Saturday, 29 May 2010

Barcelona, những mảnh ghép vụn


(Casa Mila, tòa nhà do Gaudi thiết kế)


Tôi đến Barcelona vào những ngày chớm xuân. Làn không khí mát lành buông phủ xuống thành phố như tấm khăn voan mỏng nhẹ, những sợi tơ vô hình tinh khiết, mềm mại vương lên tóc, lên má, lên những ngón tay. Hàng cây hai bên đường bắt đầu nảy lộc, lấm chấm phớt những đốm xanh ngập ngừng lên thân cành. Chỉ hai tuần nữa thôi, các đốm xanh nhỏ bé rụt rè ấy sẽ bung ra hào phóng, mãnh liệt, dạt dào, để những con đường hân hoan dưới vòm lá xanh mướt non tơ trong khoảnh khắc đẹp nhất của mùa xuân. Những cơn mưa phùn thoáng qua gợi cho tôi cảm giác thân thương của những cơn mưa xuân thời thơ ấu, khi tôi còn ở Việt Nam. Barcelona bỗng nhiên không còn xa lạ. Rặng núi xanh mờ xa xa khiến tôi thấy bình yên. Là bình yên. Là trong vắt. Là „Một chút gì mới tinh, không thể mất -Trong khói sương xanh thẳm đến vô cùng...“ (1)

*

Trong nhà hát Palau de la Musica Catalona – một trường ca tuyệt đẹp được dệt bằng những vần thơ của thủy tinh màu và sứ ghép mảnh - tôi đã nghe các nghệ sỹ flamenco kể câu chuyện tình yêu. Trong không gian ấm áp, gần gũi, thân mật, một không gian rất mộc, tôi nghe từng nhịp chân của người vũ công dội vào tim mình, nhịp chân khi dồn dập, cuồng say, mãnh liệt, khi rào rào như cơn mưa mùa hạ, khi nhẹ nhàng như lời thì thầm trong đêm... Những nhịp chân mà người vũ công đã dồn hết vào đó cả tâm hồn và sự khéo léo, dường như anh đã biến cơ thể mình thành thứ nhạc cụ kỳ diệu nhất, những nhịp chân như có thần, có phách, cuốn tôi vào một dòng sông bất tận của nhịp điệu. Và tiếng hát, tiếng hát nồng nàn mà khắc khoải, kiêu hãnh mà u sầu của người ca nữ trong những giai điệu từ miền Andalusia nóng bỏng, chính là thứ ngôn ngữ biểu cảm tuyệt vời nhất của tình yêu. Flamenco là gì nếu thiếu tình yêu? Flamenco là gì, nếu không phải là tình yêu?

*

Bảo tàng Picasso. Tôi đã dừng lại rất lâu trước một bức tranh nhỏ vẽ cảnh bãi biển Barceloneta. Không một hình khối, cả bức tranh chỉ là những mảng màu, những sợi màu mịn màng, tươi sáng. Tinh mơ. Nhẹ bỗng. Dịu dàng. Những sắc xanh lơ, hồng nhạt, vàng mơ, vừa mong manh vừa ấm áp. Bức tranh giống một tấm khăn lụa nhỏ nằm khiêm nhường trong tủ kính, có lẽ chẳng mấy ai để ý, không hiểu sao lại gợi cho tôi một sự gần gũi kỳ lạ. Các sắc màu ấy giống những cuộn chỉ thêu mà ngày bé tôi hằng say mê. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác háo hức mỗi khi cùng bà ngoại ra chợ, gần đến quầy hàng xén, nơi người ta bán chỉ thêu, hình như bao giờ tim tôi cũng đập mạnh hơn. Và cái màu vàng mơ này đây, màu của cuộn chỉ thêu đầu tiên mà tôi có được trong đời, đã khiến tôi sung sướng đến mất ngủ. Không có gì mịn màng hơn thế, óng ả hơn thế, êm dịu hơn thế. Trong sắc vàng mơ ấy giấu cả bộ lông óng mịn của những chú gà con, cả ráng mây mát lành buổi sáng, cả ánh trăng đêm Trung thu, cả bụi phấn trên những cánh mai rừng mà cậu tôi thỉnh thoảng đem về vào dịp Tết ... Sắc vàng mơ tươi êm từng vỗ về tuổi thơ tôi, giờ lại hiện ra nhẹ nhàng, giản dị, tự nhiên như không thể khác, ở một góc xa lắc trên trái đất, như thể đã chờ đợi tôi từ hơn một thế kỷ. Sắc vàng mơ qua đôi mắt trong veo của chú bé Picasso tuổi mười lăm.

Marina.

*

Barcelona của Gaudi. Gaudi thiên tài và điên rồ. Gaudi cô đơn. Nỗi cô đơn ngất cao như những ngọn tháp Sagrada Familia đâm cứa vào bầu trời Barcelona. Nỗi cô đơn mềm như nước chảy vô hình trong Casa Battlo. Nỗi cô đơn quanh co như những bước chân trong Casa Mila. Nỗi cô đơn dằng dặc như chiếc trường kỷ ở Parc Guell. Và nỗi cô đơn đẹp như những cây đèn đường trên đại lộ Gracia... Ở Barcelona, tôi không ngừng nghĩ về nỗi cô đơn của Gaudi. Nó hiện diện ở khắp nơi. Đã có lúc tôi có cảm giác mình chạm được vào nó. Nhưng làm sao có thể chạm được vào nỗi cô đơn? Chỉ có thể nghĩ về nó, cảm nhận nó, nhưng không thể chạm vào.
Nỗi cô đơn Gaudi lừng lững in vào ánh nắng quái của hoàng hôn modernism.


*

Ở Barcelona, tôi gặp rất nhiều quán ăn, cửa tiệm của người Trung Quốc. Có lần, chúng tôi vào ăn sáng ở một quán ăn nhỏ. Quán mở cửa từ 10 giờ sáng đến 9 giờ tối, phục vụ các món bình dân. Thực khách chủ yếu là người Trung Quốc, đôi lúc mới thấy một người „Tây Ban Nha” bước vào, nhưng có lẽ cũng là dân nhập cư. Chủ quán và những người phục vụ rất nhiệt tình, nhưng một chữ tiếng Anh cũng không biết. Họ đều nở nụ cười, nhưng tôi thấy mắt họ quầng thâm, bàn tay họ nứt nẻ, phồng rộp. Ngoài kia là nắng xuân tươi sáng, là những bài thơ của văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, là Gaudi, Picasso,Joan Miro, là ngôn ngữ của Cervantes... còn trong căn quán này là một thế giới khác, buồn bã, u tối, đơn điệu, nhọc nhằn. Tôi nghĩ đến những người đồng hương của mình trong các quán bar chật chội ở Warszawa. Mắt họ cũng quầng thâm như thế, tay họ cũng nứt nẻ như thế. Các thành phố khoe ra trong ánh sáng những tinh hoa đặc sắc nhất của mình, điều khiến chúng khác nhau. Nhưng bóng tối và những nỗi nhọc nhằn thì giống nhau, nơi nào cũng thế.


----

(1) Thơ Antonio Machado, thi sỹ người Tây Ban Nha

Wednesday, 26 May 2010

Rượu nho, nắng, gỗ sồi và thời gian (*)



Không phải ai cũng biết rượu cô nhắc được làm như thế nào. Để làm rượu cô nhắc, người ta cần tới những bốn thứ: rượu nho, nắng, gỗ sồi và thời gian. Ngoài ra, như trong mỗi loại nghệ thuật, cần phải có khiếu thưởng thức. Phần còn lại thì như sau:

Vào mùa thu , sau khi thu hoạch, người ta nấu rượu nho. Thứ rượu nho này được đổ vào thùng. Thùng phải bằng gỗ sồi. Toàn bộ bí mật của cô nhắc nằm trong những thớ gỗ sồi. Cây sồi lớn lên và gom nắng trong mình. Nắng lắng vào thớ gỗ sồi như hổ phách lắng xuống đáy đại dương. Đây là cả một quá trình dài hàng chục năm. Thùng làm bằng gỗ sồi non không thể cho loại cô nhắc ngon. Cây sồi lớn lên, thân nó bắt đầu bạc đi. Sồi tỏa nhánh, gỗ của nó mỗi ngày một chắc, màu sắc và hương thơm ngày càng đượm hơn. Không phải cây sồi nào cũng làm được rượu cô nhắc ngon. Những cây sồi đơn độc, mọc nơi yên tĩnh, chỗ đất khô sẽ cho loại cô nhắc ngon nhất. Những cây sồi như thế luôn được sưởi nắng. Trong thớ gỗ của nó nắng nhiều như mật trong tổ ong. Đất ẩm thì chua và khi đó gỗ sồi sẽ có quá nhiều vị đắng. Ta sẽ cảm thấy ngay trong vị cô nhắc. Một cây sồi bị thương khi còn non cũng không cho rượu cô nhắc ngon. Trong thân cây bị thương, nhựa chảy không đều và gỗ sồi không còn vị nữa.

Sau đó, những người thợ sẽ đóng thùng. Thợ đóng thùng cũng phải thạo nghề. Nếu xẻ không khéo, gỗ sồi sẽ không cho hương vị. Nó sẽ chỉ cho màu sắc, nhưng không nhả hương ra. Sồi là thứ gỗ lười biếng, mà để làm rượu cô nhắc, nó phải lao động. Người thợ đóng thùng phải tinh tế như thợ đóng đàn vĩ cầm. Một chiếc thùng tốt có thể giữ được cả trăm năm. Có những chiếc thùng hai trăm năm tuổi và cổ hơn nữa. Không phải chiếc thùng nào cũng tốt. Có những chiếc thùng vô vị, nhưng có những chiếc cho loại cô nhắc quý như vàng. Sau vài năm thì đã có thể biết rượu trong thùng nào ra sao.

Người ta đổ rượu nho vào thùng. Năm trăm hoạc một nghìn lít, tùy. Thùng được đặt lên giá và cứ để như thế. Không phải làm gì nữa, chỉ là chờ đợi. Mọi thứ đều có thời gian của nó. Thứ rượu này giờ đây ngấm vào gỗ sồi và khi đó, gỗ trao ra tất cả những gì nó có. Gỗ trao tặng nắng, trao tặng mùi thơm, trao tặng màu sắc. Gỗ tự ép nhựa ra, nó lao động.

Bởi vậy nó cần được yên tĩnh.

Cần thoáng khí, vì gỗ luôn thở. Gỗ thích khô ráo. Sự ẩm ướt làm hỏng màu, nó sẽ cho màu sắc nặng nề, không ánh sáng. Rượu vang ưa độ ẩm, nhưng cô nhắc thì không chịu nổi điều đó. Cô nhắc đỏng đảnh hơn. Mẻ rượu cô nhắc đầu tiên có thể uống là sau ba năm. Ba năm, ba sao. Những loại cô nhắc có sao là những loại non nhất, kém hơn. Cô nhắc ngon nhất là những loại bản hiệu, không có sao. Đó là những loại đã có hàng chục, hai chục, đến cả trăm năm. Nhưng thực chất, tuổi của cô nhắc còn nhiều hơn. Cần tính thêm cả tuổi của cây sồi đã được dùng để đóng thùng nữa.

Cô nhắc non hay già, có thể nhận ra qua vị rượu. Rượu cô nhắc non thì gắt, sốc, như thể bốc đồng. Vị sẽ chua, chát. Nhưng rượu lâu năm thì êm và dịu. Chỉ sau đó nó mới bắt đầu tỏa sáng. Rượu cô nhắc lâu năm mang trong mình nhiều hơi ấm, nhiều nắng. Nó chạy lên đầu người ta nhẹ nhàng, không gấp gáp.

Rồi nó sẽ làm điều nó cần làm.


(Trích "Đế quốc" (Imperium), Ryszard Kapuściński, Thái Linh dịch)

(*) Nhan đề do người dịch tạm đặt

Monday, 24 May 2010

Armenia


(Bảng chữ cái Armenia)


Ở Matenadaran, người ta có thể xem những quyển sách cổ của người Armenia. Đối với tôi, chúng hai lần bất khả thấu: chúng nằm trong tủ kính và tôi không thể đọc được. Tôi hỏi Vanik xem anh có hiểu chúng không. Vừa có, vừa không, vì anh có thể đọc các chữ cái nhưng không hiểu nghĩa của chúng. Bảng chữ cái giữ nguyên từ mười lăm thế kỷ nay, nhưng ngôn ngữ đã thay đổi. Một người Armenia đến Matenadaran như người Hồi giáo đến Mecca. Đó là đoạn kết cuộc hành hương của anh ta, anh xúc động và đầy mong mỏi. Trong lịch sử Armenia, sách là di vật quốc gia của họ. Cô hướng dẫn viên cùng đi với tôi (tuyệt đẹp!) thì thầm kể rằng nhiều bản chép tay mà chúng tôi đang thấy đã được gìn giữ bằng mạng sống con người. Có những trang loang lổ máu. Có những quyển sách đã được chôn nhiều năm trong lòng đất, giấu trong các khe đá. Người Armenia đã chôn chúng như những đạo quân thất trận chôn lá cờ của mình. Chúng được tìm thấy lại không khó khăn gì: thông tin về nơi giấu sách được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Một dân tộc không có quốc gia tìm kiếm sự che chở trong các biểu tượng. Đối với nó, việc bảo vệ biểu tượng quan trọng như các quốc gia khác bảo vệ bờ cõi biên cương. Sự tôn sùng biểu tượng trở thành một hình thức sùng kính tổ quốc. Đó là hành động của lòng yêu nước. Không phải là người Armenia chưa từng có quốc gia. Họ đã có một quốc gia, nhưng bị hủy diệt từ thời cổ đại. Sau đó, nó được tái sinh vào thế kỷ IX và 160 vào năm sau thì diệt vong – trong hình hài xưa kia của mình - vĩnh viễn. Không chỉ là quốc gia. Ít nhất trong vòng hai nghìn năm người Armenia đã bị đe dọa bởi sự diệt chủng hoàn toàn. Họ còn bị đe đọa đến tận thế kỷ này, cho đến năm 1920.

Lịch sử Armenia được tính bằng hàng nghìn năm. Chúng ta đang ở vùng đất thường được gọi là cái nôi của văn minh. Ta đang di chuyển giữa những dấu vết cổ xưa nhất của sự tồn tại của con người. Ở thung lũng sông Razdan, gần Yerevan, người ta khai quật được những dụng cụ đồ đá 4000 năm tuổi, nhưng ngay từ khi đó, như những dòng chữ trên đá viết, trên lãnh thổ Armenia đã có “sáu mươi đế quốc” và “hàng trăm thành phố”. Do đó, Armenia đồng niên với những nền văn minh cổ xưa nhất trên thế giới. Babilon và Assyria là láng giềng của họ. Những dòng sông Tigris và Euphrates trong Kinh Thánh có khởi nguồn nằm trong biên giới Armenia.

Người Armenia có thước đo thời gian khác chúng ta(1). Họ trải qua cuộc chia cắt đầu tiên vào 2500 năm trước. Thời Phục hưng của họ rơi vào thế kỷ IV. Họ tiếp nhận Cơ đốc giáo sớm hơn chúng ta bảy thế kỷ. Họ bắt đầu viết bằng ngôn ngữ của chính mình trước chúng ta mười thế kỷ. Nhưng Armenia chia sẻ với Ai Cập cổ đại, Sumer và Byzantium cùng một bi kịch điển hình của vùng này – điều cốt yếu của nó là sự thiếu vắng tính liên tục lịch sử, những chương trắng đột nhiên xuất hiện trong cuốn sách giáo khoa lịch sử của đất nước.

Một sự thăng hoa đến vàng son tuyệt đỉnh, rồi sau đó là tuột dốc thê thảm. Dần dần, từng bước một, các dân tộc sinh sống trong cái nôi nhân loại này, cùng với những nền văn minh vĩ đại, đồ sộ - như thể kiệt sức vì những nỗ lực phi phàm, hay cũng có thể là bị đè nát vì sự khổng lồ của chính công trình mình đã tạo ra và không thể tiếp tục phát triển nó nữa - đã nhường ngôi lại cho những dân tộc trẻ hơn, bừng bừng sinh lực và sức sống. Châu Âu bước ra sân khấu, rồi sau đó là châu Mỹ.

Nguồn gốc mọi bất hạnh của Armenia là vị trí địa lý tai hại của nó. Phải xem trên bản đồ, nhưng không phải xem từ phía chúng ta, từ Đông Âu, mà là từ điểm hoàn toàn khác, từ vùng Nam Á, như những kẻ đã định đoạt số phận Armenia từng xem. Theo sử, Armenia nằm trên lãnh thổ của Cao nguyên Armenia. Có những thời kỳ (kéo dài hàng thế kỷ) Armenia vươn xa hơn, là quốc gia của ba vùng biển: Địa Trung Hải, Hắc Hải và biển Caspi. Nhưng ta hãy chỉ dừng lại ở trong biên giới Cao nguyên Armenia. Ký ức lịch sử của người Armenia liên tưởng đến vùng lãnh thổ này. Sau thế kỷ XI, người Armenia không bao giờ còn có thể dựng lại nước Armenia trong những đường biên giới ấy. Nước Armenia ngày nay chỉ chiếm 1/10 lãnh thổ Cao nguyên Armenia xưa kia. Phần đất còn lại nằm ở Iran và chủ yếu là ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tấm bản đồ, xem từ Nam Á lên, lý giải về bi kịch của người Armenia. Định mệnh không thể đặt tổ quốc họ vào nơi nào bất hạnh hơn thế. Phía Nam, Cao nguyên giáp ranh với hai cường quốc thời đó – Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ. Ta hãy thêm vào đó Vương quốc Ả rập. Và thậm chí cả Đông La Mã. Bốn gã khổng lồ chính trị, đầy tham vọng, bành trướng khủng khiếp, cuồng tín, tham lam. Và giờ đây, khi một trong số bốn kẻ thống trị các cường quốc đó xem bản đồ, hắn thấy gì? Hắn thấy rằng nếu chiếm Armenia, đế quốc của hắn sẽ khép lại bằng một đường biên tự nhiên lý tưởng. Ở phía Bắc, Cao nguyên Armenia được che chắn một cách tuyệt vời, nó được hai biển (Hắc Hải và Biển Caspi) cùng dãy núi Caucas hùng vĩ bảo vệ. Mà phía Nam đang rất nguy hiểm đối với Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ, với Ả rập và Đông La Mã. Bởi khi đó những cơn cuồng phong Mông Cổ đang đe dọa từ phương Bắc.

Do đó, Armenia làm cho tất cả các hoàng đế và Pasa(2) mất ăn mất ngủ. Ai cũng muốn cường quốc của mình có đường biên tròn trịa đẹp đẽ. Sao cho trên đất nước của ông ta, như trên vương quốc của vua Philip, mặt trời không bao giờ lặn. Sao cho bờ cõi không chơ vơ giữa các bình nguyên, mà có thể tựa vào núi non hùng vĩ, áp vào bờ biển. Kết quả của những tham vọng này là các cuộc lấn chiếm không ngừng lên lãnh thổ Armenia, luôn luôn có kẻ nào đó xâm lược và tàn phá nó, chinh phục và nô dịch nó.

Đó là trong phạm vi chính trị. Nhưng có cả vấn đề tôn giáo nữa. Năm 301, vào thời hoàng đế Tiridates III Arashakuni cai trị, Armenia tiếp nhận Cơ đốc giáo. Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới nhận Cơ đốc giáo là quốc đạo. Mâu thuẫn treo lơ lửng trong không khí: nước Ba tư láng giềng theo Bái Hỏa giáo, thù địch với Cơ đốc giáo, còn từ phía Tây, Hồi giáo đang lấn tới, thù địch với cả Bái Hỏa giáo và Cơ đốc giáo. Bắt đầu kỷ nguyên của những chủ nghĩa cuồng tín vô độ, những cuộc thảm sát tôn giáo, chủ nghĩa bè phái, ly giáo, cơn điên trung cổ. Và Armenia bước vào kỷ nguyên ấy.

Người Armenia có Giáo hội của mình, được gọi là Giáo Hội Chính thống giáo Armenia Tông truyền. Trong mối cừu hận kéo dài hàng thế kỷ giữa Vatican và Byzantium, họ giữ vị trí trung lập, nhưng vẫn gần gũi với Vatican hơn. Do đó, mặc dù thuộc nhóm Giáo hội theo nghi thức Hy Lạp, ở Constantinople họ bị tính như những kẻ biệt lập, thậm chí là những kẻ dị giáo. “Nghi lễ của họ”, Runciman thuật lại, “khác biệt với nghi lễ Hy Lạp trong nhiều chi tiết. Họ sẵn sàng hiến tế súc vật bị chọc tiết, họ bắt đầu Tuần chay Lớn vào ngày chủ nhật Thất Thập, họ ăn chay vào thứ Bảy và trước hết, họ ăn bánh mì không có men ở Eucharist”. Vì loại bánh mì này, vốn được họ nhất quyết ăn một cách đầy dị biệt, mà họ bị gọi một cách khinh bỉ là “những kẻ vô men”.

Đứng đầu Giáo hội Armenia là giáo chủ, luôn trụ ở Echmiadzin, gần Yerevan. Trong số các giáo chủ, có một số nhà thơ, triết gia, nhạc sỹ và nhà ngữ pháp học kiệt xuất. Khi quốc gia Armenia không tồn tại – điều thường trực trong thời kỳ phong kiến và cận đại – chính các giáo chủ trình bày những vấn đề của người Armenia trước trường quốc tế. Họ thực hiện trách nhiệm của nguyên thủ không chính thức của một quốc gia không tồn tại. Do đó, họ có thêm thanh thế. Hiện nay giáo chủ cũng được kính trọng. Điều đó đã thuộc về truyền thống.

Một nhà tu hành tên là Mashtots đã tạo ra bảng chữ cái Armenia. Cuộc đời của Mashtots là cuộc đời của một nhà tu hành vô danh. Ông hoàn toàn ẩn mình trong tác phẩm. Người Armenia luôn nói về ông: “Mashtots thiên tài”. Vì bảng chữ cái này, Giáo hội đã phong thánh cho ông, trong trường hợp này có thể coi như một loại Giải thưởng Quốc gia. Thật đáng kinh ngạc khi bảng chữ cái của một thầy tu vô danh tiểu tốt lại có thể được chấp nhận ngay lập tức như vậy. Nhưng đó đã là sự thật! Hẳn là khi đó người Armenia đã có nhu cầu mạnh mẽ để xác định bản sắc và sự khác biệt. Họ là hòn đảo Cơ đốc cô đơn giữa đại dương của những quái vật Á châu xa lạ. Núi non không thể che chở họ: vào khoảng thời gian bảng chữ cái được công bố, Armenia mất độc lập.

Kể từ đó, các đạo quân nước ngoài – Ba Tư, Mông Cổ, Ả rập, Thổ Nhĩ Kỳ - sẽ quần trên đất nước này như những cơn gió độc. Lời nguyền sẽ bám riết lấy mảnh đất này. Những gì được dựng lên sẽ bị phả hủy. Những dòng sông sẽ chảy hòa với máu. Những quyển biên niên sử sẽ đầy các bức tranh buồn thảm. “Những đóa hồng và violet Armenia đã héo khô – Leo, một sử gia Armenia thời Trung cổ tuyệt vọng viết – Armenia đã trở thành quê hương của nỗi đau. Người Armenia bị truy đuổi lang thang chốn tha hương, hoặc lạc lối trong đói khát trên mảnh đất tổ quốc phủ đầy xác người.”

Tan tác trên chiến trường, Armenia tìm sự giải thoát trong các phòng viết. Đó là cuộc tháo quân, nhưng trong sự rút lui ấy có phẩm cách và ý chí tồn tại. Phòng viết là gì? Đó có thể là một căn phòng, đôi khi là một góc nhà vách đất, thậm chí là hang đá. Trong phòng viết ấy có cái bàn viết, người chép sách ở bên bàn và viết. Tâm thức Armenia luôn gắn cùng với cảm giác bị hủy diệt. Và cùng với nó là khát khao được giải thoát. Khát khao bảo vệ thế giới của mình. Một khi đã không thể bảo vệ nó bằng gươm, hãy để nó được gìn giữ trong ký ức. Con tàu sẽ chìm, nhưng hãy để nhật ký của thuyền trưởng còn lại.

Và như thế, một hiện tượng vô tiền khoáng hậu trong nền văn hóa thế giới đã hình thành: thư sách Armenia. Có bảng chữ cái, người Armenia bắt tay ngay vào việc viết sách. Chính Mashtots làm gương. Bảng chữ cái vừa xuất hiện, ta đã thấy ông dịch Kinh Thánh. Đồng hành với ông là danh nhân thứ hai của văn hóa Armenia, giáo chủ Saak Partef, và hàng loạt dịch giả mới trong khắp các giáo khu. Mashtots khởi xướng một phong trào lớn của những người chép sách thời trung cổ, phong trào đã phát triển trong người Armenia đến mức độ không bắt gặp ở bất cứ nơi nào khác.

Từ thế kỷ VI, toàn bộ trước tác của Aristotle đã được dịch ra tiếng Armenia. Đến thế kỷ X, phần lớn các triết gia Hy Lạp và La Mã đã được dịch, hàng trăm tác phẩm văn học cổ. Người Armenia có tinh thần cởi mở và cầu thị. Họ dịch tất cả những gì có trong tầm tay. Họ làm tôi nhớ đến người Nhật, những người dịch hàng loạt tất cả những gì họ gặp. Nhiều tác phẩm văn học cổ đại thế giới còn giữ được là nhờ các bản dịch tiếng Armenia. Những nhà chép sách lao đến mọi thứ mới mẻ và đem nó về bàn viết ngay. Khi người Ả rập xâm lăng Armenia, người Armenia dịch tất cả những gì của người Ả rập! Khi người Ba Tư xâm lược Armenia, người Armenia dịch của người Ba Tư! Họ có mâu thuẫn với Đông La Mã, nhưng tất cả những gì xuất bản trên thị trường ở đó, họ cũng đem về dịch hết.

Hàng loạt thư viện bắt đầu hình thành. Đó hẳn phải là những bộ sưu tập khổng lồ: vào năm 1170 quân Seljuk tiêu hủy thư viện ở Syunik gồm mười nghìn quyển! Tất cả đều là các bản chép tay của người Armenia. Có 25 nghìn cuốn sách Armenia chép tay còn giữ được đến ngày nay. Trong số đó, hơn mười nghìn quyển nằm ở Yerevan, Matenadaran. Ai muốn xem phàn còn lại sẽ phải đi vòng quanh thế giới. Các bộ sưu tập lớn nhất nằm ở Thư viện Thánh Jacob ở Jerusalem, Thư viện Thánh Lazzarus ở Venice và Thư viện Giáo đoàn Mekitarian ở Vienna. Paris và Los Angeles có những bộ sưu tập rất đẹp. Ba Lan trước kia cũng có những bộ sưu tập tuyệt vời ở Lvov, nơi tình cờ cũng có một xưởng in Armenia lớn.

Thoạt đầu họ viết trên da, sau đó là trên giấy. Họ đã làm ra quyển sách nặng 32 ki lô. Để làm nó, họ đã tốn 700 con bò. Nhưng họ cũng có những thứ nhỏ xinh, những quyển sách bé như cánh chuồn. Ai biết đọc biết viết thì đều chép sách, nhưng cũng có những nhà chép sách chuyên nghiệp, cả đời sống bên chiếc bàn viết. Ovanes Mankasharence vào thế kỷ XV đã chép 132 quyển sách. “Suốt 72 năm – Zachariash, học trò của ông viết lại – đông cũng như hè, đêm cũng như ngày, Ovanes chép sách. Khi đã già, mắt ông bị lòa và tay run khiến việc chép sách làm ông vô cùng đau đớn. Ông mất ở Panu, hưởng thọ 86 tuổi, và giờ đây, tôi, Zachariasz, học trò của Ovanes, chép tiếp những quyển sách còn dang dở của ông.” Họ là những vị titan khổng lồ của công việc cần mẫn, họ là những kẻ hành xác cho niềm say mê của chính mình. Một nhà chép sách khác miêu tả ông đã nhịn đói mua sáp bằng những đồng xu cuối cùng để thắp sáng những trang sách chép. Nhiều quyển sách trong số đó là tuyệt tác của nghệ thuật thư pháp. Những chữ cái Armenia như các đạo quân vàng bò qua hàng trăm trang sách. Các nhà chép sách đồng thời cũng là những họa sỹ kiệt xuất. Trong thư sách Armenia, nghệ thuật tiểu họa đã đạt đến tầm cao của thế giới. Đặc biệt là tên tuổi của hai nhà tiểu họa Toros Roslin và Sarkis Picak, luôn tỏa sáng bất tử. Những bức tiểu họa mà Roslin trang trí cho các bản sách chép tay vào thế kỷ XIII vẫn giữ được nguyên vẹn độ đậm của màu sắc và chói sáng trên các trang sách ở Matenadaran đến tận ngày nay.

Số phận của những quyển sách này là lịch sử của người Armenia. Người Armenia, bị truy đuổi và tàn sát, đã phản ứng trước tình thế của mình theo hai cách: một số người lên núi, trốn trong các hang động, số khác di tản đi khắp thế giới, ra khắp các châu lục. Tất cả họ đều mang theo những quyển sách Armenia. Vì họ rời Armenia lang thang đi bộ, nhiều quyển sách chép tay, do quá nặng, đã bị chia đôi. Những phần sách bị xé nửa ấy thường lưu lạc đến những chân trời khác nhau trên trái đất.


(Trích "Đế quốc" (Imperium), Ryszard Kapuściński, Thái Linh dịch)


*

chú thích:

(1) tức là khác với người Ba Lan
(2) Pasa: chức tổng trấn ở Thổ Nhĩ kỳ thời xưa.

Saturday, 1 May 2010

Những chiếc khuy (Zbigniew Herbert)

(tưởng nhớ đại tá Edward Herbert)


Chỉ những chiếc khuy rắn đanh, bất khuất
Những chứng nhân của tội ác tày trời
Từ lòng sâu trồi lên mặt đất
Là tượng đài trên mộ mà thôi

Chúng là chứng nhân để Đức Chúa Trời
Sẽ nhìn tới và rủ lòng thương họ
Nhưng biết làm sao phục sinh từ lòng mộ
Khi những tấm thân đã thấm quyện đất rồi

Một cánh chim vút qua áng mây trôi
Chiếc lá rơi, hoa cẩm quỳ nảy lộc
Và tĩnh lặng trên tầng không vô tận
Rừng Katyń sương phảng phất mơ hồ.

Chỉ những chiếc khuy không cong lại bao giờ
Âm hùng tráng của những dàn đồng ca câm lặng
Chỉ những chiếc khuy rắn đanh, bất khuất
Những chiếc khuy trên áo choàng và trang phục quân nhân.

(Thái Linh dịch)