Monday 24 August 2009

Corfu, tình yêu của thần biển Poseidon


Hòn đảo của những khác biệt

Đảo Corfu thuộc quần đảo Ionian trên biển Địa Trung Hải, bờ Đông nhìn sang Albania và Hy Lạp nội địa, bờ Tây nhìn sang gót giầy nước Ý, có một vị trí đặc biệt quan trọng trong giao thương và quân sự. Chính vì thế, lịch sử Corfu là lịch sử của những cuộc chiếm đóng liên miên, bắt đầu từ người Corinth (từ năm 734 đến 644 trước CN) mà các trận đánh giữa họ và dân đảo được xem là những trận hải chiến cổ xưa nhất của Hy Lạp, rồi người Sparta (từ năm 375 TCN), người La Mã (từ năm 229 TCN và đô hộ suốt 600 năm), người Goth và Vandal (đến thế kỷ XI), người Norman (thế kỷ XI-XII), người Neapol (TK XIII), người Venice (cai trị suốt 5 thê kỷ từ năm 1386), đến hoàng đế Napoleon (từ 1787-1815). Năm 1815, quần đảo Ionian giành được quyền tự trị dưới sự bảo hộ của Anh, để rồi trở thành một phần của Hy Lạp vào năm 1864. Trong thời gian Đệ nhị Thế chiến, đảo Corfu bị quân Đức và ý chiếm đóng. Điều đặc biệt trong lịch sử Corfu là hòn đảo này chưa từng bị Thổ Nhĩ Kỳ đô hộ. Năm 1453, đế chế Byzantine sụp đổ, Thổ chiếm toàn bộ Hy Lạp trừ quần đảo Ionian. Trong thế kỷ XVI, Thổ Nhĩ Kỳ đánh chiếm Corfu hai lần nhưng đều thất bại.

(Pháo đài cổ ở Corfu, chưa từng bị thất thủ)

Với lịch sử đặc biệt của mình, Corfu là hòn đảo „phi Hy Lạp” nhất của Hy Lạp. Sau 5 thế kỷ có mặt ở đây, người Venice đã để lại dấu ấn ở khắp mọi nơi. Dấu ấn đầu tiên mà ta bắt gặp là những rừng ô liu cổ thụ. Chính người Venice đã mang ô liu đến trồng ở Corfu, thứ quả giờ đây được mệnh danh là „vàng đen” của hòn đảo này. Chỉ có ở Corfu, người ta mới có thể chiêm ngưỡng các khu rừng với những gốc ô liu lớn và gân guốc như thế. Có tới ba triệu gốc ô liu trên đảo. Tuy rằng hiện nay thu nhập chính của dân đảo là từ du lịch, ô liu Corfu vẫn chiếm 70% sản lượng ô liu của Hy Lạp.

Đến Corfu, bạn sẽ không thấy hình ảnh những ngôi nhà vuông màu trắng với các ô cửa, mái vòm màu lam màu đỏ đặc trưng Hy Lạp mà bạn vẫn thường gặp trong tranh hay bưu thiếp đâu. Cũng không có bóng dáng các đền thờ Hồi giáo như ở những miền đất Hy Lạp khác. Các nhịp điệu phương Đông trong âm nhạc dân gian đặc trưng cho miền biển Aegea cũng không xuất hiện ở đây. Nhưng dấu ấn Venice trong kiến trúc Corfu thì bạn sẽ gặp trên từng bước chân, ở các pháo đài, quảng trường, trên mặt tiền các ngôi nhà, những hàng lan can, trong họa tiết trang trí trên cửa ra vào, những viền cửa sổ... Bạn sẽ gặp những nét thanh lịch trang nhã của kiến trúc Pháp, điển hình nhất là quảng trường Liston nổi tiếng ở thành phố Corfu, thủ phủ của đảo, hay gần gũi hơn là những cánh cửa chớp bằng gỗ màu xanh lục, y hệt như trên những ngôi nhà của một góc phố Hà Nội, khiến bạn chợt thấy nhói tim vì một mảnh ký ức tuổi thơ. Kiến trúc Corfu là thế: một người Ý, người Pháp hay người Anh đều có thể cảm thấy thân quen, nhưng một người Hy Lạp thì không.

(Quảng trường Liston)

Màu xanh lục của những cánh cửa chớp hòa mình đầy duyên dáng vào màu xanh của cỏ cây trên đảo. Corfu là hòn đảo nhiều cây xanh nhất Hy Lạp, vì ở đây mưa nhiều, từ tháng mười đến tháng tư là mùa mưa, trời mưa liên miên. Đâu đâu cũng là những mảng xanh mướt của ô liu, thông, cọ... Mùa hè, chen giữa màu xanh ấy là đủ sắc màu của các loại hoa vùng Địa Trung Hải và miền nhiệt đới như hoa giấy, trúc đào, lan tiêu, râm bụt, bìm bìm, ngũ sắc và vô số loài hoa tôi chẳng biết tên.

Ngay trong thế giới thực vật này, Corfu cũng đặc biệt với loài cây kim quất (kumquat), quả dài như quả nhót, xuất xứ từ Trung Quốc, được người Anh mang đến đây vào thế kỷ XIX. Kim quất làm rượu, mứt, bánh kẹo, giờ đây đã trở thành các đặc sản của đảo Corfu mà du khách đên đây không thể bỏ qua.


Ngợi ca sống chậm

Nếu có điều gì đó “mang tính Hy Lạp” ở Corfu, thì đó là lối sống của người dân đảo. Ở đây, cuộc sống không hề hối hả. Người Corfu sống chậm, hưởng thụ cuộc sống, không thích làm việc. Bản thân người Hy Lạp cũng tự nhận là họ có phần lười nhác. Buổi sáng, người ta nhâm nhi uống cà phê. Một ngày làm việc thường bắt đầu từ 9 giờ sáng. Vào mùa hè, người Hy Lạp nghỉ trưa từ 2 giờ đến 6 giờ, các công sở, cửa hàng đều đóng cửa. Các bữa trưa và bữa tối thường kéo dài.

Trên đảo Corfu thì vào thứ hai và thứ tư hàng tuần, sau 2 giờ trưa mọi người đều nghỉ. Thứ bảy và chủ nhật, tất nhiên, cũng nghỉ. Người Corfu còn tin rằng khi trời mưa thì không nên làm việc gì cả. Mà từ tháng mười đến tháng tư, mưa thường kéo dài vài ngày trong tuần. Các dịch vụ du lịch không hoạt động. Vào tháng giêng, khi ô liu chín và rụng xuống những tấm lưới người ta chăng sẵn phía dưới, được nước mua rửa sạch luôn, người thu hoạch gần như chẳng phải làm gì. Nghe nói người Corfu làm đường, xây nhà rất lâu và chậm chạp, theo phong cách “một người làm bốn người đứng nhìn” nên thường không đúng tiến độ.

Chung sống với thánh thần

Theo thần thoại Hy Lạp, Corfu (tiếng Hy Lạp là Kérkyra) là tên nàng tiên nữ xinh đẹp người tình của thần biển Poseidon. Hòn đảo này là nơi nàng sinh sống. Corfu là hòn đảo của những huyền thoại, và thánh thần vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống của người dân đảo, cùng chung sống với họ. Ở đây, bạn sẽ luôn thấy những chữ “agia”, “agii” và “agios” xuất hiện trong tên của các con tàu, đền thờ hay các địa danh. Đó là các biến thể của từ “thánh”. Vị thánh bảo hộ cho đảo Corfu là Spyridon, gọi tắt là Spiros, và ở đây cứ bốn người đàn ông thì có một người mang tên ngài. Thánh Spyridon được người dân đảo yêu mến và sùng kính vì họ tin rằng ngài đã bốn lần cứu Corfu thoát khỏi tai họa: nạn đói năm 1550, dịch bệnh năm 1629 và năm 1673, đánh đuổi quân Thổ Nhĩ Kỳ năm 1716. Nhà thờ thánh Spyridon là nhà thờ chính nằm giữa thành cổ ở thủ phủ Corfu. Dân đảo tin rằng hàng đêm, thánh Spirydon vẫn đi dạo quanh thành cổ và bảo vệ cho đảo.

(Tháp chuông nhà thờ thánh Spyridon)

Những bức tranh thánh không chỉ có ở trong các nhà thờ, mà còn xuất hiện khắp nơi, trong xe hơi, xe buýt, các tiệm ăn, cửa hàng, nhà ở... của người dân đảo. Người ta coi các bức tranh thánh như những “cánh cổng thiên đường”, nhờ chúng mà thánh thần có thể hiện diện trong không gian của người trần, đôi mắt của vị thánh trong tranh thường nhìn thẳng vào người xem, là nơi linh hồn của con người gặp gỡ với thần linh. Người Hy Lạp thờ tranh thánh như thờ chính các vị thánh, đối với họ (những người theo đạo Chính thống) chúng là những dấu hiệu của Chúa trên mặt đất.

(Màu nước xanh trong vắt ở Paleiokastritsa)

Ngoài kia, biển vẫn xanh màu xanh huyền thoại như từ thuở nàng Kérkyra tình tự cùng thần Poseidon, như thời gian không còn tồn tại. Nếu một đứa trẻ hỏi tôi “Màu xanh sinh ra từ đâu?”, có lẽ tôi sẽ trả lời: “từ biển Ionian, từ Corfu”. Màu xanh ấy thật khó diễn tả bằng lời. Sâu thẳm và nguyên sơ. Trong vắt và thanh cao. Màu xanh của thiên đường, của thần thánh. Có lần, ở bãi biển Paleiokastritsa, tôi nhìn xuống làn nước trong suốt như pha lê ấy. Bỗng nhiên cảm thấy lòng mình cũng trong suốt, nhẹ nhàng và thanh thản, không một chút gợn. Không chút ưu phiền. Như thể làn nước xanh mát lịm đã gột rửa tâm hồn tôi, xoa lành mọi vết thương. Khoảnh khắc ấy là món quà bất ngờ mà thần Poseidon dành tặng cho tôi, để tôi như được hồi sinh, một lần cho vĩnh viễn.

Và người dân đảo Corfu ngày ngày sống trong màu xanh ấy. Ngày ngày, họ được nhận những món quà tuyệt vời của thần biển Poseidon.

Đến để rồi yêu

Không phải vô cớ mà Corfu luôn đứng trong số mười hòn đảo đẹp nhất của châu Âu, của Địa Trung Hải, như Reuters hay Independent đã bình chọn. Hòn đảo nhỏ bé rộng chưa đầy 600 km vuông này có một vẻ quyến rũ mê hồn. Corfu từng để lại dấu ấn trong sử thi Odyssey và trong các tác phẩm của anh em nhà Durell. Nhà văn Lawrence Durrell cho rằng bãi biển Myrtiotissa ở bờ Tây của đảo là bãi biển đẹp nhất thế giới. Đã có biết bao người đã đến để rồi say mê hòn đảo xinh đẹp này. Có những người như Hilary Whitton Paipeti, đầu những năm 80 đến Corfu với tư cách nhân viên của một hãng du lịch, để rồi yêu đảo tới mức ở lại định cư luôn đến tận bây giờ. Bà lập ra hành trình du lịch “đường mòn Corfu” để du khách không chỉ vui chơi men bờ biển mà còn có thể khám phá những vùng hẻo lánh nằm sâu trong đảo. Hay như nữ văn sĩ người Anh Emma Tennant, người đã khẳng định: “Luôn luôn có thể tìm ra lý do để đến Corfu”.

Du khách đã từng đến đây có lẽ không ai là không muốn quay trở lại. Hàng năm, lượng khách du lịch đến Corfu chỉ đứng sau hai hòn đảo nổi tiếng Crete và Rodos của Hy Lạp. Sân bay Corfu bé xíu, chỉ như sân bay Phú Bài ở Huế, nhưng cứ khoảng mười phút lại có một chuyến máy bay hạ cánh. Đông nhất là du khách nguời Anh, sau đó là người Đức, người Ý và người ...Hy Lạp. Người Hy Lạp trong đất liền mùa hè thường ra các hòn đảo nước mình nghỉ mát, rất ít khi họ đi ra nước ngoài. Họ là những khách nghỉ mát khó tính nhất thế giới. Điều này cũng chẳng đáng ngạc nhiên, khi mà thiên nhiên ưu đãi họ đến thế, khi đất nước họ có những hòn đảo tuyệt vời đến thế! Những hòn đảo đi một đời cũng không hết. Phải rồi, đã có lần tôi ước mình đi được hết các hòn đảo Hy Lạp...

Corfu, biết bao trái tim trần thế đã đến để rồi yêu. Và trái tim bé nhỏ của tôi cũng không ngoại lệ.

Một thoáng Corfu

Khám phá Corfu thì có lẽ bao nhiêu thời gian cũng là chưa đủ. Một tháng hay một năm cũng vẫn là ít. Vậy mà tôi chỉ ở Corfu có một tuần, chỉ cảm nhận được một thoáng Corfu. Nhưng một thoáng mong manh ấy cũng đã kịp để lại trong tôi những ấn tượng khó phai mờ.

Thủ phủ Corfu

Thành phố Corfu, thủ phủ của đảo Corfu, được xem là một trong những thành phố đẹp nhất Hy Lạp. Ở đây, du khách lạc lối trong những con ngõ phố nhỏ đầy ngóc ngách, rối tung như mê cung của khu phố cổ Campiello. Cũng như ở nhiều nơi khác trên đảo Corfu, tôi luôn bắt gặp những hẻm phố rất giống ở... Hà Nội! Những dây phơi quần áo chăng ngang đường, những ban công kiểu Pháp cũ kỹ, những mảng tường loang lổ, những cánh cửa chớp, những chiếc xe máy dựng bên hè, những ngôi nhà hai tầng bên dưới là cửa hàng, tiệm cắt tóc, bên trên dùng để ở, những đường dây điện chằng chịt chăng trên phố... Cũng chật chội, cũ kỹ, cũng hồn nhiên đến tùy tiện, nhưng trong cái vẻ “nhếch nhác” ấy lại có một thứ trật tự riêng và rất sạch sẽ. Không thấy những đống rác bên đường như ở Hà Nội, không có mùi hôi thối, không ầm ĩ inh ỏi. Thứ âm thanh “ồn ào” nhất là tiếng ve trong trưa nắng, và cả điều ấy cũng gợi về Hà Nội của tuổi thơ tôi.

Thủ phủ Corfu có pháo đài cổ kiểu Venice chưa một lần thất thủ, bên trong nay là bảo tàng Byzantine. Có nhà thờ thánh Spyridon ở ngay chính trung tâm. Quảng trường Liston thanh lịch với hàng dãy các tiệm ăn, tiệm cà phê đầy phong cách. Quảng trường Esplanada, nơi tập trung các hoạt động của thành phố. Và bán đảo Kanóni, nơi có ngôi nhà thờ nhỏ Ipapanti với tháp chuông kiểu Venice mà hình ảnh xuất hiện trên tất cả các quyển sách hướng dẫn du lịch lớn bé về Corfu. Không có nơi nào trên đảo được quay phim nhiều như ở đây. Kanóni làm say lòng bao nhiêu thế hệ vì phong cảnh tuyệt vời, nhìn ra những hòn đảo nhỏ rải rác ven bờ. Hiện nay, sân bay Corfu nằm rất gần Kanóni. Đi dạo ở đây, du khách sẽ luôn gặp máy bay lên xuống bay... ngang trên đầu. Nhưng các khách sạn, nhà nghỉ ở đây vẫn luôn chật kín. Chỉ có điều, trái với lẽ thường, du khách thích chọn các phòng quay lưng về phía biển hơn, để tránh tiếng ồn của máy bay!

(Bán đảo Kanoni với nhà thờ Ipapanti)

Dinh Achilleion

Tòa lâu đài trắng nhỏ duyên dáng mang tên vị anh hùng trong thần Hy Lạp này là một trong những nơi được du khách đến thăm nhiều nhất. Đây là nơi dành cho nữ hoàng Áo Elisabeth đến nghỉ hè mười mấy ngày trong một năm. Nhân vật mà bà yêu thích nhất trong thần thoại Hy Lạp là Achilles (phiên âm tiếng Việt là Asin), vì thế tòa lâu đài được gọi là “dinh Achilleion”. Trước lâu đài, ở ngay lối vào là bức tượng Achilles bằng đồng với gót chân bợt màu, gót chân không được nhúng nước sông Atyx, “gót chân Asin”. Sau khi nữ hoàng Sissi qua đời, hoàng đế Đức Wilhem II mua lại toàn bộ dinh thự, trở thành chủ nhân thứ hai của nó. Trong khu vườn tuyệt đẹp của cung Achilleion có hai bức tượng vị anh hùng này do Sissi và Wilhem II dựng, mỗi bức tượng mang đậm nét tính cách của chủ nhân nó. Bức tượng “Achilles hấp hối” của nữ hoàng Sissi luôn âu sầu buồn bã nằm phía sau lâu đài, chàng Achilles trước lúc chết đưa đôi mắt tuyệt vọng nhìn về phía cuối vườn, nơi bức tượng khổng lồ “Achilles bách chiến bách thắng” cao hơn năm mét của Wilhem II hùng dũng giữa những thân cọ thẳng cao tít tắp, mặt hướng ra phong cảnh tuyệt vời bên dưới và mặt biển mênh mông, như thể chàng “Achilles hấp hối” đang tiếc nuối quá khứ oai hùng của mình.

(Tượng Achilles hấp hối)

(và tượng Achilles bách chiến bách thắng)

Ở dinh Achilleion còn có vô số các bức tượng và tranh mang mô típ Hy Lạp khác. Căn phòng nổi tiếng ở đây là phòng trang điểm của nữ hoàng Sissi với rất nhiều gương, nơi bà chăm sóc sắc đẹp từ 5 giờ sáng tới 12 giờ trưa mỗi ngày. Mặc dù vô cùng chăm chút đến nhan sắc, chỉ tắm bằng sữa, nhưng sau 35 tuổi bà không cho phép ai vẽ chân dung mình nữa, vì cho rằng nhan sắc của mình đã tàn phai. Trong các bức chân dung, không bao giờ thấy bà cười, luôn là một vẻ u buồn miên man.

Palaiokastritsa

Bãi biển Palaiokastritsa được xem là nơi đẹp nhất của đảo Corfu. Ở đây, giá cả cũng đắt đỏ nhất. Nước xanh và trong suốt, những tảng đá, ngọn núi, hang động nhỏ rải rác ven bờ, những con vịnh nhỏ mềm mại, duyên dáng, khiến cho phong cảnh ở đây có sức quyến rũ mê hồn. Du khách đổ xô đến Palaiokastritsa bất chấp bờ biển là bãi sỏi rất hẹp, họ nằm phơi nắng chen chúc la liệt như cá mòi. Dường như cái náo nhiệt và chật chội không khiến họ phiền lòng. Bù lại, họ có thể ngắm cảnh biển thần tiên, đi thuyền thăm thú các hang động, chơi vô số các môn thể thao dưới nước. Palaiokastrisa thích hợp cho thanh niên và những người muốn có một kỳ nghỉ hè thật sôi động.

(Palaiokastritsa nhìn từ trên cao)

Palaiokastritsa đẹp nhất là nhìn từ trên núi, nổi tiếng nhất là từ nhà hàng Bella Vista gần làng Lakones. Các con đường lên núi hay vào sâu trong đảo ở Corfu thường rất hẹp. Muốn đi xe ở đây, bạn phải biết cài số lùi thành thạo như số tiến, vì thường là đường chỉ rộng vừa một thân xe. Nếu hai xe ngược chiều gặp nhau, một xe sẽ phải lùi đến một chỗ khả dĩ để hai xe có thể đi qua. Làng Lakones có những đoạn đường chỉ vừa đúng một thân xe buýt, hai bên là nhà dân. Hàng năm, các công ty du lịch phải trả tiền cho cư dân ở đây để họ... không mở cửa sổ vào mùa hè, cho xe buýt đi qua! Những đoạn đường này tuyệt đối cấm xe con và người đi bộ. Khi mới đến đảo, trên đường về khách sạn, có những đoạn chúng tôi cứ tưởng mình đang đi trên đường một chiều vì không gặp các xe đi ngược, lại còn thắc mắc sao không có lề đường dành cho người đi bộ, nếu phải đẩy xe nôi thì biết làm sao? Về sau mới thấy những đoạn đường ấy còn rộng rãi chán, và “lề đường” thì quả là một điều quá xa xỉ ở Corfu!

(đường qua làng Lakones)

Đảo Paxos

Một trong những nơi thăm quan ưa thích của du khách khi đến Corfu là Paxos, hòn đảo nhỏ vô cùng quyến rũ nằm cách Corfu 14 km về phía Nam. Theo thần thoại Hy Lạp, thần biển Poseidon tạo ra Paxos bằng cách dùng đinh ba xắn một miếng đất từ Corfu để làm nơi tình tự với người tình của mình, nữ thần Amphitrite. Paxos có các bến cảng tuyệt đẹp với những chiếc du thuyền nằm san sát nhau bên bờ vịnh hình vòng cung và những ngôi nhà xinh xắn như trong tranh. Từ trên cao nhìn xuống, Paxos khiến người ta sững sờ vì phong cảnh tuyệt vời. Và vẫn là màu nước xanh pha lê mê hồn ấy. Du khách có thể đến đây dạo chơi vài giờ hoặc ở lại nghỉ lâu hơn. Hòn đảo này là nơi nghỉ hè rất “mốt” của người Anh và người Ý.

Lefkimi

Trong thời gian đến Corfu, chúng tôi ở khách sạn Attika gần Lefkimi ở phía Nam của đảo. Lefkimi là thành phố lớn thứ hai của Corfu, thực chất là một cái làng lớn, gần như bị khách du lịch bỏ quên. Có lẽ chỉ có chúng tôi, các khách trọ của Attika là đến đây thăm thú bằng xe buýt miễn phí của khách sạn. Ở đây bạn có thể chứng kiến cuộc sống thường nhật của một thị trấn, làng quê điển hình của Corfu. Đám đàn ông ngồi tán gẫu trong quán cà phê buổi sáng. Phụ nữ lúi húi quét tước trước sân nhà. Những bà già đội khăn chống gậy đi trên đường. Những ông lão bắc ghế ngồi suy tư ngoài hiên. Những chiếc xe máy cà tạch cà tàng như thuộc về thế kỷ trước. Các vườn nho, rừng ô liu, những chú lừa hiền lành, những căn nhà một hai tầng cũ kỹ. Rất yên tĩnh và thanh bình.

(một quán cà phê ở Lefkimi)

Khách sạn Attika cách Lefkimi ba cây số, cách những nơi phồn hoa đô hội khác “bảy ngọn đồi và ba cánh rừng ô liu”, thực sự tách biệt khỏi thế giới bên ngoài. Nơi này thích hợp cho những ai muốn tìm chút yên tĩnh để nghỉ ngơi, hoặc các gia đình có con nhỏ. Bãi cát rộng và mịn ngay sát khách sạn có hàng bạch đàn cổ thụ rợp bóng tuyệt đẹp. Một chiếc cầu tàu dài màu trắng vươn ra biển, chủ yếu để cho du khách dạo chơi. Ban đêm, tôi thấy nhiều người ra cầu tàu câu cá.

Nước biển trong và rất mặn, có thể đi ra rất xa mà biển vẫn nông, không nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Nếu không bơi, có thể nằm trên bãi biển hưởng gió và nắng, nhìn ra những con tàu trắng xa xa ngoài khơi hay đắm chìm vào những trang sách, đó là những giờ phút tôi cảm thấy thực sự thư giãn. Khách sạn có câu lạc bộ cho thiếu nhi, đám trẻ con thích mê với những trò nhảy múa hát hò mà các cô phụ trách bày ra. Các bé còn được hướng dẫn vẽ tranh vào áo phông để sau kỳ nghỉ, bé nào cũng có một tấm áo với tấm hình kỷ niệm do chính tay mình vẽ.

(khách sạn và bãi biển Attika)

Ngày trở về, chúng tôi thực sự cảm thấy lưu luyến. Mười bảy người chúng tôi, già trẻ lớn nhỏ gái trai, đã có một kỳ nghỉ trọn vẹn, tuyệt vời. Tạm biệt Corfu, tôi biết rằng những ấn tượng và kỷ niệm đầy ắp sẽ còn mãi trong lòng, chúng sẽ sáng lên trên những màn hình máy tính như những tia nắng. Từ những màn hình ấy, chúng sưởi ấm cho chúng tôi trong những ngày mùa thu ẩm ướt hay những ngày đông giá lạnh của châu Âu.

Và tôi biết rằng sẽ có ngày mình quay trở lại Corfu, tình yêu của thần biển Poseidon.

(Warszawa, tháng 8/2009)

2 comments:

ANH said...

Nhìn hình thấy đã đời ghê nhỉ

Thái Linh said...

Ừ, đã đời lắm, "sững sờ và run rẩy" luôn :)