Wednesday 29 April 2009

Nhà thờ Thánh Giá ở Vác-sa-va



Văn phòng của tôi nằm trong một thung lũng. Từ thung lũng nhỏ này, nếu đi theo con dốc cong men dọc khuôn viên của trường Tổng Hợp, lên đến ngã ba trên đỉnh dốc, tôi sẽ thấy bức tượng Copernics và tòa nhà của Viện Hàn Lâm Khoa Học Ba Lan ở phía bên trái. Nếu đi về phía bên phải chừng một trăm mét, tôi sẽ gặp cổng chính của trường Tổng Hợp. Bên kia đường, gần như đối diện với cổng trường, là nhà thờ Thánh Giá.

Lần đầu tiên tôi vào nhà thờ này là khi còn học năm thứ nhất. Một người bạn Ba Lan sau giờ học trên giảng đường muốn vào đây cầu nguyện và rủ tôi đi cùng. Tôi vẫn nhớ, trong quãng đường ngắn ngủi từ cổng trường sang nhà thờ, chúng tôi đã nói một câu chuyện gì đó rất vui và cười vang cả đường. Khi đến trước cửa nhà thờ, bạn tôi chợt nghiêm mặt lại, thì thầm bảo tôi: „Không cười nữa nhé!” Chúng tôi bước những bước rón rén vào trong, và tôi thì gần như nín thở.

Cho đến giờ tôi vẫn không quên cảm giác kỳ lạ khi nhìn thấy bạn tôi, vốn to lớn và mạnh mẽ như một con sư tử, thành kính quỳ xuống trước hình Chúa, hiền lành và ngoan ngoãn như một con mèo! Không bao giờ tôi có thể tưởng tượng được người bạn giỏi giang, cương cường, kiêu hãnh, lúc nào cũng rất „phớt ăng lê” ấy lại ở trong tư thế này, trạng thái này. Và có lẽ tôi sẽ mãi mãi không hiểu được sức mạnh nào đã làm cho bạn tôi quỳ gối xuống một cách nhẹ nhàng như thế. Tôi vốn chẳng tin vào thần thánh hay bất cứ một thứ tôn giáo nào.

Sau đó, trong suốt thời gian học đại học, tôi đã vào đây nhiều lần. Nhà thờ Thánh Giá được xây vào những năm cuối thế kỷ XVII theo kiểu baroque. Nơi đây, vào năm 1792 đã diễn ra phiên họp long trọng của Quốc hội nhân kỷ niệm Hiến pháp Mồng 3 tháng 5 tròn một tuổi. Đây là bản hiến pháp đầu tiên của châu Âu, và thứ 2 trên thế giới (sau hiến pháp Mỹ). Nhà thờ bị phá hủy gần như hoàn toàn vào năm 1944, sau khi chiến tranh kết thúc mới được khôi phục lại trong ròng rã một thập niên.

Có những lần, tôi vào nhà thờ chỉ để nhìn tấm biển bằng đá có khắc dòng chữ „Nơi đây an nghỉ trái tim của Fryderyk Chopin”. Không hiểu sao tôi luôn có một cảm giác bình yên khi nhìn vào đó. Nhà thờ Thập Tự Thánh cũng là nơi lưu giữ trái tim của đại văn hào Władysław Reymont, người đoạt giải Nobel văn chương vào năm 1924.

Nhưng điều khiến tôi xúc động nhất mỗi khi vào nhà thờ này là góc thờ thánh Jude Thaddaeus ở phía bên cánh trái. Thánh Thaddeus là vị thánh coi sóc về những chuyện tuyệt vọng, khó khăn, không lối thoát. Ở nơi thờ ông, tôi nhìn thấy hàng ngàn những tấm biển bằng kim loại nhỏ xíu người ta gắn lên bức tường bên cạnh và dát lên những bệ quỳ để cầu nguyện. Trên các tấm biển ấy là lời cảm ơn của những con người trong tuyệt vọng, đã đến đây khẩn cầu thánh Thaddeus, và lời cầu nguyện của họ đã trở thành hiện thực. Tôi đã đọc rất nhiều những tấm biển ấy, những nỗi tuyệt vọng không giống nhau, nhưng lòng biết ơn thì là một. Mỗi một tấm biển nhỏ xíu kia là một câu chuyện, một cuộc đời, một phép màu. Nhìn thấy chứng tích của ngần ấy phép màu, làm sao có thể không xúc động...

Cuối cùng thì tôi cũng đã hiểu sức mạnh nào làm người bạn năm xưa của tôi quỳ gối nhẹ nhàng như thế.

Saturday 25 April 2009

Du hành cùng Herodotus




(Bài của BBC đăng ngày 7.1.2009)

Tác phẩm của nhà báo nổi tiếng người Ba Lan Ryszard Kapuściński, cũng là cây bút nhiều lần được nhắc tên như ứng viên giải Nobel văn học, vừa được dịch giả Nguyễn Thái Linh chuyển ngữ sang tiếng Việt, và ra mắt bạn đọc cuối năm 2008.

"Một cuốn sách dành cho người yêu xê dịch... xuyên không gian và thời gian", như bài điểm sách của Nguyễn Vĩnh Nguyên trên Sài Gòn Tiếp Thị, hay "các nhà báo là những người sẽ tìm thấy nhiều điều thú vị, bổ ích và nhiều đồng cảm nhất khi đọc ông", như nhận xét của dịch giả Thái Linh.

"Tôi chọn dịch Kapuściński vì ông là nhà văn, nhà báo kiệt xuất, là một trong những người Ba Lan nổi tiếng nhất trên thế giới, nhưng lại hầu như chưa được biết đến ở Việt Nam." - cô giải thích.

Phương pháp tư liệu

Thái Linh nói trong cuộc phỏng vấn dành cho BBC:

"Ông không viết về những thế giới tưởng tượng, cũng không viết về thế giới nội tâm của riêng ai, mà là một thế giới thực, những sự kiện đã xảy ra, những gì chính mắt ông đã nhìn thấy, và bằng thiên tài của mình, ông phân tích, xâu chuỗi, đánh giá chúng, nâng chúng lên một tầm cao mới; do đó những gì ông viết, ngoài giá trị văn học, mang một sức nặng hiếm có của các tư liệu, dữ kiện."

"Du Hành Cùng Herodotus là cuốn sách kể về những ngày đầu trong nghề phóng viên của ông, khi lần đầu tiên ông được cử ra nước ngoài, sang Ấn Độ, Trung Quốc, rồi sau đó là châu Phi."

"Tôi nghĩ đây là một cuốn sách thích hợp cho các độc giả Việt Nam lần đầu tiên làm quen với Kapuściński." - cô nói.

Cầm trên tay quyển sách của sử gia Hi Lạp Herodotus viết ra từ hai ngàn năm trước, người phóng viên từng có thời gian là thông tín viên nước ngoài duy nhất của Thông tấn xã Ba Lan PAP đã vào nghề và học không chỉ cách viết báo, cách quan sát xã hội, mà về sau này là cả cách nghiên cứu mà Kapuściński gọi là điều tra lịch sử.

Nó giúp ông khái quát cá tính dân tộc của hai quốc gia đông dân nhất trên thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ bằng cách mô tả khuôn mặt của họ, hay giải thích một cách đơn giản nhất sự khác biệt giữa Nho giáo và Đạo giáo, dù bản thân chỉ là một người phương Tây lần đầu tiên tiếp xúc với những nền văn hóa xa lạ.

Đối chiếu lịch sử

Những mô tả trong Sử Ký của Herodotus về bạo chúa Xerxes cũng khiến Kapuściński liên tưởng tới những gì đang diễn ra trong thời của ông: "Họ ngồi đó khiếp hãi và toát mồ hôi hột. [...] Không khí chắc phải giống như trong phiên họp Bộ chính trị do Stalin chủ tọa - cũng là sự đặt cược như thế, không chỉ bằng sự nghiệp mà là cả mạng sống."

Những khoảng cách rộng lớn về không gian (châu Phi, Nam Á, Đông Á), thời gian (hơn 2000 năm) và cả văn hóa (ngôn ngữ Hi Lạp cổ đại, tiếng Anh, tiếng Ba Lan) mà Kapuściński đề cập trong tác phẩm cuối cùng trước khi mất đã được nữ dịch giả trẻ tuổi Nguyễn Thái Linh chuyển ngữ hầu như trọn vẹn vào tiếng Việt.

"Nếu thực sự có rất ít thời gian, bạn có thể đọc một phần bất kỳ của Du Hành Cùng Herodotus mà vẫn tìm được cho mình một điều gì đó, vì Kapuściński là như thế, những gì ông viết có thể đọc tất cả, hay đọc từng phần, thậm chí từng đoạn." - cô nói.

Kapuściński ở Việt Nam

Bożena Dudko

(Bài đăng trên nhật báo Gazeta Wyborcza ngày 23.1.2009, kỷ niệm 2 năm ngày mất của Ryszard Kapuściński. Bài được trang web của Book Institute đăng lại vào ngày 26.1.2009).

Quyển sách đầu tiên của Kapuściński bằng tiếng Việt đã được xuất bản. Dịch giả „Du hành cùng Herodotus” là nữ luật sư 33 tuổi sống tại Vácsava.

Mặc dù Nguyễn Thái Linh sống ở Ba Lan từ năm 1989 và tốt nghiệp khoa luật Đại học Tổng hợp Vacsava, mãi đến tháng 1 năm 2007 cô mới thực sự biết về sự hiện hữu của Kapuściński, khi giới truyền thông thương tiếc vĩnh biệt nhà báo của thế kỷ, nhà trí thức, nhà văn kiệt xuất.

- Tất nhiên là trước đây tôi đã bắt gặp tên ông, tôi nghe ông trên đài, đọc một số bài báo – Thái Linh (sinh năm 1975) kể. – Nhưng mãi tới khi ông qua đời tôi mới thực sự quan tâm đến ông, tôi xúc động vì Ba Lan và thế giới đã vĩnh biệt ông như thế. Tôi hiểu rằng đó phải là một nhân vật vô cùng đặc biệt.

Vậy là Thái Linh bắt đầu đọc tất cả những gì có trên internet về ông. Và khi đó trên báo chí tràn ngập không chỉ các hồi tưởng vê người phóng viên vĩ đại, mà cả những trích đoạn các quyển sách của ông.

Nguyễn Thái Linh lập một blog cho bạn bè Việt từ năm 2007, cô bắt đầu chia sẻ với các đồng hương của mình niềm ngưỡng mộ con người và nhà văn Kapuściński. Cô được hưởng ứng ngay, mặc dù ở Việt Nam chưa có cuốn sách nào của Kapuściński được xuất bản. (Trong các tạp chí chỉ có những bài báo về Kapuściński của nhà ngữ văn Ba Lan sống ở Hà Nội Nguyễn Chí Thuật và trích đoạn các tác phẩm của ông do giáo sư Nguyễn Chí Thuật dịch).

Mặc dù ở Việt Nam có 700 tờ báo, nhưng người dân không đọc báo, vì tất cả các báo đều là báo nhà nước và viết giống nhau. Thay vào đó, có thể tìm thấy một thế giới thực sự trên internet, đông đảo người Việt đọc blog và các trang thông tin trên mạng. Và sách.

Ở nước Việt Nam 86 triệu dân có 60 nhà xuất bản lớn hoạt động – tất cả đều có kiểm duyệt, hàng năm xuất bản 27 nghìn đầu sách, tức là 276 triệu cuốn, trong đó văn học nước ngoài chiếm phần lớn. Tờ báo mạng lớn nhất là VnExpress, chỉ đăng bài bằng tiếng Việt, mỗi ngày có tới sáu triệu lượt truy cập.

Trên blog của mình Thái Linh bắt đầu đăng trích đoạn các cuộc phỏng vấn Kapuściński và các tác phẩm của ông. Nhờ thế, cô được một biên tập viên của nhà xuất bản có tiếng Nhã Nam ở Hà Nội để ý đến. Cô biên tập viên bắt đầu thuyết phục Thái Linh dịch một quyển sách nào đó của Kapuściński cho họ. Nguyễn lưỡng lự rất lâu, vì cô là luật sư và từ trước tới nay chưa dịch chuyên nghiệp bao giờ cả, nhất là dịch văn học, nên cô sợ mình không đủ sức. Nhưng đề nghị rất hấp dẫn, và cô biên tập viên, nhận ra khiếu văn của Thái Linh, đã nhẹ nhàng „ép” cô thử sức. Cuối cùng đi đến thỏa thuận rằng Nguyễn sẽ liên lạc với nhà xuất bản khi đã dịch được một nửa quyển sách. Dịch quyển nào? – Dich giả được quyền quyết định.

Sau khi đọc „Du hành cùng Herodotus” mà không thể dứt ra được, cô nhận thấy một tự truyện văn học như thế này, nơi tác giả tổng kết cuộc đời phóng viên của mình, sẽ là bước đầu tốt nhất và lôi cuốn độc giả Việt Nam đến với các tác phẩm khác của ông.

- Đúng khi đó – Thái Linh kể - tôi lại mang bầu và không được khỏe lắm, nên tôi không đi làm, nhưng có thể dịch. Công việc này cuốn hút tôi đến mức tôi dành toàn tâm toàn ý cho nó, ngồi dịch suốt hai tháng trời, mỗi ngày tám tiếng bên máy tính. Vậy là đến tháng 6 năm ngoái bản dịch đã xong. Tôi may măn vì người biên tập cho tôi là Cao Việt Dũng, một trong những dịch giả Việt Nam xuất sắc nhất của thế hê trẻ, khi làm việc với anh tôi học đươc rất nhiều điều. Anh cũng rất thích „Du hành cùng Herodotus”, nên chúng tôi làm việc cấp tập và đến tháng 8 thì quyển sách đã hoàn chỉnh.

Quyển sách ra mắt vào giữa tháng 12 và ngay lập tức đã được cả bạn đọc lẫn các nhà phê bình tiếp nhận rất tốt. (E-van, chuyên mục văn học của „VnExpress” đã đăng một bài điểm sách dài vào ngày 12.1). Điều này khuyến khích công ty Nhã Nam lên kế hoạch xuất bản các quyển sách tiếp theo của Kapuściński. Sẽ là quyển sách nào? Có thể là „Hoàng đế” hay „Chân dung tự họa của người phóng viên” với bản dịch của giáo sư Nguyễn Chí Thuật, người đã truyền bá các sáng tác của Kapuściński từ 20 năm nay (năm 2008, nhân kỷ niệm 1 năm ngày mất của Kapuściński, ông đã làm cả một số đặc biệt của tạp chí „Văn học nước ngoài” về tác giả „Sa của các Sa”). Hay có thể là „Gỗ mun”? – Thái Linh đã bắt đầu dịch tác phẩm này.

Hiện nay Nhã Nam và Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội đang dự định tổ chức một cuộc gặp mặt về Kapuściński nhân dịp ra mắt quyển sách đầu tiên của ông bằng tiếng Việt. Đây sẽ là một sự kiện văn hóa, bởi vì thể loại phóng sự văn học hiện có tại Ba Lan, ở Việt Nam là thể loại chưa được biết đến. Công việc của tôi – giáo sư Nguyễn Chí Thuật nói – là chuẩn bị cho các độc giả cũng như giới phê bình văn học nước tôi đến với văn học phi hư cấu của Ba Lan, thể loại mà các ghi chép phóng viên chỉ là điểm khởi đầu, thực chất mục đích của nó là sự khái quát văn học.

Savoir-vivre bên bàn ăn



Savoir-vivre hay là phép lịch sự, phép xử thế, bon-ton, nhưng phép giao thiệp và lễ nghi hiện hành trong một môi trường xã hội nhất định.

Theo tiếng Pháp, savoir có nghĩa là „biết”, vivre – nghĩa là „sống”. Savoir-vivre do đó có thể tạm dịch là „nghệ thuật sống”. Theo cách hiểu thông thường thì savoir-vivre có nghĩa là: 1) biết cách giao tiếp, hành xử, biết các nghi thức, các phép lịch sự, hoặc 2) biết sống, biết xử sự và giải quyết các tình huồng khó khăn trong cuộc sống.

Một cách bao quát nhất thì các quy tắc của savoir-vivre là: nụ cười, sự tử tế, thiện chí, sự đúng giờ, sự kín đáo, lòng trung thực, chân thành, phép lịch sự.

Các quy tắc savoir-vivre liên quan trước hết đến một số lĩnh vực của cuộc sống như: 1) các quy tắc bên bàn ăn (cách bày bàn, đưa thức ăn, đồ uống, cách dùng bữa); 2) các quy tắc về phục trang, ăn mặc; 3)các quy tắc giao tiếp (ở nơi làm việc, trong gia đình, trong các buổi tiệc); 4) các quy tắc thông tin liên lạc (cách nghe điện thoại, sử dụng internet v.v) 5) các quy tắc hành xử trong những trường hợp đặc biệt.

Còn người Anh thì tóm gọn các quy tắc vàng trong ứng xử vào chữ IMPACT (I – integrity, M – manners, P- personality, A – appearance, C – consideration, T- tact)

Bên bàn ăn

Khăn ăn: dùng để bảo vệ quần áo khỏi bị dây bẩn và để lau miệng trong khi ăn. Có 2 loai khăn ăn: khăn vải và khăn giấy. Trong một bữa tiệc nhiều món ăn không nên dùng khăn giấy. Khăn ăn bằng giấy chỉ nên dùng khi uống cà phê hoặc trong bữa ăn sáng.

Không bao giờ được quấn khăn ăn quanh cổ, cũng không nên để khăn ăn dưới đĩa hay giữa các đĩa thức ăn, giữa dao dĩa, côc chén. Khăn ăn nên để trên đùi, nếu trong bữa ăn bạn phải đứng dậy thì gấp tạm khăn ăn lại và để xuống ghế ngồi. Khi đã ăn xong món cuối cùng, bạn gấp khăn ăn lại và để lên bàn, bên cạnh đĩa của mình.

Dao dĩa: Thông thường chúng ta cầm dao tay phải, cầm dĩa tay trái. Với những món ăn không phải dùng dao thì cầm dĩa sang tay phải.

Dao dĩa cũng có ngôn ngữ riêng. Nếu bạn muốn tạm dừng, „giải lao” trong khi ăn, thì đặt dao dĩa chéo nhau theo hình chữ X lên đĩa của mình, lưỡi dao hướng vào phía trong lòng đĩa. Khi đã dùng xong bữa, muốn nói „xin hãy dọn đi”, bạn đặt dao dĩa song song với nhau theo chiều dọc, cán dao và dĩa hướng về phía mình. Không được gác dao dĩa lên thành đĩa, cán chạm xuống mặt bàn.

Muốn khen ngợi đầu bếp „Món ăn rất ngon”, bạn đặt dao dĩa theo hình kim đồng hồ chỉ 7 giờ kém 25.

Muốn biểu lộ rằng món ăn không ngon miệng, bạn đặt dao dĩa theo hình kim đồng hồ chỉ 6 giờ 25.

Trong bữa tiệc tại nhà riêng, không nên biểu lộ sự khen ngợi hay chê trách bằng dao dĩa.

Không được để dao dĩa xuống bàn ăn hay để lên khăn ăn.

Trên bàn tiệc bày theo kiểu cổ điển, có thể có những chiếc đĩa bằng kim loại, thường là bằng bạc hay mạ bạc, khác hẳn những chiếc đĩa khác trên bàn. Đây chỉ là những chiếc đĩa trang trí, không bao giờ được dùng chúng để ăn, hay đặt thìa dĩa, khăn ăn lên đó.

Trườc khi ăn nên đi toilet và rửa tay.

Khi ngồi ăn, phải giữ tư thế ngay ngắn, thân mình cách bàn ăn chừng 1 gang tay. Không chống khủyu tay lên bàn, không vắt chéo chân hay rung đùi. Không nghịch dao dĩa hay gõ lanh canh.

Nếu trong khi ăn cần xì mũi, nên quay ra đằng sau để làm việc đó. Tốt nhất là bạn nên đứng lên và đi ra xa vài bước.

Không húp xì xụp, nhai chóp chép, gây ra tiếng động trong khi ăn.

Sẽ là rất mất lịch sự nếu bạn hòan tòan không động đến món ăn được bưng ra, hay là ăn rất ít. Nếu một món ăn đối với bạn quá lạ lẫm, bạn cũng nên thử một chút. Nếu bạn bị đau dạ dày thì tốt nhất là nên từ chối khi được mời ăn, còn hơn là đau khổ ngồi nhìn một bàn đầy thức ăn.

Khi ăn không nên để thừa, nhất là xúp hay món khai vị. Trong tiệm ăn, không nên tra gia vị quá nhiều vì như vậy là làm hỏng tác phẩm của người đầu bếp.

Nếu là tiệc đứng, tốt nhất bạn nên lấy đồ ăn vừa phải, hết lại lấy tiếp chứ không nên làm một đĩa tú hụ.

Khi bữa ăn chưa kết thúc, không nên hút thuốc. Không nên dùng nước hoa quá mạnh, vì bên bàn ăn thì mùi vị của thức ăn phải được ưu tiên số 1.

Trong bữa ăn không nên gọi điện thoại di động. Tốt nhất là bạn nên tắt chuông điện thoại trong suốt bữa ăn, nếu quên làm việc này thì khi chuông reo cũng nên tắt máy ngay và xin lỗi mọi người xung quanh.

Khi người phục vụ đưa đồ ăn hay thức uống cho bạn, hãy nói „cảm ơn”, nhưng không nên nói „cảm ơn rất nhiều”.

Ngay cả trong một quán ăn sang trọng nhất cũng có thể có những sai sót làm bạn không hài lòng. Khi đó hãy nhẹ nhàng và kín đáo bày tỏ điều đó với những người phục vụ. Không nên to tiếng bình luận.

Nếu bạn thấy trong món ăn của mình có sợi tóc rơi vào, hãy yêu cầu đổi đĩa khác. Nếu đây là bữa tiệc tại nhà thì bạn nên để món đó lại không ăn, và cũng không bình luận.

Nếu món xúp quá nóng bạn chưa dùng được ngay, cũng không nên dùng thìa khuyấy khoắng hay thổi phù phù.

Trong tiệm ăn, nếu trong cốc rượu vang của bạn có lẫn một mảnh nút chai, điều này cho thấy rượu đã không được mở đúng cách nên các mảnh vụn của nút chai đã rơi vào trong chai. Không nên lấy thìa hay đĩa vớt mảnh nút chai này ra. Bạn hãy đề nghị mở chai rượu khác và rót vào cốc khác. Khi thấy chiếc ly bị bẩn (có vết môi hay dấu vân tay trên thành cốc), bạn có quyền và nên đề nghị đổi chiếc ly khác.

Khi hai người nam nữ vào tiệm ăn, người đàn ông đi trước mở cửa và bước vào trước. Người phục vụ sẽ đến chào và dẫn hai người tới bàn ăn. Lúc này người phục vụ đi trước, theo sau là người phụ nữ, người đàn ông đi cuối cùng. Người đàn ông luôn luôn nhường cho phụ nữ quyền chọn ghế ngồi, sau đó thận trọng đẩy ghế vào để giúp người phụ nữ ngồi xuống được thoải mái.

Trong bữa ăn, nếu người phụ nữ rời khỏi bàn, ví dụ như để vào toilet, thì khi cô trở lại bàn ăn, người đàn ông phải đứng dậy khỏi ghế. Nếu như một bàn đông hơn 2 người, thì những người đàn ông có thể chỉ làm cử chỉ đứng dậy này một cách tượng trưng cũng được.

Khi thanh toán, nên kín đáo để người được mời không được biết trị giá hóa đơn. Nếu đây là một bữa ăn có tính chất bạn bè, có thể thỏa thuận trước là mỗi người trả phần của mình.

Thông lệ „boa” cho người phục vụ có khác nhau ở các nước. (Xem phần dưới). Nếu bạn trả bằng thẻ tín dụng thì nên có một khoản boa riêng cho người phục vụ bắng tiền mặt. Nếu bạn thực sự không hài lòng về chất lượng phục vụ, bạn có thể không boa. Ở một số nước nếu trong thực đơn đã ghi rõ rằng giá các món ăn đã bao gồm cả tiền phục vụ, bạn cũng không cần boa.

Khi rời bàn ăn, người đàn ông kéo ghế ra giúp người phụ nữ đứng dậy. Nếu có áo khoác, người đàn ông mặc áo khoác của mình trước rồi giúp người phụ nữ mặc áo.

Mức tiền boa trong tiệm ăn ở một số nước

Áo: 10-15%
Bulgaria: 5-10%
Cyprus: 10%
Séc: 10%
Đan Mạch: tiền phục vụ thường đã được bao gồm trong giá.
Dominicana: 10%
Ai Cập: 5-10%
Pháp: tiền phục vụ thường đã được bao gồm trong giá, nhưng có thể cho thêm tiền boa.
Hy Lạp: 10-15%
Tây Ban Nha: mặc dù tiền phục vụ thường đã được bao gồm trong hóa đơn, nên làm tròn số.
Hà Lan: mặc dù tiền phục vụ thường đã được bao gồm trong giá, nên boa thêm 10%.
Canada: 15%
Maroco: 10%
Mexico: 10-15%
Đức: 10-15%
Na Uy: làm tròn hóa đơn
Ba Lan: làm tròn hóa đơn
Bồ Đào Nha: 10-15%
Nam Phi: 10%
Mỹ: ít nhất 15%
Thụy Sỹ: làm tròn hóa đơn
Tunisie: 10-15%
Thổ Nhĩ Kỳ: 10%
Hungary: 10%
Anh: 10-15% (nếu trả tiền trong quán rượu bên quầy thu tiền thì không đưa tiền boa).
Ý: 10-15%

Savoir-vivre trong giao tiếp hàng ngày




Bắt tay

Bắt tay khi chào hỏi là một cử chỉ thường gặp nhất và đã trở nên quá quen thuộc đối với chúng ta. Tuy nhiên, cái bắt tay có thể biểu lộ nhiều điều. Để biểu lộ sự thân thiện và lòng kính trọng với người đối diện, chúng ta nên đưa cả bàn tay ra bắt với một cái siệt nhẹ có sinh khí, đồng thời nhìn vào mặt đối phương và mỉm cười. Không nên đưa tay hờ hững hay siết tay quá chặt, cầm tay người kia lắc quá mạnh, lúc bắt tay mắt lại nhìn đi chỗ khác, tay kia còn đút túi hay cầm thuốc lá.

Nguyên tắc là khi bắt tay, phụ nữ đưa tay cho nam giới bắt, người già đưa tay cho người trẻ, cấp trên đưa tay cho cấp dưới. Phụ nữ khi bắt tay nam giới không nên đưa tay cao quá. Nếu người phụ nữ đưa tay hơi cao và lòng bàn tay úp xuống, có nghĩa là muốn được hôn tay.

Khi hai cặp nam nữ gặp nhau, hai người phụ nữ bắt tay nhau trước, sau đó hai người phụ nữ bắt tay hai người đàn ông, rồi cuối cùng mới là hai người đàn ông bắt tay nhau. Khi gặp một người quen trong bàn tiệc, chúng ta không nên vươn tay qua bàn để bắt tay mà chỉ cần gật đầu chào là đủ. Nếu thực sự muốn bắt tay thì nên đi vòng qua bàn đến bên người đó để làm việc này.

Khi bắt tay, nam giới phải bỏ găng tay ra. Đối với phụ nữ thì điều này không bắt buộc.

Cúi chào

Cúi chào cũng là một cử chỉ chào hỏi thường gặp ở các nước phương Tây. Động tác cúi chào phải biểu lộ sự ấm áp, tôn trọng, chân thành. Người đàn ông khi cúi chào khẽ nghiêng mình, bỏ mũ, nếu đang hút thuốc thì bỏ thuốc ra khỏi miệng, không đút tay vào túi quần khi cúi chào. Phụ nữ cúi chào bằng cách gật đầu nhẹ kèm một nụ cười và không cần bỏ mũ.

Nam giới cúi chào phụ nữ trước, người trẻ cúi chào người già, cấp dưới cúi chào cấp trên, sinh viên cúi chào giáo sư.

Giới thiệu

Khi giới thiệu hai người chưa quen biết, cần giới thiệu rõ họ tên, nghề nghiệp. Sẽ là rất mất lịch sự nếu khi giới thiệu mà phát âm sai tên. Nếu cần thiết, chúng ta có thể giới thiệu thêm chức danh hoặc học hàm, học vị.

Giới thiệu nam giới với phụ nữ, người trẻ với người già, cấp dưới với cấp trên, giới thiệu khách mới đến với những người đã có mặt. Nếu có một người đi riêng lẻ và một cặp vợ chồng, thì bất kể người đó là nam hay nữ cũng phải giới thiệu người đó với cặp vợ chồng. Nếu là hai cặp vợ chồng, thì giới thiệu cặp trẻ hơn với cặp già hơn.

Người được giới thiệu nếu đang ngồi thì phải đứng lên. Phụ nữ có thể làm động tác này một cách tượng trưng.

Khi giới thiệu nam giới với một người phụ nữ đang ngồi, người phụ nữ không phải đứng dậy, chỉ cần đưa tay ra cho người đàn ông.

Phép lịch sự ngoài đường phố

Khi lên tàu xe, nam giới để phụ nữ lên trước, nam giới theo sau và giúp phụ nữ ngồi vào chỗ. Khi xuống, nam giới đi trước dẫn đường và giúp phụ nữ bước xuống. Nếu tàu xe quá đông, chúng ta không nên câu nệ mà nên tìm cách lên xuống một cách nhanh nhất để tránh làm phiền đến người khác. Trên tàu điện, xe buýt, chúng ta nên nhường chỗ cho người tàn tật, người già, trẻ em và phụ nữ.

Bao giờ cũng phải đợi cho mọi người xuống hết rồi mới đến lượt chúng ta bước lên tàu xe. Không chỉ đối với các phương tiện công cộng, mà ở bất cứ đâu những người đi ra cũng có quyền ưu tiên hơn người đi vào. Ví dụ khi vào cửa hàng hay thang máy, chúng ta phải nhường cho những người đi ra trước.

Khi đi trên vỉa hè, phụ nữ đi phía bên phải của nam giới. Nếu là một nhóm 3 người, thì chỗ ở giữa được coi là chỗ được ưu tiên nhất. Ngoại lệ là khi hai phụ nữ đi cùng một nam giới, thì người nam đi ở giữa để có thể bảo vệ được cho cả hai người. Nếu là nhóm đông thì không dàn hàng bốn, hàng năm mà phải chia ra thành từng nhóm 2-3 người một.

Khi đi taxi, nam giới mở cửa xe cho phụ nữ lên trước, rồi lên sau và ngồi cạnh người phụ nữ ở ghế sau. Lúc xuống xe, nam giới xuống trước mở cửa và giúp phụ nữ bước xuống. Khi ngồi vào xe, người phụ nữ ngồi nghiêng xuống ghế xe trước rồi mới rút hai chân lên xe và xoay người sang trái để ngồi cho thẳng, nếu mặc váy thì dùng tay phải giữ váy. Khi xuống xe, người phụ nữ xoay người sang phải, đưa hai chân ra khỏi xe và đứng lên, dùng tay trái để giữ váy. Lúc này người nam dùng tay phải giữ chắc cửa xe và đưa tay trái ra để giúp người phụ nữ đứng lên.

Nếu đi xe riêng, người lái xe được coi là người chủ, những người trên xe là khách. Người lái xe chịu trách nhiệm về an toàn và sự thoải mái của mọi người. Những người đi trên xe không nên hướng dẫn, chỉ trích hay kêu ca về trình độ lái xe của người lái, không nên hét lên để „báo động”. Trong trường hợp người lái xe là chủ thì chỗ ngồi danh dự nhất trong xe là ghế trước bên phải, cạnh lái xe. Tiếp theo là chỗ bên phải ghế sau, rồi đến chỗ bên trái của ghế sau và cuối cùng là chỗ giữa của ghế sau.

Nhưng trong các cuộc tiếp đón chính thức hoặc khi người chủ không lái xe thì chỗ ngồi danh dự nhất là phía bên phải của ghế sau, thứ hai là phía bên trái của ghế sau, thứ ba là chỗ giữa của ghế sau và cuối cùng là ghế trước bên trái cạnh lái xe.

Savoir-vivre khi thông tin liên lạc




Gọi điện thọai

1. Nếu bạn là người gọi đến, trước tiên hãy tự giới thiệu mình. Nếu là một cuộc điện thọai mang tính chất công việc, nên nói rõ tên công ty của bạn.
2. Nếu bạn là người nghe điện thọai, bạn chỉ cần nói „Alô, tôi nghe đây”. Nếu nghe điện thọai ở nơi làm việc bạn nên nói thêm tên công ty của mình, ví dụ: „Alô, văn phòng ABC xin nghe”. Không nên hỏi „Alô, ai đấy?” khi nghe điện thoại.
3. Nếu gọi điện thoại về công việc, nên chuẩn bị sẵn cho mình thứ gì đó để ghi chép (mẩu giấy, bút chì v.v). Trong khi nói chuyện cố gắng ghi lại thật đầy đủ những thông tin cần thiết.
4. Khi gọi điện, cố gắng phát âm rõ ràng, không nói nhỏ quá hay lớn tiếng quá.
5. Nói bằng giọng vui vẻ, thân thiện.
6. Trong khi nói chuyện điên thoại không nên ăn uống, nói chuyện với người khác, ngắt lời người đối thọai, cao giọng, cãi nhau qua điện thọai, đem lại sự bực bội cho người khác.
7. Nếu gọi nhầm số, hãy xin lỗi một cách lịch sự. Không nên cúp máy chẳng nói chẳng rằng hoặc chỉ nói cụt lủn „Nhầm máy”.
8. Không gọi điện về chuyện công việc vào những ngày nghỉ, weekend ... nếu không phải là việc rất cần thiết.
9. Không nên gọi điện thoại quá sớm hoặc quá muộn. (Ở châu Âu nói chung không nên gọi điện sau 10 giờ tối và trước 6 giờ sáng).
10. Nếu đã hẹn gọi lại vào một giờ cụ thể nào đó thì nhất định phải đúng hẹn.
11. Khi gọi đến, nếu chuông reo quá 5 lần mà bên kia không nhấc máy, bạn nên gác máy.
12. Nếu đang nói chuyện điện thoại mà bỗng nhiên bị ngắt giữa chừng, ai gọi đến thì người đó là người gọi lại lần nữa.
13. Nếu vô tình có mặt khi người khác nói chuyện điện thọai, nên coi như bạn không nghe thấy gì.

Savoir-vivre trên mạng

1. Không gửi các mail quảng cáo đến cho ai đó nếu chưa được người đó đồng ý.
2. Luôn luôn điền phần “subject” mỗi khi gửi mail.
3. Trong mail, không nên có dòng nào chỉ có duy nhất dấu “=” (một số mail systems sẽ gặp khó khăn khi accept các thư này).
4. Khi trả lời một thư, không nên quote cả thư mà chỉ quote những phần bạn muốn trả lời. Trong phần mà bạn quote không nên để lại địa chỉ của người gửi mail cho bạn. Không nên quote cả một bức thư dài nhưng bên dưới chỉ ghi mỗi 1 câu đại loại “Tôi đồng ý” hay “Tôi cũng nghĩ thế” .
5. Chữ ký của bạn không nên dài quá 4 dòng. Những chữ ký dài ban đầu thì rất thú vị, nhưng chúng trở nên nhàm rất nhanh. Cũng nên nhớ là nhiều người sử dụng internet phải trả tiền cho mỗi bite họ nhận.
6. Hãy cẩn thận khi trả lời e-mail riêng cho tác giả, vì nhiều chương trình tự động chuyển email cho diễn đàn chung.
7. Mỗi forum đều có đặc tính riêng. Trước khi post, bạn nên xem kỹ mục lục các vấn đề thảo luận của forum để tránh gửi bài không đúng chỗ, gửi bài thừa v.v.
8. Không nên gửi cùng 1 bài lên nhiều forum khác nhau.
9. Suy nghĩ kỹ trước khi gửi bài. Có đúng đó là điều bạn muốn nói với cả thế giới không? Hãy đọc lại thư một lần trước khi gửi đi. Có đúng đó là điều bạn thực sự muốn viết? Hãy nhớ rằng một bức thư đã gửi đi rồI thì không thể quay lại được nữa.
10. Hãy thông cảm và độ lượng với người khác. Mỗi người đều có lúc bắt đầu làm quen với internet. Nếu bạn muốn góp ý với ai đó thì nên gửi thư riêng cho họ, không nên chỉ trích họ giữa diễn đàn chung.
11. Rất không nên bắt bẻ lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, lỗi đánh máy, nhất là trên một diễn đàn công cộng.
12. Không nên viết cả bài toàn bằng chữ in hoa.
13. Rất chú ý đến từ ngữ mà bạn sử dụng. Có những từ bạn thấy rất tự nhiên nhưng có thể làm cho người khác hiểu lầm. Hãy nhớ rằng 1 từ có thể có nghĩa khác nhau trong văn viết và trong văn nói.
14. 14. Một số chữ viết tắt thường dùng:

AFAIK – as far as I know
AFAIR – as far as I remember
BTW – by the way
EOD – End of discussion
FYI – for your information
GOK – God only knows
HHOK – haha, only kidding
J/K – just kidding
IMHO – in my humble opinion
IMO – in my opinion
OTOH – on the other hand
TIA – thanks in advance

Friday 24 April 2009

Joseph Conrad-Korzeniowski: người con Ba Lan yêu nước, con người của ba nền văn hoá, nhà văn Anh vĩ đại và một công dân châu Âu lớn



Zdzisław Najder

Konrad Korzeniowski, người mà sau này độc giả trên khắp thế giới biết đến với cái tên Joseph Conrad, sinh ngày 3.12.1857 ở Berdyczow, nay thuộc Ucraine. Ông là con trai của Apollon Korzeniowski - nhà thơ, dịch giả và nhà hoạt động cách mạng xuất chúng. Chính cha của Conrad, Apollon Korzeniowski, đã lập nên tổ chức bí mật Ủy Ban Phong Trào ở Warszawa, tiền thân của Chính Phủ Liên Hiệp sau này đã lãnh đạo cuộc nổi dậy Tháng Giêng năm 1863. Mùa thu năm 1861, cha của Conrad bị chính quyền Nga bắt giữ. Những ký ức đầu tiên về cuộc sống của Conrad gắn liền với khu vực tường thành Warszawa, nơi cậu bé 4 tuổi cùng bà thường mang những bọc đồ tiếp tế đến cho cha. Rồi cả cha lẫn mẹ ông đều bị kết án tù và bị lưu đày đến vùng Wologda miền bắc nước Nga.

Mẹ mất khi cậu bé lên 8 tuổi. Người cha được thả về khi đã lâm trọng bệnh, một mình nuôi con trai Conrad mồ côi trong vài năm ở Lwow và Cracow.

Conrad rất ốm yếu. Năm 17 tuổi, ông được gửi sang Pháp và bắt đầu làm việc như một thuỷ thủ. Ông buộc phải xuất ngoại để tránh việc phải phục vụ dài hạn trong quân đội Nga hoàng. Năm 1878, vì bị từ chối gia hạn hộ chiếu, không thể tiếp tục làm việc cho hải quân Pháp, ông chuyển sang hải quân Anh. Vì người Anh đang rất cần thuỷ thủ cho các đội tàu đông đúc của mình nên không quan tâm đến vấn đề giấy tờ. Như vậy là vào năm 20 tuổi ông mới bắt đầu làm quen với thứ ngôn ngữ mà sau này ông dùng để viết nên những cuốn sách đã trở thành tinh hoa của nền văn học Anh. Khi đó cũng là lúc ông bắt đầu sự nghiệp của một người thuỷ thủ Anh, để rồi trở thành thuyền trưởng. Đó là thành công phi thường của một người Ba Lan. Ông đã gặp không biết bao nhiêu là trở ngại vì gốc gác của mình, từ việc đơn giản nhất như là họ Korzeniowski của ông đã bị ghi theo 13 kiểu khác nhau trong các loại giấy tờ! Trong suốt mười mấy năm trời ông đã đi khắp thế giới, lênh đênh qua những biển cả và đại dương.

Ông công bố tiểu thuyết đầu tay „Sự điên rồ của Almayer” vào năm 1895. Một thời gian ngắn sau đó ông cưới một cô gái Anh và định cư tại một làng nhỏ gần London.

Trong 30 năm tiếp theo ông đã viết 14 tiểu thuyết và 8 tập truyện ngắn. Ông nổi tiếng với đề tài viết về biển. Các tác phẩm như „Người da đen trên con tàu Narcissus” và „Cơn bão” được xem như những tuyệt tác của đề tài này. Không ai có thể viết tuyệt vời hơn ông về vẻ đẹp phản trắc của biển cả và công việc nặng nhọc của những người thuỷ thủ.

Nhưng bối cảnh của phần lớn các tác phẩm của Conrad không phải ở biển, mà là ở các nước vùng Viễn Đông, châu Phi, châu Mỹ La tinh, và thường gặp hơn cả là Pháp, Anh, cũng như các nước châu Âu khác. Nhân vật của ông là những người Anh, người Pháp, người Ý, người Đức, người Ba Lan, người Na Uy, người Tây Ban Nha và người Hà Lan. Chính từ khía cạnh này, chúng ta có thể gọi ông là một nhà văn châu Âu thực thụ, vì trong những cuốn sách của mình ông đã đề cập đến các chủ đề quan trọng và đặc trưng cho châu lục của chúng ta.

Tiểu thuyết được biết đến nhiều nhất, đặc biệt ở Ba Lan, là „Lord Jim” : câu chuyện về một sỹ quan hải quân đã rời bỏ con tàu của mình, về danh dự bị đánh mất và được tìm lại. Cuốn sách ra đời vào năm 1900 – là một trong những tác phẩm kinh điển của nền văn xuôi thế giới thế kỷ XX. „Nostromo” – câu chuyện về nước cộng hoà hư cấu Costaguan ở Nam Mỹ, nổi tiếng như là một tuyệt tác của nền văn xuôi Anh và là một trong những tiểu thuyết chính trị tuyệt vời nhất được viết bằng thứ tiếng này. Các tiểu thuyết chính trị khác của ông là „Điệp viên bí mật” với nhân vật chính là một điệp viên Nga tổ chức kế hoạch khủng bố ở London, và „Trong con mắt phương Tây” có bối cảnh ở St. Petersburg và Geneve, câu chuyện về sự phản bội và công tác gián điệp, về cuộc đụng đầu của nhà cầm quyền Nga tàn bạo với phe cách mạng Nga cũng tàn bạo không kém.

Những dòng ngắn ngủi trên đây cho thấy sự phong phú trong đề tài sáng tác của Conrad. Nhưng những đề tài đó còn rất nhiều. Ví dụ „Tâm của bóng tối” kể về sự dã man của chủ nghĩa thực dân, về ngững người da trắng đã biến „sứ mạng văn minh” của mình thành sự khủng bố man rợ và tàn nhẫn. „Tâm của bóng tối” là một trong những tác phẩm văn học hiện đại nổi tiếng nhất, được hàng triệu sinh viên trên thế giới phân tích và nhiều lần được dựng thành phim.

Joseph Conrad-Korzeniowski là con người của 3 nền văn hoá: Ba Lan, Pháp và Anh. Từ tổ quốc mình, ông có được hiểu biết về nền văn học nước nhà, nhất là về những gương mặt lớn của trường phái lãng mạn (nhà thơ yêu thích của ông là Słowacki, „một tâm hồn Ba Lan” như ông nhận định), cũng như những mô-típ đặc trưng về lòng chung thuỷ, sự phản bội, trách nhiệm và danh dự. Ngôn ngữ thứ hai của ông là tiếng Pháp. Những nhà văn hiện thực Pháp lớn như Flaubert và Maupassant là những hình mẫu văn học chính của ông. Ông am tường lịch sử Pháp. Điều thú vị là những câu chuyện trong các tác phẩm của ông xảy ra ở Pháp nhiều hơn là ở Anh. Ông trở thành nhà văn kinh điển của nền văn xuôi Anh, dù tiếng Anh của ông mang những dấu ấn Ba lan và Pháp rất sắc nét. Đến tận cuối đời Conrad vẫn nói tiếng Anh với một giọng rất nặng pha trộn cả giọng Ba Lan và giọng Pháp.

Là một người con Ba Lan yêu nước, ông rất đau khổ khi tổ quốc bị mất độc lập. Ông luôn day dứt vì phải sống xa quê hương. Khi Ba Lan giành lại độc lập vào năm 1918, ông đã viết bản thảo về „tội ác của những chia cắt” và về việc tái thiết đất nước Ba Lan. Khi Ba Lan chiến đấu với sự xâm lược của quân Bôn-sê-vích vào năm 1920, ông đã khẩn thiết kêu gọi mọi sự giúp đỡ đối với Ba Lan.

Nhưng có lẽ thú vị nhất là những quan điểm của Conrad về một châu Âu thống nhất. Năm 1905 trong bản thảo „Nhà cầm quyền và chiến tranh”, ông đã tiên đoán về sự bùng nổ của Thế chiến thứ I, và đã chỉ ra viễn cảnh „châu Âu không biên giới”, một châu Âu tồn tại dựa trên những thể chế chung. Theo ông, chỉ có một châu Âu như thế mới giảm thiểu được nguy cơ xâm lược từ các cường quốc, ví dụ như Đức. Và chỉ có một châu Ấu như vậy – „được xây dựng trên các nền tảng vững chắc hơn là những quyền lợi vật chất” - mới có thể đảm bảo nền hoà bình bền vững cho các dân tộc của châu lục chúng ta.

Chúng ta có thể mạnh dạn nói rằng Joseph Conrad-Korzeniowski là nhà văn mang tính châu Âu nhất trong số tất cả các nhà văn Ba Lan. Một trăm năm trước ông đã thấu hiểu những điều mà ngày hôm nay chúng ta còn đang phải học hỏi: cộng đồng châu Âu là sự bảo đảm tốt nhất cho những nền văn hoá dân tộc giàu có và phong phú của chúng ta.

(Thái Linh dịch)

Jesus Blanco Bailac

Jesus Blanco Bailac. Cái tên ấy đã từng rất thân quen với tôi. Nhanh quá, mơi đó mà đã 10 năm rồi!

Ngày đó, cả lũ chúng mình ríu rít như một bầy chim.

Ngày đó, bạn tóc vàng bồng bềnh dợn sóng, đôi mắt xanh sâu thẳm, mũi cao thẳng cương quyết, tiếng nói âm vang, giọng cười vừa ấm áp vừa kiêu hùng.

Ngày đó, bạn áo sơ mi trắng quần jeans đen, khắc sâu vào tâm trí tôi những bước nhảy flamenco cuồng nhiệt.

Ngày đó, bạn ôm guitare hát với cả ngọn lửa nóng nhiệt thành của người thanh niên miền Ðịa Trung Hải.

Ngày đó tôi nhỏ bé như một chú chim sẻ, vô tư và ngơ ngác. Khi nghe tôi lẩm bẩm hát theo Elsa "quelque chose dans mon coeur...", bạn đã mỉm cười nói: "Trái tim của bạn là trái tim gà con".

Cả lũ chúng ta hẹn nhau 10 năm sau, dù ở đâu, cũng sẽ gặp lại. Người may mắn bốc thăm được "quyền đang cai tổ chức” cuộc gặp mặt này là Ming Yang, cô bạn nhí nhảnh hay cười nhất hội. Nơi gặp mặt được ấn định là Bắc Kinh, quê của Ming Yang. Hẹn vậy thôi, chứ đối với chúng ta khi đó thì 10 năm còn lâu lắm, lâu ngoài sức tưởng tượng. Giống như trẻ con hay nói "Lớn lên, chúng mình sẽ lái máy bay"....

Mười năm trôi qua, lời hẹn vui vui chắc chẳng ai còn nhớ. Tôi vừa nghe tin Ming Yang trong một lúc mất sạch cơ nghiệp. Nhớ lại nụ cười hồn nhiên ngày trước của cô ấy, tự nhiên cứ thấy nao lòng.

Ðêm nay, chợt bắt gặp trên màn hình ánh mắt buồn của một cổ động viên Tây Ban Nha sau trận bóng. Ðôi mắt ấy cũng sâu thẳm như mắt bạn. Và tôi lại thấy lòng mình nao nao...

Jesus Blanco Bailac. Mười năm rồi, có thể bạn đã thành công, cũng có thể bạn vẫn còn đang loay hoay với cuộc đời như tôi. Bạn đang ở Tây Ban Nha, mà cũng có thể là một góc nào khác trên trái đất. Thậm chí, biết đâu đêm nay bạn đang có mặt ở Bồ Ðào Nha, giữa những cổ động viên kia cũng nên. Có thể bạn cũng đang buồn...

Mười năm đã trôi qua, chúng ta chỉ còn lại cho nhau những khoảnh khắc nao lòng...

Nhưng có lẽ đó cũng đã là hạnh phúc.

(Sau trận Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha, Euro 2004)

Nàng Ophelia đã chết



„Hãy để tôi ra đi lúc này
Tôi chả nặng là bao trên những dòng nước
Tôi sẽ đem theo chả mấy tí
Một vài khuôn mặt bầu trời mùa hè
Một bông hồng mở."
(Le livre d’Ophélie, Anne Perrier, Diễm Châu dịch)


Nàng Ophelia đã chết rồi. Bập bềnh trong nước, giữa hương thơm của những bông hoa mà nàng vẫn yêu... Êm đềm và dịu dàng. Nàng đã đau biết bao nhiêu, đã khổ biết bao nhiêu! Nàng đã đi qua bao nhiêu vực thẳm... Những vết thương vẫn nóng bỏng như hơi ấm còn chưa rời thân thể nàng. Nước giải thoát cho nàng. Nước ôm ấp lấy nàng, vuốt ve nàng, nâng đỡ nàng, ru nàng bằng lời ru ấm áp của những tia nắng lấp lánh trên mặt sông. Những nỗi buồn sẽ chìm sâu xuống đáy. Ophelia, nàng là nước, là hoa. Bây giờ nàng trở về với nước và hoa…

Nàng có đòi hỏi gì nhiều đâu, nàng hiền lành quá. Thế giới này không có chỗ cho nàng, thế giới này đã phản bội nàng.

Nàng trong suốt và thơm hương. Ngày tinh khiết như tấm tình trong trắng của nàng. Trong một thế giới đầy buồn đau, sự điên dại là một gương mặt khác của hạnh phúc, cũng là một sự giải thoát.

Nàng đã được giải thoát hai lần. Ophelia, nàng đã chết. Một cái chết từ bi, thơm ngát và đẹp xiết bao...!

Bài Thánh ca buồn



Thế là lại Giáng Sinh. Ngoài đường, người ta đã chăng đèn kết hoa lấp lánh. Đêm châu Âu lung linh và rực rỡ. Tuyết đã rơi, mỗi ngày một dày hơn. Năm nay đêm Noel chắc sẽ rất „đúng kiểu”, nghĩa là sẽ có tuyết, white Xmas...

Những bài hát Giáng sinh vang lên khắp nơi: trong các cửa hàng và trung tâm mua bán, trên đường phố, trong các tiệm ăn, ở sân bay, nhà ga, thậm chí trong các công sở nữa. Nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ có thể nghe thấy bài hát ấy trong vô số những bài hát Giáng Sinh đang vang lên nơi đây.... „Bài thánh ca buồn”....

Bài thánh ca đó còn nhớ không em
Noel năm nào chúng mình có nhau...


Đó là một Noel tuyệt đẹp trong đời tôi, đêm Noel giữa thành Rome cổ kính. Như những khách du lịch tò mò khác, chúng tôi lang thang trên quảng trường trước toà thánh Vatican, ngắm cây thông vĩ đại cao ngất ngưởng người ta dựng giữa quảng trường. Hai hàng người dài lê thê trước nhà thờ St. Peter chờ đến giờ được vào làm lễ. Chủ yếu là người nước ngoài. Người Ý ít đến nhà thờ nổi tiếng này vào đêm Giáng sinh, có lẽ họ „nhường” cho du khách, hoặc là họ không thích cảnh xếp hàng mệt mỏi này, họ thích chọn một nhà thờ nhỏ thân thuộc nơi góc phố của họ hơn, mà ở Rome thì mỗi góc phố là một…nhà thờ! Chúng tôi đang thất vọng vì dù có muốn cũng không thể gia nhập vào hai hàng người lê thê kia. Chúng tôi không có giấy vào cửa! Cứ ngỡ cánh cửa nhà thờ nào đêm nay cũng rộng mở cho mình...

Bỗng nhiên hai bà xơ xuất hiện, cứ y như một phép màu, và hỏi chúng tôi có muốn vào nhà thờ không. Hai bà xơ hiền từ chìa cho chúng tôi 2 tấm giấy xinh xinh và cười đôn hậu. Giống hệt như trong truyện cổ tích! Chúng tôi cứ tròn mắt ra vì ngạc nhiên rồi cám ơn rối rít. Các bà xơ đi rồi mà chúng tôi vẫn không tin được chuyện gì đã xảy ra. Có lẽ chỉ còn cách giải thích, như bao lần tôi đã giải thích cho riêng mình, rằng khi ta thành tâm mong muốn một điều gì, thì cả vũ trụ sẽ cùng chung sức để giúp ta thực hiện điều đó...Chỉ đến lúc hai đứa đã ở trong nhà thờ, đã yên vị trên chiếc ghế băng dài màu đen phía cuối giáo đường, chúng tôi mới dám tin là đêm nay mình sẽ đón Noel với Đức Giáo Hoàng Jan Pawel II.

Cùng nhau quỳ dưới chân Chúa cao sang
Xin cho đôi mình suốt đời có nhau
Vang trong đêm lành bài ca Thiên Chúa
Khẽ hát theo câu đêm Thánh vô cùng….


Đêm ấy, có hai người không theo đạo đã thành tâm mừng Chúa ra đời, trong giáo đường nổi tiếng nhất thế giới, cùng với một người Ba Lan nổi tiếng nhất thế giới…. Có hai người mang trong tim mình niềm tin vào tình yêu và những điều kỳ diệu trong cuộc sống để thấy yêu người, yêu Chúa, yêu thế giới, yêu những bài thánh ca…. Một đêm nhiệm màu....

Nhưng rồi “mùa giá buốt cũng qua mau”... Lần cuối anh gọi điện cho tôi từ Brussells, giọng anh thật buồn: “Mai anh về Sài Gòn”. Tôi bình thản, bình thản đến không ngờ: „Vâng, anh về bình an nhé, cố gắng ổn định cuộc sống sớm và giữ sức khoẻ…” Tôi không khóc cũng không nghẹn ngào. Cảm ơn cuộc đời đã cho chúng ta những kỷ niệm đẹp. Cảm ơn anh đã chia sẻ cùng tôi một đêm Giáng Sinh thật đáng nhớ. Cuộc đời có những cách sắp đặt của riêng nó, nhưng vẫn luôn vô cùng kỳ diệu. Chúng ta là những người may mắn phải không anh, bởi vì bây giờ mỗi đứa đều có một khoảng trời riêng hạnh phúc, bởi vì chúng ta vẫn tin tưởng bước trên con đường mình đã chọn, vẫn nghĩ về nhau như những người bạn, bởi vì mỗi mùa Giáng Sinh em lại nghe “Bài Thánh ca buồn” không phải để buồn, mà để thấy lòng mình như trong trẻo hơn…

Ký ức




Khi ta chụp một bức ảnh, ta lưu giữ được một giây. Chỉ một giây thôi, giây sau đã là khác rồi.

Một ánh chớp của ký ức, một cái nháy mắt. Vậy mà có những bức ảnh ta cứ xem đi xem lại. Và tưởng rằng mọi thứ vẫn y nguyên như thế, như khi ta chụp ảnh. Tưởng rằng sự vật ấy vẫn như thế, và tình cảm của ta với nó cũng vẫn như thế.

Một entry, một bài viết, một bài thơ... cũng chỉ lưu giữ được một khoảnh khắc ấy thôi - khi ta đang viết. Từ khi ta đặt bút chấm hết, mọi sự cũng đã khác rồi.

Cho dù ta có muốn làm cách nào để nhớ, thì ta cũng chỉ nhớ những gì ta muốn nhớ, theo cách mà ta muốn nhớ. Mà ký ức thì mong manh và phản trắc. Cùng một sự việc, những người khác nhau nhớ những điều khác nhau và theo cách khác nhau. Không có sự thật tuyệt đối, chỉ có những phiên bản bất tận của nó. Herodotus đã biết điều ấy. Kapuściński đã biết điều ấy.

Khi ta đọc lại một điều gì đó đã viết, xem lại một tấm ảnh đã chụp, nó làm ta nhớ lại cái khoảnh khắc ấy, nhưng đồng thời nó cũng nói với ta rằng: tất cả đã khác rồi, đã vĩnh viễn ra đi.

Khi lòng muốn nhớ, có nghĩa là ta đã quên.

Mênh mông như biển



Bộ phim Hàn Quốc đầu tiên mà tôi xem là „Anh em nhà bác sỹ”, lâu lắm rồi, vào cái thời mà ở đây, mọi thứ bằng tiếng Việt đều là xa xỉ, người ta có thể xem và đọc bất cứ thứ gì có chút tiếng Việt rơi vào tay. Có lẽ vì là "đầu tiên" nên tôi nhớ nhất. Nhớ nhất, nhưng cũng chỉ nhớ duy nhất một cảnh.

Đó là cảnh anh bác sỹ nhân vật chính và cô người yêu đồng nghiệp đi đến một nhà nghỉ, cô gái ngồi trên ghế bành, còn anh bác sỹ (sau rất nhiều lần làm cô đau lòng) ngồi dưới sàn, ngả đầu lên đùi cô, nhắm mắt lại và nói như một đứa trẻ „Lòng em mênh mông như biển...”

Cả bộ phim dài lê thê cuối cùng chỉ đọng lại trong tôi duy nhất cảnh ấy, và nó cứ đọng lại mãi, trong khi tất cả các cảnh khác đã nhạt nhòa ngay, từ rất lâu, đã tan biến ngay, từ rất lâu rồi.

Lòng em mênh mông như biển... Dịu dàng, bao la và khoan dung. Đấy là hình ảnh một người phụ nữ tuyệt vời trong lòng tôi. Người phụ nữ lý tưởng trong lòng tôi. Qua bao đau khổ, bao đắng cay, vẫn mênh mông như thế. Để người đàn ông của nàng có thể trở về sau những mỏi mệt, ngả đầu vào lòng nàng và nói như một đứa trẻ „Lòng em mênh mông như biển...”

Tôi ao ước mình có thể làm được như thế. Tôi ao ước mình là biển.

Nhưng tôi chỉ là một dòng suối. Mạng của tôi là Đại Khê Thủy, nước suối lớn. Suối lớn thì vẫn là suối, mà tôi thậm chí còn không thích làm suối lớn bằng suối nhỏ. Tôi chỉ là một con suối nhỏ. Khê Thủy.

Tôi là suối nên lòng tôi hạn hẹp. Tôi nghĩ những chuyện cỏn con, lo những chuyện cỏn con. Tôi giận dữ tung bọt với những tảng đá chắn ngang đường tôi. Người ta chỉ lội một lát là qua hết tôi, sang bờ bên kia.

Tôi không mang trong mình nhiều nước mắt như biển, nên không mặn mòi giống biển. Tôi không sâu như biển nên chẳng có san hô đầy màu sắc. Lòng tôi chỉ có rong rêu. Tôi không bao la như biển nên chẳng có những bình minh hay hoàng hôn rực rỡ giống biển khi ôm lấy mặt trời. Tôi chỉ ôm được vài tia nắng thôi.

Nhưng tôi thật muốn được là biển. Và tôi vẫn luôn hướng ra biển, chẳng bao giờ ngừng.

Những giọt nước mắt ở sân bay

Tôi nhìn thấy hai người già đi tiễn bạn ở sân bay.

Những bàn tay vẫy nhau run rẩy. Những giọt nước mắt run rẩy.

Xung quanh, người người đi lại nườm nượp, hối hả. Những gương mặt đăm chiêu. Những guơng mặt tươi cười. Xe đẩy, hành lý, băng chuyền, những bảng điện tử nhấp nháy. Tiếng nói cười ồn ào lao xao, tiếng loa, tiếng chuông điện thoại...

Nhưng không ai rơi nước mắt.

Đã lâu lắm rồi, tôi cũng không rơi nước mắt khi tiễn ai đó ở sân bay.

(opera) La Boheme



Nhắc đến La Boheme của Giacomo Puccini, người ta thường liên tưởng đến ngay những người nghệ sỹ phóng túng của thành Paris cuối thế kỷ XIX, và những thứ gắn liền với họ như khu Latin, những căn phòng áp mái, căn bệnh lao phổi „thời thượng” và sự thiếu thốn triền miên...

Vở opera mở đầu với không gian là một đêm Giáng sinh mưa gió trong căn phòng của Rodolfo – một thi sĩ nghèo. Một không gian thật u buồn và ảm đạm. Rodolfo và các bạn của chàng – Marcello (họa sỹ), Schaunard (nhạc sỹ) và Colline (người say mê các triết gia và những cuốn sách triết học), nghĩa là đủ các thành phần của giới nghệ sỹ – quyết định kéo nhau đến tửu quán Momus để vui chơi. Những người bạn đã kéo nhau ra ngoài, Rodolfo còn nấn ná lại trong phòng một chút....

Bỗng nhiên cô gái hàng xóm xuất hiện. Cô xin lửa để thắp nến, rồi cô làm rơi chìa khóa... Thực ra tất cả những lý do đó đâu có quan trọng gì. Điều quan trọng là chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, họ bỗng nhiên cảm nhận được tình yêu... Người thi sỹ suốt đời coi khinh những kẻ giàu sang và Mimi - cô gái yêu thơ, yêu hoa, yêu mùa xuân ấy đã tìm thấy trong khoảnh khắc tất cả sự tin yêu trong cuộc đời. Tất cả chỉ là trong chớp mắt. Mimi đã đi cùng với Rodolfo đến quán Momus, còn Rodolfo thì nói với các bạn của mình: „Tôi là thi sỹ, còn Mimi là Nàng thơ của tôi!” Phải chăng tình yêu đích thực luôn là như thế - xuất hiện vào những thời điểm bất ngờ nhất, chẳng theo một quy luật hay chuẩn mực nào, chỉ là sự đồng cảm tuyệt đối và niềm tin sâu thẳm từ đáy tim...

Nhưng hạnh phúc thật ngắn ngủi. Hạnh phúc thực sự vốn là ngắn ngủi như thế, hay trên sân khấu mọi thứ đều diễn ra nhanh hơn? Mimi bị lao phổi nặng, và nàng sắp chết. Sau những yêu thương và hờn giận, nồng nàn và cay đắng, vui sướng va ghen tuông... họ chia tay nhau. Ở đây Puccino đã để cho Rodolfo có một tình cảm rất đời thường, đó là nỗi sợ. Rodolfo có phần sợ bệnh lao phổi của Mimi! Vào thời Puccini người ta đã biết bệnh lao phổi có thể lây... Họ chia tay nhau mà không thể quên dược nhau. Và cảnh cuối cùng, một kiệt tác của Puccini, là cảnh Mimi chết. Rodolfo và những người bạn đang vui đùa cùng vài cô gái, thì Musetto – người tình cũ của Marcello – đưa Mimi tới. Cô sắp chết và muốn được nhìn thấy Rodolfo lần cuối. Bỗng nhiên tất cả những trò vui nhộn trở nên nhạt nhẽo, vô nghĩa và tầm phào như là cuộc đời phù du này, khi người ta đối diện với cái chết của người mà mình yêu thương. Không hiểu sao khi xem đến đây, nước mắt cứ giàn dụa chảy. Khi mình nhìn thấy một sự mất mát quá lớn mà không làm gì để ngăn nó lại được, khi mình chưa mất mà biết là sẽ mất, khi mình thấy mình đã lãng phí thòi gian vì những thứ không đâu, trong khi điều quan trọng nhất, thứ quí giá nhất, người mình yêu thương nhất lại đang lìa xa mình... Điều này có lẽ còn thương tâm hơn là cảnh Rodolfo thét gọi tên người yêu khi nàng đã chết. Người ta nói khi viết cảnh này, Puccini đã dùng những gam trầm sâu, và sau khi ông chơi những nốt nhạc ấy trên đàn piano giữa đêm khuya, ông đã bước ra giữa phòng và khóc nức nở như một đứa trẻ. Ông như tận mắt chứng kiến cái chết của nhân vật mình tạo ra. Mimi là nhân vật mong manh nhất của Puccini. Một nhà phê bình Ba lan viết: „Sau khi nghe những âm thanh này thì cuộc sống không còn như trước nữa. Không chỉ là cuộc sống của các nghệ sỹ, mà là cuộc sống của chính chúng ta”.

Vở La Boheme ra mắt khán giả lần đầu tiên tại Turin (Ý) vào năm 1896. Hai năm sau đó nó được trình diễn tại Nhà Hát Lớn Warszawa.

La Boheme lần này với sự dàn dựng của Trelinski ra mắt khán giả Warszawa lần đầu tiên vào tháng 3.2006. Ở đây, khán giả không còn thấy cái không khí cũ kỹ của Paris cách đây hơn một thế kỷ nữa. Đây là một câu chuyện muôn đời của những người nghệ sỹ: yêu tự do, phóng khoáng, ghét những chuẩn mực, địa vị, tiền tài... Không gian có thể là bất cứ đâu: New York, London, Warszawa hay Berlin… Những người nghệ sỹ của Trelinski mặc quần bò, áo da hoặc những chiếc váy gợi cảm… Họ không ở trong những căn phòng áp mái nữa, những studio áp mái với tầm nhìn ra thành phố bây giờ không còn là của họ, mà đã là của giới thượng lưu rồi. Bây giờ họ ở trong các khu nhà hộp cao tầng bằng bê tông… Nhưng tâm hồn họ thì muôn đời vẫn thế, những nỗi đau của họ thì muôn đời vẫn thế, tình yêu và cái chết thì muôn đời vẫn thế… Và đây chính là điều Trelinski muốn nhấn mạnh – tình yêu và cái chết. Ông nói người ta đã để cho cái không khí Paris làm lu mờ mất cái cốt yếu nhất của tác phẩm này. Những sắc thái của tình yêu, cuộc sống và cái chết, qua câu chuyện của Rudolfo và Mimi hay Marcello và Musseta, được thể hiện qua âm nhạc của Puccini thật tuyệt vời. Đây là một vở rất khó, nhịp điệu và sắc thái luôn thay đổi, đòi hỏi các nghệ sỹ phải có trình độ cao và cả kinh nghiệm dày dạn nữa. Trong buổi diễn lần này, các vai chính đều do các nghệ sỹ của nhà hát St. Peterburg đảm nhận.

(ballet) Kẹp Hạt Dẻ (The Nutcracker)



Bên cạnh „Hồ Thiên Nga” và „Công chúa ngủ trong rừng”, „Kẹp hạt dẻ” là vở ballet nổi tiếng của Pyotr Ilyich Tchaikovsky mà có lẽ bất cứ ai yêu thích môn nghệ thuật này đều không thể không biết đến.

Nội dung vở ballet dựa theo câu chuyện cổ tích viết cho thiều nhi „Chiếc kẹp hạt dẻ và vua chuột” của nhà văn Đức E.T.A. Hoffmann. Khó mà biết được tại sao ông giám đốc nhà hát Mariinsky của St. Petersburg khi đó – Ivan Vsevoloshky – lại chọn câu chuyện không mấy trữ tình này. Có thể là do một bộ phận trong giới trí thức St. Petersburg đương thời bắt đầu quan tâm đến Hoffmann, và đây là một lựa chọn theo „mốt”, cho nó ...sành điệu.

Câu chuyện mở đầu bằng khung cảnh một đêm Giáng sinh, trong không khí đông vui đầm ấm của một gia đình thượng lưu. Clara, cô con gái của chủ nhà, cùng đám trẻ mê mẩn với Drosselmeyer (cha đỡ đầu của Clara) và những món đồ chơi mà ông mang đến. Trong số đồ chơi đó có chiếc kẹp hạt dẻ khiến Clara rất thích thú. Cô bé say sưa với món đồ chơi và khi khách khứa đã ra về hết, Clara ôm món đồ chơi đi ngủ...

Từ đây bắt đầu một không gian pha trộn giữa hư và thực, những đan xen của trí tưởng tượng và hiện thật... Lũ chuột cùng vua chuột xuất hiện, chúng nhảy múa hò hét và đánh nhau với các món đồ chơi của Clara. Kẹp hạt dẻ „anh dũng chiến đấu”, và cuối cùng – với sự giúp sức của Clara – đã đánh thắng vua chuột, khiến lũ chuột phải rút lui. Lúc này, (theo đúng logic của các câu chuyện cổ tích :) ) Kẹp hạt dẻ biến thành chàng hoàng tử đẹp trai, cùng Clara say đắm trong không gian thần tiên ở Xứ sở Mùa Đông của bà chúa Tuyết. Màn múa „Vũ điệu của những bông tuyết” là cao trào và cũng là man kết thúc hồi I, đưa các nhân vật và người xem hoàn toàn bước vào thế giới hư ảo của những câu chuyện cổ tích và của những giấc mơ...

Hồi II mở ra với khung cảnh lễ đính hôn của Clara và Hoàng tử. Đôi bạn trẻ và các vị khách như được viễn du đến những miền đất xa xôi : Tây Ban Nha, miền Cận Đông, Trung Quốc và nước Nga qua các vũ điệu Spanish Dance, Arabian Dance, Chinese Dance và Russian Dance... Các vũ điệu này, với cách diễn giải khác, tượng trưng cho những hương vị khác nhau của bữa tiệc: Spanish Dance tượng trưng cho mùi vị chocolate, Arabian Dance tượng trưng cho vị cà phê, Chinese Dance – vị trà và Russian Dance – bánh kẹo...

Tiếp theo là Điệu valse của những bông hoa (Waltz of the Flowers) - cao trào của hồi II, như đưa khán giả lạc vào một chốn thần tiên. Hãy thử tuởng tượng xem, trong không khí vui tươi và thơ mộng, những bông hoa đang khiêu vũ, mà mỗi bông hoa là một nàng ballerina xinh đẹp...

Vở ballet kết thúc khi Clara tỉnh giấc, vẫn ôm chiếc kẹp hạt dẻ trong tay.

„Kẹp hạt dẻ” ra mắt công chúng lần đầu vào tháng 12.1892. Trái với mong đợi, phản ứng của khán giả không lấy gì làm mặn mà cho lắm. Giới thị dân St.Petersburg không cảm thấy gần gũi với đề tài thế giới đồ chơi của lũ trẻ nhà giàu bên Đức. Họ chê vở ballet là „ngây thơ” và buồn tẻ, chán ngắt, nhất là hồi I. Báo chí phê phán kịch liệt phần nhạc của Tchaikovsky, cho rằng nó xa rời truyện thống nghệ thuật ballet, không có màu sắc, không thích hợp cho ballet... Chỉ có duy nhất tờ „Artist” là đánh giá nhạc Tchaikovsky có đầy đủ mọi yếu tố của một tác phẩm ballet và „được viết bởi một tài năng xuất chúng”. Đến nay thì chúng ta đều biết, giá trị cốt yếu của vở ballet „Kẹp hạt dẻ” chính là âm nhạc của Tchaikovsky.

Bản thân Tchaikovsky khi viết vở ballet này cũng không mấy chú tâm, và ông luôn coi „Công chúa ngủ trong rừng” mới là vở „đỉnh” nhất của mình. Tuy nhiên, hậu thế lại không công nhận điều đó mà xếp „Kẹp Hạt dẻ” lên trên. So với 2 vở ballet Tchaikovsky viết trước đó („Hồ Thiên Nga”„Công chúa ngủ trong rừng”), „Kẹp Hạt dẻ” có rất nhiều cái mới trong giai điệu cũng như cách sử dụng các nhạc cụ, nó có một vẻ duyên dáng, đơn giản, nhẹ nhàng và hóm hỉnh khác biệt.

Nghe Waltz of the Flowers ở đây.

Những người phụ nữ trong cuộc đời Franz Liszt

Franz Liszt, nhà âm nhạc vĩ đại, vừa là một nghệ sỹ dương cầm tuyệt thế được mệnh danh là „Vua piano”, vừa là một nhà soạn nhạc tài ba (với đóng góp kiệt xuất trong việc xây dựng nên „âm nhạc tiêu đề”, ông cũng là người đầu tiên sáng tạo „thơ giao hưởng”), vừa là một nhà văn và vào những năm cuối đời, ông còn là một ... thầy tu! Trên mỗi bước thăng trầm của cuộc đời, bên cạnh Liszt luôn có bóng dáng của những người phụ nữ, trong số đó đáng kể nhất, có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến sự nghiệp của ông là nữ bá tước Marie d’Agoult và quận chúa Carolyne Sayn-Wittgenstein.

Năm 1834 Liszt làm quen với nữ bá tước Marie d’Agoult. Bà đã bỏ chồng đi theo Liszt, hai người có với nhau 3 người con. Thời kỳ chung sống với Marie d’Agoult là thời kỳ Liszt đi công diễn khắp châu Âu. Marie d’Agoult quen một lối sống xa xỉ, nên ban đầu Liszt phải làm việc cật lực qua những buổi diễn tấu lưu động để đáp ứng nhu cầu chi tiêu trong gia đình, nhưng về sau việc diễn tấu trở thành tự giác. Nhũng cuộc viễn chinh này của Liszt đã đem đến cho ông tột đỉnh vinh quang với tư cách một nghệ sỹ dương cầm. Ông được tung hô ở mọi nơi, trở thành nhân vật thời thượng nhất châu Âu thời đó. Liszt là người đầu tiên trong lịch sử âm nhạc đã mở nhạc hội một mình. Năm 1844 Liszt chia tay với Marie d’Agoult, sau này bà trở thành nhà văn với bút danh Daniel Stern. Có lẽ chính vì ảnh hưởng của bà mà Liszt cũng bén duyên với nghiệp viết lách. Ông đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm viết về Chopin, Berlioz, Schumann…, trong đó cuốn sách viết về Chopin có thể được xếp vào tủ sách văn học.

Năm 1847 là một năm bước ngoặt trong cuộc đời cũng như sự nghiệp của Liszt. Ông quen quận chúa Carolyne Sayn-Wittgenstein trong một lần công diễn ở Kiev và hai người yêu nhau. Quận chúa Carolyne Sayn-Wittgenstein đã có gia đình, nhưng đã theo Liszt sang định cư tại Weimar (Đức). Chính Wittgenstein đã khuyên Liszt nên ngưng những cuộc lưu diễn mệt mỏi để tập trung vào sáng tác. Tin Liszt ngừng trình diễn làm ngẩn ngơ không biết bao nhiêu thính giả say mê ông. Từ đây bắt đầu một chặng đường hoàn toàn mới của cuộc đời Liszt. Từ một cuộc sống đầy sôi động, với những cuộc lưu diễn huy hoàng, ông bước vào một giai đoạn êm đềm, để rồi trở thành một nhà soạn nhạc bậc thầy, đạt đến đỉnh cao của sáng tác. Đây là giai đoạn mà Liszt cảm thấy rất hạnh phúc.

Bản nhạc "Giấc mơ tình yêu" (Dream of Love) mà Liszt viết trong thời gian này để dành tặng cho Carolyne - tình yêu lớn nhất cuộc đời ông, sau này đã trở thành một bản nhạc cổ điển vô cùng quen thuộc và gần gũi, nhất là đối với những đôi lứa yêu nhau...

Nhưng việc Liszt bỏ lưu diễn để sống một cuộc đời buồn tẻ ở Weimar chuyên tâm sáng tác, thực ra cũng là điều hợp với lý tưởng của ông. Trong những ngày tháng lưu diễn, Liszt luôn cảm thấy bất mãn, mặc dù quanh ông luôn là những thành công vang dội. Liszt là người có một lý tưởng nghệ thuật cao thượng, trong khi việc trình diễn chủ yếu là để phục vụ tầng lớp tư sản quý tộc, những người „suốt ngày được ăn no nê để vui chơi giải trí”. Do đó, việc ông từ bỏ những chuyến lưu diễn chỉ là việc sớm muộn mà thôi. Carolyne Sayn-Wittgenstein là người phụ nữ hiểu ông và đã khuyến khích ông trong quyết định bước ngoặt này.

Sau này, vì không thể chính thức kết hôn với Liszt, Carolyne Sayn-Wittgenstein đã bỏ đi tu. Liszt đã theo nàng đến Roma và đã trở thành ... cha cố vào năm 1865, khoác áo tu hành suốt 4 năm sau đó.

Hai người phụ nữ, Marie d’Agoult và Carolyne Sayn-Wittgenstein, mỗi người là một quãng đời của Liszt, mỗi người có một ảnh hưởng khác nhau đến sự nghiệp của ông. Nhưng họ đều là những người đã ở bên ông, đã góp phần để cho nhân loại có một Franz Liszt vĩ đại lưu danh muôn thủa.

Nghe "Dream of love" ở đây.

Bí mật của những cuộn băng đỏ

Ignacy Jan Paderewski (1860-1941), nghệ sỹ piano nổi tiếng của Ba Lan, bắt đầu thu thanh các bản trình tấu từ năm 1911. Sau đó, ông đã thu thanh rất nhiều lần trên máy quay đĩa cho đến năm 1938. Nhưng chất lượng thu thanh trên đĩa hát rất kém, với kỹ thuật tân tiến như hiện nay cũng không thể lọc bỏ được hết những tiếng ồn và nhiễu. Chính vì thế, chúng ta được biết đến các „tuyệt chiêu” trong nghệ thuật chơi piano của Paderewski không phải nhờ các đĩa thu thanh, mà chính là nhờ những ghi âm trên các cuộn giấy. Ngày nay phương pháp này đã hoàn toàn bị lãng quên, những người phát minh ra nó đều đã qua đời và mang theo bí mật sang bên kia thế giới, nhưng 100 năm trước nó đã từng được sử dụng rộng rãi không kém gì máy thu đĩa.


Phương pháp ghi âm đã thất truyền này được hình thành từ giữa thế kỷ XIX. Người ta gắn vào trong chiếc đàn dương cầm một dụng cụ điện tử và 1 dụng cụ chạy bằng khí. Dụng cụ thứ nhất làm dịch chuyển cuộn băng giấy, dụng cụ thứ 2 xử lý cường độ của không khí phát sinh theo chuyển động của các búa nhỏ. Phương pháp ghi âm này được công ty Welte & Sohne hoàn thiện vào năm 1904, cho phép ghi lại không những trình tự âm thanh mà cả những điểm đặc trưng riêng của từng bản trình tấu. Trên băng giấy là sự phối hợp của cả trăm các loại lỗ khác nhau. Những lỗ ở giữa ghi lại từng lần gõ phím đàn, những lỗ ở 2 bên lề biểu thị cường độ mạnh nhẹ và những lần nhấn pê-đan. Sau khi ngâm vào hóa chất để cố định những gì ghi được, các cuộn giấy có thể đem sao chép. Nhược điểm duy nhất của phương pháp này là giá thành quá cao. Một chiếc piano có gắn hệ thống ghi âm như vậy của hãng Welte-Mignon vào đầu thế kỷ XX giá khoảng 10.000 Frank Thụy Sỹ. Do đó, những chiếc đàn kiểu này đã không cạnh tranh được với máy thu đĩa, mặc dù chất lượng thu thanh của đĩa hát kém hơn rất nhiều.


Ngày 27.2.1906 Paderewski đã ghi âm các bản độc tấu piano cho hãng Welte-Mignon. Ngoài các tác phẩm của Beethoven, Schubert, Liszt và 2 tác phẩm của chính ông, Paderewski còn trình tấu tuyển chọn một số tác phẩm của Chopin. Khi đó, Paderewski đang ở thời kỳ sung sức nhất. Nhưng chúng ta đã phải chờ gần 100 năm để có thể nghe các bản nhạc được ông ghi lại vào ngày hôm đó.


Những băng giấy ghi lại các bản nhạc này được lưu giữ tại Dàn Nhạc Giao Hưởng Pomorska ở Bydgoszcz (Ba Lan). Cuối những năm 90, công ty thu thanh DUX bắt đầu quan tâm đến những cuộn băng giấy này. Nhưng đây là những cuộn giấy màu xanh lá cây, có nghĩa là các bản sao. Rất may là các cuộn băng gốc màu đỏ đã được tìm thấy ở Thư viện Quốc Gia Ba Lan. Nhưng đó mới chỉ là đoạn đầu tiên của chặng đường 5 năm ròng rã để tìm ra cách “đọc” các bản trình tấu của Paderewski. Người ta không tìm thấy loại đàn thích hợp cho việc này trong Viện Bảo Tàng Nhạc Cụ duy nhất của Ba Lan ở Poznan, nên cuộc tìm kiếm đã mở rộng sang các bảo tàng nhạc cụ ở Berlin, Franfurt và Stuttgart. Cuối cùng, các băng giấy được đem đến Thụy Sỹ. Tại Bảo tàng Máy móc Âm nhạc ở Seewen, các bản trình tấu của Paderewski cuối cùng đã được khôi phục đầy đủ.

(theo Jacek Marczynski)

(opera) Madame Butterfly


Madame Butterfly của Giacomo Puccini là vở opera dựa theo vở kịch cùng tên của David Belasco. Puccini có dịp xem vở kịch này khi sang London dự buổi ra mắt vở Tosca ở nhà hát Convent Garden. Mặc dù một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết, nhưng vở kịch đã gây cho ông ấn tượng vô cùng sâu sắc.

David Belasco (1853-1931) mà tên tuổi ngày nay đã hoàn toàn bị lãng quên, là một trong những nhân vật đặc sắc nhất của giới sân khấu Mỹ thời kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Tổ tiên của ông là những người Do Thái Bồ Đào Nha phải bỏ trốn sang Anh từ thế kỷ XV vì bị đàn áp tôn giáo. Từ Anh, cha ông di cư sang California vào giữa thế kỷ XIX. David Belasco sinh ra tại San Francisco, nhưng lớn lên ở Victoria, Canada. Ban đầu, ông muốn làm linh mục, nhưng rồi lại đi theo tiếng gọi của sân khấu, cũng là tiếp nối truyền thống gia đình mà trong đó cha và bác ông đều là nghệ sỹ.

David Belasco viết “Madame Butterfly” vào năm 1900, vở kịch đã trở thành một trong những thành công lớn nhất của ông, được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt không riêng ở Mỹ mà còn ở các quốc gia Anh ngữ khác. Vở kịch chỉ có vỏn vẹn 1 hồi, dựa theo tiểu thuyết cùng tên được đăng tải trên một tạp chí Mỹ 2 năm trước đó của Jonh Luter Long - một luật sư xem việc viết lách như một thú giải khuyây ngoài giờ làm việc. Tiểu thuyết của Long kể về cuộc hôn nhân giữa một geisha Nhật và một sỹ quan hải quân Mỹ, cuối cùng đổ vỡ vì những xung đột về chủng tộc, văn hóa, tâm hồn… Trong tiểu thuyết, bối cảnh câu chuyện xảy ra ở Mỹ và Nhật, nhân vật chính là nàng Cio-Cio San tự tử không thành vì được cứu kịp thời. Trong vở kịch của mình, Belasco tập trung cho câu chuyện xảy ra chỉ ở Nagasaki, và để thêm phần kịch tính nên đã cho nàng Cio-Cio San “một đi không trở lại”.

Viết libretto cho vở opera này là Luigi Illica và Giuseppe Giacosa. Ban đầu, vở opera được ấn định là chỉ có prologue (phần mở đầu), nơi diễn ra hôn lễ của Cio-Cio San và thuyền trưởng Pinkerton, và một hồi. Sợ rằng như vậy sẽ quá ngắn, Puccini kéo ra thành 2 hồi.

Vở opera được ra mắt khán thính giả lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1904 ở nhà hát La Scala, Milan và… thất bại thảm hại! Đó là một trong những ngày đen tối và cay đắng nhất trong suốt sự nghiệp nghệ thuật của Puccini. Mặc dù có một dàn nghệ sỹ tuyệt vời, vai chính do Rosina Storchio - giọng ca sopran trữ tình xuất sắc nhất của Ý thời đó đảm nhiệm, vở opera thất bại một cách không thể cứu vãn. Nhà hát như biến thành một địa ngục. La Scala đã chứng kiến nhiều buổi ra mắt thất bại, nhưng không khí bao trùm trong nhà hát ngày hôm đó là một điều thực sự bất thường.

Rosina Storchio kể lại: „Lúc 8 giờ rưỡi, tất cả chúng tôi đã sẵn sàng, phục sức và trang điểm xong xuôi ở trong hậu trường. Tito gọi chúng tôi ra sân khấu. Anh nhìn chúng tôi từ đầu đến chân. Anh hài lòng. Mọi thứ đều ổn cả… Puccini lại gần tôi và nói “9 giờ rồi, chúng ta bắt đầu thôi. Campanini đã ra với dàn nhạc.” Tôi tiến ra cánh gà. Nhà hát không yên ắng. Tôi có một linh cảm xấu. Tôi trở vào phòng thay đồ. Khi dàn nhạc bắt đầu chơi, tay trái tôi siết chặt lên trái tim, tay phải làm dấu Thánh 3 lần…

Các tình tiết quá nhiều trong phần đầu, mọi người bắt đầu mệt mỏi. Một nghệ sỹ đi vào cánh gà và chửi thề “Chó má, khán giả kiểu gì vậy! Họ không làm gì hết, chỉ ho thôi! Quỷ tha ma bắt họ đi...” Trán tôi vã mồ hôi lạnh. Những người phục vụ đã sẵn sàng mở đường, bây giờ đến lượt tôi. Tôi hát „ Làn gió mùa xuân tươi tắn thổi đến từ biển và từ đất liền...”, nhưng một sự im lặng thù địch bao trùm khắp phía dưới. Đột nhiên một tiếng kêu phá vỡ im lặng „La Boheme, La Boheme!” Những giọng khác lặp lại theo anh ta „La Boheme! La Boheme! Chúng tôi đã nghe cái này rồi!” Một phần khán giả phản ứng bằng cách vỗ tay, nhưng điều này càng làm cho những người kia phản đối dữ hơn. Một hồi rất dài sắp kết thúc. Duet của tôi và Pinkerton làm họ dịu xuống một chút, nhưng khi câu hát trên kia trở lại, những tiếng la hét lại nổi lên: „La Boheme! La Boheme!”.

Khi màn hạ xuống chỉ có một ít tiếng vỗ tay và rất nhiều tiếng phản đối.(...) Trong giờ nghỉ không một ai vào hậu trường. Không một người bạn, không một nhà báo.(..) Chúng tôi nhìn nhau không nói gì hết, nản lòng và kinh hãi. Tôi nhìn gương mặt Puccini, những mảng lớn đỏ ửng lan khắp mặt. Ông căng thẳng hút thuốc, hết điếu này đến điếu khác, không để ý đến những người nhân viên cứu hỏa đang làm nhiệm vụ đang vờ như không nhìn thấy gì (...)

Aria „Un bel di vedremo” được đón nhận trong tiếng la ó phản đối. Có thể chính tôi cũng không kiểm soát được giọng hát của mình nữa? Nhưng tôi đã chắc rằng minh không thể hát với một sự biểu cảm lớn hơn thế... Toàn bộ phần cuối của vở opera được nghe với một sự lạnh nhạt bàng quan. Cái chết của tôi không tạo ra được cho họ một chút ấn tượng nào. Butterfly kết thúc trong những tiếng huýt sáo và la ó.”

Sau đó, Madame Buterrfly không được trình diễn thêm một lần nào ở nhà hát La Scala trong thời gian Puccini còn sống.

Kết cục thảm khốc của buổi ra mắt là một đòn đau giáng xuống Puccini. Ông kể lại: „Đó là một buổi tối khủng khiếp. Sự thất bại không mong đợi đã đâm tôi thât sâu. Nhưng tôi nhất quyết đương đầu với cảm xúc nổi loạn. Tôi quá yêu tác phẩm của mình để có thể tin vào những đánh giá khách quan đã làm tổn thương nó đến thế (...) Buổi tối hôm đó, đầy đau đớn, tôi đã thét lên tiếng kêu phản kháng. Nhưng ngày hôm sau tôi cảm thấy vô cùng tan nát và hổ thẹn. Tôi không khóc vì 3 năm công sức của mình, nhưng tôi buồn khi thấy giấc mơ thơ mộng mà tôi ôm ấp với một tình yêu như thế tan vỡ. Trong khoảnh khắc đó, tôi tưởng rằng mình không thể sáng tác thêm được một nốt nhạc nào nữa...”

Nhưng Puccini không gục ngã. Chỉ 2 ngày sau ông đã viết thư cho anh rể: „Anh Massimo thân mến! Anh hãy yên lòng, giống như tôi vậy. Đám mafia tàn bạo tra tấn tôi, nhưng không làm tôi gục ngã được. Butterfly sẽ sống lại, sẽ nở hoa, và sự hồi sinh sẽ đến rất nhanh thôi, rồi anh sẽ thấy!”

Quả vậy, thành công của Madame Butterfly đến ngay sau đó, vào tháng 5.1904 ở Nhà Hát Lớn Brescia. Thành công rực rỡ hoàn toàn bù đắp lại thất bại ở La Scala hôm nào. Có tới 7 đoạn bị khán giả yêu cầu hát lại. Người ta gọi tên Puccini mãi không thôi. Điều này khá lạ lùng vì Brescia cách Milan không xa, và rất đông khán giả hôm đó đến từ Milan, trong số đó có thể nhiều người mới chỉ 3 tháng trước đó đã „phỉ nhổ” Butterfly.

Một tháng sau, Madame Buttefly chinh phục Buenos Aires và thành công vang dội. Ngày nay, vở opera này trở thành một trong những vở được trình diễn nhiều nhất trên thế giới.

Nghe aria Un bel di vedremo

Thursday 23 April 2009

Du hành "xuyên thời gian, qua không gian" cùng Herodotus

Link

12/03/2009 08:29 (GMT + 7)

(TuanVietNam) - Đọc Du hành cùng Herodotus, có thể thấy Kapuscinski là người ham hiểu biết thế giới như thế nào. Mong ước cháy bỏng của ông là được một lần bước chân ra khỏi biên giới nước mình. Sau đó, giống như Herodotus, ông chưa trở về từ chuyến đi này đã chuẩn bị cho cuộc du hành tiếp theo.

Tên sách: DU HÀNH CÙNG HERODOTUS
Tác giả: Ryszard Kapuscinski
Dịch giả: Nguyễn Thái Linh
Phát hành: Nhã Nam Books & NXB Văn hóa Sài Gòn
*****

Tôi có may mắn được R. Kapuscinski, lúc sinh thời, coi là bạn vong niên, là người thân của gia đình. Tôi được ông tiếp chuyện tại nhà riêng trên phố Prokuratorska 11 ở thủ đô Vacsava, được tặng sách, được nhiều lần dự các cuộc gặp gỡ với công chúng Ba Lan yêu văn học và yêu mến tác phẩm của ông.

Nhưng vinh dự bao giờ cũng đi kèm với trách nhiệm nặng nề. Bạn bè Ba Lan, khi biết tôi không chỉ là người thân của gia đình ông mà còn là dịch giả văn học Ba Lan ở Việt Nam, nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng cho đến gần đây, chưa có cuốn sách nào của bậc thầy về thể loại phóng sự văn học này được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Tôi luôn rất lúng túng khi tìm câu trả lời và tìm cách chống chế cho thực tế khó lòng chối cãi này.

"Niềm vui trọn vẹn" với Du hành cùng Herodotus

Đầu năm 2008, nhân kỷ niệm một năm ngày mất của R. Kapuscinski, theo đề xuất của tôi, tạp chí Văn học Nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam ra số đặc biệt về ông. Có thể coi đây là một cố gắng lớn, cũng là một cột mốc quan trọng đánh dấu việc giới thiệu với bạn đọc Việt Nam một nhà văn đặc biệt xuất sắc không chỉ của Ba Lan mà của cả thế giới thế kỷ 20. Nhưng với khuôn khổ của tờ tạp chí ra hai tháng một lần, những gì cần làm để quảng bá con người và tác phẩm của R. Kapuscinski chưa thể khiến những người yêu mến và ngưỡng mộ ông hài lòng.

Phải đợi đến khi cuốn Du hành cùng Herodotus của ông do Nguyễn Thái Linh dịch và Công ty Nhã Nam phối hợp với nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn cho ra mắt bạn đọc Việt Nam, tôi mới có được niềm vui trọn vẹn.

Ngày 23 tháng 1 năm 2009, nhân kỷ niệm hai năm ngày mất của R. Kapuscinski, Câu lạc bộ Người làm sách nằm ngay trên thành cổ Vacsava, tổ chức cuộc gặp mặt giới thiệu cuốn sách mới xuất bản về ông. Những người yêu mến nhà văn và yêu mến tác phẩm của ông ngồi chật hội trường.

Tôi đến cuộc gặp với cuốn Du hành cùng Herodotus bằng tiếng Việt trong tay, lòng trào dâng niềm tự hào khi bà quả phụ Alicja Kapuscinska, trả lời câu hỏi của một thính giả về các thứ tiếng nước ngoài mà sách của chồng đã được dịch ra, lần đầu tiên kể tên bản dịch ra tiếng Việt bên cạnh các thứ tiếng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ở khu vực châu Á.

Tôi hơi quá lời chăng về việc dịch và xuất bản một tác phẩm của nhà văn Ba Lan ra tiếng Việt? Lẽ ra đó là chuyện thường tình. Bởi lẽ từ trước đến nay, trong quá trình giao lưu và phát triển của bất cứ nền văn học nào, văn học dịch bao giờ cũng chiếm địa vị quan trọng. Đối với Việt Nam, một đất nước mà văn học hình thành và phát triển trong những điều kiện đặc biệt, với tư tưởng học hỏi để vươn lên, văn học dịch càng có vai trò xứng đáng.

Nhưng nếu nhìn nhận sự kiện cuốn Du hành cùng Herodotus của R. Kapuscinski được dịch và xuất bản tại Việt Nam qua phân tích những khía cạnh liên quan đến vị trí của nhà văn trong văn học Ba Lan, giá trị đích thực của tác phẩm và thực tế việc giới thiệu ông ở Việt Nam cho tới nay, mới thấy hết ý nghĩa của việc làm thoạt nhìn tưởng rất thường tình này.

Về R. Kapuscinski, suốt mấy chục năm nay, vai trò và vị trí của ông trong văn học dân tộc và văn học thế giới là điều không cần bàn cãi. Liên tục trong mấy năm trước khi qua đời, ông luôn là người được bình chọn vào danh sách các nhà văn cuối cùng đưa ra bỏ phiếu bầu người xứng đáng nhất nhận giải Nobel Văn học. Gần đây một độc giả Ba Lan đã viết rằng nếu có nhà xuất bản nào đem in cuốn sổ tay ghi các số điện thoại của Kapuscinski thì người ta cũng mua và đọc.

Ở Ba Lan, nhiều người nghiện mua và đọc sách của ông. Tại Mỹ, tác phẩm của ông là sách đọc bắt buộc trong chương trình môn văn học. Trên quê hương Chopin đã có chuyện một số cặp thanh niên chia tay nhau chỉ vì một trong hai người không đọc sách của Kapuscinski. Trong ngôn ngữ nước này cũng xuất hiện một thuật ngữ mới là kapumaniak, tức là người nghiện Kapuscinski.

Bà quả phụ Alicja Kapuscinska kể rằng gần hai năm sau khi chồng bà qua đời, những người hàng xóm đề nghị bà bật đèn điện ở phòng làm việc của ông vào ban đêm để họ có được cảm giác là ông vẫn sống và làm việc trong căn phòng đó.

Độc giả Ba Lan từ lâu vốn quen với những đề tài thuộc thế mạnh của Kapuscinski, tức là các vùng đất khác nhau trên thế giới, cho nên họ đinh ninh rằng cuốn sách tiếp theo của ông sẽ viết về Mỹ Latin hoặc thị trấn Pinsk quê hương ông. Vậy mà "đùng một cái", ông cho ra đời vào năm 2004 Du hành cùng Herodotus với số lượng phát hành lần thứ nhất lên đến 100 ngàn bản.

Ở thời kỳ khủng hoảng văn hóa đọc như hiện nay, bản thân con số ấy đã nói lên giá trị của tác phẩm rồi. R. Kapuscinski giải thích lý do viết cuốn sách đó của mình:

"Tôi vốn là người học lịch sử, cho nên dễ hiểu là tôi quan tâm đến quá khứ, trong đó có quá khứ xa xưa, giống như Herodotus. Khi viết cuốn sách này, tôi cảm nhận được rất nhiều niềm vui, giống như trước đây tôi đã từng hồ hởi vượt qua các biên giới về không gian thì bây giờ tôi đã vượt qua biên giới về thời gian. Mà cuốn "Sử ký" của Herodotus lại là một tác phẩm văn học lớn chưa được đánh giá đúng mức".

R. Kapuscinski cũng cho rằng Sử ký là tác phẩm văn xuôi lớn đầu tiên ở châu Âu, nó vừa được viết bởi ngòi bút tài năng vừa có giá trị mở đường, bởi vì trước đó mới chỉ có các tác phẩm sử thi, trường ca, các vở bi kịch viết riêng cho nhà hát. Sử ký chứa đựng trong mình nhiều yếu tố tổng hợp, cả kịch tính, cả tâm lý học, cả nhân chủng học.

Tinh thần lao động nghệ thuật ở R. Kapuscinski nói chung và trong trường hợp sáng tác Du hành cùng Herodotus nói riêng là đáng khâm phục, đáng để những người cầm bút lấy làm tấm gương. Ông kể rằng trước khi đặt bút viết tác phẩm này, ông đã tập hợp 140 cuốn sách liên quan đến đề tài, trong đó có hơn 10 cuốn trực tiếp nói đến Herodotus. Tuy vậy ông vẫn thấy số lượng tài liệu này quá ít và những thông tin về con người ông quan tâm là vô cùng ít ỏi. Chưa kể phần lớn các tài liệu vẫn chỉ ở dạng phỏng đoán, giả thiết chứ chưa phải là khẳng định.

Quyết định viết về Horodotus, R. Kapuscinski không nghĩ mình sẽ lặp lại những gì người khác đã làm, mà ông dự định đi con đường khác. Ông mượn danh tác giả Sử ký để nói về một số chi tiết liên quan đến bước đi ban đầu trong nghề làm báo của mình, trong đó có những chuyện ông chưa bao giờ kể. Ông hồi tưởng lại chuyện ông đã du hành cùng Sử ký như thế nào khắp cái thế giới bỗng nhiên mở ra trước mặt mình.

Cũng có một lý do nữa thôi thúc R. Kapuscinski viết Du hành cùng Herodotus. Chả là ông đã nhận ra rằng sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, người ta liên tiếp gọi điện thoại cho ông, đề nghị ông bình luận về các vấn đề châu Á, Iraq, đạo Hồi ... Người ta mời ông dự các hội nghị, hội thảo, xin phép phỏng vấn. Tất cả những cái đó chỉ khiến ông mất thời gian, không thể tập trung vào việc viết lách.

Cuối cùng, để không ai quấy rầy mình nữa, mỗi lần có ai hỏi ông đang viết gì, ông trả lời đang viết cuốn sách về Trung Đông, nhưng về các vấn đề Trung Đông cách đây hai ngàn rưởi năm. Nghe xong mọi người nói "cảm ơn" và lặng lẽ rút lui.

Thực ra khi đọc Sử ký ông đã phát hiện mới toàn bộ vẻ đẹp của tác phẩm. Nội dung của nó sâu sắc, ngôn ngữ của nó óng ánh, đến nỗi R. Kapuscinski cứ ngập chìm trong nó và càng đọc nhiều lần càng phát hiện ra nhiều điều mới mẻ.

Cuốn sách "lạ" nhất của Kapuscinski

Du hành cùng Herodotus là cuốn sách lạ nhất trong số những tác phẩm của Kapuscinski. Nó lạ là bởi vì nó chứa đựng rất nhiều yếu tố một lúc: vừa hiện tại, vừa hồi tưởng, vừa phóng sự, vừa lịch sử, vừa tiểu sử vừa xã hội học, và ở mức độ nào đó, có cả chính trị nữa. Cũng có thể nói nó được viết ra từ sự nhún nhường. Ở đây cây bút phóng sự kiệt xuất thế giới, thay vì những đề tài mang tính thời sự đang diễn ra, đã trở về với quá khứ xa xưa, đề cập đến những điều tưởng như đã bị lãng quên, không ai muốn lục lại.

Và thật thú vị, cuốn sách ngay sau khi ra đời đã gây tiếng vang lớn. Không ít ý kiến cho rằng Du hành cùng Herodotus là một trong số những tác phẩm quan trọng nhất và xuất sắc nhất trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác vốn rất đa dạng và giàu có của R. Kapuscinski. Người đọc cầm nó trên tay và đọc nó với cảm giác mừng vui, lo lắng lẫn lộn. Nó vừa bí ẩn vừa bất thường.

Giống như các tác phẩm văn học lớn khác, chủ đề của nó không bị bó hẹp, mà trải đều trên nhiều bình diện. Tác giả mạnh dạn trở lại với quá khứ từ 25 thế kỷ trước để xác định những sự thật tàn bạo về bản chất con người và trật tự thế giới. Đây vừa là cuốn sách ghi đậm dấu ấn cuộc đời tác giả, rất riêng tư, cảm động, chân tình, mạnh dạn bộc bạch, song cũng lại là tác phẩm mang phong cách đặc trưng Kapuscinski: không bao giờ để cho những vấn đề quan trọng nhất của thế giới mất hút trong tầm mắt mình.

Con mắt "toàn cầu" của cây bút Ba Lan

Trong khi nhiều người nhìn thế giới theo kiểu cục bộ địa phương thì R. Kapuscinski nhìn nó theo kiểu toàn cầu: Ông tập hợp những phần sự thật chung nhất vào một tổng thể chứ không quá coi trọng những sự thật nhỏ lẻ, chỉ mang tính nhất thời.

Ngay cả với những người được coi là trí thức, nhưng do phải sống trong thời đại bùng nổ thông tin, không có nhiều thời gian để đọc sách báo, phải chịu nhiều tác động của hoàn cảnh, bị tính chất thời đại chi phối, Kapuscinski cũng mách cho họ biết, cái gì là quan trọng. Ở những cái chúng ta coi là hiển nhiên, R. Kapuscinski đã phát hiện ra nhiều điều mới lạ.

Vậy điều gì quyết định sự thành công của tác phẩm? Có nhà phê bình văn học Ba Lan cho rằng bí quyết thành công là sự chân tình của ngòi bút Kapuscinski. Ông đã chiếm được niềm tin trọn vẹn của người đọc, một điều mà rất nhiều các nhà văn lớn khác đã từng mơ ước nhưng không có được.

Trong tác phẩm Du hành cùng Herodotus R. Kapuscinski đã mở rộng lòng mình hơn bao giờ hết trước người đọc. Ông hồi tưởng lại những năm 40, 50 của cuộc đời mình. Và nếu như trước đây ông đã phát hiện giúp chúng ta bao điều mới mẻ của hiện tại thì bây giờ ông chỉ ra cho chúng ta thấy và hiểu rõ hơn về một quá khứ xa xưa. Ông không chỉ khiến chúng ta ngạc nhiên mà bản thân ông cũng lấy làm ngạc nhiên trước những điều vừa phát hiện.

Đọc Du hành cùng Herodotus, có thể thấy Kapuscinski là người ham hiểu biết thế giới như thế nào. Mong ước cháy bỏng của ông là được một lần bước chân ra khỏi biên giới nước mình. Sau đó, giống như Herodotus, ông chưa trở về từ chuyến đi này đã chuẩn bị cho cuộc du hành tiếp theo. Ông coi các cuộc hành trình không phải là nhu cầu cấp thiết của cuộc sống, cũng không phải sự tìm kiếm cảm giác mới lạ, mà là "một cố gắng hiểu sâu hơn, nhận thức sâu hơn mọi điều – nhận thức cuộc sống, nhận thức thế giới và nhận thức bản thân mình".

Phải chăng tất cả là do sự tò mò quyết định? Điều đó đã rõ, song trước hết có lẽ là do nhu cầu lúc nào cũng muốn mình trở thành người bị bất ngờ, bị ngạc nhiên. Kapuscinski đã từng viết: "Con người không còn bị bất cứ cái gì làm cho ngạc nhiên là con người đã bị rút hết ruột gan, là con người có trái tim cạn khô nhiệt huyết. Ở một người luôn mang trong đầu ý nghĩ rằng tất cả đã là quá khứ và không có gì có thể gây ngạc nhiên nữa, trong con người đó, cái đẹp nhất là vẻ đẹp cuộc sống, đã chết rồi".

"Đơn thương độc mã" du hành thế gian

Nếu chúng ta tin rằng ở các nhà văn lỗi lạc, mỗi tác phẩm viết ra, thậm chí mỗi câu chữ, mỗi trang sách viết ra, đều là sự mang nặng đẻ đau, là sự thai nghén, đều là thứ có thể so sánh với con tằm rút ruột nhả tơ, thì điều này ở Kapuscinski rõ ràng hơn bao giờ hết. Kapuscinski đã hy sinh tuổi trẻ, hy sinh hạnh phúc gia đình vì sự nghiệp, vì những trang sách cho chúng ta cầm trên tay hôm nay.

Khi ông chu du khắp thế giới với tư cách người viết phóng sự, bao giờ ông cũng chỉ có một thân một mình. Và ông đắm chìm trong cái hiện thực ngôn ngữ và văn hóa xa lạ của đất nước ông đến. Ông chỉ có người bạn đồng hành nói cùng thứ tiếng với mình – cuốn Sử ký của Herodotus xuất bản bằng tiếng Ba Lan.

Ryszard Kapuscinski mấy chục năm nay là một trong số không nhiều các nhà văn Ba Lan luôn hiện diện trong tiềm thức của giới độc giả được liệt vào loại tinh hoa của thế giới hiện đại. Lúc đầu có vẻ như ông được coi trọng ở nước ngoài nhiều hơn trong nước. Đối với nhiều người, ông thật sự là thần tượng.

Tại Ba Lan cũng như trên thế giới, có hai đối tượng luôn nóng lòng chờ đợi tác phẩm của ông: Các nhà làm sách chờ đợi với hy vọng sách in ra sẽ bán chạy, thu nhiều lợi nhuận, giới trí thức còn sốt ruột hơn vì khi sách của ông được xuất bản, họ có thêm nhiều đề tài để bàn luận với nhau. Khi cuốn Du hành cùng Herodotus ra đời, cả hai đối tượng này đều không bị thất vọng. Vì thế tác phẩm này cần được coi là cuốn sách đặc biệt trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của nhà văn.

Trong Du hành cùng Herodotus, Kapuscinski một lần nữa thể hiện tài kể chuyện của mình. Các câu chuyện ông kể tạo thành một dòng chảy, lúc hiền hòa, khi dữ dội, nên có sức cuốn hút vô cùng lớn. Người ta đọc nó như đọc một cuốn tiểu thuyết giải trí viết về các cuộc phiêu lưu kỳ thú.

Tác giả cũng chỉ ra cho chúng ta những nền văn hóa khác nhau, đánh thức trong chúng ta một niềm tin là "cần phải tìm hiểu các nền văn hóa khác một cách kỹ càng, bởi vì những thế giới khác lạ này giống như những tấm gương để chúng ta soi mình và soi nền văn hóa của mình vào. Nhờ những tấm gương đó, chúng ta hiểu mình kỹ hơn, bởi lẽ chúng ta sẽ không xác định được bản sắc của mình một khi chúng ta không đặt mình bên cạnh người khác".

Bí mật của "huyền thoại" Kapuscinski

R. Kapuscinski được coi là cây bút huyền thoại về thể loại phóng sự văn học của Ba Lan và của thế giới. Trong cuốn Du hành cùng Herodotus, ông đã tiết lộ một phần bí mật, lý giải vì sao các phóng sự của ông có sự khác biệt so với các tác phẩm cùng loại của những người khác và tại sao chúng đọng lại sâu trong trí nhớ người đọc.

Bí mật đó là cuộc đời và tác phẩm của Herodotus, tác giả Sử ký, sống cách chúng ta 25 thế kỷ, người được Kapuscinski coi là ông tổ của thể loại phóng sự. Ông cũng tin rằng những người viết phóng sự hiện đại, các nhà báo, các nhà sử học có thể học được rất nhiều điều ở Herodotus, bởi ông này là nhà tư tưởng cầm bút đầu tiên đã nhìn thấy hành tinh của chúng ta với danh nghĩa một tổng thể văn hóa.

* Nguyễn Chí Thuật (Poznan, tháng 1 năm 2009)


Đôi điều về Du hành cùng Herodotus bản Việt ngữ
của dịch giả Nguyễn Thái Linh



Với bản dịch ra tiếng Việt tác phẩm Du hành cùng Herodotus của R. Kapuscinski, Nguyễn Thái Linh gia nhập đội ngũ những người dịch văn học Ba Lan ở Việt Nam. Nhưng cần phải nhấn mạnh là chị đã có "màn chào hỏi" đầy ấn tượng. Thái Linh có thế mạnh của người thông thạo cả hai thứ tiếng.

Trình độ tiếng Ba Lan của chị có lẽ không phải bàn nhiều vì chị sang Ba Lan từ năm 14 tuổi, tuy lúc đầu học trung học trong một trường dành cho con em các nhà ngoại giao Nga, sau mới học tiếng Ba Lan trước khi vào đại học. Nhưng môi trường học tập và sử dụng tiếng Ba Lan của chị có thể coi là "chuẩn". Điều đáng khâm phục ở chị là vốn tiếng Việt rất phong phú, giàu có, đủ đáp ứng đòi hỏi ở trình độ cao của công việc dịch thuật.

Lao động dịch thuật bao giờ cũng là thứ lao động thầm lặng và cố gắng không ngừng. Thái Linh đã ít nhiều tâm sự về những ngày dịch Du hành cùng Herodotus. Chị có thể còn trẻ về tuổi đời, kinh nghiệm nghề nghiệp chưa nhiều, song thái độ lao động nghiêm túc, tâm huyết với công việc mình làm, những cái đó là điều đáng quý, không phải dễ gì có được.

Việc dịch ra tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam tác phẩm rất có giá trị của một nhà văn được đánh giá cao trên toàn thế giới như Kapuscinski không chỉ chấm dứt những nghi ngại ở nhiều người về quan điểm chính trị của Việt Nam khi đánh giá các nhà văn nước ngoài mà còn chứng tỏ mong muốn hòa nhập của văn học Việt Nam vào dòng chảy văn học thế giới, là sự nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển chung của văn học toàn cầu, là sự nhanh nhạy của một nhà xuất bản trong cơ chế thị trường.

Cách đây mấy tháng, tôi đã thông báo với bà quả phụ Alicja Kapuscinska và nhà xuất bản ZNAK về việc tôi sẽ dịch Du hành cùng Herodotus của Kapuscinski. Sau vài tuần miệt mài làm việc, tranh thủ kỳ nghỉ Noel và Tết dương lịch, tôi đã dịch được một phần khá lớn tác phẩm này. Chưa kịp vui mừng trước thành công ban đầu của mình, tôi nhận được tin chị Nguyễn Thái Linh đã hoàn thành bản dịch và cuốn sách đã ra mắt bạn đọc Việt Nam.

Lẽ thường tình tôi có thể tự cho phép mình có những phản ứng tiêu cực, nếu không tức tối lồng lộn thì cũng tiếc đứt ruột về công sức đã bỏ ra vô ích. Vậy mà không hiểu sao trong tôi lại tràn ngập niềm vui về thành công của một đồng nghiệp thuộc thế hệ sau. Cảm giác hạnh phúc xâm chiếm lòng tôi.

Vậy là từ nay Việt Nam mình có tên trong danh sách những nước đã giới thiệu tác phẩm của Kapuscinski, nhà văn Ba Lan và thế giới kiệt xuất, cây bút đã đưa phóng sự văn học trở thành một thể loại đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học trong thời đại mới, con người mà sự vắng mặt đã làm cho thế giới nghèo nàn hơn, ít sự thông thái hơn, như lời giáo sư người Mỹ Mark Danner phát biểu ngay sau khi Kapuscinski qua đời.

Du hành cùng Herodotus do Nguyễn Thái Linh dịch chắc chắn không phải là tác phẩm cuối cùng của Ryszard Kapuscinski được dich ra tiếng Việt. Những gì ông viết ra và để lại cho nhân loại cũng chính là những gì ông viết ra và để lại cho độc giả Việt Nam.

(Nguyễn Chí Thuật)

Ký ức Luxembourg

„Ký ức thật ngộ. Khi còn ở trong cảnh thực thì tôi chẳng đề ý gì đến nó. Không bao giờ tôi nghĩ đến nó như một cái gì đó sẽ để lại một ấn tượng lâu dài, và chắc chắn là không thể tưởng tượng rằng mười tám năm sau tôi sẽ nhớ lại nó đến từng chi tiết” (Haruki Murakami, Rừng Na Uy)

Luxembourg là một chữ rất dễ thương đối với tôi. Mỗi khi nhắc đến ba tiếng ấy, tôi luôn thấy lòng mình dịu lại.


Tôi lang thang qua Luxembourg mười năm về trước, khi vẫn còn là sinh viên. Hành trang là một chiếc ba lô nhẹ tênh, lòng cũng nhẹ tênh, mọi thứ đều thật đơn giản: ăn bánh mì, ở hostel, thích đi đâu thì đi đấy. Tôi không còn nhớ rõ mọi câu chuyện xảy ra trong chuyến đi ấy, thậm chí không còn nhớ gì nhiều về người bạn đồng hành. Tôi không có ấn tượng mấy với những thung lũng sâu thăm thẳm và những cây cầu đá chạy bắc ngang, những tấm thảm hoa tươi được trồng tỉa chăm chút ở khắp nơi, hay là vẻ văn minh sạch đẹp rất „quý tộc” của Luxembourg. Tôi nhớ đôi chút về toà nhà của Toà Án Châu Âu, trông giống như một cục sắt khổng lồ. Tôi đã phấn khích biết mấy khi đứng trước cái cục sắt ấy, khi đó tôi đã ước giá mà mình được làm việc ở đây thì thật là oách! Nhưng rồi tôi chẳng bao giờ quay lại nơi ấy. (Thật lòng mà nói, nếu như hàng ngày tôi phải chui ra chui vào trong một cục sắt thì chưa chắc đó đã là một điều thú vị.)


Nhưng tâm trí tôi đã khắc sâu những hình ảnh của một đêm Luxembourg thật trong lành. Hôm đó tôi rời hostel vào lúc gần nửa đêm và đi dạo loanh quanh một mình. Hostel nằm trong một thung lũng sâu. Tôi còn nhớ như in mùi cỏ cây ẩm ướt và những làn sương mong manh bay nhè nhẹ ... Những bụi nước li ti trong không khí làm làn da tôi mát lạnh. Tôi thả bộ theo con đường quanh co lên dốc, trong ánh đèn vàng mờ ảo của những ngọn đèn đường. Cũng con đường này ban chiều tôi đi qua mà không thấy có gì đặc biệt. Vậy mà khi đêm xuống, con đường bỗng trở nên đẹp huyền ảo và lung linh. Một cảm giác bình yên trong trẻo tràn ngập tâm hồn. Những nét cong cong mềm mại của con dốc, làn ánh sáng dìu dịu như ánh trăng, mùi ngai ngái nhè nhẹ trong không khí, cái mát lạnh của sương đêm, tiếng giày khẽ khàng gõ lên những viên đá... tất cả kết hợp lại với nhau thật hài hòa và tuyệt hảo, đáng yêu đến từng chi tiết. Từ lúc ấy tôi bắt đầu yêu những con dốc, bắt đầu thích thú ngắm nhìn những ngọn đèn đường ở mỗi nẻo tôi qua...


Ký ức thật kỳ lạ. Ký ức của tôi về đêm Luxembourg ấy luôn rõ ràng sắc nét và rất tinh khôi. Trước đó và sau này, tôi đã đi dạo bao nhiêu lần, trên bao nhiêu con đường của biết bao nhiêu miền đất, nhưng tất cả đều không thể làm xáo trộn một chi tiết nhỏ nào của đêm hôm ấy. Dường như nó đã ghim chặt vào tim óc tôi. Tôi có cảm giác rằng thỉnh thoảng trong tâm trí của mỗi con người lại có một cái khe rất nhỏ, nếu như một sự kiện, một hình ảnh nào đó vô tình lọt vào cái khe ấy, thì nó sẽ bị ghim lại đó vĩnh viễn. Những sự kiện và hình ảnh khác, có thể to lớn và chấn động hơn nhiều, với thời gian rồi cũng sẽ trượt đi, sẽ mòn dần. Còn lại và khắc sâu trong tâm trí ta nhiều khi chỉ là những điều nhỏ bé, giản dị và rất ngẫu nhiên, những điều mà khi nó xảy ra, ta hoàn toàn không nghĩ rằng mình sẽ nhớ về nó nguyên vẹn, trong suốt nhiều năm sau....