(Katarzyna Kozyra và tác phẩm "Lễ hội mùa xuân" tại Nhà trưng bày nghệ thuật quốc gia Zachęta, ảnh lấy từ internet)
(Thái Linh)
Rất tình cờ và may mắn, tôi được xem triển lãm của Katarzyna Kozyra vào đúng ngày bế mạc tại Nhà trưng bày nghệ thuật quốc gia Zachęta. Katarzyna Kozyra được xem là một trong những nghệ sỹ đương đại Ba Lan nổi tiếng nhất trong vòng hai thập niên trở lại đây. Những tác phẩm của bà - rất đa dạng, từ nhiếp ảnh, sắp đặt video, phim, và các tác phẩm pha trộn giữa các thể loại này... - đã kéo tôi từ cơn sốc này qua cơn sốc khác, từ sự ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác, từ nỗi ám ảnh này đến nỗi ám ảnh khác, những trạng thái cảm xúc hiếm hoi trong cuộc sống dường như đã quá đỗi bình thản này.
Tôi sẽ không viết về các tác phẩm sắp đặt video Nhà tắm nữ và Nhà tắm nam, nơi dường như vị thế của „kẻ ngắm nhìn” và „người bị ngắm nhìn” hoàn toàn đảo ngược. Tôi sẽ không viết về Kim tự tháp súc vật - tác phẩm tốt nghiệp của bà và những tranh cãi sóng gió xung quanh nó những năm 90. Tôi cũng sẽ không viết về tác phẩm video Hình phạt và tội ác với những câu hỏi ám ảnh về ranh giới và sự đảo lộn của những khái niệm ấy; hay về một Olympia không phải của Manet, cũng đầy thách thức với những câu hỏi được đẩy xa hơn, một Olympia trần trụi, đau yếu, bệnh tật, một lần nữa lại đảo lộn các „chuẩn tắc thẩm mỹ” về cơ thể phụ nữ khi được/bị đem phơi bày trước công chúng, rằng họ luôn là „kẻ bị nhìn ngắm” bằng đôi mắt đàn ông... Không, tôi sẽ không đủ sức viết hết về những tác phẩm bằng những cách rất khác nhau đã để lại trong tôi ngổn ngang ấn tượng và dư âm ấy.
Tôi sẽ chỉ viết chút ít, như ghi lại một kỷ niệm, về „Lễ hội mùa xuân”- tác phẩm sắp đặt video khiến tôi xúc động nhất.
„Lễ hội mùa xuân” là tác phẩm Katarzyna Kozyra thực hiện với cảm hứng xuất phát từ vở ballet nổi tiếng cùng tên của Stravinsky với phần biên đạo của Vaslav Nijinski (1913). Do âm nhạc và biên đạo đều quá khó, bất chấp mọi nguyên tắc, vượt quá giới hạn mà nghệ thuật múa ballet cổ điển có thể chấp nhận, vở ballet đã thất bại. „Lễ hội mùa xuân” kể về một tục lệ cổ xưa của người xla-vơ, nơi một trinh nữ phải khiêu vũ cho đến chết để đánh thức sức sống của đất đai, mang lại mùa màng. Nijinski đã hoàn toàn từ bỏ kỹ thuật ballet cổ điển, các vũ công của ông nhảy múa như những con rối, thực hiện những động tác nằm ở tận cùng ranh giới khả năng của con người. Sự gắng sức đến mức gần như bất lực của họ là điều người xem phải thấy rõ. Các động tác không mềm mại, trơn tru, vũ điệu phải trở nên cứng nhắc, co giật.
Trong tác phẩm sắp đặt video của Katarzyna Kozyra, các màn hình được xếp đặt thành hai vòng tròn, vòng ngoài chiếu vũ điệu của đám đông, các màn hình vòng trong chiếu vũ điệu của một vũ công duy nhất, người „được chọn” phải nhảy múa đến chết. Các vũ công nhảy múa theo đúng phần biên đạo của Nijinski. Điều đáng nói ở đây là các thước phim không phải được quay, mà được dựng từ các bức ảnh chụp họ trong các tư thế nằm trên sàn nhà, rồi ghép lại như phim hoạt hình. Để có một phút phim, cần phải chụp hơn một nghìn bức ảnh. Những nhân vật trong tác phẩm đều là vũ công đã giải nghệ. Trong „Lễ hội mùa xuân” của Kozyra, họ hoàn toàn trần truồng, nhảy múa trong một khung cảnh trần trụi, trên nền màn hình trắng tinh, hoàn toàn không có dàn dựng. Tất cả các màn hình được bóng tối dày đặc bao quanh, bóng tối được lấp đầy bằng âm nhạc của Stravinsky.
Với tôi, đầu tiên là cảm giác sốc. Trong bóng tối nổi bật lên hình ảnh các vũ công trần truồng, những cơ thể già nua bị thời gian tàn phá, những cơ thể tạm bợ vì đã bị đổi giới tính (các nam nữ vũ công đều được gắn bộ phận sinh dục giả của giới kia). Rồi một cảm giác căng thẳng, cái căng thẳng khi những giới hạn của cơ thể bị đẩy đến tận cùng, trong những điệu vũ giật cục. Nhưng rồi những cảm giác ấy qua đi, chỉ còn lại một sự thương cảm sâu xa. Những ranh giới về tuổi tác, giới tính bị xóa nhòa, những cơ thể trần trụi thật thà không „tô vẽ”, không lung linh dưới "ánh đèn màu" như chúng đã từng tỏa sáng trên những sân khấu ballet thủa nào, giữa những vòng tròn sống-chết, chính là bức tranh tuyệt vọng và đầy xúc động của nhân sinh. Chính ở đó là nỗi buồn sâu thẳm, chính ở đó là nỗi-kinh-sợ-thiêng-liêng, chính ở đó sự-thật hiển lộ, chính ở đó bắt đầu thi ca...
„Chỉ khi khiêu vũ, ta mới biết cách nói lên ẩn dụ về những điều cao nhã tuyệt vời nhất”, Zarathustra đã nói như thế.
Và tôi nhớ đến Zorba, nhớ đến sự-im-lặng-đang-được-vang-lên.
Trong vũ điệu của "Lễ hội mùa xuân” này, một cách xót xa và nhức nhối, những sự im lặng đã được vang lên.
Trong vũ điệu của "Lễ hội mùa xuân” này, một cách xót xa và nhức nhối, những sự im lặng đã được vang lên.
(Thái Linh)