Saturday, 9 February 2013

Những ghi chép về Chopin (André Gide) - phần cuối



(Thái Linh dịch)


Prelude Rê thứ (prelude cuối cùng của opus 28) cũng chịu một số phận vô cùng hẩm hiu. Dấu nối legato nối các nốt nhạc cách xa nhau đến chóng mặt. Ở đây cũng vậy, trong phần giai điệu không hề có bất cứ sự tinh tế nào, thay vào đó là phản chiếu của sự bất khả kháng mà bè trầm thô bạo nhấn mạnh một cách gớm guốc. Phần giữa hợp âm rải của bè trầm chủ đạo trong chín nhịp đầu tiên ban đầu được đánh dấu là ngân, nghĩa là được đánh dấu đồng thời ở nốt móc hai và nốt đen. Nốt đen ngừng xuất hiện từ nhịp thứ mười.

Tôi những muốn biết chỉ dẫn này (và sau đó là việc bỏ nó đi) có xuất phát từ Chopin hay không. Tôi cho rằng sẽ thú vị nếu trở lại với nó ở những chỗ khác nhau trong bản nhạc, nghĩa là xem nốt thứ hai như nốt ngân. Một số bản in chỉ dẫn chơi staccato nốt cao của giọng thứ hai, nốt thứ năm trong mỗi nhóm, hay ít ra là chơi portato. Điều này có thể thực hiện được. Ôi, bao giờ chúng ta mới có được những bản in nhạc Chopin chuẩn, theo đúng những bản chép tay của ông? Tôi đã được nghe vài lần prelude này – gấp gáp như thường lệ, khi nhóm năm nốt nhạc lặp đi lặp lại bị rút xuống thành một thứ tiếng rì rầm nhộn nhạo – người chơi dường như e ngại sự đơn điệu, sợ cái sự xấu xí chủ tâm, chỉ còn duy nhất cách nhấn mạnh một cách nhẫn tâm nhịp điệu của năm nốt ấy bằng một nhịp khác, cũng tàn nhẫn, nhấn bằng nốt trầm thấp nhất (thường là âm chủ), lặp lại như nhát búa gõ nhịp hoàn hảo, chia nhịp sáu này ra làm bốn, nghĩa là tạo ra nhịp thứ hai hoàn toàn không phụ thuộc gì vào nhịp thứ nhất.



Tôi vốn phản đối cực lực ý kiến phổ biến về nỗi u sầu hoài nhớ trong nhạc Chopin, trong thứ âm nhạc mà tôi không biết bao lần đã bắt gặp biểu hiện của niềm vui cao nhã tuyệt vời nhất. Nhưng trong hai prelude này tôi chỉ tìm thấy nỗi tuyệt vọng đen tối nhất. Đúng vậy, sự tuyệt vọng, từ „u sầu” ở đây không có nghĩa lý gì, đó là cảm xúc bất khả kháng, hai lần bị ngắt quãng trong những nhịp cuối cùng của Prelude Rê thứ, lặp lại lần thứ hai một cách chấn động ở nhịp điệu run rẩy bồn chồn tựa như tiếng khóc thổn thức, cảm xúc sau đó bị bôi xóa bằng nét lướt tàn nhẫn cuối cùng kết thúc fortissimo ở đâu đó sâu thẳm kinh hoàng, chạm thấu đáy địa ngục.



Prelude Fa thăng thứ op.28 no 8, như nhiều bản nhạc khác của Chopin, mang tính chất perpetuum mobile. Từ đầu đến cuối bản nhạc không có điểm dừng nào, tuy nhiên ở đây các câu nhạc rất rõ ràng, mặc dù chúng liên quan chặt chẽ với nhau. Dẫu prelude này có nhịp nhanh, tôi vẫn thích bắt đầu chơi nó hơi rụt rè một chút, nhấn mạnh mô típ chính một cách rõ ràng và sáng sủa và như tò mò chờ xem chính Chopin sẽ trở nên thế nào. Câu đầu, như thường thấy ở Chopin, được lặp lại với một kết thúc khác. Thực sự là, cho dù tác phẩm này là một bản nhạc được soạn hoàn hảo thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ cho nó cái vỏ ngoài của một khúc phóng túng, tôi muốn thuyết phục về ấn tượng từng bước khám phá, lần lần tiến vào miền chưa biết. Các nhóm nốt móc ba, mặc dù được viết nhỏ, không thể chơi pianissimo như những nét hoa mỹ thông thường. Tôi ưa chơi chúng với âm thanh mạnh như những nốt nhạc được chơi bằng ngón cái; chỉ cần hơi ngân nốt nhạc này là đủ để mang lại nó cái ưu thế mà nó có, một khi nó là cơ sở cho tất cả các nốt còn lại. Tôi những muốn nhóm sáu nốt nhạc lớn (được lặp lại một cách cực đoan trong quãng tám) được xem như một khối, mỗi khối cận kề chặt chẽ với khối tiếp theo. Những nét hoa mỹ này, như thể xuất phát từ nốt nhạc đầu tiên, tương tự như giọng hòa âm, hình thành âm thanh, làm rõ nét giọng điệu không ngừng thay đổi và hợp nhất với nốt nhạc chính. Nếu nốt nhạc chính vang lên quá rõ, bản nhạc chỉ trở nên lóng lánh, là một giai điệu dễ dãi, nhưng mất đi toàn bộ sức hút và ý nghĩa. Ngược lại, nếu cho tất cả các nốt nhạc một cường độ âm thanh như nhau, prelude này lại khiến người ta thán phục như một trong những bản nhạc đẹp nhất của tập.

Nếu như tôi vẫn lên án rằng phần lớn các tác phẩm của Chopin bị chơi với nhịp quá nhanh, thì cũng tôi phải nói rằng Prelude Si thứ bị chơi quá chậm. Dường như người ta cố gắng khiến cho nó trở thành u sầu, càng u sầu càng tốt...Tôi nhớ đã nghe nó được chơi làm nền cho giọng đọc thơ Baudelaire. Điều này làm hại cả nhạc lẫn thơ. Ta hãy để sáng kiến này lại đó cho những người thực ra chẳng yêu thơ cũng chẳng yêu nhạc.



Không đi sâu vào chủ đề âm nhạc mô phỏng, sự lặp lại một cách đầy ngoan cố trong Prelude Si thứ nốt nhạc cao (âm chủ) và các âm át trong Prelude Rê trưởng phải mạnh và rõ, vô tình với giai điệu lẩn trong nó; đơn điệu, tàn nhẫn như giọt nước mưa rơi không ngừng, như sức mạnh thiên nhiên vô tình với cảm xúc con người, và qua đó gột bỏ hết mọi sự tinh vi và cường điệu.

Để thực sự thưởng thức âm nhạc, tôi không thấy cần cảm thụ nó thông qua văn học hay hội họa, và „ý nghĩa” của bản nhạc chẳng có nghĩa gì mấy với tôi. Nó bóp nghẹt bản nhạc và làm phiền tôi. Bởi vậy mặc dù công nhận Schhubert, Schumann hay Faurégo đều quan trọng như nhau, tôi vẫn thích âm nhạc không có lời hơn cả, nhất là âm nhạc thần bí của những buổi tế lễ. Âm nhạc thoát ra khỏi thế giới vật chất và cho phép chúng ta cũng thoát khỏi nó. Nếu như có một số prelude (giọng Sol trưởng và Fa trưởng) không gợi ra bất cứ phong cảnh nào, thì tiếng rì rầm của bè trầm trong prelude thứ nhất và giọng cao nhất trong prelude thứ hai khiến tôi không ngừng liên tưởng đến tiếng rì rào của dòng sông đang chảy. Trong prelude thứ nhất cũng như thứ hai, những nốt nhạc đầu tiên rút gọn thứ mà ta không còn dám gọi là giai điệu đến cấu trúc đơn giản nhất, dường như được tiếng rì rầm này gây ra và như bắt nguồn ngẫu hứng từ nó. Trong Prelude Sol trưởng (op.23 no 3) đó thậm chí là những nốt y hệt, chỉ cách xa nhau hơn, như sự gọi mời kín đáo và tế nhị biểu hiện trong phần đệm chập chờn này. Nên để ý đến nó và tạo ra cảm giác tinh tế hầu như không thể nhận thấy, mà điều đó là bất khả nếu chơi prelude này với nhịp nhanh khó chịu như những nghệ sỹ trình diễn vẫn làm. Thật thoải mái làm sao! Trong cả bản này lẫn bản kia ta chỉ vừa mới bỏ điệu mở đầu để sang điệu khác, rất giống, trong khoảnh khắc đã trở lại ngay với điệu ban đầu. Ở đây Chopin từ bỏ mọi sự tế nhị dịu dàng, từ bỏ các sắc thái bí ẩn của những điệu khác, điều mà ông sẽ đẩy toàn bộ phần âm nhạc sau này vào, mặc dù trước đó ông đã làm sửng sốt, đôi khi chọc tức người đương thời. Tôi khâm phục việc khi chối bỏ mọi uyển ngữ và mánh khóe, âm nhạc của Chopin càng riêng biệt tới mức khó có thể hình dung mấy nhịp này do bất kỳ ai khác viết ra. Ông càng là Chopin khi càng ít cố gắng là Chopin. Không hề có một phép tu từ, không hề có khát khao thổi phồng ý tưởng âm nhạc và khai thác gì nhiều hơn từ đó, mà trái lại, khao khát giản lược đến cùng cực sự biểu lộ của nó và hướng đến hoàn hảo.

(Hết)

Những ghi chép về Chopin (André Gide) - phần 1
Những ghi chép về Chopin (André Gide) - phần 2
Những ghi chép về Chopin (André Gide) - phần 3




1 comment:

Imprezy firmowe poznań said...

Fajna strona, zobacz moją!