Wednesday 25 March 2009

Hoa táo nở trên đồi Belgrad

Belgrad xinh đẹp. Belgrad dễ thương. Belgrad hiền lành và trong trẻo…

Belgrad trong tâm tưởng tôi là như thế.

Tôi đến Belgrad cùng với mẹ vào mùa xuân năm 1991. Chúng tôi ngụ tại thương vụ Việt Nam tại Nam Tư. Thương vụ chỉ có hai người: bác T. và chú D. Toà nhà của thương vụ là một căn nhà hai tầng xinh xinh, tổng cộng có khoảng 5-6 phòng gì đấy, bác T. và chú D. mỗi người ở một phòng, còn lại là phòng làm việc, phòng tiếp khách, và phòng cho khách các nước khác sang trú chân, như mẹ con tôi lần này chẳng hạn.

Khi đó là đầu mùa xuân. Trong mảnh vườn của thương vụ mọc đầy hoa bồ công anh và rau muối. Tôi nhớ bác T. bữa nào cũng hái rau muối về ăn để khỏi phải mua rau ngoài chợ. Thời đó ở đâu cũng kham khổ cả, ở Nam Tư mọi thứ lại đắt đỏ hơn so với các nước XHCN như Nga, Ba Lan, Bulgaria, Romania v.v… Thương vụ và sứ quán Việt Nam tại Nam Tư cứ 2-3 tháng lại cử một chuyến xe sang Bulgaria mua thịt, vì ở bên đó rẻ hơn nhiều. Khi bác T. mời chúng tôi sang nấu ăn cùng một bữa cơm tối, tôi vẫn nhớ cái cảm giác nổi gai ốc lúc mẹ mở tủ lạnh lấy thịt ra để chuẩn bị nấu ăn. Những tảng thịt đã đổi màu đen thui, cứng ngắc, khi xả đá ra thì lại bốc lên một thứ mùi rất khó chịu… vì chúng đã bị để trong tủ quá lâu. Nhưng bác T. vẫn rất hồn nhiên. Bữa tối đó, lần đầu tiên và có lẽ là duy nhất, mẹ con tôi không dám ăn một miếng thịt nào do chính tay mình xào nấu.

Nhưng ấn tượng về sự kham khổ của bác T. không thể làm lu mờ trong tôi vẻ đẹp non tơ đầy sức sống của Belgrad trong những ngày xuân ấy. Chỉ cần nhìn ra ngoài cửa sổ thôi đã là một thế giới khác…

Thương vụ nằm trên một con dốc rất duyên dáng, với những căn nhà nhỏ thấp thoáng trong hoa táo. Phải rồi, hoa táo. Hoa táo nở trắng xoá hai bên đường, rộn ràng mà thanh khiết, làm sáng bừng cả không gian. Như những mảng tinh khôi được ai đó rắc lên không trung. Như là kết tinh của sương mai và ánh sáng. Để nắng như trong hơn. Để lòng người như dịu dàng và bình yên hơn…

Và tôi đã gặp thêm nhiều những con đường chìm trong hoa táo như thế ở Belgrad. Thành phố nằm trên những quả đồi với rất nhiều những con dốc nho nhỏ xinh xinh, hiền lành, yên tĩnh. Thanh bình. Thật thanh bình. Ngay cả trong khuôn viên của viện bảo tàng chiến tranh, tôi cũng có cái cảm giác ấy. Những khẩu đại bác nằm im lìm trên thảm cỏ xanh mướt, nắng rất vàng và vẫn lại là hoa táo nở trên đầu…

Tôi không ngờ rằng đó là những ngày bình yên cuối cùng của Belgrad. Và tại sao lại bình yên đến thế, trong lành đến thế, đẹp và nên thơ đến thế? Mỗi khi nghĩ đến điều này tôi lại thấy xót lòng…

Trong lớp tôi hồi đó có mấy người bạn người Nam Tư. Đối với tôi, họ mãi mãi là những người bạn Nam Tư, chứ không phải là người Serbia, Slovenia hay Croatia… Cô bạn Milena gầy gò tóc đen mắt đen. Elena cao to tóc vàng mắt xanh nhút nhát. Cậu bạn Nebojsa dài lêu khêu nhắng nhít vui tính, lúc nào cũng làm cả lớp phải cười bò, ví dụ như mỗi lần muốn chép bài của tôi là câu ta lại quỳ xuống xin như đang muốn cầu hôn. Một cậu bạn nữa tên là Savic thấp đậm, ít nói, lúc nào cũng như đang suy tư điều gì… Tôi không biết rồi đây ai trong số họ sẽ ở bên phía nào chiến tuyến. Khi đó, họ đã bắt đầu kể về những vụ đụng độ trên đường phố, nhưng chiến tranh vẫn chưa chính thức nổ ra.

Khi mẹ và tôi trở lại Ba Lan, chúng tôi bị kẹt lại Belgrad một tuần vì sân bay đình công. Lúc đó, cảm giác bất ổn đã bắt đầu lớn dần.

Chỉ ngay sau khi chúng tôi về Ba Lan thì nội chiến Nam Tư nổ ra. Nam Tư tan rã và hàng chục ngàn người chết…

Belgrad xinh đẹp và hiền lành, Belgrad tuổi mười sáu của tôi, bây giờ ra sao nhỉ? Tôi có bao giờ còn có thể quay lại đó nữa không? Hay đúng hơn, tôi có muốn quay lại đó nữa không? Những người quen của tôi gần đây cũng hay sang đó làm ăn, việc trở lại Belgrad thực ra là nằm trong tầm tay. Nhưng tôi có còn gặp lại được Belgrad của tôi ngày nào?

Thôi thì cứ để cho Belgrad mãi mãi lung linh, trong lành và êm dịu trong tâm tưởng, một Belgrad với những triền đồi trắng màu hoa táo bên dòng sông Đa Nuýp hiền hòa…

Ba giây

Có một lần
Bên bàn tiệc đông người
Ta đã nhìn vào mắt nhau
Ba giây.


Ánh mắt anh
Như kiếm sắc
Xẻ toang lồng ngực
Trái tim em ngừng đập
...
Ba giây.


Ánh mắt anh
Như dung nham núi lửa
Cuốn phăng em trong cơn lũ cuồng say rực đỏ
Nóng hổi dâng trào
Cho một cuộc đổi thay
...
Ba giây.


Ánh mắt anh
Như bão cát
Ngàn vạn ngọn roi sa mạc
Quất lên mình em
Bỏng rát
Cơn lốc xoáy mịt mù
Cay xè nước mắt
...
Ba giây.


Có một lần
Bên bàn tiệc đông người
Ta đã nhìn vào mắt nhau
...

Thái Linh

Saturday 14 March 2009

Bận, căn bệnh của thời đại

Hôm nay tôi là một người bất hạnh nhất trên trần gian này, vì tôi đang nhàn rỗi, trong khi tất cả thế giới quanh tôi đều bận quay cuồng.

Hãy nhìn xung quanh mà xem. Những gương mặt đăm chiêu đang mải mê suy nghĩ. Những bước chân hối hả. Sinh viên khoa Luật lúc nào cũng vội vã đi đâu đó. Vội vã vào lớp, vội vã cắm cúi ghi chép, vội vã ăn qua loa quả táo hay kẹp bánh mì, vội vã vào thư viện mượn tài liệu đem đi photocopy để tối về nhà đọc, vội vã đem trả, rồi thế là vội vã chạy hộc tốc đến một văn phòng luật sư nào đó, một công ty nào đó, một tòa án nào đó, hay vội vã giải quyết những công việc riêng nào đó có trời mới biết được. Các giáo sư, trợ giảng thì trông còn khổ sở hơn. Họ tất bật với nghĩa vụ làm thầy của mình, lúc nào cũng bị một lũ sinh viên dai như đỉa đói với hàng mớ yêu sách bám riết. Trong khi miệng giải đáp vô số thắc mắc của học trò, đầu họ nghĩ tới một vụ kiện, một chuyến đi hội thảo ở nước ngoài, một bài báo họ vừa viết, một đạo luật mới ban hành với những điểm họ không vừa ý, hay một cuộc hẹn với bác sĩ mà họ không thể hủy bỏ...

Ông giáo sư đỡ đầu của tôi, prof.dr.hab. T. Dybowski, năm nay gần 70 tuổi. Một năm phải mổ xẻ tới hai lần, nằm viện hơn bốn tháng, vậy mà vẫn vừa làm thẩm phán Tòa án Hiến pháp, vừa đến trường giảng dạy, nhận vài luận án, hàng chục luận văn tốt nghiệp, và hỏi thi hàng trăm sinh viên để thỉnh thoảng phải tống cổ một vài đứa ra khỏi phòng thi trong cơn đau tim vì tức giận (ví dụ như khi một anh chàng sinh viên tội nghiệp, thay vì "hợp đồng bán" [umowa sprzedazy], lại cứ lặp đi lặp lại từ "hợp đồng mua bán"[umowa kupno-sprzedazy] y như một gã lái buôn chưa từng giở qua bộ luật dân sự). Có những lần tôi gửi hoa và thiệp tới bệnh viện thăm ông mà lòng nghẹn ngào\. Cùng với tuổi già, sức khỏe của ông mỗi ngày một kém, vậy mà ông vẫn làm việc không mệt mỏi, và đằng sau vẻ khó tính bề ngoài là cả trách nhiệm và tình thương yêu dành cho sinh viên.

Nhưng ta hãy trở lại với hiện tại, khi tôi đang nhởn nhơ ngồi gõ keyboard còn mọi người thì bận bịu.

Sự thể chẳng lấy gì làm lạc quan hơn khi người ta nhận được thư bạn bè. Trong mười lá thư thì có tới chín lá bắt đầu bằng câu "xin lỗi nhé, dạo này bận quá...", "hồi này công việc ngập đầu ngập cổ", "mình bận túi bụi" hay những câu đại loại như vậy. Ai ai cũng hối hả đến không có thời gian mà thở nữa, từ đứa em bé mới học cấp I, cấp II hay đứa bạn đã đi làm. Một bức thư Việt Nam tôi mới nhận: " Sáng em đi học Kinh tế, chiều học Tin, tối học Đại học Ngoại ngữ. Em vẫn đi học đàn guitar..." "Em tới lớp ngồi chép bài, giờ nghỉ chỉ là 5' or 10' không đủ để mà làm gì. Chỉ kịp ngoái sang người bên cạnh nói vài câu". Và rồi kết luận "Mọi thứ cứ diễn ra đều đều, rất chán".

Những bức e-mail cũng chẳng khá hơn. Mặc dù viết e-mail tốn ítthời gian hơn viết một lá thư nhiều, những e-mail mà tôi chờ đợi cũng chỉ vỏn vẹn vài dòng với những chữ "bận", "bận" và lại "bận" tiêu biểu của thời đại.

"Đối với mọi người, chỉ cần bạn có một cái tên là đủ
Thay cho bạn, người ta chỉ nhìn thấy một gương mặt"
(lời một ca khúc trong vở musical Metro của Ba Lan)

Gặp một người bạn ngoài đường. "Dạo này thế nào?". "Cũng bình thường, nhưng bận lắm". Và thế là vội vàng chia tay. Có bao giờ bạn gặp một người quen và cùng với câu chào "Dạo này thế nào?", bạn thực sự quan tâm đến những gì đang xảy đến với người đó? Có thể đằng sau gương mặt bình thản kia là biết bao nhiêu khó khăn chồng chất. Có thể người đó thực sự muốn nói với bạn một điều gì đó, muốn trút một chút nỗi lòng, hay đơn giản chỉ là muốn chuyện trò với bạn 15-20 phút..., thế nhưng khi nhìn thấy dáng dấp tất bật của bạn thì tất cả những gì đang chất chứa trong lòng họ bỗng nhiên tự động - không hiểu bằng phép thần thông nào - biến thành mấy chữ "mọi sự đều bình thường" muôn thuở.

Tôi mới gặp lại Lukasz Filipiak, một người bạn trước khá thân ra trường cách đây ba năm. Lâu lắm rồi, có lẽ gần một năm, chúng tôi không gặp và cũng không liên lạc qua điện thoại, mặc dù cả hai người cùng ở Warszawa. Đơn giản chỉ là do bận quá. Bạn tôi làm ở Văn phòng Pháp lý của Quốc hội, đồng thời thực tập tại Tòa án Thành phố. Hàng ngày đi làm tới 9-10 giờ tối mới về, nhiều hôm đến quá nửa đêm. Không được nghỉ ngơi kể cả thứ bảy. Ngày chủ nhật dành cho việc ngủ bù. Vốn là con chiên rất ngoan đạo, vậy mà bây giờ hiếm hoi lắm mới sắp xếp được một buổi đi nhà thờ. Đằng sau bộ quần aó được chuẩn bị chu đáo, gương mặt vui vẻ và tác phong nhanh nhẹn lịch thiệp kia là những đêm thiếu ngủ, những núi công việc và những mệt mỏi triền miên. Người Warszawa chính gốc, 27 tuổi, đẹp trai và giỏi giang, con nhà gia giáo, tính tình vui vẻ dễ chịu, vậy mà vẫn chưa có người yêu. "Lilia thấy đấy, chẳng cô nào chịu nổi cảnh này. Một anh bạn cùng làm với mình đang lục đục thường xuyên với vợ cũng chỉ vì luôn phải đi làm về muộn, nghĩ thấy sợ quá!"

Nhưng hình như chúng ta lại cảm thấy có chút gì đó tự hào khi mình bận rộn, và nếu như ai đó nói là bạn nhàn rỗi, bạn sẽ phản đối ngay. Một người bạn tới Ba Lan chơi, kể cho tôi nghe chuyến chu du "vòng quanh châu Âu" của anh. Tôi thán phục : "Cũng tung tẩy quá nhỉ!" Thế là anh bạn vội vàng đính chính: "Không, bình thường anh cũng bận lắm, đây là vì hứa hẹn với bạn bè từ lâu rồi..." Dường như thảnh thơi để có thời gian cho riêng mình là tội lỗi, là một cái gì đó đáng sợ, đáng tránh né!

Nhưng tôi có thể nói gì đây khi chính tôi bình thường cũng chẳng mấy rảnh rỗi, cũng hay kêu ca một cách vô ý thức rằng tôi rất bận, cũng viết những bức thư ngắn ngủi, cũng chào "dạo này thế nào?" với một ngữ điệu vô tâm, và nếu như đôi khi có được một chút thời gian nhàn hạ hằng mơ ước thì bỗng lại cảm thấy mình như có lỗi, như thừa thãi, như bất hạnh...

"Bạn muốn đập vỡ tấm kính
Nhưng nó cong lại
Và đằng kia là tất cả mọi người
Còn phía đối diện là bạn"

(30-10-1997)

Saturday 7 March 2009

Buổi sáng bên hồ


Tôi đẩy xe nôi đưa con trai nhỏ đi dạo bên hồ, trong công viên cạnh nhà. Trên hồ, đám hải âu từ đâu lại bay đến, bơi rợp mặt nước. Thỉnh thoảng, một con hải âu nào đấy cắm thẳng đầu xuống hồ, rồi bay lên, mỏ ngậm một chú cá con. Những con khác thì đậu thành hàng trên thành cầu. Mặt nước lấp lánh bàng bạc, những cây cầu thép bàng bạc, đám hải âu trắng bàng bạc. Nếu như tôi chụp bức ảnh này, người ta sẽ thấy trên cái nền bàng bạc ấy nổi lên những đốm lấm chấm đỏ tươi là chân và mỏ của đàn hải âu. Những chấm đỏ nhảy nhót, chuyển động liên hồi như những đốm lửa nhỏ.

Bên hồ, một bé gái cùng cha cho đám vịt ăn vụn bánh mì. Mỗi khi bé gái ném vụn bánh xuống, lũ vịt lại nhao đến, chen chúc, tranh cướp nhau. Chúng mổ nhau chí chóe. Mấy con vịt ở xa xé gió lao đến như tên lửa. Những con hung hãn hơn kêu lên quàng quạc, đuổi các con khác tránh xa. Nhưng thật lạ lùng, ngay cả những con vịt hung hãn nhất cũng sợ đám vịt con. Chỉ cần một chú vịt con dẩu mỏ ngỏng đầu dọa dẫm hướng về phía chúng, chúng lập tức im bặt, sợ hãi né ra. Không phải là chúng nhường nhịn, mà chúng sợ thật sự. Cứ như đám vịt con có một năng lực đặc biệt nào đấy, chúng bé bỏng và yếu đuối đến thế cơ mà? Vì đám vịt con quá bé để biết sợ, cho nên những con vịt vốn quen với việc kẻ khác sợ mình phải chùn bước? Vì đó là một quy luật tự nhiên bí ẩn nào đó: người lớn phải nể sợ trẻ con? Nếu đúng là có một quy luật như thế, thì con người nhiều khi đã quên mất nó.

Một con quạ mon men gần cô bé. Cô bé ném cho nó một mẩu bánh mì, nó sung sướng cắp lấy, bay sang bờ bên kia. Bánh mì cứng, nó bèn nhúng nhúng xuống nước rồi mới tha lên bờ, từ từ đánh chén, bộ dạng vẫn hết sức cảnh giác với đám vịt giời có thể đến cướp mẩu bánh của nó bất cứ lúc nào.

Đằng kia, một cô gái ngồi trên ghế băng đọc sách, tay đu đưa nhè nhẹ chiếc xe nôi. Cô mặc váy màu sô cô la với các họa tiết hoa màu hồng, áo len mỏng hồng nhạt, áo choàng nhẹ và đôi giày màu cánh sen tươi. Chiếc xe nôi thân màu sô cô la, mui cũng màu cánh sen. Nắng xuyên qua mui xe làm nó trở nên trong suốt. Trong nắng sớm, mái tóc cô gái và những trang sách như phát sáng. Cô gái, quyển sách, chiếc xe nôi, băng ghế gỗ, thậm chí cả cái thùng rác cạnh đó, tất cả tạo nên một tổng thể vô cùng hài hòa. Cả động tác đu đưa xe nôi nhè nhẹ của cô cũng hài hòa với những bông hoa đang rung rinh trên váy và tiếng giở sách sột soạt. Cả ánh nắng và tiếng trẻ con lao xao từ xa vọng đến...

Bây giờ là mùa thu. Mấy bác thợ làm vườn đang chuẩn bị cho mùa đông sắp tới. Đám lau sậy trồng làm cảnh bị phạt ngang gốc, ngổn ngang đầy mặt đất. Các bụi găng bị lưỡi cưa máy len vào, tuốt hết lá, chỉ còn cành trơ trụi, rồi bị tỉa gọn lại thành những cụm tròn tròn. Những vườn tầm xuân còn đầy hoa cũng bị chặt xuống, hoa chất thành từng đống trên bãi cỏ. Thì ra, để có mùa xuân đẹp tươi, cây cối phải đau đớn đến thế. Nhưng có lẽ không nỗi đau nào là vô nghĩa.

Tôi và vài phụ nữ khác tìm nhặt những nhành tầm xuân còn tươi mang về nhà cắm. Những chiếc xe nôi bây giờ chất đầy hoa, ngập trong hoa, tỏa ra trên các con đường nhỏ trong công viên.

Trên đường về, tôi thấy một tấm bảng quảng cáo. Bức ảnh chụp cái máy tính xách tay với hàng chữ to: “Hãy mang cả thế giới theo bạn” Cả thế giới giá chưa đến một nghìn năm trăm Euro. Cả thế giới nằm trong một cục kim loại lạnh lẽo. Thời đại của chúng ta mới tội nghiệp làm sao! Người ta biết rõ sinh hoạt từng ngày hay mùi nước hoa ưa thích của một người ở tận đầu kia thế giới, nhưng lại chẳng hiểu nổi người sống ngay bên cạnh mình. Thay vì năm giác quan, người ta chỉ cần dùng đến hai. Và người ta cho rằng như thế là đủ, rằng đó là cả thế giới.

Nhưng trong thế giới ấy không có những buổi sáng bên hồ.

Tôi nhìn gương mặt con trai đang say ngủ và những bông tầm xuân mịn màng tinh khôi. Con thân yêu, thế giới của chúng mình sẽ không ảm đạm và nhạt nhẽo như vậy. Thế giới của chúng mình sẽ luôn có chỗ cho những buổi sáng trong trẻo bên hồ.

Du hành cùng Ryszard Kapuściński

Tôi sang Ba Lan năm mười bốn tuổi. Một mình. Bằng máy bay. Cũng giống như Kapuściński trong lần đầu tiên ra nước ngoài, hành động “đi qua biên giới” chỉ mang tính tượng trưng. Kapuscinśki đi từ châu Âu sang châu Á, còn cuộc hành trình của tôi thì theo chiều ngược lại: từ châu Á sang châu Âu. Nhưng có lẽ khi đó tôi còn quá nhỏ để nhận thức được bước ngoặt ấy của đời mình, nên không hề cảm thấy sợ hãi hay hoảng loạn. Hơn nữa, người đang chờ đón tôi ở Ba Lan là người thương yêu tôi nhất trên đời: mẹ tôi.

Những ngày đầu ở Ba Lan, rào cản lớn nhất của tôi cũng là ngôn ngữ. Tôi cũng chỉ có một cuốn từ điển Ba – Việt nhỏ, loại bỏ túi. Tôi cũng lăn lê bò toài ra mà học tiếng Ba Lan, bắt đầu từ các tạp chí màu mè dành cho thiếu niên như tạp chí “Bravo”. Tôi cố hiểu các truyện tranh ở trong đó, các mẩu báo ngắn vài ba câu, ví dụ như mục xem bói. Ước mơ duy nhất của tôi khi đó là đọc và hiểu được một câu trọn vẹn, không phải tra từ điển từ nào. Tôi không hề nghĩ rằng có ngày mình sẽ dịch cả một quyển sách.

Thời ấy, người ta còn viết thư tay, gửi bưu điện, và thứ duy nhất để kết nối với Việt Nam là sách báo - những quyển sách, tờ báo hiếm hoi gửi qua người quen từ Việt Nam sang.

Bây giờ thì tôi cũng như tất cả mọi người đều không thể tưởng tượng được một cuộc sống thiếu internet. Nhờ internet mà chuyến du hành của tôi với Kapuściński bắt đầu. Tôi viết blog và dịch một số bài viết ngắn của Kapuściński, nhà báo mà tôi ngưỡng mộ và yêu mến. Rất tình cờ, những bài dịch này may mắn được Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam để mắt đến. Chính Nhã Nam đã đề nghị tôi dịch một tác phẩm trọn vẹn của Kapuściński, chính Nhã Nam đã bắc những nhịp cầu đầu tiên để đưa nhà văn, nhà báo kiệt xuất hàng đầu Ba Lan đến với độc giả Việt Nam. Tôi luôn muốn cảm ơn Nhã Nam về điều này.

Trong quá trình dịch Kapuściński, trong tôi diễn ra đồng thời nhiều cuộc du hành. Đó là chuyến du hành cùng tác phẩm, “du hành trong không gian và thời gian”, như Nguyễn Vĩnh Nguyên đã viết. Nhưng đó cũng là chuyến du hành vào thế giới Kapuściński, một con người, một cuộc đời vĩ đại. Và hơn hết, quan trọng nhất, là chuyến du hành ngôn ngữ: du hành trở về với tiếng Việt, thông qua tiếng Ba Lan. Điều này, đối với một người xa xứ từ nhỏ như tôi, có ý nghĩa vô cùng đặc biệt.

Khi “Du hành cùng Herodotus” ra mắt độc giả Việt Nam, bà Bożena Dudko, nhà ngôn ngữ học, biên tập viên của nhà xuất bản Znak, người thường xuyên liên lạc với các dịch giả dịch Kapuściński trên khắp thế giới, lập tức biết ngay tin này qua internet. Bà tới gặp và tặng cho tôi quyển sách “Du hành cùng Ryszard Kapuściński, chuyện kể của mười ba dịch giả” mà bà biên tập và tổ chức xuất bản. Bà nói “Tôi hy vọng nó sẽ có ich cho cô trên con đường mới của cuộc đời mà cô vừa bắt đầu từ khi “Du hành cùng Herodotus” được xuất bản bằng tiếng Việt.”

Khi đọc cuốn sách, tôi mới biết các dịch giả dịch Kapuściński là những nhà nghiên cứu lịch sử văn học, ngôn ngữ học, các nhà báo nổi tiếng, giáo sư, tổng biên tập, soạn giả bách khoa toàn thư... Họ đều là các dịch giả chuyên nghiệp, dày dạn kinh nghiệm, nhiều người trong số họ có quan hệ thân thiết với Kapuściński. Tôi bàng hoàng nhận ra mình đã “liều lĩnh” đến mức nào khi dịch Kapuściński: đây là bản dịch đầu tay của tôi.

Hai mươi năm trước, tôi sang Ba Lan khi còn quá nhỏ để nhận thức được bước ngoặt ấy của đời mình. Hai mươi năm sau, tôi bước vào thế giới dịch thuật bằng những tình cờ. Có lẽ tôi cũng chưa thể ý thức được hết bước ngoặt mới này. Nhưng có một điều tôi chắc chắn: con đường mới sẽ dẫn tôi đến với Kapuściński, mỗi lúc một gần hơn.