Thursday, 25 October 2012

Thơ M. I. Lermontov -Thái Linh dịch

Cánh buồm

Trắng lên đơn độc một cánh buồm
Trong màu biển biếc giữa mờ sương...
Buồm mải tìm chi nơi viễn xứ?
Những gì bỏ lại ở quê hương?

Gió rít, cuộn dâng lớp sóng cuồng
Cột buồm kẽo kẹt ngả nghiêng luôn...
Ôi! Buồm không kiếm tìm hạnh phúc,
Chẳng lánh niềm vui chốn dặm trường!

Luồng ngọc biếc xanh dưới cánh buồm
Trên cao tia nắng ánh vàng buông...
Nhưng buồm kiêu bạt đòi bão tố
Như thấy yên bình trong gió giông!

(1832)


Mắt huyền

Giữa ngàn sao đêm hè, ta chỉ thấy
Hai vì sao nơi đáy mắt nàng
Mắt nhung huyền, đôi mắt phương Nam!
Giờ tao ngộ là phút giờ ngang trái.

Nếu có hỏi, những vì sao đêm ấy,
Chúng chỉ nói về hạnh phúc chốn thiên đàng.
Mắt huyền ơi, nơi sao đáy mắt nàng
Tim ta thấy cả thiên đàng, địa ngục.

Trong mắt nàng ánh tình yêu sáng rực
Mắt nhung huyền, đôi mắt phương Nam!
Những vì sao ban ngày và những vì sao đêm
Từ phút ấy trong hồn ta sáng mãi.

(1830)

Thursday, 18 October 2012

Nơi đây (Wisława Szymborska)

Thái Linh dịch


Tôi chẳng hay nơi khác ra sao,
nhưng nơi đây trên Trái đất này mọi thứ đều khá bộn.
Nơi đây sản xuất ra ghế và nỗi buồn,
những cái kéo, đàn vĩ cầm, sự ân cần, máy bán dẫn,
những đập nước, những trò đùa và chén tách.

Có thể mọi thứ nhiều hơn ở nơi nào khác,
nhưng vì một số lý do, nơi ấy không có các bức tranh,
không có bánh gối, bóng hình ti vi, và mùi soa lau nước mắt.

Các địa phương kèm vùng ngoại vi ở nơi đây nhiều không kể xiết.
Anh có thể đặc biệt thích vài nơi,
đặt cho chúng tên riêng,
và bảo vệ chúng trước cái ác.

Có thế có những chốn tương tự ở nơi nào khác,
nhưng chẳng ai thấy chúng đẹp xinh.
Chẳng ở đâu, hay hiếm ở nơi đâu,
anh có riêng thân trên
với những phụ tùng cần thiết
để thêm con mình vào đám trẻ dưng.
Ngoài ra anh còn có tứ chi và cái đầu kinh ngạc.

Sự vô tri nơi đây làm việc luôn quá sức,
nó luôn đếm, đo, so sánh điều chi,
rồi từ đó rút ra kết luận và nguyên căn.

Tôi biết, tôi biết anh đang nghĩ gì.
Nơi đây chẳng có gì bền chắc,
bởi từ ngàn xưa đến ngàn sau thiên nhiên luôn thống trị.
Nhưng hãy nhìn xem – các thế lực thiên nhiên mệt mỏi dễ dàng
và đôi khi chúng phải nghỉ thật lâu
đến lần sau.

Tôi biết anh còn nghĩ đến đâu.
Chiến tranh, chiến tranh, chiến tranh.
Nhưng giữa các cuộc chiến tranh là giờ nghỉ.
Nghiêm – con người xấu xa.
Nghỉ – con người thiện hảo.
Khi nghiêm những hoang mạc được tạo ra.
Khi nghỉ nhà cửa được xây nên đẫm mồ hôi trán
và người ta nhanh chóng dọn vào.

Đời sống trên trái đất chẳng đắt đỏ là bao.
Anh chẳng phải trả xu nào cho những giấc mơ, thí dụ.
Cho ảo ảnh – chỉ khi đã mất.
Cho việc sở hữu tấm thân – chỉ bằng tấm thân.

Dường như thế vẫn còn chưa đủ,
anh quay không mất tiền trong vòng đu quay của các hành tinh,
và cùng nó quay lậu vé trong bão tuyết thiên hà,
trong thời gian chóng mặt
tới mức ở nơi đây trên trái đất
chẳng có gì thậm chí kịp run lên.

Anh hãy nhìn cho rõ mà xem:
Cái bàn nằm nơi nó hằng nằm đó,
tờ giấy trên bàn vẫn nguyên như cũ,
qua cánh cửa sổ nghiêng hờ chỉ làn gió hiu hiu,
và trên tường không có vết nứt khủng khiếp nào
có thể cuốn anh biến vào vô định.  



Tuesday, 9 October 2012

Thời mạt kỉ (Wisława Szymborska)

Thái Linh dịch


Thế kỉ XX của chúng ta lẽ ra phải tốt đẹp hơn các thế kỉ trước.
Nhưng nó không còn kịp chứng tỏ điều này,
chỉ còn vài năm đếm trên đầu ngón tay,
hơi thở thể kỉ gấp gáp,
bước chân thế kỉ liêu xiêu.

Đã xảy ra quá nhiều điều
đáng lẽ không phải xảy ra,
còn điều phải đến
lại không đến.

Lẽ ra phải tiến tới mùa xuân
và hạnh phúc, cùng những điều khác.

Nỗi sợ hãi
phải rời bỏ thung lũng và non xa.
Sự thật phải cán đích trước dối trá.

Đáng lẽ không được diễn ra
một số điều bất hạnh,
ví dụ như chiến tranh
hay nạn đói, vân vân.

Sự bất khả tự vệ của những kẻ bất khả tự vệ,
lòng tin cậy, và những điều tương tự như thế
lẽ ra phải được tôn trọng.

Ai từng muốn hân hưởng thế giới,
đang đứng trước một công việc
bất khả thi.

Trò ngốc nghếch không khôi hài.
Sự minh triết chẳng tươi vui.

Niềm hy vọng, tiếc thay
đã không còn là thiếu nữ,
vân vân và vân vân.

Thượng đế, lẽ ra, rốt cuộc đã phải tin vào con người
thiện hảo và mạnh mẽ,
nhưng thiện hảo và mạnh mẽ
vẫn luôn là hai kẻ khác nhau.

Sống ra sao? - trong thư có người hỏi tôi như thế,
đó chính là người tôi đang định hỏi
y chang.

Một lần nữa và như mọi khi,
như trên cho thấy,
không có câu hỏi nào khẩn thiết hơn
những câu hỏi thơ ngây.


Nguyên tác:

Miał być lepszy od zeszłych nasz XX wiek.
Już tego dowieść nie zdąży,
lata ma policzone,
krok chwiejny,
oddech krótki.


Już zbyt wiele się stało,
co się stać nie miało,
a to, co miało nadejść,
nie nadeszło.


Miało się mieć ku wiośnie
i szczęściu, między innymi.


Strach miał opuścić góry i doliny.
Prawda szybciej od kłamstwa
miała dobiegać do celu.


Miało się kilka nieszczęść
nie przydarzyć już,
na przykład wojna
i głód, i tak dalej.


W poważaniu być miała
bezbronność bezbronnych,
ufność i tym podobne.


Kto chciał cieszyć się światem,
ten staje przed zadaniem
nie do wykonania.


Głupota nie jest śmieszna.
Mądrość nie jest wesoła.


Nadzieja
to już nie jest ta młoda dziewczyna
et cetera, niestety.


Bóg miał nareszcie uwierzyć w człowieka
dobrego i silnego,
ale dobry i silny
to ciągle jeszcze dwóch ludzi.


Jak żyć - spytał mnie w liście ktoś,
kogo ja zamierzałam spytać
o to samo.


Znowu i tak jak zawsze,
co widać poniżej,
nie ma pytań pilniejszych
od pytań naiwnych.


Thursday, 4 October 2012

Cuộc sống nhọc nhằn cùng ký ức (Wisława Szymborska)

Thái Linh dịch


Tôi là khán giả tồi cho ký ức của mình.
Nó muốn tôi không ngừng lắng nghe giọng nó,
còn tôi thì cựa quậy không yên, gây mất trật tự,
nghe được chăng hay chớ,
đi ra đi vào, rồi lại đi ra.

Nó muốn chiếm của tôi toàn bộ tâm trí và thời gian.
Khi tôi ngủ, nó làm điều này khá dễ.
Ban ngày thì hên xui, nên nó bực mình.

Nó ấn cho tôi thư, ảnh ngày xưa một cách nhiệt tình,
nó khơi ra những chuyện linh tinh và quan trọng,
hướng mắt tôi vào những nơi bị bỏ qua, sao lãng,
và làm chúng đông đúc lên bằng những người thân đã chết của tôi.

Trong các câu chuyện của nó đương nhiên tôi luôn trẻ hơn rồi.
Điều đó cũng hay, nhưng để làm quái gì mãi cái tình tiết ấy.
Mỗi tấm gương mang cho tôi một thông điệp khác.
Nó nổi trận lôi đình khi tôi nhún vai.

Đầy thù hằn, nó lôi ra mọi lỗi lầm của tôi,
những lỗi lớn, đã được quên dễ dãi.
Nó nhìn vào mắt tôi, chờ đợi
xem phản ứng ra sao.
Rồi cuối cùng lại an ủi ngọt ngào
rằng mọi thứ còn chưa quá tệ.

Ký ức muốn tôi sống cùng và chỉ cho riêng nó.
Tốt nhất là trong căn phòng kín mít tối mò,
nhưng trong các dự định của tôi luôn có ánh nắng bây giờ,
những đám mây thời nay, những con đường hiện tại.

Đôi lúc tôi ngán nó đến tận cổ.
Tôi đề nghị chia tay. Từ nay mãi mãi.
Khi ấy nó mỉm cười thương hại,
bởi biết rằng đó cũng chính là bản án cho tôi.  


Nguyên tác:

Jestem złą publicznością dla swojej pamięci.
Chce, żebym bezustannie słuchała jej głosu,
a ja się wiercę, chrząkam,
słucham i nie słucham,
wychodzę, wracam i znowu wychodzę.
Chce mi bez reszty zająć uwagę i czas.
Kiedy śpię, przychodzi jej to łatwo.
W dzień bywa różnie, i ma o to żal.

Podsuwa mi gorliwie dawne listy, zdjęcia,
porusza wydarzenia ważne i nieważne,
przywraca wzrok na prześlepione widoki,
zaludnia je moimi umarłymi.

W jej opowieściach jestem zawsze młodsza.
To miłe, tylko po co bez przerwy ten wątek.
Każde lustro ma dla mnie inne wiadomości.
Gniewa się, kiedy wzruszam ramionami.

Mściwie wtedy wywleka wszystkie moje błędy,
ciężkie, a potem lekko zapomniane.
Patrzy mi w oczy, czeka, co ja na to.
W końcu pociesza, że mogło być gorzej.

Chce, żebym żyła już tylko dla niej i z nią.
Najlepiej w ciemnym, zamkniętym pokoju,
a u mnie ciągle w planach słońce teraźniejsze,
obłoki aktualne, drogi na bieżąco.

Czasami mam jej towarzystwa dosyć.
Proponuję rozstanie. Od dzisiaj na zawsze.
Wówczas uśmiecha się z politowaniem,
bo wie, że byłby to wyrok i na mnie.
 

Wednesday, 18 July 2012

Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông



Nguyễn Thái Linh *

Trong bối cảnh Luật Biển Việt Nam vừa được quốc hội thông qua, Việt Nam đang ở một tư thế thuận lợi hơn trong công cuộc bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình trên Biển Đông. Luật Biển Việt Nam tự đặt mình dưới các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và được xây dựng phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Đây là một bước tiến lớn về pháp lý, đồng thời thể hiện tinh thần tôn trọng cộng đồng quốc tế và luật pháp quốc tế của Việt Nam. Nếu được áp dụng tốt, Luật Biển Việt Nam sẽ là một công cụ tích cực trong việc bảo vệ chủ quyền và quản lý biển.

Trước tình hình các tranh chấp trên Biển Đông ngày một phức tạp, với các động thái ngày một ngang ngược của Trung Quốc, Việt Nam càng cần tỏ ra bình tĩnh nhưng cương quyết, sử dụng những biện pháp hòa bình theo đúng tinh thần của Luật Biển và luật pháp quốc tế, tránh gây xung đột và căng thẳng không cần thiết. Khi Trung Quốc dùng sức mạnh vũ lực, hung bạo và trắng trợn bất chấp pháp lý, thì sức mạnh của Việt Nam chính là „sức mạnh mềm” ở thế đối lập, sức mạnh của lẽ phải, dựa vào pháp luật đến cùng, trừ phi bị tấn công bằng võ lực và có bằng chứng hiển nhiên. Một điều quan trọng là phải chứng minh việc vi phạm pháp luật của đối phương ở tọa độ nào, thời gian nào, mức độ vi phạm đến đâu với đầy đủ tư liệu minh chứng rõ ràng và những biện pháp truyền thông phù hợp và kêu gọi truyền thông quốc tế đưa tin, bài. Việt Nam cần kiên quyết và kiên nhẫn với các biện pháp này đến cùng.

Một mặt, nhà nước Việt Nam cần liên tục khẳng định chủ quyền và phản đối các hành động xâm phạm của Trung Quốc bằng các tuyên bố chính thức đến cộng đồng quốc tế, Liên Hiệp Quốc và các cơ quan liên quan.

Mặt khác, cần tích cực tìm cách giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo đúng luật quốc tế như đàm phán, thương lượng, đưa ra trọng tài hay tòa án quốc tế. Tuy nhiên, khi yêu sách và tham vọng của Trung Quốc quá vô lý và ngang ngược, khó có thể đàm phán và thương lượng một cách công bằng. Trung Quốc cũng chưa bao giờ chịu chấp nhận thẩm quyền của bất cứ tòa án hay trọng tài quốc tế nào cho các tranh chấp trên Biển Đông nên điều cấp thiết là Việt Nam cùng các bên liên quan cần tìm cách ràng buộc Trung Quốc bằng một bộ quy tắc ứng xử (COC) có giá trị pháp lý. Việc Trung Quốc từ chối đàm phán COC và hội nghị bộ trưởng ASEAN không ra được tuyên bố chung vì các mâu thuẫn liên quan đến vấn đề Biển Đông vừa qua cho thấy các nước ASEAN không đủ đoàn kết và sức mạnh để tạo sức ép với Trung Quốc và chế độ concensus của ASEAN (cơ chế đồng thuận – một vấn đề chỉ được thông qua khi được tất cả các nước ASEAN tán thành, không có nước nào phản đối) cần phải điều chỉnh. Do vậy, rất cần tranh thủ sự ủng hộ của các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc... để họ tạo sức ép đối với Trung Quốc trong quá trình đàm phán COC. Hội nghị thượng đỉnh Đông Á là một khả năng cực kỳ thuận lợi có thể xét đến.

Việt Nam cần củng cố các cơ quan chấp pháp như cảnh sát biển, lực lượng hải quan, biên phòng, kiểm ngư v.v.... để có thể nắm rõ và chủ động xử lý các vi phạm trong vùng biển chủ quyền của mình, đồng thời hoàn thiện hệ thống quản lý hoàn thiện trên biển hiện đại có vệ tinh hỗ trợ và có khả năng phục vụ nhu cầu truyền thông chính đáng của VN ra quốc tế bằng nhiều thứ tiếng . Đây là phần Việt Nam còn rất yếu, cần tập trung nỗ lực để cải thiện.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là Việt Nam cần ý thức được tư thế chính đáng của mình trước thái độ bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc để xử lý các xâm phạm ngày một gia tăng của Trung Quốc một cách chủ động, bình tĩnh nhưng kiên quyết. Trong các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể xử lý theo đúng các qui định của luật Biển và luật quốc tế. Điều 73 khoản 1 của Công ước của LHQ về luật Biển ghi rõ: „Trong việc thực hiện các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh vật của vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có thể thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà mình đã ban hành theo đúng Công ước.' Đối với các hành động xâm phạm mang tính chất kinh tế, dân sự và bán dân sự của Trung Quốc, Việt Nam có thể sử dụng các biện pháp pháp lý như truy đuổi, yêu cầu ngừng hành vi, phạt hành chính, khám xét, bắt giữ, lập biên bản, dẫn độ và khởi tố theo các điều khoản của Luật Biển và luật quốc tế. Từ trước tới nay Việt Nam chưa sử dụng các biện pháp chính đáng này. Với thái độ ngày một hung hăng và ngang ngược của Trung Quốc, đây là lúc Việt Nam cần kiên quyết và dứt khoát thực hiện các biện pháp trong khuôn khổ luật pháp cho phép để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Việt Nam cũng có thể học tập kinh nghiệm của Phillippines, đơn phương kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Các biện pháp quân sự chỉ được sử dụng trong trường hợp phòng vệ chính đáng, khi bị tấn công bằng vũ lực.

Ngoài ra việc phổ biến và giáo dục Luật Biển (khi đã chính thức có hiệu lực), UNCLOS 1982 và các kiến thức về luật pháp cho ngư dân, các lực lượng cảnh sát, võ trang và các giới chấp pháp cũng là điều rất cần thiết. Khi nắm vững luật pháp, các ngư dân và người làm công tác biển sẽ tự tin hơn khi đối phó với kẻ xâm phạm biển. Đặc biệt khi các động thái này được sự hỗ trợ của truyền thông ra quốc tế.

Việt Nam cũng cần đầu tư thêm vào việc tranh thủ dư luận nước ngoài. Bộ Ngoại Giao Việt Nam nên có trang web phân tích pháp lý khi có sự kiện như cát cáp, TQ đuổi Ấn Độ khỏi lô 127, 128, CNOOC đấu thầu 9 lô dầu khí, vv... Như vậy các nhà báo và các nhà bình luận sẽ chuyển quan điểm của Việt Nam tới thế giới. Cần đầu tư thêm vào việc dùng báo chí quốc tế để nêu quan điểm của Việt Nam.


(*)Tác giả chân thành cảm ơn TS. Lê Vĩnh Trương và TS. Duơng Danh Huy đã góp ý cho bài viết này.


Sunday, 6 May 2012

Tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa và luật pháp quốc tế


Nguyễn Thái Linh*

(Bài viết đã đăng trên tạp chí Tia Sáng phần Iphần II và phần III)

Tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có thể xem như một trong những tranh chấp phức tạp, lâu dài nhất trong lịch sử luật quốc tế. Các tranh chấp đã kéo dài cả trăm năm và ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Thực tế tranh chấp với nhiều khía cạnh lịch sử, pháp lý, chính trị v.v… đòi hỏi một nỗ lực tổng thể khi tìm hiểu. Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, một cách khái quát, chúng tôi muốn trình bày và cân nhắc luận thuyết của các bên tranh chấp dưới ánh sáng luật pháp quốc tế.

Trong tranh chấp Hoàng Sa, các bên tranh chấp là Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan đều đòi hỏi chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo.

Tranh chấp Trường Sa bao gồm các bên Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Phillippines, Malaysia và Brunei, trong đó Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan đòi hỏi chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo, Phillippines (mới tham gia tranh chấp từ năm 1951) và Malaysia (từ năm 1978) đòi hỏi chủ quyền với một phần quần đảo, còn Brunei chỉ đòi hỏi một đảo (Louisa Reef, từ năm 1984).

I. Luận thuyết của Việt Nam:

1. Từ thế kỷ XVI, Việt Nam đã có danh nghĩa pháp lý đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên quyền phát hiện và chiếm cứ hiệu quả đối với lãnh thổ vô chủ (terra nullius).

Theo luật quốc tế, bản thân quyền phát hiện đầu tiên một lãnh thổ vô chủ không đủ để tạo ra danh nghĩa pháp lý cho quốc gia phát hiện. Muốn thụ đắc chủ quyền, quốc gia này phải tiếp tục chiếm cứ hiệu quả lãnh thổ đó. Hai nguyên tắc cơ bản trong việc thụ đắc chủ quyền là nguyên tắc thực sự, tức là chiếm hữu thực sự lãnh thổ vô chủ, coi nó như một bộ phận lãnh thổ của mình và thực thi quyền hạn nhà nước, quản lý hành chính trong một thời gian hợp lý; và nguyên tắc công khai – việc chiếm hữu phải được các quốc gia khác công nhận.1 Một cá nhân hay một công ty không thể thụ đắc chủ quyền lãnh thổ.

Ngoài yếu tố vật chất (corpus), việc chiếm hữu thực sự đồng thời còn đòi hỏi yếu tố tinh thần (animus) nghĩ là ý chí của quốc gia muốn chiếm hữu lãnh thổ vô chủ.

Để chứng minh cho quyền phát hiện và chiếm hữu thực sự của mình, Việt Nam đã đưa ra các luận cứ sau:

- Nhà nước Việt Nam đã biết đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi đó được gọi dưới tên chung là Đại Trường Sa, Hoàng Sa hay Vạn Lý Trường Sa và coi chúng là một phần lãnh thổ của mình.
- Trong suốt ba thế kỷ từ XVI đến XIX, chính quyền Việt Nam đã thực thi liên tục chủ quyền của mình ít nhất là trên quần đảo Hoàng Sa bằng cách thường xuyên cử các đội thuyền Hoàng Sa và Bắc Hải đến các đảo này hàng năm, trong nhiều tháng, để khảo sát, đo đạc, khai thác tài nguyên một cách có hệ thống, thu lượm các tài sản chìm đắm, xây miếu dựng đền và trồng cây như các biểu tượng khẳng định chủ quyền, tổ chức thu thuế, cứu trợ các tàu thuyền nước ngoài gặp nạn. Việc thực thi chủ quyền này diễn ra hoàn toàn không gặp bất cứ sự phản đối hay tranh chấp nào từ phía các quốc gia khác, kể cả Trung Quốc, và có đầy đủ cả yếu tố vật chất (corpus) lẫn tinh thần (animus).

Để chứng minh cho luận cứ này, Việt Nam đã đưa ra các nguồn tài liệu chính thức của nhà nước như Đại Nam thực lục tiền biên (1600-1775), Toàn tập Thiên Nam thống chí lộ đồ thư (1630-1653), Phủ biên tạp lục (1776), Đại Nam thực lục chính biên (1848), Đại Nam Nhất Thống Chí (bộ sách địa lý lịch sử chung của Đại Nam 1865-1882), Lịch triều hiến chương loại chí (1821), Hoàng Việt địa dư chí (1833), Việt sử cương giám khảo lược (1876), các châu bản triều Nguyễn về các bản tấu, phúc tấu, các dụ của các Vua, và hàng loạt bản đồ, tài liệu của nước ngoài thời kỳ đó.2

Các tác giả Jaseniew Vladimir và Stephanow Evginii trong cuốn “Biên giới Trung Quốc: từ chủ nghĩa bành trướng truyền thống đến chủ nghĩa bá quyền hiện nay”, sau khi trình bày các sự kiện cho thấy việc thực thi chủ quyền liên tục của nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng nhấn mạnh: “từ lâu đời, chính quyền phong kiến Việt Nam đã sát nhập các quần đảo như Hoàng Sa và Trường Sa vào bên trong biên giới lãnh thổ nhà nước Việt Nam”.3

2. Sau khi thiết lập chế độ bảo hộ tại Việt Nam, Pháp đã đại diện cho Việt Nam trong việc thực thi và bảo vệ chủ quyền trên các quần đảo.

Năm 1899, toàn quyền Paul Doumer ra đề nghị chính phủ Pháp một hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, công việc này không thực hiện được vì thiếu ngân sách.

Ngày 8 tháng 3 năm 1925, toàn quyền Đông Dương tuyên bố Hoàng Sa thuộc lãnh thổ nước Pháp.4 Các chuyến khảo sát và nghiên cứu khoa học đã được thực hiện ở quần đảo Hoàng Sa từ năm 1925 và ở Trường Sa từ năm 1927.5

Năm 1930, chính quyền Pháp ở Đông Dương cử phái đoàn đến treo cờ trên quần đảo Trường Sa. Sau đó, từ năm 1930 đến 1933, các đơn vị hải quân Pháp đã chiếm cứ các đảo chính của quần đảo này: đảo Trường Sa (13.4.1930), đảo An Bang (7.04.1933), đảo Ba Bình (10.4.1933), nhóm Hai Đảo (10.4.1933), Loai Tạ (11.4.1933), Thị Tứ (12.4.1933) cùng các đảo nhỏ xung quanh các đảo nói trên. Việc chiếm cứ này được thông báo trong Công báo của Cộng Hòa Pháp ngày 26 tháng 7 năm 1933 và Công báo Đông Dương ngày 25 tháng 9 năm 1933. Việc chiếm cứ này không gặp bất cứ sự phản đối nào từ phía Trung Quốc, Phillippines, Hà Lan (khi đó đang chiếm Brunei) hay Mỹ. Nước Anh yêu cầu giải thích và tuyên bố thỏa mãn với hồi đáp của Pháp.6

Ngày 2 tháng12 năm1933, Thống đốc Nam Kỳ J. Krautheimer sát nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.

Ngày 30 tháng 3 năm1938 hoàng đế Bảo Đại đã ra chiếu chỉ sát nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên. Ngày 15 tháng 6 năm 1938, Toàn quyền Đông Dương J. Brévié ra nghị định thành lập một đơn vị hành chính tại Hoàng Sa. Sau đó chính phủ Pháp tiến hành chiếm cứ thực sự toàn bộ quần đảo. Một đội quân cảnh vệ được cử đến đồn trú thường xuyên tại đây. Vào năm 1938, bia chủ quyền được dựng lên với dòng chữ “Cộng Hòa Pháp – Vương quốc An Nam – Quần đảo Hoàng Sa, 1816 – đảo Hoàng Sa – 1938”. Một hải đăng, một trạm khí tượng và một trạm vô tuyến được đặt trên đảo Hoàng Sa.7

Năm 1939, Nhật chiếm đóng Trường Sa, đổi tên quần đảo thành Shinnan Gunto (Tân Nam Quần đảo) và đặt chúng dưới quyền tài phán của Cao Hùng (Đài Loan). Tháng 4 năm1939, Pháp gửi công hàm phản đối các hành động quân sự của Nhật và khẳng định quần đảo này là một phần lãnh thổ của An Nam.8

Ngay sau khi Nhật đầu hàng năm 1945, chính quyền Pháp đã lập tức khôi phục lại sự có mặt của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 6 năm 1946, một phân đội của Pháp đã đổ bộ lên Hoàng Sa để chiếm lại quần đảo. Tháng 10 năm 1946, chiến hạm của Pháp mang tên “Chevreud” đã đến Trường Sa và đặt bia chủ quyền trên đảo Ba Bình.9

Cuối năm 1946, khi Trung Hoa Dân Quốc cử quân đội đến chiếm đóng đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa), Pháp đã phản đối và yêu cầu họ rời khỏi quần đảo.

Như vậy, với tư cách nhà nước bảo hộ đại diện cho quyền lợi của An Nam, chính phủ Pháp không hề từ bỏ mà vẫn thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa một các liên tục. Đối với Trường Sa, Pháp coi đây là lãnh thổ vô chủ và đã chiếm cứ thực sự trước khi các nước khác có mặt trên quần đảo này mà không gặp sự phản đối đáng kể nào từ phía các quốc gia khác.

3. Chủ quyền của Việt Nam tiếp tục được thực thi và bảo vệ sau khi Pháp rời khỏi Đông Dương
Ngày 14 tháng 10 năm 1950, chính phủ Pháp chính thức trao lại cho chính quyền Bảo Đại việc quản lý hai quần đảo.

Trong phiên họp thứ 7 tại Hội nghị hòa bình San Francisco vào ngày 7.9.1951, đại diện Quốc Gia Việt Nam (chính quyền Bảo Đại) là thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Trần Văn Hữu đã chính thức tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Không có một phản đối hay bảo lưu nào từ phía 51 nước tham dự Hội nghị. Cả Trung Quốc và Đài Loan đều vắng mặt trong hội nghị này.10 Tuy nhiên, Trung Quốc bảo lưu yêu sách của họ đối với các quần đảo qua tuyên bố của bộ trưởng ngoại giao Chu Ân Lai ngày 15 tháng 8 năm 1951.

Sau Hiệp ước Geneva năm 1954, hai quần đảo được Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát. Ngày 22 tháng 8 năm1956, sau khi quân Pháp rút đi, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã thiết lập ngay lập tức sự kiểm soát của họ tại Hoàng Sa và Trường Sa và đối phó với Trung Quốc trong tranh chấp này.11

Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, với tư cách người thừa kế danh nghĩa pháp lý cùng các quyền và yêu sách của Pháp, đã liên tục tiến hành quản lý hành chính, khảo sát, khai thác và bảo vệ hai quần đảo bằng các hành động như: cắm cờ, lập bia chủ quyền trên quần đảo Trường Sa (8.1956), sát nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam (7.1961), khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo bằng thông cáo của Bộ Ngoại Giao ngày 15 tháng 7 năm 1971, sát nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy (9.1973), cấp phép cho khai thác phân chim, bắt giữ nhóm quân Trung Quốc giả dạng ngư dân xâm chiếm nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa (2.1959). Tháng 1 năm 1974, khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm toàn bộ các đảo Hoàng Sa, chính quyền đã phản ứng mạnh mẽ và tận dụng mọi cơ hội để khẳng định chủ quyền của mình như: gửi thư cho chủ tịch Hội đồng Bảo An và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đề nghị can thiệp, tuyên bố khẳng định chủ quyền tại Hội nghị Ủy ban Kinh tế Viễn Đông (3.1974) và tại Hội nghị lần thứ ba của Liên Hợp Quốc về Luật Biển tại Caracas (7.1974), công bố sách trắng về Hoàng Sa và Trường Sa (2.1975).

4. Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời ngày 2 tháng 7 năm 1976 là bên kế thừa hợp pháp của hai nhà nước trước đó, tiếp tục sở hữu danh nghĩa pháp lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho đến nay.
Thực thi chủ quyền của mình, Việt Nam đã thành lập huyện Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (12.1982), lập thị trấn Trường Sa bao gồm quần đảo Trường Sa, thị xã Cam Ranh và các đảo phụ cận (4.2007), liên tục có quân đồn trú tại quần đảo Trường Sa. Các lãnh đạo của Việt Nam tiến hành các chuyến đi thăm và khảo sát quần đảo Trường Sa nhằm khẳng định chủ quyền như: các chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh, chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nguyễn Quyết, tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Đoàn Khuê vào tháng 5.1988, chuyến thăm của ủy viên Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt vào tháng 4.1998.

II. Luận thuyết của Trung Quốc và Đài Loan

Do Trung Quốc và Đài Loan sử dụng các luận cứ tương tự cho yêu sách của mình đối với hai quần đảo, chúng tôi sẽ trình bày chung các luận cứ này trong phần dưới đây.

1. Luận thuyết của Trung Quốc dựa trên quyền phát hiện đầu tiên và chiếm cứ hữu hiệu đối với lãnh thổ vô chủ (terra nullius)
Trung Quốc khẳng định họ đã phát hiện ra các quần đảo sớm nhất, từ thời Hán Vũ Đế (thế kỷ II trước CN).12 Tuy nhiên, để chứng minh cho luận cứ này, Trung Quốc đưa ra các tài liệu không phải là chính sử được viết bởi các cơ quan nhà nước. Theo Nguyễn Hồng Thao, “phần lớn chúng là những ghi chép về các chuyến đi, các chuyên khảo và các sách hàng hải thể hiện những nhận biết địa lý của người xưa liên quan không chỉ tới lãnh thổ Trung Quốc mà còn tới lãnh thổ của các nước khác.”13 Hơn nữa, phần lớn các tài liệu nói đến các quần đảo với những tên gọi rất khác nhau, làm cho mọi xác minh không được chắc chắn.14
Mặt khác, tác giả Phạm Hoàng Quân cho biết, theo Cổ kim đồ thư tập thành, bộ bách khoa toàn thư do Thanh triều tổ chức biên soạn, hoàn thành năm 1706, trong phần Chức Phương điển (sách điển chế về địa đồ các đơn vị hành chính), các địa đồ như Chức Phương tổng bộ đồ (địa đồ số 1), Quảng Đông cương vực đồ (địa đồ số 157), Quỳnh Châu phủ cương vực đồ (địa đồ số 167) đều không ghi nhận các quần đảo xa hơn đảo Hải Nam ngày nay. Theo Quảng Đông thông chí vẽ đời Gia Tĩnh (1522-1566) thì phần hải đảo cũng chỉ đến Quỳnh Châu (tức Hải Nam).15

Trung Quốc cũng sử dụng những bằng chứng về khảo cổ và việc tìm thấy vết tích tiền và đồ cổ từ thời Vương Mạng để khẳng định sự có mặt của ngư dân Trung Quốc trên các quần đảo. Tuy nhiên, các hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc là các hoạt động tư nhân, không mang lại hiệu lực pháp lý của quyền chiếm cứ hiệu quả mà luật quốc tế đòi hỏi.

Để chứng minh việc thực thi chủ quyền trên các quần đảo từ lâu đời, Trung Quốc đưa ra các sự kiện sau:
  • các cuộc tuần tra quân sự đến vùng biển quần đảo Hoàng Sa từ thời nhà Tống (960-1127). Khẳng định này dựa trên cơ sở Vũ Kinh tổng yếu (chương trình chung về quân sự có lời đề tựa của vua Tống Nhân Tông).16 Theo Monique Chemillier-Gendreau, tài liệu này chỉ cho thấy có các đó là các hành trình thăm dò địa lý tới tận Ấn Đô Dương, và xác nhận Trung Quốc có biết đến quần đảo Hoàng Sa nhưng không minh chứng một sự chiếm hữu nào.
  • Vào thế kỷ XIII, Hoàng đế nhà Nguyên ra lệnh cho nhà thiên văn học Quách Từ Kính thực hiện các quan trắc thiên văn, trong đó có một số quan trắc từ Hoàng Sa. Tuy nhiên, các quan trắc này được thực hiện một phần trong lãnh thổ Trung Quốc, một phần ngoài lãnh thổ, mang tính chất nghiên cứu khoa học, không đủ để tạo nên danh nghĩa chủ quyền.
  • Vào khoảng các năm 1710-1712, phó tướng thủy quân Quảng Đông là Ngô Thăng đã thực hiện một cuộc tuần biển đến Hoàng Sa. Tuy nhiên, theo Monique Chemillier-Gendreau, xem xét trên bản đồ thì lộ trình đi tuần chỉ là một con đường vòng quanh đảo Hải Nam chứ không phải là quần đảo Hoàng Sa.
  • Năm 1883, khi tàu của Đức thực hiện nghiên cứu khoa học tại quần đảo Trường Sa, chính quyền Quảng Đông đã phản đối. Nhưng khi danh nghĩa của một nhà nước chưa được xác lập vững chắc và lâu dài, việc phản đối này chỉ mang tính chất ngoại giao và không có giá trị pháp lý.17

Các bằng chứng lịch sử của Trung Quốc về quyền phát hiện và chiếm cứ hiệu quả hai quần đảo rõ ràng là rất ít ỏi, không vững chắc và không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện của luật quốc tế. “Chúng không chứng minh được một sự chiếm cứ thông thường, một sự quản lý hành chính hữu hiệu sự kiểm soát chủ quyền”.18

Cân nhắc các luận cứ lịch sử của Việt Nam và Trung Quốc về quyền phát hiện đầu tiên và chiếm cứ hiệu quả, giáo sư người Pháp Yves Lacoste cho rằng: “dù sao đi nữa, luận cứ của Việt Nam cũng mạnh mẽ hơn luận cứ của Trung Quốc.”19

2. Các luận cứ của Trung Quốc trong thời kỳ từ đầu thế kỷ XX đến 1945

Đầu thế kỷ XX, Trung Quốc mới thực sự quan tâm và có những nỗ lực đầu tiên để chiếm cứ quần đảo Hoàng Sa. Vào năm 1909, đô đốc Trung Quốc là Lý Chuẩn thực hiện một cuộc đổ bộ nhỏ (trong 24 giờ) lên quần đảo này. Họ kéo cờ và bắn súng để biểu thị chủ quyền của Trung Quốc.20 (Sự kiện này cho thấy sự mâu thuẫn trong lập luận của Trung Quốc. Nếu quần đảo Hoàng Sa đã được Trung Quốc chiếm cứ thực sự từ lâu đời, thì tại sao phái đoàn của Lý Chuẩn lại không biết điều này và hành xử như thể lần đầu tiên phát hiện ra quần đảo?). Nước Pháp đại diện cho An Nam không có phản ứng gì trước cuộc đổ bộ này vì họ cho rằng đó chỉ là một nghi thức hải quân nhân dịp chuyến thám sát.21

Năm 1921, chính quyền dân sự Quảng Đông sát nhập hành chính các đảo Hoàng Sa vào Nhai huyện. Sự kiện này không gây ra phản ứng gì của các nước vì khi đó chính quyền Quảng Đông không được cả chính phủ trung ương Trung Quốc lẫn các cường quốc công nhận.

Năm 1937, trước sự phản đối của Pháp, Nhật chiếm các đảo “nằm ngoài khơi Đông Dương”, đổi tên thành Shinnan Gunto (Tân Nam Quần Đảo) và đặt chúng dưới quyền tài phán của Cao Hùng (Đài Loan).

Trong suốt thời gian Thế chiến II, các quần đảo bị Nhật chiếm đóng.

Như vậy, cho đến khi Thế chiến II kết thúc vào năm 1945, ngoài nỗ lực ban đầu trong việc biểu thị chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc vẫn không thể hiện được một sự chiếm cứ thực sự, liên tục hay sự quản lý hành chính hiệu quả trên các đảo. Đối với quần đảo Trường Sa, Trung Quốc hoàn toàn không hề có một ảnh hưởng nào.

3. Thời kỳ sau 1945

Sau khi đầu hàng vào năm 1945, Nhật Bản rút khỏi Đông Dương và các quần đảo. Sau khi Pháp khôi phục lại sự có mặt của mình tại Hoàng Sa vào tháng 6 năm 1946, quân đội Trung Hoa Dân Quốc đổ bộ lên đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) vào tháng 1 năm 1947. Pháp lập tức phản đối việc chiếm hữu trái phép này của Trung Quốc và cử một phân đội ra quần đảo Hoàng Sa, lập đồn binh và xây trạm khí tượng. Các trạm khí tượng này hoạt động trong suốt 26 năm cho đến khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chiếm đóng quân sự vào năm 1974.

Cuối năm 1946, Trung Hoa Dân Quốc cử quân đội đến chiếm đóng đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa), sau khi Pháp đặt bia chủ quyền.

Tháng 10 năm 1949, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời. Tháng 5 năm 1950, Quân đội Quốc dân Đảng phải rời khỏi các đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) và Ba Bình (quần đảo Trường Sa). Các trại đồn trú của Pháp vẫn được tiếp tục duy trì ở Hoàng Sa.

Tháng 4 năm 1956, quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đưa quân đến thay thế các đơn vị của Pháp tại Hoàng Sa. Nhưng khi đó chính quyền Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã kín đáo cho quân đổ bộ chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa (cụm An Vĩnh)22.

Ngày 4 tháng 9 năm 1958, Trung Quốc ra tuyên bố về hải phận 12 hải lý, áp dụng cho cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 19 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Đối với quần đảo Trường Sa, theo Jan Rowiński, cho đến thời điểm này (tháng 1 năm 1974) „Trung Quốc không có khả năng gây ảnh hưởng đối với khu vực quần đảo Trường Sa, chứ chưa nói gì đến chuyện kiểm soát nó.”23
Tháng 2 năm 1988, Trung Quốc gửi quân đội đến một số đảo trên quần đảo Trường Sa.24

Tháng 3 năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm 6 đảo của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Trung Quốc là quốc gia duy nhất yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa nhưng trên thực tế không kiểm soát bất cứ đảo nào cho mãi đến tận năm 1988.25

Tháng 4 năm 1988, Trung Quốc thành lập tỉnh thứ 33 bao gồm đảo Hải Nam và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tháng 5 năm 1989, Trung Quốc chiếm thêm một đảo nhỏ trên quần đảo Trường Sa.26

Tháng 2 năm 1995, Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn, một đảo đá nhỏ của Phillippines trên quần đảo Trường Sa.

Có thể thấy phương pháp chủ yếu của Trung Quốc là dùng vũ lực để chiếm hữu các đảo. Tuy nhiên, theo luật quốc tế, từ đầu thế kỷ XX việc dùng vũ lực để chinh phục một lãnh thổ đã bị lên án và không được chấp nhận. Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24 tháng 10 năm 1970 cũng đã ghi rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm đóng quân sự, kết quả của việc sử dụng vũ lực trái với các điều khoản của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là một đối tượng thụ đắc bởi một quốc gia khác do đe doạ sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lưc. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào bằng sự đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực đều là bất hợp pháp.” Do đó, các hành động dùng vũ lực trái ngược với luật quốc tế của Trung Quốc không thể mang lại danh nghĩa pháp lý cho nước này đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

4. Các tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và giá trị pháp lý:

Trung Quốc luôn lập luận rằng Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên các tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) trong thời gian chiến tranh 1954-1975. Các tuyên bố đó là:
  • Ngày 15 tháng 6 năm 1956 thứ trưởng Ngoại giao VNDCCH Ung Văn Khiêm đã nói với thường vụ viên của đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội rằng các quần đảo này về mặt lịch sử là một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra được biên bản cuộc họp mà họ cho rằng trong đó Ung Văn Khiêm đã nói điều trên.27
  • Công hàm của Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng ngày 14 tháng 9 năm 1958 tán thành tuyên bố về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc mà không có bảo lưu gì đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
  • Ngày 9 tháng 5 năm1965, khi Mỹ leo thang chiến tranh tại Việt Nam và ấn định những vùng chiến thuật, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tuyên bố Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các tuyên bố của VNDCCH có khiến cho nước Việt Nam thống nhất sau 1975 mất chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hay không đòi hỏi những nghiên cứu sâu hơn về luật quốc tế. Trong bài viết ngắn này, chúng tôi sẽ trình bày tóm tắt quan điểm của mình.

Trong thời gian chiến tranh 1954-1975 có hai quốc gia Việt Nam đồng thời tồn tại là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) ở miền Bắc và Việt Nam Cộng hòa (VNCH) ở miền Nam. Đây cũng là quan điểm của nhiều luật gia quốc tế như James Crawford, Robert Jennings, Nguyễn Quốc Định, Jules Basdevant, Paul Reuter, Louis Henkin, Grigory Tunkin.28

Sau Hiệp ước Geneve năm 1954, dựa theo nhận thức và thực tế quản lý của hai quốc gia, quốc gia kế thừa chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là VNCH. Trên thực tế, như đã nêu ở phần trên, VNCH đã liên tục kiểm soát, quản lý hành chính và khẳng định chủ quyền của mình trên hai quần đảo cho đến tận khi bị Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974. Việc quản lý quần đảo Trường Sa vẫn tiếp tục được duy trì đến thời điểm 30 tháng 4 năm 1975.

Công hàm của thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng ngày 14 tháng 9 năm 1958 cũng như các tuyên bố khác của VNDCCH không ảnh hưởng đến danh nghĩa chủ quyền mà VNCH duy trì. Các hành vi của VNDCCH cùng lắm chỉ có thể gây ra các ràng buộc và hiệu quả pháp lý cho chính mình mà thôi. Vậy các ràng buộc và hiệu quả pháp lý đó có thể là gì?

Các tuyên bố của VNDCCH là hành vi đơn phương. Theo luật quốc tế, một hành vi đơn phương hay một lời hứa cần có những điều kiện trước khi có thể gây ra nghĩa vụ ràng buộc. Các điều kiện chính là: a) cần xét đến bối cảnh của hành vi tuyên bố đó; b) bên có tuyên bố cần thể hiện rõ ràng ý chí muốn bị ràng buộc bởi tuyên bố của mình; c) bên kiện quốc gia tuyên bố phải có hành động dựa vào tuyên bố đó và phải chứng minh mình đã bị thiệt hại do tuyên bố đó, hoặc quốc gia tuyên bố đã hưởng lợi từ tuyên bố này. Ngoài ra, nhiều bản án của Tòa án Công lý Quốc tế còn đòi hỏi các tuyên bố này phải mang tính chất liên tục và trường kỳ.29

Có thể dễ dàng thấy rằng các tuyên bố của VNDCCH thiếu hầu hết các điều kiện để có thể gây ra nghĩa vụ ràng buộc. Trung Quốc không có hành động nào dựa vào tuyên bố của VNDCCH và VNDCCH cũng không được hưởng lợi gì từ các tuyên bố đó.

Như vậy, sau năm 1975, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, người kế thừa hai nhà nước VNCH và VNDCCH, đã kế thừa chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ VNCH cùng các tuyên bố đơn phương không mang tính chất ràng buộc và hiệu quả pháp lý từ VNDCCH, và hoàn toàn có đầy đủ cơ sở để khẳng định chủ quyền hợp pháp của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

III. Luận thuyết của các nước khác

1) Luận thuyết của Phillippines

Philippinnes có yêu sách đối với khoảng 60 đảo, đá và bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa.30 Yêu sách đầu tiên được Thomas Cloma, một công dân Phillippines, đưa ra vào năm 1947 khi ông tuyên bố phát hiện ra một nhóm đảo, đá nằm cách bờ Tây đảo Palawan 300 hải lý.

Ngày 17 tháng 5 năm 1951, tổng thống Philippines tuyên bố các đảo của quần đảo Trường Sa phải thuộc về lãnh thổ gần nhất là Philippines. Tuyên bố này đã bị các nước có liên quan phản đối.

Mãi đến tháng 3 năm 1956, Thomas Cloma mới tiếp tục việc “phát hiện” nhóm đảo này. Ông cử một nhóm 40 thủy thủ đổ bộ lên các đảo của quần đảo Trường Sa với mục đích tiến hành chiếm hữu chính thức. Họ cắm cờ Philippines lên một số đảo, trong đó có đảo Ba Bình (Itu Aba)31. Ngày 11 tháng 5 năm 1956, họ tuyên bố các đảo họ đã chiếm đóng được đặt tên là Kalayaan (Đất Tự do), còn Thomas Cloma tự phong mình là Chủ tịch Hội đồng Tối cao Nhà nước Kalayaan32. Tuyên bố này đã bị các nước liên quan phản đối.33

Ngày 15 tháng 5 năm 1956, Thomas Cloma gửi thư cho bộ trưởng ngoại giao của Cộng hòa Philippines thông báo về việc chiếm giữ vùng lãnh thổ rộng 64.976 dặm vuông ở phía Tây Palawan, nằm ngoài các vùng nước của Philippines và không thuộc quyền tài phán của bất cứ nước nào và yêu sách chiếm hữu vùng lãnh thổ này dựa trên quyền phát hiện và chiếm đóng, đồng thời gửi kèm theo bản đồ. Tuy tên của các đảo bị thay đổi hoàn toàn, nhưng bản đồ cho thấy Kalayaan bao gồm phần lớn các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.34

Trong họp báo ngày 19 tháng 5 năm 1956, bộ trưởng ngoại giao Philippines khẳng định rằng nhóm đảo Trường Sa trong đó có đảo Ba Bình và đảo Trường Sa phải thuộc chủ quyền Philippines vì chúng nằm gần Philippines nhất. Sài Gòn, Bắc Kinh và Đài Loan đều phản đối tuyên bố này. Đài Loan có ý định cử thủy quân đến Trường Sa. Manila lập tức thông báo với Đài Loan và Việt Nam rằng Philippines chưa có yêu sách chính thức về chủ quyền đối với vùng lãnh thổ này.

Ngày 6 tháng 7 năm 1956, Thomas Cloma lại gửi thư yêu cầu chính phủ Philippines cho Kalayaan được hưởng chế độ bảo hộ. Trong công văn trả lời T. Cloma, bộ trưởng ngoại giao Philippines cho rằng ngoài nhóm 7 đảo mà quốc tế gọi là Trường Sa (Spratly), các đảo khác đều là lãnh thổ vô chủ (terra nulius), do đó mọi công dân Philippines cũng như công dân các nước khác đều có quyền tự do khai thác kinh tế và định cư.

Đáp trả “sự kiện T. Cloma”, Việt Nam đã cử tàu tuần tra đến quần đảo Trường Sa vào tháng 8 năm 1956.

Ngày 1 tháng 10 năm 1956 xảy ra cuộc đụng độ đầu tiên giữa hải quân Đài Loan và nhóm người của T. Cloma ở North Danger Shoal. Người của T. Cloma bị tịch thu hết vũ khí. Chính phủ Philippines hoàn toàn không can thiệp.

Vào thời kỳ 1970-1971, các đơn vị thủy quân Philippines theo lệnh của tổng thống F. Marcos đã chiếm một số đảo của Trường Sa, trong đó có đảo Thị Tứ, đảo Vĩnh Viễn và South Rock. Philippines cũng tổ chức tuần tra trên một loạt đảo và đá nhỏ ở phía Đông Bắc quần đảo.35 Năm 1971, Phillipines một lần nữa cố chiếm đảo Ba Bình nhưng thất bại. Chính quyền Phillippines phản đối sự chiếm đóng của Đài Loan với các lý do: a) Phillippines có danh nghĩa chủ quyền dựa trên sự phát hiện của T.Cloma; b) Trung Quốc chiếm đóng de facto một số đảo nằm dưới sự kiểm soát của các nước đồng minh mà không cho các nước này được biết; c) nhóm đảo Trường Sa nằm trong vùng nước quần đảo của Phillippines36. Cùng với sự phản đối, Phillippines tăng cường quân số trên các đảo lên 1000 người. Một sân bay đã được xây dựng trên đảo Thị Tứ.

Năm 1974 Thomas Cloma chuyển giao “chủ quyền” Kalayaan cho chính phủ Philippines. Đến thời điểm này, Philippines kiểm soát 4 đảo.37

Năm 1978, Philippines đặt quân đội trên 7 đảo của Trường Sa. Ngày 11 tháng 6 năm 1978, tổng thống Philippines sát nhập 7 đảo này vào lãnh thổ Philippines bằng sắc lệnh số 159638, sắc lệnh này đồng thời khẳng định các đảo này “về mặt pháp lý không thuộc bất cứ quốc gia hay dân tộc nào, giờ đây phải thuộc về Phillippines và nằm dưới quyền tài phán của Phillippines nhờ sự chiếm cứ và quản lý hiệu quả theo đúng luật quốc tế”. Sắc lệnh cũng quy định vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho các đảo này.39

Ngày 14 tháng 9 năm 1979, tổng thống Philippines tuyên bố rõ Philippines sẽ tiếp tục yêu sách chủ quyền đối với 7 đảo họ đang chiếm đóng chứ không phải toàn bộ quần đảo Trường Sa. Trong cuộc họp báo này, tổng thống Phillippines nhắc lại nhóm 7 đảo này là vùng lãnh thổ chưa có người chiếm đóng, chưa được biết đến và chưa có người ở, thậm chí chưa được đánh dấu trên các bản đồ trước Thế chiến II, và Phillippines chiếm cứ chúng như lãnh thổ vô chủ (terra nullius).

Ngày 10 tháng 3 năm 2009, Tổng thống Philippines ký ban hành Luật Cộng hoà 9522 về đường cơ sở, đưa phần lớn các đảo Trường Sa vào quy chế đảo của Philippines. Hành động này của Phillippines lập tức bị Việt Nam và Trung Quốc phản đối.

Luận thuyết của Phillippines không vững vàng ở chỗ nước này cho rằng các đảo mà mình chiếm giữ là lãnh thổ vô chủ và chưa được biết đến, nhưng trên thực tế, chúng thuộc quần đảo Trường Sa. Ngay cả khi bỏ qua các giai đoạn lịch sử xa xưa, quần đảo này đã được Pháp chiếm cứ hữu hiệu từ những năm 1930 (quân đội Pháp có mặt trên đảo Thị Tứ từ tháng 4 năm 1933) và sau đó trao lại cho Việt Nam khi Pháp rời khỏi Đông Dương mà không gặp bất cứ sự phản đối nào từ phía các nước, trong đó có Phillippines. Luật quốc tế cũng không quy định một lãnh thổ phải thuộc về một quốc gia chỉ vì nằm gần quốc gia đó nhất. Ngoài ra, việc chiếm đóng và các yêu sách của Phillippines đối với nhóm đảo thuộc quần đảo Trường Sa ngay từ ban đầu luôn gặp sự phản đối từ phía các nước khác có liên quan, do đó khó lòng có thể nói đến một sự chiếm cứ hiệu quả và không có tranh chấp theo đúng các nguyên tắc của luật quốc tế.

2) Luận thuyết của Malaysia

Năm 1978, Malaysia đưa ra yêu sách chủ quyền đối với các đảo An Bang, Đá Kỳ Vân và đá Công Đo dựa trên cơ sở các quy định của luật quốc tế về thềm lục địa.

Năm 1979, Malaysia công bố bản đồ trong đó một số đảo của Trường Sa được đánh dấu là lãnh thổ Malaysia.

Tháng 6 năm 1983, Malaysia chiếm đóng quân sự đảo đầu tiên - Đá Hoa Lau - trong khu vực yêu sách. Tháng 9 năm 1983, Malaysia chính thức tuyên bố nước này quyết định chiếm cứ bãi san hô ngầm James Schoal, Đá Hoa Lau, bãi Kiêu Ngựa, Đá Kỳ Vân và khẳng định các đảo này nằm trong vùng được gọi là “vùng kinh tế biển” của Malaysia.40 Tháng 12 năm 1986, quân đội Malaysia chiếm đảo Đá Kỳ Vân và Kiêu Ngựa.

Tháng 6 năm1999, Malaysia mở rộng chiếm đóng ra Đá Én Ca và bãi Thám Hiểm, nâng tổng số các đảo bãi chiếm đóng của mình ở quần đảo Trường Sa lên bảy đảo, bãi.

Luận thuyết của Malaysia dựa trên cơ sở các quy định của luật quốc tế về thềm lục địa. Tuy nhiên, điều 76 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển ghi rõ: “Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biểnlòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn”, hoàn toàn không liên quan đến các đảo, đá nổi lên mặt biển trong vùng thềm lục địa. Luận thuyết của Malaysia hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Yêu sách của Malaysia về chủ quyền cũng không có một cơ sở lịch sử nào.

3) Luận thuyết của Brunei

Brunei chỉ yêu sách chủ quyền đối với đảo Louisa Reef, với luận thuyết đảo này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Brunei. Tuy nhiên, Công ước LHQ về Luật Biển 1982 chỉ công nhận quốc gia ven bờ có “chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió”, quyền tài phán trong việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị về công trình, quyền tài phán trong việc nghiên cứu khoa học biển cũng như bảo vệ và gìn giữ môi trường biển (điều 56). Việc yêu sách chủ quyền đối với các đảo chỉ vì chúng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế là một diễn giải sai lệch các quy định của Công ước. Do đó, luận thuyết của Brunei, tương tự như trường hợp Malaysia, là thiếu thuyết phục và không có cơ sở.

Ở đây, một câu hỏi có thể nảy sinh là: Louisa Reef có phải là một đảo theo qui định của luật quốc tế hay không? Bởi một quốc gia chỉ có thể tuyên bố chủ quyền và thụ đắc chủ quyền đối với đảo (vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vẫn nổi trên mặt nước). Nếu Louisa Reef là một bãi cạn nửa nổi nửa chìm, Brunei và các nước khác đều không thể yêu sách chủ quyền41. Khi đó nó sẽ là một phần vùng đặc quyền kinh tế mà Brunei có thể có các quyền giới hạn như đã nêu trên. Trong trường hợp này, một vấn đề nữa sẽ phải đặt ra là vùng đặc quyền kinh tế của Brunei có chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế mà Việt Nam và Malaysia đòi hỏi hay không.

  1. Kết luận

Những phân tích trên đây cho thấy trong tranh chấp các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, dưới góc độ luật pháp quốc tế, các lý lẽ của Việt Nam là mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, thực tế tranh chấp dai dẳng và phức tạp cũng như ý muốn của các bên khiến việc giải quyết tranh chấp bằng con đường pháp lý hiện nay rất khó khăn. Hơn nữa, tranh chấp các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vì tính chất phức tạp của nó, đòi hỏi một giải pháp tổng thể với các yếu tố pháp lý, lịch sử, chính trị, kinh tế. Mặc dù vậy, theo chúng tôi, yếu tố pháp lý vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông cần rất nhiều nỗ lực và thiện chí của các bên liên quan, đặc biệt là Trung Quốc, nước luôn phản đối việc đưa tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa ra trước tòa án quốc tế bất chấp nhiều lần đề nghị của Việt Nam.

-------

*Thạc sĩ ngành Công pháp quốc tế, Đại học Warszawa
Tác giả xin trân trọng cảm ơn các góp ý của TS. Dương Danh Huy, TS. Nguyễn Đức Hùng và TS. Lê Vĩnh Trương cho bài viết này.


Tài liệu tham khảo:

1Wójciech Góralczyk, Stefan Sawicki, Đại cương công pháp quốc tế, Warszawa, Wydawnictwo Prawnicze LexisNexis, 2007.
2Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và luật pháp quốc tế, sách trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam, 1988
3 Jaseniew Vladimir, Stephanow Evginii, Biên giới Trung Quốc: từ chủ nghĩa bành trướng truyền thống đến chủ nghĩa bá quyền hiện nay, Moscow, 1982
4Jean-Pierre Ferrier, Le conflit des iles Paracels et le problème de la souveraineté sur les iles inhabitées, Annuaire francais de droit international, vol.21, 1975
5Monique Chemillier-Gendreau, Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Hà Nội, 1998
6 Beauvois Marcel, Les archipels Paracels et Spratley, Vietnam Press nr.7574, ngày 27.11.1971
7Monique Chemillier-Gendreau, sđd
8Rowiński Jan, Biển Đông, khu vực tiềm tàng tranh chấp ở châu Á, Warszawa, 1990
9 Samuels Marwyn S., Contest for the South China Sea, New York, 1982
10Rowiński Jan, sđd
11Nguyễn Hồng Thao, Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Viện Luật kinh tế biển Monaco 2000
12 Lee G. Cordner, The Spratly Island dispute and the Law of the Sea, Ocean Development and International Law, Washington D.C., vol.25, 1994
13Nguyễn Hông Thao, sđd
14Monique Chemillier-Gendreau, sđd,
15Phạm Hoàng Quân, “Tây Sa và Nam Sa trong sử liệu Trung Quốc”, talawas ngày 11.12.2007 (http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11697&rb=0302 )
16Monique Chemillier-Gendreau, sđd,
17Nguyến Hồng Thao, sđd
18Kuang-Minh Sun, “Dawn in the South China Sea? A Relocation of the Spratly Islands in an Everlasting Legal Storm”, South African Yearbook of International Law, University of South Africa, vol.16, 1990/91, tr.40.
19Lacoste Yves, “Mer de Chine ou Mer de l’Asie du Sud-Est”, Herodote, Paris 1981, tr.8-13
20Monique Chemillier-Gendreau, sđd
21Nguyễn Hồng Thao, sđd
22Monique Chemillier-Gendreau, sđd
23Rowiński Jan, sđd
24Monique Chemillier-Gendreau, sđd
25Rowiński Jan, sđd
26Monique Chemillier-Gendreau, sđd
27Dương Danh Huy, „Trong chiến tranh 54-75, có một hay hai quốc gia Việt Nam trên hai miền Bắc, Nam”, trang web Quỹ Nghiên cứu Biển Đông ngày 9.11.2011 (http://www.seasfoundation.org/articles/from-members/1288-trong-chin-tranh-54-75-co-mt-hay-hai-quc-gia-tren-hai-min-bc-nam )
28Dương Danh Huy, sđd
29Từ Đặng Minh Thu, „Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng są và Trường Sa”, tạp chí Thời Đại Mới, số 11, tháng 7/2007.
30Michael Hindley, James Bridge, “South China Sea: the Spratly and Paracel Islands Dispute”, The World Today, London, vol.50 (June 1994), tr.111
31Quốc Tuấn, „Nhận xét về các luận cứ của Trung Hoaliên quan tới vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Tập san Sử Địa số 29, Sài Gòn 1975
32Jan Rowinski, sđd
33Lee G. Cordner, “The Spratly Island dispute and the Law of the Sea”, Ocean Development and International Law, Washington D.C., vol.25, 1994, trang 62
34Samuels Marwyn S., sđd
35Jan Rowiński, sđd
36Lee G. Cordner, sđd
37 International Herald Tribune, số ngày 28.3.1974
38 Kuang-Minh Sun, “Dawn in the South China Sea? A Relocation of the Spratly Islands in an Everlasting Legal Storm”. South African Yearbook of International Law, University of South Africa, vol.16, 1990/91
39Lee G. Cordner, sđd
40Jan Rowiński, sđd
41Xem các phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế về tranh chấp giữa Quatar và Barhan (http://www.icj-cij.org/docket/files/87/7029.pdf ) và chủ quyền đói với đảo South Ledge trong tranh chấp giữa Malaysia và Singapore (http://www.icj-cij.org/docket/files/130/14506.pdf )