Friday, 7 January 2011

Tình hạnh phúc (Wisława Szymborska)



Tình hạnh phúc. Có bình thường không nhỉ?
Có nghiêm túc không, có ích lợi gì –
Từ hai kẻ yêu nhau thế giới sẽ được chi,
những kẻ không nhìn ra thế giới?

Họ tôn vinh nhau lên bục cao vời
chẳng vì thứ công lao gì sất.
Được chọn ngẫu nhiên từ muôn triệu người, nhưng họ tin thành thật
rằng mọi điều không thể khác đi –
Họ được thưởng ban vì lý do gì?
Không gì hết.
Ánh sáng từ nơi không ai biết
sao chỉ chiếu soi riêng họ mà thôi?
Điều đó có bất công không? Có chứ, hẳn rồi.
Có vi phạm những tháp ngà nguyên tắc?
Có hạ bệ ngôi cao đạo đức?
Đương nhiên.

Hai con người hạnh phúc ấy, hãy nhìn xem:
Giá như họ che giấu đi đôi chút,
vờ rầu rĩ để bạn bè không thấy bực!
Nghe xem họ cười dễ ghét biết chừng nào,
thứ ngôn ngữ họ dùng mới lừa mị làm sao!
Những lễ nghi, những hành vi nhỏ nhặt,
những nghĩa vụ đối với nhau mà họ cố tình bày đặt,
tựa một âm mưu sau lưng cả loài người!

Mọi sự sẽ đi tới đâu, ai đoán nổi hở trời,
nếu người ta noi theo gương họ.
Tôn giáo và thi ca biết lấy gì nương tựa?
Những gì được nhớ ghi, những gì bị chối từ?
Ai còn giữ mình trong giới hạn khư khư?

Tình hạnh phúc. Phải chăng cần thiết?
Sự tế nhị và khôn ngoan
khuyên ta không nói gì về nó hết,
như lặng im về một chuyện lôi thôi
trong giới thượng lưu của Cuộc đời.
Những đứa trẻ tuyệt vời vẫn sinh ra chẳng cần nó đấy thôi.
Nó có bao giờ khiến trái đất này trở nên đông đúc,
Nó xảy ra là chuyện thật hiếm hoi.

Hãy để cho những người
chưa từng biết đến tình hạnh phúc
khăng khăng chẳng nơi đâu thứ tình này có thực.

Với niềm tin ấy
họ sống nhẹ nhàng và chết nhẹ nhàng hơn.

(Thái Linh dịch)


Tuesday, 4 January 2011

Imperium (trích, R. Kapuściński)

Ở trường, chúng tôi học bảng chữ cái tiếng Nga ngay buổi học đầu tiên. Chúng tôi bắt đầu bằng chữ „s”. Sao lại bằng chữ „s”? Có bạn nào đó trong lớp hỏi. Phải bắt đầu từ “a” chứ! Các em, thầy giáo (người Ba Lan) nghiêm giọng nói, các em hãy nhìn vào bìa cuốn sách của chúng ta. Chữ đầu tiên trên đó là gì? Chữ “S”! Petrus người Bạch Nga có thể đọc cả dòng: Stalin. “Những câu hỏi của chủ nghĩa Lenin”. Đó là quyển sách duy nhất mà chúng tôi dùng để học tiếng Nga, bản duy nhất của cuốn sách ấy. Trên bìa cứng bọc vải xám có những chữ lớn mạ vàng óng ánh.

“Khi vĩnh biệt chúng ta, đồng chí Lenin đã dạy...” anh bạn Władysław nhỏ bé và ít lời ngồi bàn đầu lắp bắp đọc. Tốt hơn hết là không hỏi Lenin là ai. Các mẹ đã kịp dặn chúng tôi không được hỏi gì hết. Mà thực ra những lời đe nẹt ấy cũng chẳng cần thiết. Tôi không thể tả được, không biết là tại sao, nhưng trong không khí có một cái gì đó thật đáng sợ, thật căng thẳng và nặng nề, đến mức cái thành phố nơi chúng tôi vẫn quậy tưng bừng như quỷ sứ bỗng trở thành bãi mìn nguy hiểm và phản trắc. Ngay đến thở mạnh chúng tôi cũng sợ sẽ làm mọi thứ nổ tung.

Mọi trẻ em đều sẽ vào Đội! Một hôm, chiếc xe con của trường đỗ vào sân, có mấy ông mặc quân phục màu xanh lam bước ra. Ai đó nói rằng họ là NKVD. NKVD là gì thì không rõ lắm, nhưng có điều chắc chắn rằng một khi người lớn hạ giọng thì thầm lúc nhắc đến cái tên ấy, thì NKVD hẳn phải là quan trọng nhất, vì quân phục của họ lịch lãm, mới tinh, y như vừa được may xong. Bộ đội bình thường luôn ăn mặc rách rưới, họ đeo túi vải thay vì ba lô, thường là những chiếc túi rỗng, buộc túm buộc tó lại, còn giày thì hình như cả đời không đánh, nhưng nếu có ai đó là người của NKVD đang đến thì từ xa cả cây số đã thấy ánh đèn báo hiệu màu xanh nhấp nháy trên xe ông ta.

Những người của NKVD ấy mang cho chúng tôi áo sơ mi trắng và khăn quàng đỏ. Nếu có buổi lễ quan trọng, thầy giáo nói với giọng sợ sệt và buồn rầu, mỗi học sinh sẽ mặc áo trắng và đeo khăn quàng đến trường. Họ cũng đem đến và phát cho chúng tôi rất nhiều huy hiệu. Trên mỗi huy hiệu là hình một ông khác nhau. Một số người có ria, những người khác thì không. Một ông có râu, còn hai ông khác thì hói. Hai hay ba ông đeo kính. Một người của NKVD đi xuống các bàn và phát huy hiệu. Các em, thầy giáo nói, đây là các lãnh tụ của các em. Có chín lãnh tụ. Họ tên là: Andreyev, Voroshilov, Zhdanov, Kaganovich, Kalinin, Mikoyan, Molotov, Krushchev. Lãnh tụ thứ chín là Stalin. Huy hiệu hình ông to gấp đôi các ông khác. Nhưng điều đó cũng dễ hiểu thôi. Cái ông đã viết quyển sách “Những câu hỏi của chủ nghĩa Lenin” dày như thế (mà chúng tôi dùng để học đọc) ắt phải có huy hiệu to hơn các ông khác rồi.

Phải đeo huy hiệu lên ngực áo, phía bên trái, nơi người lớn hay đeo huy chương. Nhưng chẳng mấy chốc thì bắt đầu có chuyện: thiếu huy hiệu. Lý tưởng nhất, thậm chí gần như bắt buộc, là đeo hết các lãnh tụ, bắt đầu bằng huy hiệu to của Stalin. Các ông ở NKVD cũng bắt thế: phải đeo hết! Trong khi đó, hóa ra người có Zhdanov thì không có Mikoyan, hoặc có người có hai Kaganovich mà không có Molotov. Một hôm Janek mang đến những bốn Krushchev để đổi lấy một Stalin (trước đó có người đã lấy cắp mất Stalin của cậu).Trong bọn chúng tôi, Petrus thực sự là một tay giàu sụ - cậu có những ba Stalin. Cậu thường lôi chúng ra khỏi túi, giơ lên khoe.

Có lần, Chaim - cậu bạn ngồi bàn bên cạnh – lôi tôi ra một góc. Cậu muốn đổi hai Andreyev lấy Mikoyan, nhưng tôi bảo cậu là Andreyev rẻ lắm (sự thật là thế, vì chẳng ai biết ông Andreyev này là ai) và không đồng ý. Hôm sau Chaim lại lôi tôi ra một góc. Câu lôi từ trong túi ra Voroshilov. Tôi run lên. Voroshilov là mơ ước của tôi! Ông mặc quân phục, nghĩa là đầy vẻ chinh chiến, mà tôi đã biết mùi chiến tranh rồi, nên tôi cảm thấy ông có vẻ gần gũi. Tôi đổi cho cậu Zhdanov, Kaganovich và cho thêm Mikoyan nữa. Nói chung Voroshilov rất chạy. Molotov cũng thế. Một Molotov có thể đổi được ba ông khác, vì người lớn nói rằng Molotov quan trọng. Kalinin cũng có giá, vì trông giống một ông lão Ba Lan. Ông có chòm râu bạc và chỉ có ông là có cái gì đó như thể nụ cười.

(Thái Linh dịch)


Sunday, 2 January 2011

Những người trên cầu (Wisława Szymborska)


(Sudden Shower over Ohashi Bridge and Atake, 1857, Hiroshige Utagawa)

Một hành tinh lạ lùng và những người kỳ dị.
Họ lệ thuộc thời gian nhưng không thừa nhận thời gian.
Họ có cách tỏ bày lòng phản kháng. 
Họ vẽ những bức tranh, ví dụ bức tranh này:

Thoạt nhìn không có gì đặc biệt ở đây.
Thấy một dòng sông.
Thấy một bờ của dòng sông ấy.
Thấy một chiếc bè gắng sức bơi ngược dòng nước chảy.
Thấy chiếc cầu trên sông và những người ở trên cầu.
Những người rõ ràng đang rảo bước thật mau,
bởi từ đám mây đen
mưa bắt đầu quất mạnh.

Điều đáng nói ở đây là chẳng có gì xảy ra kế tiếp.
Đám mây không đổi thay hình dạng, sắc màu.
Mưa chẳng tạnh đi cũng chẳng rơi mau.
Chiếc bè bơi bất động.
Người trên cầu đang chạy
chính tại nơi họ đã chạy rồi, một lát trước đây. 

Khó tránh khỏi đưa ra lời nhận xét này:
Đây không hề là bức tranh vô tội.
Thời gian ở đây đã bị làm ngừng lại.
Đã không còn theo quy luật của nó rồi.
Đối với các diễn biến, than ôi,
Nó đã bị tước đi uy lực.
Bị khinh khi và sỉ nhục

Do một kẻ nổi loạn,
một ông Hiroshige Utagawa nào kia,
(một hữu thể, thật ra,
đã đi qua thế giới này từ lâu và thuận lẽ),
thời gian đã sẩy chân, vấp ngã.

Có thể đây chỉ là trò chơi khăm chẳng nghĩa lý gì,
một trò ngông trong phạm vi vài thiên hà ít ỏi,
nhưng để đề phòng mọi điều mọi nỗi,
ta bổ sung như sau:

Ở đây có một bức tranh được đánh giá cao
đã bao đời khiến người ta mê say, xúc động,
và điều ấy vẫn được xem là đúng.

Một số người thế vẫn chưa thỏa mãn.
Họ còn nghe được cả tiếng mưa tuôn,
Cảm thấy cái lạnh của những giọt nước trên cổ, trên lưng,
Họ nhìn cây cầu và những người trên đó
như thể đang nhìn thấy chính mình
trong cuộc chạy kia chẳng lúc nào ngừng
trên con đường thiên thu bất tận
và họ tin tráo trơ, ngạo mạn
rằng đó là chuyện thật hiển nhiên.
 
(Thái Linh dịch)