Saturday 29 May 2010

Barcelona, những mảnh ghép vụn


(Casa Mila, tòa nhà do Gaudi thiết kế)


Tôi đến Barcelona vào những ngày chớm xuân. Làn không khí mát lành buông phủ xuống thành phố như tấm khăn voan mỏng nhẹ, những sợi tơ vô hình tinh khiết, mềm mại vương lên tóc, lên má, lên những ngón tay. Hàng cây hai bên đường bắt đầu nảy lộc, lấm chấm phớt những đốm xanh ngập ngừng lên thân cành. Chỉ hai tuần nữa thôi, các đốm xanh nhỏ bé rụt rè ấy sẽ bung ra hào phóng, mãnh liệt, dạt dào, để những con đường hân hoan dưới vòm lá xanh mướt non tơ trong khoảnh khắc đẹp nhất của mùa xuân. Những cơn mưa phùn thoáng qua gợi cho tôi cảm giác thân thương của những cơn mưa xuân thời thơ ấu, khi tôi còn ở Việt Nam. Barcelona bỗng nhiên không còn xa lạ. Rặng núi xanh mờ xa xa khiến tôi thấy bình yên. Là bình yên. Là trong vắt. Là „Một chút gì mới tinh, không thể mất -Trong khói sương xanh thẳm đến vô cùng...“ (1)

*

Trong nhà hát Palau de la Musica Catalona – một trường ca tuyệt đẹp được dệt bằng những vần thơ của thủy tinh màu và sứ ghép mảnh - tôi đã nghe các nghệ sỹ flamenco kể câu chuyện tình yêu. Trong không gian ấm áp, gần gũi, thân mật, một không gian rất mộc, tôi nghe từng nhịp chân của người vũ công dội vào tim mình, nhịp chân khi dồn dập, cuồng say, mãnh liệt, khi rào rào như cơn mưa mùa hạ, khi nhẹ nhàng như lời thì thầm trong đêm... Những nhịp chân mà người vũ công đã dồn hết vào đó cả tâm hồn và sự khéo léo, dường như anh đã biến cơ thể mình thành thứ nhạc cụ kỳ diệu nhất, những nhịp chân như có thần, có phách, cuốn tôi vào một dòng sông bất tận của nhịp điệu. Và tiếng hát, tiếng hát nồng nàn mà khắc khoải, kiêu hãnh mà u sầu của người ca nữ trong những giai điệu từ miền Andalusia nóng bỏng, chính là thứ ngôn ngữ biểu cảm tuyệt vời nhất của tình yêu. Flamenco là gì nếu thiếu tình yêu? Flamenco là gì, nếu không phải là tình yêu?

*

Bảo tàng Picasso. Tôi đã dừng lại rất lâu trước một bức tranh nhỏ vẽ cảnh bãi biển Barceloneta. Không một hình khối, cả bức tranh chỉ là những mảng màu, những sợi màu mịn màng, tươi sáng. Tinh mơ. Nhẹ bỗng. Dịu dàng. Những sắc xanh lơ, hồng nhạt, vàng mơ, vừa mong manh vừa ấm áp. Bức tranh giống một tấm khăn lụa nhỏ nằm khiêm nhường trong tủ kính, có lẽ chẳng mấy ai để ý, không hiểu sao lại gợi cho tôi một sự gần gũi kỳ lạ. Các sắc màu ấy giống những cuộn chỉ thêu mà ngày bé tôi hằng say mê. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác háo hức mỗi khi cùng bà ngoại ra chợ, gần đến quầy hàng xén, nơi người ta bán chỉ thêu, hình như bao giờ tim tôi cũng đập mạnh hơn. Và cái màu vàng mơ này đây, màu của cuộn chỉ thêu đầu tiên mà tôi có được trong đời, đã khiến tôi sung sướng đến mất ngủ. Không có gì mịn màng hơn thế, óng ả hơn thế, êm dịu hơn thế. Trong sắc vàng mơ ấy giấu cả bộ lông óng mịn của những chú gà con, cả ráng mây mát lành buổi sáng, cả ánh trăng đêm Trung thu, cả bụi phấn trên những cánh mai rừng mà cậu tôi thỉnh thoảng đem về vào dịp Tết ... Sắc vàng mơ tươi êm từng vỗ về tuổi thơ tôi, giờ lại hiện ra nhẹ nhàng, giản dị, tự nhiên như không thể khác, ở một góc xa lắc trên trái đất, như thể đã chờ đợi tôi từ hơn một thế kỷ. Sắc vàng mơ qua đôi mắt trong veo của chú bé Picasso tuổi mười lăm.

Marina.

*

Barcelona của Gaudi. Gaudi thiên tài và điên rồ. Gaudi cô đơn. Nỗi cô đơn ngất cao như những ngọn tháp Sagrada Familia đâm cứa vào bầu trời Barcelona. Nỗi cô đơn mềm như nước chảy vô hình trong Casa Battlo. Nỗi cô đơn quanh co như những bước chân trong Casa Mila. Nỗi cô đơn dằng dặc như chiếc trường kỷ ở Parc Guell. Và nỗi cô đơn đẹp như những cây đèn đường trên đại lộ Gracia... Ở Barcelona, tôi không ngừng nghĩ về nỗi cô đơn của Gaudi. Nó hiện diện ở khắp nơi. Đã có lúc tôi có cảm giác mình chạm được vào nó. Nhưng làm sao có thể chạm được vào nỗi cô đơn? Chỉ có thể nghĩ về nó, cảm nhận nó, nhưng không thể chạm vào.
Nỗi cô đơn Gaudi lừng lững in vào ánh nắng quái của hoàng hôn modernism.


*

Ở Barcelona, tôi gặp rất nhiều quán ăn, cửa tiệm của người Trung Quốc. Có lần, chúng tôi vào ăn sáng ở một quán ăn nhỏ. Quán mở cửa từ 10 giờ sáng đến 9 giờ tối, phục vụ các món bình dân. Thực khách chủ yếu là người Trung Quốc, đôi lúc mới thấy một người „Tây Ban Nha” bước vào, nhưng có lẽ cũng là dân nhập cư. Chủ quán và những người phục vụ rất nhiệt tình, nhưng một chữ tiếng Anh cũng không biết. Họ đều nở nụ cười, nhưng tôi thấy mắt họ quầng thâm, bàn tay họ nứt nẻ, phồng rộp. Ngoài kia là nắng xuân tươi sáng, là những bài thơ của văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, là Gaudi, Picasso,Joan Miro, là ngôn ngữ của Cervantes... còn trong căn quán này là một thế giới khác, buồn bã, u tối, đơn điệu, nhọc nhằn. Tôi nghĩ đến những người đồng hương của mình trong các quán bar chật chội ở Warszawa. Mắt họ cũng quầng thâm như thế, tay họ cũng nứt nẻ như thế. Các thành phố khoe ra trong ánh sáng những tinh hoa đặc sắc nhất của mình, điều khiến chúng khác nhau. Nhưng bóng tối và những nỗi nhọc nhằn thì giống nhau, nơi nào cũng thế.


----

(1) Thơ Antonio Machado, thi sỹ người Tây Ban Nha

2 comments:

Sinh Tử Lệnh said...

Xin phép được "cõng" bài này về Hà Nội!
Cám ơn bạn !

Nhị Linh said...

hic một trong những thành phố favorite của em đấy, nhất là ngọn đồi và bến cảng