Tunisie là một đất nước nhỏ bé với chưa đầy 10 triệu dân, nằm khép nép giữa Algeria và Libia, ở Bắc Phi, bên bờ Địa Trung Hải. Cả „Tunisie” và „châu Phi” đều là những từ rất xa lạ đối với tôi, nhưng chính vì thế lại rất hấp dẫn và hứa hẹn đầy niềm vui khám phá.
Chúng tôi đến Tunisie vào những ngày cuối tháng 8. Châu Phi nghe thì thật là xa, nhưng thực ra Tunisie chỉ cách Ba Lan gần 3 giờ bay. Điều bất ngờ đầu tiên mà Tunisie dành cho chúng tôi là hoa. Những giàn hoa giấy, rồi hoa dâm bụt, hoa ngũ sắc, hoa đồng hồ ... nở tưng bừng rực rỡ trong nắng hè, khiến chúng tôi có cảm giác như mình đang ở Việt Nam. Tunisie đã chào đón chúng tôi như thế, bằng nụ cười tươi tắn của những loài hoa dân dã nước mình. Và Tunisie là vậy – vừa mới lạ vừa thân quen, tưởng xa mà lại rất gần...
Chúng tôi nghỉ ở Hammamet Yasmine, một thành phố du lịch sạch vào bậc nhất Tunisie, cũng là nơi có bờ biển đẹp nhất. Nằm trên bán đảo Cap Bon, rất gần đảo Sicily của Ý, Hammamet Yasmine còn được gọi là „Vườn Địa Đàng” hay „Thành phố hoa nhài”. Và hoa nhài chính là điều bất ngờ thú vị tiếp theo của Tunisie. Buổi sáng đầu tiên ở Hammamet Yasmine, tôi ngỡ ngàng tận hưởng mùi hương hoa nhài thanh khiết, dịu dàng lan tỏa trong khuôn viên khách sạn. Không gian trong veo như những buổi sớm tinh khôi của một thời thơ ấu, trong mảnh vườn nhà ông bà ngọai ngày nào...
Một ngày mới bắt đầu. Sau bữa sáng, mọi người đi tắm biển hoặc giải trí bên bể bơi. Trời xanh. Nước xanh. Nắng vàng rực rỡ mà không gay gắt. Dưới tán rợp của những chiếc ô lá cọ, người ta có thể nằm dài hong nắng sau khi đã bơi lội thỏa thích, thư giãn trong tiếng nhạc khi êm dịu lúc rộn ràng và quên hết những ưu tư lo lắng thường ngày. Các nhân viên khách sạn nhiệt tình, dễ mến, hướng dẫn mọi người tập aerobic và thể dục dưới nước theo nhạc, hoặc bày những trò chơi vui nhộn quanh bể bơi. Cuộc đời trở nên thật đáng yêu và chan hòa niềm vui sống.
Sau một ngày nghỉ ngơi lười biếng, chúng tôi bắt đầu cuộc khám phá Tunisie bằng chuyến thăm quan Tunis-Carthage-Sidi Bou Said. Tunis, thủ đô của Tunisie, nằm ở phía Bắc, cách Hammamet Yasmine chừng 60 cây số. Càng đi về phía bắc, cây cối càng xanh tươi. Miền bắc là vùng có nhiều mưa nhất, với lượng mưa khoảng 1500 mm một năm. Ở đây có rừng, có các loại nấm và rau củ quả như ở châu Âu. Miền Trung có lượng mưa bằng một nửa miền Bắc, cây cối thưa thớt, chủ yếu là ô-liu. Miền Nam khô cằn nhất, chỉ có sa mạc và bán sa mạc, có những nơi 2-3 năm mới có mưa một lần. Do đó, cư dân tập trung chủ yếu ở miền Bắc. Hơn một phần ba người dân Tunisie sống bằng nghề du lịch.
Ngôn ngữ chính ở Tunisie là tiếng Ả rập và tiếng Pháp. Tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc trong các trường trung học. Vì thế, đến Tunisie bạn có thể giao tiếp rất thoải mái. Trong khách sạn, các nhân viên tiếp tân còn có thể nói trôi chảy tiếng Ý và tiếng Đức. Người Đức sang Tunisie du lịch rất đông, chỉ riêng năm 2003 đã có tới 600 ngàn người Đức đến đây nghỉ hè.
Thủ đô Tunis ồn ào, bụi bặm và kẹt xe giống như Sài Gòn vậy. Thành phố này có tới hơn 10 ngàn chiếc xe taxi, tất cả đều được sơn màu vàng. Hơn một phần ba lái xe taxi là phụ nữ. Tuy là một nước theo đạo Hồi, nhưng phụ nữ ở Tunisie có địa vị khá tốt. Tổng thống đầu tiên của Tunisie đã bỏ chế độ đa thê từ năm 1958 và mang đến cho phụ nữ nhiều quyền lợi, trong đó có quyền được đi làm như nam giới. Hiện nay Tunisie có 2 nữ bộ trưởng.
Người Tunisie treo ảnh tổng thống ở khắp nơi, kể cả trong tiệm ăn và khách sạn, thậm chí trước cửa ... nhà vệ sinh! Tổng thống hiện nay của Tunisie là người có tư tưởng tiến bộ và rất chú trọng đến giáo dục, ông đã từng tốt nghiệp đại học quân sự ở Mỹ và từng làm đại sứ Tunisie tại Ba Lan.
Trước các cơ quan của chính phủ đều có treo cờ và nghiêm cấm quay phim chụp ảnh. Tôi và cô bạn vì không biết điều này nên đã bị cảnh sát huýt còi nhắc nhở ầm ĩ khi chúng tôi đang quay phim chụp ảnh tháp đồng hồ trên đại lộ chính của Tunis. Nghe nói trong giải bóng đá Châu Phi vừa rồi, sau khi các cầu thủ Tunisie giành cúp vô địch, một cổ động viên nồng nhiệt đã leo lên tháp đồng hồ này và ...nhảy xuống đài phun nước bên dưới. Rất may là anh ta không hề hấn gì.
Đến Tunis cũng như các thành phố khác của Tunisie, bạn có thể sẽ nhìn thấy một cảnh tượng lạ mắt: trong các quán cà phê hai bên hè đường, các quí ông ngồi rất đông. Họ không nói chuyện với nhau mà tất cả đều ngồi quay mặt hướng ra đường phố, suốt cả ngày như vậy. Hầu như không thấy bóng dàng phụ nữ, nếu có thì cũng chỉ là khách du lịch. Hỏi ra mới biết, những người đàn ông trong quán cà phê là những người thợ lao động chân tay, thợ mộc, thợ nề, họ đang ngồi chờ việc. Nếu ở Tunisie bạn muốn thuê thợ thì ra quán cà phê, chủ quán sẽ chỉ cho bạn đúng bàn có người thợ mà bạn cần tìm. Thất nghiệp ở Tunisie khá cao, con số chính thức là 12%, nhưng trên thực tế, con số này có thể lên đến hơn 20%.
Khu phố cổ của Tunis nằm cuối đại lộ chính, rất giống Hàng Ngang – Hàng Đào ở Hà Nội, nhưng chật chội hơn nhiều. Mọi người chen chúc đi, chen chúc bán bán mua mua những mặt hàng thủ công mỹ nghệ đầy màu sắc bày đầy hai bên đường phố. Dù muốn dù không, bạn nhất định phải ...mặc cả. Những người bán hàng ở Tunisie nói thách không kém gì chợ Bến Thành, thậm chí còn khủng khiếp hơn. Họ thường „trông mặt mà bắt hình dong”, hỏi xem bạn là người nước nào trước khi „hét” giá. Sau vài lần mua bán, chúng tôi đã rút ra được kinh nghiệm: tốt nhất nên nhận mình là người Cam-pu-chia, cùng lắm là Philippines hay Malaysia, bởi vì họ chẳng biết Việt Nam là nước nào cả. Nếu dại dột mà nhận là người Nhật hay Hồng Kông, bạn sẽ được nghe một cái giá trên mây và lập tức trở thành nạn nhân của những người bàn hàng. Họ sẽ „chăm sóc” bạn tận tình bằng đủ mọi phương cách, thậm chí dồn bạn vào một góc, bắt bạn phải nói chuyện với họ, lúc đó bạn chỉ còn một cách tốt nhất để thoát thân là ... mua đại một món gì đó! „Chiến tích” mặc cả oanh liệt nhất của tôi là trả giá cho một món đồ lưu niệm từ 285 dinar xuống còn ...21 dinar! Anh bán hàng vừa hỏi đi hỏi lại xem tôi có bị điên không, vừa nhận tiền và ấn món đồ vào tay tôi, sau đó còn than thở rằng mình sắp sạt nghiệp. Mua bán ở Tunisie là như thế, vừa kinh hoàng vừa buồn cười. Là người Việt Nam mà tôi còn thấy rờn rợn, không hiểu những du khách Tây Âu thì sẽ xoay xở chống đỡ ra sao.
Tunis có bảo tàng Bardo, nơi lưu giữ các bức tranh ghép mảnh (mosaic) nhiều và quý nhất thế giới. Những bức tranh ghép mảnh mang trong mình các sự tích khác nhau, có những bức rộng tới vài chục mét vuông, khiến du khách trầm trồ thán phục bàn tay tài hoa của những nghệ nhân xưa. Bảo tàng Bardo là đã được UNESCO xếp hạng là di sản văn hóa thế giới.
Nằm bên bờ biển ngoại ô Tunis là khu di tích Carthage. Thành phố Carthage được hình thành từ năm 814 trước công nguyên. Nơi đây từng là một trung tâm thương mại sầm uất, người Carthage nổi tiếng giỏi buôn bán và sản xuất rượu nho, dầu ô-liu, lúa mạch... Họ cũng nổi tiếng vì sự lạnh lùng tàn bạo đối với những người dân bị họ đô hộ. Carthage đã có giai đoạn vô cùng hưng thịnh, từng thống trị cả bờ biển Sicily, bán đảo Iberia, Malta, Baleary ..., cuối cùng tàn lụi sau ba cuộc chiến tranh với người La Mã. Carthage bị người La Mã san bằng, một đế quốc cuối cùng bị chôn vùi trong đất đá. Dấu tích của một Carthage lừng lẫy thủa nào giờ chỉ còn sót lại chút đổ nát của một khu nhà tắm dành cho vua chúa thời xưa. Biển vẫn xanh màu xanh tuyệt đẹp ngoài kia, những chiếc tàu trắng nhẹ nhàng rẽ sóng trong làn gió nhẹ. Biển từng là chứng nhân cho những thăng trầm dâu bể của Carthage, biển giấu trong lòng mình biết bao điều bí mật, giờ đây như đang âu yếm vỗ về và xoa dịu những vết thương xưa...
Không xa Carthage là Sidi Bou Said, khu phố xinh đẹp nằm trên một ngọn đồi cao bên bờ biển. Mọi căn nhà ở đây đều được quét vôi trắng, tất cả các cánh cửa đều được sơn màu xanh lam. Theo quan niệm của người Ả Rập, màu trắng tượng trưng cho đất, màu xanh lục tượng trưng cho thiên đường và màu xanh lam là màu đem đến may mắn hạnh phúc. Sidi Bou Said mê hoặc tôi bởi những con hẻm nhỏ và bất ngờ, với những cầu thang dốc dẫn ra biển. Đột nhiên biển hiện ra cùng với một con hẻm, xanh như thơ và bình yên đến không ngờ. Cứ thế, biển ẩn nấp và tặng cho du khách những thoáng xanh bình yên. Cho đến cuối con đường đá dốc, biển bỗng hiện ra mênh mông và thăm thẳm dưới chân mình. Còn gì tuyệt vời hơn khi được tay trong tay cùng người yêu dấu tản bộ trên con đường thơ mộng của Sidi Bou Said, hay ghé vào một quán cà phê đâu đó trên triền dốc, ngồi bên nhau đón làn gió biển nồng nàn... Sidi Bou Said vốn được mệnh danh là „con đường dạo chơi của những người tình”.
Nhưng còn một Tunisie hoàn toàn khác đang chờ chúng tôi khám phá – Tunisie của sa mạc Sahara huyền bí, của lạc đà, các ốc đảo và những cây chà là. Tunisie của châu Phi. Chuyến thám hiểm 2 ngày đến miền Trung-Nam Tunisie đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó phai mờ, và có lẽ, đó là 2 ngày đáng nhớ nhất trong năm của chúng tôi.
Điểm đầu tiên của cuộc hành trình là El Jem, nổi tiếng với đấu trường La Mã được xây từ những năm 214-218 sau công nguyên. Tuy không lớn bằng đấu trường ở Rome, nhưng colosseum El Jem được giữ gìn nguyên vẹn nhất thế giới. Giờ đây, colosseum này là nơi trình tấu nhạc cổ điển quốc tế. Hàng năm giàn nhạc giao hưởng Vienne đều tới đây biểu diễn. Đây cũng là nơi thực hiện các cảnh quay trong bộ phim Ba Lan „Quo Vadis”.
Rời El Jem, chúng tôi đi qua vùng trồng ô-liu lớn nhất Tunisie (với hơn 60 triệu gốc ô-liu) để đến Matmata. Đây là vùng đồi núi bán sa mạc. Người dân Matmata ở trong các ngôi nhà đục ngay vào lòng núi để tránh nóng. Họ sống rất đơn sơ, nằm ngủ dưới đất trên tấm nệm lông cừu. Họ sống trong một thế giới khác, yên tĩnh gần như tuyệt đối và hoàn toàn xa lạ với thế giới hiện đại ngoài kia.
Chúng tôi tới Douz, nơi có tới mấy chục ốc đảo san sát nhau. Chỉ thấy chà là và chà là. Chúng tôi thỏa thích ngắm nhìn những cây chà là chi chít trái chín vàng ươm, nguồn sồng ngọt ngào của sa mạc. Tôi bỗng nhớ đến một câu của Paulo Coelho „Có thể Thượng đế tạo ra sa mạc chỉ để cho con người biết quí trọng cây chà là”. Món quà quí báu của Thượng đế giờ đây đang hiện diện đầy quanh tôi, thật hào phóng và xanh tươi.
Douz cũng là nơi tổ chức các cuộc đua lạc đà hàng năm. Các chú lạc đà đua được xếp vào loại đắt giá nhất. Tiếp theo là lạc đà để phối giống. Lạc đà chuyên chở thuộc loại rẻ tiền nhất. Lạc đà đối với người dân Tunisie cũng là một lọai tài sản, như trâu bò đối với người nông dân Việt Nam vậy.
Và đây, sa mạc Sahara đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Sa mạc huyền bí mà tôi từng say mê qua những trang sách Paulo Coelho! Chúng tôi mặc trang phục Ả rập được phát, leo lên lưng lạc đà và đi sâu vào lòng sa mạc. Những chú lạc đà hiền lành bước thong dong trên cát. Cát sa mạc mịn như bột mì và không hề nóng bỏng như tôi tưởng tượng mà chỉ hơi âm ấm. Màu xanh của các ốc đảo hiện lên xa xa cuối chân trời. Tôi đã từng ước mơ được nhìn thấy sa mạc. Giờ đây sa mạc ở ngay dưới chân tôi. Gió sa mạc thổi nhè nhẹ. Không biết có phải là những ngọn gió Levante không nhỉ? Tôi đang vừa lắc lư mơ màng trên lưng lạc đà vừa tận hưởng cảm giác say sưa khi giấc mơ trở thành hiện thực thì chợt nghe tiếng nhạc điện thoại di động của cô bạn kêu réo rắt. Mấy người trong đoàn cười ồ. Thì ra có người ở Warszawa muốn rủ bạn tôi đi ăn cưới. Bạn tôi phải xin lỗi không đi được với lý do hiếm thấy: vì đang bận cưỡi lạc đà trên sa mạc Sahara!
Sáng hôm sau, chúng tôi đến Chott El Djerid, hồ nước mặn lớn nhất châu Phi. Tùy theo nồng độ muối, nước sẽ có các màu khách nhau. Với độ mặn 30-40% nước có màu hồng; 50-60% - màu đỏ và 80-90% thì là màu tím. Muối kết tinh trong lòng đất thành những hình thù đẹp mắt, trông như những bông hoa. Người dân đắp muối thành hình những chú lạc đà, hình người, hình ngôi nhà rất sinh động. Ánh nắng sớm trải dài trên mặt hồ, không gian bao la thoáng đãng khiến lòng người cũng như khóang đạt hơn.
Những người ưa thám hiểm chắc chắn sẽ rất vui thích với phần sau của hành trình: đi xe Jeep lên ốc đảo trên núi ở Chebika. Ở đây có thác nước, như phép thần giữa cả một vùng sỏi đá khô cằn. Thác nước không lớn lắm, nhưng giữa sa mạc thì lại là cả một kỳ quan.
Giờ đây, Warszawa đang chớm vào thu. Mùa hè đã khép lại sau lưng với những kỷ niệm rực rỡ sắc màu, nhưng dư âm của Tunisie vẫn còn ấm áp trong tôi. Bất giác, tôi thấy mình đang lẩm nhẩm những câu hát quen thuộc „Em muốn được cùng anh về vùng biển vắng, mình sẽ sống những ngày hè rực nắng...Dưới bóng dừa lả lơi, sẽ nói yêu anh mãi, nói những lời yêu thương đã từ lâu ôm ấp trong lòng hoài...”
Vác-sa-va, tháng 9.2004
(Bài đã đăng trên các báo "Nối vòng tay lớn" (Ba Lan), Quốc Tế (Việt Nam), Thương Mại (Việt Nam)).