Sunday, 22 February 2009

Tristesse

(Nhà Chopin, tranh sơn dầu của Nguyễn Thị Hòa)

*


Tôi xa Hà Nội vào một ngày đầu hè năm tôi mười bốn tuổi, và trở về sau đúng mười bốn năm. Thật kỳ lạ. Mười bốn năm thơ ấu đủ để tôi biết mình là người Việt Nam. Mười bốn năm xa Việt Nam đủ để tôi không biết mình là ai. Mười bốn năm trước để tôi nhớ Hà Nội, mười bốn năm sau để tôi nhớ Vác-sa-va.


Thế là trở về thật sao? Trở về hay là ra đi? Mùa này Vác-sa-va đang rực rỡ. Bồ công anh vàng rực ven đường và trên các triền đồi trong thành phố. Những con đường tím ngát tử đinh hương mà tôi vẫn say mê. Những đóa hoa trà sắc hồng sắc trắng nở bung thật hào phóng từ những cái nụ ngỡ là nhỏ bé. Hoa linh lan trắng như những chùm chuông bé xinh xinh, hoa lưu ly tím mong manh một lời nhắn nhủ “xin đừng quên tôi”, hoa chuông biêng biếc như “những giọt trời xanh trên mặt đất”. Hoa cúc áo, hoa păng xê, hoa mõm chó và vô vàn những loài hoa tôi chẳng biết tên nở tưng bừng trong các nhà vườn ven ô. Một chút nữa thôi, uất kim hương và huệ tây sẽ ào ạt phủ màu lên những vườn hoa và công viên. Hoa thuốc phiện sẽ đỏ thắm nồng nàn trên các cánh đồng. Rồi bao nhiêu loài hoa đồng nội khác.... Tôi yêu bản giao hưởng màu sắc xuân hè tưng bừng mà tinh khôi ấỵ Tôi yêu và tôi nhớ....


Tôi nhớ những buổi chiều muộn đi dạo trên Thành Cổ, lắng nghe tiếng giày mình lộp cộp gõ trên đá chân mèo, nhìn dòng người qua lại và nghe tiếng đàn quay của một ông lão vui tính. Tôi nhớ công viên Lazienki và các buổi trình tấu piano ngoài trời. Mùa hè, vào mỗi cuối tuần, mọi người đều có thể đến đây nghe các nghệ sỹ chơi nhạc Chopin, bên tượng đài của ông, giữa vườn hoa hồng mênh mông. Đám thanh niên thường nằm lăn ra cỏ, vừa nghe nhạc vừa ngó nghiêng trời mây, nhường chỗ cho các bậc lớn tuổi mũ áo chỉnh tề.

Nhớ căn nhà nhỏ ở Zelazowa Wola, nơi Chopin đã chào đời, cây cầu nho nhỏ, một dòng nước xinh, tiếng đàn piano réo rắt theo từng bước chân trong vườn. Và nhớ trường Tổng Hợp của tôi, nơi có căn nhà Chopin từng sống thời niên thiếu. Hóa ra những gì gắn với Chopin đã thân thiết với cuộc sống của tôi tự bao giờ. Tôi đã yêu bản Tristesse bằng mối tình đầu. Mà sao laị là Tristesse, tại sao lại là tiếc nuối nhỉ. Tôi chợt nghĩ đến một câu nói : “Bâ’t cứ sự thay đổi nào cũng mang trong nó chút tiếc nuối”. Đang có một thay đổi lớn trong cuộc sống của tôi. Và rồi cuộc đời sẽ còn đem đến cho ta bao nhiêu đổi thay dâu bể? Ôi, bản Tristesse định mệnh của tôi! Những thành phố tôi đã đi qua, những con người tôi đã gặp và yêu mến, những kỷ niệm trong trái tim tôi, bao âm hưởng, bao sắc màu và hình ảnh, tiếp nối theo nhau, cuốn theo nhau, quyện vào nhau, tan trong nhau, để vang lên tha thiết và nồng nàn như bản Tristesse tôi sẽ mang theo suốt cuộc hành trình dài trên mặt đất này. Trong cuộc hành trình ấy, giống như người phi công trên sa mạc trong truyện Hòang Tử Bé mà Hoàng Phủ Ngọc Tường có lần đã nhắc, tôi sẽ không được phép nản chí và gục ngã, bởi vì những người thân yêu và bạn bè không tin là tôi sẽ gục ngã, và tôi không thể phụ lòng tin ấy, không thể phụ Tristesse của tôi. Tôi sẽ phải đứng dậy và bước tiếp như người phi công kia. Cuối cùng, tất cả những gì ta có được trong cuộc đời này đều bắt nguồn từ tình thương yêu và lòng tin của những người thân thiết quanh ta. Không có sự tin yêu của người thân, của bạn bè, có lẽ ta đã tan biến từ lâu trong cát bỏng sa mạc.

Cảm ơn Tristesse, cảm ơn Cuộc Đời, cảm ơn Tình Yêu và Tình Bạn....

Hà Nội, tháng 5/2003


Saturday, 14 February 2009

Chúng ta biết quá nhiều về tình yêu

Chúng ta biết quá nhiều về tình yêu

Về adrenaline và các hóc môn

Các quá trình hóa học

Về số lượng vi trùng trong mỗi nụ hôn

Về khoảng cách an toàn

Về não đàn bà và não đàn ông...


Chúng ta biết quá nhiều về tình yêu,

Nhưng chúng ta gần như không biết gì

Về TÌNH YÊU.

(20.10.2008)

Saturday, 7 February 2009

Rodos, viên ngọc trai của Địa Trung Hải


Biển xanh, nắng vàng, cát trắng, với cả bầu trời Địa Trung Hải trên đầu và niềm vui „xê dịch” – có lẽ chẳng còn gì hấp dẫn hơn thế trong những ngày mây mù ẩm ướt của Vác-sa-va này. Vậy là chúng tôi lên đường. Điểm đến là Rodos, hòn đảo xinh đẹp miền đông nam Hy Lạp vốn được du khách rất yêu chuộng.

Rodos nằm giữa ngã ba châu Âu, châu Á và châu Phi trên biển Địa Trung Hải. Cuối xuân đầu hạ, từ trên máy bay nhìn xuống, Rodos xanh mướt như một trái ô-liu non. Theo thần thọai Hy Lạp, đây là hòn đảo của thần mặt trời Helios, mang tên người vợ của thần. Phải chăng vì thế mà Rodos quanh năm chan hòa ánh nắng. Và Rodos đã đón chào chúng tôi bằng nụ cười thật rạng rỡ xinh đẹp mà cũng đầy bí ẩn...

Biển, nắng và ...gió

Với khoảng 100 ngàn dân và 220 km bờ biển, hàng năm Rodos đón gần 1,3 triệu lượt khách du lịch. Du khách từ khắp nơi trên thế giới đến đây để hưởng những ngày nghỉ ngơi thoải mái với biển, với nắng. Nắng không thể trong hơn và biển không thể xanh hơn. Hầu như ở bãi biển nào cũng có thể lướt sóng, lướt ván và chơi các môn thể thao dưới nước khác. Sôi động nhất là Lindos và Faliraki. Thế nhưng Rodos vẫn có những bãi biển hoang sơ, những khoảng lặng thật bất ngờ. Cách Faliraki không xa là vịnh Athony Quinn ở Ladiko, một vịnh nhỏ vắng lặng và rất yên tĩnh. Không nghe thấy cả tiếng sóng vỗ. Thời gian như ngưng lại nơi đây. Những tảng đá hiền lành, màu xanh thăm thẳm của trời, màu xanh biếc xanh của biển... Nước biển Rodos ở đâu cũng trong. Ngay cả ở bến cảng, nước vẫn trong veo và có những đàn cá con bơi tung tăng. Nhưng có lẽ nước trong hơn cả là ở Tsambika, bãi biển đẹp vào bậc nhất của Rodos với những con sóng nhỏ dịu dàng vỗ về và bờ cát mịn màng cong cong quyến rũ.

Nhưng ngoài biển và nắng, Rodos còn có... gió. Vừa mới ở ngoài nắng nóng là thế, vào bóng râm đã lại thấy se se lạnh. Gió lồng lộng bên bờ biển. Gió vi vút trên những sườn núi, triền đồi. Ở đâu cũng có gió. Phải chăng đây chính là những cơn gió thần thoại xa xưa từng làm bay tung mái tóc nàng Daphne xinh đẹp, nữ thần của cỏ cấy suối nước, khi nàng chạy trốn tình yêu của thần Apollo... Những tán cây nguyệt quế mà nàng hóa thân đang xào xạc bên đường. Gió vẫn vuốt ve mái tóc nàng tự ngàn năm, hay lời yêu đương của thần Apollo vẫn đang thì thầm?


Phố cổ Rodos và vệ thành Lindos

Với hơn 3000 năm lịch sử, Rodos có một nền mỹ thuật rất phát triển, nhất là nghệ thuật làm đồ gốm sứ và nghệ thuật điêu khắc. Vào năm 42 trước CN, người La Mã đã chiếm đảo Rodos và lấy đi hơn 3000 phẩm vật. Rodos là quê hương của tuyệt tác Laocoon nổi tiếng, bức tượng diễn tả cảnh thần Laocoon và hai người con trai đang đánh nhau với con trăn biển khổng lồ, hiện đang được trưng bày ở bảo tàng Vatican. Một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại là tượng thần Helios bằng đồng, cao 33 mét, nặng 70 tấn, được những người thợ Rodos làm ròng rã trong suốt 12 năm (từ năm 292 đến năm 280 trước CN). Tương truyền, bức tượng được dựng trên lối vào cảng của thành phố Rodos, nay là thủ phủ của đảo Rodos. Vào năm 226 trước công nguyên, bức tượng đã bị phá hủy trong một trận động đất.

Đến thành phố Rodos, chắc chắn không thể bỏ qua khu phố cổ, nơi mỗi viên đá đều mang một câu chuyện trong lòng. Có những viên đá kể về các đội quân thập tự chinh, có những viên đá vang vọng nỗi đau bị La Mã và Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng, có tảng đá ca ngợi vẻ đẹp của nàng Aphrodite, nữ thần Tình Yều và Sắc đẹp... Nhưng tôi lại nhớ nhất những viên đá cuội bình dị trên các vỉa hè phố cổ. Người ta chọn các viên đá cuội tròn trịa, cỡ gần bằng nhau, màu trắng hoặc màu xám đậm, xếp thành hoa văn lát kín vỉa hè, rất kỳ công. Những viên đá đã được sóng biển mài nhẵn, ngày càng bóng lên dưới bao bàn chân người qua lại. Những viên đá nhỏ bé và khiêm nhường, ngày ngày lặng lẽ dạy cho ta bài học của thời gian.

Thành phố Lindos nằm bên bờ đông, cách thủ đô Rodos khoảng 55 km. Theo Homer, Lindos được xây dựng vào thế kỷ XII trước CN. Vệ thành (acropolis) Lindos là nơi bất cứ du khách nào khi đến đảo Rodos cũng nhất thiết phải ghé thăm. Trên đỉnh vệ thành - điểm cao nhất của Lindos - là di tích đền thờ thần Athena (thế kỷ IV trước CN). Những bậc thang cuối cùng dẫn lên đền thờ còn được gọi là „thang lên trời” Từ đây nhìn xuống, một bên là biển xanh bao la, một bên là những mái nhà trắng xinh đẹp của Lindos, hít thở đầy lồng ngực bầu không khí trong lành, giữa không gian khoáng đạt lồng lộng, giữa vô hạn của thời gian và hữu hạn của cuộc sống, bạn sẽ cảm thấy như mình đang đứng trên đỉnh của thế giới.

Dolce Vita

Cuộc sống ở Rodos thật tươi đẹp. Những ngày cuối xuân, hoa phủ đầy trên các triền núi, sườn đồi. Hoa anh túc đỏ thắm, bồ công anh vàng rực, hoa cúc dại trắng hồn nhiên, và rất nhiều các loài hoa núi li ti, những thứ hoa đồng nội đầy màu sắc mà tôi chưa kịp biết tên. Rodos là thiên đường của các nhà thực vật học. Có tới 29 loài cây chỉ sống ở đây. Ở Petaloudes phía đông bắc Rodos có một thứ cây mà loài bướm rất yêu thích. Từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm trong thung lũng này có tới hàng trăm ngàn con bướm cư ngụ. Petalaudes còn có tên là Thung Lũng Bướm (Valley of Butterflies).

Rodos còn cho riêng tôi khoảnh khắc ngỡ ngàng cảm động khi nhìn thấy khu vườn đầy hoa loa kèn trong một biệt thự bên đường. Đúng thứ hoa loa kèn trắng thanh tinh khiết tôi yêu, thứ hoa e ấp dịu dàng vẫn tràn ngập phố phường Hà Nội vào mỗi tháng tư mà đã lâu lắm rồi tôi chưa được nhìn thấy. Cả một Hà Nội của tuổi thơ chợt ùa về rưng rưng trong mùi hương loa kèn bên bờ Địa Trung Hải. Chợt thấy Rodos như một người bạn đã quen từ lâu.

Nhưng có lẽ đối với du khách, hình ảnh Rodos luôn gắn liền với những ngôi nhà trắng xinh xắn bên giàn hoa giấy rực rỡ, hay bên bụi hoa râm bụt đỏ. Tôi đã gặp những ngôi nhà như thế ở Lindos và ở Pastida - một làng nhỏ cách thành phố Rodos chừng 14 km. Ở đây, chúng tôi đã được hưởng một buổi tối Hy Lạp tuyệt vời. Du khách từ khắp nơi đến nơi này, quây quần bên nhau, nghe những bản nhạc truyền thống Hy lạp, nhảy những điệu nhảy Hy Lạp, thưởng thức các món ăn dân dã, nhấm nháp chút ouzo - thứ rượu "quốc lủi" của Hy Lạp. Chỉ có niềm vui và tình thân ái, thế giới đại đồng. Không cần biết bạn là ai, bạn làm gì, bạn từ đâu tới, chỉ biết giờ này bạn ở Rodos, ở Pastida, bạn hít thở chung bầu không khí Hy Lạp này. Ông triệu phú người Nga tay trong tay, vai kề vai nhảy múa hò hét với bà cụ già hưu trí người Anh. Cô gái Hàn Quốc xinh tươi nồng nhiệt trong vũ điệu rộn ràng với chàng vũ công Hy Lạp có gương mặt đẹp như tượng thần... Đêm có thể kéo dài đến vô tận. Khi ra về, vẫn còn đọng lại mãi trong lòng du khách niềm vui chan chứa và ánh mắt nụ cười của các chủ nhân.

Không chỉ ở Pastida, đâu đâu trên đảo Rodos tôi cũng gặp những ánh mắt nụ cười thân thiện của người bản xứ. Người Rodos nồng nhiệt, hiếu khách và văn minh. Trước các tiệm ăn, nhân viên phục vụ ra tận cửa mời chào, nói chuyện vui vẻ với khách qua lại, nhưng rất lịch sự. Không có chuyện lôi kéo mời mọc mà như ép uổng giống ở Việt Nam, cũng không lạnh lùng cảnh vẻ như ở Pháp. Khi dùng bữa trong tiệm ăn, ngoài người phục vụ luôn túc trực, người quản lý thỉnh thoảng lại đến hỏi xem bạn có hài lòng không. Tại khách sạn chúng tôi ở, hàng ngày khi người quản lý phòng ăn xuất hiện, việc đầu tiên ông làm là đi một vòng chào tất cả các thực khách đang có mặt. Ngoài phố, lúc cần hỏi đường, du khách sẽ được chỉ dẫn rất tận tình. Các bến taxi đều có sẵn bảng niêm yết giá đến từng nơi. Các quầy hàng bày đầy hàng hóa ra hè phố, từ đồ lưu niệm, đồ trang sức vàng bạc đến thực phẩm hoa quả v.v. Khách thích gì nhặt nấy rồi đem vào bên trong trả tiền, hoàn toàn tự giác. Rodos là một trong những nơi an toàn nhất thế giới, hầu như không có trộm cắp. La dolce vita.

Nhưng "Dolce Vita" còn là một bất ngờ khác của Rodos. Không chỉ nhãn hiệu nước hoa này của Christian Dior, mà hầu như tất cả các nhãn nước hoa khác của hãng này, cũng như của các hãng hàng hiệu khác từ Chanel, Guerlain, Givenchy đến Kenzo... đều được bày bán đầy trong các siêu thị, cửa hàng với giá khoảng 5-10 Euro. Kính mát Gucci, Ray Ban, quần áo Prada, D&C, Armani, Versace, Ralph Laurel v.v. cũng cùng chung số phận. Không ngờ ở một nơi giữa Liên Hiệp châu Âu mà hàng nhái lại được bày bán "thiên nhiên" như vậy. Tôi đành tự đoán mò, chắc vì Rodos ở ngay bên sườn Thổ Nhĩ Kỳ nên cũng bị ảnh hưởng không ít.

Tôi yêu Symi!

Những cô bé cậu bé học sinh người Hy Lạp đang đứng trên boong tàu đã kêu lên như thế, khi chúng tôi bắt đầu cập bến Symi - một đảo nhỏ cách Rodos khoảng 21 hải lí về phía tây bắc. Symi quả là đẹp như tranh. Bên bờ vịnh nhỏ, những ngôi nhà đầy màu sắc nằm san sát trên sườn đồi dốc đứng. Dưới bến, những chiếc du thuyền cắm cờ Hy Lạp, cờ Anh, Ý, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ... nằm kề bên nhau. Những người dân Rodos cũng thích đến đây chơi cuối tuần. Họ đi 2 giờ tàu thủy tới đây, ăn một bữa trưa, mua sắm chút đồ rồi lại đi tàu thủy về. Thỉnh thoảng họ cũng có thể đến nghỉ cả tuần. Không khí ở đây rất trong lành, phong cảnh thật dễ thương. Symi được xem là một trong những đảo đẹp nhất của Địa Trung Hải. Trước đây, Symi từng là thủ phủ của vùng Dodekanes, là nguồn cung cấp rong biển lớn nhất vùng. Tu viện Panormitis ở phía nam đảo Symi vô cùng đồ sộ, là tu viện lớn thứ 2 trong vùng.

Chúng tôi ghé vào một quán ăn bên bờ biển, các bàn ăn được kê trên vỉa hè xây cao, ngay sát mép nước. Màu nước xanh trong vắt. Mấy chú mèo ngồi bên chân bàn, lười nhác nhìn những đàn cá bơi lượn phía dưới. Gió biển thổi nhè nhẹ. Những con thuyền dong buồm trắng xa xa. Không thể ra về mà không luyến tiếc...

Tạm biệt nhé, viên ngọc trai của biển Địa Trung Hải! Nhất định chúng tôi sẽ trở lại Rodos, trở lại Symi, để khi tàu sắp cập bến, tôi cũng sẽ kêu lên thật to: "Tôi yêu Symi!"
(bài đã đăng trên Tạp chí Truyền hình, số ?/2008)

Giấc mơ đêm mưa Ngâu





Đêm xa anh
Trong giấc mơ em thấy mình là nước
Em lan chảy, trào dâng và đẫm ướt
Thấm vào lòng anh - mặt đất bao la...

Em là sông là suối hiền hoà
Êm trôi giữa đôi bờ trìu mến
Là thác đổ những khi cuồng nhiệt
Reo cùng anh - vách đá lưng trời

Cũng có khi lãng du muôn nơi
Giữa trời xanh em làm mây trắng
Một ngày kia, nỗi nhớ anh trĩu nặng
Em thành hạt mưa rơi
Sa xuống lòng anh - mặt đất muôn đời
Ấm áp thế, mà sao bình dị thế
Nồng nàn thế, mà bao dung trời bể
Thầm lặng thương yêu không nói một lời...

Ở trong lòng đất ẩm
Mầm sống mãi sinh sôi.

Thái Linh

Tuesday, 3 February 2009

Sự tích hoa nhã thảo


Thủa ấy, đã lâu lắm rồi, ở phía cuối chân trời kia, trong ngôi làng nhỏ ven rừng có một đôi bạn rất thân cùng nhau lớn lên.

Ngày ngày, cậu bé và cô bé cùng nhau chơi đùa. Khi thì họ rủ nhau vào khoảng rừng thưa, cậu bé hái những thứ quả ăn được đem chia cho cô bé. Họ thích thú lắng nghe tiếng chim chóc ríu ran trong vòm lá, nhìn những chú sóc nâu thoăn thoắt chuyền cành, hay ngắm nghía mấy chú ốc sên đầy màu sắc. Khi thì họ chạy đuổi nhau trên trảng cỏ bên bìa rừng, tóc cô bé tung bay trong gió. Cô bé có mái tóc óng ả đẹp tuyệt trần. Họ cũng hay ra bờ suối chơi, khi đó cậu bé lội xuống suối tìm nhặt những viên đá cuội thật đẹp, còn cô bé thì tha thẩn ven bờ, hái những bông hoa dại để kết thành vòng hay cài lên tóc. Cậu bé rất yêu mái tóc cô bé, cậu thích nghịch ngợm tát nước suối lên tóc cô, để những giọt nước long lanh li ti đọng vào đó lấp lánh sáng lên dưới ánh sáng mặt trời... Cậu thích nhất khi cô bé tết tóc thành bím, thích ngắm hai bím tóc dài trên vai cô bé tinh nghịch nhún nhẩy mỗi khi cô chạy ào đến với cậu, má ửng hồng...


Bên bờ suối có một ngôi nhà gỗ bỏ hoang. Ngày trước, có một ông lão gác rừng sống ở đó, nhưng từ khi ông bỏ đi, không còn ai gác rừng nữa. Ngôi nhà rất nhỏ và đã xiêu vẹo, nhưng nó lại là một chỗ trú ẩn lí tưởng cho đôi bạn những khi trời bất chợt đổ mưa. Một lần, họ tìm thấy một chiếc hòm bí mật đặt trong cái hầm nhỏ dưới nền nhà. Trong hòm không có gì hết, có lẽ trước đây ông lão gác rừng dùng nó để cất đồ đạc của mình. Mặc dù vậy, đôi bạn vẫn ngất ngây sung sướng vì khám phá này. Kể từ đó, chiếc hòm trở thành „thùng thư bí mật” của họ. Nếu không gặp nhau, họ để lại đấy cho nhau những món quà nho nhỏ, khi là cái bánh mẹ mới nướng, khi là bức tranh nhỏ mới vẽ, khi thì đơn giản chỉ là một viên đá, một cành hoa...
 
Năm cậu bé lên mười, gia đình cậu chuyển ra thành phố. Cậu bé và cô bé khóc hết nước mắt. Trước khi lên đường cùng cha mẹ, cậu bé nói với cô bé: „Bạn hãy giữ mãi mái tóc này cho mình nhé, nó rất đẹp. Mình sẽ rất nhớ bạn!”.
 
Từ đó họ bặt tin nhau. Vài năm sau, nhà cô bé cũng chuyển đi nơi khác, đến một nơi ồn ào và đông đúc mà người lớn thích. Người lớn thật khó hiểu. 
Thời gian trôi qua, cậu bé và cô bé ngày xưa cũng trở thành người lớn. Họ cũng dần dần trở nên khó hiểu. Nhưng thỉnh thoảng, trong những lúc tĩnh lặng hiếm hoi, họ nhớ lại ngôi làng bên cánh rừng thưa của thời thơ ấu và người bạn nhỏ ngày nào. Khi ấy, họ cảm thấy những điều khó hiểu bỗng trở nên rõ ràng và dễ hiểu hơn đôi chút.
 
Một buổi sáng mùa xuân, cậu bé giờ đã là một chàng trai trở lại thăm làng xưa. Chàng trai lang thang khắp nơi, nhưng mọi thứ đã trở nên xa lạ. Buồn bã, chàng đi ra bờ suối. 

Ngôi nhà gỗ của người gác rừng vẫn còn đó, lút trong cỏ dại và càng xiêu vẹo hơn. Chợt nhớ đến hòm thư bí mật, chàng tìm lại nắp hầm và kéo lên. May sao, cái hòm vẫn nằm đó. Chàng trai mở cái hòm ra, và sững người.
 
Trong hòm, bím tóc xinh xắn của cô bé nằm ngay ngắn, bím tóc mà chàng từng yêu đến thế. Nó được tết thêm những sợi ruy băng hồng, tím, trắng. Không hiểu vì sao cô bé lại cắt bím tóc đi và để lại đây cho chàng. Đây là một bí mật, vì cô bé vốn thích những điều bí mật.

Nhìn món quà của cô bé dành tặng cho mình, hình ảnh cô bạn nhỏ và bao kỷ niệm ấu thơ chợt ùa về, chàng trai nghẹn ngào lặng đi. Từ khóe mắt trên gương mặt phong trần của chàng, hai giọt lệ ứa ra, nhỏ xuống bím tóc. Chúng đọng lại trên đó một thoáng, long lanh và tinh khôi, rồi tan ra và biến vào những sợi tóc.
Chàng trai cất bím tóc về chỗ cũ rồi trở về thành phố.
 
Từ bím tóc của cô bé, nơi hai giọt lệ của chàng trai nhỏ xuống, kỳ lạ thay, những mầm cây nhỏ mọc lên, dài ra và nảy những chiếc lá nhỏ mỏng mảnh, mỗi ngày một nhiều hơn. Rồi những bông hoa li ti màu hồng, tím, trắng nở ra, phủ khắp thân cành, trông tựa những dải ruy băng trên bím tóc cô bé. Đám hoa lan ra thật nhanh, trông mỏng manh yếu đuối như vậy nhưng chúng thật dẻo dai, dù trời gió mưa hay nắng gắt, chúng vẫn tràn đầy sức sống. Đó chính là hoa nhã thảo, loài hoa của tình bạn thủa ấu thơ trong sáng và tinh khôi.

Mùa xuân năm sau, cô bé giờ đã là một cô gái cũng lại trở về thăm làng cũ. Cô gái tìm đến ngôi nhà của người gác rừng. Căn nhà gỗ cũ kỹ giờ đây ngập trong hoa nhã thảo, như bừng sáng lên trong sắc hồng, trắng, tím. Cô gái bàng hoàng, ngây ngất trước vẻ đẹp dịu dàng tinh tế của hoa, nàng đem chúng về thành phố trồng trên ban công nhà mình. 

Hàng xóm láng giềng thấy loài hoa đẹp và dễ trồng, mỗi người xin một ít. Từ đó, hoa nhã thảo xuất hiện ở thành phố, dần dà trở nên quen thuộc ở khắp nơi.
Chàng trai cũng nhiều lần đem nhã thảo về trồng trước hiên nhà. Chàng thích ngắm những bụi nước li ti long lanh đọng trên cánh hoa mỗi sáng tinh mơ. Chúng gợi cho chàng một cảm giác thân thương thuần khiết rất dịu dàng mà chàng không sao lý giải được. 

Nhưng cả chàng trai và cô gái đều không biết rằng loài hoa ấy mọc lên từ bím tóc kỷ niệm ngày xưa.

Bởi vì đó mãi mãi là một bí mật.

( Viết tặng con trai ngày đầy tháng, 9.7.2008)