Friday 31 July 2009

Cẩn thận kẻo nghiện

(Tặng các friends ở Facebook :))

Thời nay, hơn bao giờ hết, chúng ta có thể bị nghiện một thứ gì đó. Nghiện rượu, nghiện ma túy, nghiện tình dục, cờ bạc ... đã là những căn bệnh xa xưa. Bây giờ, thê giới hiện đại làm chúng ta nghiện internet, nghiện chơi game, nghiện solarium, nghiện mua sắm, nghiện các thứ máy móc... Các bác sỹ tâm lý nói rằng một bệnh nhân nghiện thường nghiện vài thứ cùng một lúc, hiếm khi gặp trường hợp chỉ nghiện một thứ duy nhất.

Khi nào thì một người bị coi là mắc bệnh nghiện dưới góc nhìn của các bác sỹ? Theo định nghĩa, nghiện là khi nếu không chữa trị, tình trạng đó sẽ dẫn đến cái chết. Một người mắc bệnh nghiện, dù là nghiện ma túy hay nghiện internet cũng đều nguy hiểm như nhau. Thật khó tin, phải không? Người ta thường cho rằng nghiện rượu, nghiện ma túy hay các hóa chất mới là bệnh, còn nghiện internet, nghiện cờ bạc... chỉ là vấn đề ý chí không đủ mạnh. Nhưng một người nghiện internet sẽ ngồi lỳ bên máy tính cho đến khi các cơ bụng và xương sống của anh ta biến mất, anh ta sẽ không buồn ăn ngay cả miếng pizza đặt qua điện thoại, những người nghiện solarium sẽ chết vì ung thư da, người nghiện trò chơi cờ bạc sẽ tự tử vì phá sản hoặc thậm chí vì tình trạng mê sảng (delirium): anh ta nhìn thấy các ảo ảnh, ròi bọ, chuột bạch v.v nếu bị ngắt ra khỏi trò chơi, giống như tất cả các con nghiện khác khi bị ngắt ra khỏi thứ mình nghiện. Tất cả các loại bệnh nghiện đều có cùng một cơ chế như nhau.


Thời điểm khi người ta bắt đầu nghiện một thứ gì đó thường bị bỏ qua, người ta không nhận thấy nó. Khi ta bắt đầu sử dụng/chơi với một thứ gì đó (vật dụng, hóa chất, hành xử) lâu hơn cần thiết, ta luôn có rủi ro sẽ vĩnh viễn ở lại cùng nó. Người ta thường bỏ lỡ mất thời điểm khi có thể dừng lại được. Khi không thể dứng dậy rời khỏi internet, người ta tìm đủ mọi lý do để biện bạch cho mình và biện bạch với người xung quanh. Trong giai đoạn đầu tiên, người ta mất cảm giác về thời gian. Họ có cảm tưởng như mình chỉ làm việc đó một chút thôi, rất nhanh, nhưng người ngoài lại nói rằng họ đã làm việc đó hàng giờ đồng hồ. Họ bắt đầu sử dụng thời gian khác đi, đi muộn giờ, quên các cuộc gặp, giả vờ ốm để nghỉ việc ở nhà v.v...

Trong giai đoạn thứ hai, người ta bắt đầu vay mượn tứ tung, ăn cắp, ăn trộm. Người ta trở thành những kẻ dối trá, lừa đảo, trộm cắp. Các giới hạn đạo đức bị phá vỡ. Những người nghiện đánh mất bản ngã (identity) của mình, họ không còn biết gì về bản thân mình nữa. Việc chữa nghiện đồng thời cũng là việc xây dựng lại bản ngã của họ từ đầu.

Người ta thường cho rằng chỉ những người yếu đuối, kém ý chí mới bị nghiện một thứ gì đó. Không hẳn là như vậy. Chỉ cần bạn thường xuyên lặp đi lặp lại một hành động nào đó với liều lượng lớn, bạn sẽ nghiện nó, bất kể bạn có cá tính như thế nào. Vì vậy, cần tránh làm một việc gì đó vào giờ nhất định trong ngày, lặp đi lặp lại, với liều lượng lớn, nếu bạn không muốn nghiện nó.

Thời xưa, khi một nguời bị nghiện một thứ gì đó, anh ta không có nhiều điều kiện để truyền bá nó. Ngày nay, chúng ta có vô số cách để liên lạc với nhau dễ dàng. Chỉ cần một người nghiện làm quiz trên mạng xã hội Facebook chẳng hạn, anh ta sẽ dễ dàng rủ rê rất nhiều người khác cùng chơi trò đó với mình. Thêm vào đó, việc gây nghiện cho người khác đã trở thành một công nghệ tinh vi, đằng sau nó là những ngành công nghiệp, những món tiền lớn mà người ta không dễ dàng bỏ qua. Bà Luba Szawdyn, một chuyên gia chữa nghiện người Ba Lan kể rằng có lần bà đi dự một hội nghị quốc tế và vào nhầm phòng họp của một chương trình lớn nhằm sản xuất những vật dụng gây cám dỗ, bà gặp ở đó các nhà tâm lý học, xã hội học tên tuổi tầm cỡ quốc tế. Họ được nhận những khoản tiền lớn cho việc nghĩ ra phương pháp khiến người ta phải nghiện sản phẩm.

Đâu đâu cũng đầy cám dỗ và càng ngày các cám dỗ càng khó cưỡng lại, thế giới hiện đại là như vậy, vì thế chúng ta luôn phải thật cương quyết đặt ra cho mình các giới hạn, và luôn nhớ rằng có rất nhiều nguời muốn điều khiển chúng ta, đừng để họ làm được điều đó.

Và cuối cùng, ta cũng nên biết rằng: có thể bị nghiện cả.... bác sỹ chữa nghiện!

2 comments:

Multiface said...

bài viết rất hay nhưng em thấy cần phải bổ sung thêm:
1. Có những thứ dễ nghiện ( như ma túy, chỉ cần liều lượng nhỏ và vài lần sử dụng là nghiện rồi) có những thứ vô cùng khó nghiện, ví dụ như một hương thơm hay mùi thối nào đó (vì cơ thể nhanh chóng thích nghi)
2."Chỉ cần bạn thường xuyên lặp đi lặp lại một hành động nào đó với liều lượng lớn, bạn sẽ nghiện nó, bất kể bạn có cá tính như thế nào" cái này là thói quen thì đúng hơn.

Thái Linh said...

@Multiface: Thói quen là giai đoạn bước đầu của nghiện.