Thursday 17 July 2014

Bàn về công bằng (Leszek Kołakowski)



(Thái Linh dịch)

Đã có lời bàn về sự công bằng thực chất là nỗi đố kỵ cải trang. Bây giờ xin có vài lời về công bằng như là một thực tại, chứ không phải một sự đội lốt.

Một khi hầu hết các triết gia, luân lý gia và lý thuyết gia pháp luật đều đã gắng sức giải thích công bằng là gì, hành động công bằng, con người công bằng và quốc gia công bằng là gì, cần phải nhận định rằng họ đã không đi đến một sự đồng thuận hay sáng tỏ nào trong vấn đề này. Từ đó cũng cần giả định rằng đây là một trong những viên gạch quan trọng nhất trong tòa nhà khái niệm của chúng ta, khi mà cái số mệnh ấy (không có sự sáng tỏ và đồng thuận) rơi xuống mọi viên gạch quan trọng mà các lý thuyết triết học luận bàn tới.

Trong nhiều trường hợp cụ thể có thể khá dễ dàng đi đến thống nhất về việc một hành động là không công bằng, ví dụ quan tòa tuyên án một người vô tội trên cơ sở những chứng cớ mơ hồ đầy nghi vấn. Cũng có thể, song đã ít hiển nhiên hơn, đưa ra những ví dụ về các hành xử công bằng. Chẳng hạn: ông già Noel chia quà cho mọi trẻ em có mặt trong cuộc vui một cách công bằng; „công bằng” ở đây có nghĩa là „đều nhau”. Nhưng khi nói vậy, có phải chúng ta đã giả định, dù muốn dù không, rằng nguyên tắc „mỗi người đều được bằng nhau” có một giá trị phổ quát? Ta hãy suy nghĩ một chút, phải làm thế nào để không chỉ đơn giản là thay đổi thế giới, mà còn phải lộn nhào trên dây, thực hiện một cuộc cách mạng với hàng triệu quân binh, để đưa được nguyên tắc này vào, dẫu vẫn biết trước rằng nó không đem lại kết quả mong muốn.

Những người viết về đề tài này, từ thời Luân lý học cho Nicomachus của Aristotles, đã không ít lần lưu ý rằng công bằng thường được hiểu đơn giản như là danh từ chung cho một phẩm hạnh; con người công bằng là con người cao quý, hành động công bằng là cái gì đó cần làm trong trường hợp cụ thể theo những quy tắc đạo đức, hành xử công bằng là hành xử phù hợp với chuẩn tắc luân lý hiện hành. Song trong nghĩa bao quát này khái niệm công bằng không mấy hữu dụng. Các chuẩn tắc đạo đức cũng rất khác nhau: chỗ này là đòi hỏi trả thù, chỗ kia là kêu gọi tha thứ, chỗ này được phép, chỗ kia lại không cho phép giết đối thủ chính trị. Cũng không thể nói người hành xử theo đúng luật pháp của nhà nước là công bằng, bởi có thể khẳng định rằng luật pháp đôi khi bất công, và điều này không chỉ ở các thể chế độc tài hay toàn trị (ví dụ trách nhiệm tố giác gia đình hay hàng xóm hay hình phạt vì tàng trữ sách cấm), mà còn cả ở các quốc gia nơi có các định chế dân chủ hoạt động. Một số người cho rằng hệ thống thuế lũy tiến là bất công, những người khác - rằng cấm sở hữu súng, những người khác nữa – rằng để thanh toán sự bất công đã qua thì phải dành các ưu đãi cho con cháu những người từng chịu bất công (ví dụ phân biệt chủng tộc hay phân biệt đối xử với phụ nữ).

Hãy giả thiết rằng tôi là công chức trong một nhiệm sở, nhưng tôi bị đuổi việc, tôi kiện lãnh đạo ra tòa và đòi bồi thường, vì như tôi khẳng định, tôi đã hoàn thành các nghĩa vụ của mình. Chúng ta hãy tiếp tục giả định rằng tôi thực sự đã hoàn thành các nghĩa vụ đó, nhưng bị đuổi vì tính tình quá kinh khủng, tôi cãi nhau liên tục với mọi người, ai tôi cũng làm mất lòng, tôi thường nổi điên om sòm lên, chả ai chịu nổi tôi. Tôi có quyền đòi „công bằng” không? Điều này phụ thuộc vào định nghĩa từ công bằng, phần lớn chắc hẳn xem việc đuổi tôi là công bằng, nhưng sẽ luôn có một thiểu số với định nghĩa khác (tôi bị đối xử bất công khi tôi đã làm tất cả mọi việc mà người ta trả tiền để tôi làm).

Công bằng, theo công thức cổ xưa, là cho mỗi người cái mà anh ta xứng đáng được hưởng. Nhưng làm sao ta có thể biết được mỗi người xứng đáng được hưởng điều gì, theo sự công bằng phân phối, nghĩa là liên quan đến phân chia lợi ích, hay theo sự công bằng trừng phạt, nơi các lợi ích là phản-lợi ích – tức các hình phạt? Suốt nhiều thế kỷ người ta đã nghiên cứu về đề tài giá cả công bằng hay mức lương công bằng. Dự án đo giá trị hàng hóa thông qua lượng thời gian cần thiết để sản xuất ra thứ hàng hóa đó có vẻ công bằng, bởi mỗi nhà sản xuất sẽ nhận được tỉ lệ với „công sức” bỏ ra. Song dự án này bất khả thi trong kinh tế thị trường, sự chuyển đổi từ một giá trị chung chung như vậy sang giá cả là không thể. Thị trường định giá, thị trường cũng định mức lương, nhưng thị trường không công bằng và không thể công bằng (nếu ai đó khẳng định thị trường là công bằng thì phải tuyên bố rằng thị trường công bằng từ định nghĩa, song hiển nhiên một giả định như thế chẳng có gì chung với những điều ta thường nghĩ – mặc dù không rõ ràng – khi nói về sự công bằng). Cung và cầu phụ thuộc vào những vận may đỏng đảnh, những trường hợp ngẫu nhiên, khủng hoảng ở một đất nước xa xôi nào đó, những thứ mốt không thể dự đoán trước v.v..., chẳng có gì là công bằng ở đây cả. Nếu thị trường chứng khoán phải tuân thủ các qui tắc công bằng thì nó sẽ không thể tồn tại. Thị trường gây ra các cuộc phá sản và khiến nhiều người mất việc. Quả thực, trong thế giới văn minh con người không chết vì đói, người thất nghiệp có trợ cấp tối thiểu, nhưng đó là các hoạt động phi thị trường của nhà nước, là phương thuốc chữa các hậu quả xấu của cơ chế thị trường. Tương tự, các áp lực xã hội về việc trả lương cũng là phi thị trường. Không thể khác được, khi mà việc loại bỏ thị trường đồng nghĩa với chế độ toàn trị cùng với mọi hệ quả chính trị và kinh tế của nó, với nghèo đói và mất tự do. Có thể nói các bảo đảm của nhà nước cho nạn nhân của thị trường là tác phẩm của công bằng được không? Có thể, với giả định mỗi người „được phép có” các phương tiện để tồn tại, rằng sẽ là tương phản với công bằng nếu ai đó chết vì đói khi có thể ngăn ngừa được điều này. Nhưng nếu không thể ngăn ngừa được, nếu hàng nghìn người chết đói vì nội chiến hay vì sự sụp đổ của mọi cấu trúc xã hội thì sao? Khi đó từ „công bằng” mất nghĩa.

Cũng không cách gì xác định „công bằng” sao cho mỗi lợi ích đều qui đổi được thành một thứ tương ứng; khi tôi cho người ăn xin hay một định chế từ thiện một xu, tôi không trông đợi bất kỳ sự trả công nào. Coi những người bình đẳng như nhau, còn những người bất bình đẳng không như nhau song tỉ lệ thuận với sự khác biệt – qui tắc này của Aristoteles là tốt nhưng khiếm khuyết trong nhiều trường hợp. Quả thực, theo suy tưởng của chúng ta mọi người phải bình đẳng trước pháp luật, do đó nếu luật pháp gây ra sự khác biệt giữa người với người (ví dụ khi tuyên phán thành lập tội danh, khi xét thưởng các đóng góp, khi từ chối các quyền lợi khác nhau của trẻ em, bảo đảm các ưu tiên cho người tàn tật), thì chỉ có thể thực hiện điều đó khi mỗi người thuộc một phạm trù nhất định đều được đối đãi như nhau. Khi chúng ta sống một cách bất khả kháng trong tập thể (đây là điểm được Rawl nhấn mạnh, ông là tác giả của luận văn về công bằng được đánh giá cao nhất trong vòng mấy chục năm trở lại đây), chúng ta cũng tham gia vào việc bảo vệ các quyền lợi tập thể, mà điều này chỉ có thể xảy ra khi mỗi người đều công nhận rằng người khác cũng có những quyền lợi như mình và quyền bảo vệ các quyền lợi ấy như mình.

Nói cách khác, hệ thống xã hội công bằng là hệ thống dựa trên thừa nhận sự có đi có lại của tất cả các đòi hỏi và quyền lợi. Nếu thiếu sự có đi có lại này, tập thể sẽ tan rã. Song liệu tôi có thể tự nhủ: tôi không muốn bất cứ sự có đi có lại nào, tôi chăm chút cho lợi ích của mình, không quan tâm đến lợi ích người khác, và tôi chỉ canh chừng để không ai tóm được gáy tôi? Có thể, nhiều người vẫn hành động như vậy mà không nhất thiết trước đó họ phải suy ngẫm về sự chặt chẽ của khái niệm công bằng; có thể, nhưng khi đó, lúc bị tóm và xử phạt, tôi sẽ không thể kêu ca rằng tôi phải chịu đựng một sự bất công nào đó.

Một khế ước xã hội ngầm chính là nền tảng của trật tự công bằng; vậy thế giới đòi hỏi ở tôi điều gì khi muốn tôi hành xử một cách công bằng? Có lẽ chính là việc tôi công nhận có một khế ước bất thành văn như thế, và rằng xét cho cùng thì điều đó cũng có lợi cho tôi mặc dù tôi khoái có nhiều quyền ưu tiên và chẳng đếm xỉa gì tới người khác hơn. Nhưng ta hãy lưu ý, trong cách hiểu này, công bằng đã không còn là quy tắc: „mỗi người được những gì mình xứng đáng”; hoàn toàn không cần giả định rằng ai đó xứng đáng được cái gì đó, thậm chí ta không cần nói rằng điều gì đó là tốt về mặt đạo đức, chỉ cần công nhận rằng sự đồng thuận về việc có đi có lại trong các đòi hỏi xuất phát từ các quyền lợi ích kỷ sẽ bảo đảm một trật tự ổn định và có thể chịu đựng được. Khái niệm công bằng như một đức hạnh khi đó trở nên không cần thiết. Chúng ta đặt giả thiết rằng mọi người có các quyền lợi mâu thuẫn và rằng sự thiếu hụt trong phần lớn các lợi ích mà người ta theo đuổi là không thể tránh khỏi. Không có bất cứ môn siêu hình học nào về sự công bằng, bất cứ quy định của luật tự nhiên, bất cứ bi kịch Antigone, bất cứ lệnh trời nào.

Nhưng con người luôn muốn biết nhiều hơn, muốn tin vào một trật tự tự nhiên hay một tiếng nói từ trời cao nói cho ta biết ta phải làm gì để thực thi công bằng, mà để có được điều đó thì luật thực định và việc thừa nhận sự có đi có lại của các đòi hỏi là chưa đủ. Chắc chắn tôi có thể hành xử bất công mà vẫn không vi phạm pháp luật, và đôi khi hành xử công bằng nhưng lại vi phạm nó. Có những mối quan hệ giữa người với người mà luật pháp không điều chỉnh (dẫu thời nay luật pháp càng ngày càng muốn điều chỉnh nhiều hơn) nhưng khái niệm công bằng lại được sử dụng. Chắc chắn khái niệm công bằng không thể đòi hỏi tôi đối xử với tất cả mọi người như nhau, không phân biệt những người thân thiết với tôi, bạn bè và những người tôi yêu. Nếu tôi làm vậy, tôi sẽ là một con quái vật. Tôi được phép ưu tiên những người khác nhau tuy theo tình cảm của mình (và thừa nhận rằng mỗi người đều được phép như thế), ngoại trừ các mối quan hệ mà pháp luật áp đặt điều gì đó bởi đòi hỏi vô tư không thiên vị. Chúng ta sẽ cảm thấy không hợp lý lắm nếu thẩm phán hay thành viên bồi thẩm đoàn tham gia phiên xử mà anh trai mình là bị cáo, hoặc một giảng viên hỏi thi con gái của mình. Bởi vậy chúng ta đặt giả thiết (có lẽ là hợp lý) rằng mỗi người đều bị tình nghi là họ sẽ cho những người họ đặc cách các quyền ưu tiên khi có thể.

Nhưng thực ra, điều mà tinh thần thế giới trông đợi ở chúng ta hoàn toàn không phải sự công bằng, mà là lòng tốt đối với người thân, tình bạn và lòng thương xót, nghĩa là những phẩm chất không cách nào đưa ra khỏi sự công bằng. Dưới góc độ này, chúng ta làm theo Chúa, như học thuyết Cơ đốc dạy dỗ chúng ta. Các học thuyết này nói rằng Chúa thường không hành xử với chúng ta theo các quy tắc công bằng, mà chỉ bằng tình yêu thương không có quy tắc nào hết. Không một ai tuyên bố học thuyết này có thể có công đức tới mức được hưởng sự cứu rỗi vĩnh cửu một cách công bằng; phát biểu điều này là đủ, để thừa nhận rằng đây là sự thật hiển nhiên. Các khuynh hướng cực đoan của Cơ đốc Giáo, của dòng August gốc, còn cho rằng nếu Chúa trị vì theo sự công bằng, thì chúng ta xuống địa ngục cả lượt, không có ngoại lệ, tất cả chúng ta đều đáng bị nguyền rủa đời đời. Ngay cả khi ta không chấp nhận thứ chủ nghĩa cực đoan này, thì lương năng cũng thầm nhắc chúng ta rằng sự cứu rỗi vình hằng không thể là sự đền đáp công bằng cho các công đức của chúng ta, dẫu đó là công đức vĩ đại nhất song hữu hạn. Bởi vậy, Chúa không công bằng, nhưng Chúa đầy lòng xót thương. Chúng ta cũng hãy như thế, không quá lo lắng về sự công bằng, đó chính là kim chỉ nam tốt.

(Trích từ tập Các thuyết trình mini vầ những vấn đề maxi, NXB Znak, Kraków 2008) 

Wednesday 16 July 2014

Ghi chép (Wisława Szymborska)

Thái Linh dịch

Sống – là cách duy nhất
để phủ đầy lá quanh mình,
thở hổn hển trên cát,
hay cất cánh bay;

để làm một chú chó
hoặc vuốt ve bộ lông ấm của nó;

để phân biệt cơn đau
với tất cả những gì không phải là cơn đau;

để có mặt trong các sự kiện
xuất hiện trong những cảnh tượng,
tìm kiếm sai lầm nhỏ nhất trong số các sai lầm.

Là cơ hội đặc biệt
để nhớ trong chốc lát
những điều đã trò chuyện
bên ngọn đèn leo lét;

và để ít nhất một lần
vấp phải hòn đá,
bị ướt dưới mưa,
đánh mất chìa khóa trên bãi cỏ;

để nhìn theo tia chớp trong gió;

và để luôn luôn không rõ
về một điều quan trọng nào đó.


Nguyên tác:

Notatka

„Życie – jedyny sposób
aby obrastać liśćmi,
łapać oddech na piasku,
wzlatywać na skrzydłach,
być psem,
albo głaskać go po ciepłej sierści;
odróżniać ból
od wszystkiego co nim nie jest;
mieścić się w wydarzeniach,
podziewać w widokach,
poszukiwać najmniejszej między omyłkami.
Wyjątkowa okazja,
żeby przez chwilę pamiętać,
o czym się rozmawiało
przy zgaszonej lampie;
i żeby raz przynajmniej
potknąć się o kamień,
zmoknąć na którymś deszczu,
zgubić klucze w trawie;
i wodzić wzrokiem za iskrą na wietrze;
i bez ustanku czegoś ważnego
nie wiedzieć”.

Friday 4 July 2014

Vấn đề của Việt Nam gần gũi với Ba Lan - Rafał Tomański

Tọa đàm về Biển Đông tại Đại học Almamer ngày 03.07.2014
(các diễn giả từ trái sang phải: Nguyễn Thái Linh - Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông, Lã Đức Trung (chủ tọa), nhà báo Rafał Tomański, GS. TS. Małgorzata Pietrasak - ĐH Łódz, Ảnh: Võ Văn Long)


Anh cả, quân đội trong tình trạng cho vào viện bảo tàng, những bước thận trọng trên từng tảng đá khi vươn ra biển – những từ ngữ này đã vang lên trong buổi tọa đàm về tình hình hiện nay của Việt Nam.

Hôm thứ Năm vừa qua, tại trường đại học Almamer ở Warszawa đã diễn ra buổi tọa đàm về những sự kiện đang xảy ra trên Biển Đông. Hội thảo do Viện Văn hóa và Khoa học Việt Nam của trường cùng Câu lạc bộ Lê Quý Đôn tổ chức. Chủ đề của buổi tọa đàm là chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tranh chấp nóng hổi

Từ đầu tháng 5, Trung Quốc đã hoạt động một cách hiệu quả để gây hấn người hàng xóm phía Nam của mình. Cuộc đọ sức diễn ra trên vài chiến tuyến. Trên Biển Đông số giàn khoan Trung Quốc đặt nhân lên, xem thường mọi yêu sách chủ quyền của Việt Nam và bất chấp sự phê bình của quốc tế đối với các hành động của Trung Quốc. Máy bay khu trục lượn trên đầu ngư dân Việt Nam, những người cứ vài ngày lại phải chịu đựng sự tấn công của hải quân Trung Quốc. Những chiếc máy bay này lẽ ra cũng phải ở chỗ khác. Cuộc chiến lan tới cả các thư viện, nơi cả hai phía cùng lục tìm những tài liệu lịch sử ngày một cổ hơn và đáng tin hơn khẳng định chủ quyền của các hòn đảo tranh chấp mà xung quanh chúng đang diễn ra tất cả mọi chuyện lùm xùm.

Trong buổi gặp ở đại học Almamer, mọi người được xem hai bản đồ cổ của Đức. Một bản đồ từ cuối thế kỷ XIX, một bản đồ từ thời giữa hai thế chiến. Cộng đồng người Việt ở Ba Lan đã mua chúng từ thư viện của Đức và sẽ gửi về Việt Nam trong thời gian gần nhất để làm bằng chứng rằng các quần đảo Hoàng są và Trường Sa thuộc về Việt Nam từ xưa. Đây không phải là hoạt động duy nhất của người Việt ở Ba Lan. Từ tháng 5 đã có hai cuộc biểu tình của cộng đồng trước đại sứ quán Trung Quốc phản đối sự có mặt của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam. 16 nghìn đô la Mỹ đã được quyên góp để giúp sức trong việc bảo vệ lãnh hải. Các sự kiện ở Warszawa này hầu như đã bị truyền thông Ba Lan bỏ qua.

Lòng nhiệt thành của người Việt

Trong cuộc gặp, có thể thấy được lòng nhiệt thành tha thiết của người Việt đối với việc bảo vệ lãnh thổ. Họ có những lý do nghiêm trọng để bất an, bởi vẫn chưa biết đến bao giờ Trung Quốc mới dời giàn khoan. Sụ không khoan nhượng trong các hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông không khiến cho những người dân thường cảm thấy yên ổn. May là chính quyền Việt Nam không mất bình tĩnh và không để cho bị khiêu khích. Những sự kiện xảy ra cách xa chúng ta hàng ngàn cây số có thể khiến ta nghĩ đến hành động của Nga đối với Ukraine và Crime. Trung Quốc là phiên bản Nam Á của nước Nga, là cường quốc vĩ đại với những khả năng quân sự vô hạn, bắt người khác phải theo ý mình. Việt Nam cũng tựa như Ucraine, muốn hướng đến phương Tây, muốn giữ vai trò là một trong những đồng minh quan trọng của Mỹ – bộ tham mưu Mỹ sẵn lòng nhìn thấy liên minh Mỹ cùng với Nhật, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam – và họ biết rằng trên nhiều lãnh địa họ có thể chiến thắng Trung Quốc về kinh tế. Hàng trăm những hòn đảo nhỏ nằm rải rác giữa Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia là Crime mà Putin Trung Quốc có thể tùy hứng đe dọa, xâm lược, xây căn cứ quân sự hay sử dụng cho những mục đích riêng.

Trung Quốc tạo ra những chủ thể quốc tế mới dưới hình thức các đảo nhân tạo gần Philippines. Làm sao có thể xác định tình trạng pháp lý của những hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc đắp lên gần như từ con số không, nơi trên đó họ xây hàng đống nhà cửa, nền tảng cho các căn cứ quân sự và nơi thành phố nhỏ nhất của Trung Quốc được thành lập? Làm sao Việt Nam có thể giữ bình tĩnh và kiểm soát hành động của mình để có thể đương đầu được với gã khổng lồ từ hàng thế kỷ nay vốn coi họ chỉ như thằng em út? Đạo Nho và sự phục tùng đối với anh và những kẻ mạnh hơn xuất phát từ đạo Nho khiến cho những người nhỏ hơn và yếu hơn phải chịu sự bất tương xứng. Một đất nước được hình thành và tồn tại trong tinh thần của những tương quan lực lượng bất bình đằng qua nhiều thế kỷ như thế phải làm thế nào để đấu tranh cho lý lẽ của mình? Việc hiện đại hóa quân đội có ý nghĩa gì nếu đằng nào thì tầm vóc khả năng quân sự của Việt Nam cũng không thể chống lại được sức mạnh của Trung Quốc? Và cuối cùng, từ những hành động của Trung Quốc từ trước tới nay có thể dự đoán được những động thái tiếp theo của họ hay không? Hành động ráo riết quá mức trên Biển Đông của Trung Quốc hiện nay bắt nguồn từ những động thái trước đó của chính phủ họ. Hai năm trước, người Trung Quốc được nhận hộ chiếu mới với hình bản đồ có vẽ các quần đảo tranh chấp, còn từ một năm rưỡi nay người Nhật đã thấy Trung Quốc sát sạt trong cuộc tranh giành một quần đảo khác là Senkaku / Diaoyu.

Hậu quả có thể nghiêm trọng

Những vấn đề này đòi hỏi phải suy nghĩ rất nhiều, bởi những bất an ở châu Á có những hậu quả nghiêm trọng cho cả thế giới. Hậu quả của việc số tàu hải quân và hải giám Trung Quốc tập trung lên đến mức nguy hiểm có thể gây ra thảm họa kinh tế và chính trị không chỉ cho Việt Nam và Philippines, mà còn cho cả Nhật, Trung Quốc và Mỹ – người đang chăm chú quan sát tình hình trong khu vực. Những xáo trộn ở châu Á có thể lan rộng hậu quả ra thế giới rất nhanh, và khi đó người ta mới thấy rằng lẽ ra nên suy nghĩ sớm hơn và giúp đỡ trong việc giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ bề ngoài có vẻ như vô hại và chẳng mấy quan trọng liên quan đến vài hòn đảo nhỏ xíu mấp mé nổi lên mặt biển, nơi chẳng có nước ngọt, nhưng lại có hàng nghìn con rùa biển đẻ trứng to tới vài kí lô.

(bài đăng trên nhật báo Rzeczpospolita ngày 04.07.2014, Thái Linh dịch)
http://www.rp.pl/artykul/628874,1123359-Wietnamska-sprawa-bliska-Polsce.html

Một số hình ảnh từ buổi tọa đàm:














(Ảnh: Võ Văn Long)