Tôi đến Thụy Sĩ gặp bạn vào mùa Xuân. Thật lạ, lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác hồi hộp và hào hứng đến thế. Trước mỗi chuyến đi xa, tất nhiên, đều có chút háo hức. Nhưng sau bao nhiêu chuyến đi tôi đã tưởng chẳng có gì có thể làm mình hồi hộp nữa. Tôi đi chỉ để gặp bạn, đơn giản vậy thôi, chúng tôi chọn Thụy Sĩ vì đây là nơi cả hai chưa từng đến và gần nơi bạn tôi đang làm việc.
Vậy mà lần này lại hồi hộp với một chuyến đi có vẻ như vô tội: bạn là bạn cũ, rất cũ, và Thụy sĩ không phải là nơi tôi định „chinh phục”. Làm sao có thể chinh phục một đất nước cái gì cũng chính xác và hoàn hảo, đầy rẫy xa xỉ phẩm, nơi người ta nói tới 4 thứ tiếng hành chính và một nửa dân số Geneva – thành phố tôi đến – có hộ chiếu nước ngoài? Làm sao có thể hồi hộp với một nơi chỉ gợi lên những hiệp định, hiệp ước, Liên Hợp Quốc, những cuộc họp, những cuộc trưng cầu dân ý, tinh thần thượng tôn pháp luật tuyệt đối, những ngân hàng và những cái máy đo thời gian mà người ta vẫn gọi là đồng hồ? Thậm chí cả với sự bình yên không chiến tranh từ gần 2 thế kỷ? Có thể khâm phục hay ngưỡng mộ những điều ấy, thậm chí có thể cảm thấy chúng... chán ngắt, nhưng vì sao lại hồi hộp?
Quả thực Thụy Sĩ – chẳng gì thì cũng là nơi khai sinh của ngành du lịch hiện đại - còn có Alps và những đỉnh núi như Metterhorn hay Dufourspitze, còn có hàng nghìn hồ nước lớn nhỏ không ai đếm xuể. Nhưng hồ và núi chưa bao giờ hấp dẫn tôi hơn biển. Mỗi khi có dịp, tôi đều tìm cách ra biển. Vậy cớ gì mà hồi hộp?
Tôi không biết. Chỉ biết khi máy bay sắp hạ cánh, nhìn xuống những ngọn núi trùng điệp của dãy Alps đỉnh còn trắng tuyết, tôi đã thành thật xúc động. Như khi lần đầu xem bức tranh „Nhớ một chiều Tây Bắc” của Phan Kế An. Và tôi nhớ Trần Dần. „Bản tôi ở/ non che/ núi phủ./ Những cánh buồm mây/ san sát/ đậu/ quanh nhà./ Một biển sương lam/ gió cuộn-/ bồng bềnh”... Những lời gọi ra đi. „Đi!/ Đi!-/ Trên đá nhọn tháng ngày,/ Chẳng quay nhìn/ vệt máu/ sau chân.”
Đi luôn là niềm thôi thúc của thi nhân. „Tôi không gọi là thi nhân những người làm thơ, có vần điệu hay không có vần điệu. Tôi gọi là thi nhân những người có thể thay đổi thế giới một cách sâu xa”(i). Trần Dần đã đi. Rimbaud đã đi. Phải chăng tôi hồi hộp vì chính sự ra đi? Nhưng tôi đã có bao nhiêu cuộc ra đi kia mà, những chuyến đi còn dài hơn xa hơn?
Tôi không giải thích được cảm xúc của mình cho đến khi ngồi với bạn trong quán Con tàu say ở làng cổ Yvoire trên đất Pháp, bên bờ hồ Geneva. Một ngẫu nhiên, một tình cờ lạ lùng, bởi chúng tôi không chủ ý chọn quán này. Thực đơn của quán được in bằng phông chữ viết tay nắn nót trên giấy kẻ ô ly, bài thơ Con tàu say xuyên suốt từ bìa đầu sang bìa sau. Rimbaud. Rimbaud. Rimbaud! Chàng thi sĩ tôi mơ hồ thoáng nhớ khi nghĩ đến sự ra đi của những thi nhân, vào thời khắc đó, khi chúng tôi ngồi trong quán giữa một buổi trưa mùa Xuân xanh lừng, đột nhiên trở về chất ngất trong tâm trí, chói lòa như một vết gươm, tinh khiết như một dòng máu phun trào.
Tinh khiết. Đó là từ tôi nhớ đến trước nhất khi nghĩ về Rimbaud. Tinh khiết. Đó cũng là từ tôi nhớ đến trước nhất khi nghĩ về bạn tôi suốt bao năm và vừa chợt nhận ra điều ấy khi nhìn bạn tôi lim dim say rượu vang, má hây hồng chòng chành ngồi trên con tàu trở về Thụy Sĩ, mặt hồ xanh biếc phẳng lặng gặp bầu trời xanh biếc phẳng lặng ở một điểm xa hút tầm mắt, nước trong suốt và không khí trong suốt.
„Tôi đã tìm thấy một viên đá xanh!”
Tôi nhớ lại màu tuyết trắng tinh khôi trên những đỉnh núi Alps, và những đồng cỏ non tươi, những đàn bò, những cánh đồng hoa cải vàng màu nguyên thủy dọc các con đường chúng tôi đi qua, bầu không khí trong trẻo dịu dàng của những ngày đầu Xuân, làng Annecy đầy cỏ hoa tinh khiết đẹp như buổi sơ khai, đàn thiên nga trắng muốt tựa những đóa hoa loa kèn dập dờn trên làn nước xanh trong tới đáy của hồ Geneva.... Tất cả đều là một cảm giác tinh khiết rưng rưng. Không phải tôi đến Thụy Sĩ, Annecy hay Yvoire, mà là đến với sự tinh khiết. Tôi cảm động, hồi hộp, vui thích không phải vì những danh từ, mà vì một tính từ. Tính từ ấy, nấp sau bao danh từ chỉ vạn vật, là nơi chốn tôi muốn trở về, là điều tôi luôn trân quý nâng niu giữa cuộc sống bề bộn ồn ào. Tinh khiết. Và bạn tôi là hiện thân sống của tính từ ấy!
Tôi đã định nói với bạn điều này ngay khi xuống tàu, nhưng ngôn ngữ thật bất lực và ngại ngùng . Mà có lẽ tôi cũng không cần phải nói ra. Tôi vẫn tin có một thứ ngôn ngữ khác xuyên qua hết thảy - bất chấp những ngôn từ thường nhật, bất chấp những phù phiếm xôn xao, bất chấp những đau đớn vô lý, những phẫn nộ và mỉa mai của cuộc sống - như một thứ ánh sáng tinh khiết lan tỏa giữa chúng tôi, giữa sự mẫn cảm của chúng tôi, giữa những ước vọng, mộng mơ và tư tưởng, khiến chúng tôi thấu hiểu nhau. Ngôn ngữ ấy - có vần hay không có vần, được nói ra hay không được nói ra - tôi gọi là thi ca.
Cũng không biết vì sao sáng nay, sau những ngày quay cuồng trong công việc như vẫn thế sau mỗi chuyến đi, tỉnh dậy muộn trong buổi sáng đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, chưa rửa mặt, chưa chải tóc, việc đầu tiên tôi làm sau khi nhìn thấy bầu trời xanh tinh khiết ngoài cửa sổ là mở laptop, viết những dòng lộn xộn lan man này. Tặng bạn.
Warszawa, ngày đầu tiên của tháng Năm, 2014
---------
Chú thích:
(i) Henry Miller