Monday, 18 April 2011

Những cây bạch dương non trinh (Leopold Staff)

nguồn ảnh: internet

(Thái Linh dịch)

Những cây bạch dương non trinh, thân ánh bạc
Rắc lá vàng lên màu ngọc cỏ xanh.
Xuyên lưới cành những mắt biếc thiên thanh,
Trời soi bóng xuống sườn non, hồ nước.

Khoảng rừng thưa long lanh ban sớm.
Thinh lặng mơn man ve vuốt dáng cây gầy
Run rẩy tan trong xào xạc lá lay,
Làn gió thoảng khẽ nghiêng nhành cỏ nội.

Yên tĩnh quá, ngọt ngào dâng muôn lối.
Lạ kỳ sao thế giới ở chung quanh,
Như qua đây em vừa dạo gót thanh
Nơi cỏ biếc vừa nhẹ vương tà áo.

Friday, 8 April 2011

Số Pi ( Wisława Szymborska) *



(Thái Linh dịch)

Số Pi đáng ngưỡng mộ biết bao. 
Ba phẩy một bốn một.
Mọi con số sau đều là số khởi đầu,
năm chín hai, bởi nó không bao giờ kết thúc.
Nó không để người ta nắm được sáu năm ba năm bằng mắt,
tám chín bằng tính toán,
bảy chín bằng trí tưởng tượng,
thậm chí ba hai ba tám bằng trò đùa, nghĩa là bằng so sánh
bốn sáu với bất cứ thứ gì
hai sáu bốn ba trong thế giới này hết.
Con rắn dài nhất trên đời kết thúc sau mười mấy mét.
Rắn cổ tích cũng vậy thôi, dẫu có chút dài hơn.
Chuỗi chữ số tạo nên số Pi
không dừng lại bên mép giấy,
nó có thể kéo dài ra bàn, xuyên qua không khí,
qua những bức tường, mây , lá, tổ chim,
đâm thẳng vào bầu trời, qua mọi vô-đáy và vô-biên.
Ôi, đuôi sao chổi ngắn làm sao, chỉ nhỉnh bằng chuột nhắt!
Tia sáng của ngôi sao kia thật là yếu ớt, bị bẻ cong trong mọi không gian!
Còn ở đây hai ba mười lăm ba trăm mười chín
số điện thoại của tôi số áo sơ mi của anh
năm một nghìn chín trăm bảy ba tầng sáu
số dân cư sáu mươi lăm xu
vòng hông hai ngón tay mật mã và trò chơi đố chữ,
nơi sơn ca ơi hãy bay nhảy, véo von
gọi mời niềm tĩnh lặng bình yên,
cả trần gian lẫn  thiên đường đều trôi qua hết,
nhưng số Pi thì không, điều đó không xảy đến,
nó vẫn an nhiên năm
không chỉ tầm tầm tám
vầy vậy bảy
nó cứ thúc, chao ơi, nó thúc sự vĩnh cửu ù lì uể oải
phải kéo dài.

(1976)

Wednesday, 6 April 2011

Bức tranh phong cảnh (Wisława Szymborska)

Thái Linh dịch tặng 

Trong bức tranh của nhà danh họa xưa,
Dưới lớp sơn dầu những cái cây đâm rễ.
Con đường đưa tới đích của mình, chắc chắn là như thế.
Ngọn cỏ thay cho chữ ký trang nghiêm.
Thời khắc năm giờ chiều thuyết phục đáng tin.
Tháng Năm bị dừng lại nơi đây, nhẹ nhàng nhưng cương quyết,
Em cũng ngừng lại thôi, dĩ nhiên, anh thân mến,
Vì em là cô gái kia, dưới bóng tần bì.

Em đã rời xa anh chừng nào, anh hãy nhìn đi,
Hãy nhìn chiếc mũ trắng em mang, tấm váy vàng em mặc,
em giữ chiếc giỏ kia thật chặt
để nó không rơi ra khỏi bức tranh,
hãy nhìn em phô mình trong số phận tha nhân,
ngưng bận tâm về những điều bí mật.

Dù anh có gọi em, em cũng không nghe thấy
Dẫu có nghe thấy anh, em cũng chẳng ngoái đầu,
Dù em có ngoái đầu, điều chẳng thể xảy ra đâu,
thì gương mặt anh cũng dường như xa lạ.

Em biết rõ thế gian trong vòng sáu dặm.
Em am tường về thảo dược cỏ cây,
biết niệm chú để xua đi mọi cơn đau.
Nơi đỉnh đầu em Chúa vẫn đang nhìn xuống.
Em vẫn nguyện cầu cho mình không lìa đời đột ngột.

Hòa bình là sự thưởng ban, chiến tranh là hình phạt.
Mọi giấc mơ đáng thẹn lòng đều do quỷ Sa-tăng.
Em có một tâm hồn rành rọt hiển nhiên
như quả mơ có hạt.

Những trò chơi của con tim, em không hề biết.
Em chưa thấy sự trần truồng của người các con em sẽ gọi là cha.
Em không nghi ngờ thiên Sách Diễm ca
có những bản nháp lem nhem, lằng nhằng gạch xóa.
Điều em muốn nói ra luôn nằm trong những câu sẵn có.
Em chẳng dùng đến tuyệt vọng bao giờ,
bởi nó là thứ đồ
không phải của em, chỉ được giao cho em cất giữ.

Trên con đường em đi nếu anh có ngang qua, giả sử
Dù anh có nhìn vào mắt em lâu,
Em sẽ lướt qua anh bên mép vực sâu
mảnh hơn sợi tóc.

Bên phải là nhà em, xung quanh em rành từng ngách góc,
cả những bậc cầu thang và lối vào nhà,
nơi xảy ra những điều không được vẽ ra:
một con mèo nhảy lên băng ghế,
ánh nắng rớt lên chiếc bình bằng thiếc,
bên chiếc bàn kia, dáng xương xẩu gầy gò,
một người đàn ông đang ngồi sửa đồng hồ.

(1967)