Wednesday, 30 November 2011

Không có gì hai lần (Wisława Szymborska)

Thái Linh dịch

Không có gì xảy ra hai lần
và sẽ không. Vì thế
chúng ta sinh ra không theo thông lệ,
và chết đi chẳng bởi thói quen.

Dù chúng ta là những học viên
ngu dốt nhất của mái trường thế giới
thì ta cũng sẽ không đúp lại
một mùa đông hay mùa hạ qua rồi.

Không có ngày nào là sẽ tái hồi,
chẳng có hai đêm nào giống nhau đến hết,
không có hai nụ hôn y hệt
hai cái nhìn vào mắt như nhau.

Ngày hôm qua, ai đó như đâu
ở gần em, nhắc tên anh thành tiếng,
em thấy như có bông hồng chao liệng
rơi vào từ ô cửa sổ mở tung.

Ngày hôm nay, khi có anh cùng
em quay mặt vào tường lặng lẽ.
Bông hồng ư? Bông hồng nào thế?
Là hoa ư? Hay là đá, biết đâu chừng?

Vì sao ngươi, giờ khắc, cứ hòa cùng
với nỗi sợ nỗi bất an vô ích?
Ngươi hiện hữu – nên phải trôi qua, nhất thiết
Ngươi trôi qua – nên điều đó đẹp sao!

Mặt tươi cười, ôm lấy vai nhau,
ta cố gắng kiếm tìm thỏa hiệp,
dù chúng ta thật là khác biệt
tựa như hai giọt nước trong veo.

Nguyên tác:
        Nic dwa razy

    Nic dwa razy się nie zdarza
    i nie zdarzy. Z tej przyczyny
    zrodziliśmy się bez wprawy
    i pomrzemy bez rutyny.

      Choćbyśmy uczniami byli

      najtępszymi w szkole świata,
      nie będziemy repetować
      żadnej zimy ani lata.
    Żaden dzień się nie powtórzy,
    nie ma dwóch podobnych nocy,
    dwóch tych samych pocałunków,
    dwóch jednakich spojrzeń w oczy.

      Wczoraj, kiedy twoje imię
      ktoś wymówił przy mnie głośno,
      tak mi było jakby róża
      przez otwarte wpadła okno.
    Dziś, kiedy jesteśmy razem,
    odwróciłam twarz ku ścianie.
    Róża? Jak wygląda róża?
    Czy to kwiat? A może kamień?

      Czemu ty się, zła godzino,
      z niepotrzebnym mieszasz lękiem?
      Jesteś - a więc musisz minąć.
      Miniesz - a więc to jest piękne.
    Uśmiechnięci, współobjęci
    spróbujemy szukać zgody,
    choć różnimy się od siebie
    jak dwie krople czystej wody.

Monday, 28 November 2011

Giải pháp đòi lại Hoàng Sa (bản đầy đủ)

(Được hoàn thành năm 2009, tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (đặt tại huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) mang tính biểu tượng tâm linh tri ân những người từng hi sinh trên biển Đông bảo vệ chủ quyền biển đảo trên hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa - Ảnh: Kim Em)

Nguyễn Thái Linh - Lê Minh Phiếu - Lê Vĩnh Trương (Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông)
Bài đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 28.11.2011
Dưới đây là bản đầy đủ của bài viết (chưa qua biên tập).


Trong bài phát biểu của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 25/11/2011, ông có nói đến giải quyết bốn loại vấn đề trên biển Đông, trong đó có nhắc đến việc Việt Nam sẽ giải quyết và khẳng định chủ quyền Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Những cơ sở để Việt Nam hành xử với trường hợp Hoàng Sa theo đúng luật quốc tế là gì? Quỹ Nghiên cứu biển Đông xin đưa ra một số các cơ sở và bước đi để hiện thực hóa công việc này của Việt Nam.
  1. Việc xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ thời phong kiến
Nhà nước phong kiến Việt Nam đã biết đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi đó được gọi dưới tên chung là Đại Trường Sa, Hoàng Sa hay Vạn Lý Trường Sa và coi chúng là một phần lãnh thổ của mình.

Trong suốt ba thế kỷ từ XVII đến XIX, chính quyền phong kiến Việt Nam đã thực thi liên tục chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa bằng cách thường xuyên cử các đội thuyền Hoàng Sa và Bắc Hải đến các đảo này hàng năm, trong nhiều tháng, để khảo sát, đo đạc, khai thác tài nguyên một cách có hệ thống, thu lượm các tài sản chìm đắm, xây miếu dựng đền và trồng cây như các biểu tượng khẳng định chủ quyền, tổ chức thu thuế, cứu trợ các tàu thuyền nước ngoài gặp nạn. Việc thực thi chủ quyền này diễn ra hoàn toàn không gặp bất cứ sự phản đối hay tranh chấp nào từ phía các quốc gia khác, kể cả Trung Quốc.


Để chứng minh cho luận cứ này, Việt Nam đã đưa ra các nguồn tài liệu chính thức của nhà nước như Đại Nam thực lục tiền biên (1600-1775), Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (1630-1653), Phủ biên tạp lục (1776), Đại Nam thực lục chính biên (1848), Đại Nam Nhất Thống Chí (bộ sách địa lý lịch sử chung của Đại Nam 1865-1882), Lịch triều hiến chương loại chí (1821), Hoàng Việt địa dư chí (1833), Việt sử cương giám khảo lược (1876), các châu bản triều Nguyễn về các bản tấu, phúc tấu, các dụ của các Vua, và hàng loạt bản đồ, tài liệu của nước ngoài thời kỳ đó.1 Ngoài ra, Việt Nam cũng còn lưu giữ các loại sắc lệnh do các cấp chính quyền ban cho các suất đinh hay các vị cai đội giao nhiệm vụ thực thi công việc tại Hoàng Sa.2

Theo luật quốc tế, bản thân quyền phát hiện đầu tiên một lãnh thổ vô chủ không đủ để tạo ra danh nghĩa pháp lý cho quốc gia phát hiện. Muốn thụ đắc chủ quyền, quốc gia này phải tiếp tục chiếm cứ hiệu quả lãnh thổ đó. Hai nguyên tắc cơ bản trong việc thụ đắc chủ quyền là nguyên tắc thực sự, tức là chiếm hữu thực sự lãnh thổ vô chủ, coi nó như một bộ phận lãnh thổ của mình và thực thi quyền hạn nhà nước, quản lý hành chính trong một thời gian hợp lý; và nguyên tắc công khai – việc chiếm hữu phải được các quốc gia khác công nhận.3 Một cá nhân hay một công ty không thể thụ đắc chủ quyền lãnh thổ. Ngoài yếu tố vật chất (corpus), việc chiếm hữu thực sự đồng thời còn đòi hỏi yếu tố tinh thần (animus) nghĩa là ý chí của quốc gia muốn chiếm hữu lãnh thổ vô chủ.

Việc thực thi chủ quyền của nhà nước phong kiến Việt Nam có đầy đủ các yếu tố vật chất (corpus) và tinh thần (animus), được thực hiện trong một thời gian dài hoàn toàn không gặp bất cứ sự phản đối hay tranh chấp nào từ phía các nước khác, đảm bảo được cả nguyên tắc thực sự và nguyên tắc công khai, do đó việc xác lập chủ quyền quần đảo Hoàng Sa bởi Việt Nam trong thời kỳ nhà nước phong kiến là không thể tranh cãi và ít nhất từ thế kỷ XVII, Hoàng Sa đã không còn là lãnh thổ vô chủ (terra nullius).
  1. Việc duy trì chủ quyền của Việt Nam thời thuộc địa Pháp
Năm 1899, toàn quyền Paul Doumer ra đề nghị chính phủ Pháp một hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, công việc này không thực hiện được vì thiếu ngân sách.
Ngày 8 tháng 3 năm 1925, toàn quyền Đông Dương tuyên bố Hoàng Sa thuộc lãnh thổ nước Pháp.4 Các chuyến khảo sát và nghiên cứu khoa học đã được thực hiện ở quần đảo Hoàng Sa từ năm 1925.5

Ngày 30 tháng 3 năm 1938 hoàng đế Bảo Đại đã ra chiếu chỉ sát nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên. Ngày 15 tháng 6 năm 1938, Toàn quyền Đông Dương J. Brévié ra nghị định thành lập một đơn vị hành chính tại Hoàng Sa. Sau đó chính phủ Pháp tiến hành chiếm cứ thực sự toàn bộ quần đảo. Một đội quân cảnh vệ được cử đến đồn trú thường xuyên tại đây. Vào năm 1938, bia chủ quyền được dựng lên với dòng chữ “Cộng Hòa Pháp – Vương quốc An Nam – Quần đảo Hoàng Sa, 1816 – đảo Hoàng Sa – 1938”. Một hải đăng, một trạm khí tượng và một trạm vô tuyến được đặt trên đảo Hoàng Sa.6

Trong thời gian thế chiến II, quần đảo Hoàng Sa bị Nhật chiếm đóng. Ngay sau khi Nhật đầu hàng năm 1945, chính quyền Pháp đã lập tức khôi phục lại sự có mặt của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 6 năm 1946, một phân đội của Pháp đã đổ bộ lên Hoàng Sa để chiếm lại quần đảo. Tháng 1 năm 1947, quân đội Trung Hoa Dân Quốc đổ bộ lên đảo Phú Lâm. Pháp lập tức phản đối việc chiếm hữu trái phép này của Trung Quốc và cử một phân đội ra quần đảo Hoàng Sa, lập đồn binh và xây trạm khí tượng. Các trạm khí tượng này hoạt động trong suốt 26 năm cho đến khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chiếm đóng quân sự vào năm 1974.

Tháng 10 năm 1949, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời Tháng 5 năm 1950, Quân đội Quốc dân Đảng phải rời khỏi đảo Phú Lâm . Các trại đồn trú của Pháp vẫn được tiếp tục duy trì ở Hoàng Sa.
Như vậy, với tư cách nhà nước bảo hộ đại diện cho quyền lợi của An Nam, chính phủ Pháp không hề từ bỏ mà vẫn thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa một các liên tục.
  1. Việc duy trì sự thực thi chủ quyền của Việt Nam khi Pháp rút khỏi Đông Dương
Ngày 14 tháng 10 năm 1950, chính phủ Pháp chính thức trao lại cho chính quyền Bảo Đại việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Trong phiên họp thứ 7 tại Hội nghị hòa bình San Francisco vào ngày 7.9.1951, đại diện Quốc Gia Việt Nam (chính quyền Bảo Đại) là thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Trần Văn Hữu đã chính thức tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Không có một phản đối hay bảo lưu nào từ phía 51 nước tham dự Hội nghị. Cả Trung Quốc và Đài Loan đều vắng mặt trong hội nghị này.7 Tuy nhiên, Trung Quốc bảo lưu yêu sách của họ đối với các quần đảo qua tuyên bố của bộ trưởng ngoại giao Chu Ân Lai ngày 15 tháng 8 năm 1951.

Sau Hiệp ước Geneva năm 1954, Hoàng Sa được Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát. Ngày 22 tháng 8 năm1956, sau khi quân Pháp rút đi, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã thiết lập ngay lập tức sự kiểm soát của họ tại Hoàng Sa và đối phó với Trung Quốc trong tranh chấp này.8

Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, với tư cách người thừa kế các quyền và nghĩa vụ pháp lý quốc tế của Pháp liên quan đến Việt Nam, đã liên tục tiến hành quản lý hành chính, khảo sát, khai thác và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa bằng các hành động như: sát nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam (7.1961), khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng thông cáo của Bộ Ngoại Giao ngày 15 tháng 7 năm 1971, cấp phép cho khai thác phân chim, bắt giữ nhóm quân Trung Quốc giả dạng ngư dân xâm chiếm nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa (2.1959). Tháng 1 năm 1974, khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm toàn bộ các đảo Hoàng Sa, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã phản ứng mạnh mẽ và tận dụng mọi cơ hội để khẳng định chủ quyền của mình như: gửi thư cho chủ tịch Hội đồng Bảo An và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đề nghị can thiệp, tuyên bố khẳng định chủ quyền tại Hội nghị Ủy ban Kinh tế Viễn Đông (3.1974) và tại Hội nghị lần thứ ba của Liên Hợp Quốc về Luật Biển tại Caracas (7.1974), công bố sách trắng về Hoàng Sa và Trường Sa (2.1975).

Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời ngày 2 tháng 7 năm 1976 là bên kế thừa hợp pháp của hai nhà nước trước đó, tiếp tục kế thừa chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cho đến nay.

Tuy đã mất yếu tố vật chất (corpus) do bị Trung Quốc cưỡng chiếm bằng vũ lực, nhưng Việt Nam vẫn luôn thực thi chủ quyền của mình bằng yếu tố tinh thần (animus), Tháng 12 năm 1982, Việt Nam đã thành lập huyện Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Theo luật quốc tế, từ đầu thế kỷ XX việc dùng vũ lực để chinh phục một lãnh thổ đã bị lên án và không được chấp nhận. Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24 tháng 10 năm 1970 cũng đã ghi rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm đóng quân sự, kết quả của việc sử dụng vũ lực trái với các điều khoản của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là một đối tượng thụ đắc bởi một quốc gia khác do đe doạ sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lưc. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào bằng sự đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực đều là bất hợp pháp.” Do đó, các hành động dùng vũ lực trái ngược với luật quốc tế của Trung Quốc không thể mang lại danh nghĩa pháp lý cho nước này đối với quần đảo Hoàng Sa.
  1. Đòi lại chủ quyền đối với Hoàng Sa thông qua con đường ngoại giao
Việt Nam cần tận dụng tất cả các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên Hiệp Quốc, APEC, ASEAN, Thượng đỉnh Đông Á, ARF… nhằm tranh thủ công luận quốc tế cho một cuộc đấu tranh ngoại giao với TQ. Thiếu sự hỗ trợ tinh thần và pháp lý của cộng đồng quốc tế sẽ khiến khả năng chấp nhận của Trung Quốc trên bàn đàm phán song phương vốn đang khó khăn sẽ càng khó khăn hơn.

Đương nhiên, cũng không thể không vận dụng sức mạnh của dư luận và trí tuệ nhân dân, học giả và chuyên gia các giới Việt Nam trong và ngoài nước để tác động đến nhân dân thế giới và những nhà đàm phán TQ.

Những tác động này phải đủ mạnh và kiên trì, nhưng đồng thời cũng khẳng định thiện chí đàm phán và hợp tác hòa bình với Trung Quốc.

Việt Nam cần đưa vấn đề Hoàng Sa ra đàm phán song phương với phía TQ cùng lúc phân tích cái lợi của việc đàm phán này đối với các lợi ích khác của TQ như sức mạnh mềm, bình an ở vùng biển phía Nam để phát triển kinh tế của họ.

Hơn hết, việc đưa tranh chấp Hoàng Sa vào phạm vi điều chỉnh của COC cũng như các văn bản khác trong tương lai cũng là điều đặc biệt phải quan tâm.

Việt Nam có lẽ cũng cần vận dụng khéo léo các vị thế mà mình đang có để mặc cả với TQ nhằm có được sự thức tỉnh của TQ rằng đàm phán song phương và hòa bình là cách mà TQ sẽ được nhiều hơn về uy tín trên trường quốc tế.
  1. Đòi chủ quyền Hoàng Sa thông qua con đường tài phán quốc tế
Trước hết, cần có một cơ quan đặc biệt được lập ra để chuẩn bị cho chứng cứ pháp lý và lịch sử, sẵn sang cho việc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Tòa Án Công Lý Quốc tế (International Court of Justice - ICJ).

Chúng ta cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ những vụ án xét xử tranh chấp lãnh thổ giữa các nuớc Malaysia, Singapore, Indonesia, Campuchia, Thái Lan.

Sau đó, cần tạo cơ sở pháp lý để có thể đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Tòa án Công lý Quốc tế.

Theo luật quốc tế, Tòa chỉ có thẩm quyền giải quyết một tranh chấp một khi tất cả các bên trong tranh chấp công nhận thẩm quyền của Tòa cho vụ tranh chấp đó. Sự công nhận này có thể thực hiện theo ba cách9 :
  • Cách thứ nhất : Một tuyên bố đơn phương : theo quy định tại Điều 36, Quy chế Tòa án Công lý Quốc tế (vốn là một bộ phận không thể tách rời của Hiến chương Liên Hiệp Quốc), một Quốc gia là thành viên của Quy chế Tòa án Công lý Quốc tế có thể tự nguyện ra một tuyên bố đơn phương công nhận thẩm quyền xét xử của Tòa là bắt buộc đối với bất kỳ Quốc gia nào khác cũng có tuyên bố chấp nhận như vậy. Hệ thống điều khoản tùy nghi này đã tạo ra một nhóm các quốc gia công nhận thẩm quyền xét xử của Tòa đối với bất kỳ tranh chấp nào phát sinh giữa các quốc gia đó với nhau trong tương lai. Về nguyên tắc, bất kỳ nước nào trong nhóm này cũng có quyền đưa một hay nhiều quốc gia trong nhóm ra trước Tòa. Các tuyên bố có thể chứa các bảo lưu nhằm hạn chế thời hạn của tuyên bố hoặc loại trừ một số loại tranh chấp. Các quốc gia đăng ký tuyên bố này với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc. Hiện Trung Quốc chưa đưa ra tuyên bố này.
  • Cách thứ hai : Thông qua một thỏa thuận đặc biệt : Việt Nam và Trung Quốc có thể đồng ý cùng đưa tranh chấp ra Tòa và ký kết một thỏa thuận để đưa ra Tòa ;
  • Cách thứ ba : Thông qua một điều khoản trong một hiệp ước. Hiện có trên 30010 điều ước quốc tế chứa compromissory clauses theo đó các bên cam kết trước là sẽ chấp nhận thẩm quyền xét xử của Tòa nếu có tranh chấp phát sinh từ việc giải thích hoặc áp dụng điều ước đó. Trong COC, vốn đang được đàm phán, Việt Nam, Trung Quốc và các bên ký kết có thể ký kệt một điều khoản công nhận thẩm quyền của Tòa cho rất cả các tranh chấp liên quan đến biển và đảo trên Biển Đông. Chúng tôi sẽ phân tích tương tác chiến lược cho việc đám phán một điều khoản như vậy trong một cơ hội sau.
Hiện tại, trong cả ba cách trên, Trung Quốc chưa hề thực hiện cách nào để công nhận thẩm quyền xét xử của Tòa cho tranh chấp Biển Đông. Vì vậy, Việt Nam không thể khởi kiện Trung Quốc trước Tòa để giải quyết tranh chấp về Hoàng Sa.

Trong tương lai, chúng ta cần đàm phán, gây áp lực với Trung Quốc nhằm đạt được một sự đồng ý của Trung Quốc nhằm đưa tranh chấp Hoàng Sa ra trước ICJ theo cách thứ hai và thứ ba.

Công việc này đòi hỏi sự bền bỉ và thời gian, có thể trải qua nhiều thế hệ. Vì vậy các kinh nghiệm về đấu tranh, kiến thức về đàm phán, pháp luật, lịch sử cũng cần được học tập và ứng dụng một cách lâu dài.

  1. Kết luận
Phổ biến thông tin một cách sâu rộng trong toàn thể các tầng lớp nhân dân và kiều bào là điều cần thiết để có sự hậu thuẫn cao nhất cho sự nghiệp lớn này. Nhân dân Việt Nam có thông thì mới gia tăng sức mạnh của ngoại giao nhân dân và tác động mạnh mẽ đến nhân dân Trung Quốc và Hoa kiều trên toàn thế giới. Chúng ta rất cần có một lời kêu gọi toàn quốc tập trung chứng cứ về Hoàng Sa và đồng thời kiến nghị các học giả Việt Nam trong và ngoài nước cung cấp, phân tích và hệ thống hóa các chứng cứ này.

Thành lập một cơ quan chuyên trách, làm đầu mối và quy tụ các trí thức am hiểu về ngoại giao, sử học, công pháp quốc tế, Trung Quốc Học để liên tục đưa ra yêu cầu để giải quyết và khẳng định chủ quyền Hoàng Sa một cách thiện chí và hòa bình.

Việt Nam chọn thời điểm để nêu sự việc khôi phục và thu hồi Hoàng Sa ra tại các diễn đàn thế giới và khu vực để chuẩn bị dư luận ngoài nước.

VN sẽ nêu sự việc này ra tại các tòa án quốc tế khi chín mùi và dĩ nhiên khi TQ đã chấp nhận tuân theo quyền tài phán của một cơ chế tài phán nào đó.

----
1Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và luật pháp quốc tế, sách trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam, 1988

2 Quang Đức-Hà Thương, Báu vật gia tộc và bằng chứng Hoàng Sa

3Wójciech Góralczyk, Stefan Sawicki, Đại cương công pháp quốc tế, Warszawa, Wydawnictwo Prawnicze LexisNexis, 2007.
4Jean-Pierre Ferrier, Le conflit des iles Paracels et le problème de la souveraineté sur les iles inhabitées, Annuaire francais de droit international, vol.21, 1975
5Monique Chemillier-Gendreau, Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Hà Nội, 1998
6Monique Chemillier-Gendreau, sđd
7Rowiński Jan, Biển Đông, khu vực tiềm tàng tranh chấp ở châu Á, Warszawa, 1990
8Nguyễn Hồng Thao, Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Viện Luật kinh tế biển Monaco 2000
9 Xem ICJ, Frequently Asked Questions, trên mạng, http://www.icj-cij.org/information/index.php?p1=7&p2=2#2
10 Ibid. 

.

Tuesday, 22 November 2011

Tưởng nhớ (Wisława Szymborska)


Thái Linh dịch

Họ đã yêu nhau trong lùm cây phỉ
dưới ánh mặt trời của những giọt sương,
trên tóc, họ để vương
lá khô và bụi đất.

Hỡi trái tim chim én,
xin hãy rủ lòng thương.

Họ từng quỳ bên hồ
Gỡ lá vương bụi đất
Cá bơi lại ven bờ
như cườm sao lấp lánh.

Hỡi trái tim chim én,
xin hãy rủ lòng thương.

Bóng cây rung rinh buông
trên những con sóng nhỏ.
Én ơi, hãy khiến cho
họ mãi luôn ghi nhớ.

Chim én hỡi, gai mây kia hỡi,
chiếc mỏ neo của không khí kia ơi,
hỡi áo đuôi tôm bay vút giữa trời,
hỡi chàng Icarus mới,

hỡi chim én hỡi nhà thư pháp,
hỡi kim đồng hồ không có phút giây,
hỡi Gô tích cánh chim ban mai
hỡi lưng trời liếng mắt,

hỡi chim én hỡi lặng thinh nhọn sắc,
hỡi tang tóc hân hoan,
hỡi vầng hào quang của các tình nhân,
xin hãy rủ lòng thương họ.


Nguyên tác:

Upamiętnienie

Kochali się w leszczynie
pod słońcami rosy,
suchych liści i ziemi nabrali we włosy.

Serce jaskółki,
zmiłuj się nad nami.

Uklękli nad jeziorem,
wyczesali liście,
a ryby podpływały
do brzegu gwieździście.

Serce jaskółki,
zmiłuj się nad nimi.

Odbicia drzew dymiły
na zdrobniałej fali.
Jaskółko, spraw, by nigdy
nie zapominali.

Jaskółko, cierniu chmury,
kotwico powietrza,
ulepszony Ikarze,
wniebowzięty fraku,


jaskółko, kaligrafio,
wskazówko bez minut,
wczesno-ptasi gotyku,
zezie na niebiosach.

jaskółko, ciszo ostra,
żałobo wesoła,
aureolo kochanków,
zmiłuj się nad nimi.


.

Saturday, 19 November 2011

Sự kéo dài vĩnh cửu


Nguyễn Chí Hoan

Ryszard Kapuściński viết ở đây (Gỗ mun, Nguyễn Thái Linh dịch, Nhã Nam & NXB Thế giới, 2011) rằng châu Phi không có lịch sử theo cách hiểu châu Âu về một lịch sử thành văn, khách quan và có tính khoa học, mà từ thế hệ này sang thế hệ khác người Phi kể cho nhau nghe và “từng thế hệ, khi nghe phiên bản được truyền cho mình, lại thay đổi và tiếp tục thay đổi nó, làm biến dạng, sửa sang, tô màu cho nó”, để rồi cuối cùng, “lịch sử đạt đến hình thức trong suốt, tinh khiết nhất của mình: hình thức của huyền thoại” (tr.458). Dường như trong cuốn sách tái hiện cuộc khám phá trải gần bốn mươi năm liên đới với Phi châu này của ông, Kapuściński đồng thời làm sống lại trong văn chương của mình phong cách huyền thoại đặc thù đó.

Gỗ mun là một chuỗi hai mươi chín câu chuyện kể một cách uyển chuyển tạo nên một hình dung về lịch sử hiện đại của châu Phi, cái lịch sử mà Kapuściński nắm bắt một cách vô song ở đây qua những lát cắt thực tại tạo thành một bức tranh ghép, và giữa các mảnh ghép là những khoảng trống lung linh sâu xa viền quanh - như thể cái thực tại được trần thuật ấy ta nhìn qua cái nắng dữ dội của miền Nam Sahara, cái nắng khiến “[m]ọi thứ trở nên lỏng, mọi hình ảnh đều rung rinh và nhạt nhòa” (tr.70) - mà đồng thời cũng là những truyện kể giản dị, chân thực và mật thiết về một số những diện mạo khác nhau của một thực tại lạ lùng: “Khởi đầu: Cú va chạm, Ghana 1958”, “Đường đến Kumasi”, “Cấu trúc thị tộc”, “Tôi, một Người Da trắng”, “Trái tim rắn hổ mang”, “Bên trong tảng núi băng”, “Bác sĩ Doyle”, “Zanzibar”, “Giải phẫu một cuộc đảo chính”, “Hẻm phố của tôi, 1967”, “Salim”, “Lalibela, 1975”, “Amin”, “Cuộc phục kích”, “Sẽ có ngày hội”, “Thuyết trình về Rwanda”, “Những viên pha lê đen của màn đêm”, “Những người ấy, họ đâu rồi”, “Cái giếng”, “Một ngày ở làng Abdallah Wallo”, “Trở dậy trong bóng tối”, “Địa ngục đang nguội”, “Dòng sông lững lờ”, “Mađam Diuf đi về nhà”, “Muối và vàng”, “Xem kìa, Đức Chúa ngự trên mây bay”, “Cái hố ở Onitsha”, “Những cảnh tượng Eritrea”, “Trong bóng cây, ở châu Phi”.

Đó là cái thực tại, khá lâu sau cú “Khởi đầu…” của Kapuściński và hầu như chắc chắn có phần đóng góp của ông với tư cách một phóng viên quốc tế, cái thực tại đã trở nên đặc thù và phổ biến trên đại dương truyền thông của thế giới hiện đại trong một thuật ngữ gọi là Châu Phi vùng Nam (Sa mạc) Sahara.

Trong hai mươi chín lát cắt kể trên, mà một vài nhà bình luận thấy chúng như là các truyện ngắn, ta được đưa đi từ bờ Tây sang bờ Đông, đặc biệt là Vùng Sừng châu Phi, xuống miền Nam châu lục một chút đến Rwanda - không có các quốc gia vùng Bắc Phi và Nam Phi - khiến ta nghĩ những giới hạn địa lý đó ngầm chứa một gợi ý của tác giả; thêm nữa, không có một mô tả nào trong hàng loạt mô tả hết sức ấn tượng của những trình thuật sắc bén này mà lại khiến người đọc chú mục đến màu da của các nhân vật người bản địa, và ta sẽ có cảm giác Kapuściński chỉ đôi chỗ buộc phải dùng đến cụm từ “Người Da Đen” hay “da đen” như một loại thuật ngữ đã thuộc về quá khứ, gây khó chịu bởi tính phiến diện sáo mòn và phản cảm, không tương xứng với con người, không nói lên gì ngoài một thái độ gây thương tổn.

Bởi vậy các trình thuật này gieo ấn tượng như một lịch sử được viết lại, uốn nắn lại, theo kiểu một sách trong Cựu Ước, từ trải nghiệm của một chứng nhân, tin cậy vào các lời kể, bao gồm cả những ghi chép khái quát như “Thuyết trình về Rwanda”, hay những câu chuyện với tầm nhìn sử thi như trong “Địa ngục đang nguội” kể về nước Liberia kỳ quặc lập nên bởi những cựu nô lệ gốc Phi được hồi hương sau cuộc giải phóng nô lệ ở Mỹ, hay trong “Những cảnh tượng Eritrea” kể về cuộc kháng chiến giành độc lập của xứ sở này mà rất ít người biết đến, cuộc chiến tranh ba mươi năm - dài nhất trong lịch sử châu lục (tr.442)…

Các trình thuật này có đủ những hình ảnh đặc trưng : sa mạc, lạc đà, ốc đảo, rừng mưa xích đạo khổng lồ, những cây bao báp, bình nguyên Serengeti như Vườn Địa đàng mặt đất, từ bờ sông Nile đến châu thổ sông Niger và Hồ Chad, Bờ Biển Ngà và bọn buôn kim cương quốc tế… tuy nhiên hoàn toàn không tỏ ra ý hướng vươn đến hết địa lý châu lục, mà luôn luôn dán mắt vào cuộc sống của “những người bản địa”.

Đó dường như là cái ngụ ý bao trùm của tác giả mà ông đã hé lộ ngay trong đoạn phàm lệ đầu sách hết sức ngắn gọn, toát lên một niềm suy tư hết sức khiêm nhường: “Đây không phải là cuốn sách về châu Phi, mà về một số người ở đó, về những cuộc gặp gỡ với họ, những khoảng thời gian bên nhau. Châu lục này quá lớn để có thể miêu tả nó. Đó là … một hành tinh riêng… Chúng ta gọi “châu Phi” chỉ là để cho tiện, một cách vô cùng giản lược. Trên thực tế, ngoài cái tên địa lý, châu Phi không tồn tại”.

Làm sao có thể nói về một cái “không tồn tại” to lớn đến như vậy? Nhưng thật rõ đó là một ẩn dụ của Kapuściński - điều đã khiến cả những người ca ngợi và những người chỉ trích các tác phẩm của ông đều nói ông viết văn chương hư cấu hơn là phóng sự.

Tuy nhiên, Kapuściński đã từng gọi tác phẩm của mình là những “phóng sự mang tính văn học”, và nhấn mạnh nếu không tìm những cách thức khác để quan sát, tri nhận và mô tả thì người ta sẽ chẳng hiểu được chút gì về thế giới.

Cái “cách thức khác” ấy ông thể hiện một phần trong những câu chuyện này: cách kể gợi ý với người đọc rằng họ đang nghe một tiếng vọng từ những truyện kể đặc thù của người Phi.

Một thí dụ, trong tiết đoạn “Cái giếng”, Kapuściński lưu ý cách kể của nhân vật người Somalia có tên Hamed: “Hamed nói với tôi rằng thi ca của họ thường kể về các bi kịch và sự diệt vong của các thị tộc không kịp dến được giếng nước khi đi qua sa mạc. Một chuyến đi bi thảm như thế thường kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần. Cừu và dê chết trước tiên. … “Sau đó là trẻ con” - anh nói, không thêm gì cả. Không kể các ông bố bà mẹ phản ứng ra sao, các đám tang như thế nào. “Sau đó là trẻ con” - anh nhắc lại rồi im lặng. … “Rồi phụ nữ chết” - lát sau anh tiếp tục. …” (tr.301).

Dường như việc Hamed không kể về các “phản ứng” hay “đám tang” đã tạo một thay đổi làm nên đặc tính của văn mạch hoặc có một ý nghĩa biểu tượng - trình thuật đó bỗng trở nên một câu chuyện khái quát vượt khỏi thời tính thông thường, hầu như mất đi sắc thái cụ thể đơn lẻ; hoặc chính điều đó đã khiến cho biến cố và chuỗi sự kiện của câu chuyện trở nên rõ rệt hơn trong tính bi thảm của chúng: cuối cùng thì điều đáng sợ nhất đối với một người Somalia sẽ tới, Kapuściński kể, khi mà chỉ còn lạc đà và đàn ông sống sót, tới giới hạn ba tuần, nếu họ còn lại một mình trên mặt đất - “Hamed thốt lên và trong giọng nói của anh có âm sắc hoảng sợ, bởi đó chính là điều mà một người Somalia không thể hình dung nổi: còn lại một mình trên thế giới” (tr.302).

Tình tiết này là một trong những điểm bộc lộ rõ nhất điều dường như là ý hướng nền tảng của tác giả trong các trình thuật này của ông: sau mọi thứ, ông muốn khám phá con người - không phải trong vai một nhà thám hiểm (với đầu óc “thực dân”, như một ai đó chỉ trích nặng nề), cũng không trong vai nhà dân tộc nhân chủng hay khảo cổ học.

Sự khám phá đó của Kapuściński nhằm đến điều, đã dẫn ở trên, là có một lịch sử đích thực của những xứ sở này nằm trong lời kể của các cư dân, do đó nằm trong tâm hồn và trong cách thức họ sống hơn là trong những gì người ta khái luận về họ.

Ở tiết đoạn thứ nhất, “Khởi đầu: Cú va chạm, Ghana 1958”, ông dựng lại chân dung một người Phi hiện đại thời giữa thế kỷ XX, Kofi Baako, Bộ trưởng Giáo dục và Thông tin của Cộng hòa Ghana mới giành độc lập. Tính đến khoảng cách thời gian bốn mươi năm, ta hẳn nên kinh ngạc với ấn tượng còn giữ nguyên vẻ hoàn toàn tươi mới một niềm hy vọng rất trẻ, rất lý tưởng của thời kỳ phi-thực-dân-hoá các xứ thuộc địa toát ra từ các mô tả của Kapuściński về anh chàng Bộ trưởng này, cũng như những hình ảnh phấn khích của đám đông quần chúng và cảnh tượng sinh hoạt náo nhiệt đặc thù trên đường phố thủ đô Accra nơi tất cả dường như đều vừa hồi sinh bởi cảm thức sống trong một đất nước độc lập tự do.

Câu chuyện mở đầu cuốn sách này cũng là câu chuyện duy nhất mà ngôn từ lấp lánh nỗi hy vọng mỗi khi chạm đến hình ảnh “người bản xứ” (tr.10).

Ở tất cả các tiết đoạn sau, nỗi hy vọng đó dần nhường chỗ cho niềm băn khoăn bất tận.

Ngay trong tiết đoạn thứ hai, “Đường đến Kumasi”, câu hỏi mở ra với hình ảnh những người Phi trong “trạng thái chờ đợi bất động”, “Thân hình mềm lả, rũ xuống, co vào. Cổ bất động, đầu không động đậy. Con người không nhìn quanh, không quan sát, không tò mò. … Thường là mắt mở, nhưng không có ánh nhìn, không một tia sáng của sự sống. … Họ không ăn, không uống, không đi tiểu. Họ không phản ứng với ánh nắng ác ôn đang thiêu đốt, với đám ruồi phàm ăn hung tợn đang bâu lên môi, lên mi mắt họ” (tr.28-29).

Vậy mỗi lúc phải đợi chờ “họ” lại thoát ra bên ngoài của hiện hữu chăng?

Kapuściński trong cuốn sách này không phải một người viết du ký; ông chọn lọc từ các ký ức suốt mấy thập niên của ông để kể về cái thực tại lạ lùng này; bởi vậy những chi tiết trong truyện đều là những chi tiết đã được nghiền ngẫm sàng lọc. Và sự quan sát con người ở đây khiến liên tưởng đến quan sát của danh họa Paul Gauguin về những “người bản xứ” ở Tahiti.

Trong “Hẻm phố của tôi,1967” Kapuściński kể từ nơi ông trú ngụ ở Lagos, thủ đô Nigeria, trong một căn hộ thuê: “nằm trong trung tâm thành phố, trên đảo Lagos. Hòn đảo này trước kia là điểm tập kết của những kẻ buôn bán nô lệ và gốc gác nhục nhã đen tối ấy đã để lại trong bầu không khí thành phố một cái gì đó bất an, hung bạo. … Thực ra tôi có thể chọn Ikoyi - khu vực an toàn và sang trọng … nhưng đó là một nơi quá nhân tạo, khép kín … Mà tôi thì muốn sống … trên một đường phố châu Phi, trong một căn nhà châu Phi. Nếu không, làm sao tôi có thể hiểu được thành phố này? Châu lục này?” (tr.160-161).

Cuộc khám phá của Kapuściński là một hành trình từ bề mặt vào bề sâu và không có tiên kiến, nhưng lại không phải một lối tò mò với xứ lạ, có lẽ bởi thế những trình thuật này mang lại cho ta nỗi ngẫm nghĩ ngạc nhiên sâu sắc về miền đất cái nôi của nhân loại: một hành trình quanh co một cách bí ẩn từ bờ Vịnh Guinea sang bờ Hồng Hải, cho đến lúc dừng lại nghỉ dưới bóng một cây xoài trên đất Ethiopia.

Thực ra có rất ít những mốc lịch đại cụ thể được ghi vào các lộ trình ở đây, mặc dù nhìn chung đó là thời kỳ từ cuối thập niên 1950 đến giữa thập niên 1990 với khá nhiều sự kiện đảo chính quân sự và nội chiến được ghi nhận; dẫu sao thì vẫn không phải một chuỗi phóng sự báo chí hoặc một công trình sử học điền dã.

Vậy cái gì đặc trưng cho các trình thuật này? - Có một gợi ý : “Đến gần Gondar (… thành đô này của vua chúa Ethiopia …) tôi gặp một người đi bộ từ Bắc xuống Nam. Đó chính là điều quan trọng nhất có thể nói về anh ta: đi từ Bắc xuống Nam. À, còn có thể nói thêm rằng anh ta đi như thế để tìm anh trai mình”. Và cái người đi bộ đó không có gì ngoài cây gậy lữ hành, bộ quần áo rách mất dạng, một mẩu vải làm khăn và “một cái tách bằng gỗ có nắp đậy đeo qua vai”; không có tiền; ai cho gì ăn nấy, không thì nhịn mà đi; cũng không biết anh trai ở đâu, chỉ biết là anh ấy đã đi về phía Nam; và “[c]ả đời anh luôn luôn đói, cái đói chẳng có gì là bất bình thường.” Vậy “[t]ại sao anh lại muốn đi tìm anh trai? Tại sao ư? Anh không hiểu câu hỏi. Lý do là hiển nhiên, lý do ở trong chính nó, không cần giải thích. … Anh cười nụ cười của một người biết nhiều, người dù sao cũng biết một điều, rằng đối với anh, ở châu Phi này không có biên giới và các quốc gia: chỉ có một mảnh đất nóng bỏng, nơi em đi tìm anh” (tr.333-335).

Câu chuyện nhỏ ấy, trong tiết đoạn “Trở dậy trong bóng tối”, còn là cái gì đó hơn cả một ẩn dụ - nó ngang bằng với một huyền thoại.

“Cư dân châu Phi là một mạng lưới khổng lồ rối rắm chồng chéo phủ lên khắp lục địa, liên tục di chuyển, ai cũng là dân nhập cư bởi họ đều lang thang từ nơi này sang nơi khác” (tr.32).

Kapuściński khám phá cái mạng lưới huyền thoại khổng lồ đó, hiển nhiên trong chính nó, chứa đựng lịch sử bí ẩn mà ông thấy là vượt khỏi khái niệm về thời gian, là một “sự kéo dài vĩnh cửu” (tr.459), hay chính là cái mẫu gốc của huyền thoại về Người.

nguồn: http://nhanam.vn/Desktop.aspx/Nguoi-doc-sach/Nguoi-doc-sach/Su_keo_dai_vinh_cuu_exclusive/

Tuesday, 1 November 2011

Những ghi chép về Chopin (André Gide) - phần 2

Thái Linh dịch

Tôi hay nghe người ta so sánh Beethoven với Michelangelo, Mozart với Correggio hay Giorgione... Mặc dù tự thấy việc so sánh các nghệ sỹ thực hành các ngành nghệ thuật khác nhau là vô nghĩa, tôi vẫn không thể ngăn mình và không thể không nhận thấy những nhận xét của tôi về Chopin rất thường dùng được cho Baudelaire và ngược lại. Cũng đã không ít lần, khi nói về Chopin, cái tên Baudelaire tuôn xuống ngòi bút tôi một cách rất tự nhiên. Các tác phẩm của Chopin được gọi là „âm nhạc không lành mạnh”. Người ta gọi „Những bông hoa ác” là „thi ca không lành mạnh” và tôi cho rằng bởi cùng một lý do. Cả hai người đều tìm kiếm sự hoàn hảo với sự chăm chút như nhau, cùng sợ hãi trốn tránh phép tu từ, tránh thuật diễn thuyết và hùng biện, song tôi muốn nói rằng cả hai người đều sử dụng cùng một thủ pháp gây bất ngờ và nhờ nó mà có những rút ngắn phi thường.

Khi trong đoạn đầu của Ballada op.23 in G-minor, ngay sau toàn bộ phần mở đầu, để dẫn vào chủ đề chính được lặp lại trong các gam khác nhau, sau vài nhịp lưỡng lự ở gam Fa trưởng (không có chỉ dẫn về cách chơi, chỉ có các âm chủ và các quãng năm), Chopin bất ngờ giáng một nốt Si giáng sâu, thình lình thay đổi bức tranh phong cảnh như cái chạm của chiếc đũa thần. Câu thần chú táo bạo này dường như sánh ngang với một vài phép rút ngắn của tác giả „Những bông hoa ác”.



Thêm nữa, tôi cho rằng trong lịch sử âm nhạc, Chopin chiếm vị trí (và vai trò) như Baudelaire trong lịch sử thi ca: cả hai người ban đầu đều không được người ta hiểu, vì những lý do như nhau.

Đấu tranh với hình ảnh sai lầm mới khó khăn làm sao! Ngoài Chopin của những người trình diễn, còn có Chopin của các thiếu nữ. Chopin quá đa cảm. Đáng tiếc, ông là như thế! Nhưng không chỉ như thế. Dĩ nhiên, có cả một Chopin ưu sầu đã chắt ra từ cây dương cầm những tiếng thổn thức nức nở. Khi nghe một vài những bản nhạc ấy, người ta có cảm giác Chopin không bao giờ ra khỏi gam thứ. Nhưng tôi thích thú và ngợi ca nơi Chopin điều này, rằng bằng gam thứ và vượt lên nó, Chopin lại đạt đến niềm vui. Chính là niềm vui chiếm ưu thế ở ông (Nietzsche cảm nhận được điều này rất rõ), niềm vui hoàn toàn không có gì giống với sự vui vẻ có phần hời hợt và thông tục của Schumann. Nó là niềm hạnh phúc có chút gì đó của Mozart, nhưng nhân tính hơn, tự tại thiên nhiên và hóa thân vào phong cảnh như cái mỉm cười từ cảnh bên suối trong Giao hưởng Đồng Quê của Beethoven. Tôi không cho rằng trước Debussy và một số nhạc sỹ Nga, âm nhạc đã từng thấm nhuần cuộc chơi của ánh sáng, tiếng nước chảy, tiếng gió, lá cây. Ông ghi sfogato. Đã có nhạc sỹ nào khác dùng từ này chưa, hay từng có ý định ấy, từng thấy cần biểu lộ bầu không khí, biểu lộ làn gió đang thổi đến và ngắt đi nhịp điệu, bất ngờ làm tươi mới và ngát hương ngay giữa khúc barcarole, hay chưa?

Những đề xuất âm nhạc của Chopin mới đơn giản làm sao! Ở đây, không thể so sánh với bất cứ nhạc sỹ nào trước ông. Họ (ngoại trừ Bach) giống các thi sĩ xuất phát từ cảm xúc, rồi sau đó tìm từ ngữ để thể hiện nó. Hoàn toàn ngược lại, giống như Valery xuất phát từ câu, từ – Chopin, như một nghệ sỹ tuyệt vời, xuất phát từ các nốt nhạc (điều này càng khiến người ta nói „Chopin ứng tác”), nhưng nhiều hơn Valery, ông cho phép cảm xúc con người làm chủ hoàn toàn và ngay lập tức những âm sắc đơn giản ấy rồi khai triển nó đến bến huy hoàng.

Thật vậy, Chopin - và đây là điều cốt yếu – cho phép các nốt nhạc dẫn dắt mình và cho phép chúng cho ý kiến lẫn nhau. Ông cân nhắc sức mạnh biểu cảm của từng nốt nhạc. Ông cảm nhận được nốt nhạc này hay nốt nhạc kia biến đổi ý nghĩa theo vị trí của mình trong gam và bằng cách bất ngờ thay đổi bè trầm, đột nhiên ông khiến chúng nói lên điều gì đó khác với những gì chúng nói ban đầu. Sức mạnh biểu đạt của Chopin nằm ở đó.


Thú thực tôi cũng không hiểu rõ tên gọi mà Chopin thích đặt cho các tác phẩm ngắn của mình – Prelude (khúc dạo đầu). Khúc dạo đầu cho cái gì? Chúng dẫn vào đâu? Sau mỗi prelude của Bach là đến tẩu pháp (fugue), chúng cùng nhau tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh. Tôi hoàn toàn không hình dung nổi tiếp sau prelude của Chopin là một bản nhạc cùng giọng, ngay cả khi của cùng tác giả, và cũng không hình dung được các prelude được chơi kế tiếp nhau. Mỗi prelude là một khúc dạo đầu vào suy tưởng và chúng không phải là các bản nhạc hòa tấu. Không ở đâu Chopin tỏ ra riêng tư hơn thế. Mỗi prelude, hay gần như mỗi prelude (mà một số là siêu ngắn) tạo ra một bầu không khí đặc biệt và dựng nên một phối cảnh của cảm xúc, rồi sau đó

biến mất như cánh chim chìm xuống. Tất cả im tiếng.


Không phải tất cả các prelude đều quan trọng như nhau. Một số bản đầy quyến rũ, các bản khác lại kinh khủng. Trong số chúng, không có những bản làng nhàng vô thưởng vô phạt.

Trong tất cả các bản nhạc của Chopin, Prelude đầu tiên (op. 28 no.1) là một trong những tác phẩm dễ bị làm hỏng nhất, và theo tôi, bị diễn giải sai lệch khủng khiếp nhất. Được ủy nhiệm agitato ghi ở đầu bản nhạc, hết thảy những người trình tấu (ít nhất là theo tôi biết) đều nộp mình cho các cử động điên cuồng và hỗn loạn. Tôi xin hỏi các bạn: liệu có thể chăng, ở ngay ngưỡng cửa của loạt tác phẩm này, trong một giọng giản dị và trong sáng nhất, Chopin lại muốn có những biểu lộ đầy bất an như thế? Các bạn hãy nghĩ đến bản Etiude op.10 đầu tiên vui tươi trong sáng xiết bao, cũng được viết ở giọng Đô trưởng. Hãy nghĩ đến hai prelude giọng Đô trưởng của Das Wohltemperierte Klavier. Tinh khiết làm sao, nhẹ nhàng làm sao, mời gọi an ủi xoa dịu một cách hiển nhiên. Hãy nghĩ đến các prelude cho đàn organ của Bach, cũng ở giọng này, nghĩ về tính chất lời mở đầu đặc biệt của chúng. Tôi hoàn toàn không có ý định liên tưởng giữa Prelude này của Chopin với các prelude của Bach. Nhưng tôi muốn thấy trong tác phẩm mở đầu tập nhạc này một mái cong cổng chào đơn giản, một lời khuyến khích gọi mời. Cũng giống như prelude đầu tiên trong Das Wohltemperierte Klaver của Bach thoạt tiên dâng hiến cho chúng ta một dòng nhạc rất trong, sau nhịp thở thứ nhất mới tiếp tục khai triển. Sự gấp gáp mạnh mẽ ban đầu cuốn lại thành một vòng tròn hoàn hảo – bốn nhịp ở Bach và tám nhịp ở Chopin, rồi sau đó trở về điểm xuất phát và lại một lần nữa phất cao cành cọ chiến thắng, mặc dù ngay lúc khởi đầu nó hầu như không cho thấy khả năng đó. Người trình diễn ra sức biến bản nhạc nạn nhân này thành một thứ hỗn loạn, điều đó khiến tôi khiếp đảm. Hoàn toàn ngược lại, tác phẩm này phải được chơi một cách thoải mái, không nên tạo ra cảm giác của bất kỳ sự căng thẳng đầu óc hay gắng sức nào. Không được làm mất đi giai điệu ý nhị kín đáo của phần trên dành cho hai ngón tay sau cùng, vốn chỉ lặp lại đồng âm giai điệu của phần giữa mà Chopin đã xác định trước là „kiềm chế” (một chỉ dẫn thường không được thực hiện, mặc dù là một trong những chỉ dẫn quan trọng nhất). Thật vậy, trái ngược với agitato khi chơi bị đẩy đến mức bão tố, toàn bộ bản nhạc này giống như ngọn sóng êm dịu xinh đẹp dẫn theo một ngọn sóng khác nhỏ hơn mà sức mạnh của nó nằm ở những chuyển động mềm mại của nước.



(còn tiếp)

Những ghi chép về Chopin (André Gide) - phần 1
Những ghi chép về Chopin (André Gide) - phần 3
Những ghi chép về Chopin (André Gide) - phần cuối