Saturday 19 December 2009

Những người đang yêu




(Wisława Szymborska)



Ở nơi đó lặng yên, ta nghe thấy
Bài hát nào ai hát hôm qua:
"Anh lên núi đường anh, em về thung lũng xa..."
Dù có nghe, ta không tin điều ấy.

Nụ cười của chúng ta
không là nỗi buồn cần che đậy
Và lòng tốt chân thành - không phải sự hy sinh.
Với những người không yêu, ta thấy thương tình
Nhiều hơn cả những gì họ đáng.

Ta làm nhau ngất ngây kinh ngạc
Có điều gì kỳ diệu hơn đâu?
Ngay cả cầu vồng mọc giữa đêm thâu
Hay cánh bướm dập dờn nơi tuyết phủ.

Và khi ta một lần thiếp ngủ
Trong giấc mơ ta thấy cảnh chia ly
Nhưng mộng ấy an lành,
Mộng ấy an lành, đâu có hề chi
Vì ta sẽ bừng tỉnh giấc.

(Thái Linh dịch)

Những nụ cười



(Wisława Szymborska)

Thế giới muốn nhìn hơn muốn nghe.

Các chính khách phải cười.

Họ bày tỏ niềm lạc quan bằng nụ cười tươi.

Dù quyền lợi trái ngược nhau, dù cuộc chơi rắc rối

Dù kết quả không chắc ăn – nhưng luôn là an ủi

Khi răng nhe ra trắng bóng, chân thành.


Họ phải nồng nhiệt phô ra cái trán của mình

Trong phòng họp hay trên phi trường cũng thế.

Cử động tinh nhanh, nhìn trông vui vẻ.

Chào đón người này, tạm biệt người kia.

Một gương mặt cười tươi – cần thiết trăm bề

Cho ống kính truyền thông và đám đông công chúng.


Nha khoa của giới ngoại giao

Bảo đảm thành công kỳ diệu.

Trong tình huống hiểm nguy không thể thiếu

Những răng nanh thiện chí, những răng cửa hài hoà.

Vẫn chưa đủ sáng tươi – thời đại của chúng ta -

Để nỗi buồn thường tình được hiện lên nét mặt.


Nhân loại thân ái chan hoà sẽ đổi thay trái đất

Thành xứ sở nụ cười – lời những kẻ mộng mơ.

Tôi hoài nghi. Chúng ta hãy để cho

Các chính khách không phải cười nhiều đến vậy

Chỉ đôi lúc thôi: vì xuân sang hay hè về rồi đấy

Không căng thẳng co cơ, không gấp gáp vội vàng.

Bản chất con người vốn buồn bã đa mang.

Tôi chờ đợi điều này và sẵn lòng vui sướng.


(Thái Linh dịch)

nguồn ảnh: http://www.crisdecuba.com/obama/wallpaper/Obama-Smile-1/


Allegro ma non troppo




(Wisława Szymborska)

Người đẹp lắm – tôi nói cùng cuộc sống
Rất đỗi phong nhiêu, màu mỡ tuyệt vời
Rất ếch nhái, rất sơn ca, kiến mối
Rất mầm chồi, ngỡ đến thế mà thôi!

Lấy lòng Người tôi gắng sức không ngơi
Tỏ ra đáng yêu, mắt nhìn trong mắt
Luôn là kẻ nghiêng mình trước nhất
Cúi chào Người khiêm tốn, nhún nhường.

Bên này, bên kia, tôi cố đón đường
Chặn mọi nẻo trên lối đi cuộc sống
Tôi vút lên trong say mê vui sướng
Tôi lăn ra thán phục dạt dào

Chú châu chấu này thật cỏ xiết bao
Trái mâm xôi kia mới rừng biết mấy
Không bao giờ tôi dám tin điều ấy
Nếu chính mình chưa được sinh ra.

Chẳng tìm được gì trong khắp bao la
Sánh nổi với Người – tôi nói cùng cuộc sống
Dù khéo léo hay vụng về lóng ngóng
Không ai có thể làm quả thông thứ hai.

Tôi ngợi ca sự chính xác chẳng lệch sai
Sức cuốn nhanh, sự tài tình, hào phóng
Hơn thế nữa, tôi tán dương cuộc sống
Bởi những nhiệm màu, ma thuật, thần thông.

Miễn sao Người đừng nổi cuồng phong
Đừng tức giận, bực mình hay tự ái
Hàng nghìn năm từ muôn trùng xưa ngái
Tôi dỗ dành Người, tươi ngọt trên môi.

Nắm rìa chiếc lá con tôi kéo giật cuộc đời
Người có ngừng lại không? Người có nghe thấu hết?
Dù chỉ một lần, dù trong chốc lát
Người có quên mình đang mải miết về đâu?

(Thái Linh dịch)

Friday 18 September 2009

Cuộc sống của những người khác


(Ryszard Kapuściński ở Pinsk, 1999, ảnh từ nguồn của Gazeta Wyborcza)

Tôi mua cuốn Du hành cùng Herodotus từ nửa năm trước ở số 7 Đinh Lễ, trong chuyến đi về thăm quê hương. Cuốn sách nằm im trên giá suốt thời gian đó, vì tôi biết cần một không gian và thời gian thích hợp cho việc đọc nó.

Còn gì chuẩn xác hơn khi đọc nó giữa im lặng của núi đồi, xa xa là biển Địa Trung Hải, trong một chuyến du ngoạn không màng bận đến thế sự?

Tôi đọc cuốn sách mất hai ngày, đôi khi có đứt quãng bởi những tiếng chim reo và mèo kêu, bởi gió mơn man trong thung lũng và tiếng bước chân ngựa trên đường làng đối diện. Ở đây, tại ngôi làng nhỏ Binabassí gần Sóller, thời gian vừa ngừng lại vừa trôi đi theo những đám mây vương vấn trên đỉnh núi trước mặt mỗi chiều mang đến một cơn giông và rả rích suốt đêm như thì thầm cùng tôi câu chuyện vượt không gian và thời gian.

Vâng, đó cũng là chủ đề chính trong Du hành cùng Herodotus: vượt biên giới của không gian và thời gian.

Ước muốn cháy bỏng của Ryszard Kapuscinski là một lần được vượt qua biên giới Ba Lan, không phải vì mục đích muốn xem bên kia biên giới có gì, mà cái hành động vượt qua biên giới ấy mới quan trọng. „Con đường là mục đích“ - ngạn ngữ Đức đúc kết cho chúng ta như thế. Là phóng viên-thông tín viên, hẳn Kapuscinski hiểu rõ điều này. Những trải nghiệm trên đường chính là cuộc sống, cuộc sống của những người khác, để ta biết thêm về cuộc sống của chính ta. Vì „ta đứng trong bóng tối, được ánh sáng vây quanh“.

Song song với những chuyến vượt biên giới địa lý là hành trình vượt biên giới thời gian của Kapuscinski cùng cuốn Sử ký của Herodotus. Những câu chuyện được viết ra hai nghìn năm trăm năm trước khi là nơi chốn lý tưởng để trốn tránh hiện tại, lúc là tấm gương soi rọi những ứng xử hành vi của tình huống đang diễn ra ở thế giới ngày nay. Trên hết, với cuộc đồng hành qua những trang sách này, Kapuscinski rút ra được những bài học quý giá về nghề nghiệp (kỹ thuật viết của Herodotus), và những câu hỏi tìm hiểu sâu hơn bản chất của vấn đề (tính chính xác và tình cảm đằng sau những trần thuật lạnh lùng của con chữ).

Muốn làm được điều đó, phải đi.

Phải chính mắt nhìn thấy.

Chính mắt nhìn thấy, để hiểu rằng ta, dù đang ở Châu Âu với chủ nghĩa lấy Châu Âu làm trung tâm thế giới, hay ở Trung Quốc với ý tưởng lộ liễu từ chính cái tên, hay ở Châu Phi với cuộc đấu tranh tìm lại vị trí của lục địa đen là cái nôi của loài người trong nhận thức về thế giới, ta cần phải tìm hiểu cuộc sống của những người khác, không nhằm mục đích tự định nghĩa mình, mà có lẽ để nhận ra rằng ta chỉ là đám tro hòa mình vào dòng sông Hằng ở Ấn Độ, nơi ở phía bờ kia của dòng sông đang có những con người đang muốn tẩy rửa bụi trần và tội lỗi khi đắm mình trong nó.

Ta là một phần của vạn vật. Vạn vật là ta.

Đó cũng là cái cốt lõi trong bí quyết sống và tồn tại, dù dưới thời đại nào, chính quyền nào, thể chế nào hay lý tưởng nào.

Từ lúc giở trang đầu của Du hành cùng Herodotus cho đến khi khép lại nó, tôi như vừa đi qua một giấc mơ, có phần hiện thực, có phần mơ hồ. Nhưng có lẽ đó là một giấc mơ của định mệnh.

Tôi, cũng như bạn, chỉ là một kẻ hành hương trầy trật đi bằng các con đường khác nhau để đến cùng một mục đích (Antoine de Saint-Exupéry). Mục đích ấy, chính là việc lên đường để khám phá cuộc sống của những người khác.


Wednesday 16 September 2009

Ý nghĩa cuộc đời


("Ta từ đâu tới? Ta là ai? Ta đi về đâu?" tranh sơn dầu của Gauguin, 1897)


Tôi còn nhớ năm tôi lên sáu, một lần tôi hỏi mẹ: „Mẹ ơi, con người ta sống để làm gì?”. Câu hỏi ấy xuất hiện và ám ảnh suốt một thời gian dài trong đầu óc non nớt của tôi. Khi ấy, đối với tôi, mọi thứ chắc chắn phải có một câu trả lời duy nhất đúng.

Tôi còn chưa biết rằng đó là một trong những câu hỏi lớn nhất từ bao đời nay của triết học, tôn giáo, nghệ thuật, tâm lý học..., và trên đời này có rất nhiều câu hỏi chẳng bao giờ có lời giải đáp, hay nói một cách khác, chúng có vô số câu trả lời.

Ý nghĩa sự tồn tại của chúng ta là gì? Ta phải sống ra sao? Trong một bài báo của Adam Szostkiewicz trên tạp chí Poliktyka tôi mới đọc gần đây, tác giả giới thiệu học thuyết của Viktor Frankl (1905-1997), bác sỹ tâm lý học người Áo nổi tiếng thế giới, người từng được đề cử cho giải thưởng Nobel về hòa bình.

Viktor Frankl cho rằng con người cần đến một ý nghĩa trong đời. Cuộc sống sẽ làm ta đau đớn nếu con người cảm thấy trống rỗng trong sự tồn tại. Cuộc đời ông là minh chứng tốt nhất cho điều này, tiểu sử phi thường của ông chính là điều bảo đảm độ tin cậy cho những gì ông viết, khiến sách của ông trở thành bestseller ở nhiều nước trên thế giới, từ Mỹ qua Nhật, từ Tây sang Đông.

Cũng như Sigmund Freud, bác sỹ Frank là người gốc Do Thái. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông mở phòng tư vấn tâm thần miễn phí cho thanh niên, công tác với các tên tuổi lẫy lừng như Freud và Alfred Adler. Năm 1938, những kẻ quốc xã lên nắm quyền ở Áo. Frank có thể bỏ trốn, ông có thị thực đi Mỹ, nhưng ông không muốn bỏ lại cha mẹ già. Ông được phép hành nghề bác sỹ tâm thần tới năm 1942, nhưng chỉ trong bệnh viện dành cho người Do Thái ở Vienna. Ông biết quân Hitler sẽ giết những người bệnh tâm thần nên đã đưa ra các bản chuẩn đoán giả cho bệnh nhân của mình để cứu họ.

Năm 1942, ông cùng cha mẹ, vợ và em trai bị bọn quốc xã bắt rồi đưa đến trại tập trung Auschwitz (Ba Lan) và sau đó là trại Dachau (Đức). Chúng tịch thu quyển sách về lập trường của một bác sỹ trước những đau đớn của sự tồn tại mà ông bắt đầu viết từ trước khi bị bắt. Ý nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ được đoàn tụ với gia đình và viết lại toàn bộ quyển sách đã giúp ông sống sót. Ông được người Mỹ giải phóng khỏi trại Dachau, trở về Vienna, được tin cha mẹ, em trai và người vợ đang mang thai đều đã chết trong các trại tập trung. Ông làm việc trong bệnh viện tâm thần, phục hồi lại cuốn sách đã bị tiêu hủy và viết cuốn tiếp theo: „Nhà tâm lý học trong trại tập trung”, cuốn sách đã mang tên tuổi của ông đến với thế giới. Hai năm sau khi chiến tranh kết thúc, ông tái hôn. Viết lách, công việc và tình yêu – ông đã tìm thấy ý nghĩa cuộc đời ở đó sau những thảm kịch chiến tranh.

Viktor Frankl mở ra môn phái thứ ba của ngành tâm lý trị liệu Vienna mà ông gọi là môn liệu pháp ý nghĩa (logotherapy) – bên cạnh môn phân tâm học của Freud và tâm lý học cá nhân của Adler. Logos có nghĩa là ngôn từ, đạo, ý nghĩa. Theo Freud, con người hướng tới lạc thú. Theo Adler – con người hướng tới quyền lực, để cân bằng các mặc cảm thấp kém của mình (con người tìm kiếm sức mạnh trong cuộc sống, để tự giải phóng khỏi cảm xúc lệ thuộc mà mình trải qua trong thời thơ ấu). Còn Frankl thì khẳng định con người tìm kiếm trước hết là ý nghĩa trong cuộc đời. Ông muốn giúp những người sống đau đớn, những người khổ sở vì cảm giác trống rỗng trong sự tồn tại. Ông muốn ngành tâm lý trị liệu mang một gương mặt nhân bản.

Với tư cách là một bác sỹ và triết gia, Frankl đấu tranh với cái ông gọi là chủ nghĩa hư vô (nihilism). Ở đây, chủ nghĩa hư vô có nghĩa là sự hướng tới rút gọn hiện thực loài người về một hệ số nào đó – hệ số tâm lý, vật lý hay xã hội. Frankl cho rằng con người là một bản thể phong phú hơn, chúng ta không nên làm cho bản thể ấy nghèo nàn đi. Con người cũng là một bản thể tinh thần, chứ không phải chỉ là một sản phẩm và cơ cấu vật lý, tâm lý hay xã hội. Bởi vậy, con người không phải là con rối bị giật dây từ bên trong hay bên ngoài. Con người có khả năng làm được điều gì đó lớn hơn là chỉ đấu tranh sinh tồn. Con người tìm ra ý nghĩa trong đời và hướng tới các giá trị. Kinh nghiệm của Frankl và những người mà ông gặp trong những điều kiện khó khăn cùng cực đã cho phép ông có cái nhìn về con người khác Freud hay Adler.

Từ những trải nghiệm tinh thần ở trại tập trung được Frankl miêu tả, người ta tìm thấy cho mình bài học để vượt ra khỏi thế giới độc ác của cực quyền. Phải làm gì với cái lỗ đen của sự tồn tại? Điều gì là thực sự quan trọng trong cuộc sống? Điều gì giúp ta tìm thấy sức mạnh tinh thần và tâm lý cho mình và người khác? Sống thế nào và sống để làm gì?

Bài học của Frankl không phải là bài học dễ dàng trong nền văn hóa tiêu dùng hàng loạt và chớp nhoáng thời nay. Nhưng Frankl không muốn rao giảng đạo đức, ông chỉ muốn giúp những người qua đường đang bế tắc tinh thần. Ông cảnh báo hai thứ thái quá: một là nhớ quá nhiều, nhớ hết tất cả những gì từng xảy ra với ta; hai là quá muốn rằng cuộc sống phải diễn ra thế này mà không thế khác.

Ông khuyến khích một cuộc sống hướng tới các giá trị, hướng tới tương lai, bởi vì ông nhìn thấy trong trại tập trung những người có cơ hội sống sót nhiều hơn là những người tin vào một điều gì đó: những người theo đạo, các nhà tư tưởng, các nhà hoạt động chính trị và xã hội, những người không chỉ nghĩ cho bản thân mình mà cố gắng giúp đỡ người khác, họ tin rằng họ có tương lai phía trước, họ sống vì ai đó hay vì cái gì đó, những người khi bị tước đoạt hết các điều kiện sống của một con người bình thường, vẫn luôn cố gắng hành xử một cách xứng đáng, không cho phép hủy hoại cảm giác tự do và phẩm giá của mình.

Không thể sản xuất, phát minh hay ban tặng ý nghĩa cuộc sống, chỉ có thể tìm thấy nó, bởi vì ý nghĩa cuộc sống tồn tại ngoài chúng ta, chúng tồn tại trong các giá trị nâng đỡ tinh thần con người, các giá trị mà những tù nhân của trại tập trung kia muốn phụng sự.

Tâm lý học và nền văn hóa hiện đại thường giảm thiểu tự do của con người, vén ra đủ mọi hình thức lệ thuộc của anh ta. Frankl đã lội ngược dòng: ông chỉ ra rằng con người luôn có thể lựa chọn giữa các hành xử xứng đáng và không xứng đáng, và bằng cách đó thực thi tự do của mình. Mặc dù có các hạn chế, con người vẫn tự do và điều quan trọng là anh ta hưởng lợi từ sự tự do đó.

Ngoài tình yêu, công việc và sự sáng tạo, Frankl xếp vào danh mục các giá trị cả sự đau khổ - khi nó không hủy hoại con người mà làm tinh thần họ lớn lên. Điều này xảy ra khi con người bắt đầu hiểu rằng mình không thể đạt được tất cả mọi thứ, và rằng việc bất toại ấy có thể phục vụ cho một điều gì đó tốt đẹp.

Văn hóa hiện đại dạy ta điều ngược lại: rằng chúng ta có quyền, thậm chí là nghĩa vụ, đặt ra các điều kiện và đòi hỏi trong cuộc sống. Nhưng nó không dạy ta phải làm sao nếu cuộc đời không cho ta đạt được những điều đó. Giá trị của sự đau khổ không có chỗ trong tủ thuốc cấp cứu của thời pop culture. Theo Frankl, ý nghĩa cuộc sống không phải là thứ hàng có thể mua, đặt, hoặc trực tiếp hướng tới. Ý nghĩa là kết quả của việc thực hiện các giá trị tồn tại ngoài con người, vượt quá các mục đích và nhu cầu đơn lẻ của anh ta. Những hành động mà anh ta thực hiện, những tác phẩm mà anh ta sáng tạo, tình yêu mà anh ta trải qua và sự đau khổ mà anh ta chịu đựng với lòng can đảm và phẩm giá – tất cả tạo thành giá trị của con người, vượt ra ngoài lợi ích và sự hữu hạn của loài người.

Theo các nhà tâm lý học thuộc trường phái Frankl, cảm giác mạnh mẽ về ý nghĩa cuộc sống là một trong các thành phần của tâm lý khỏe mạnh. Hạnh phúc chỉ là một hệ quả phụ của cảm giác rằng cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa. Bởi thế người không kiếm tìm hạnh phúc mà kiếm tìm và tạo ra các giá trị sẽ tìm thấy hạnh phúc nhanh hơn.

Dấu hiệu của sự trống rỗng trong tồn tại là sự buồn chán, khi người ta không biết phải làm gì với thời giờ rảnh rỗi và họ giết thời gian như giết kẻ thù, lao vào bất cứ một hoạt động hay cuộc vui nào. Có vẻ như đơn giản, nhưng nhiều khi rất khó dứt khỏi thế giới của chủ nghĩa tuân thủ (conformism) ấy. Theo dr Opoczyńska của Đại học Jagielloński, Frankl là một trong những bậc thầy lớn nhất của thế kỷ XX về giới hạn và khoảng cách. Không phải mọi thứ đều có thể, không phải mọi thứ đều cần thiết, không phải mọi thứ đều được phép.

Thay vì hỏi tại sao tôi bất hạnh – Frankl nói – hãy hỏi cuộc sống chờ đợi điều gì ở bạn và bắt tay vào việc đi.



Wednesday 2 September 2009

Gửi một em gái nhỏ

(Dạ Thảo Phương)

3.200 cây số vuông
Thành phố mở rộng như vết thương mưng tấy vì lòng tham mù quáng
3.200 cây số vuông
Trái tim phình to của một cơ thể gầy gò đầy đau đớn
Em, cô tế bào nhỏ bé không muốn sống trong bệnh tật
Loay hoay khâu vá thịt da Quê hương
Bằng con chữ được học, nhưng không vay mượn
Và em nói
"Em không mạnh mẽ, em không kiêu hãnh đâu"...

Quê hương
Hơn 86 triệu tế bào mạnh mẽ và kiêu hãnh
Hơn 86 triệu tế bào tật nguyền nhung nhúc hạnh phúc
Không ngước mắt khỏi máng cơm, ai còn dám nhục
Ai còn nhớ đau
Muốn sống sạch cũng là tội lỗi
Đất nước mình, ai cần Chữ nữa em

Thời buổi này ai còn muốn làm người hùng
Tôi biết em cũng vậy
Ai chẳng muốn thu vai đi đúng lề bên phải
Cười chê những kẻ chệch hàng
Nhưng biết làm sao khi có một trái tim
Đập mạnh hơn khi nhục

Tôi biết đêm nay em không ngủ
Sàn cứng, lòng người cứng, thịt da con gái mềm, trái tim con gái sợ nước mắt của mẹ, sợ ngày mai trời không sáng nữa
Em, cô tế bào nhỏ bé
Không kiêu hãnh, không mạnh mẽ
Đau hộ tôi
Và triệu triệu tế bào không dám đau...

2.9.2009

Friday 28 August 2009

Một buổi chiều vàng trên quê hương Chopin


Ảnh chụp ở Żelazowa Wola, miền quê nơi Chopin sinh ra, những cây liễu trong ráng chiều vàng như mật ong. Một ngày tháng 8 đáng nhớ và những kỷ niệm với người bạn quý lặn lội đến từ nước Mỹ :)

„Tôi sẽ ra đi và nằm xuống, ngả mình
Giữa những cây liễu
Có thể lúc bấy giờ
Tôi sẽ viết những vần thơ”

(W. Broniewski)











Photo by Thai Linh

Monday 24 August 2009

Corfu, tình yêu của thần biển Poseidon


Hòn đảo của những khác biệt

Đảo Corfu thuộc quần đảo Ionian trên biển Địa Trung Hải, bờ Đông nhìn sang Albania và Hy Lạp nội địa, bờ Tây nhìn sang gót giầy nước Ý, có một vị trí đặc biệt quan trọng trong giao thương và quân sự. Chính vì thế, lịch sử Corfu là lịch sử của những cuộc chiếm đóng liên miên, bắt đầu từ người Corinth (từ năm 734 đến 644 trước CN) mà các trận đánh giữa họ và dân đảo được xem là những trận hải chiến cổ xưa nhất của Hy Lạp, rồi người Sparta (từ năm 375 TCN), người La Mã (từ năm 229 TCN và đô hộ suốt 600 năm), người Goth và Vandal (đến thế kỷ XI), người Norman (thế kỷ XI-XII), người Neapol (TK XIII), người Venice (cai trị suốt 5 thê kỷ từ năm 1386), đến hoàng đế Napoleon (từ 1787-1815). Năm 1815, quần đảo Ionian giành được quyền tự trị dưới sự bảo hộ của Anh, để rồi trở thành một phần của Hy Lạp vào năm 1864. Trong thời gian Đệ nhị Thế chiến, đảo Corfu bị quân Đức và ý chiếm đóng. Điều đặc biệt trong lịch sử Corfu là hòn đảo này chưa từng bị Thổ Nhĩ Kỳ đô hộ. Năm 1453, đế chế Byzantine sụp đổ, Thổ chiếm toàn bộ Hy Lạp trừ quần đảo Ionian. Trong thế kỷ XVI, Thổ Nhĩ Kỳ đánh chiếm Corfu hai lần nhưng đều thất bại.

(Pháo đài cổ ở Corfu, chưa từng bị thất thủ)

Với lịch sử đặc biệt của mình, Corfu là hòn đảo „phi Hy Lạp” nhất của Hy Lạp. Sau 5 thế kỷ có mặt ở đây, người Venice đã để lại dấu ấn ở khắp mọi nơi. Dấu ấn đầu tiên mà ta bắt gặp là những rừng ô liu cổ thụ. Chính người Venice đã mang ô liu đến trồng ở Corfu, thứ quả giờ đây được mệnh danh là „vàng đen” của hòn đảo này. Chỉ có ở Corfu, người ta mới có thể chiêm ngưỡng các khu rừng với những gốc ô liu lớn và gân guốc như thế. Có tới ba triệu gốc ô liu trên đảo. Tuy rằng hiện nay thu nhập chính của dân đảo là từ du lịch, ô liu Corfu vẫn chiếm 70% sản lượng ô liu của Hy Lạp.

Đến Corfu, bạn sẽ không thấy hình ảnh những ngôi nhà vuông màu trắng với các ô cửa, mái vòm màu lam màu đỏ đặc trưng Hy Lạp mà bạn vẫn thường gặp trong tranh hay bưu thiếp đâu. Cũng không có bóng dáng các đền thờ Hồi giáo như ở những miền đất Hy Lạp khác. Các nhịp điệu phương Đông trong âm nhạc dân gian đặc trưng cho miền biển Aegea cũng không xuất hiện ở đây. Nhưng dấu ấn Venice trong kiến trúc Corfu thì bạn sẽ gặp trên từng bước chân, ở các pháo đài, quảng trường, trên mặt tiền các ngôi nhà, những hàng lan can, trong họa tiết trang trí trên cửa ra vào, những viền cửa sổ... Bạn sẽ gặp những nét thanh lịch trang nhã của kiến trúc Pháp, điển hình nhất là quảng trường Liston nổi tiếng ở thành phố Corfu, thủ phủ của đảo, hay gần gũi hơn là những cánh cửa chớp bằng gỗ màu xanh lục, y hệt như trên những ngôi nhà của một góc phố Hà Nội, khiến bạn chợt thấy nhói tim vì một mảnh ký ức tuổi thơ. Kiến trúc Corfu là thế: một người Ý, người Pháp hay người Anh đều có thể cảm thấy thân quen, nhưng một người Hy Lạp thì không.

(Quảng trường Liston)

Màu xanh lục của những cánh cửa chớp hòa mình đầy duyên dáng vào màu xanh của cỏ cây trên đảo. Corfu là hòn đảo nhiều cây xanh nhất Hy Lạp, vì ở đây mưa nhiều, từ tháng mười đến tháng tư là mùa mưa, trời mưa liên miên. Đâu đâu cũng là những mảng xanh mướt của ô liu, thông, cọ... Mùa hè, chen giữa màu xanh ấy là đủ sắc màu của các loại hoa vùng Địa Trung Hải và miền nhiệt đới như hoa giấy, trúc đào, lan tiêu, râm bụt, bìm bìm, ngũ sắc và vô số loài hoa tôi chẳng biết tên.

Ngay trong thế giới thực vật này, Corfu cũng đặc biệt với loài cây kim quất (kumquat), quả dài như quả nhót, xuất xứ từ Trung Quốc, được người Anh mang đến đây vào thế kỷ XIX. Kim quất làm rượu, mứt, bánh kẹo, giờ đây đã trở thành các đặc sản của đảo Corfu mà du khách đên đây không thể bỏ qua.


Ngợi ca sống chậm

Nếu có điều gì đó “mang tính Hy Lạp” ở Corfu, thì đó là lối sống của người dân đảo. Ở đây, cuộc sống không hề hối hả. Người Corfu sống chậm, hưởng thụ cuộc sống, không thích làm việc. Bản thân người Hy Lạp cũng tự nhận là họ có phần lười nhác. Buổi sáng, người ta nhâm nhi uống cà phê. Một ngày làm việc thường bắt đầu từ 9 giờ sáng. Vào mùa hè, người Hy Lạp nghỉ trưa từ 2 giờ đến 6 giờ, các công sở, cửa hàng đều đóng cửa. Các bữa trưa và bữa tối thường kéo dài.

Trên đảo Corfu thì vào thứ hai và thứ tư hàng tuần, sau 2 giờ trưa mọi người đều nghỉ. Thứ bảy và chủ nhật, tất nhiên, cũng nghỉ. Người Corfu còn tin rằng khi trời mưa thì không nên làm việc gì cả. Mà từ tháng mười đến tháng tư, mưa thường kéo dài vài ngày trong tuần. Các dịch vụ du lịch không hoạt động. Vào tháng giêng, khi ô liu chín và rụng xuống những tấm lưới người ta chăng sẵn phía dưới, được nước mua rửa sạch luôn, người thu hoạch gần như chẳng phải làm gì. Nghe nói người Corfu làm đường, xây nhà rất lâu và chậm chạp, theo phong cách “một người làm bốn người đứng nhìn” nên thường không đúng tiến độ.

Chung sống với thánh thần

Theo thần thoại Hy Lạp, Corfu (tiếng Hy Lạp là Kérkyra) là tên nàng tiên nữ xinh đẹp người tình của thần biển Poseidon. Hòn đảo này là nơi nàng sinh sống. Corfu là hòn đảo của những huyền thoại, và thánh thần vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống của người dân đảo, cùng chung sống với họ. Ở đây, bạn sẽ luôn thấy những chữ “agia”, “agii” và “agios” xuất hiện trong tên của các con tàu, đền thờ hay các địa danh. Đó là các biến thể của từ “thánh”. Vị thánh bảo hộ cho đảo Corfu là Spyridon, gọi tắt là Spiros, và ở đây cứ bốn người đàn ông thì có một người mang tên ngài. Thánh Spyridon được người dân đảo yêu mến và sùng kính vì họ tin rằng ngài đã bốn lần cứu Corfu thoát khỏi tai họa: nạn đói năm 1550, dịch bệnh năm 1629 và năm 1673, đánh đuổi quân Thổ Nhĩ Kỳ năm 1716. Nhà thờ thánh Spyridon là nhà thờ chính nằm giữa thành cổ ở thủ phủ Corfu. Dân đảo tin rằng hàng đêm, thánh Spirydon vẫn đi dạo quanh thành cổ và bảo vệ cho đảo.

(Tháp chuông nhà thờ thánh Spyridon)

Những bức tranh thánh không chỉ có ở trong các nhà thờ, mà còn xuất hiện khắp nơi, trong xe hơi, xe buýt, các tiệm ăn, cửa hàng, nhà ở... của người dân đảo. Người ta coi các bức tranh thánh như những “cánh cổng thiên đường”, nhờ chúng mà thánh thần có thể hiện diện trong không gian của người trần, đôi mắt của vị thánh trong tranh thường nhìn thẳng vào người xem, là nơi linh hồn của con người gặp gỡ với thần linh. Người Hy Lạp thờ tranh thánh như thờ chính các vị thánh, đối với họ (những người theo đạo Chính thống) chúng là những dấu hiệu của Chúa trên mặt đất.

(Màu nước xanh trong vắt ở Paleiokastritsa)

Ngoài kia, biển vẫn xanh màu xanh huyền thoại như từ thuở nàng Kérkyra tình tự cùng thần Poseidon, như thời gian không còn tồn tại. Nếu một đứa trẻ hỏi tôi “Màu xanh sinh ra từ đâu?”, có lẽ tôi sẽ trả lời: “từ biển Ionian, từ Corfu”. Màu xanh ấy thật khó diễn tả bằng lời. Sâu thẳm và nguyên sơ. Trong vắt và thanh cao. Màu xanh của thiên đường, của thần thánh. Có lần, ở bãi biển Paleiokastritsa, tôi nhìn xuống làn nước trong suốt như pha lê ấy. Bỗng nhiên cảm thấy lòng mình cũng trong suốt, nhẹ nhàng và thanh thản, không một chút gợn. Không chút ưu phiền. Như thể làn nước xanh mát lịm đã gột rửa tâm hồn tôi, xoa lành mọi vết thương. Khoảnh khắc ấy là món quà bất ngờ mà thần Poseidon dành tặng cho tôi, để tôi như được hồi sinh, một lần cho vĩnh viễn.

Và người dân đảo Corfu ngày ngày sống trong màu xanh ấy. Ngày ngày, họ được nhận những món quà tuyệt vời của thần biển Poseidon.

Đến để rồi yêu

Không phải vô cớ mà Corfu luôn đứng trong số mười hòn đảo đẹp nhất của châu Âu, của Địa Trung Hải, như Reuters hay Independent đã bình chọn. Hòn đảo nhỏ bé rộng chưa đầy 600 km vuông này có một vẻ quyến rũ mê hồn. Corfu từng để lại dấu ấn trong sử thi Odyssey và trong các tác phẩm của anh em nhà Durell. Nhà văn Lawrence Durrell cho rằng bãi biển Myrtiotissa ở bờ Tây của đảo là bãi biển đẹp nhất thế giới. Đã có biết bao người đã đến để rồi say mê hòn đảo xinh đẹp này. Có những người như Hilary Whitton Paipeti, đầu những năm 80 đến Corfu với tư cách nhân viên của một hãng du lịch, để rồi yêu đảo tới mức ở lại định cư luôn đến tận bây giờ. Bà lập ra hành trình du lịch “đường mòn Corfu” để du khách không chỉ vui chơi men bờ biển mà còn có thể khám phá những vùng hẻo lánh nằm sâu trong đảo. Hay như nữ văn sĩ người Anh Emma Tennant, người đã khẳng định: “Luôn luôn có thể tìm ra lý do để đến Corfu”.

Du khách đã từng đến đây có lẽ không ai là không muốn quay trở lại. Hàng năm, lượng khách du lịch đến Corfu chỉ đứng sau hai hòn đảo nổi tiếng Crete và Rodos của Hy Lạp. Sân bay Corfu bé xíu, chỉ như sân bay Phú Bài ở Huế, nhưng cứ khoảng mười phút lại có một chuyến máy bay hạ cánh. Đông nhất là du khách nguời Anh, sau đó là người Đức, người Ý và người ...Hy Lạp. Người Hy Lạp trong đất liền mùa hè thường ra các hòn đảo nước mình nghỉ mát, rất ít khi họ đi ra nước ngoài. Họ là những khách nghỉ mát khó tính nhất thế giới. Điều này cũng chẳng đáng ngạc nhiên, khi mà thiên nhiên ưu đãi họ đến thế, khi đất nước họ có những hòn đảo tuyệt vời đến thế! Những hòn đảo đi một đời cũng không hết. Phải rồi, đã có lần tôi ước mình đi được hết các hòn đảo Hy Lạp...

Corfu, biết bao trái tim trần thế đã đến để rồi yêu. Và trái tim bé nhỏ của tôi cũng không ngoại lệ.

Một thoáng Corfu

Khám phá Corfu thì có lẽ bao nhiêu thời gian cũng là chưa đủ. Một tháng hay một năm cũng vẫn là ít. Vậy mà tôi chỉ ở Corfu có một tuần, chỉ cảm nhận được một thoáng Corfu. Nhưng một thoáng mong manh ấy cũng đã kịp để lại trong tôi những ấn tượng khó phai mờ.

Thủ phủ Corfu

Thành phố Corfu, thủ phủ của đảo Corfu, được xem là một trong những thành phố đẹp nhất Hy Lạp. Ở đây, du khách lạc lối trong những con ngõ phố nhỏ đầy ngóc ngách, rối tung như mê cung của khu phố cổ Campiello. Cũng như ở nhiều nơi khác trên đảo Corfu, tôi luôn bắt gặp những hẻm phố rất giống ở... Hà Nội! Những dây phơi quần áo chăng ngang đường, những ban công kiểu Pháp cũ kỹ, những mảng tường loang lổ, những cánh cửa chớp, những chiếc xe máy dựng bên hè, những ngôi nhà hai tầng bên dưới là cửa hàng, tiệm cắt tóc, bên trên dùng để ở, những đường dây điện chằng chịt chăng trên phố... Cũng chật chội, cũ kỹ, cũng hồn nhiên đến tùy tiện, nhưng trong cái vẻ “nhếch nhác” ấy lại có một thứ trật tự riêng và rất sạch sẽ. Không thấy những đống rác bên đường như ở Hà Nội, không có mùi hôi thối, không ầm ĩ inh ỏi. Thứ âm thanh “ồn ào” nhất là tiếng ve trong trưa nắng, và cả điều ấy cũng gợi về Hà Nội của tuổi thơ tôi.

Thủ phủ Corfu có pháo đài cổ kiểu Venice chưa một lần thất thủ, bên trong nay là bảo tàng Byzantine. Có nhà thờ thánh Spyridon ở ngay chính trung tâm. Quảng trường Liston thanh lịch với hàng dãy các tiệm ăn, tiệm cà phê đầy phong cách. Quảng trường Esplanada, nơi tập trung các hoạt động của thành phố. Và bán đảo Kanóni, nơi có ngôi nhà thờ nhỏ Ipapanti với tháp chuông kiểu Venice mà hình ảnh xuất hiện trên tất cả các quyển sách hướng dẫn du lịch lớn bé về Corfu. Không có nơi nào trên đảo được quay phim nhiều như ở đây. Kanóni làm say lòng bao nhiêu thế hệ vì phong cảnh tuyệt vời, nhìn ra những hòn đảo nhỏ rải rác ven bờ. Hiện nay, sân bay Corfu nằm rất gần Kanóni. Đi dạo ở đây, du khách sẽ luôn gặp máy bay lên xuống bay... ngang trên đầu. Nhưng các khách sạn, nhà nghỉ ở đây vẫn luôn chật kín. Chỉ có điều, trái với lẽ thường, du khách thích chọn các phòng quay lưng về phía biển hơn, để tránh tiếng ồn của máy bay!

(Bán đảo Kanoni với nhà thờ Ipapanti)

Dinh Achilleion

Tòa lâu đài trắng nhỏ duyên dáng mang tên vị anh hùng trong thần Hy Lạp này là một trong những nơi được du khách đến thăm nhiều nhất. Đây là nơi dành cho nữ hoàng Áo Elisabeth đến nghỉ hè mười mấy ngày trong một năm. Nhân vật mà bà yêu thích nhất trong thần thoại Hy Lạp là Achilles (phiên âm tiếng Việt là Asin), vì thế tòa lâu đài được gọi là “dinh Achilleion”. Trước lâu đài, ở ngay lối vào là bức tượng Achilles bằng đồng với gót chân bợt màu, gót chân không được nhúng nước sông Atyx, “gót chân Asin”. Sau khi nữ hoàng Sissi qua đời, hoàng đế Đức Wilhem II mua lại toàn bộ dinh thự, trở thành chủ nhân thứ hai của nó. Trong khu vườn tuyệt đẹp của cung Achilleion có hai bức tượng vị anh hùng này do Sissi và Wilhem II dựng, mỗi bức tượng mang đậm nét tính cách của chủ nhân nó. Bức tượng “Achilles hấp hối” của nữ hoàng Sissi luôn âu sầu buồn bã nằm phía sau lâu đài, chàng Achilles trước lúc chết đưa đôi mắt tuyệt vọng nhìn về phía cuối vườn, nơi bức tượng khổng lồ “Achilles bách chiến bách thắng” cao hơn năm mét của Wilhem II hùng dũng giữa những thân cọ thẳng cao tít tắp, mặt hướng ra phong cảnh tuyệt vời bên dưới và mặt biển mênh mông, như thể chàng “Achilles hấp hối” đang tiếc nuối quá khứ oai hùng của mình.

(Tượng Achilles hấp hối)

(và tượng Achilles bách chiến bách thắng)

Ở dinh Achilleion còn có vô số các bức tượng và tranh mang mô típ Hy Lạp khác. Căn phòng nổi tiếng ở đây là phòng trang điểm của nữ hoàng Sissi với rất nhiều gương, nơi bà chăm sóc sắc đẹp từ 5 giờ sáng tới 12 giờ trưa mỗi ngày. Mặc dù vô cùng chăm chút đến nhan sắc, chỉ tắm bằng sữa, nhưng sau 35 tuổi bà không cho phép ai vẽ chân dung mình nữa, vì cho rằng nhan sắc của mình đã tàn phai. Trong các bức chân dung, không bao giờ thấy bà cười, luôn là một vẻ u buồn miên man.

Palaiokastritsa

Bãi biển Palaiokastritsa được xem là nơi đẹp nhất của đảo Corfu. Ở đây, giá cả cũng đắt đỏ nhất. Nước xanh và trong suốt, những tảng đá, ngọn núi, hang động nhỏ rải rác ven bờ, những con vịnh nhỏ mềm mại, duyên dáng, khiến cho phong cảnh ở đây có sức quyến rũ mê hồn. Du khách đổ xô đến Palaiokastritsa bất chấp bờ biển là bãi sỏi rất hẹp, họ nằm phơi nắng chen chúc la liệt như cá mòi. Dường như cái náo nhiệt và chật chội không khiến họ phiền lòng. Bù lại, họ có thể ngắm cảnh biển thần tiên, đi thuyền thăm thú các hang động, chơi vô số các môn thể thao dưới nước. Palaiokastrisa thích hợp cho thanh niên và những người muốn có một kỳ nghỉ hè thật sôi động.

(Palaiokastritsa nhìn từ trên cao)

Palaiokastritsa đẹp nhất là nhìn từ trên núi, nổi tiếng nhất là từ nhà hàng Bella Vista gần làng Lakones. Các con đường lên núi hay vào sâu trong đảo ở Corfu thường rất hẹp. Muốn đi xe ở đây, bạn phải biết cài số lùi thành thạo như số tiến, vì thường là đường chỉ rộng vừa một thân xe. Nếu hai xe ngược chiều gặp nhau, một xe sẽ phải lùi đến một chỗ khả dĩ để hai xe có thể đi qua. Làng Lakones có những đoạn đường chỉ vừa đúng một thân xe buýt, hai bên là nhà dân. Hàng năm, các công ty du lịch phải trả tiền cho cư dân ở đây để họ... không mở cửa sổ vào mùa hè, cho xe buýt đi qua! Những đoạn đường này tuyệt đối cấm xe con và người đi bộ. Khi mới đến đảo, trên đường về khách sạn, có những đoạn chúng tôi cứ tưởng mình đang đi trên đường một chiều vì không gặp các xe đi ngược, lại còn thắc mắc sao không có lề đường dành cho người đi bộ, nếu phải đẩy xe nôi thì biết làm sao? Về sau mới thấy những đoạn đường ấy còn rộng rãi chán, và “lề đường” thì quả là một điều quá xa xỉ ở Corfu!

(đường qua làng Lakones)

Đảo Paxos

Một trong những nơi thăm quan ưa thích của du khách khi đến Corfu là Paxos, hòn đảo nhỏ vô cùng quyến rũ nằm cách Corfu 14 km về phía Nam. Theo thần thoại Hy Lạp, thần biển Poseidon tạo ra Paxos bằng cách dùng đinh ba xắn một miếng đất từ Corfu để làm nơi tình tự với người tình của mình, nữ thần Amphitrite. Paxos có các bến cảng tuyệt đẹp với những chiếc du thuyền nằm san sát nhau bên bờ vịnh hình vòng cung và những ngôi nhà xinh xắn như trong tranh. Từ trên cao nhìn xuống, Paxos khiến người ta sững sờ vì phong cảnh tuyệt vời. Và vẫn là màu nước xanh pha lê mê hồn ấy. Du khách có thể đến đây dạo chơi vài giờ hoặc ở lại nghỉ lâu hơn. Hòn đảo này là nơi nghỉ hè rất “mốt” của người Anh và người Ý.

Lefkimi

Trong thời gian đến Corfu, chúng tôi ở khách sạn Attika gần Lefkimi ở phía Nam của đảo. Lefkimi là thành phố lớn thứ hai của Corfu, thực chất là một cái làng lớn, gần như bị khách du lịch bỏ quên. Có lẽ chỉ có chúng tôi, các khách trọ của Attika là đến đây thăm thú bằng xe buýt miễn phí của khách sạn. Ở đây bạn có thể chứng kiến cuộc sống thường nhật của một thị trấn, làng quê điển hình của Corfu. Đám đàn ông ngồi tán gẫu trong quán cà phê buổi sáng. Phụ nữ lúi húi quét tước trước sân nhà. Những bà già đội khăn chống gậy đi trên đường. Những ông lão bắc ghế ngồi suy tư ngoài hiên. Những chiếc xe máy cà tạch cà tàng như thuộc về thế kỷ trước. Các vườn nho, rừng ô liu, những chú lừa hiền lành, những căn nhà một hai tầng cũ kỹ. Rất yên tĩnh và thanh bình.

(một quán cà phê ở Lefkimi)

Khách sạn Attika cách Lefkimi ba cây số, cách những nơi phồn hoa đô hội khác “bảy ngọn đồi và ba cánh rừng ô liu”, thực sự tách biệt khỏi thế giới bên ngoài. Nơi này thích hợp cho những ai muốn tìm chút yên tĩnh để nghỉ ngơi, hoặc các gia đình có con nhỏ. Bãi cát rộng và mịn ngay sát khách sạn có hàng bạch đàn cổ thụ rợp bóng tuyệt đẹp. Một chiếc cầu tàu dài màu trắng vươn ra biển, chủ yếu để cho du khách dạo chơi. Ban đêm, tôi thấy nhiều người ra cầu tàu câu cá.

Nước biển trong và rất mặn, có thể đi ra rất xa mà biển vẫn nông, không nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Nếu không bơi, có thể nằm trên bãi biển hưởng gió và nắng, nhìn ra những con tàu trắng xa xa ngoài khơi hay đắm chìm vào những trang sách, đó là những giờ phút tôi cảm thấy thực sự thư giãn. Khách sạn có câu lạc bộ cho thiếu nhi, đám trẻ con thích mê với những trò nhảy múa hát hò mà các cô phụ trách bày ra. Các bé còn được hướng dẫn vẽ tranh vào áo phông để sau kỳ nghỉ, bé nào cũng có một tấm áo với tấm hình kỷ niệm do chính tay mình vẽ.

(khách sạn và bãi biển Attika)

Ngày trở về, chúng tôi thực sự cảm thấy lưu luyến. Mười bảy người chúng tôi, già trẻ lớn nhỏ gái trai, đã có một kỳ nghỉ trọn vẹn, tuyệt vời. Tạm biệt Corfu, tôi biết rằng những ấn tượng và kỷ niệm đầy ắp sẽ còn mãi trong lòng, chúng sẽ sáng lên trên những màn hình máy tính như những tia nắng. Từ những màn hình ấy, chúng sưởi ấm cho chúng tôi trong những ngày mùa thu ẩm ướt hay những ngày đông giá lạnh của châu Âu.

Và tôi biết rằng sẽ có ngày mình quay trở lại Corfu, tình yêu của thần biển Poseidon.

(Warszawa, tháng 8/2009)

Sunday 2 August 2009

Hola, Tenerife!

(Những vách đá khổng lồ ở bờ Tây Bắc đảo Tenerife)

1.

Đó là một ngày tháng Năm năm 2007.

Chúng tôi đến sân bay Tenerife cùng một đoàn khách du lịch Ba Lan vào lúc ba rưỡi sáng. Biết thân biết phận mình mang hộ chiếu Việt Nam nên tôi phải nhanh chân ra trước, phòng trường hợp làm thủ tục biên phòng lâu. Anh nhân viên biên phòng đẹp trai cầm hộ chiếu của tôi giơ lên xem và hỏi: “Việt nam à?” Tôi đáp “Vâng”, trong bụng nghĩ thầm “Biết ngay mà…” Nhưng anh lại cười rất tươi và nói “Xin chào!”. Không, không phải là hello, hola hay buenos dias, mà là XIN CHÀO. Bằng tiếng Việt. Rồi anh bắt đầu sổ ra một tràng lơ lớ: “Một, hai ba, bốn, năm sáu… tôi học Việt Võ đạo mười năm rồi, thích Việt Nam lắm!” Tôi cười tươi như hoa, đã đi qua biết bao cửa khẩu, lần đầu tiên trong đời tôi gặp một nhân viên biên phòng thích Việt Nam và biết chút tiếng Việt. Mấy người Ba Lan đứng sau xôn xao: “Xem kìa, họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt!”

Anh biên phòng xem thị thực và đóng dấu rất nhanh, thậm chí không thèm kiểm tra gì trong máy tính. “Cảm ơn”. Tạm biệt” Tất cả đều bằng tiếng Việt trong sáng, tiếng Việt một trăm phần trăm! Bỗng nhiên, tôi nhớ đến mười nốt nhạc mà công ty Soncamedia đã mua bản quyền của nhạc sỹ Phạm Duy: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…”

Tenerife đã đón chào chúng tôi như thế.

2.

Tenerife là hòn đảo lớn nhất và đẹp nhất của quần đảo Canary thuộc Tây Ban Nha trên Đại Tây Dương, bên sườn châu Phi. Với khí hậu tuyệt vời – quanh năm nắng ấm, nhiệt độ từ 25-28 độ C và hầu như không mưa, Canary được mệnh danh là “quần đảo của mùa xuân vĩnh hằng”. Du khách đến đây nghỉ mát đông nhất là vào… mùa đông, chủ yếu là những cư dân vùng Bắc Âu vốn luôn tìm cơ hội để đi trốn cái giá rét xứ mình. Tháng 2 ở Canary có hội hoá trang hoành tráng không kém gì hội hoá trang ở Rio de Jainero, các cô gái đại diện cho mỗi đảo khoác lên mình những bộ trang phục nặng tới mấy chục ký, họ đã phải luyện tập cả năm để có đủ sức mang trên mình những bộ trang phục này.

(Tenerife quanh năm nắng ấm)

Chúng tôi nghỉ tại khách sạn Costa Adeje Gran Hotel ở Playa de las Americas, phía tây nam đảo Tenerife. Playa de las Americas là một nơi dành riêng cho khách nghỉ mát, chỉ toàn là khách sạn, nhà nghỉ, tiệm ăn, cửa hàng, các quán bar, nhà hát, các khu vui chơi v.v. và tất cả những gì người ta có thể nghĩ ra để kiếm tiền của du khách một cách êm dịu ngọt ngào. Mọi thứ ở đây đều văn minh, hiện đại, sạch sẽ và tiện nghi đến mức hoàn hảo. Nhưng những người dân đảo không sống ở đây. Hàng ngày họ tới Playa de las Americas làm việc từ các vùng lân cận, nơi giá nhà đất và giá cả sinh hoạt thấp hơn nhiều.

(Bãi biển ở Playa de las Americas)

Ngày nay, phần lớn du khách đến nghỉ ở Tenerife tập trung ở hai thành phố phía Nam: Playa de las Americas và Los Cri Stianos, những nơi dành riêng cho người nước ngoài, đầy đủ tiện nghi và các loại hình dịch vụ, nhưng mang tính chất của các getto, tách biệt, không bản sắc. Ngược lại, Pueto de la Cruz ở phía Bắc từ cả thế kỷ nay vốn là chốn nghỉ ngơi của những người Anh giàu có. Ở đó, du khách có thể hòa mình cùng cuộc sống của người dân địa phương trong một khung cảnh có phần tự nhiên hơn.

Thực ra, du lịch chỉ mới phát triển ở Tenerife từ những năm 50. Cho đến giữa thế kỷ trước, ở Tenerife chỉ toàn là các đồn điền chuối, những người dân đảo sống bằng nghề trồng chuối. Nhưng hiện nay thu nhập chủ yếu của họ là từ du lịch. Vẫn còn những đồn điền chuối, nhưng số lượng rất ít và ngày một teo tóp đi. Chuối Tenerife rất ngon, nhỏ và ngọt thơm. Có lần tôi trò chuyện với một người dân đảo, anh này tự hào tuyên bố chuối Tenerife ngon nhất thế giới! Nhưng anh cũng như những người dân đảo rất bức xúc vì chuối Tenerife chỉ có thể bán đựơc vào nội địa Tây Ban Nha, chứ không xuất được sang các nước thuộc khối Liên Hiệp châu Âu vì lý do kích cỡ nhỏ không đủ tiêu chuẩn. “Chẳng hiểu ra làm sao cả, tại sao kích cỡ lại có ý nghĩa quyết định như vậy được chứ?” Anh than thở. Anh bạn thân mến ơi, người Ba Lan có câu “Khi không ai hiểu lý do tại sao thì có nghĩa là tại vì tiền bạc”. Đã có cuộc chiến gà, cuộc chiến ngô, cuộc chiến cá basa … thì cũng có cuộc chiến giữa chuối Tenerife và chuối Nam Mỹ (mặc dù tổ tiên của đám chuối Nam Mỹ kia chính là… chuối Tenerife!)

Costa Adeje Gran Hotel cho tôi ấn tượng của một khách sạn có bể bơi rất đẹp và đồ ăn trên cả tuyệt vời. Tôi chưa thấy một món nào không ngon ở đây, có thể nói đây là khách sạn có đồ ăn ngon nhất mà tôi đã từng ở. Các bữa ăn tại khách sạn luôn là khoảng thời gian đầy vui thích của chúng tôi. Duy nhất chỉ có một lần, niềm vui của tôi bị thoáng chút gợn khi tôi nhìn thấy người phụ nữ ngồi bên chiếc bàn đối diện cài lên đầu bông hoa giả to tướng. Thực ra là tôi đã có thể không để ý, nhưng bông hoa quá to và nó cứ đập vào mắt tôi, cái màu đỏ nhức nhối. Thật vô lý khi người ta đang ở trên một hòn đảo tươi đẹp nổi tiếng nhiều hoa mà lại phải nhìn thấy cảnh tượng như vậy. Tôi phản đối mọi loại hoa giả, nhất là hoa cài tóc! Khi bông hoa đỏ vĩ đại kia bắt đầu làm phân tán tư tưởng tôi đến mức tôi cảm thấy mất hứng thú với đĩa thức ăn trước mặt, tôi đành phải chuyển chỗ ngồi sang phía bên kia bàn, để có thể quay lưng lại với nó, trong bụng thầm thở dài “Có lẽ đây là triệu chứng rõ nét của tuổi già, khi người ta tự nhận thức được rằng mình khó tính quá thể…”

Hai ngày đầu, chúng tôi chỉ lê la quanh bể bơi và trong vùng bán kính 2 km quanh khách sạn. Ở vùng này người ta đang xây dựng đến chóng mặt, khách sạn nhà nghỉ vẫn không ngừng mọc lên. Giá nhà đất ở đây tương đương với ở Warszawa, giá căn hộ khoảng chừng 2500 Eur/m2. Mặc dù có khí hậu tuyệt vời, các bãi biển Tenerife không thể gọi là đẹp, toàn các bãi đá, sỏi lởm chởm. (Bãi cát duy nhất ở Playa de las Teresistas dài vài ki-lô-mét là bãi nhân tạo, cát được mang về từ sa mạc Sahara, nhưng cũng là nơi mà khách du lịch ít khi lai vãng, chủ yếu là chỗ nghỉ cuối tuần của những người dân đảo). Mặc dù vậy, hàng năm vẫn có tới hơn mười triệu du khách đến Tenerife. Chính bàn tay con người đã biến hòn đảo này thành thiên đường du lịch. Ở Playa de las Americas và Los Cri Stianos, những hàng cọ cao vút, những vườn cây, khuôn viên xanh tươi đều là tác phẩm của con người: chúng không mọc tự nhiên mà được mang đến từ các vùng khác trên đảo.

Sau hai ngày, tôi bắt đầu cảm thấy ngạt thở vì cuộc sống văn minh hoàn hảo xung quanh. Đâu đâu cũng là “hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng”. Cái gì cũng xịn, thậm chí đến cả thời tiết cũng xịn nốt. Tôi đâu cần những thứ này, chúng không tạo cho tôi
những niềm vui khám phá hay cảm giác tĩnh lặng bình yên. May mà theo chương trình thì ngày hôm sau chúng tôi sẽ đi chu du quanh đảo, và đối với tôi thì chỉ từ hôm đó kỳ nghỉ mới thực sự bắt đầu…

3.

Địa hình Tenerife rất dốc, các con đường đều hẹp và vô cùng quanh co. Thêm vào đó, chỗ đỗ xe rất hiếm, nếu đỗ sai chỗ xe sẽ bị cẩu đi ngay. Vì vậy, thuê xe tự lái là một việc không mấy thoải mái. Nhưng phải đi xe vòng quanh đảo, bạn mới chứng kiến được sự thay đổi không ngừng của cảnh quan. Tenerife được mệnh danh là hòn đảo của những sự tương phản. Người ta nói cứ đi xe mười lăm phút bạn sẽ thấy thế giới thực vật ở đây lại thay đổi một lần. Tenerife có đủ các loại thực vật của ba tầng khí hậu. Tầng thấp nhất, đến độ cao 50m trên mực nước biển là các loại cây cỏ nhiệt đới như chuối, đu đủ, xoài, mía, xương rồng... Tầng thứ hai, từ 50 đến 1600m trên mực nước biển là các loại cây của khí hậu Địa Trung Hải như nho, ô liu, nguyệt quế. Tầng trên cùng, từ 1600-2000m là các loại thực vật khí hậu ôn đới, mà điển hình nhất là thông Canary.

(Ban công làm bằng gỗ thông Canary là một nét kiến trúc đặc sắc của đảo)

Nhưng thứ cây nổi tiếng nhất của Tenerife có lẽ là dracena draco, tức là long huyết Canary, một loại cây thân gỗ lưu niên với những chiếc là kim nhọn và hình thù đặc trưng. Nhựa cây này khi gặp không khí sẽ biến thành màu đỏ nên được gọi là long huyết (máu rồng). Long huyết Canary đã tuyệt chủng từ hai mươi triệu năm nay, chỉ còn sót lại rất ít trên các quần đảo Canary, Azores và Cabo Verde. Cây long huyết hơn một nghìn năm tuổi đã đi vào huyền thoại ở Icod de los Vinos mà tôi tự đặt tên là “Thiên tuế mộc long” đã trở thành biểu tượng của Tenerife, là một bảo tàng sống kỳ vĩ của thiên nhiên.

(Cây long huyết Canary hơn một nghìn tuổi ở Icod de los Vinos)

Tháng Năm, trên các sườn núi phía Bắc Tenerife tràn ngập hoa cỏ. Thiên nhiên dường như không thể hào phóng với con người hơn thế. Tạo hóa dường như không thể sáng tạo được nhiều màu sắc hơn thế. Người ta có cảm giác như mình đang tan biến vào thiên nhiên, bình yên mà hớn hở, êm ái mà rộn ràng, hiền hòa mà rực rỡ. Playa de las Americas và Los Cri Stianos đã là những thế giới khác, mờ nhạt, xa xăm.

Khám phá Tenerife, bạn không thể bỏ qua Teide. Và đây lại là một thế giới khác hẳn. Teide là ngọn núi lửa cao 3718m trên mực nước biển và cũng là ngọn núi cao nhất Tay Ban Nha, được mệnh danh là “vua núi lửa”. Trong ngôn ngữ của người Guanches, các cư dân đầu tiên của đảo Tenerife, nổi tiếng về nghệ thuật ướp xác, Teide có nghĩa là “địa ngục”. Họ coi các trận phun trào của Teide là những cơn thịnh nộ của thần Guayote. Trận phun trào lớn gần nhất của Teide là vào năm 1798, một trận khác nhỏ hơn vào năm 1909. Hiện nay, Teide vẫn là một núi lửa đang hoạt động.

(Teide - vua núi lửa, ngọn núi cao nhất Tây Ban Nha)

Quang cảnh trên đường lên đỉnh Teide giống như trên mặt trăng, trơ trụi, cằn cỗi, nham nhở. Bạn như lạc vào một thế giới siêu thực. Một không gian khác. Thời gian khác. Nơi cao nhất mà du khách có thể lên là độ cao 3550m. Ở đó, nhìn xuống mây trắng trùng trùng, run lên vì gió lạnh, con người bỗng cảm thấy mình nhỏ bé và bơ vơ giữa vô tận hoang vu. Tựa như hàng trăm nghìn năm của lịch sử loài người đột nhiên biến mất, và Teide thì đang nhìn bạn một cách ngạo nghễ, thương xót, mỉa mai.

(Quang cảnh nhìn từ Teide ở độ cao 3550m)

Nhưng trái tim dễ tổn thương của bạn sẽ được vỗ về ngay khi bạn trở lại với mặt đất, nơi con người vẫn đang mải miết tạo ra lịch sử của mình. Này đây thị trấn Garachico như một cánh cung xinh đẹp và quyến rũ. Này đây La Orotava, thành phố nổi tiếng với những ban công gỗ tuyệt mỹ. Này đây công viên Loro Parque, thiên đường của trẻ thơ, nơi có hơn 3000 con vẹt của 300 loài, có Hành tinh của Chim cánh cụt, có các cuộc trình diễn cá heo, hải cẩu, cá voi, có bể cá mập khổng lồ duy nhất ở châu Âu..., nghĩa là nơi bạn có thể tiêu khiển cả ngày trong niềm vui thú và ảo tuởng rằng con người là chúa tể của thiên nhiên. Bạn cũng có thể đắm chìm trong đêm nhạc flamenco với dàn âm thanh và ánh sáng hiện đại nhất, với các vũ công điêu luyện và nồng nhiệt nhất, hay nằm dài trên du thuyền giữa Đại Tây Dương tắm nắng, nhìn từng đàn cá heo bơi lội xung quanh. Để cảm thấy, dù chỉ trong khoảnh khắc, rằng cuộc sống hiện đại, dẫu sao, cũng không đến nỗi tệ.

(Thị trấn Garachico nhìn từ trên cao)
(Trình diễn cá heo ở Loro Parque)

Và có lẽ món quà lớn nhất mà Tenerife tặng bạn chính là điều ấy: những trải nghiệm và cảm xúc tương phản, trái ngược, để thấy cuộc sống vô cùng phong phú, không đơn nghĩa và đầy mâu thuẫn.