Monday 15 July 2013

Bàn về khoan dung (Leszek Kołakowski)


Thái Linh dịch


Từ „khoan dung“ và lời khuyên khoan dung, như chúng ta biết, đã quá phổ biến; song những từ được dùng quá thường xuyên thì luôn bị dùng một cách tùy tiện, không thận trọng và với ti tỉ mục đích khác nhau, đến mức rốt cuộc chẳng còn biết nghĩa của chúng là gì. Mặc dù từ này đã có mặt trong tiếng La-tinh cổ, „khoan dung“ trở thành vấn đề xã hội ở châu Âu vào thế kỷ XVI, là hậu quả của các cuộc phân chia và đấu tranh tôn giáo. Khoan dung đơn giản là không truy bức người khác vì lý do tôn giáo. Những người chủ xướng khoan dung muốn có một cuộc cải cách luật pháp, muốn nhà nước không dùng gươm đao để bảo vệ tôn giáo đang thống trị. Những lời kêu gọi khoan dung theo nghĩa này rất nhiều và được nhân lên gấp bội, nhưng bên cạnh các sắc lệnh đảm bảo sự khoan dung ở nhiều nước khác nhau, ta cũng biết có các phản lệnh, các cuộc đàn áp hồi phản, các đòi hỏi trừng phạt người dị giáo và không chính thống. Mặc dù có vô số chuyện khủng khiếp trong lịch sử các cuộc chiến tôn giáo, ta có thể kết luận rằng ở các nước đạo Cơ đốc chiếm ưu thế, cuộc đấu tranh cho sự khoan dung trong ý nghĩa pháp lý của từ này đã giành thắng lợi; ngược lại, các dòng chảy gây hấn và bất khoan dung trong Hồi giáo là rất mạnh mẽ. Một chính thể khoan dung đơn giản là chính thể mà nhà nước không áp đặt cho người dân bất cứ điều gì trong vấn đề tôn giáo. Nhà nước phải kiềm chế vũ lực trong các vấn đề đó, đây là nguyên tắc được công nhận rộng rãi tới mức nó được tiếp nhận bất thành văn ngay cả ở các quốc gia cộng sản châu Âu, bao gồm cả các nước nơi Giáo hội, các tu sĩ và các tín đồ phải chịu đựng sự đàn áp tồi tệ nhất.

Ngày nay mọi điều có vẻ đơn giản và ít gây tranh cãi, nhưng rắc rối nảy sinh khi ta xem xét vấn đề gần hơn một chút. Để nguyên tắc khoan dung theo nghĩa trên được chấp nhận và thực thi, không chỉ cần có các văn bản pháp lý, mà cả các điều kiện văn hóa không thể tạo dựng trong một sớm một chiều. Những người Cơ đốc chủ xướng khoan dung thế kỷ XVI và XVII giải thích rằng chúng ta không nên chém giết lẫn nhau vì lý do khác biệt quan điểm về vấn đề Thánh Ba Ngôi, Bí Tích Thánh Thể hay vận mệnh, bởi vì – họ nói – Đức Chúa Trời sẽ không hỏi chúng ta về các quan điểm thần học trong Phán quyết Cuối cùng, đúng hay sai, mà hỏi chuyện trong đời ta có cố gắng thực hiện các điều răn của sách Phúc Âm hay không. Như vậy có thể ngầm hiểu, mà nhiều khi người ta nói thẳng, rằng tất cả các khác biệt giáo điều giữa các Giáo hội, các tín điều hay giáo phái đều không quan trọng, vô nghĩa. Từ đây dễ dàng đi đến kết luận rằng không có bất cứ Giáo hội hay tín điều nào có động cơ tồn tại như một cơ thể riêng biệt, vì sự khác biệt giữa chúng là vô thưởng vô phạt; nhưng khó lòng thuyết phục điều đó với các Giáo hội (dĩ nhiên tất cả những điều này nằm trong khuôn khổ của văn hóa Cơ đốc giáo và thậm chí ngay cả ở các nước rất khoan dung như Hà Lan thế kỷ XVII thì chủ nghĩa vô thần cởi mở cũng không được chấp nhận). Chính vì thế, một ý nghĩa mới được đưa tắt vào tư tưởng khoan dung, cụ thể là „sự thờ ơ“. Nhưng khi nói: „chịu đựng ngay cả các sai lầm lớn vẫn tốt hơn là tiến hành chiến tranh tôn giáo“ là một chuyện - dưới góc độ văn hóa hay tâm lý học, còn nói „phải khoan dung mọi ý kiến thần học khác nhau nhất, vì tất cả đều là những chuyện vô thưởng vô phạt“ thì lại khác.

Khi tôi nói với ai đó: „Anh phát biểu những quan điểm kinh khủng, sai lầm và tai hại, nhưng tôi sẽ không chặt đầu anh và sẽ để Chúa phán xét“ là một chuyện, còn khi tôi nói „Anh cứ lải nhải thoải mái về tôn giáo, cái đó chả có nghĩa lý gì cả“ thì lại là chuyện khác.

Song khi ta nói về sự khoan dung, từ này không chỉ liên hệ tới các quy định pháp lý trong vấn đề tôn giáo, mà còn ám chỉ quan điểm của con người, cách hành xử của chúng ta, các phong tục. Theo nghĩa ban đầu, tôi khoan dung nếu tôi không truy bức, không đòi truy bức và không hành xử một cách gây hấn với những gì tôi rõ ràng là không thích, không chấp nhận, những gì khiến tôi thấy khó chịu, căm ghét hay ghê tởm. Với nghĩa có phần tương tự, ta dùng từ này trong y học và kỹ thuật: thuốc gây hại, nhưng ta nói về sự khoan dung đối với thuốc nếu cơ thể chấp nhận được nó trong một giới hạn nào đấy, nghĩa là chịu đựng được mà không có hại đáng kể. Ở Pháp từ „nhà khoan dung“ xưa kia được dùng để gọi nhà chứa, cái tên ám chỉ rằng đó là thứ không tốt đẹp gì, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, tốt hơn hết là chấp nhận chúng.

Cũng có thể nhận thấy người ta thường đòi hỏi khoan dung với nghĩa sự bàng quan, không có bất cứ lập trường hay ý kiến gì, đôi khi thậm chí là sự thừa nhận tất cả mọi thứ mà ta thấy ở mọi người và mọi quan điểm. Song điều đó mang nghĩa hoàn toàn khác. Hướng tới sự khoan dung theo nghĩa ấy là một phần văn hóa khoái lạc chủ nghĩa của chúng ta, khi chẳng có điều gì thực sự nghĩa lý đối với ta; đó là thứ triết lý sống không có bất cứ trách nhiệm và niềm tin nào. Các khuynh hướng này được tăng cường bởi nhiều trào lưu triết học khác nhau, những trào lưu dạy chúng ta rằng không có chân lý với nghĩa thực sự của nó; do đó khi ngoan cố với các niềm tin của mình, mặc dù không hề gây hấn, thì tôi đã có lỗi đối với sự khoan dung.

Đó là một điều vô nghĩa tai hại; sự khinh rẻ chân lý tàn phá nền văn minh của chúng ta không kém gì sự cuồng tín. Số đông thờ ơ sẽ dọn đường cho những kẻ cuồng tín luôn không bao giờ thiếu. Nền văn minh của chúng ta truyền bá ý thức nên coi tất cả là một thứ trò chơi, như nó vốn thế, trong các triết lý trẻ con được gọi là „triết lý kỷ nguyên mới“ hoàn toàn không thể xác định được nội dung, bởi nó có nghĩa là mọi thứ, ai muốn gì cũng được.

Nhưng tôi có quyền cương quyết kiên tâm với các niềm tin của mình. Ví dụ: ở các nước văn minh tình dục đồng tính không bị trừng phạt (tất nhiên, nếu đó là người trưởng thành và không có cưỡng hiếp). Giáo hội cho rằng đồng tính luyến ái là không được phép về mặt đạo đức, viện dẫn Cựu Ước và Tân Ước, viện dẫn các truyền thống và sự diễn giải thần học về tình dục của riêng mình. Như vậy, nếu Giáo hội muốn cấm đồng tính luyến ái trở lại, nó có thể bị lên án là bất khoan dung thô bạo. Nhưng các tổ chức của người đồng tính luyến ái đòi hỏi Giáo hội rút lại các giáo huấn của mình, đó là biểu hiện của sự bất khoan dung thô bạo theo chiều ngược lại. Ở Anh đã có các cuộc biểu tình và công kích Giáo hội về vấn đề này. Như vậy ai là bất khoan dung? Nếu một số người đồng tính cho rằng Giáo hội sai, họ có thể ra khỏi nó, không có gì đe dọa họ cả; nhưng khi họ muốn áp đặt ý kiến một cách ồn ào và gây hấn lên Giáo hội, họ không bảo vệ sự khoan dung mà là tuyên truyền sự bất khoan dung. Sự khoan dung hữu hiệu khi nó có từ hai phía.

Ta thường nói rằng có thể trừng phạt hành động, không trừng phạt quan điểm. Khó khăn là ở chỗ ranh rới giữa chúng không rõ ràng. Ở nhiều nước, ví dụ, kích động hận thù chủng tộc là bị trừng phạt. Có thể kích động bằng nhiều cách khác nhau và những kẻ phân biệt chủng tộc thường tự biện hộ: đó là các quan điểm, bởi vậy chúng không bị trừng phạt. Song ngôn từ trong trường hợp cụ thể cũng có thể có tác hại hoặc hiệu quả tốt. Nếu ta chỉ nói như thế, ta sẽ dễ dàng gợi ý rằng phải kiểm soát mọi quan điểm từ góc độ hậu quả có thể xảy ra của chúng. Nhưng nếu không nói vậy, ta lại gợi ý rằng không được cấm gì hết nếu chưa có sử dụng bạo lực. Như vẫn thường thấy trong cuộc sống, chúng ta phải tìm những cách giải quyết thỏa hiệp, không phải lúc nào cũng dễ chịu, nhưng là không tránh khỏi. Đây cũng là mâu thuẫn muôn đời của sự khoan dung: có được phép và có nên chấp nhận hay không các phong trào chính trị hay tôn giáo là kẻ thù của khoan dung và muốn hủy diệt mọi thiết bị bảo vệ sự khoan dung, các phong trào toàn trị hoặc muốn áp đặt quyền lực chuyên chế của mình? Các phong trào này có thể không nguy hiểm chừng nào chúng còn nhỏ, do đó có thể chấp nhận chúng, nhưng mặt khác, nếu chúng lớn mạnh, phải chấp nhận vì không có lực lượng nào có thể hủy diệt chúng, và cuối cùng cả xã hội có thể trở thành chiến lợi phẩm của một chính thể toàn trị tồi tệ nhất. Sự khoan dung vô hạn sẽ tự hại mình và hủy hoại các điều kiện để khoan dung trở nên khả dĩ. Tôi thừa nhận rằng tôi ủng hộ việc không khoan dung đối với các phong trào nhằm tiêu diệt tự do, chúng phải bị loại ra khỏi vòng pháp luật; khoan dung sẽ ít bị đe dọa hơn nhờ sự bất khoan dung này.

Song không có một nguyên tắc tốt nào mà lại không thể bị áp dụng sai. Có thể cấm phát biểu tư tưởng phân biệt chủng tộc, nhưng ở Mỹ, những người tiến hành nghiên cứu sự phân bố năng khiếu trong một số sắc tộc bị gọi là phân biệt chủng tộc và bị đả kích. Đây là nghiên cứu đòi hỏi phải đặc biệt thận trọng và chắc chắn có thể bị lợi dụng để tuyên truyền phân biệt chủng tộc, song vì lý do đó mà cấm thì còn tồi tệ hơn nhiều. Bởi khi đó người ta chấp nhận nguyên tắc cấm mọi nghiên cứu khoa học nếu kết quả của chúng có thể không được hoan nghênh đối với các tư tưởng được coi là đúng trong thời gian đó, mà đây là một nguyên tắc toàn trị. Cần phải chỉ trích các kết quả ấy, nếu có các phản đề tốt, nhưng cấm nghiên cứu nghĩa là đặt ra một chế đô độc tài tư tưởng trong các dòng chảy khoa học.

Tôi nhắc lại: sự khoan dung được bảo vệ ít hơn bằng luật pháp, nhiều hơn thông qua việc duy trì thói quen khoan dung. Sự bất khoan dung tiềm ẩn trong mỗi chúng ta, bởi nhu cầu áp đặt hình ảnh của mình về thế giới lên người khác nói chung là mạnh; ta muốn mọi người tin vào điều ta tin, vì khi đó ta cảm thấy an toàn về mặt tinh thần và không phải suy xét các niềm tin của mình hay đối chiếu chúng với người khác. Vì lẽ đó, sự công kích, gây hấn trong quá trình đối chiếu niềm tin – tôn giáo, triết học hay chính trị - là rất nhiều. Song nếu sự bất khoan dung, ý muốn thay đổi chính kiến người khác bằng công kích và bạo lực phải bị loại bỏ và thay thế bằng phong tục không ai tin vào cái gì, không ai quan tâm đến chuyện gì, cốt sao cuộc sống vui vẻ - thì thật tội nghiệp cho chúng ta. Đừng đấu tranh với sự vinh danh bạo lực bằng cách vinh danh sự thờ ơ đại chúng.

(Trích từ tập "Các thuyết trình mini về những vấn đề maxi" (Mini wykłady o maxi sprawach), NXB Znak, Kraków 2008)

No comments: