáo chiến tranh được đưa ra. Trong chiến tranh, cách duy nhất để kiểm tra thông tin là tự mình kiểm tra ngay tại trận. Và tôi đã làm như vậy không ít lần. Bằng chứng duy nhất về sự thật của những lời tôi nói chính là bản thân tôi và sự có mặt của tôi – tôi đã ở đó và đưa tin từ đó. Còn nếu nói về trí tưởng tượng, thì hiện thực hấp dẫn hơn rất nhiều bất cứ một cuốn tiểu thuyết nào.
KM: Tôi nghĩ rằng có tồn tại ranh giới của sức chịu đựng của con người, sự sợ hãi trước hiểm nguy, nỗi khiếp sợ cái chết. Và người phóng viên, từ thời Herodotus, phải vượt qua được những điều này.
RK: Có những chuyện người ta làm vì chính mình. Không ai ép buộc anh ta cả. Thậm chí trong nghề nhà báo cũng không có sự ép buộc phải làm phóng viên, có thể làm các công việc khác, thậm chí có thể không rời khỏi bàn giấy. Có những chuyên ngành không đòi hỏi nỗ lực hay rủi ro. Nhưng luôn không thiếu những người say mê công việc này. Điều này không thể định nghĩa bằng những khái niệm vật chất hay bằng lý trí.
KM: Trong trường hợp của ông, những trải nghiệm của một phóng viên đã được viết thành nhiều cuốn sách, mà trước đây người ta xếp vào thể loại văn học hiện thực.
RK: Có nhiều thứ đã thay đổi, hầu như là tất cả. Hiện nay người ta không muốn đăng các phóng sự trên báo nữa, họ rút ngắn chúng tối đa. Một hình thức khác đã thắng thế, ngắn gọn hơn, mang tính chất truyền đạt thông tin nhiều hơn, còn các phóng sự thì tìm thấy mình trong văn học. Ví dụ, đây là năm thứ hai tôi cùng với Gunter Grass là những người chủ trì danh dự của Lettre Ulysses Award, giải thưởng của nhà xuất bản Đức „Lettre Internationale”, được gọi hơi quá một chút là giải Nobel của các phóng viên. Trị giá của giải thưởng này vượt quá 100.000 Euro, năm ngoái được trao cho Anna Polikowska cho các phóng sự từ Chechen. Năm nay, tôi sẽ trao giải lần thứ hai. Và tôi khẳng định rằng trong số các ứng cử viên cho Lettre Ulysses Award không có một nhà báo nào đang làm việc ăn lương cho một tờ báo hay hãng thông tấn nào.
KM: Tất cả họ đều hoạt động độc lập?
RK: Đúng vậy. Họ có những nhà xuất bản riêng, chu cấp kinh phí cho những chuyến đi của họ, hoặc là họ tự tìm được các nhà tài trợ. Họ đi khắp thế giới và viết sách, đăng các trích đoạn lên các tạp chí. Nhưng không ai làm công ăn lương cả, mặc dù rất nhiều người trong số họ bắt đầu sự nghiệp bằng công việc ở các toà soạn, nhưng họ chạy trốn khỏi đó ngay khi được đôc lập về tài chính. Thể loại mà chúng ta gọi là „văn học phóng sự”, trong tiếng Anh là „letter journalism” hay „new journalism” đã hoàn toàn thoát ly khỏi nguồn gốc ban đầu của nó là báo chí.
Lapidarium VI
Lapidarium cũng là tên một bộ sách 6 cuốn của Kapuściński bao gồm: Lapidarium (xuất bản năm 1990), Lapidarium II (1995), Lapidarium III (1997), Lapidarium IV (2000), Lapidarium V (2001) và Lapidarium VI (2007).
„Năm 1981, khi tình trạng thiết quân luật được ban hành, tôi đang làm việc tại tuần báo „Văn hóa. Vì toàn bộ tòa soạn thuộc Công Đoàn Đoàn Kết, tờ báo bị đóng cửa. Sau 3 tuần, người ta tiến hành các cuộc thẩm tra, nhưng tôi không tham gia. Chúng tôi cho rằng đó là việc bất hợp pháp, vì thế chúng tôi bị đuổi việc. Trong chứng minh thư của tôi vẫn luôn có mục ghi rằng tôi bị sa thải vào các năm 1981-1982. Lúc đó tôi thất nghiệp, tôi suy tính xem mình phải làm gì. Tôi từ chối các chuyến xuất ngoại vì khi ấy tôi không muốn xuất bản ở bất cứ đâu. Do đó, sự nghiệp phóng viên của tôi xem như kết thúc. Trước đó tôi đi nước ngoài, trở về, rồi lại một đề tài tiếp theo, lại một miền đất khác trên thế giới. Còn bây giờ không có gì cả, trống rỗng, kết thúc. Trong hoàn cảnh ấy tôi bắt đầu viết những ghi chép khác nhau, cho sự cân bằng tâm lý và sức khỏe của riêng mình. Điều này dần dần mang đến cho tôi một khái niệm – tôi thích nhất hình thức viết những đoạn ngắn. Con người không suy nghĩ bằng những câu chuyện. Tư duy của chúng ta bị phân ra. Trong giây phút này chúng ta nghĩ về một điều, vài giây sau chúng ta đã nghĩ về điều hoàn toàn khác. Tư duy của chúng ta là những đoạn ngắn. Các đoạn viết trong Lapidarium là biểu hiện của quá trình này. Lapidarium là những đoạn văn được viết một cách ngẫu nhiên trong các trường hợp rất khác nhau – đó là một thể loại văn ngẫu hứng. Loạt sách „Lapidarium” là một dòng chảy riêng, không liên hệ gì với các cuốn sách khác của tôi. Đôi khi đó là các trích dẫn, đôi khi là các mẩu đối thoại, phát ngôn của ai đó. Đây là một tập hợp tự do của những sự việc rất khác nhau, bởi vì như tôi đã nói, tư duy của chúng ta là thế - phong phú, không được sắp xếp, thường là rất rời rạc, không liên kết. Đó chính là kỹ thuật và hìnht hức của „Lapidarium” (...) „Lapidarium” có độc giả riêng của mình – những người yêu thích hình thức ghi chép này đôi khi giở cuốn sách ra – đó là cuốn sách có thể mở ra ở bất cứ trang nào và ngừng đọc ở bất cứ đâu.“
Một số trích đoạn trong Lapidarium VI:
*
Qui trình luôn lặp lại: Cam-pu-chia, Sierra Leone, Congo, Sudan: trước tiên tội ác được phép xảy ra, rồi sau đó mới có các động thái của cộng đồng quốc tế. Không có trường hợp nào mà bên ngoài can thiệp vàp ngay trong lúc họ đang giết người, và người ta luôn dùng lý do „thiếu bằng chứng” để biện minh cho sự thờ ơ ấy.
*
Đề tài vô tận: truyền thông và chính trị. Eward Luce trong „Financial Time” số ra ngày 20.4.2002 đã lưu tâm đến ảnh hưởng của truyền thông lên cách hành xử của các nghị sỹ quốc hội ở Ấn Độ. Khi các camera TV đang quay – các nghị sỹ kêu gào, nổi giận, chặn họng nhau, tranh nhau nói, họ muốn tỏ ra mình đang đấu tranh cho quyền lợi của các cử tri. Khi các máy quay được tắt đi, không khí trong phòng trở lại bình thường, thậm chí là thân ái.
*
Trong „Tự truyện” của Jorge Borges (Adam Elbanowski dịch), Borges viết về những quyển sách tồi mà ông viết thời trẻ: „Hôm nay tôi đã không còn cảm thấy day dứt vì sự thiếu chừng mực ấy: những quyển sách ấy là do một người khác viết”. Và tiếp theo: „ Tôi không cảm thấy có mối liên hệ nào với gã trai trẻ tuổi kiêu ngạo và có phần cứng đầu cứng cổ là tôi ngày ấy”. „Dùng cách viết tinh vi rắc rối là sai lầm và cái lỗi này bắt nguồn từ sự hợm mình. Tôi tin chắc rằng viết hay đòi hỏi phải giản dị.”
*
Thời tiết đẹp. Bầu trời trong sáng. Đã có màu xanh lá, nhưng màu xanh ấy vẫn còn bẽn lẽn, mong manh, trong suốt, màu xanh trên những đôi chân mảnh mai.
*
Gặp nhà xuất bản Tây Ban Nha – Jordi Nadal. “Tôi thích nói nhiều thứ tiếng – ông nói – vì trong mỗi ngôn ngữ người ta suy nghĩ khác nhau về thế giới, nhìn và miêu tả thế giới khác đi. Khi đó bức tranh thế giới phong phú và giàu có hơn.”
Không biết là thời đại gì đây: người ta phát cho tôi tờ rơi quảng cáo học tiếng Tây Ban Nha. Un idioma para mercados en crecimento (ngôn ngữ dành cho các thị trường đang phát triển). Vậy là không phải ngôn ngữ của Cervantes, Garcia Lorka, Ortega y Gasset, mà là ngôn ngữ dành cho thị trường!
*
Ngay cả một chuyến đi ngắn, dù là đi đâu đó rất gần trong vài giờ cũng lay động trong tôi nhịp điệu của việc viết lách, nó như một viên đá ném xuống mặt nước lặng. Các vòng sóng trên mặt nước lắng xuống rất lâu, và biến mất còn lâu hơn nữa.
*
Cách mạng hủy diệt và làm thay đổi. Nhưng không bao giờ đến cùng, hoàn toàn, triệt để. Bởi vì cái cơ cấu trước thường tạo ra và để lại những kho tàng vật chất và văn hóa lớn đến mức hệ thống mới quá yếu để có thể xóa sổ và vô hiệu nó hoàn toàn.
*
Đặc điểm nền văn minh của chúng ta? Sự mong manh và quên lãng.
*
Có tồn tại một thứ như là nhu cầu, như là cái đói được nhìn thấy bức tranh thiên nhiên, đồng cỏ, khu rừng, ngọn đồi, con đường làng, hàng cây ven đường, trảng đất trống, tóm lại là những gì chúng ta không có ở thành phố. Tôi cảm nhận được điều này khi đi tàu từ Vác-sa-va xuống Cracow. Tôi mang theo một cuốn sách về Hy Lạp để đọc dọc đường, cuốn sách quan trọng mà tôi chỉ mượn được không lâu, nhưng nào có đọc được! Tôi ngồi bên cửa sổ và nhìn chăm chú những phong cảnh lướt qua. Không có chuyện gì xảy ra hết. Những cái cây lướt qua trước mặt tôi trong một chuỗi lặng im. Bức tranh được ánh nắng sớm gay gắt chiếu sáng. Đó là cuối tháng ba, vẫn còn băng giá, nhưng đã cảm thấy được mùa xuân đang đến gần.
(Thái Linh dịch và giới thiệu)
Người mọi rợ
Chính Herodotus đã biết rằng những người khác là tấm gương mà chúng ta soi vào, rằng để hiểu mình, tốt nhất là phải hiểu người khác. Hàng thế kỷ Châu Âu đã không muốn nhớ điều này. Khái niệm: người khác, những người khác có thể hiểu theo nhiều cách và dùng với nhiều nghĩa, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, ví dụ như để phân biệt giới tính, thế hệ, dân tộc, tôn giáo v.v. Ở đây tôi dùng khái niệm này để phân biệt người châu Âu, người phương Tây, da trắng với những người chúng ta gọi là Người Khác – nghĩa là những người ngoài châu Âu, không phải da trắng.
Thể loại mà tôi theo đuổi là văn học phóng sự dựa trên kinh nghiệm nhiều năm du hành vòng quanh thế giới. Mỗi thiên phóng sự đều có nhiều tác giả và chỉ vì thông lệ lâu đời mà chúng ta ký một cái tên dưới bài viết. Trong thực tế đây là thể loại văn học được sáng tạo một cách tập thể nhất, bởi vì hàng chục người đã tham gia vào sự hình thành của nó, kể cho chúng ta nghe câu chuyện về cuộc đời họ, hoặc về những sự kiện mà họ tham dự hay nghe từ người khác. Những người xa lạ mà chúng ta thường không biết tường tận ấy không chỉ là một trong những nguồn kiến thức phong phú nhất về thế giới của chúng ta, mà còn giúp đỡ chúng ta trong công việc bằng nhiều cách khác nhau – tạo điều kiện cho các cuộc gặp gỡ, cho chúng ta ở nhờ hoặc thậm chí cứu mạng chúng ta.
Mỗi con người chúng ta gặp trên đường ấy đều có hai mặt - điều mà thực ra không phải lúc nào chúng ta cũng nhận thức được. Một trong hai bản thể ấy là con người bình thường như mỗi chúng ta, có những niềm vui và nỗi buồn riêng, có những ngày tốt và ngày xấu của mình, vui sướng vì thành công, không thích bị đói, không thích bị lạnh, cảm nhận nỗi đau đớn như là nỗi bất hạnh và đau khổ, thành công như là sự thỏa mãn và toại lòng. Bản thể thứ hai, bện lấy và chồng lên bản thể thứ nhất, là con người như một người chuyên chở văn hóa, chuyên chở sắc tộc, tôn giáo và niềm tin. Không bản thể nào xuất hiện trong trạng thái thuần túy và cách biệt, cả hai bản thể ấy cùng chung sống và ảnh hưởng lẫn nhau.
Vấn đề và cũng là khó khăn trong nghề phóng viên của tôi là ở chố mối tương quan giữa con người – cá nhân và con người – người chuyên chở văn hóa và sắc tộc không cứng nhắc, bất động, bất biến, được ấn định vĩnh viễn, mà ngược lại, đặc tính của nó là năng động, biến hóa, thay đổi nhịp độ tùy vào hoàn cảnh bên ngoài, vào những đòi hỏi của thời điểm hiện tại, mong đợi của môi trường xung quanh, thậm chí là vào tuổi tác và tâm trạng của chúng ta.
Bởi vậy không bao giờ chúng ta biết được mình đang gặp gỡ ai, mặc dù có thể đó vẫn chính là cái tên và hình hài của con người mà chúng ta đã quen biết từ trước. Chưa nói đến chuyện khi chúng ta chạm trán với người lần đầu tiên gặp mặt. Vì thế, mỗi cuộc gặp gỡ với Người Khác là một câu đố, một điều chưa biết, còn hơn thế nữa - là một bí mật.
Nhưng trước khi đến được cuộc gặp gỡ này, chúng ta – các phóng viên – đã chuẩn bị trước bằng cách nào đó. Thường là qua sách vở (vào những năm còn chưa có TV). Về căn bản toàn bộ nền văn học thế giới là dành cho Người Khác (...). Còn những nhà du hành lớn thời trung cổ thực hiện những chuyến đi đến tận cùng trái đất để đến với những Người Khác – từ Giovanni Carpine đến Ibn Battuta, từ Marco Polo đến Ibn Chaldun thì sao? Những cuốn sách làm cháy lên trong một số đầu óc non trẻ cái ham muốn đến được những ngõ ngách xa xôi nhất trên thế giới để tìm hiểu Người Khác. Đó là cái ảo tưởng đặc trưng về không gian – niềm tin rằng cái gì ở xa thì phải khác, và càng xa xôi thì càng khác biệt.
Tôi nói „trong một số đầu óc”, bởi vì trái với quan niệm thông thường, niềm đam mê đi xa không phải là niềm đam mê thường gặp. Con người về bản chất là một cá thể định cư, và đặc tính này đã ăn sâu vào anh ta kể từ thời điểm phát minh ra nông nghiệp và nghệ thuật xây dựng các thành phố. Con người rời bỏ cái tổ của mình thường chỉ khi bị ép buộc – bị chiến tranh hoặc nạn đói, bệnh dịch, hạn hán hay hỏa hoạn xua đuổi. Đôi khi anh ta lên đường để theo đuổi một niềm tin, đôi khi để tìm việc làm hoặc cơ hội cho con cái mình. Đối với nhiều người không gian xa xôi đánh thức nỗi bất an, sợ hãi trước điều khôn lường, thậm chí là nỗi khiếp hãi cái chết. Mỗi nền văn hóa đều có hàng loạt các lời nguyền và những hành động thần bí để che chở cho người lên đường đi xa.
Nói đến „đi xa”, tất nhiên tôi không nghĩ tới những chuyến du lịch. Theo cách hiểu của phóng viên chúng tôi „đi xa” là sứ mệnh và nỗ lực, là lao động cực nhọc và hy sinh, là công việc khó khăn, dự án đầy tham vọng cần phải hoàn thành. Khi đi xa chúng tôi cảm nhận được rằng có điều gì đó quan trọng đang xảy ra, rằng chúng tôi tham dự vào một cái gì đó mà chúng tôi vừa là nhân chứng vừa là tác giả, rằng chúng tôi có trách nhiệm về một điều gì đó. Cụ thể là chúng tôi có trách nhiệm về con đường. Chúng tôi thường có suy nghĩ rằng mình đi con đường nào đó chỉ một lần trong đời, rằng mình sẽ không bao giờ trở lại đó nữa và do đó chúng tôi không được làm rơi, bỏ sót, để mất điều gì trong hành trình ấy. Vì từ tất cả những cái đó chúng tôi hiểu được vấn đề, viết tường thuật và chuyện kể – trả món nợ lương tâm của chúng tôi. Bởi vậy khi đi xa, chúng tôi tập trung, sự chú ý của chúng tôi lớn hơn, đôi tai thính hơn. Con đường quan trọng đến thế vì mỗi bước đi trên con đường ấy đưa chúng tôi đến gần tới cuộc gặp gỡ với Người Khác hơn. Chúng tôi lên đường chính vì mục đích ấy.
Không chỉ việc du hành một cách tự nguyện – du hành như một lối sống – là điều hiếm thấy. Lòng tò mò ham tìm hiểu sâu hơn về thế giới cũng không phải là hiện tượng phổ biến. Lịch sử biết đến nhiều nền văn minh không hề tỏ ra quan tâm đến thế giới bên ngoài. Châu Phi chưa bao giờ đóng một chiếc thuyền để ra khơi và nhìn xem có gì sau những đại dương bao quanh nó. Những người dân của nó thậm chí không thử đến châu Âu nằm ở rất gần. Nền văn minh Trung Hoa còn đi xa hơn: đơn giản là họ tự rào mình lại với cả thế giới bằng bức tường thành lớn. (Dù rằng trên thực tế những đế quốc trên lưng ngựa có cách hành xử khác: người Ba Tư, Ả rập, Mông Cổ. Nhưng mục đích của họ không phải là tìm hiểu thế giới, mà là chinh phạt bằng vũ lực và đặt ách nô lệ. Hơn nữa thời kỳ hoàng kim và phát triển mạnh mẽ của họ tương đối ngắn, sau đó các đế quốc này sụp đổ, tan rã, bị chôn vùi trong cát bụi vĩnh viễn).
Trong tiến trình này nền văn minh châu Âu là một ngoại lệ. Đây là châu lục duy nhất từ thời Hy Lạp cổ đại đã biểu lộ sự tò mò đối với thế giới và lòng ham muốn không chỉ thống trị mà cả tìm hiểu nó. Trong trường hợp của những trí tuệ ưu việt nhất – đó hoàn toàn là ham muốn làm quen, tìm hiểu, tiếp cận và tạo ra cộng đồng nhân loại. Ở đây các mối quan hệ của chúng ta với những cư dân còn lại của hành tinh – những Người Khác – sẽ nổi lên với toàn bộ sự rõ nét, phức tạp và bi kịch.
Các mối tương quan này có chiều dài lịch sử. Trong sách vở chúng bắt đầu từ „Sử ký” của Herodotus. Nhà sử học người Hy Lạp sống cách đây hai ngàn năm trăm năm chỉ ra cho chúng ta thấy rằng cái thế giới mà ông tiếp cận được vào thời ấy đã có các cộng đồng lớn mạnh với nền văn hóa phát triển và ý thức mạnh mẽ về bản sắc riêng, rằng người châu Âu đầu tiên là ông – người Hy Lạp - mặc dù ông gọi người phi-Hy Lạp là những người nói lầm bầm khó hiểu (barbaros), đã ý thức được rằng Người Khác vẫn là ai đó. Chính Herodotus viết về những Người Khác một cách không hằn học và không miệt thị, ông cố gắng làm quen và hiểu được họ, thậm chí thường chỉ ra rằng họ ưu việt hơn người Hy Lạp trên nhiều phương diện.
Herodotus biết rằng để tìm hiểu những Người Khác thì phải lên đường, đến với họ, bởi vậy ông thường xuyên đi xa, ông thăm những người Ai Cập và Scythia, người Ba Tư và Lidia, ông ghi nhớ tất cả những gì nghe được từ họ cũng như những gì chính mắt nhìn thấy. Tóm lại – ông muốn tìm hiểu những Người Khác khi nhận thức được rằng để hiểu chính mình rõ hơn thì phải hiểu những Người Khác rõ hơn, để có thể so sánh, đối chiếu với họ. Ông – một công dân thế giới – phản đối việc tự rào mình lại với những Người Khác, đóng chặt cổng trước họ. Bài ngoại – dường như Herodotus nói - là căn bệnh của những người khiếp nhược, tự ti về sự thấp kém của mình, sợ hãi vì ý nghĩ phải soi vào tấm gương văn hóa của những Người Khác. Và toàn bộ cuốn sách của ông là việc dựng lên những tấm gương để trước hết chúng ta có thể nhìn thấy Hy Lạp và người Hy Lạp nhiều hơn và rõ ràng hơn.
Về sau, các cuộc gặp gỡ giữa người châu Âu và phi–châu Âu lại mang tính chất đặc biệt hung bạo và đẫm máu. Thực ra nó vốn đã là như vậy trước cả thời Herodotus, khi Hy Lạp đánh Ba Tư, và sau này cũng vậy, trong thời kỳ các cuộc chinh phạt của Aleksander Đại Đế, vào những năm bành trướng của Đế Quốc La Mã, trong giai đoạn viễn chinh của quân Thập Tự, vào thời các cuộc xâm lược Tây Ban Nha v.v. và v.v.
Nhân đây chúng ta hãy lưu ý rằng tư duy của chúng ta Âu châu trung tâm chủ nghĩa mạnh đến mức mỗi khi nói hoặc viết về mối quan hệ với những Người Khác, ví dụ về xung đột với những Người Khác, chúng ta ngầm hiểu rằng đây là xung đột của người châu Âu với những người phi-châu Âu, nhưng những xung đột tương tự và chiến tranh đã cuốn đi cả biển nạn nhân trong lòng những dân tộc ngoài châu Âu, trong đó người Mông Cổ đánh nhau với người Trung Quốc, người Aztek với những bộ tộc lân cận, người Hồi giáo với người Ấn Độ giáo v.v.
Tóm lại, sự va chạm của các nền văn minh không phải là một phát minh hiện đại, đồng hành với nó là cả lịch sử loài người. Ngoài ra cũng cần nhớ rằng xung đột, va chạm chỉ là một hình thức giao tiếp giữa các nền văn minh, và nó hoàn toàn không phải là hình thức bắt buộc. Hình thức thứ hai thậm chí còn thường thấy hơn là sự trao đổi, nhiều khi diễn ra đồng thời bên trong tình trạng xung đột. Ví dụ vào đầu thập niên 90 tôi đến Liberia. Ở đó đang có nội chiến. Tôi đi ra mặt trận cùng với một đội quân của chính phủ. Mặt trận chạy dọc theo một con sông có chiếc cầu bắc ngang. Bên phía quân chính phủ có một cái chợ lớn. Phía bên kia sông do quân du kích của Charles Taylor chiếm đóng không có gì hết, là một vùng đất trống. Ở mặt trận những cuộc bắn súng và pháo kích diễn ra đến trưa. Buổi chiều tất cả yên tĩnh, quân du kích đi qua cầu, sang chợ mua sắm. Họ gửi vũ khí cho người của quân chính phủ giữ, những người này sẽ trả lại vũ khí cho họ khi họ mua xong đồ trở về. Như vậy là ở nơi có xung đột quân sự đẫm máu sự trao đổi hàng hóa và những thứ khác vẫn diễn ra đồng thời. Người Khác có thể vừa được xem như kẻ thù, vừa như khách hàng. Chính là tình huống, hoàn cảnh quyết định trong một thời điểm chúng ta nhìn người đó là quân địch hay đối tác. Bởi vì Người Khác ấy có thể vừa là thế này vừa là thế kia, và bản chất mơ hồ bất định của anh ta cũng như hành xử mâu thuẫn mà chính anh ta cũng không hiểu được nguyên do phụ thuộc vào điều này.
Cuối thời trung cổ châu Âu và đầu thời kỳ hiện đại – cuộc viễn chinh lớn của châu Âu đi xâm lược thế giới, bắt Người Khác làm nô lệ và cướp bóc những gì anh ta sở hữu, đã ghi những trang đẫm máu và tàn ác vào lịch sử của hành tinh chúng ta. Qui mô của những hành động diệt chủng kéo dài hơn ba thế kỷ của thời kỳ đó mãi đến tận thế kỷ XX mới bị vượt qua, dưới hình thức của Holocaust.
Hình ảnh Người Khác mà những người châu Âu thời đó mang theo khi lên đường chinh phạt thế giới là bức tranh một người mọi rợ ăn lông ở lỗ, một kẻ ăn thịt người, một kẻ tà đạo mà người Cơ Đốc giáo da trắng châu Âu có quyền và nghĩa vụ thiêng liêng phải chà đạp và hạ nhục. Nguyên nhân của sự tàn ác và hung bạo lạ lùng đặc trưng của người da trắng này không chỉ là lòng thèm muốn vàng bạc và nô lệ đã làm hỏng trí óc và làm mờ mắt giới tinh hoa châu Âu, mà còn là mức văn hóa và đạo đức quá thấp của những người được cử ra thế giới. Phần lớn thủy thủ đoàn của những con tàu thời đó là các tội phạm, kẻ cướp, những kẻ cặn bã, trong trường hợp tốt nhất thì là những kẻ vô gia cư, thất thế, du thủ du thực. Bởi vì khó lòng thuyết phục được một người bình thường quyết đinh đi một chuyến giang hồ mà kết cục thường là cái chết.
Việc châu Âu cử đến cuộc gặp gỡ với Người Khác - hơn nữa lại là cuộc gặp gỡ đầu tiên – những đại diện tồi tệ nhất, gớm ghiếc nhất của mình đã bao phủ một bóng đen buồn bã lên các mối quan hệ của chúng ta với Người Khác, hình thành quan niệm phổ biến của chúng ta về họ, nuôi dưỡng trong đầu óc của chúng ta những định kiến, cảnh báo, ám ảnh, đôi khi còn tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác cho đến tận ngày nay.
Xâm lược, thực dân hóa, cai trị, bắt phải lệ thuộc – đó là phản ứng đối với Người Khác luôn lặp lại không ngừng trong lịch sử thế giới. Bản thân tư tưởng bình đẳng với Người Khác trong tư duy nhân loại được nảy sinh ra rất muộn, nhiều ngàn năm sau khi con người bắt đầu để lại dấu vết của mình trên trái đất.
Khi nói về những Người Khác, ở đây tôi giới hạn lại những mối quan hệ giữa các nền văn hóa và giữa các sắc tộc, bởi vì đó là môi trường mà tôi thường tiếp xúc nhất. Xem xét lĩnh vực này dưới góc độ lịch sử, có thể thấy rõ sau ba thể kỷ bành trướng tàn bạo và không khoan nhượng của các triều đình và tư bản châu Âu (ở đây không chỉ là các cuộc xâm lược người và đất đai bên kia đại dương, mà còn là các hành động trong châu lục – ví dụ như sự tàn sát các dân tộc Syberi của người Nga), vào thế kỷ VIII đã có sự thay đổi phần nào nhưng quan trọng trong bầu không khí và các mối quan hệ đối với Người Khác, thường là các cộng đồng phi-châu Âu. Đó là thời phục hưng, thời kỳ của chủ nghĩa nhân đạo, của phát hiện cách mạng rằng người không da trắng, không theo Cơ Đốc giáo man rợ ấy, cái Người Khác gớm guốc và rất không giống chúng ta ấy cũng là con người.
Con đường đến sự khai sáng này trước hết được văn học mở ra. Xuất hiện các tác phẩm của Daniel Defoe và Jonathan Swift, Rousseau và Voltaire, Fontenelle và Montesquieu, Goeth và Heder. Đó là sự bùng nổ rực rỡ của các tài năng, trí tuệ và trái tim; hàng chục tác giả lên án sự tàn bạo của những kẻ xâm lược thuộc mọi dân tộc, họ kêu lên rằng những Người Khác đang bị cướp bóc và giết hại ấy là bình đẳng với chúng ta, rằng đó là „những người anh em Thiên Chúa” cần được tôn trọng. Phong trào đấu tranh với chế độ chiếm hữu nô lệ phát triển, ngành vẽ bản đồ nở rộ, các cuộc thám hiểm khoa học được tổ chức, không phải để xâm lược và cai trị, mà là để khám phá những miền đất mới và tìm hiểu các sắc dân chưa từng được biết đến cùng văn hóa của họ. Thay cho nỗi sợ hãi trước Người Khác là lòng tò mò và ý muốn tìm hiểu họ kỹ hơn. Đồng hành với nó là sự phát triển chưa từng thấy của phóng sự và du ký, để ví dụ có thể kể ra những tác phẩm ngày nay đã trở thành kinh điển như „A Description of the East” của Richard Pocoke hay tác phẩm của James Cook hoặc Mungo Park, nhưng trước hết là „Histore generale des voyages” của Prévost – tuyển tập các tường thuật từ khắp thế giới. Người đồng niên với ông, triết gia và nhà tự nhiên học vỹ đại người Đức Albrecht von Haller vào giữa thế kỷ XVIII đã viết: „ Để xóa bỏ định kiến, không gì tốt hơn là hiểu biết về nhiều dân tộc với các phong tục, luật lệ và quan điểm khác biệt – sự khác biệt dạy cho chúng ta bằng một nỗ lực không lớn loại bỏ điều làm người ta khác nhau và nhận thấy điều mà tất cả các dân tộc đều giống nhau là tiếng nói của tự nhiên, bởi vì những quy luật tự nhiên ban đầu của tất cả các dân tộc là như nhau. Không xúc phạm ai, công nhận quyền sở hữu của mỗi người...”
Khi đó nhiều nhà tư tưởng, nhà văn và nhà du hành đồng tình với quan điểm của Heller, họ đã góp phần lớn vào việc mang lại sắc thái cho thời kỳ được xem như là thế kỷ của chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa đa cảm. Trong số họ có nhà sử học và triết gia vỹ đại người Pháp Guillaume Raynal, nhà bách khoa đã lên án mạnh mẽ sự chiếm hữu nô lệ và sự bóc lột của chế độ thực dân. Lần đầu tiên hình ảnh Người Khác như một thực thể duy nhất, có một không hai, được phác họa một cách sắc nét và nhân đạo đến vậy. Đó là một bước lớn đi từ hình ảnh sáo mòn của một người man di bất lường đến hình ảnh người đại diện đầy cá tính của nền văn hóa hay chủng tộc khác. Đó là cả một cuộc cách mạng trong tư tưởng Âu châu, khi người ta bắt đầu đi từ hình ảnh một người mọi rợ thô lỗ đến một cá nhân có đường nét con người và nằm trong gia đình nhân loại.
Lần đầu tiên, với tầm vóc và sự mạnh mẽ lớn đến thế, Người Khác trở thành vấn đề nội tại của văn hóa châu Âu, vấn đề đạo đức của mỗi chúng ta.
Kapuściński, sứ mệnh - phóng viên
Kapuściński không phải là khách trọ của các khách sạn lớn, ông du hành cùng với những người nghèo khổ nhất trong số những người nghèo khổ. Ông chia sẻ với họ nỗi sợ hãi và cái đói. Ông bị đe dọa thiêu sống, ném đá, bắn chết. Ông đã chiến thắng căn bệnh sốt rét não hiểm nghèo và bệnh lao phổi. Bất cứ nơi nào ông đến, ông đều trở thành một phần của cái thế giới mà ông viết về nó.
Ở ngay trên tuyến đầu.
Nhưng ông yếu ớt thế kia mà! Khi gặp ông lần đầu tiên vào tháng 1 năm 1999 ở sân bay Zurich, tôi cứ ngỡ mình lầm người. Sau khi đọc các phóng sự của ông, tôi hình dung ông phải to lớn như Indiana Jones. Lúc nhìn thấy cái người có ánh mắt ngơ ngác bước những bước không vững đang tách ra khỏi đám đông, để chắc chắn rằng đó là ông và để không đón nhầm người, tôi phải kín đáo liếc nhìn bức ảnh bìa sau cuốn sách tôi mang theo bên mình. Đây không thể nào là vị anh hùng đã trải qua cái lạnh bắc cực và bệnh sốt rét nhiệt đới - tôi nghĩ thầm – là con người đã tham gia vào hai mươi bảy cuộc cách mạng, đã đi hết châu Phi và Nam Mỹ chìm đắm trong chiến tranh, người đã trải qua băng giá của nước Nga xô viết và cuộc hồi sinh nóng bỏng của Hồi giáo.
Vậy mà đó chính là ông. Ryszard Kapuściński, tác giả „Gỗ mun” – cuốn sách về sức mạnh và những điểm yếu của lục địa châu Phi, tác phẩm được hình thành qua suốt 40 năm chu du. Tác giả của „Đế quốc” – chứng tích phi thường về sự tan rã của Liên Bang Xô Viết. Chính là ông, người đã ghi lại một cách vô tiền khoáng hậu thất bại của Sa Ba Tư và quá trình lên nắm quyền của ayatollah Chomeini, nhà báo đã biết được những bí mật hoàng cung của vị vua Ethiopia cuối cùng. Kể được những câu chuyện hai ngàn năm của Herodotus người Hy Lạp và đưa nó vào thời nay. Kapuściński, một trong những nhà báo hiếm hoi trên thế giới còn có thể đến được các nơi không được ánh chớp đèn pha chiếu rọi, xa rời khỏi những thông tin chỉ nhằm gây sự chú ý của công chúng. Một con quỷ chứ không phải là người – tôi nghĩ khi ông đứng trước mặt lúc làm thủ tục hải quan. Sức mạnh của ông ẩn giấu ở đâu? Làm thế nào mà người đàn ông quê mùa này đã đến được những nơi nguy hiểm nhất trên hành tinh và trở về với những cuốn sổ ghi chép đầy ắp các câu chuyện? Trong chuyến bay từ Zurich đến Milan tôi để ý thấy ông cảm ơn các cô chiêu đãi viên sau mỗi việc làm nhỏ nhặt nhất.
„Nghề của chúng ta phụ thuộc vào những người khác – ông cười, gần như xin lỗi vì sự lễ độ của mình. – Nếu anh không tôn trọng người khác, mọi cánh cửa sẽ đóng lại trước mặt anh.” Ông rất thoải mái vui vẻ, không hề thấy sự mệt mỏi sau hàng chục ngàn giờ bay mà ông có sau lưng. Ông không có khả năng chỉ trích người khác, một cách bẩm sinh. Ở Ba Lan người ta nói rằng thậm chí khi được hỏi „Ông nghĩ gì về Hitler?”, ông đã trả lời: „Đó không phải là một người tốt”.
Tôi còn gặp ông thêm ba lần nữa ở Vác-sa-va. Chúng tôi dạo bộ, lội trong tuyết ở một getto cũ, sau đó chúng tôi trò chuyện rất lâu trong căn gác đầy sách của ông, mỗi giá sách dành cho một châu lục. Tháng mười năm ngoái, khi ông thăm Ý lần cuối, tôi cùng ông đến Renon và Bolzano trong chuyến đi đến căn nhà nhỏ của Bronisław Malinowski, nhà nhân chủng học người Ba Lan đã đi chu du trên khắp các đại dương, các công trình của ông đã mang đến nền tảng cho phóng sự hiện đại.
Kapuściński muốn nhìn thấy nơi ấy, ông còn dự định lặp lại hành trình của Malinowski trên Thái Bình Dương. Đại dương là giấc mơ cuối cùng, là chân trời mong ước của ông. Ông khao khát một lần nữa được đốt những chiếc cầu sau lưng. Đi thật xa, xa tuyệt đối, nơi không ai biết ông, nơi không có các hội nghị và những cuốn sách đang chờ ông ký tên. Ông nghiêng người nhìn xuống đồi Isarco, ngắm dòng sông đang cuộn sóng ở tám trăm mét phía dưới. (...) Ông quan sát tất cả với sự chăm chú đặc biệt, nhìn thấy những điều mà người khác không nhận ra. Ông hạnh phúc vì thoát khỏi những cuộc gặp gỡ trang trọng và sự nổi tiếng. Những thứ ấy đối với ông là nhà tù.
Đồng cỏ, những chiếc lá đỏ tía, những cây táo, cây dẻ, ngôi nhà thờ xinh xinh của Đức Mẹ Xuống Tuyết.
Phía xa là những căn nhà nhỏ từ những năm hai mươi và toàn cảnh Thụy Sỹ.
Xung quanh là dấu ấn của những nhân vật tên tuổi đã đến nghỉ ở đây – Mahler, Kafka, Freud.
Phong cảnh không cho người ta viết, ông nói. Cái đẹp làm mất tập trung. „Tốt hơn là nhốt kín mình trong bốn bức tường, như các thầy tu. Không có phong cảnh nào hết. Không có sự mời gọi nào. Một mình với những hồi tưởng của mình. Cervantes viết Don Quixote trong tù, phải không? Tôi thì cố thủ trong căn gác xép của mình ở Vác-sa-va.” (...)
Ông bước đi và nói: “Bach đi bộ qua một nửa nước Đức để gặp thầy của mình. Herodotus đi sáu ngàn ki lô mét để kiểm nghiệm một chi tiết của lịch sử. Ngày nay chẳng ai làm những việc tương tự nữa. Vì sao? Cái sự trống rỗng này, chính các bạn cũng cảm thấy nó. Các bạn có internet, phải không? Nhưng cái đó không đủ cho các bạn, vì các bạn biết rõ rằng mình đang bị lừa phỉnh. Các bạn tìm những công cụ truyền thống. Các bạn cần những nhân chứng của lịch sử như tôi.”
Ryszard quan sát từng sự vật. Cái vựa đựng táo khô, những cái bao đựng hạt dẻ vừa thu hoạch, thậm chí cả đám phân bón. Ông di chuyển thận trọng, ông có cách kỳ diệu để giày không bị bẩn, như một chú bé khi đi đôi giày đầu tiên của mình. Tôi nhớ đến đôi dép ông đi trong căn gác xép của mình, rồi đến đôi giày dầm trong tuyết ở Vác-sa-va của ông. Những chiếc tàu điện với đèn nháy màu đỏ, những bước nhỏ của ông trong đám đông, những mảnh của cuộc sống đường phố, những quầy bán hoa, quảng trường.
“Tôi mua đôi giày đầu tiên cho mình năm hai mươi lăm tuổi – ông kể - Ở Pińsk hồi còn nhỏ tôi chỉ có dép rọ làm bằng sợi liễu.”
Đôi giày! Có gì tuyệt diệu hơn là được xỏ chân vào một đôi giày tốt, chọn một cái nghề để đi hàng ngàn ki lô mét với đôi giày ấy. Ước mơ này sinh ra từ mảnh đất quê hương ông,vùng mê cung sông nước Polesia nằm giữa Bạch Nga và Ukraine. Ông muốn trở lại nơi ấy, đi bộ, trở lại thế giới đã mất, kể về nó, để ký ức không biến mất. Một vùng nghèo khổ nhất châu Âu, toàn là sông và những làng nhỏ chỉ có thể đến được bằng thuyền. “Chúng tôi sống bằng cá, nấm, các loại dâu rừng. Nhưng chúng tôi là một cộng đồng lớn: người Do Thái, Litva, Ba Lan, Bạch Nga, Ukraine, Đức và Tắc-ta. Chính là ở đó tôi đã học được cách giao tiếp với Người Khác”.
Chúng tôi trở lại thung lũng. Ông nhìn qua cửa sổ, giở sổ ra và ghi chép, có Trời mới biết được ông viết gì. Tôi hỏi ông có muốn lên núi Alps nghỉ không. “Không – ông trả lời – tôi sẽ chán ngay sau ngày nghỉ đầu tiên”. Thế ở Vác-sa-va thì sao? “Vác-sa-va chỉ là nơi tôi nghỉ lấy sức và chuẩn bị cho chuyến đi mới”. Tôi gặng hỏi: những chắc ông cũng có một hòn đảo Ithaca nào đó của mình chứ? “Không, Odysseus lang thang khắp thế giới, nhưng mơ ước được trở về. Tôi thì không thể như vậy được. Định mệnh của tôi là lang thang. Tôi không có nơi trú ngụ. Tôi hành một nghề phá sức, nếu tâm huyết với nó thì không sống được lâu. Cần phải tự biết dừng lại. Nhưng không thể dứt nó ra được.” Chúng tôi đến nhà người bạn Francesco Comina ăn tối, bên kia dòng Talver chia Bolzano ra phần Ý và phần Đức, hơi giống như sông Netreva của Mostar. Trên bàn có rượu vang đỏ thơm ngon, tiếng nhạc nền, những tiếng trải bàn ăn vọng đến qua cửa sổ từ các căn nhà đặc trưng kiểu Ý lân cận. Phần Bozen của Đức hồ như xa xôi lắm. Phía trên mảnh sân nhỏ trước nhà là hình ngọn núi đen thẫm và ánh sáng đô thành, còn cao hơn nữa là các vì sao.
Chúng tôi đi bộ về qua sông. Ông mệt mỏi tựa vào thành cầu. Tin tức mới nhất nói về một cuộc tấn công quân đội Mỹ ở Iraq, nhưng nó không có ý nghĩa gì đối với ông. Ông nhìn xuống giày, cười một cách bất an: “Herodotus đã biết về Cận Đông cái điều mà người Mỹ ngoan cố không muốn hiểu. Ở đó không có một chiến tuyến, ở đó người ta tấn công rồi chạy trốn. Hai ngàn năm rưỡi trước vua Darius tin mình có thể chiến thắng người Scythia. Ông ta đứng trên thảo nguyên vô tận cùng với đạo quân vô dụng của mình trước kẻ thù bất khả lường. Bush vẫn chưa lĩnh hội được điều này.” Chúng tôi chậm rãi rời bước trong một đêm không trăng.
(Bài báo cảm động "Kapuściński - misione reporter" của nhà báo người Ý Paolo Rumiz đăng trên La Repubblica ngày 24.1.2007, một ngày sau khi Kapuściński mất. Thái Linh lược dịch từ bản tiếng Ba Lan.)
Thursday, 18 December 2008
Hoa mộc lan
Nuốt vào lòng buốt giá suốt mùa đông
Chắt từng giọt tinh khôi của tuyết
Để một lần nở bừng lên đến hết
Không mảy may giữ một chút riêng mình
Đem trắng trong thắp sáng khắp thân cành
Những ngọn nến của mùa xuân tươi mới
Đẹp dịu dàng mà chẳng hề yếu đuối
Hương nhẹ nhàng âu yếm tỏa lan...
Qua bao nhiêu lạnh lẽo gian nan
Những mùa giá băng còn trải dài trước mặt
Vẫn giữ trọn những gì thuần khiết nhất
Vẫn một tấm lòng chung thủy, trung trinh!
Vẫn là tình yêu trong trẻo ngọt lành
Trao cho người những giấc mơ có thật
Tặng cho đời bình yên bóng mát
Nơi bàn chân mỏi mệt tìm về...
Thái Linh
(4-2008)
Saturday, 13 December 2008
Mi thứ mùa Noel
Nỗi đau vẫn còn nguyên vẹn
Tinh khôi như tuyết đầu mùa
Thương một niềm tin trắng buốt
Đêm Thánh Vô Cùng năm xưa
Niềm tin như bông tuyết nhỏ
Tan ra trong ánh mặt trời
Còn lại trên tay nhức nhối
Một vùng bỏng tấy hồng tươi...
Thái Linh
Wednesday, 22 October 2008
Tunisie những ngày hè rực nắng
Chúng tôi đến Tunisie vào những ngày cuối tháng 8. Châu Phi nghe thì thật là xa, nhưng thực ra Tunisie chỉ cách Ba Lan gần 3 giờ bay. Điều bất ngờ đầu tiên mà Tunisie dành cho chúng tôi là hoa. Những giàn hoa giấy, rồi hoa dâm bụt, hoa ngũ sắc, hoa đồng hồ ... nở tưng bừng rực rỡ trong nắng hè, khiến chúng tôi có cảm giác như mình đang ở Việt Nam. Tunisie đã chào đón chúng tôi như thế, bằng nụ cười tươi tắn của những loài hoa dân dã nước mình. Và Tunisie là vậy – vừa mới lạ vừa thân quen, tưởng xa mà lại rất gần...
Chúng tôi nghỉ ở Hammamet Yasmine, một thành phố du lịch sạch vào bậc nhất Tunisie, cũng là nơi có bờ biển đẹp nhất. Nằm trên bán đảo Cap Bon, rất gần đảo Sicily của Ý, Hammamet Yasmine còn được gọi là „Vườn Địa Đàng” hay „Thành phố hoa nhài”. Và hoa nhài chính là điều bất ngờ thú vị tiếp theo của Tunisie. Buổi sáng đầu tiên ở Hammamet Yasmine, tôi ngỡ ngàng tận hưởng mùi hương hoa nhài thanh khiết, dịu dàng lan tỏa trong khuôn viên khách sạn. Không gian trong veo như những buổi sớm tinh khôi của một thời thơ ấu, trong mảnh vườn nhà ông bà ngọai ngày nào...
Một ngày mới bắt đầu. Sau bữa sáng, mọi người đi tắm biển hoặc giải trí bên bể bơi. Trời xanh. Nước xanh. Nắng vàng rực rỡ mà không gay gắt. Dưới tán rợp của những chiếc ô lá cọ, người ta có thể nằm dài hong nắng sau khi đã bơi lội thỏa thích, thư giãn trong tiếng nhạc khi êm dịu lúc rộn ràng và quên hết những ưu tư lo lắng thường ngày. Các nhân viên khách sạn nhiệt tình, dễ mến, hướng dẫn mọi người tập aerobic và thể dục dưới nước theo nhạc, hoặc bày những trò chơi vui nhộn quanh bể bơi. Cuộc đời trở nên thật đáng yêu và chan hòa niềm vui sống.
Sau một ngày nghỉ ngơi lười biếng, chúng tôi bắt đầu cuộc khám phá Tunisie bằng chuyến thăm quan Tunis-Carthage-Sidi Bou Said. Tunis, thủ đô của Tunisie, nằm ở phía Bắc, cách Hammamet Yasmine chừng 60 cây số. Càng đi về phía bắc, cây cối càng xanh tươi. Miền bắc là vùng có nhiều mưa nhất, với lượng mưa khoảng 1500 mm một năm. Ở đây có rừng, có các loại nấm và rau củ quả như ở châu Âu. Miền Trung có lượng mưa bằng một nửa miền Bắc, cây cối thưa thớt, chủ yếu là ô-liu. Miền Nam khô cằn nhất, chỉ có sa mạc và bán sa mạc, có những nơi 2-3 năm mới có mưa một lần. Do đó, cư dân tập trung chủ yếu ở miền Bắc. Hơn một phần ba người dân Tunisie sống bằng nghề du lịch.
Ngôn ngữ chính ở Tunisie là tiếng Ả rập và tiếng Pháp. Tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc trong các trường trung học. Vì thế, đến Tunisie bạn có thể giao tiếp rất thoải mái. Trong khách sạn, các nhân viên tiếp tân còn có thể nói trôi chảy tiếng Ý và tiếng Đức. Người Đức sang Tunisie du lịch rất đông, chỉ riêng năm 2003 đã có tới 600 ngàn người Đức đến đây nghỉ hè.
Thủ đô Tunis ồn ào, bụi bặm và kẹt xe giống như Sài Gòn vậy. Thành phố này có tới hơn 10 ngàn chiếc xe taxi, tất cả đều được sơn màu vàng. Hơn một phần ba lái xe taxi là phụ nữ. Tuy là một nước theo đạo Hồi, nhưng phụ nữ ở Tunisie có địa vị khá tốt. Tổng thống đầu tiên của Tunisie đã bỏ chế độ đa thê từ năm 1958 và mang đến cho phụ nữ nhiều quyền lợi, trong đó có quyền được đi làm như nam giới. Hiện nay Tunisie có 2 nữ bộ trưởng.
Người Tunisie treo ảnh tổng thống ở khắp nơi, kể cả trong tiệm ăn và khách sạn, thậm chí trước cửa ... nhà vệ sinh! Tổng thống hiện nay của Tunisie là người có tư tưởng tiến bộ và rất chú trọng đến giáo dục, ông đã từng tốt nghiệp đại học quân sự ở Mỹ và từng làm đại sứ Tunisie tại Ba Lan.
Trước các cơ quan của chính phủ đều có treo cờ và nghiêm cấm quay phim chụp ảnh. Tôi và cô bạn vì không biết điều này nên đã bị cảnh sát huýt còi nhắc nhở ầm ĩ khi chúng tôi đang quay phim chụp ảnh tháp đồng hồ trên đại lộ chính của Tunis. Nghe nói trong giải bóng đá Châu Phi vừa rồi, sau khi các cầu thủ Tunisie giành cúp vô địch, một cổ động viên nồng nhiệt đã leo lên tháp đồng hồ này và ...nhảy xuống đài phun nước bên dưới. Rất may là anh ta không hề hấn gì.
Đến Tunis cũng như các thành phố khác của Tunisie, bạn có thể sẽ nhìn thấy một cảnh tượng lạ mắt: trong các quán cà phê hai bên hè đường, các quí ông ngồi rất đông. Họ không nói chuyện với nhau mà tất cả đều ngồi quay mặt hướng ra đường phố, suốt cả ngày như vậy. Hầu như không thấy bóng dàng phụ nữ, nếu có thì cũng chỉ là khách du lịch. Hỏi ra mới biết, những người đàn ông trong quán cà phê là những người thợ lao động chân tay, thợ mộc, thợ nề, họ đang ngồi chờ việc. Nếu ở Tunisie bạn muốn thuê thợ thì ra quán cà phê, chủ quán sẽ chỉ cho bạn đúng bàn có người thợ mà bạn cần tìm. Thất nghiệp ở Tunisie khá cao, con số chính thức là 12%, nhưng trên thực tế, con số này có thể lên đến hơn 20%.
Khu phố cổ của Tunis nằm cuối đại lộ chính, rất giống Hàng Ngang – Hàng Đào ở Hà Nội, nhưng chật chội hơn nhiều. Mọi người chen chúc đi, chen chúc bán bán mua mua những mặt hàng thủ công mỹ nghệ đầy màu sắc bày đầy hai bên đường phố. Dù muốn dù không, bạn nhất định phải ...mặc cả. Những người bán hàng ở Tunisie nói thách không kém gì chợ Bến Thành, thậm chí còn khủng khiếp hơn. Họ thường „trông mặt mà bắt hình dong”, hỏi xem bạn là người nước nào trước khi „hét” giá. Sau vài lần mua bán, chúng tôi đã rút ra được kinh nghiệm: tốt nhất nên nhận mình là người Cam-pu-chia, cùng lắm là Philippines hay Malaysia, bởi vì họ chẳng biết Việt Nam là nước nào cả. Nếu dại dột mà nhận là người Nhật hay Hồng Kông, bạn sẽ được nghe một cái giá trên mây và lập tức trở thành nạn nhân của những người bàn hàng. Họ sẽ „chăm sóc” bạn tận tình bằng đủ mọi phương cách, thậm chí dồn bạn vào một góc, bắt bạn phải nói chuyện với họ, lúc đó bạn chỉ còn một cách tốt nhất để thoát thân là ... mua đại một món gì đó! „Chiến tích” mặc cả oanh liệt nhất của tôi là trả giá cho một món đồ lưu niệm từ 285 dinar xuống còn ...21 dinar! Anh bán hàng vừa hỏi đi hỏi lại xem tôi có bị điên không, vừa nhận tiền và ấn món đồ vào tay tôi, sau đó còn than thở rằng mình sắp sạt nghiệp. Mua bán ở Tunisie là như thế, vừa kinh hoàng vừa buồn cười. Là người Việt Nam mà tôi còn thấy rờn rợn, không hiểu những du khách Tây Âu thì sẽ xoay xở chống đỡ ra sao.
Tunis có bảo tàng Bardo, nơi lưu giữ các bức tranh ghép mảnh (mosaic) nhiều và quý nhất thế giới. Những bức tranh ghép mảnh mang trong mình các sự tích khác nhau, có những bức rộng tới vài chục mét vuông, khiến du khách trầm trồ thán phục bàn tay tài hoa của những nghệ nhân xưa. Bảo tàng Bardo là đã được UNESCO xếp hạng là di sản văn hóa thế giới.
Nằm bên bờ biển ngoại ô Tunis là khu di tích Carthage. Thành phố Carthage được hình thành từ năm 814 trước công nguyên. Nơi đây từng là một trung tâm thương mại sầm uất, người Carthage nổi tiếng giỏi buôn bán và sản xuất rượu nho, dầu ô-liu, lúa mạch... Họ cũng nổi tiếng vì sự lạnh lùng tàn bạo đối với những người dân bị họ đô hộ. Carthage đã có giai đoạn vô cùng hưng thịnh, từng thống trị cả bờ biển Sicily, bán đảo Iberia, Malta, Baleary ..., cuối cùng tàn lụi sau ba cuộc chiến tranh với người La Mã. Carthage bị người La Mã san bằng, một đế quốc cuối cùng bị chôn vùi trong đất đá. Dấu tích của một Carthage lừng lẫy thủa nào giờ chỉ còn sót lại chút đổ nát của một khu nhà tắm dành cho vua chúa thời xưa. Biển vẫn xanh màu xanh tuyệt đẹp ngoài kia, những chiếc tàu trắng nhẹ nhàng rẽ sóng trong làn gió nhẹ. Biển từng là chứng nhân cho những thăng trầm dâu bể của Carthage, biển giấu trong lòng mình biết bao điều bí mật, giờ đây như đang âu yếm vỗ về và xoa dịu những vết thương xưa...
Không xa Carthage là Sidi Bou Said, khu phố xinh đẹp nằm trên một ngọn đồi cao bên bờ biển. Mọi căn nhà ở đây đều được quét vôi trắng, tất cả các cánh cửa đều được sơn màu xanh lam. Theo quan niệm của người Ả Rập, màu trắng tượng trưng cho đất, màu xanh lục tượng trưng cho thiên đường và màu xanh lam là màu đem đến may mắn hạnh phúc. Sidi Bou Said mê hoặc tôi bởi những con hẻm nhỏ và bất ngờ, với những cầu thang dốc dẫn ra biển. Đột nhiên biển hiện ra cùng với một con hẻm, xanh như thơ và bình yên đến không ngờ. Cứ thế, biển ẩn nấp và tặng cho du khách những thoáng xanh bình yên. Cho đến cuối con đường đá dốc, biển bỗng hiện ra mênh mông và thăm thẳm dưới chân mình. Còn gì tuyệt vời hơn khi được tay trong tay cùng người yêu dấu tản bộ trên con đường thơ mộng của Sidi Bou Said, hay ghé vào một quán cà phê đâu đó trên triền dốc, ngồi bên nhau đón làn gió biển nồng nàn... Sidi Bou Said vốn được mệnh danh là „con đường dạo chơi của những người tình”.
Nhưng còn một Tunisie hoàn toàn khác đang chờ chúng tôi khám phá – Tunisie của sa mạc Sahara huyền bí, của lạc đà, các ốc đảo và những cây chà là. Tunisie của châu Phi. Chuyến thám hiểm 2 ngày đến miền Trung-Nam Tunisie đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó phai mờ, và có lẽ, đó là 2 ngày đáng nhớ nhất trong năm của chúng tôi.
Điểm đầu tiên của cuộc hành trình là El Jem, nổi tiếng với đấu trường La Mã được xây từ những năm 214-218 sau công nguyên. Tuy không lớn bằng đấu trường ở Rome, nhưng colosseum El Jem được giữ gìn nguyên vẹn nhất thế giới. Giờ đây, colosseum này là nơi trình tấu nhạc cổ điển quốc tế. Hàng năm giàn nhạc giao hưởng Vienne đều tới đây biểu diễn. Đây cũng là nơi thực hiện các cảnh quay trong bộ phim Ba Lan „Quo Vadis”.
Rời El Jem, chúng tôi đi qua vùng trồng ô-liu lớn nhất Tunisie (với hơn 60 triệu gốc ô-liu) để đến Matmata. Đây là vùng đồi núi bán sa mạc. Người dân Matmata ở trong các ngôi nhà đục ngay vào lòng núi để tránh nóng. Họ sống rất đơn sơ, nằm ngủ dưới đất trên tấm nệm lông cừu. Họ sống trong một thế giới khác, yên tĩnh gần như tuyệt đối và hoàn toàn xa lạ với thế giới hiện đại ngoài kia.
Chúng tôi tới Douz, nơi có tới mấy chục ốc đảo san sát nhau. Chỉ thấy chà là và chà là. Chúng tôi thỏa thích ngắm nhìn những cây chà là chi chít trái chín vàng ươm, nguồn sồng ngọt ngào của sa mạc. Tôi bỗng nhớ đến một câu của Paulo Coelho „Có thể Thượng đế tạo ra sa mạc chỉ để cho con người biết quí trọng cây chà là”. Món quà quí báu của Thượng đế giờ đây đang hiện diện đầy quanh tôi, thật hào phóng và xanh tươi.
Douz cũng là nơi tổ chức các cuộc đua lạc đà hàng năm. Các chú lạc đà đua được xếp vào loại đắt giá nhất. Tiếp theo là lạc đà để phối giống. Lạc đà chuyên chở thuộc loại rẻ tiền nhất. Lạc đà đối với người dân Tunisie cũng là một lọai tài sản, như trâu bò đối với người nông dân Việt Nam vậy.
Và đây, sa mạc Sahara đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Sa mạc huyền bí mà tôi từng say mê qua những trang sách Paulo Coelho! Chúng tôi mặc trang phục Ả rập được phát, leo lên lưng lạc đà và đi sâu vào lòng sa mạc. Những chú lạc đà hiền lành bước thong dong trên cát. Cát sa mạc mịn như bột mì và không hề nóng bỏng như tôi tưởng tượng mà chỉ hơi âm ấm. Màu xanh của các ốc đảo hiện lên xa xa cuối chân trời. Tôi đã từng ước mơ được nhìn thấy sa mạc. Giờ đây sa mạc ở ngay dưới chân tôi. Gió sa mạc thổi nhè nhẹ. Không biết có phải là những ngọn gió Levante không nhỉ? Tôi đang vừa lắc lư mơ màng trên lưng lạc đà vừa tận hưởng cảm giác say sưa khi giấc mơ trở thành hiện thực thì chợt nghe tiếng nhạc điện thoại di động của cô bạn kêu réo rắt. Mấy người trong đoàn cười ồ. Thì ra có người ở Warszawa muốn rủ bạn tôi đi ăn cưới. Bạn tôi phải xin lỗi không đi được với lý do hiếm thấy: vì đang bận cưỡi lạc đà trên sa mạc Sahara!
Sáng hôm sau, chúng tôi đến Chott El Djerid, hồ nước mặn lớn nhất châu Phi. Tùy theo nồng độ muối, nước sẽ có các màu khách nhau. Với độ mặn 30-40% nước có màu hồng; 50-60% - màu đỏ và 80-90% thì là màu tím. Muối kết tinh trong lòng đất thành những hình thù đẹp mắt, trông như những bông hoa. Người dân đắp muối thành hình những chú lạc đà, hình người, hình ngôi nhà rất sinh động. Ánh nắng sớm trải dài trên mặt hồ, không gian bao la thoáng đãng khiến lòng người cũng như khóang đạt hơn.
Những người ưa thám hiểm chắc chắn sẽ rất vui thích với phần sau của hành trình: đi xe Jeep lên ốc đảo trên núi ở Chebika. Ở đây có thác nước, như phép thần giữa cả một vùng sỏi đá khô cằn. Thác nước không lớn lắm, nhưng giữa sa mạc thì lại là cả một kỳ quan.
Giờ đây, Warszawa đang chớm vào thu. Mùa hè đã khép lại sau lưng với những kỷ niệm rực rỡ sắc màu, nhưng dư âm của Tunisie vẫn còn ấm áp trong tôi. Bất giác, tôi thấy mình đang lẩm nhẩm những câu hát quen thuộc „Em muốn được cùng anh về vùng biển vắng, mình sẽ sống những ngày hè rực nắng...Dưới bóng dừa lả lơi, sẽ nói yêu anh mãi, nói những lời yêu thương đã từ lâu ôm ấp trong lòng hoài...”
Vác-sa-va, tháng 9.2004
Cổ cồn trắng
Tôi nhìn lên bàn và quyết định: trong mười lăm phút tới của cuộc đời, tôi sẽ toàn tâm toàn ý với nó. Tôi sẽ tận dụng mọi giác quan để thưởng thức nó, mặc dù, có thể nó không xứng đáng với một sự toàn tâm toàn ý cao độ như vậy. Nó – tách chocolate bình thường của một quán cà phê bình thường trong sân bay – không cần đếm xỉa đến cam kết của tôi, chẳng quan tâm đến nỗi băn khoăn của tôi, vô tư hiện hữu trên mặt bàn và tỏa hơi thật hồn nhiên. Làn hơi mỏng làm hình ảnh chiếc ghế phía bên kia bàn nhòe đi một chút. Trong khung hình mờ ảo này, bất ngờ một gương mặt hiện ra, chói lòa như ánh sáng của một đường kiếm. Tôi thấy lồng ngực mình như bị nén chặt lại. Trước giây choáng váng tôi vẫn còn kịp nhớ ra, trong những trườnng hợp như thế này ông đạo diễn bạn tôi thường nói „Tim anh bị hụt mất một nhịp”.
Tôi chưa bao giờ nhìn thấy gương mặt nào đẹp sáng ngời và đầy nam tính đến như thế.
Người đàn ông xin phép và ngồi xuống trước mặt tôi. Phút choáng váng đã qua. Công việc đã dạy cho tôi cách trải qua những cơn chóang váng thật nhanh và không biểu lộ chúng ra ngoài. Chỉ cần một cái liếc mắt, tôi đã biết lý do tại sao tia sáng này lại xuất hiện trước mặt tôi: trong quán, chỉ có chiếc ghế này là còn trống.
Sự xuất hiện này đã làm thay đổi cam kết của tôi với tách chocolate. Tôi bắt đầu dồn tâm trí vào người đàn ông mà số phận bỗng nhiên đặt phịch xuống trước mặt mình, ít ra là trong mười lăm phút kém vài chục giây.
Anh ta là ai nhỉ? Rất có thể là một diễn viên. Vầng trán rộng và phẳng, mũi cao thanh tú, đôi môi gợi cảm hơi mím lại. Nếu mái tóc này chải ngược ra phía sau và khóe miệng hơi nhếch lên, anh ta sẽ vào vai Howard Hughes thích hợp hơn Leonardo diCaprio rất nhiều. Thành thực mà nói thì tôi có thành kiến với khuôn mặt hình tam giác, cái cằm nhọn và đôi mắt khôn vặt của anh chàng Leo, không hào hoa và kiêu hùng chút nào.
Nhưng cũng có thể anh ta là một doanh nhân, đang đợi máy bay sang Hồng Kông hay Singapore gì đấy, ký hợp đồng chớp nhoáng một cái, rồi mai lại quay về Vác-sa-va. Đôi mắt sáng vừa có uy vừa như tinh quái, vừa lấp lánh hài hước vừa như sắc lạnh. Đôi mắt như thế này tôi hay gặp trên gương mặt của những doanh nhân trẻ thành đạt. Giày đen bóng, toàn bộ trang phục đều màu đen, anh ta có vẻ là một người lịch thiệp.
Nhưng ánh sắc trong đôi mắt làm tôi băn khoăn một chút. Có thể anh ta không đi ký hợp đồng và làm ăn một cách nghiêm chỉnh, mà đang trên đường đi sang Curacao, Panama, Mauritius hay một thiên đường thuế khóa nào đó, để lập vài ba cái công ty ma, làm vài phi vụ mờ ám. Biết đâu những phi vụ đó đã xong rồi, bây giờ anh ta đang chuẩn bị giải thể cái mớ công ty đã hết giá trị sử dụng. Thêm một cặp kính đen vào, gương mặt này rất có thể là của một tay ma-phia có hạng.
Hơi áy náy vì đã để trí tưởng tượng đi quá xa và không biết chừng sẽ làm tổn hại đến danh dự của người (có thể) tốt, tôi xoay suy nghĩ sang hướng khác. Dáng dấp thể thao và thân hình cân đối mạnh mẽ này sẽ làm cho khồi cô gái mê mẩn. Tôi lập tức tưởng tượng ra cảnh một bãi biển tràn nắng của Ần Độ Dương, Maldives hay Seychelles đều được, miễn là đừng có sóng thần. Anh ta với áo sơ mi phanh ngực (mà có lẽ chẳng cần đến cái áo sơ mi), dù là đi thả bộ trên bãi cát trắng mịn, hay nằm dài nhấm nháp ly cocktail dưới tán lá dừa, hoặc phóng mô tô nước hết tốc lực ... đều rất thích hợp. Tất nhiên khung cảnh đó không thể thiếu một (hoặc vài) cô gái xinh đẹp trang trí thêm. Sẽ giống một đọan phim quảng cáo du lịch, hoặc cảnh trong một bộ phim truyền hình nhiều tập nào đó của Mỹ dành cho các bà nội trợ giết thời gian. Dù sao, khung cảnh đó cũng vui tươi và nhiều sức sống hơn cảnh tuyết rơi mịt mù la.nh lẽo trong một ngày đầu tháng Ba ở Vác-sa-va này.
Lúc này, có lẽ bắt đầu cảm thấy hơi nóng, người đàn ông đưa tay nới cúc áo choàng. Khi những chiếc cúc đầu tiên vừa được mở, tôi sững sờ nhìn thấy miếng cổ cồn trắng hình chữ nhật nhỏ lộ ra nơi cổ áo. Thứ này, tiếng Ba Lan gọi là „koloratka”.
Anh là một cha xứ .
(3.2005)