Thursday 30 December 2010

Viện bảo tàng (Wisława Szymborska)


Đĩa ở đây, nhưng ngon miệng nào đâu.
Nhẫn nơi này, mà không tình giai ngẫu
đã qua rồi thấm thoắt ba trăm năm.

Quạt nơi đây – đâu má ửng nét hồng lan?
Đây kiếm gươm – đâu rồi cơn uất hận?
Đàn lia dưới ánh tà phím chẳng một lần ngân.

Vì sự vĩnh hằng vắng bóng chốn trần gian,
người ta gom về đây mười nghìn đồ cổ.
Bác thầy ký mốc meo mơ màng trong giấc ngủ
Râu rủ trên tủ kính trưng bày.

Gốm sứ, lông chim, kim loại nơi đây
Vượt thời gian âm thầm chiến thắng.
Riêng chiếc trâm cài từ miền Ai Cập
đang khẽ khúc khích cười.

Chiếc vương miện hoài công chờ đợi một đầu người
Bàn tay thua găng tay, và chiếc giày bên phải
đã chiến thắng bàn chân.

Còn tôi, tôi đang sống, xin bạn hãy vững tâm.
Cuộc chạy đua của tôi với chiếc váy dài vẫn đang tiếp diễn.
Ôi chiếc váy thật là bướng bỉnh!
Nó như muốn trường tồn bất chấp kỷ niên!

(Thái Linh dịch)

Tuesday 7 September 2010

Per Wästberg: Chúng tôi đã không kịp trao giải Nobel cho Kapuściński


(Anders Bodegard tại Đại hội Quốc tế các dịch giả văn học Ba Lan lần thứ II, Krakow 6/2009)


"Nhiều khi tử thần nhanh chân hơn chúng tôi. Calvino, Sebald, Kapuściński, tất cả họ đều đã kịp qua đời." Nhà văn Per Wästberg nói trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ báo lớn nhất Thụy Điển "Dagens Nvheter". Từ năm 1997, ông ngồi trong ban giám khảo trao giải Nobel văn học (ghế số 12).


‎"Chúng tôi đã biết việc Viện Hàn Lâm không kịp vinh danh Ryszard - Anders Bodegard tiết lộ, ông là đại sứ của văn học Ba Lan tại Thụy Điển, dịch giả 5 cuốn sách của Kapuściński và thành viên ban giám khảo giải thưởng dành cho phóng sự văn học mang tên Kapuściński - nhưng đây là lần đầu tiên điều này được nói trước công chúng. Chuyện như vậy đã từng xảy ra với Gombrowicz, người mất tháng 7 năm 1969 và khi đó Beckett được nhận giải Nobel. Chín năm nữa chúng ta sẽ được biết các chi tiết liên quan đến Gombrowicz, còn trong trường hợp Kapuściński thì phải tận sau năm 2057"


nguồn: http://wyborcza.pl/1,75475,8327123,Per_W%C3%A4stberg__spoznilismy_sie_z_Noblem_dla_Kapuscinskiego.html

Saturday 28 August 2010

Ai là thi sĩ? (Tadeusz Różewicz)

Thái Linh dịch

Thi sĩ là người viết những bài thơ
và là người không viết những bài thơ

Thi sĩ là người tháo bỏ trói buộc
và là người trói buộc chính mình

Thi sĩ là người có được đức tin
và là người không còn tin nổi

Thi sĩ là người nói dối
và là người bị dối lừa

Thi sĩ là người có miệng để cất lời
và là người nuốt đi sự thật

là người ngã xuống
và là người đứng lên.

Thi sĩ là người từ bỏ ra đi
và là người không thể ra đi được.

(Thái Linh dịch)

Friday 20 August 2010

Vì những chuyến đi xa luôn là sự trở về


(Bầu trời Baltic)


Từ lần cuối cùng tôi nghỉ hè bên bờ biển Baltic, đã hơn mười năm trôi qua. Trong vòng hơn mười năm ấy, dĩ nhiên đã có những lần gặp gỡ ngắn ngủi khác, nhưng chỉ là thoáng chốc và không trọn vẹn. Tôi cũng chẳng nhớ nhung, Baltic quá gần để nhớ nhung. Khi chuẩn bị cho chuyến đi này, tôi không có cảm giác mình đang lên đường. Có chút gì đó như hờ hững như thờ ơ như không hề mong đợi. Mặc dù sẽ đến một thành phố xa lạ, nhưng tôi biết rằng ở đó sẽ chẳng có gì quá xa lạ với mình. Vẫn là thứ ngôn ngữ đang vây bọc tôi hàng ngày. Ngôn ngữ không thay đổi thì dường như chẳng có gì để mà hồi hộp, để tò mò và ngạc nhiên, để cảm thấy mình sẽ khám phá những điều mới lạ.

Vậy mà tôi đã ngạc nhiên, đã khám phá những điều mới lạ, không phải ở nơi nào xa xôi mà chính trong lòng mình. Vì thế, tôi sẽ không tả cảnh, không kể chuyện, tôi sẽ chỉ viết về những nỗi ngạc nhiên, về những ngỡ ngàng và thích thú.

Tôi ngạc nhiên sao mình lại xúc động đến thế khi trên con tàu băng qua Ba Lan, tôi mải mê ngắm nhìn như mới thấy lần đầu những bình nguyên xanh mướt, những vườn táo lấm tấm quả, những cánh đồng vàng rượi sau mùa gặt, những rừng bạch dương âm u trong mây mù...,những gì tôi tưởng đã quá thân quen. Một cảm giác bình yên lan tỏa, từ từ và lặng lẽ, nhẹ nhàng và mềm mại. Để rồi khi tất cả dần chìm vào làn mưa, cảm giác bình yên ấy như một làn ánh sáng dần sáng lên quanh tôi. Mưa càng nặng hạt, gió càng tạt mạnh vào con tàu, bầu trời càng sầm tối thì ánh sáng ấy càng rực rỡ. Như thể bao nhiêu ấm áp, bao nhiêu êm ả của những bình nguyên vườn táo cánh đồng khu rừng đã dồn hết về đây, trong toa tàu này, để thắp cho các ngọn đèn mỗi lúc một sáng hơn. Giữa tâm ánh sáng ấy, tôi ngồi thật lặng im khi con tàu lao nhanh trong mưa gió, bất động trong chuyển động, và, hơn bao giờ hết, lòng thăm thẳm bình yên.

Baltic trong mưa. Trước phòng tôi, từ ban công nhìn ra, biển xa hút tầm mắt. Bước một cái là xuống biển, vậy mà tôi vẫn chưa thể chạm vào biển. Baltic nấp sau tấm màn mưa xám đục, bắt người ta phải chờ đợi và kiên nhẫn. Tôi ngạc nhiên sao mình không chán nản mà thậm chí còn thấy dễ chịu. Tôi vui thích lắng nghe tiếng mưa đổ xuống hòa cùng tiếng sóng biển và tiếng gió cuộn trong những vòm cây tạo thành một khối âm thanh rì rào đặc sánh, thứ âm thanh tôi chưa từng được nghe. Những nhạc cụ ướt lạnh lướt thướt ấy - mưa, gió và sóng biển – kỳ lạ thay, lại làm nên một bản hòa tấu ấm áp, hài hòa, khiến người ta có cảm giác êm ả như trong đêm tất niên của thời thơ ấu ngồi nghe nồi bánh chưng sôi.

Baltic mưa và tôi ngồi đọc Nhiệt đới buồn. Tôi gặp lại Kapuściński trong những trang viết của Claude Lévi-Strauss, ở Ấn Độ, ở Nam Mỹ, ở những suy tư và đào xới sâu hơn là du ký, ở cái nỗ lực để thấu hiểu và cảm thông với những Người khác. Tôi nhớ Kapuściński, nhớ mơ ước chưa thành của ông là làm một chuyến du hành trên biển theo dấu chân Bronisław Malinowski (nhà nhân học Ba Lan kiệt xuất, người thường được coi là một trong những nhà nhân học quan trọng nhất của thế kỷ 20).

Khi mưa tạnh, những tia nắng đầu tiên dịu dàng xuyên qua bầu trời đầy mây rọi vào phòng, nghe tiếng còi tàu đầu tiên vang lên ngoài biển, tôi nhìn ra ban công và thấy những cánh chim đầu tiên bắt đầu chao liệng trong không trung trên mặt biển lấp lánh ướt, giống như nụ cười đang từ từ bừng nở trên gương mặt bé thơ còn long lanh nước mắt. Từ ban công này, trong xa vắng Địa Trung Hải, trong thương nhớ những đám mâybầu trời của Szymborska, tôi sẽ còn nhiều lần nhìn ngắm trời mây Baltic với nỗi ngạc nhiên tinh khôi nhất. Trong một ngày mùa hè, bầu trời Địa Trung Hải luôn xanh thẳm. Nhưng bầu trời Baltic thì khác, nó sinh động và biến đổi không ngừng. Vẻ đẹp bầu trời Địa Trung Hải là vẻ đẹp của sự ngưng đọng và tĩnh lặng, của mãn nguyện và bình yên, thanh thản, vẻ đẹp của huyền thoại và quá khứ, của vĩnh cửu và hoàn hảo. Bầu trời Baltic mang vẻ đẹp của chuyển động và thay đổi, của ngạc nhiên, mong đợi và tuơng lai, vẻ đẹp của khoảnh khắc và cái mong manh vô thuờng, của sự bất toàn và day dứt, như chính cuộc sống.

Những ngày nằm dài trên bãi biển, tôi thích thú nghe tiếng rao của những người đi bán dạo. Những tiếng rao! Tuổi thơ của tôi làm sao có thể thiếu những âm thanh mời gọi và vui vẻ ấy, ngày tháng xa xưa ở Việt Nam. Thật bất ngờ khi các con tôi bây giờ vẫn còn được nghe những tiếng rao trong muôn vàn âm thanh của cuộc sống. Rất lạ là hơn mười năm trước, không có những người bán dạo trên bãi biển. Cứ như mọi thứ đi ngược thời gian. Hay đúng hơn, có những dòng chảy ngược xuôi thời gian đan xen vào nhau. Vì tôi chìm trong một cảm giác mới lạ khác khi nghe xôn xao quanh mình không chỉ là tiếng Ba Lan,tiếng Việt, mà cả tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga... Mười năm trước, bức tranh ngôn ngữ đơn điệu hơn nhiều. Và giữa những dòng ngược xuôi thời gian ấy, tôi luôn tròng trành trong cảm giác lạ mà quen, quen mà lạ, vừa là trở lại vừa là ra đi.

Ngày trở về, tàu lại băng qua những cánh đồng và những bình nguyên giờ đây ngập nắng, những rừng bạch dương lấp lánh thân bạc, những trảng cỏ xanh miên man có đàn bò sữa màu lông loang lổ trắng đen... Giữa không gian tươi sáng ấy, tôi ngỡ ngàng nhận ra các nhà ga trông vẫn tồi tàn và cũ kỹ làm sao, không khác gì hơn mười năm trước. "Ga nhỏ ồn ào, hồi hộp nỗi riêng chung / Ta sẽ nhớ khung cảnh này mãi mãi."(*) Những sân ga lưu giữ bao ký ức nhọc nhằn của người Việt trên mảnh đất Ba Lan một thời đã xa, những sân ga bao giờ cũng khiến sống mũi như cay, bất chấp bao thay đổi của cuộc sống, của thời đại, như đã vĩnh viễn dừng lại ở một điểm nào xa lắc trong quá khứ. Và một lần nữa, tôi lại thấy mình đang trở về trong chuyến đi xa.

Vì những chuyến đi xa luôn là sự trở về.


---

(*) thơ B.Kornilov,Thụy Anh dịch



Saturday 10 July 2010

Bốn giờ sáng

Wisława Szymborska


Giờ đêm chuyển sang ngày.
Giờ trở mình trằn trọc.
Giờ của những người đương tuổi ba mươi.

Giờ vòng tay đất mẹ ôm ta đã rời rã buông lơi.
Giờ bị quét phăng dưới tiếng gà gáy sáng.
Giờ gió lạnh thổi về từ những vì sao đã tắt.
Giờ có-gì-còn-lại-phía-sau-ta.

Giờ trống trải.
Rỗng không, vô vị.
Đáy tận cùng của mọi canh giờ.

Không có ai dễ chịu lúc bốn giờ.
Nếu đàn kiến vui vẻ vào giờ ấy -
ta chúc mừng cho kiến đi thôi. Và hãy để năm giờ sang tới
nếu ta còn phải sống tiếp trên đời.


(Thái Linh dịch)

Sunday 13 June 2010

Rao vặt

(Wisława Szymborska)

Ai thấy nơi nào có lòng trắc ẩn
(hay là trí tưởng tượng của trái tim) -
Làm ơn xin cho biết!
Làm ơn xin cho biết!
Hát vang lên, xin người hãy hát
và khiêu vũ như mất trí, điên rồ
hân hoan dưới gốc bạch dương yểu điệu lơ thơ
vẫn luôn đang chực khóc.

Nhận dạy môn Im Lặng
bằng mọi thứ tiếng trên đời
theo phương pháp ngắm nghía không ngơi:
bầu trời sao lấp lánh,
ngắm châu chấu bật mình nhảy tách,
hàm dưới của người vượn Bắc Kinh,
ngắm móng tay trẻ sơ sinh,
một sinh vật phù du trôi nổi,
hay bông tinh thể tuyết vừa rơi.

Nhận tái tạo tình yêu.
Dịp may đây! Xin chú ý!
Trên bãi cỏ xanh năm ngoái
Bạn được nằm lăn trong nắng chan hòa
Còn gió kia nhảy múa reo ca
(cơn gió từ năm trước
trên tóc bạn bày trò vui lả lướt)
Chào hàng ở mục: Giấc mơ

Tìm người
để khóc
những người già vừa mất
trong trại tế bần.
Hãy ứng cử không cần
đơn thư và lý lịch.
Mọi giấy tờ sẽ bị xé hết
không kèm biên nhận, hóa đơn.

Về những hứa hẹn của chồng tôi,
người đã đưa đường cho quý vị
bằng những sắc màu của nhân gian trần thế
đông đúc và ồn ào,
bằng khúc ca bên cửa sổ, chú chó sau tường rào:
Rằng quý vị sẽ không bao giờ cô độc
trong bóng tối, trong lặng thinh, khi đứt hơi kiệt sức –
Tôi không thể chịu trách nhiệm mảy may.
Ký tên: Đêm, bà quả phụ của Ngày.


(Thái Linh dịch)

Saturday 29 May 2010

Barcelona, những mảnh ghép vụn


(Casa Mila, tòa nhà do Gaudi thiết kế)


Tôi đến Barcelona vào những ngày chớm xuân. Làn không khí mát lành buông phủ xuống thành phố như tấm khăn voan mỏng nhẹ, những sợi tơ vô hình tinh khiết, mềm mại vương lên tóc, lên má, lên những ngón tay. Hàng cây hai bên đường bắt đầu nảy lộc, lấm chấm phớt những đốm xanh ngập ngừng lên thân cành. Chỉ hai tuần nữa thôi, các đốm xanh nhỏ bé rụt rè ấy sẽ bung ra hào phóng, mãnh liệt, dạt dào, để những con đường hân hoan dưới vòm lá xanh mướt non tơ trong khoảnh khắc đẹp nhất của mùa xuân. Những cơn mưa phùn thoáng qua gợi cho tôi cảm giác thân thương của những cơn mưa xuân thời thơ ấu, khi tôi còn ở Việt Nam. Barcelona bỗng nhiên không còn xa lạ. Rặng núi xanh mờ xa xa khiến tôi thấy bình yên. Là bình yên. Là trong vắt. Là „Một chút gì mới tinh, không thể mất -Trong khói sương xanh thẳm đến vô cùng...“ (1)

*

Trong nhà hát Palau de la Musica Catalona – một trường ca tuyệt đẹp được dệt bằng những vần thơ của thủy tinh màu và sứ ghép mảnh - tôi đã nghe các nghệ sỹ flamenco kể câu chuyện tình yêu. Trong không gian ấm áp, gần gũi, thân mật, một không gian rất mộc, tôi nghe từng nhịp chân của người vũ công dội vào tim mình, nhịp chân khi dồn dập, cuồng say, mãnh liệt, khi rào rào như cơn mưa mùa hạ, khi nhẹ nhàng như lời thì thầm trong đêm... Những nhịp chân mà người vũ công đã dồn hết vào đó cả tâm hồn và sự khéo léo, dường như anh đã biến cơ thể mình thành thứ nhạc cụ kỳ diệu nhất, những nhịp chân như có thần, có phách, cuốn tôi vào một dòng sông bất tận của nhịp điệu. Và tiếng hát, tiếng hát nồng nàn mà khắc khoải, kiêu hãnh mà u sầu của người ca nữ trong những giai điệu từ miền Andalusia nóng bỏng, chính là thứ ngôn ngữ biểu cảm tuyệt vời nhất của tình yêu. Flamenco là gì nếu thiếu tình yêu? Flamenco là gì, nếu không phải là tình yêu?

*

Bảo tàng Picasso. Tôi đã dừng lại rất lâu trước một bức tranh nhỏ vẽ cảnh bãi biển Barceloneta. Không một hình khối, cả bức tranh chỉ là những mảng màu, những sợi màu mịn màng, tươi sáng. Tinh mơ. Nhẹ bỗng. Dịu dàng. Những sắc xanh lơ, hồng nhạt, vàng mơ, vừa mong manh vừa ấm áp. Bức tranh giống một tấm khăn lụa nhỏ nằm khiêm nhường trong tủ kính, có lẽ chẳng mấy ai để ý, không hiểu sao lại gợi cho tôi một sự gần gũi kỳ lạ. Các sắc màu ấy giống những cuộn chỉ thêu mà ngày bé tôi hằng say mê. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác háo hức mỗi khi cùng bà ngoại ra chợ, gần đến quầy hàng xén, nơi người ta bán chỉ thêu, hình như bao giờ tim tôi cũng đập mạnh hơn. Và cái màu vàng mơ này đây, màu của cuộn chỉ thêu đầu tiên mà tôi có được trong đời, đã khiến tôi sung sướng đến mất ngủ. Không có gì mịn màng hơn thế, óng ả hơn thế, êm dịu hơn thế. Trong sắc vàng mơ ấy giấu cả bộ lông óng mịn của những chú gà con, cả ráng mây mát lành buổi sáng, cả ánh trăng đêm Trung thu, cả bụi phấn trên những cánh mai rừng mà cậu tôi thỉnh thoảng đem về vào dịp Tết ... Sắc vàng mơ tươi êm từng vỗ về tuổi thơ tôi, giờ lại hiện ra nhẹ nhàng, giản dị, tự nhiên như không thể khác, ở một góc xa lắc trên trái đất, như thể đã chờ đợi tôi từ hơn một thế kỷ. Sắc vàng mơ qua đôi mắt trong veo của chú bé Picasso tuổi mười lăm.

Marina.

*

Barcelona của Gaudi. Gaudi thiên tài và điên rồ. Gaudi cô đơn. Nỗi cô đơn ngất cao như những ngọn tháp Sagrada Familia đâm cứa vào bầu trời Barcelona. Nỗi cô đơn mềm như nước chảy vô hình trong Casa Battlo. Nỗi cô đơn quanh co như những bước chân trong Casa Mila. Nỗi cô đơn dằng dặc như chiếc trường kỷ ở Parc Guell. Và nỗi cô đơn đẹp như những cây đèn đường trên đại lộ Gracia... Ở Barcelona, tôi không ngừng nghĩ về nỗi cô đơn của Gaudi. Nó hiện diện ở khắp nơi. Đã có lúc tôi có cảm giác mình chạm được vào nó. Nhưng làm sao có thể chạm được vào nỗi cô đơn? Chỉ có thể nghĩ về nó, cảm nhận nó, nhưng không thể chạm vào.
Nỗi cô đơn Gaudi lừng lững in vào ánh nắng quái của hoàng hôn modernism.


*

Ở Barcelona, tôi gặp rất nhiều quán ăn, cửa tiệm của người Trung Quốc. Có lần, chúng tôi vào ăn sáng ở một quán ăn nhỏ. Quán mở cửa từ 10 giờ sáng đến 9 giờ tối, phục vụ các món bình dân. Thực khách chủ yếu là người Trung Quốc, đôi lúc mới thấy một người „Tây Ban Nha” bước vào, nhưng có lẽ cũng là dân nhập cư. Chủ quán và những người phục vụ rất nhiệt tình, nhưng một chữ tiếng Anh cũng không biết. Họ đều nở nụ cười, nhưng tôi thấy mắt họ quầng thâm, bàn tay họ nứt nẻ, phồng rộp. Ngoài kia là nắng xuân tươi sáng, là những bài thơ của văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, là Gaudi, Picasso,Joan Miro, là ngôn ngữ của Cervantes... còn trong căn quán này là một thế giới khác, buồn bã, u tối, đơn điệu, nhọc nhằn. Tôi nghĩ đến những người đồng hương của mình trong các quán bar chật chội ở Warszawa. Mắt họ cũng quầng thâm như thế, tay họ cũng nứt nẻ như thế. Các thành phố khoe ra trong ánh sáng những tinh hoa đặc sắc nhất của mình, điều khiến chúng khác nhau. Nhưng bóng tối và những nỗi nhọc nhằn thì giống nhau, nơi nào cũng thế.


----

(1) Thơ Antonio Machado, thi sỹ người Tây Ban Nha

Wednesday 26 May 2010

Rượu nho, nắng, gỗ sồi và thời gian (*)



Không phải ai cũng biết rượu cô nhắc được làm như thế nào. Để làm rượu cô nhắc, người ta cần tới những bốn thứ: rượu nho, nắng, gỗ sồi và thời gian. Ngoài ra, như trong mỗi loại nghệ thuật, cần phải có khiếu thưởng thức. Phần còn lại thì như sau:

Vào mùa thu , sau khi thu hoạch, người ta nấu rượu nho. Thứ rượu nho này được đổ vào thùng. Thùng phải bằng gỗ sồi. Toàn bộ bí mật của cô nhắc nằm trong những thớ gỗ sồi. Cây sồi lớn lên và gom nắng trong mình. Nắng lắng vào thớ gỗ sồi như hổ phách lắng xuống đáy đại dương. Đây là cả một quá trình dài hàng chục năm. Thùng làm bằng gỗ sồi non không thể cho loại cô nhắc ngon. Cây sồi lớn lên, thân nó bắt đầu bạc đi. Sồi tỏa nhánh, gỗ của nó mỗi ngày một chắc, màu sắc và hương thơm ngày càng đượm hơn. Không phải cây sồi nào cũng làm được rượu cô nhắc ngon. Những cây sồi đơn độc, mọc nơi yên tĩnh, chỗ đất khô sẽ cho loại cô nhắc ngon nhất. Những cây sồi như thế luôn được sưởi nắng. Trong thớ gỗ của nó nắng nhiều như mật trong tổ ong. Đất ẩm thì chua và khi đó gỗ sồi sẽ có quá nhiều vị đắng. Ta sẽ cảm thấy ngay trong vị cô nhắc. Một cây sồi bị thương khi còn non cũng không cho rượu cô nhắc ngon. Trong thân cây bị thương, nhựa chảy không đều và gỗ sồi không còn vị nữa.

Sau đó, những người thợ sẽ đóng thùng. Thợ đóng thùng cũng phải thạo nghề. Nếu xẻ không khéo, gỗ sồi sẽ không cho hương vị. Nó sẽ chỉ cho màu sắc, nhưng không nhả hương ra. Sồi là thứ gỗ lười biếng, mà để làm rượu cô nhắc, nó phải lao động. Người thợ đóng thùng phải tinh tế như thợ đóng đàn vĩ cầm. Một chiếc thùng tốt có thể giữ được cả trăm năm. Có những chiếc thùng hai trăm năm tuổi và cổ hơn nữa. Không phải chiếc thùng nào cũng tốt. Có những chiếc thùng vô vị, nhưng có những chiếc cho loại cô nhắc quý như vàng. Sau vài năm thì đã có thể biết rượu trong thùng nào ra sao.

Người ta đổ rượu nho vào thùng. Năm trăm hoạc một nghìn lít, tùy. Thùng được đặt lên giá và cứ để như thế. Không phải làm gì nữa, chỉ là chờ đợi. Mọi thứ đều có thời gian của nó. Thứ rượu này giờ đây ngấm vào gỗ sồi và khi đó, gỗ trao ra tất cả những gì nó có. Gỗ trao tặng nắng, trao tặng mùi thơm, trao tặng màu sắc. Gỗ tự ép nhựa ra, nó lao động.

Bởi vậy nó cần được yên tĩnh.

Cần thoáng khí, vì gỗ luôn thở. Gỗ thích khô ráo. Sự ẩm ướt làm hỏng màu, nó sẽ cho màu sắc nặng nề, không ánh sáng. Rượu vang ưa độ ẩm, nhưng cô nhắc thì không chịu nổi điều đó. Cô nhắc đỏng đảnh hơn. Mẻ rượu cô nhắc đầu tiên có thể uống là sau ba năm. Ba năm, ba sao. Những loại cô nhắc có sao là những loại non nhất, kém hơn. Cô nhắc ngon nhất là những loại bản hiệu, không có sao. Đó là những loại đã có hàng chục, hai chục, đến cả trăm năm. Nhưng thực chất, tuổi của cô nhắc còn nhiều hơn. Cần tính thêm cả tuổi của cây sồi đã được dùng để đóng thùng nữa.

Cô nhắc non hay già, có thể nhận ra qua vị rượu. Rượu cô nhắc non thì gắt, sốc, như thể bốc đồng. Vị sẽ chua, chát. Nhưng rượu lâu năm thì êm và dịu. Chỉ sau đó nó mới bắt đầu tỏa sáng. Rượu cô nhắc lâu năm mang trong mình nhiều hơi ấm, nhiều nắng. Nó chạy lên đầu người ta nhẹ nhàng, không gấp gáp.

Rồi nó sẽ làm điều nó cần làm.


(Trích "Đế quốc" (Imperium), Ryszard Kapuściński, Thái Linh dịch)

(*) Nhan đề do người dịch tạm đặt

Monday 24 May 2010

Armenia


(Bảng chữ cái Armenia)


Ở Matenadaran, người ta có thể xem những quyển sách cổ của người Armenia. Đối với tôi, chúng hai lần bất khả thấu: chúng nằm trong tủ kính và tôi không thể đọc được. Tôi hỏi Vanik xem anh có hiểu chúng không. Vừa có, vừa không, vì anh có thể đọc các chữ cái nhưng không hiểu nghĩa của chúng. Bảng chữ cái giữ nguyên từ mười lăm thế kỷ nay, nhưng ngôn ngữ đã thay đổi. Một người Armenia đến Matenadaran như người Hồi giáo đến Mecca. Đó là đoạn kết cuộc hành hương của anh ta, anh xúc động và đầy mong mỏi. Trong lịch sử Armenia, sách là di vật quốc gia của họ. Cô hướng dẫn viên cùng đi với tôi (tuyệt đẹp!) thì thầm kể rằng nhiều bản chép tay mà chúng tôi đang thấy đã được gìn giữ bằng mạng sống con người. Có những trang loang lổ máu. Có những quyển sách đã được chôn nhiều năm trong lòng đất, giấu trong các khe đá. Người Armenia đã chôn chúng như những đạo quân thất trận chôn lá cờ của mình. Chúng được tìm thấy lại không khó khăn gì: thông tin về nơi giấu sách được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Một dân tộc không có quốc gia tìm kiếm sự che chở trong các biểu tượng. Đối với nó, việc bảo vệ biểu tượng quan trọng như các quốc gia khác bảo vệ bờ cõi biên cương. Sự tôn sùng biểu tượng trở thành một hình thức sùng kính tổ quốc. Đó là hành động của lòng yêu nước. Không phải là người Armenia chưa từng có quốc gia. Họ đã có một quốc gia, nhưng bị hủy diệt từ thời cổ đại. Sau đó, nó được tái sinh vào thế kỷ IX và 160 vào năm sau thì diệt vong – trong hình hài xưa kia của mình - vĩnh viễn. Không chỉ là quốc gia. Ít nhất trong vòng hai nghìn năm người Armenia đã bị đe dọa bởi sự diệt chủng hoàn toàn. Họ còn bị đe đọa đến tận thế kỷ này, cho đến năm 1920.

Lịch sử Armenia được tính bằng hàng nghìn năm. Chúng ta đang ở vùng đất thường được gọi là cái nôi của văn minh. Ta đang di chuyển giữa những dấu vết cổ xưa nhất của sự tồn tại của con người. Ở thung lũng sông Razdan, gần Yerevan, người ta khai quật được những dụng cụ đồ đá 4000 năm tuổi, nhưng ngay từ khi đó, như những dòng chữ trên đá viết, trên lãnh thổ Armenia đã có “sáu mươi đế quốc” và “hàng trăm thành phố”. Do đó, Armenia đồng niên với những nền văn minh cổ xưa nhất trên thế giới. Babilon và Assyria là láng giềng của họ. Những dòng sông Tigris và Euphrates trong Kinh Thánh có khởi nguồn nằm trong biên giới Armenia.

Người Armenia có thước đo thời gian khác chúng ta(1). Họ trải qua cuộc chia cắt đầu tiên vào 2500 năm trước. Thời Phục hưng của họ rơi vào thế kỷ IV. Họ tiếp nhận Cơ đốc giáo sớm hơn chúng ta bảy thế kỷ. Họ bắt đầu viết bằng ngôn ngữ của chính mình trước chúng ta mười thế kỷ. Nhưng Armenia chia sẻ với Ai Cập cổ đại, Sumer và Byzantium cùng một bi kịch điển hình của vùng này – điều cốt yếu của nó là sự thiếu vắng tính liên tục lịch sử, những chương trắng đột nhiên xuất hiện trong cuốn sách giáo khoa lịch sử của đất nước.

Một sự thăng hoa đến vàng son tuyệt đỉnh, rồi sau đó là tuột dốc thê thảm. Dần dần, từng bước một, các dân tộc sinh sống trong cái nôi nhân loại này, cùng với những nền văn minh vĩ đại, đồ sộ - như thể kiệt sức vì những nỗ lực phi phàm, hay cũng có thể là bị đè nát vì sự khổng lồ của chính công trình mình đã tạo ra và không thể tiếp tục phát triển nó nữa - đã nhường ngôi lại cho những dân tộc trẻ hơn, bừng bừng sinh lực và sức sống. Châu Âu bước ra sân khấu, rồi sau đó là châu Mỹ.

Nguồn gốc mọi bất hạnh của Armenia là vị trí địa lý tai hại của nó. Phải xem trên bản đồ, nhưng không phải xem từ phía chúng ta, từ Đông Âu, mà là từ điểm hoàn toàn khác, từ vùng Nam Á, như những kẻ đã định đoạt số phận Armenia từng xem. Theo sử, Armenia nằm trên lãnh thổ của Cao nguyên Armenia. Có những thời kỳ (kéo dài hàng thế kỷ) Armenia vươn xa hơn, là quốc gia của ba vùng biển: Địa Trung Hải, Hắc Hải và biển Caspi. Nhưng ta hãy chỉ dừng lại ở trong biên giới Cao nguyên Armenia. Ký ức lịch sử của người Armenia liên tưởng đến vùng lãnh thổ này. Sau thế kỷ XI, người Armenia không bao giờ còn có thể dựng lại nước Armenia trong những đường biên giới ấy. Nước Armenia ngày nay chỉ chiếm 1/10 lãnh thổ Cao nguyên Armenia xưa kia. Phần đất còn lại nằm ở Iran và chủ yếu là ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tấm bản đồ, xem từ Nam Á lên, lý giải về bi kịch của người Armenia. Định mệnh không thể đặt tổ quốc họ vào nơi nào bất hạnh hơn thế. Phía Nam, Cao nguyên giáp ranh với hai cường quốc thời đó – Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ. Ta hãy thêm vào đó Vương quốc Ả rập. Và thậm chí cả Đông La Mã. Bốn gã khổng lồ chính trị, đầy tham vọng, bành trướng khủng khiếp, cuồng tín, tham lam. Và giờ đây, khi một trong số bốn kẻ thống trị các cường quốc đó xem bản đồ, hắn thấy gì? Hắn thấy rằng nếu chiếm Armenia, đế quốc của hắn sẽ khép lại bằng một đường biên tự nhiên lý tưởng. Ở phía Bắc, Cao nguyên Armenia được che chắn một cách tuyệt vời, nó được hai biển (Hắc Hải và Biển Caspi) cùng dãy núi Caucas hùng vĩ bảo vệ. Mà phía Nam đang rất nguy hiểm đối với Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ, với Ả rập và Đông La Mã. Bởi khi đó những cơn cuồng phong Mông Cổ đang đe dọa từ phương Bắc.

Do đó, Armenia làm cho tất cả các hoàng đế và Pasa(2) mất ăn mất ngủ. Ai cũng muốn cường quốc của mình có đường biên tròn trịa đẹp đẽ. Sao cho trên đất nước của ông ta, như trên vương quốc của vua Philip, mặt trời không bao giờ lặn. Sao cho bờ cõi không chơ vơ giữa các bình nguyên, mà có thể tựa vào núi non hùng vĩ, áp vào bờ biển. Kết quả của những tham vọng này là các cuộc lấn chiếm không ngừng lên lãnh thổ Armenia, luôn luôn có kẻ nào đó xâm lược và tàn phá nó, chinh phục và nô dịch nó.

Đó là trong phạm vi chính trị. Nhưng có cả vấn đề tôn giáo nữa. Năm 301, vào thời hoàng đế Tiridates III Arashakuni cai trị, Armenia tiếp nhận Cơ đốc giáo. Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới nhận Cơ đốc giáo là quốc đạo. Mâu thuẫn treo lơ lửng trong không khí: nước Ba tư láng giềng theo Bái Hỏa giáo, thù địch với Cơ đốc giáo, còn từ phía Tây, Hồi giáo đang lấn tới, thù địch với cả Bái Hỏa giáo và Cơ đốc giáo. Bắt đầu kỷ nguyên của những chủ nghĩa cuồng tín vô độ, những cuộc thảm sát tôn giáo, chủ nghĩa bè phái, ly giáo, cơn điên trung cổ. Và Armenia bước vào kỷ nguyên ấy.

Người Armenia có Giáo hội của mình, được gọi là Giáo Hội Chính thống giáo Armenia Tông truyền. Trong mối cừu hận kéo dài hàng thế kỷ giữa Vatican và Byzantium, họ giữ vị trí trung lập, nhưng vẫn gần gũi với Vatican hơn. Do đó, mặc dù thuộc nhóm Giáo hội theo nghi thức Hy Lạp, ở Constantinople họ bị tính như những kẻ biệt lập, thậm chí là những kẻ dị giáo. “Nghi lễ của họ”, Runciman thuật lại, “khác biệt với nghi lễ Hy Lạp trong nhiều chi tiết. Họ sẵn sàng hiến tế súc vật bị chọc tiết, họ bắt đầu Tuần chay Lớn vào ngày chủ nhật Thất Thập, họ ăn chay vào thứ Bảy và trước hết, họ ăn bánh mì không có men ở Eucharist”. Vì loại bánh mì này, vốn được họ nhất quyết ăn một cách đầy dị biệt, mà họ bị gọi một cách khinh bỉ là “những kẻ vô men”.

Đứng đầu Giáo hội Armenia là giáo chủ, luôn trụ ở Echmiadzin, gần Yerevan. Trong số các giáo chủ, có một số nhà thơ, triết gia, nhạc sỹ và nhà ngữ pháp học kiệt xuất. Khi quốc gia Armenia không tồn tại – điều thường trực trong thời kỳ phong kiến và cận đại – chính các giáo chủ trình bày những vấn đề của người Armenia trước trường quốc tế. Họ thực hiện trách nhiệm của nguyên thủ không chính thức của một quốc gia không tồn tại. Do đó, họ có thêm thanh thế. Hiện nay giáo chủ cũng được kính trọng. Điều đó đã thuộc về truyền thống.

Một nhà tu hành tên là Mashtots đã tạo ra bảng chữ cái Armenia. Cuộc đời của Mashtots là cuộc đời của một nhà tu hành vô danh. Ông hoàn toàn ẩn mình trong tác phẩm. Người Armenia luôn nói về ông: “Mashtots thiên tài”. Vì bảng chữ cái này, Giáo hội đã phong thánh cho ông, trong trường hợp này có thể coi như một loại Giải thưởng Quốc gia. Thật đáng kinh ngạc khi bảng chữ cái của một thầy tu vô danh tiểu tốt lại có thể được chấp nhận ngay lập tức như vậy. Nhưng đó đã là sự thật! Hẳn là khi đó người Armenia đã có nhu cầu mạnh mẽ để xác định bản sắc và sự khác biệt. Họ là hòn đảo Cơ đốc cô đơn giữa đại dương của những quái vật Á châu xa lạ. Núi non không thể che chở họ: vào khoảng thời gian bảng chữ cái được công bố, Armenia mất độc lập.

Kể từ đó, các đạo quân nước ngoài – Ba Tư, Mông Cổ, Ả rập, Thổ Nhĩ Kỳ - sẽ quần trên đất nước này như những cơn gió độc. Lời nguyền sẽ bám riết lấy mảnh đất này. Những gì được dựng lên sẽ bị phả hủy. Những dòng sông sẽ chảy hòa với máu. Những quyển biên niên sử sẽ đầy các bức tranh buồn thảm. “Những đóa hồng và violet Armenia đã héo khô – Leo, một sử gia Armenia thời Trung cổ tuyệt vọng viết – Armenia đã trở thành quê hương của nỗi đau. Người Armenia bị truy đuổi lang thang chốn tha hương, hoặc lạc lối trong đói khát trên mảnh đất tổ quốc phủ đầy xác người.”

Tan tác trên chiến trường, Armenia tìm sự giải thoát trong các phòng viết. Đó là cuộc tháo quân, nhưng trong sự rút lui ấy có phẩm cách và ý chí tồn tại. Phòng viết là gì? Đó có thể là một căn phòng, đôi khi là một góc nhà vách đất, thậm chí là hang đá. Trong phòng viết ấy có cái bàn viết, người chép sách ở bên bàn và viết. Tâm thức Armenia luôn gắn cùng với cảm giác bị hủy diệt. Và cùng với nó là khát khao được giải thoát. Khát khao bảo vệ thế giới của mình. Một khi đã không thể bảo vệ nó bằng gươm, hãy để nó được gìn giữ trong ký ức. Con tàu sẽ chìm, nhưng hãy để nhật ký của thuyền trưởng còn lại.

Và như thế, một hiện tượng vô tiền khoáng hậu trong nền văn hóa thế giới đã hình thành: thư sách Armenia. Có bảng chữ cái, người Armenia bắt tay ngay vào việc viết sách. Chính Mashtots làm gương. Bảng chữ cái vừa xuất hiện, ta đã thấy ông dịch Kinh Thánh. Đồng hành với ông là danh nhân thứ hai của văn hóa Armenia, giáo chủ Saak Partef, và hàng loạt dịch giả mới trong khắp các giáo khu. Mashtots khởi xướng một phong trào lớn của những người chép sách thời trung cổ, phong trào đã phát triển trong người Armenia đến mức độ không bắt gặp ở bất cứ nơi nào khác.

Từ thế kỷ VI, toàn bộ trước tác của Aristotle đã được dịch ra tiếng Armenia. Đến thế kỷ X, phần lớn các triết gia Hy Lạp và La Mã đã được dịch, hàng trăm tác phẩm văn học cổ. Người Armenia có tinh thần cởi mở và cầu thị. Họ dịch tất cả những gì có trong tầm tay. Họ làm tôi nhớ đến người Nhật, những người dịch hàng loạt tất cả những gì họ gặp. Nhiều tác phẩm văn học cổ đại thế giới còn giữ được là nhờ các bản dịch tiếng Armenia. Những nhà chép sách lao đến mọi thứ mới mẻ và đem nó về bàn viết ngay. Khi người Ả rập xâm lăng Armenia, người Armenia dịch tất cả những gì của người Ả rập! Khi người Ba Tư xâm lược Armenia, người Armenia dịch của người Ba Tư! Họ có mâu thuẫn với Đông La Mã, nhưng tất cả những gì xuất bản trên thị trường ở đó, họ cũng đem về dịch hết.

Hàng loạt thư viện bắt đầu hình thành. Đó hẳn phải là những bộ sưu tập khổng lồ: vào năm 1170 quân Seljuk tiêu hủy thư viện ở Syunik gồm mười nghìn quyển! Tất cả đều là các bản chép tay của người Armenia. Có 25 nghìn cuốn sách Armenia chép tay còn giữ được đến ngày nay. Trong số đó, hơn mười nghìn quyển nằm ở Yerevan, Matenadaran. Ai muốn xem phàn còn lại sẽ phải đi vòng quanh thế giới. Các bộ sưu tập lớn nhất nằm ở Thư viện Thánh Jacob ở Jerusalem, Thư viện Thánh Lazzarus ở Venice và Thư viện Giáo đoàn Mekitarian ở Vienna. Paris và Los Angeles có những bộ sưu tập rất đẹp. Ba Lan trước kia cũng có những bộ sưu tập tuyệt vời ở Lvov, nơi tình cờ cũng có một xưởng in Armenia lớn.

Thoạt đầu họ viết trên da, sau đó là trên giấy. Họ đã làm ra quyển sách nặng 32 ki lô. Để làm nó, họ đã tốn 700 con bò. Nhưng họ cũng có những thứ nhỏ xinh, những quyển sách bé như cánh chuồn. Ai biết đọc biết viết thì đều chép sách, nhưng cũng có những nhà chép sách chuyên nghiệp, cả đời sống bên chiếc bàn viết. Ovanes Mankasharence vào thế kỷ XV đã chép 132 quyển sách. “Suốt 72 năm – Zachariash, học trò của ông viết lại – đông cũng như hè, đêm cũng như ngày, Ovanes chép sách. Khi đã già, mắt ông bị lòa và tay run khiến việc chép sách làm ông vô cùng đau đớn. Ông mất ở Panu, hưởng thọ 86 tuổi, và giờ đây, tôi, Zachariasz, học trò của Ovanes, chép tiếp những quyển sách còn dang dở của ông.” Họ là những vị titan khổng lồ của công việc cần mẫn, họ là những kẻ hành xác cho niềm say mê của chính mình. Một nhà chép sách khác miêu tả ông đã nhịn đói mua sáp bằng những đồng xu cuối cùng để thắp sáng những trang sách chép. Nhiều quyển sách trong số đó là tuyệt tác của nghệ thuật thư pháp. Những chữ cái Armenia như các đạo quân vàng bò qua hàng trăm trang sách. Các nhà chép sách đồng thời cũng là những họa sỹ kiệt xuất. Trong thư sách Armenia, nghệ thuật tiểu họa đã đạt đến tầm cao của thế giới. Đặc biệt là tên tuổi của hai nhà tiểu họa Toros Roslin và Sarkis Picak, luôn tỏa sáng bất tử. Những bức tiểu họa mà Roslin trang trí cho các bản sách chép tay vào thế kỷ XIII vẫn giữ được nguyên vẹn độ đậm của màu sắc và chói sáng trên các trang sách ở Matenadaran đến tận ngày nay.

Số phận của những quyển sách này là lịch sử của người Armenia. Người Armenia, bị truy đuổi và tàn sát, đã phản ứng trước tình thế của mình theo hai cách: một số người lên núi, trốn trong các hang động, số khác di tản đi khắp thế giới, ra khắp các châu lục. Tất cả họ đều mang theo những quyển sách Armenia. Vì họ rời Armenia lang thang đi bộ, nhiều quyển sách chép tay, do quá nặng, đã bị chia đôi. Những phần sách bị xé nửa ấy thường lưu lạc đến những chân trời khác nhau trên trái đất.


(Trích "Đế quốc" (Imperium), Ryszard Kapuściński, Thái Linh dịch)


*

chú thích:

(1) tức là khác với người Ba Lan
(2) Pasa: chức tổng trấn ở Thổ Nhĩ kỳ thời xưa.

Saturday 1 May 2010

Những chiếc khuy (Zbigniew Herbert)

(tưởng nhớ đại tá Edward Herbert)


Chỉ những chiếc khuy rắn đanh, bất khuất
Những chứng nhân của tội ác tày trời
Từ lòng sâu trồi lên mặt đất
Là tượng đài trên mộ mà thôi

Chúng là chứng nhân để Đức Chúa Trời
Sẽ nhìn tới và rủ lòng thương họ
Nhưng biết làm sao phục sinh từ lòng mộ
Khi những tấm thân đã thấm quyện đất rồi

Một cánh chim vút qua áng mây trôi
Chiếc lá rơi, hoa cẩm quỳ nảy lộc
Và tĩnh lặng trên tầng không vô tận
Rừng Katyń sương phảng phất mơ hồ.

Chỉ những chiếc khuy không cong lại bao giờ
Âm hùng tráng của những dàn đồng ca câm lặng
Chỉ những chiếc khuy rắn đanh, bất khuất
Những chiếc khuy trên áo choàng và trang phục quân nhân.

(Thái Linh dịch)

Sunday 18 April 2010

Nói không cường điệu về cái chết

(Wisława Szymborska)


Nó không biết đùa
Không thạo về các vì sao,
về đào mỏ, dệt kim, trồng trọt, xây cầu,
về nướng bánh hay đóng tàu.

Trong thảo luận của chúng ta cho kế hoạch mai sau
Nó xen vào lời cuối
Lạc đề.

Thậm chí nó không hề
biết những điều liên quan đến nghề của nó
Không biết đào huyệt,
chẳng biết đóng quan tài,
không biết dọn cho tuơm những gì mình đã bộn bày.

Bận giết chóc đầy tay,
nó làm việc vụng về, không hệ thống
không thiện nghệ chuyên sâu
Như thể với mỗi chúng ta, nó thực tập lần đầu.

Chiến công nhiều
nhưng cũng bao thất bại,
bao lần ra đòn bừa bãi
bao phen thử lại từ đầu!

Đôi khi nó chẳng đủ sức đâu,
để giết một chú ruồi trong không khí.
Đã nhiều lần nó bị
thua sâu bướm kia trong cuộc chạy thi.

Tất cả những củ hành, vỏ đậu, rễ bầu kia
những xúc tu, những vây và lỗ thở,
những lông mao mùa đông, những lông mã huy hoàng rực rỡ
chỉ nói lên bao bộn bề dang dở
trong công việc chán chường của nó mà thôi.

Chẳng ăn thua chi, cái ác ý với đời.
Ngay cả sự tiếp tay của chúng ta trong chiến tranh, đảo chính,
từ trước đến nay, cũng vẫn còn là ít.

Những trái tim trong trứng đang đập nhịp.
Những chiếc xương đang dài ra của trẻ sơ sinh.
Những hạt giống gắng nảy lên hai cánh lá đầu tiên,
đôi khi là cả những cây cao nơi chân trời xa tắp.

Kẻ khẳng định mình quyền năng trải khắp
chính là bằng chứng sống cho rằng
y bất toàn năng.

Không có cuộc sống nào
dù chỉ trong khoảnh khắc -
không bất tử.

Cái chết
luôn chậm chân
đúng một khoảnh khắc này.

Các cánh cửa vô hình, nó gắng sức giật lay
song chỉ là vô ích.
Những điều ai đã kịp làm, dù nhiều dù ít,
tử thần kia không thể xoá đi.


(Thái Linh dịch)

Tuesday 9 February 2010

Bầu trời



Wisława Szymborska


Phải bắt đầu từ đấy: bầu trời.
Ô cửa sổ không khung, không bệ và không kính.
Một lỗ hổng, ngoài ra không gì hết,
nhưng mở ra mênh mông.

Tôi không cần chờ đêm thanh trong
hay ngước đầu lên
mới ngắm nhìn trời được.
Tôi có trời sau lưng, trong tầm tay và trên mí mắt.
Trời ôm quấn lấy tôi thật chặt
và nâng đỡ tôi lên.

Ngay những đỉnh núi ngất cao
cũng không gần trời hơn những thung lũng thẳm sâu.
Không ở đâu
có nhiều trời hơn nơi khác.
Lạnh lùng giống nhau, trời đè nặng
lên đám mây cũng như xuống nấm mồ.
Con cú mèo vỗ cánh phất phơ
cũng được trời bọc bao như con chuột chũi.
Một thứ rơi xuống vực sâu, bạn hỡi
là từ trời kia rơi mãi vào trời.

Những khoảng-trời, những mảnh-vụn-trời,
những trời-gió-vần, những trời-đụn-đống
tơi xốp, bay hơi, chảy tuôn và rực sáng.
Trời hiện hữu khắp nơi,
Ngay trong bóng tối dưới làn da cũng vẫn có trời.

Tôi ăn trời, tôi thải ra trời.
Tôi là cái bẫy nằm trong bẫy,
là kẻ ngụ cư đang bị ngụ cư
là cái ôm trong vòng tay ôm,
là câu hỏi để trả lời câu hỏi.

Sự phân chia ra đất, ra trời
là lối nghĩ chẳng hề đúng đắn
về toàn thể này, vẹn nguyên thống nhất.
Nó chỉ cho phép tôi sống sót sinh tồn
dưới một địa chỉ rõ ràng hơn,
một địa chỉ nhanh dò, chóng thấy
nếu tôi bị kiếm tìm.

Dấu hiệu đặc thù tôi mang trên mình
là nỗi say mê và niềm thất vọng.

(Thái Linh dịch)

Thursday 7 January 2010

Herta Müller: Tôi đã luyện qua cái chết



(Angelika Kuźniak, phóng viên báo Gazeta Wyborcza (Ba Lan), trò chuyện với Herta M
üller trước khi bà nhận giải Nobel văn học vài tuần. Thái Linh dịch từ chuyên san Duży Format)

Angelika Kuzniak: Bà chỉ cho phép chụp hai tấm ảnh.

Herta Müller: Bởi đó là điều khó khăn đối với tôi.
Mỗi khi tôi đứng trước nhiếp ảnh gia, khi anh ta nói: quay bên phải, bên trái, cười, không cười... những lời của anh ta, dù thì thầm, luôn biến thành tiếng hét của các sỹ quan an ninh Romania. Những cuộc thẩm vấn của Securitate, cơ quan an ninh Romania, là không thể nào quên. Thay vì những cái cây mà nhiếp ảnh gia muốn làm nền để chụp ảnh cho tôi, tôi chỉ thấy căn phòng tối và ánh chớp đèn máy ảnh. Tôi nghẹt thở. Đôi khi tôi khóc.
Hơn nữa, đối với tôi, những tấm ảnh chưa bao giờ là thứ quá đáng yêu.

AK: Ngay cả những bức ảnh thời thơ ấu?

HM: Ngay cả chúng.
Người thợ chụp ảnh thường đến làng chúng tôi vào dịp lễ tết. Mẹ chải đầu cho tôi. Tôi nghĩ là các tấm ảnh nói nhiều về bà hơn là về tôi. Ví dụ như khi trong ảnh tôi có đường ngôi rẽ lệch, nhưng cả hai bím tóc vẫn cân nhau, thì tôi biết ngày hôm trước bố chỉ hơi say.
Có những bức ảnh cả bím tóc lẫn đường ngôi của tôi đều lệch, mặt méo xệch, đầu trông như bị bẹp. Điều đó có nghĩa là tối hôm trước bố tôi say đến mức lết bằng đầu gối, rằng ông đã dùng dao dọa dẫm mẹ tôi. Khi đó bà nói với tôi rằng tôi là cái nhọt trên bàn chân của bà, vì tôi mà bà không thể li dị được.
Trong các tấm khác đường ngôi và bím tóc đều ngay ngắn, cân đối. Có nghĩa là bố đã tỉnh táo trở về nhà. Khi đó mẹ thậm chí có thể quí tôi. Nhưng những tấm ảnh ấy không nhiều.
Khi chải đầu cho tôi, mẹ thường khóc.

AK: Còn bà thì khóc cùng mẹ.

HM: Đúng vậy, nhưng vì lý do khác. Mẹ tôi khóc vì người chồng nghiện rượu. Còn tôi khóc vì tôi muốn có mẹ. Đối với bà, tôi chỉ là một thứ đồ hạng hai. Bà bảo tôi đi lên phòng áp mái. Bà đưa cho tôi con dao to và bắt tôi thái dăm bông. Tôi mới mấy tuổi đầu. Tôi đi lên cầu thang và nghĩ: sao mẹ không sợ rằng tôi sẽ làm mình bị thương? Thỉnh thoảng tôi ở lại trên đó thật lâu, hy vọng mẹ sẽ quan tâm, thắc mắc tại sao tôi không xuống. Nhưng bà không bao giờ quan tâm. Khi rốt cuộc, tôi đứng bên bậu cửa nhà bếp, bà lấy lại con dao và dăm bông, không nói một lời.
Ngày ấy tôi muốn cố hiểu tại sao tôi lại là con của bố mẹ, khi mà họ không biết cách làm bố mẹ của tôi.
Thế chiến II kết thúc, một người lính SS, sau khi trở về nhà, đã sinh ra tôi.

AK: „Và tôi sinh ra trong chủ nghĩa Stalin” Bà thường nói vậy.

HM: Tôi sinh ra vào năm Stalin qua đời. Trong một làng nhỏ của người Đức ở vùng Banat, Romania. Bố tôi kể về chiến tranh như cuộc phiêu lưu lớn nhất đời mình. Khi say, ông hát những bài hát Quốc xã.
Tôi nhớ đoi giày bóng lộn của ông. Trước khi ra khỏi nhà, ông luôn nhổ nước bọt lên giày và dùng giẻ xoa nước bọt ra.
Là một đứa trẻ, tôi không để ý đến chuyện đó lắm. Tôi thường xoa nước bọt lên những chỗ muỗi cắn, lên cùi tay và đầu gối nứt nẻ. Tôi lấy tay thấm nước bọt xóa những vết bẩn trên quần tất hay trên da. Nước bọt dùng làm gì cũng tốt.
Sau này, khi đã học trung học rồi là sinh viên ở Timisoar, tôi đọc về kỷ luật quân sự trong SS. Tôi đọc Paul Celan, bài thơ về Auschwitz của ông, tôi nhìn bố đang nhổ nước bọt lên giày và nghĩ: ông đã học điều đó từ những kẻ Quốc xã.
Ông nhập ngũ năm 17 tuổi, phục vụ trong SS. Khi 17 tuổi, tôi nghĩ rằng mình cũng ở trong hoàn cảnh tương tự, trong chế độ độc tài.

AK: Chủ nghĩa xã hội đã tước đoạt tài sản của gia đình bà.

HM: Cho đến năm 1945, ông tôi có ruộng ở quanh làng. Ông buôn bán ngũ cốc và hàng hóa từ các thuộc địa. Sau quốc hữu hóa, gia đình ba thế hệ chúng tôi – ông, bà, bố mẹ và tôi - ở trong hai phòng. Các phòng khác để làm kho.
Ông tôi còn rất nhiều tập phiếu nhận hàng in sẵn. Trước kia ông viết lên đó những toa tầu hàng hóa, còn sau chiến tranh ông viết vào đó những thứ cần mua. Trong cột „tên hàng” ông ghi „diêm”. Cột tiếp theo: „số lượng toa / tấn” – ông ghi „một bao”.
Sau chiến tranh bố tôi làm kế toán viên, nhưng rồi ông cũng không thể làm công việc đó, vì ông là người Đức. Ông phải ra làm ruộng. Cuối cùng, ông trở thành tài xế xe tải.
Khi ông mất, cô y tá đưa cho tôi những dụng cụ nha khoa và cặp kính của ông.
Sau này, khi cô bạn thân của tôi chết trong trận động đất ở Bucarest, em cô đưa quần áo của cô cho tôi. Anh muốn tôi mặc chúng. Khi đó tôi hiểu rằng các đồ vật sống lâu hơn con người. Và rằng đó là điều không nên.
Tôi có người bác là lính Quốc xã. Vì ngưỡng mộ Hitler, ông đã tình nguyện nhập ngũ. Ông bị bom nổ tan xác, nhưng còn lại cái đàn arcodeon. Nó nằm trong phòng lớn, giữa giường và lò sưởi. Trông nó như một cái quan tài.

AK: Bác bà cũng để lại sách chứ?

HM: Hai quyển. „Buddenbrooks” của Thomas Mann và sách giáo khoa đạo đức theo tinh thần Quốc xã. Ông có tủ sách khá lớn, nhưng khi quân Nga sang, bà tôi đã đốt hết sách, bà cho rằng chúng có thể là nguyên nhân gây phiền phức. Nhà tôi là căn nhà không có bóng dáng sách, bản thân việc đọc là chuyện chẳng mấy quan trọng đối với gia đình tôi. Họ gọi tất cả những gì được in ra là sự dối trá. Còn viết sách ư? Mẹ tôi khẳng định điều đó sẽ dẫn đến căn bệnh thần kinh.

AK: Trong thời sinh viên bà gắn bó với nhóm văn học Aktionsgruppe Banat.

HM: Nhưng tôi không thuộc nhóm đó, khi đó tôi còn chưa viết, tôi chỉ thân với họ thôi. Richard Wagner, trưởng nhóm, sau này trở thành chồng tôi. Nhóm ngưng hoạt động vào năm 1975 vì bị sức ép của Securitate.

AK: Bà và các bạn đã làm gì?

HM: Chủ yếu là chúng tôi đọc. Vào những năm 60 ở Bucarest đã có Viện Goethe. Chúng tôi mượn sách ở đó. Có lẽ là chúng tôi đã đọc hết tất cả những gì xuất bản vào thời gian đó ở Đức, Áo và Thụy Sỹ. Chúng tôi muốn ít ra cũng hiểu được chuyện gì đang xảy ra, một khi chúng tôi không thể thay đổi được gì. Chúng tôi cho rằng nghệ thuật không thể quy phục chính quyền, rằng nó phải liên quan đến những trải nghiệm bản thân của tác giả.

AK: Điều này không thể làm Securitate thích thú.

HM: Riêng việc chúng tôi trò chuyện bằng tiếng Đức họ đã cho là nguy hiểm. Họ gọi chúng tôi lên thẩm vấn. Sau các cuộc thẩm vấn ấy, chúng tôi nghĩ ra cách chối những lời chính mình nói, không buộc tội người khác.
Phòng của chúng tôi bị nghe trộm, đâu đâu cũng bị nghe trộm.

AK: Bà và mọi người trở nên thận trọng hơn?

HM: Trước khi ra khỏi nhà, chúng tôi để sợi tóc lên tay cầm cửa, tay cầm tủ, để lên vở ghi chép trong ngăn kéo, để lên sách trên giá. Nhờ thế chúng tôi biết có ai lục lọi đồ của mình hay không. Người ta vẫn nói: “mỏng manh như sợi tóc”, “treo trên sợi tóc” v.v. Đối với chúng tôi đó không còn là các ngữ cú nữa. Chúng tôi biết rằng khi viết thư thì không được quên đề ngày tháng, và chúng tôi luôn cho sợi tóc vào phong bì. Nếu nó không còn, nghĩa là thư đã bị bóc.
Chẳng bao lâu sau, cái bầu không khí ngột ngạt ấy biến thành nỗi khiếp sợ.
Khi tôi hai mươi tuổi, tôi mua cho mình một chiếc xe đạp. Trong một lần thẩm vấn, viên sỹ quan điều tra nói: “Tai nạn có thể xảy ra trên đường”. Vài giờ sau tôi bị xe tải đâm. Hai ngày sau tôi nghe người thẩm vấn nói “Đúng vậy, đúng vậy, tai nạn xảy ra trên đường”.

AK: Sau khi tốt nghiệp đại học, vào năm 1976, người ta cử bà lên miền Bắc, sát biên giới Moldavia.

HM: Họ phân việc cho tôi ở đó. Nếu không nhận, tôi sẽ phải hoàn lại tiền học phí đại học. Họ chủ đích chia rẽ chúng tôi. Tôi về một làng nhỏ. Trong ngôi trường nơi tôi phải dạy học không có điện. Thay vào đó là một phụ nữ dạy tiếng Đức và không muốn có người cạnh tranh. Mọi người đều nhìn tôi một cách thù địch. Việc tôi từ chối bình giảng thơ Ceausescu hay không chịu nộp lệ phí công đoàn dã dẫn đến tình trạng các giáo viên căm thù tôi, chứ không phải căm thù chế độ. Không ai muốn bị bắt gặp là đang nói chuyện với tôi. Họ coi tôi như con điên.

AK: Sau đó bà bắt đầu làm việc trong nhà máy cơ khí ở Timisoar.

HM: Đó là năm 1978. Giám đốc nhà máy trước kia là nhà báo. Tôi biết ông hồi đi thực tập ở tòa báo. Ông tuyển dụng tôi. Tôi bắt đầu dịch các bản hướng dẫn sử dụng thiết bị dẫn nước. Rốt cuộc thì tôi cũng đã kiếm ra tiền.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ những bữa ăn trong nhà máy. Dầu chảy ra từ các cỗ máy, còn chúng tôi, ngồi giữa các vũng dầu, lôi những lát bánh mì và mỡ lợn ra. Thêm một chai rượu vodka. Ai đó kể chuyện Ceausescu ăn bằng dao nĩa vàng. Chúng tôi chẳng cười nổi. Sau này, khi đã ở Đức, mấy lần tôi đã khóc trong tiệm ăn khi đồ ăn được mang ra. Lúc ấy tôi nghĩ về những bữa ăn trong nhà máy. Và về những thùng đá nơi người ta làm lạnh cổ gà, cánh gà, mào gà mà tôi không ít lần phải xếp hàng để mua. Người ta nấu xúp bằng những thứ đó.
Nhưng khi đó ở Romania chúng tôi không chỉ thấy đói bụng. Chúng tôi đói phát biểu và biểu lộ, đói nói lớn tiếng. Đói tiếng cười, đói sự ồn ào, những gì làm nên cuộc sống.

AK: Thế còn cơn đói tình yêu?

HM: Mọi người đều khát khao sự gần gũi. Chúng tôi tin rằng tình yêu có thể bảo vệ mình. Rằng đột nhiên, khi yêu, chúng tôi sẽ thôi là không-ai-cả. Tôi nghĩ rằng khi đó, tình yêu đã thay thế tự do.
Tình yêu ở Romunia là thứ khan hiếm.
Tôi đã có chồng, nhưng trước đó những người đàn ông khác nhau đã cố gắng quyến rũ tôi. Nhưng tôi biết, đó là tình yêu theo lệnh. Rằng Securitate cử họ đến vì muốn có được điều gì đó.

AK: Chính quyền đã chỉ đạo mọi thứ?

HM: Họ đã cố gắng làm vậy. Thời Ceausescu, việc nạo thai bị cấm, thuốc tránh thai cũng thế. Một người phụ nữ phải sinh năm đứa con rồi thì người ta mới cho nạo thai. Hoặc phải trên 45 tuổi.
Chính tôi cũng phá thai 2 lần.
Lần đầu là khi tôi còn làm việc ở nhà máy cơ khí. Tôi không thể phá thai ở bệnh viện, vì ở đó có các bác sỹ có liên hệ với cơ quan an ninh.
Trong nhà vệ sinh của nhà máy, cô bạn đồng nghiệp đặt vào tử cung tôi sợi dây nhựa của chiếc que đan vòng. Tôi phải đeo nó ba ngày. Một đầu dây được gắn dính vào đùi. Tôi mặc váy để tử cung được thoáng khí. Lần thứ hai thì cô bạn đồng nghiệp chỉ mang cho tôi sợi dây. Phần còn lại tôi tự làm một mình. Tôi ngồi trong nhà tắm, trước tấm gương đặt dưới đất.

AK: Vì sao bà không muốn sinh những đứa con ấy?

HM: Tôi biết rằng Securitate sẽ dùng chúng để uy hiếp tôi, rằng chúng có thể bị trừng phạt chỉ vì những gì tôi làm. Nhưng cũng có thể là vì tôi không muốn có con, tôi không rõ. Với tôi, việc mang bầu luôn là điều khủng khiếp. Khi tôi thấy một người phụ nữ mang bầu trong ký túc xá, cái bụng căng như quả bóng của cô là một thứ gì đó gớm guốc đối với tôi.

AK: Bà đã viết cuốn sách đầu tiên “Những vùng đất thấp” là ở nhà máy?

HM: Trong văn phòng, với sáu hay bảy người xung quanh,tranh thủ thời gian giữa các bản dịch. Tôi dậy lúc năm giờ sáng, sáu rưỡi tôi có mặt ở nhà máy. Thứ bảy và chủ nhật chúng tôi cũng làm việc. Cho đến tận hôm nay, khi viết, tôi vẫn cần những âm thanh của cuộc sống thường nhật. Tôi có thể viết ở nơi ồn ào nhất trong quán cà phê.
Ở nơi làm việc, tôi viết tay, sau đó đánh máy lại ở nhà. Thỉnh thoảng tôi ăn trộm giấy của nhà máy.

AK: Cái máy chữ ở đâu ra?

HM: Anh rể ở Đức tặng chúng tôi làm quà cưới. Mọi máy chữ đều bị mật vụ lập danh sách. Mỗi năm một lần chúng tôi phải mang nó đến ủy ban, gõ ra tất cả các chữ cái, giải thích mình cần nó làm gì và ai có thể dùng nó. Khi tôi xuất cảnh sang Đức, không ai trong số bạn bè tôi muốn lấy nó.
Họ sợ. Họ biết rằng người ta sẽ biết ngay nó từng là của tôi.

AK: “Những vùng đất thấp” nằm bốn năm trong nhà xuất bản.

HM: Và bốn lần, như người ta vẫn nói, được biên tập. Tôi liên tục nhận được danh sách những thứ cần bỏ đi.
Ví dụ, từ “va li” – nó gợi liên tưởng đến việc di tản – cấm. “Bụng”, không đứng đắn – cấm.
Nền chuyên chính rất chính chuyên, nên mọi thứ thân xác đều bị cấm.
Khi rốt cuộc cuốn sách được xuất bản vào năm 1982, nó đã bị biến dạng đến mức tôi cảm thấy hờ hững với nó.
Mãi hai năm sau nó mới được xuất bản ở Đức với bản gốc.

AK: Trong đó bà miêu tả tuổi thơ của mình ở một ngôi làng người Đức.

HM: Những người Đức thiểu số sống ở làng này, với cấu trúc cứng nhắc, trên nền chủ nghĩa xã hội dân tộc chưa được tiêu hóa.
Sau khi cuốn sách xuất bản, người ta lôi mẹ tôi lên thẩm vấn, những người nông dân cùng nông trường không muốn ngồi chung xe hay máy cày cùng bà, họ bỏ bà giữa đồng. Ông tôi cả đời cạo râu ở tiệm, bị cấm cửa vào tiệm cắt tóc.
Cuối cùng mẹ tôi đến Bucarest và xin tôi: Hãy để cho làng được yên, con không thể viết về điều gì khác à? Là mẹ phải sống ở đó, chứ không phải con.”

AK: Thế bà có về làng không?

HM: Rất lâu sau này. Nhưng khi người làng gặp tôi ở thành phố, họ nhổ nước bọt vào tôi. Tôi thôi không nói với gia đình mình đang làm gì. Họ không hiểu được ý nghĩa của sự mạo hiểm, vậy nên tôi cũng không muốn kéo họ vào đó.

AK: Cho đến một ngày khi Securitate nhớ ra bà.

HM: Họ đến nhà máy hai hoặc ba lần. Họ bảo tôi phải ký cam kết hợp tác. Lần đầu họ dọa đuổi việc, thậm chí dọa giết tôi. Lần thứ hai họ thân thiện hơn. Họ cố thuyết phục tôi rằng tôi sẽ là một người quan sát tuyệt vời về mọi người và cuộc sống. Lần thứ ba họ bắt đầu đọc cho tôi viết: “Tôi, Herta Müller, cam kết sẽ không cho ai, bất kể quan hệ ruột thịt...” Tôi từ chối. Tôi không thể sống với ý nghĩ rằng mình phản bội bạn bè.

AK: Họ có đuổi việc bà không?

HM: Không đuổi ngay. Suốt vài tuần, tôi bắt đầu một ngày bằng những cuộc nói chuyện với giám đốc và bí thư chi bộ. Họ khuyên tôi tìm công việc mới. Tôi trả lời rằng tôi thích ở đó. Nếu họ muốn đuổi tôi, họ phải nêu lý do bằng văn bản. Tôi trở về nhà và khóc. Nhưng không bao giờ khóc trước mặt họ.
Vài ngày sau họ chuyển tôi sang văn phòng khác như một nhân viên không đủ trình độ. Họ bắt tôi kẻ dòng trên giấy. Tôi làm việc đó tám tiếng một ngày. Cuối cùng họ không cho tôi vào văn phòng. Tôi ngồi ngoài cầu thang và cố gắng làm việc ở đó. Nếu tôi không làm vậy, họ sẽ sa thải tôi vì tôi không đi làm. Nhưng cuối cùng họ cũng tìm ra cách. Họ cho rằng vị trí làm việc của tôi là không cần thiết. Tôi hai mươi sáu tuổi và không một xu dính túi, tôi phải trả góp hàng tháng tiền mua tủ lạnh, thảm, đồ gỗ, nhà. Nhưng trước hết là tôi muốn làm việc.

AK: Họ có cho phép bà không?

HM: Ban đầu thì có. Sau khi bị đuổi khỏi nhà máy, tôi dạy tiếng Đức cho hai đứa con của người thợ làm áo lông của nhà máy ở Timisoar. Nhưng cơ quan an ninh cảnh cáo ông rằng tôi là kẻ thù của nhà nước. Ông đuổi tôi chẳng vì cớ gì.
Sau đó tôi bị sa thải ở vài trường học nữa. Khi đó tôi bắt đầu lang thang trong thành phố...

AK: ...và ăn cắp trong các cửa hàng.

HM: Nhưng không phải vì đói. Tôi ăn cắp cái gì đó của nhà nước, vì nhà nước đã ăn cắp cả cuộc sống của tôi. Nhà tôi chất đầy những chiếc khóa cài đồ lót, tách chén, dao nĩa. Tôi không cần những thứ đó. Bạn bè cảnh cáo tôi. Tôi biết nếu người ta bắt được tôi, ngày hôm sau ảnh tôi sẽ xuất hiện trên báo với dòng chữ: Kẻ cắp.
Tôi luôn không thích các ma-nơ-canh trong cửa hàng. Mãi tới gần đây tôi vẫn sợ chúng nhận ra tôi, tố cáo tôi ăn cắp. Tôi nhìn chúng như nhìn các điệp viên của Securitate, những kẻ dường như vô hình, nhưng chúng theo dõi và biết tất cả những gì xảy ra xung quanh.

AK: “Tôi bị gọi lên. Thứ năm. Mười giờ đúng.” Bà đã bắt đầu tiểu thuyết “ Hôm nay tôi không muốn gặp mình” như thế.

HM: Và họ gọi tôi lên. Để hạ nhục. Thường xuyên. Tôi bắt đầu bỏ khăn mặt, bàn chải, thuốc đánh răng vào túi xách. Kẻ thẩm vấn gọi tôi là cứt, rác rưởi, giun sán, chó cái. Đó là khi hắn cáu. Khi tâm trạng hắn tốt hơn, tôi là con đĩ hay kẻ thù. Khi tôi chỉ là thứ để hắn lấp đầy thời gian làm việc, tôi là giẻ rách. Hắn hỏi mấy tháng trước tôi làm gì. Tôi không nhớ. Hắn biết tất cả. Tôi luôn luôn có tội, không cần biết tôi đã làm gì và ở đâu.

AK: Bà có sợ không?

HM: Thực sự thì tôi có sợ một lần. Trên đường đến hiệu cắt tóc, tôi ngồi xuống băng ghế trong công viên. Một viên cảnh sát dắt chó đến gần tôi và hỏi giấy tờ, sau đó bắt tôi đi theo. Anh ta dẫn tôi vào tầng hầm của một ký túc xá sinh viên. Có bốn năm gã người của cơ quan an ninh đang ngồi bên bàn. Họ đang ăn sáng. Trên bàn có trứng, mỡ, hành. Viên chỉ huy của họ vứt giấy tờ của tôi xuống đất và tôi phải nhặt lên. Không biết bao nhiêu lần. Sau đó họ bắt tôi ăn. Khi tôi đã không thể ăn được nữa, họ nhét thức ăn vào miệng tôi.
Đột nhiên có ai đó bước ra từ cánh cửa bên hông.Tôi nghe thấy tiếng phụ nữ thét lên. Có thể đó chỉ là những tiếng ghi âm, nhưng tôi biết mình có thể là người tiếp theo. Nhưng không có chuyện gì xảy ra cả.
Họ chỉ luôn hỏi gì đó. Có lẽ là tôi đã phải nhắc lại họ tên của mình. Họ không đánh tôi.
Tôi sợ, vì tôi biết rằng không ai hay tôi đang ở đâu. Chồng tôi đang ở nhà, anh nghĩ rằng tôi đi cắt tóc.
Khi kết thúc hỏi cung, họ tuyên bố: làm đĩ. Theo những gì họ viết trong hồ sơ thì tôi có sáu hoặc bảy người tình Ả rập, những người trả cho chuyện làm tình với tôi bằng nước hoa.
Sau đó một người trong bọn họ đá tôi ra khỏi cửa. Tôi ngã sấp mặt xuống cỏ. Tôi nôn. Nôn ra trứng, mỡ, và nỗi sợ hãi của mình.

AK: Khi đó bà bắt đầu nghĩ đến chuyện tự tử?

HM: Tôi không rõ có chính xác là vào thời điểm đó hay không, nhưng có lẽ là năm 27 tuổi, khi tôi nghĩ mình sẽ kết thúc cuộc đời vô nghĩa này. Tôi nhốt mình trong nhà. Tôi sợ tất cả mọi thứ. Tôi nhìn cái tủ trong phòng và thấy nó tiến về phía mình. Tôi cần phải gặp bác sỹ thần kinh.

AK: Nhưng bà đã ra đứng trước bờ sông.

HM: Với hai túi áo nhét đầy đá lớn. Tôi nghĩ nếu mình tự tử, tôi sẽ trả thù được những kẻ mà tôi sợ. Nhưng cuối cùng thì tôi bỏ chúng ra. Tôi không biết tại sao. Nhưng tôi đã luyện qua cái chết.
Tôi nghĩ rằng tôi đã thoát chết vì cứng đầu. Tôi nhớ, khi còn ở nhà máy, có người của cơ quan an ninh đến, hắn khóa trái cửa văn phòng tôi lại và đe dọa tôi. Tôi tự nhủ, một khi Securitate đã muốn dìm chết tôi đến thế, tôi sẽ không ban cho họ điều đó.

AK: Những tháng cuối cùng trước khi xuất cảnh sang Đức, bà thậm chí không mang đến nhà xuất bản quyển sách “Con người chỉ là một chú gà lôi trong thế giới này” , trong đó bà miêu tả những người Đức sống trong một làng nhỏ.

HM: Nó sẽ là bản án cho tôi. Trong đó, tôi miêu tả những cố gắng chạy trốn khỏi cái nhà tù toàn trị là nước Romania của Ceausescu.

AK: Bố mẹ làm mất sự trong trắng của con gái để cắt đứt với Romania, thể hiện lòng tự hào là người Đức của mình bằng những lời: “Đồ sâu bọ Romunia. Chúng thậm chí không biết cách cho lợn ăn.”

HM: Bố mẹ tôi cũng nói tương tự như thế. Chúng tôi, người Đức, luôn là ưu việt hơn, sạch sẽ hơn, chăm chỉ hơn người Romania. Năm 15 tuổi, khi đi học trung học rồi sau đó học đại học, tôi gặp người Romania và biết điều đó dối trá đến mức nào. Họ cũng là những người như chúng tôi.

AK: Các nhân vật chính trong tiểu thuyết “Trái tim bé mọn” của bà bị bắt buộc phải di tản khỏi Romania.

HM: Tôi cũng đã không muốn di tản. Tôi luôn nhắc lại trong một thời gian dài, ngay cả khi bị thẩm vấn: chỉ có một người phải ra đi – tên độc tài; tất cả mọi người khác sẽ có thể ở lại.Tôi nghe thấy họ nói rằng nếu tôi không thích ở đây, thì đi mà đến vũng lầy tư bản đó, đấy là chỗ của tôi.

AK: Bà nộp đơn xin xuất cảnh năm 1985, bà đi năm 1987.

HM: Suốt hai năm đó họ không cho phép tôi xuất bản. Tôi không thể đi sớm hơn, vì nhận xét của nơi làm việc quyết định chuyện ai đó có được cấp giấy phép đi hay không. Mà nhận xét của tôi là: không hòa hợp với đồng chí, ý thức chính trị kém. Đó thậm chí là nhận xét sau hai tuần làm việc trong trường học.
Năm 1987 tôi đã ở nơi giới hạn của sức chịu đựng. Việc viết rồi cất vào ngăn kéo khiến tôi thất vọng.
Nhưng khi các cuốn sách của tôi bắt đầu được xuất bản ở Đức và tôi được một số giải thưởng, chính quyền đã không còn muốn làm gì thì làm đối với tôi. Nhiều khả năng là khi đó họ cho rằng tôi phải ra đi.

AK: Nhà ga dành cho việc xuất cảnh nằm gần biên giới Hungaria.

HM: Có 200 người đợi tàu. Chúng tôi phải ngồi trong phòng chờ, chỉ được phép ra sân ga khi được viên cảnh sát gọi. Tôi sợ có điều gì đó sẽ xảy ra, sợ mình không đi được. Mãi tới khi đã qua biên giới, tôi mới thở phào.

AK: Nhưng chẳng được bao lâu.

HM: Đúng thế. Họ dọa giết tôi cho đến tận khi Ceausescu bị lật đổ. Các điệp viên của Securitate thường gọi điện, gửi những bức thư đe dọa cho tôi. Họ có thể tìm ra tôi ở mọi nơi. Đôi khi họ gọi điện trước khi tôi đến một thành phố nào đó. Tất nhiên, tôi tự trấn an rằng chắc họ không dám giết tôi, nhưng tôi cũng biết mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Năm 1987, sau khi tới Đức, tôi sống ở Tây Berlin ba năm.
Sau một năm, sở an ninh quốc gia gọi tôi lên. Họ cho tôi xem ảnh một người đàn ông và quyển sổ tay. Trong đó có ghi tên tôi. Họ khuyên tôi không nên đi tới quán rượu với người Romania. Họ nghi ngờ người đàn ông này đến để giết tôi theo chỉ thị của mật vụ Romania.
Mùa xuân năm 1989, một người bạn gái của tôi đến thăm tôi và Richard Wagner, khi đó là chồng tôi. Cô ở nhà chúng tôi. Cô biết một ngày của chúng tôi bắt đầu từ khoảng 7 rưỡi đến 8 giờ, bằng bữa sáng cùng ăn chung với nhau trong bếp. Sau đó mỗi người vào phòng riêng để viết. Viết trên máy chữ, bằng tiếng Đức.
Một ngày, cô thú nhận rằng cô đến theo chỉ thị của Securitate để cảnh cáo tôi rằng nếu tôi không ngừng việc nói xấu về Ceausescu như vậy, họ sẽ giải quyết tôi. Tôi gói ghém hành lý và đưa cô ra ga. Tôi không muốn nói chuyện với cô. Sau nhiều năm, trong hồ sơ của Richard Wagner có những câu như sau: “rõ ràng là họ viết một cách không gắng sức, vì hầu như không có những tờ giấy bị vứt vào sọt rác. Họ nói rằng họ viết những gì họ muốn, chỉ có thế thôi.”

AK: Bà đến Berlin cùng mẹ.

HM: Khi đó mẹ tôi 61 tuổi. Thời gian đầu rất khó khăn.
Những thứ đơn giản nhất cũng làm chúng tôi sợ: trước đây chưa bao giờ chúng tôi dùng máy rút tiền tự động hay toa lét bỏ xu.
Trong những ngày đầu tiên, tôi tưởng tượng mình đang ở trong phim. Tôi nhớ rõ những ngày trong trại tạm trú. Tôi đi hết từ cửa này sang cửa khác với tờ giấy mà người ta gọi là giấy báo. Theo thứ tự được ấn định. Hai cánh cửa đầu là Cục Điều tra Liên bang. Tôi gọi chúng như vậy, dù thực ra chúng gắn tấm biển: Phòng kiểm tra A và B.
Trên một số cánh cửa mà phía sau chúng, người ta tiếp dân tị nạn, có những miếng giấy dán“ „Tôi tiếng Đức không hiểu hoàn toàn“. Các công chức người Đức cho rằng như thế là hài hước.
Rốt cuộc, tôi trở thành một con số nào đó trong danh sách người tị nạn.

AK: Bà có nhớ căn hộ đầu tiên của mình ở Đức không?

HM: Tôi nhớ những căn phòng đầy chật đồ gỗ. Chúng lấp đầy nỗi sợ hãi của tôi. Như thể dưới chân tôi không có sàn nhà. Ở Romania cái gì cũng thiếu, bởi vậy chúng tôi muốn có mọi thứ càng nhiều càng tốt. Dưới sàn và trên tường là những tấm thảm màu, cái bàn bao giờ cũng nằm giữa phòng. Đấy là một điểm tựa.
Khi đó tôi nghĩ, để sống trong một căn hộ trống trơn, người ta cần có nội tâm mạnh mẽ.

AK: Thế căn hộ hiện nay của bà trông ra sao?

HM: Không có quá nhiều đồ trong đó.

AK: Năm 1989, Elena Ceausescu nói trước khi chết: „Tôi yêu các người như yêu con ruột của mình“.

HM: Tôi xem trên ti vi và đã khóc. Khó lòng ngăn chặn được việc hành hình. Nhưng họ đáng bị như vậy. Suốt 20 năm tôi cầu mong cho Ceausescu chết. Tôi nói điều này mặc dù tôi là người chống án tử hình.
Khi đó, trước khi bị hành hình, lần đầu tiên, ông ta là một con người bình thường, và Elena cũng vậy – với tấm khăn đội đầu xộc xệch. Tôi nghĩ: lạy Chúa, tôi đã sống sót. Ông ta đã chết, nhưng tôi còn sống.
Tôi cũng khóc vì những người bạn đã không còn.

AK: Đặc biệt là vì ai?

HM: Ở Romania, có một người bạn thân đến thăm chúng tôi mỗi ngày. Anh là kỹ sư xây dựng. Trong hồ sơ của mình mà tôi nhận được sau nhiều năm, hoàn toàn không có anh. Họ tên anh đã bị gạch đi, như thể anh chưa hề tồn tại.
Anh gửi những mẩu giấy đến Berlin cho tôi. Tôi van xin anh đừng gửi nữa, tôi lo sợ cho anh.
Trong mẩu giấy cuối cùng mà anh gửi vài tuần trước khi chết, anh viết một câu, chữ bé li ti: „Thỉnh thoảng tôi phải cắn ngón tay để cảm thấy rằng mình vẫn còn sống“.
Không lâu sau, người ta tìm thấy anh bị treo trong nhà vệ sinh. Khi đó anh hai mươi tám tuổi. Hàng xóm nói ban đêm họ nghe thấy tiếng vài người la hét. Không ai đến cứu. Trong giấy chứng tử ghi: tự vẫn.

AK: Chính là sau cái chết của anh, bà mua tấm bưu thiếp trên đó người ta chỉ dẫn cách thắt cà vạt?

HM: Phải, và nó vẫn luôn nằm trong ngăn kéo bàn viết. Tôi không thể gửi nó cho ai, nó gợi cho tôi quá nhiều liên tưởng về anh. Tôi nghĩ nếu mình cứ nhìn vào những sợi dây thừng ấy, nỗi sợ sẽ biến mất.

AK: Nó có biến mất không?

HM: Không. Có lẽ lại tệ hơn. Sau cái chết của anh tôi tránh các sợi dây thừng. Trong xe buýt, tôi không chạm vào các tay nắm dưới dạng dây thừng. Nếu có cái áo khoác treo trên mắc, tôi sẽ thoáng thấy đôi chân anh phía dưới. May là chúng biến mất sau một thoáng.

AK: Hình như bà không thích từ „tổ quốc“.

HM: Tôi không phải là một người Đức thực sự, nhưng tôi cũng không phải là một người Romania thực sự. Tôi xuất thân từ một nơi lơ lửng ở giữa.
Trong các cuốn sách của mình, tôi chưa từng viết một câu tiếng Romania.
Romania và Đức xa lạ với nhau đến mức không có gì trong chúng cũng như trong tôi ngày ấy và tôi bây giờ có thể hội ngộ mà không thương tổn.

AK: Bà có thường về Romania không?

HM: Không thường xuyên. Tôi có vài người bạn ở đó, nhưng tôi đã không gặp họ từ lâu. Khi chúng tôi gặp nhau, tôi cảm thấy có khoảng cách. Có một lời buộc tội không ai nói ra, rằng tôi đã ra đi.

AK: Cách đây vài tuần bà hoàn thành cuốn sách tiếp theo của mình.

HM: Vâng. Đó là cuốn sách về những cuộc trục xuất người thiểu số Đức. Sau chiến tranh, Romania đã ngụy tạo lịch sử của mình. Trong các cuốn sách, nó luôn đứng về phe đồng minh. Nhưng sự thật là điều đó xảy ra chỉ hai ngày trước khi chiến tranh kết thúc. Trước đó Romania đứng về phe Hitler. Tháng giêng năm 1945 quân Xô viết lập danh sách và đem những người Romania gốc Đức về xây dựng đất nước mình. Oskar Pastior, một chàng trai 17 tuổi bị đem đến các trại tù lao động khổ sai Xô viết. Cuốn sách này tôi viết về ông. Tôi viết nó gần 7 năm. Ba năm là các cuộc trò chuyện giữa tôi và ông. Oskar luôn nói: chúng ta phải làm việc, vì tôi không có nhiều thời gian. Ông mất năm 2006, trong khi dự hội chợ sách Franfurt. Ông thọ 79 tuổi, không ốm đau gì.
Sau khi ông mất, tôi không muốn viết. Sau một năm, tôi mới tự ép mình viết. Tôi quyết định tạ từ ông bằng cách ấy. Cuốn sách này rất riêng tư còn bởi vì mẹ tôi khi là một cô gái 19 tuổi đã phải vào trại ở bể than Donbas, trên lãnh thổ Ucraine ngày nay. Khi ấy tóc bà thắt bím dài. Sau đó họ cạo đầu bà. Vì hai lý do: có chấy hoặc ăn cắp khoai tây. Bà đã ăn cắp để khỏi chết đói.
Khi bà trở về và vào những ngày chủ nhật, chúng tôi gọt khoai tây, bà luôn canh chừng để tôi gọt thật mỏng và để vỏ không bị đứt. Nó phải liền một mạch.
Tên tôi là Herta vì đây là tên người bạn thân nhất của mẹ trong trại. Cô đã chết ở đó.

AK: „Nỗi sợ hãi trước câu văn, sự chán nản – gần như là ghét cay ghét đắng - đối với việc viết lách, đó là lý do duy nhất khiến tôi làm công việc này.“

HM: Bởi viết là sự đối nghịch của cuộc sống. Khi viết, theo một nghĩa nào đó, tôi không tồn tại. Với tư cách một con người, tôi không được phép quan tâm đến mình. Thường thì tôi không viết sách quá lâu, vì tôi không thể chịu nổi áp lực đó. Khi viết, tôi phải có mặt nơi nội tâm tôi đau đớn nhất, nếu không, tôi sẽ không cần phải viết.
Đó như là một cuộc lang thang trên lưỡi dao sắc, giữa việc tiết lộ và giữ bí mật.
Sau khi kết thúc một cuốn sách, tôi không viết ít nhất là hai năm.

AK: Khi đó bà làm gì?

HM: Những tác phẩm cắt dán. Chuyện này bắt đầu từ việc trong vô số những chuyến du hành, tôi muốn gửi chút gì đó của mình thay vì bưu thiếp. Trên tàu, tôi dán các mẩu ảnh và các từ, câu cắt từ báo ra lên tờ giấy trắng. Tôi thích đọc thơ của Theodor Kramer và Inge Müller.
Bây giờ trong tủ tôi có hàng nghìn từ được cắt ra.
Ngoài ra thì sao ư? Tôi sống. Bởi sống thật là đẹp. Cho dù cuộc sống có đẹp hay không.

Wednesday 6 January 2010

Trò chuyện với Leszek Kołakowski

Ba cuộc trò chuyện giữa Anna Bikont (báo Gazeta Wyborcza) và Leszek Kołakowski, triết gia Ba Lan nổi tiếng.

1.
Anna Bikont: Ông sắp xếp sách trong tủ sách của mình như thế nào?

Leszek Kołakowski: Tôi chẳng theo một trật tự nào cả. Tất cả đều lộn xộn và vô nguyên tắc một cách bất khả kháng.

AB: Tôi thấy trong phòng làm việc của ông toàn sách triết học.

LK: Chủ yếu, nhưng ít ra là không chỉ có thế.

AB: Chúng ta hãy bắt đầu từ những cuốn sách trong phòng khách. Trên các giá cao là gì?

LK: Hai ngăn trên cùng là sách về quỷ sứ và phù thủy.

AB: Quỷ sứ được cho vào phòng khách!

LK: Nhưng nhiều nhất là thơ và văn học Ba Lan. Bên dưới là các tập sách ảnh về hội họa, vì đó là các ngăn rộng và chỉ có thể để chúng ở đó. Những gì tôi yêu thích là: hội họa Tây Ban Nha thế kỷ XVII, hội họa Pháp thế kỷ XIX và một chút hội họa Ba Lan.

AB: Tôi thấy hai ngăn với những cuốn sách có bìa xám đặc trưng.

LK: Tôi để các cuốn sách của tạp chí „Văn hóa” cùng nhau. Tôi cũng có các số „Văn hóa” và „Tạp chí Văn học” cũ, tôi giữ chúng cùng với các tạp chí tâm lý học của Tamara vợ tôi trong nhà vườn. Tôi đã bỏ đi nhiều tạp chí mà tôi quí, nhưng tôi không đủ sức vứt bỏ những số „Văn hóa” cũ. Thời gian sống ở Ba Lan, tạp chí „Văn hóa” bị cấm, nó đã trở thành một đồ vật luôn luôn đặc biệt đối với chúng tôi.

AB: Văn xuôi Ba Lan lẫn với thơ, và trên cùng giá sách này là „Sách đen kiểm duyệt” và những bức thư của Kafka gửi Felicja. Quả thực là không có nguyên tắc cứng nhắc nào cả.

LK: Tôi không thích sắp xếp, lập trật tự cho cả tủ sách lẫn bất cứ thứ gì. Văn xuôi thì tôi không có nhiều. Ở đây tôi không mua được sách văn học Ba Lan, một ít sách là từ tủ sách ở Warszawa của tôi, phần lớn là những cuốn sách mọi người gửi hay mang sang cho tôi. Nhưng chị sẽ không tìm thấy trong nhà tôi bất cứ quyển tiểu thuyết nào của Sienkiewicz. Ông chưa bao giờ là nhà văn yêu thích của tôi, thay vào đó là Żeromski. Tôi có nhiều thơ Ba Lan, vì tôi đọc nhiều thơ. Mấy năm trước tôi xuất bản ở NXB „Znak” tuyển tập thơ Ba Lan theo sự sắp xếp của riêng tôi, nhưng không theo trật tự thời gian mà theo chủ đề. Phần đầu tiên là về sự chết và những người chết, phần thứ hai là về yêu và chia tay, phần thứ ba về những điều bị bỏ qua, về những sự kỳ quặc của thế giới và về những số phận không may. Phần bốn về Thượng đế và Chúa Ki-tô, phần năm, cuối cùng, về Ba Lan. Trong tuyển tập mang tên „128 bài thơ rất hay” này một số nhà thơ nổi tiếng hoàn toàn vắng mặt.

AB: Ông ghi tên ai vào danh sách vắng mặt?

LK: Rej, Syrokomla, Przybos. Họ không làm tôi xúc động.

AB: Một phần sách nằm ngoài hành lang, có phải đó là những cuốn sách bị xua đuổi?

LK: Không, không quyển sách nào bị xử tệ hết. Chúng ngẫu nhiên nằm đó thôi. Những quyển sách nằm trên giá ngoài hành lang nhà những quyển mua sau này.

AB: Trong phòng khách, phòng làm việc, phòng ăn, ngoài hành lang, đâu đâu cũng là sách lên đến tận trần nhà. Ông có vứt quyển sách nào đi khi những quyển mới không có chỗ để hay không?

LK: Tôi không thích vứt hay cho sách, nhưng tôi không tránh khỏi điều này. Khi tôi rời căn phòng của mình ở College, tôi gửi vài trăm quyển cho Thư viện Viện Triết học ở Warszawa. Một phần tủ sách của chúng tôi nằm lại ở Ba Lan, khi chúng tôi ra đi vào năm 1968 và không dự định là sẽ ra đi cả đời. Một người bạn thân của tôi sống ở đó, sau này anh gửi một phần sách cho tôi, phần còn lại gộp chung vào tủ sách của anh. Ở đó tôi vứt hết sách của Adam Schaff. Còn ở đây, tôi vứt hết 42 hay 45 tập của Tuyển tập Lenin.

AB: Ông giữ Marx lại?

LK: Tôi giữ lại.

AB: Còn những phân loại nào khác nữa không, ngoài triết học, quỷ sứ và văn học Ba Lan?

LK: Một phòng có chủ yếu là sách về lịch sử tôn giáo. Trong phòng ăn là các tác phẩm của Miłosz, tôi cũng để riêng các bản dịch Shakespeare của Barańczak. Tôi có nhiều loại từ điển, bách khoa toàn thư, đơn giản là vì tôi thích chúng. Thỉnh thoảng tôi đọc một quyển bách khoa thư nào đó, chẳng có lý do gì cụ thể, đơn giản là cứ giở ra và đọc thôi.

AB: Trong bếp có một giá sách toàn sách về người Do Thái.

LK: Phải, đó là một giá sách riêng, vì tôi quan tâm đến vấn đề này, chúng ngẫu nhiên nằm trong bếp thôi.

AB: Tôi không thấy giá sách riêng cho văn học thế giới. Ông không chia sách theo nước mà tác giả sinh sống?

LK: Không, tôi không có nhiều sách văn học vì tôi không có đủ sức chứa chúng.

AB: Mặc dù có những hạn chế đó, hẳn là vẫn có những quyển sách mà ông không thể tưởng tượng được mình có thể không đọc chúng?

LK: Ở đây, đầu tiên chắc chắn là Kinh Thánh, tôi có các bản bằng nhiều thứ tiếng khác nhau trong tủ sách của mình. Tiếp theo là các nhà thơ lớn của Ba Lan: Mickiewicz, Słowacki, Norwid, nhưng không chỉ có thế. Có cả thơ tân lãng mạn. Kasprowicz, rồi Zedadłowicz. Trong số các nhà thơ thế kỷ XX tôi rất thích Tuwim vì sự sáng tạo từ ngữ điên rồ của ông, tôi thích Miłosz, Szymborska. Có thể tìm thấy tất cả họ trong phòng khách.

AB: Thế ngoài văn học Ba Lan?

LK: Tôi thấy gần gũi nhất với văn học Pháp và Nga. Tôi cũng thích Heine, vì sự thông minh và châm biếm. Tôi đọc nhiều văn học Pháp, trong các nhà thơ, tôi thấy Baudelaire là gần gũi nhất. Trong việc hiểu người khác, chuyện có từng đọc những quyển sách giống nhau hay không rất quan trọng. Không hẳn là qua việc nói về chúng, mà qua việc thu nhận được từ chúng những sự nhạy cảm đồng điệu. Tôi có cảm giác chung một cộng đồng nhiều hơn với những người đối thoại ở các nước châu Âu hơn là ở Anh, vì chúng tôi thường đọc những quyển sách giống nhau. Tôi đọc văn học Anh ít hơn và chủ yếu là qua các bản dịch. Tôi thích văn học cổ điển của họ, dẫu sao cũng không thể không thích Dickens. Thời trẻ tôi đọc thơ Pháp, Nga, Đức bằng nguyên bản, nhưng không đọc thơ Anh. Từ đó tôi có cảm giác rằng tôi sẽ không bao giờ học được tiếng Anh. Tôi viết một số sách, giảng dạy nhiều năm bằng tiếng Anh, nhưng đó là thứ ngôn ngữ xa lạ với tôi. Theo kinh nghiệm của tôi, muốn thạo một ngôn ngữ thì thời trẻ phải đọc thơ bằng thứ ngôn ngữ đó. Tôi sang đây khi đã không còn trẻ. Và không bao giờ tôi hòa nhập được, tôi cũng không bao giờ ra vẻ mình là người Anh.

AB: Chỉ là một trí thức Ba Lan một trăm phần trăm?

LK: Phải, tất nhiên.

2.

AB: Cùng với tuổi tác, các triết gia có trở nên thông thái hơn?

LK: Tôi chưa bao giờ suy nghĩ về điều này. Nhưng chắc chắn là các triết gia chỉ trở nên thông thái hơn chừng nào họ còn cho rằng mình không thông thái. Nếu họ tự cho mình là thông thái, họ sẽ không thông thái hơn được. Vì vậy quan trọng nhất là không tự cho rằng mình thông thái.

AB: Thế nhưng ông có thấy thích thú rằng cuộc sống là một quá trình mà trong quá trình ấy, ông trở nên thông thái, và ngày càng thông thái hơn?

LK: Tôi hoàn toàn không có cảm nhận này. Có thể những người khác cảm thấy như vậy. Bây giờ trí óc của tôi hoạt động kém, trí nhớ giảm sút, nhưng trước kia tất nhiên là tôi muốn thu nhận nhiều kiến thức. Tôi cảm thấy rất không tự tin về kiến thức của mình, vì thế tôi rất muốn làm tăng nó lên. Điều đó không có nghĩa là tôi trở nên thông thái hơn. Tôi chỉ cố gắng trở nên giàu có hơn về kiến thức.

AB: Nhưng nói chung, có lẽ là chúng ta trở nên thông thái hơn cùng tuổi tác, thậm chí ngay cả khi chúng ta không nghiên cứu triết học? Hay là chúng ta tưởng thế?

LK: Tôi không cho rằng người ta thông thái hơn hay trở nên tốt hơn chỉ đơn giản là vì ngày càng có tuổi. Hoàn toàn không. Đúng hơn là người ta trở nên cứng nhắc, bảo thủ hơn, tôi nghĩ thế. Không có gì phải buồn, nó là như vậy. Phần lớn chúng ta, theo thống kê, sống thọ hơn thời xưa, nhưng điều này không có nghĩa là con người ngày nay thông thái hơn.

AB: Vậy phải làm gì để ít nhất cũng không trở nên ngu ngốc hơn? Ngoài việc không nên tự cho mình là thông thái, điều gì có thể bảo vệ chúng ta?

LK: Cảm thức rằng chúng ta là những học trò chưa hoàn thiện và phải luôn học không ngừng. Có thể học cả cuộc đời, chừng nào trí óc còn hoạt động.

AB: Chúng ta có trở nên thông thái hơn khi rút ra kết luận từ các kinh nghiệm bản thân, hay ngược lại, đó là một cái bẫy nguy hiểm mà chúng ta rơi vào một cách không cần thiết?

LK: Tùy theo các kinh nghiệm mà từ đó ta rút ra kết luận. Hãy cho tôi ví dụ.

AB: Ai đó tiếp tục có thêm kinh nghiệm xấu về người bạn đã bất tín. Vậy ngừng tin bạn bè có phải là thông thái không, hay ngược lại, dẫu vậy vẫn nên tin người khác?

LK: Nguyên tắc chung của tôi là nếu tôi gặp những người mà tôi hoàn toàn không biết gì về họ trước đó, thì tôi cầm bằng tích cực về họ. Tôi cứ cho rằng họ tốt về mọi mặt. Tất nhiên, không ít lần chúng ta thất vọng, nhưng nhìn chung nguyên tắc cầm bằng tích cực này là tốt cho cuộc sống. Và rằng có những người ta có thể tin tưởng tuyệt đối – những người bạn – có lẽ là điều quan trọng nhất trong đời và chúng ta phải sung sướng vì nó.

AB: Phải chăng với sự cầm bằng tích cực, người ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn? Hay là nên theo nguyên tắc này vì nhờ nó, chúng ta sẽ sống dễ dàng hơn?

LK: Cả hai. Tôi nghĩ rằng người ta trở nên tốt hơn nếu họ thấy mình được tin tưởng. Chắc hẳn là có những người chỉ chăm chăm cho quyền lợi của mình, không có điểm dừng và chả quan tâm đến gì khác. Nhưng tôi không gặp những người như thế trong môi trường của mình. Có thể họ chỉ là những trường hợp đặc biệt?

AB: Như vậy là không rõ các triết gia có trở nên thông thái hơn theo tuổi tác hay không. Vậy chúng ta có trở nên thông thái hơn khi đọc triết học?

LK: Đây là câu hỏi mà tôi không tiện trả lời. Nếu tôi nói rằng đọc triết sẽ giúp ích cho chúng ta...

AB: ...thì người ta sẽ nghi ngờ rằng ông muốn tăng số lượng ấn bản sách của mình.

LK: Đọc các triết gia có khiến người ta trở nên tốt hơn hay thông thái hơn không ư? Đây là một câu hỏi nguy hiểm, vì ta không biết các hậu quả của việc học triết là gì. Tất nhiên, chúng ta cho rằng đọc Plato hay Descartes là hữu ích. Nhưng khi đọc các triết gia, chúng ta dễ dàng rơi vào bẫy, đi đến những kết luận có thể đưa ta vào con đường nguy hiểm. Ai đó đọc Descartes và kết luận rằng, một điều gì đó là xấu hay tốt chỉ vì Chúa nói thế, chứ không phải vì điều đó nằm trong bản chất của nó. Như vậy Chúa có thể nói khác, ví dụ giết cha ruột là tốt, giúp đỡ người xung quanh là xấu. Đó chính là một kết luận nguy hiểm. Nếu ai đó đọc Hegel say mê, anh ta có thể kết luận rằng có tồn tại một điều gì đó như là sự tiến bộ liên tục và bất khả kháng, vì thế phải chấp nhận những gì đang xảy ra chỉ vì nó đang xảy ra. Tất nhiên Hegel không nói vậy, nhưng người ta có thể đọc như thế.

AB: Như vậy là chúng ta sẽ thông thái hơn khi đọc nhiều triết gia và không quá nghe theo những gì một trong số họ nói?

LK: Đọc nhiều người thì tốt hơn, nhưng khi đó chúng ta rơi vào băn khoăn. Ta thấy họ lật đổ nhau – và ta phải tin vào điều gì? Ở đây, không có những kim chỉ nam tốt, trên thế gian không có những lời khuyên tuyệt đối an toàn. Mọi thứ trên đời đều nguy hiểm, ngay cả việc đi ra phố. Những công việc thường nhật mà chúng ta làm có thể hủy diệt chúng ta. Thế giới không nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta.

AB: Nhưng các triết gia thông thái cũng có chút ích lợi nào đó chứ?

LK: Có thể ích lợi của họ chính là việc họ đẩy chúng ta vào sự băn khoăn, không chắc chắn về những việc tưởng như có cơ sở chắc chắn và hiển nhiên. Việc ý thức rằng không điều gì là hiển nhiên là hành động hiểu hữu ích.

3.

AB: Những đức hạnh nào là cần thiết để là một người tử tế, và những đức hạnh nào có thể bỏ qua?

LK : Trước tiên chúng ta hãy xác định thế nào là một người tử tế.

AB: Là người cố gắng ủng hộ và không làm hại người khác. Tôi không rõ, phải chăng anh ta cũng không nên nghĩ xấu về người khác?

LK : Có nghĩa là người không làm hại người khác. Anh ta cố gắng hiểu người khác ngay cả khi anh ta nghĩ rằng họ làm điều gì đó không tốt. Anh ta sẵn sàng giúp đỡ người xung quanh trong khả năng của mình. Anh ta không vui sướng khi người khác bị tổn thương và khi thấy họ gặp phải những điều không lành, cho dù đó là điều xấu xứng đáng với họ. Anh ta cố gắng giữ lời hứa. Có lẽ mọi người đều đồng ý rằng việc giữ đúng các cam kết của mình là một phần rất quan trọng để là người tử tế. Tôi nghĩ rằng ở đây, chúng ta ít nhiều có cảm nhận chung về những đức hạnh cần thiết, về những đức hạnh ít quan trọng hơn, và những thói xấu có thể châm chước mà vẫn là người tử tế. Ví dụ như sự lười biếng. Tôi rất lười và tôi không cho rằng điều đó loại trừ tôi một cách hoàn toàn.

AB: Có nên là người tử tế vì chính bản thân mình không?

LK : Nên. Người tử tế sống dễ hơn, không phải vì anh ta có suy nghĩ tốt hơn về bản thân, mà bởi anh ta không đau khổ tinh thần vì những điều xấu mà anh ta làm. Anh ta được mọi người tin tưởng, mà không có gì quan trọng hơn là được người khác tin tưởng và tin tưởng người khác.

AB: Còn sự trung thành thì sao, nó là nghĩa vụ cao cả đối với bạn bè, hay là đức hạnh của những kẻ ma-phia?

LK: Tôi đã từng đọc lời thú nhận của một trùm ma-phia, hắn buồn rầu nói rằng thật đáng tiếc, tham nhũng đã lan cả vào giới ma-phia, rằng đã không còn như xưa nữa, không còn sự cao thượng, tin tưởng, giúp đỡ lẫn nhau, mọi thứ đang biến mất. Sự trung thành có thể là đức hạnh của các thành viên ma-phia hay bất cứ tổ chức tội phạm nào. Ít ra là trong sự trung thành này, trong sự sẵn lòng phục vụ người khác, dù rằng để làm điều xấu, có một điều gì đó tốt đẹp không thể chối cãi. Những người phục vụ cái xấu mà tỏ ra trung thành và sẵn lòng dâng hiến là những ứng cử viên tiềm năng cho việc phục thiện hơn là những người phục vụ nó chỉ vì họ thấy thoải mái khi làm vậy.

AB: Phải chăng một số đức hạnh thái quá sẽ trở thành khuyết điểm?

LK: Phải xem xét điều này bằng các ví dụ. Việc chăm lo săn sóc đến người khác, cả trẻ con lẫn người lớn, là một đức hạnh. Nhưng đức hạnh này dễ dàng khiến người ta luôn xen vào cuộc sống người khác một cách thái quá, tất nhiên là vì muốn tốt cho họ. Ta hãy xem xét tiếp ví dụ khác.

AB: Việc luôn nói tốt về người xung quanh có thể khiến người ta mất khả năng hài hước.

LK: Điều đó đúng. Nhưng việc luôn nói tốt về người xung quanh có phải là đức hạnh không? Đó thường là con đường dẫn đến dối trá. Cuộc sống đầy những điều hai mặt, chúng ta chẳng làm gì được với điều này.

AB: Có thể là một người tử tế mà không cần phải quá khôn ngoan hay không?

LK: Có thể. Mỗi chúng ta đều biết những người cư xử tốt với người xung quanh mà không có thói quen đào sâu mọi chuyện. Nhưng muốn vậy cần có điều kiện là trong cuộc sống, ta không gặp những điều hai mặt và chúng không bắt ta phải đưa ra những quyết định cần phải suy nghĩ kỹ.

AB: Như vậy sự khôn ngoan không phải lúc nào cũng cần thiết. Vậy điều gì là cần thiết tuyệt đối?

LK: Đơn giản thôi, đó là sự sẵn lòng giúp đỡ người khác. Đó là điều mà trong nó, cuộc sống cô đọng lại .

AB: Thế những người sống trong thế giới riêng, trong thế giới tư tưởng, sách vở, và ít quan hệ với người khác thì sao?

LK: Có những người như thế, họ tử tế theo nghĩa không làm điều gì xấu. Như vậy cũng được, nhưng trong đó luôn có một sự trốn chạy. Tôi nghĩ rằng trốn chạy khỏi cảm thức rằng có một thứ gì đó như là “số phận chung” là điều không tốt. “Số phận chung của loài người” có thể quá trừu tượng, nhưng số phận chung của đất nước hay của đồng hương thì đã không còn trừu tượng nữa. Vì thế chúng ta phải có sự góp phần vào đó. Ngay cả khi chúng ta không là chính trị gia và ý kiến của chúng ta không phải là quyết định, sự góp phần của chúng ta vẫn cần thiết. Điều quan trọng là trong tình huống xung đột, ta phải biết mình đứng về phía nào.

(Bài đăng trong chuyên san "Twarze Dużego Formatu" của báo Gazeta Wyborcza, Thái Linh dịch)