Monday, 26 December 2016

Dress code - mặc gì, dịp nào, ở đâu



„Thà làm một kẻ ngu thanh lịch còn hơn là một kẻ ngu không thanh lịch” – Immanuel Kant bảo thế.

dress code là thứ mật mã mà bất cứ „kẻ ngu thanh lịch” nào cũng phải biết. Đơn giản nhất thì nó là mật mã mặc gì vào dịp nào cho đúng, nhưng hơn thế, nó còn là cách bạn „trình bày” bản thân cho phù hợp với vị trí công việc, xã hội, với tuổi tác và đặc điểm ngoại hình của mình, thậm chí phù hợp với mùa hay thời gian trong ngày. Với một số người, nó còn là cách thể hiện phong cách, cá tính riêng, thể hiện sự duy nhất, độc đáo của họ.

Bắt đầu từ những điều đơn giản nhất đã nhé: dress code mặc gì vào dịp nào. Nếu bạn nhận được giấy mời đi dự một buổi tiệc với dòng chữ nhỏ ở góc „black tie”, thì bạn phải mặc gì? Công ti quy định dress code „business professional” nghĩa là sao? Tiệm ăn ghi „dress code: smart casual” tức là thế nào? Dưới đây là những dress code cơ bản từ cấp độ cao nhất đến thấp nhất theo nghi thức ngoại giao.

White tie (trang phục formal buổi tối ): đàn ông mặc áo đuôi tôm dài (tailcoat) và phụ kiện (áo sơ mi trắng, nơ trắng), phụ nữ mặc váy dạ hội dài chất liệu chủ yếu là lụa. Mặc vào các dịp: dạ hội, các nghi thức có mặt các quan chức nhà nước cao cấp nhất.




Morning dress (trang phục formal ban ngày) đàn ông mặc áo đuôi tôm vạt chéo (morning coat, jacket) và phụ kiện (sơ mi sáng màu, nơ hoặc cà vạt); phụ nữ mặc váy dài hoặc bộ váy áo các màu khác nhau, nếu đi dự đám cưới thì tránh màu đen và trắng, nếu đi đám tang mặc màu đen, chất liệu lụa, len nhẹ, đội mũ. Mặc vào các dịp: đám cưới, xem đua ngựa, các gala mùa hè ngoài trời, đám tang.



Black tie, smoking (trang phục semi-formal): đàn ông mặc đồ smoking đen (tuxedo, dinner jacket) và phụ kiện (sơ mi trắng, nơ đen); phụ nữ mặc váy buổi tối dài (hoặc đến đầu gối) hoặc bộ váy áo vest buổi tối, chất liệu lụa. Mặc vào các dịp: gala, ra mắt phim, kịch, các lễ kỉ niệm long trọng.




Informal (trang phục informal): đàn ông mặc com-lê xanh tím than hoặc màu ghi và cà vạt, buổi tối mặc màu xanh tím than đậm; phụ nữ mặc váy dài đến đầu gối hoặc quần phăng, chất liệu lụa hoặc pha lụa, len nhẹ, ban ngày mặc màu sáng hơn đồ mặc buổi tối. Mặc vào các dịp: ăn trưa, gặp mặt hội họp, khai mạc triển lãm, cocktail, ăn tối, đến nhà hát, đi nghe hòa nhạc.




Business professional (trang phục informal): đàn ông mặc com-lê xanh tím than hoặc màu ghi và cà vạt; phụ nữ mặc váy đến đầu gối hoặc quần phăng, chất liệu lụa hoặc pha lụa, len nhẹ, màu sắc tùy vào dịp – dịp càng quan trọng thì màu càng tối. Mặc vào các dịp: trang phục hàng ngày của chính trị gia, phát biểu trước quần chúng, business luch...



City (trang phục informal): đàn ông mặc com-lê các màu trừ màu đen, xanh tím than và ghi, hoặc áo vest và quần khác màu; phụ nữ mặc váy mang tính chất ban ngày, chất liệu lụa không bóng, pha lụa, vải bông, len nhẹ. Mặc vào các dịp: tiệc vườn, sự kiện thể thao long trọng, dự hội nghị.



Country (trang phục informal): đàn ông mặc áo vest dạ (thường là áo kẻ nâu) cùng các phụ kiện nâu; phụ nữ mặc áo khoác (jacket) thể thao, áo khoác dạ kẻ nâu, váy hoặc quần khác màu, váy dài có tay, chất liệu: len, cotton, dạ, sợi tổng hợp, thun, đi giày thấp gót. Mặc vào các dịp: gặp gỡ không long trọng, đi dạo chơi.





Casual smart (trang phục informal): đàn ông mặc áo vest thể thao và quần không li, phụ nữ mặc áo khoác thể thao và quần jeans, áo tunic và quần bó, hoặc váy có tay mang tính thể thao, chất liệu: len nhẹ, cotton, pha lụa, dạ. Mặc vào các dịp: đi công viên, đi dạo, các cuộc vui chơi mang tính thoải mái.




Casual (trang phục informal): đàn ông mặc áo thun chui đầu, áo phông, áo len, quần jeans hoặc quần không li; phụ nữ mặc áo phông, áo sơ mi, áo len, quần jeans, váy thể thao, váy thun... chất liệu len, cotton, sợi tổng hợp, dạ. Mặc ra đường phố, khi đi nghỉ.


Business casual (trang phục informal): đàn ông mặc sơ mi thể thao, quần jeans hoặc quần không li; phụ nữ mặc áo phông, áo sơ mi, quần jeans, váy thể thao, váy đến đầu gối, chất liệu len, cotton, dạ, sợi tổng hợp. Mặc đi làm hàng ngày nếu trong công ty không có quy định khác.



Thursday, 10 November 2016

Ngày hôm qua (Charles Aznavour)

Lời Việt: Thái Linh
Ngày hôm qua, ngày xanh đã xa,
hương tháng năm thấm qua môi ngọt lành giọt sương mới sa
Tôi nếm cay đắng ngọt bùi tựa trò dại ngốc trẻ thơ
Như ánh nến lay chập chờn khi trêu đùa cùng cơn gió
Ngàn muôn mộng ước tôi mơ,
Ngàn muôn tương lai đã xây,
Như cát đắp những lâu đài vội ­lụi tàn theo gió xoay 
Tôi sống tràn những đêm dài chẳng màng gì tới ngày mai
Bao tháng năm thoáng trôi vèo đời người thoảng như cơn gió.

Ngày hôm qua, ngày xanh đã xa
Bao khúc ca đắm say nào còn đợi chờ được hát lên
Bao thú vui chốn dương trần còn chờ tôi tới tìm quên
bao nỗi đau trên đời mà mù lòa nào tôi chẳng hay!
Tôi chạy tựa như hoang thú, và thời trẻ trai vút nhanh,
Không phút suy ngẫm xem cuộc đời này chân lí chốn nao  
Trong mỗi câu lúc chuyện trò mà ngày nào tôi đã trao
Chỉ thấy có mỗi tôi, tôi, nào còn chi nữa đâu…

Ngày hôm qua vầng trăng ngát xanh
và mỗi ngày mới điên rồ là một trò vui mới toanh
Ôi những năm tháng diệu kỳ nhiệm màu tựa phép thần tiên
Nhưng những hoang phí hão huyền tôi nào đâu hay biết!
Trò vui tình ái tôi chơi, cuồng điên và kiêu hãnh, tôi
nhen mãi những đốm lửa vội tàn lụi tàn trong phút giây
bạn hữu phiêu lãng chân trời tựa bèo dạt theo nước mây
khi hết đêm lúc canh tàn chỉ còn mình­­ tôi nơi đây.
Và bao nhiêu bài ca trong tôi còn chưa cất lên
Tôi nếm đắng cay bùi ngùi giọt lệ nào chưa biết tên
Trả giá cho tháng năm nao xa xưa
cho dĩ vãng xa
cho bao ngày  
xa
đã
xa                 

                                                                                                                                                                                                              


                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                

Monday, 29 August 2016

Porto chưa đến đã say



Một căn nhà tràn ngập ánh sáng, ba bề là những ô cửa sổ lớn màu trắng lộng gió nhìn ra sông Douro. Hoàng hôn rọi những tia nắng sánh vàng khiến rượu vang trong bình pha lê trên bàn rực lên một màu óng ả. Nhìn qua cửa sổ xuống dưới là thấy những đàn cá bơi ven bờ. Rồi đêm dần buông, sông dần long lanh với ngàn vạn ánh đèn từ các du thuyền và từ đôi bờ hắt xuống. Từng đám hải âu chao lượn náo động khắp mặt sông, sà vào sát cửa sổ. Những bầy chim bồ câu vụt bay lên bầu trời đêm xanh thẫm, dịu dàng lấp lánh mấy vì sao...

Những hình ảnh đầu tiên Porto dành cho tôi là như thế. Và tôi biết, chỉ với khoảnh khắc ấy thôi, tôi đã say Porto mất rồi.

Rượu vang trong bình tất nhiên là quốc tửu Bồ Đào Nha. Bên kia sông là Vila Nova de Gaja - thiên đường của những người yêu rượu vang, nơi bất cứ ai đến Porto cũng không thể không đến - với san sát hầm rượu của các hãng nổi tiếng như Taylor's, Sandeman, Graham's, Offley, Kopke, Cruz, Ramos Pinto, Ferreira... và hàng chục hầm rượu nhỏ khác. Tôi đang ở xứ sở của porto, thứ rượu vang ngọt lừng danh thế giới, tinh túy của thung lũng Douro có truyền thống trồng nho từ suốt 2000 năm.

Nhưng điều thú vị là rượu vang porto lại do người Anh tình cờ tạo ra. Vào thế kỷ XVII, bị cắt nguồn rượu vang Pháp vì chiến tranh, họ tìm nguồn các cung cấp rượu vang mới và đã đến Porto. Để rượu vang không bị hỏng khi vận chuyển bằng đường thủy trong nhiều ngày nắng nóng, họ pha thêm rượu mạnh vào. Rượu mạnh ức chế con men và làm ngưng quá trình lên men, giữ lại lượng đường trong rượu. Porto ra đời như thế.

Sau khi được pha thêm rượu mạnh, việc rượu vang được ủ trong hầm bao lâu trước khi đem bán phụ thuộc vào loại rượu. Có rất nhiều loại vang porto khác nhau về màu sắc, hương vị và nồng độ, nhưng tất cả đều là rượu vang cường hóa với nồng độ từ 19-21 độ. Sự khác nhau cơ bản giữa các loại rượu phụ thuộc vào nơi rượu vang già đi: trong thùng gỗ sồi hay trong chai.

Trong số các loại rượu porto được ngâm ủ trong thùng gỗ sồi, Porto Tawny là loại phổ biến nhất, được để trong thùng khoảng 3-5 năm và lọc trước khi đóng chai. Cao hơn một bậc là Tawny Reserve, ủ trong thùng ít nhất 7 năm. Quí nhất là Tawny „có tuổi” với 4 loại: 10, 20, 30 và 40 tuổi. Càng nhiều tuổi, rượu càng giảm bớt hương vị hoa quả, càng lên hương rễ cây và quả khô. Tawny sau khi đóng chai cần được uống ngay, không nên giữ trong hầm rượu gia đình.

Rượu vang có thể được già đi trong chai. Porto Ruby được làm theo cách này. Nho được ngâm trong các thùng sứ hay inox lớn từ 3-6 năm, sau đó được lọc và đóng chai. Porto Ruby thời xưa là thức uống phổ biến nhất ở Anh, với hương vị hoa quả đặc trưng.

Loại rượu porto trẻ nhất là Rosé Porto, được làm tương tự như Porto Ruby, nhưng trước khi nước nho chuyển hẳn sang màu đỏ thì người ta bỏ vỏ nho đi. Loại rượu này có dòng hương anh đào, phúc bồn tử và dâu tây rõ rệt, nhẹ nhàng và tươi mát, nhất là khi được ướp ở nhiệt độ 4 độ C.

Porto trắng, hay Porto Branco được làm từ các loại nho khác với porto đỏ, có màu vàng dịu, vị nhẹ nhàng và mùi hương hoa, với độ ngọt khác nhau từ chát đến rất ngọt. Nhưng cần nhớ porto là loại rượu không bao giờ chát hẳn.

Dòng rượu cao cấp hơn là Late Bottled Vintage (LBV) được làm từ thứ nho đỏ tốt nhất, được đóng chai sau khi nằm trong thùng gỗ từ 4 đến 6 năm. LBV nên dùng ngay sau khi mua, mặc dù một số loại LBV có thể để được lâu trong chai tùy thuộc vào việc rượu được lọc hay chưa. Rượu đã được lọc không có cặn cần uống ngay. Rượu chưa lọc có thể giữ trong chai ở tư thế nằm ngang sao cho nút chai chạm rượu và luôn được giữ ẩm. Loại LBV này có thể giữ được tới 20 năm, nhưng không lâu hơn. LBV có màu hồng ngọc sâu thẫm đặc trưng, mang mùi vị của các loại hoa quả như phúc bồn tử, mâm xôi có dòng hương hạt tiêu và sô cô la. Trước khi dùng nên rót ra bình để chừng 1 tiếng đồng hồ cho dậy hương.

Loại rượu porto sang nhất, cao cấp nhất, lâu năm nhất là Vintage Porto (VP) làm từ những niên vụ nho tốt nhất, là một trong những loại vang ngon nhất thế giới. Được xem là „bộ mặt” của các nhà sản xuất porto, vì thế số lượng rất hạn chế, trung bình khoảng 3-4 năm mới có 1 vụ. Rượu được ngâm ủ trong thùng gỗ sồi chỉ trong vòng 2 năm trước khi đóng chai. Vintage Porto có thể giữ được 20-30, thậm chí trên 60 năm. Rượu càng lâu năm thì càng giảm lượng đường và cồn, thay vào đó, hương thơm và mùi vị càng đậm đà, cao quý. Không nên uống Vintage Porto ngay sau khi mở, rượu càng ít tuổi thì càng cần nhiều thời gian chờ cho lên hương. Rượu non dưới 10 năm cần rót ra bình trước khi uống thậm chí tới 10-12 tiếng. Rượu 25-30 tuổi cần 4-6 tiếng. Rượu trên 60 năm cần 1-2 tiếng. Vintage Porto được khuyên dùng sau khi ăn, trong các ly dung tích tối đa 150 ml, nhỏ hơn ly rượu vang thông thường.

Uống porto với gì? Porto thường được uống khai vị hoặc sau bữa ăn với các món tráng miệng. Đôi khi porto cũng được uống với món chính. Tawny Porto hợp với các loại hoa quả khô hoặc bánh ngọt có vị sô cô la đắng, cà phê hay hạnh nhân. Các loại Tawny có tuổi nhất khi uống với pho mát sẽ rất ngon và có thể giữ được trong tủ lạnh tới vài tháng sau khi mở chai, nhưng tốt nhất chỉ nên để đến 1 tháng. Late Bottled Vintage thường được uống với pho mát, các loại hạt hay sô cô la đen, có thể giữ trong tủ lạnh 2 tuần sau khi mở. Ngược lại, Vintage Porto không nên để lâu, chỉ tối đa là 2-3 ngày sau khi mở, dùng với pho mát, hoa quả khô hay các loại hạt. Porto trắng thường uống khai vị với chanh, tonic và đá, hoặc thay chanh bằng vài lá bạc hà, ngon nhất khi được uống với hạnh nhân, cá hồi hun khói hay mận khô và sau khi được ướp lạnh ở nhiệt độ khoảng 6-10 độ C. Sau khi mở chai có thể cất trong tủ lạnh tới vài tuần. Ruby Porto kết hợp với hoa quả hay bánh ngọt vị hoa quả là tuyệt nhất, hoặc với pho mát non hay nước lê, sau khi hơi ướp lạnh ở nhiệt độ 12-16 độ.

Có thể bạn sẽ thấy „phức tạp quá” khi đọc một mớ thông tin về rượu porto như thế. Nhưng hãy tin tôi, tất cả những „lý thuyết” này sẽ trở nên cực kỳ đơn giản, dễ hiểu khi bạn ở ngay Porto và có thể „thực hành” mọi nơi mọi lúc. Chiều chiều, bên hai bờ sông Douro người ta ngồi la liệt ở các quán xá, trong bóng đổ của những hầm rượu san sát, trên những bờ tường, những bậc thang, vừa ngắm non nước trữ tình và những chiếc du thuyền trôi qua dưới các cây cầu, vừa thưởng thức rượu vang và chuếnh choáng cùng ánh hoàng hôn đang lấp lánh buông nơi mặt nước... Trong không gian ấy, người ta sẽ „ngộ” ra Porto nhẹ nhàng đến không ngờ. Uống xong ly rượu cuối cùng / Bỗng nhiên chợt nhớ đã từng đầu tiên”*.

Porto là chốn đến để mà say. Song Porto không chỉ là nơi để say mĩ tửu, mà còn là nơi người ta thấy khắp nơi men say lâng lâng dâng lên trong mắt những đôi tình nhân. Chưa ở đâu tôi gặp nhiều đôi lứa tay đan tay, môi kề môi như ở đây, gần như trên mỗi bước chân. Tình yêu quả là sáng suốt. Porto là nơi lý tưởng để những người yêu nhau cùng thưởng ngoạn, vì phong cảnh vừa lãng mạn vừa sôi động, vì rượu và đồ ăn ngon, vì người dân thân thiện và giá cả không quá đắt đỏ.

Đến Porto, hãy sống thật chậm, từ từ như khi thưởng thức một ngụm rượu vang, để Porto lan tỏa và ngấm vào các giác quan của bạn như ánh nắng dần tan vào đêm mỗi buổi chiều. Hãy lang thang trên những dốc phố, những ngóc ngách, để thấy Porto hiền hòa không tráng lệ nhưng luôn bất ngờ hiện ra những góc đẹp đến thắt lòng, để thấy có nơi u tối, có nơi tàn tạ mà sao thương thật là thương... Hãy đi dạo và ngắm thành phố từ trên cao không chỉ một lần, mà vào cả lúc ngày lên lẫn khi đêm xuống hay trong bóng chiều nhập nhoạng, cả khi trời nắng lẫn lúc trời mưa hay giữa mê tỉnh cầu vồng. Hãy quẳng hết đi những cuốn sách hướng dẫn du lịch về Porto (tất nhiên trước khi quẳng thì bạn hãy đọc chúng), hãy trò chuyện với bác lái taxi, bà bán rau ở chợ, ông lão bán tạp hóa, anh bồi bàn trong tiệm ăn hay cô chủ nhà trọ...

Hãy đứng trên cầu Luis I đón làn gió mát rượi từ biển thổi vào từng ngõ ngách trong buồng phổi và nhìn ra xa hơn. Phía xa kia. Ở đó là biển lớn, là đại dương. Từ nơi đây, người ta đã ra đi để chinh phục thế giới. Từ nơi đây, nhà nước và bản sắc Bồ Đào Nha hình thành. Từ nơi đây, tôi biết, tôi sẽ không bao giờ quên được Porto.



* thơ Bùi Giáng


Thursday, 18 August 2016

Khúc tình già



Jacques Brel / Gérard Jouannest
Lời Việt: Thái Linh

Hai mươi năm yêu bên nhau ôi điên rồ
Bao phen chia li anh thôi mong chờ
Bao phen em ra đi đôi mi hoen mờ
Ba lô trên vai anh không quay về.

Bao nhiêu thương đau bao cơn bão tố
Trong căn phòng buồn chẳng còn nên thơ
Từng lời nào muộn phiền trên vách in hằn
Anh quên lưu hương, em quên luyến nhớ
Rượu nồng tình hồng chỉ là xa xưa
Mộng lành ngọt ngào ngày nào đã như mơ.

Nhưng dấu yêu ơi,
Em vẫn luôn mãi trong trái tim anh tuyệt vời
Cho dẫu đêm tối hay lúc ban mai rạng ngời
Anh luôn yêu em, người ơi, anh mãi yêu em...

Em luôn soi ra nơi anh muôn chiêu trò
Anh quen nơi em bao nhiêu những yêu bùa
Em ngăn chân anh không sa nơi đen bùn
Anh buông đôi tay mất em bao lần.

Đương nhiên em dăm ba phen đắm đuối
Cùng vài người tình giết thời gian trôi
Đổ đầy ngày dài bằng môi mắt da thịt.
Nhưng can chi đâu, em, sau rốt cuối
Tài tình là người còn hoài đôi mươi
Trẻ dại một đời mặc dòng cứ trôi xuôi.

Nhưng dấu yêu ơi,
Em vẫn luôn mãi trong trái tim anh tuyệt vời
Cho dẫu đêm tối hay lúc ban mai rạng ngời
Anh luôn yêu em, người ơi, anh mãi yêu em...

Trôi xuôi trôi đi tháng năm ôi mỏi mòn
Ta trôi theo nhau tháng năm đau buồn
Nhưng bao uyên ương sống không giận hờn
Ai đâu hay chăng chán chê muôn phần?

Đương nhiên em thôi không mau nước mắt
Và anh chẳng còn sầu muộn vu vơ
Chẳng còn điều gì dễ giấu nhau bây giờ.
Ta thôi ngây thơ, thôi chơi tới bến,
Tình cờ là chuyện ngày một xa xưa,
Chỉ là mình cùng dịu dàng sát thương nhau.

Nhưng dấu yêu ơi,
Em vẫn luôn mãi trong trái tim anh tuyệt vời
Cho dẫu đêm tối hay lúc ban mai rạng ngời
Anh luôn yêu em, người ơi, anh mãi yêu người...






Monday, 15 August 2016

Du lịch thông minh



Xách ba lô lên và đi”, ai mà chẳng thích! Nhưng du lịch một cách thông minh để các trải nghiệm này vừa trở nên quý giá, vừa là những trải nghiệm có ý thức, thì không phải ai cũng để ý. Có người đã đặt ra khái niệm „hậu-du-khách” (post-tourist) để chỉ những người khác với du khách hay phượt thủ thông thường ở chỗ họ có ý thức về sự phụ thuộc lẫn nhau toàn cầu, về quan hệ nhân quả của các hành xử khi là một du khách, ý thức về các quá trình tâm lí, thương mại hay hệ tư tưởng. Xin tạm gọi các „hậu-du-khách” này là những du khách thông minh. Trong thực tế, điều này có thể biểu hiện như thế nào?

Một số điều sau đây có thể khiến bạn du lịch thông minh hơn:


1. Nên lựa chọn kỹ nơi đến du lịch một cách có ý thức. Không nhất thiết phải đến nơi nào khách du lịch không mấy được hoan nghênh, ví dụ như Bhutan hay núi thiêng Uluru ở Úc. Thế giới rộng lớn có bao nhiêu nơi để đi, sao phải chen chân vào chốn không mời làm gì cho khổ?

2. Đừng mang theo quá nhiều đồ. Chọn những thứ quần áo „đa năng”, dễ phối dễ mặc trong mọi hoàn cảnh, chỉ cần 1-2 chiếc thay vì 3-4 bộ khác nhau. Mỗi kg hành lí của bạn sẽ khiến máy bay đốt nhiều nhiên liệu hơn, và do dó xả nhiều khí thải hơn. Máy bay là nguồn thải CO2 tăng tốc nhanh nhất hiện nay. Một chuyến bay khứ hổi Paris - New York thải ra 1 tấn CO2, trong khi đó một cái cây trung bình chỉ hút được 5 kg CO2 trong 1 năm. Để xử lý được 1 tấn khí thải, cần vài chục cái cây trong vài năm.

3. Máy bay đốt nhiên liệu nhiều nhất khi lên và xuống. Bởi vậy nếu có thể, nên chọn những chuyến bay thẳng không transit. Thay vì du lịch vài chuyến ngắn, hãy lên kế hoạch đi một chuyến dài.

4. Ở những nước kém phát triển chính quyền không mấy có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, ví dụ như Việt Nam, Ấn Độ, Tunisie, Ai Cập... rác thải phần lớn sẽ được đổ thẳng ra sông, biển, sa mạc... Đến những nước này, nên sử dụng khăn tắm nhiều lần trong khách sạn, đừng lau xong 1 cái là quẳng ngay xuống sàn để phục vụ phòng phải thay cái khác. Đừng tắm lâu hay xả nước hoang phí. Tiết kiệm điện, hạn chế dùng đèn, máy sấy tóc, điều hòa nhiệt độ nếu không cần thiết lắm.

5. Những chương trình hấp dẫn dành cho khách du lịch rất nhiều khi rất không „vô tội” như bề ngoài. Đừng xem các chương trình biểu diễn múa voi, bởi trước đó những con voi này đã bị tách khỏi mẹ từ rất nhỏ, đánh đập, bỏ đói để dạy làm những trò biểu diễn.

Những con vật dùng để phục vụ du khách thường là những con thú bị ngược đãi: khỉ bị cho dùng ma túy để nhào lộn, rắn bị bẻ răng để du khách cho ăn, cá heo bị nuôi trong các bể nhân tạo cho du khách xem thường bị chết rất nhiều vì khác với điều kiện sống tự nhiên của chúng... Nếu không thế ngắm nhìn động vật tự do trong thiên nhiên (ví dụ ra Đại Tây Dương xem cá heo) thay vì vào xem các bể nuôi cá heo nhân tạo, bạn hãy dùng số tiền đó để đóng góp cho việc bảo vệ chúng.

6. Đừng đi săn thú ở châu Phi. Giấy phép đi săn không được kiểm soát dẫn tới tình trạng trong vòng 20 năm qua, số lượng của các loài động vật ở giới hạn tuyệt chủng đã bị giảm tới 30 %.

7. Để phục vụ du khách, nhiều nghi lễ truyền thống của địa phương đã bị thay đổi, biến dạng. Các lễ hội bị tập trung lại vào mùa du lịch. Các vở múa Kanthakali ở Ấn Độ bị rút ngắn mất 2/3, người Bali phải múa hàng ngày những điệu múa đáng lẽ chỉ diễn ra 60 năm một lần, người Karen ở Thái Lan đánh trống cho khách du lịch nghe mặc dù theo truyền thống, họ chỉ đánh trống trong đám ma...

8. Những chuyến tham quan các khu ổ chuột của các tour du lịch không hề đem lại lợi ích cho người dân ở đó, mà chỉ là sự xâm phạm nhân phẩm và quyền riêng tư của họ. (Mặc dù vậy, hàng năm vẫn có tới 40 nghìn khách du lịch thăm các khu ổ chuột ở Rio, và khoảng 300 nghìn khách du lịch thăm các khu ổ chuột ở cape Town).

9. Đừng tham gia các chương trình nửa du lịch nửa làm thiện nguyện, ví dụ kiểu „trò chơi tình nguyện viên” trong vài ngày giúp các em bé mồ côi ở Nepal hay Campuchia. Số trẻ em mồ côi ở các nước này tăng đột biến, nhưng không phải trên thực tế, mà chỉ là để cung cấp cho các địa điểm „du lịch thiện nguyện”. Các trẻ em này trở thành nguồn thu nhập của các tổ chức du lịch. Du khách vừa bị làm tiền, vừa gián tiếp tiếp tay cho tệ nạn, vừa tưởng rằng mình „là người tốt” để ru ngủ lương tâm.

(Viết trước một chuyến đi dài (thay cho vài chuyến đi ngắn), cũng là để tự nhắc mình :-) Nhiều thông tin được lấy từ bài „7 tội lỗi của du khách” của Zuzana Kisielewska, tạp chí Focus số tháng 8/2016).

Sunday, 7 August 2016

Hài kịch (Wisława Szymborska)


Thái Linh dịch


Tình yêu của chúng mình sẽ qua đi trước tiên,
một trăm năm, hai trăm năm trôi qua nữa,
rồi ta sẽ lại chung đôi:

Cô đào và anh kép hài
mà công chúng yêu thích,
sẽ vào vai chúng ta trong vở kịch.

Một vở hài kịch xinh xinh
với dăm ba vần điệu,
chút múa may, và thật lắm tiếng cười,
lột tả sát sao bao tình huống cuộc đời.
Và những tràng vỗ tay.

Anh sẽ nực cười thay
trên sân khấu, với nỗi ghen tuông ấy
và cái cà vạt kia.

Cái đầu em sẽ quay đi,
trái tim em và vương miện,
tim ngu ngốc nát tan rên xiết
còn vương miện thì đang rơi.

Ta sẽ hẹn hò nhau người ơi,
sẽ chia ly, để khán phòng cười cợt,
mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng vượt,
mình sẽ đinh ninh như thế với nhau.

Và dường như cay đắng khổ đau
đối với chúng ta còn quá ít -
mình lao vào nhau qua nẻo ngôn từ.

Rồi ta cúi chào lịch sự
kết thúc vở kịch vui.
Khán giả về nhà đi ngủ
sau khi chảy nước mắt vì cười.

Họ sẽ sống thật tuyệt vời,
họ sẽ dạy thuần tình ái,
dưới tay họ cọp beo cũng ngoan ngoãn vâng lời.

Còn chúng ta muôn kiếp cứ thế thôi,
đầu đội mũ gắn chuông lục lạc,
mình sẽ lắng nghe tiếng chuông lúc lắc
một cách dã man.

***
Nguyên tác:

                    Buffo
      Najpierw minie nasza miłość,
      potem sto i dwieście lat,
      potem znów będziemy razem:
      komediantka i komediant,

      ulubieńcy publiczności,
      odegrają nas w teatrze.

      Mała farsa z kupletami,
      trochę słońca, dużo śmiechu,
      trafny rys obyczajowy
      I oklaski.

      Będziesz śmieszny nieodparcie
      na tej scenie, z tą zazdrością,
      w tym krawacie.

      Moja głowa zawrócona,
      moje serce i korona,
      głupie serce pękające
      i korona spadająca.

      Będziemy się spotykali,
      rozstawali, śmiech na sali,
      siedem rzek, siedem gór
      między sobą obmyślali.

      I jakby nam było mało
      Rzeczywistych klęsk i cierpień
      - dobijemy się słowami.

      A potem się pokłonimy
      i to będzie farsy kres.
      Spektatorzy pójdą spać
      ubawiwszy się do łez.

      Oni będą ślicznie żyli,
      oni miłość obłaskawią,
      tygrys będzie jadł z ich ręki.

      A my wiecznie jacyś tacy,
      a my w czapkach z dzwoneczkami,
      w ich dzwonienie barbarzyńsko
      zasłuchani.

Wednesday, 27 July 2016

Hoa sen (Rabindranath Tagore)



(Thái Linh dịch tặng Phan Thị Hà Dương)


Ngày ấy khi hoa sen nở, chao ôi, lòng tôi còn đang lơ đãng
mà tôi chẳng hay. Lẵng của tôi trống không và hoa kia tôi chưa màng.

Chỉ giờ đây, một lần nữa khi nỗi sầu vây bủa, tôi sực tỉnh giấc mộng riêng mang,
nghe mùi hương lạ mong manh trong gió phương Nam nhẹ thoảng.

Hương dịu ngọt mơ màng khiến tim tôi nhói lên niềm khát khao,
dường như hơi thở mùa Hạ nồng nàn đang mong tìm viên mãn.

Tôi đâu ngờ hoa sen đã ở thật gần, hoa sen là của tôi,
Hoa ngọt ngào tuyệt diệu chính từ sâu thẳm tim tôi bừng nở.


http://www.poemhunter.com/poem/lotus/

Monday, 4 July 2016

Nhớ về xứ sở những bức tranh



Tôi đặt vé đi Amsterdam trong một phút nhớ Vincent điên cuồng, khi trong lòng không có mong muốn nào mãnh liệt hơn là được chìm đắm vào không gian của ông, được mặt đối mặt với những nét cọ hằn in nội tâm ông. Từ sân bay, tôi ghé qua khách sạn cất va li, thay chiếc váy màu vàng tôi đặc biệt dành riêng cho cuộc hội ngộ này, và đi thẳng tới bảo tàng Van Gogh.

Chiều tháng Năm nắng dịu trong tiết cuối xuân đầu hè mát mẻ. Tôi có thể lặp đi lặp lại một nghìn lần: tháng Năm là tháng đẹp nhất ở châu Âu! Thiên nhiên vừa bừng tỉnh đang say sưa pha màu điểm sắc trong những khu rừng, vườn hoa, công viên, giữa những bình nguyên, sườn đồi, hẻm núi, cả trên những chậu hoa nơi bao lơn, cột đèn, thành cầu, hè phố... Những màu sắc hào phóng, tinh khôi, tươi trẻ. Thiên nhiên mà Vincent từng yêu đến thế. Với ông, „nghệ thuật là con người cộng thêm thiên nhiên”. Ông viết cho em trai Théo: „Em hãy gắng khám phá cái đẹp ở bất cứ nơi nào có thể; phần lớn mọi người không nhìn thấy cái đẹp (…), em hãy dạo chơi thường xuyên và hãy yêu thiên nhiên – chỉ có bằng cách ấy mới có thể học được điều gì đó và hiểu được nghệ thuật tốt hơn. Các họa sĩ hiểu và yêu thiên nhiên và vì thế họ dạy cho chúng ta cách nhìn ngắm thiên nhiên như thế nào”. Vincent thường xuyên đi dạo nhiều giờ liền giữa thiên nhiên, say sưa ngắm nhìn từng cánh bướm, từng chiếc lá, từng con côn trùng. Tôi chợt nhớ Bùi Giáng. Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi / Trần gian ơi cánh bướm cánh chuồn chuồn / Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại / Con côn trùng sâu bọ cũng yêu luôn... Vincent và Bùi Giáng, hai kẻ rong chơi hoang dại, đều điên rồ lừng lẫyi đi qua cuộc đời này, đều yêu trần gian đến từng tế bào xương tủy, đều ngang tàng tự do đến bất cần, phá vỡ mọi quy ước, luật lệ, xóa nhòa mọi đường biên quen thuộc, đều có sức sáng tạo bão lốc phi thường, đều cô đơn và chẳng hiếm lần tuyệt vọng, nhưng trên hết đều yêu tha nhân đến xót xa. Cả hai đều đã trở thành những huyền thoại...

Gặp gỡ với một huyền thoại, điều này mới thật khó khăn làm sao. Tôi luôn tự hỏi mình: trong cuộc hội ngộ của tôi với Vincent, bao nhiêu phần sẽ bị màn sương mù của huyền thoại che phủ? Trong ánh mắt tôi nhìn những bức tranh của ông, có bao nhiêu phần là cách nhìn mà truyền thông, xã hội, văn hóa... đã định hướng và áp đặt cho tôi? Làm sao tôi có thể „trò chuyện” với ông hồn nhiên như với một người bạn? Làm sao tôi không cảm thấy lo lắng và e ngại trước cuộc gặp gỡ với một nhân vật khổng lồ đến thế? Những bản sao tranh ông tràn ngập khắp nơi, trong các căn hộ, khách sạn, quán xá, các thư viện, hiệu sách, quầy lưu niệm, thậm chí cả trong các cửa hàng thời trang hay trên những chuyến bay... Liệu tôi có tìm được gì nữa cho riêng mình khi đến gặp ông ở một nơi chẳng còn mấy riêng tư? Chỉ riêng năm 2015 đã có tới gần hai triệu người đến thăm bảo tàng Van Gogh.

Nhưng những hoài nghi ấy hoàn toàn tan biến khi tôi đứng trước bức tranh Cây hạnh nở hoa mà tôi hằng yêu thích trên tầng cao nhất của bảo tàng. Màu xanh dịu của bản gốc là thứ màu sắc tôi chưa từng thấy trong đời. Nó mềm mại và trong trẻo như một ban mai mùa xuân tinh khiết. Mát rượi mịn màng như manh lụa nhẹ vờn trong gió thoảng. Tinh khôi như chưa hề trôi qua hơn một trăm năm. Chỉ còn tôi và bức tranh. Hiện thực như đang tan ra trong một thứ dưỡng chất trần gian tinh túy nhất. Có hề chi những xôn xao của từng đoàn khách du lịch xung quanh. Có hề chi cả chặng đường tôi đã đi qua để tới đây. Giây phút ấy tôi thấy mình là người hạnh phúc nhất trần gian, bởi tôi đã nhìn được thật sâu vào đôi mắt Vincent và tìm thấy ở đó những tia sáng dịu dàng, ấm áp và không ngừng trong trẻo. Cây hạnh nở hoa là một trong những bức tranh riêng tư nhất của ông. Nó chính là bức chân dung tự họa thầm kín và vô cùng chân thực.

Một bức họa rất riêng tư khác, nhưng hoàn toàn khác hẳn, là bức Tĩnh vật với cuốn Thánh kinh mở ông vẽ vài năm trước, sau cái chết của cha mình. Cuộc xung đột triền miên giữa hai cha con đã kết thúc bằng họa phẩm tuyệt đẹp này. Quyển Thánh kinh của người cha, bệ vệ, nặng nề, mở rộng ở chương 53 của Isaie. Bên cạnh là chiếc chân nến với ngọn nến đã tàn, thường là biểu tượng của memento mori, của cái chết, trong hội họa thời xưa. Trước quyển Thánh kinh đồ sộ là một cuốn sách nhỏ bé: „Niềm vui sống” của Emile Zola, tác giả Vincent yêu thích, người có cùng quan điểm với ông khi cho rằng „nghệ thuật là một góc thiên nhiên được nhìn qua tâm tình con người”. Cuốn sách của Zola sờn rách cho thấy nó được đọc thường xuyên. Sự sắp xếp màu sắc và chủ đề của bức tranh là sự tương phản giữa hai thế giới xưa cũ và đương đại, giữa tôn giáo và niềm vui cuộc sống, với chiến thắng tối hậu thuộc về màu vàng chanh trên bìa cuốn sách của Zola, màu vàng hẳn đã làm Théo choáng váng, „như một tiếng thét, một vệt sáng hay tiếng kèn trompet đang chế ngự cả một dàn nhạc khổng lồ. Từ đây màu vàng, màu của niềm vui sống, sẽ lớn dần trong hội họa Vincent.”ii

Tôi gặp lại màu vàng Vincent trong bức chân dung tự họa đẹp nhất của ông ở bảo tàng Van Gogh, vẽ năm 1888 vào những ngày cuối cùng của ông ở Paris. Ông đứng trước giá vẽ, „mái tóc như đồng lúa chín vàng với những bông anh túc đỏ, trán, má và tay lấm lem. Chiếc áo màu lam điểm những vệt vàng sinh động (...) gợi nhớ bầu trời Van Gogh đầy sao. Giá vẽ màu vàng, bảng pha màu màu vàng và những cây cọ màu vàng không chỉ tiệp với màu râu ria lởm chởm và tương phản với màu xanh lam của chiếc áo choàng, màu nền xám nhạt và đôi tay màu đất, mà chúng còn báo trước sự khải hoàn của „nốt màu vàng cao vút”, như chính lời ông, nốt màu mà ông sẽ đạt tới vào mùa hè năm đó trên những tấm toan tuyệt nhất từ Arles.”iii Nốt màu vàng cao vút ấy, hôm nay tôi mang trên mình để đến gặp ông, bởi tôi muốn cuộc hội ngộ này phải tràn đầy niềm vui sống. Vui sống, đó cũng là điều tôi thầm hứa với Vincent, với chính mình, là món quà không bao giờ tôi từ chối dành tặng cho riêng mình và những người tôi thương yêu.

Với tôi, chuyến thăm Amsterdam lần này trước hết là hành trình theo dấu Vincent. Tôi đến Rijskmuseum để ngắm Các viên chứcCô dâu Do Thái của Rembrant mà Vincent đã ngồi nhìn ngắm hàng giờ khi bảo tàng này mới mở cửa. Ông viết cho Théo: „Bức Các viên chức là tác phẩm tuyệt vời và hoàn hảo nhất của Rembrant; nhưng bức Cô dâu Do Thái thật độc đáo, được vẽ bằng bàn tay rực lửa. Em thấy đấy, Rembrant trong Các công chức trung thành với tạo hóa, mặc dù ở đó, như mọi khi, ông trở nên thanh cao hơn, thanh cao đầy sâu sắc, và thăng hoa bất ngờ. Nhưng Rembrant còn có tài năng khác, khi ông không phải giữ đúng chính xác nguyên bản như các bức chân dung đòi hỏi, khi ông có thể chuyển động trong không gian của thi ca, trở thành thi sĩ, tức là trở thành kẻ sáng tạo. Điều này được thấy rõ trong Cô dâu Do Thái. Delacroix sẽ hiểu bức tranh này thế nào nhỉ? Một cảm xúc thanh cao làm sao, một cõi thâm sâu không hề hữu ý! Phải sống đi chết lại nhiều lần để có thể vẽ được như thế – đó là những lời thích hợp cho bức tranh này.”

Nghệ thuật vẽ chân dung với Rembrant là đỉnh cao chiếm một vị trí quan trọng trong hội họa Hà Lan thế kỷ XVII, nền hội họa mà Gombrich gọi là „chiếc gương soi của tạo hóa”. Song đó không phải là một tấm gương chính xác mà vô hồn. Phản chiếu con người hay phong cảnh thiên nhiên luôn là phản chiếu tâm hồn của người nghệ sĩ, những ý thích, niềm vui hay tâm trạng anh ta. Chính điều này khiến cho vẽ tĩnh vật - lĩnh vực đặc sắc nhất của hội họa Hà Lan – trở nên vô cùng thú vị. Các họa sĩ Hà Lan đã cho thấy chủ đề của bức tranh chẳng mấy quan trọng, các bức tĩnh vật trở thành nơi tuyệt vời để họ thử nghiệm các giải pháp khác nhau cho những vấn đề trong hội họa, ví dụ như cách thủy tinh màu phản chiếu và khúc xạ ánh sáng, sự tương phản và ảnh hưởng lẫn nhau của màu sắc và chất liệu...

„Tương tự như có thứ âm nhạc vĩ đại không lời, tồn tại một thứ hội họa vĩ đại với chủ đề rất khiêm tốn. Những họa sĩ Hà Lan cả đời chuyên vẽ đi vẽ lại những mô típ quen thuộc rốt cuộc đã chứng minh rằng bản thân chủ đề chỉ có ý nghĩa thứ yếu.”iv

Chủ đề chỉ là thứ yếu, bậc thầy kiệt xuất nhất trong việc chứng minh điều này là Vermeer. Tranh của ông chính là các bức tĩnh vật với người, mà nổi tiếng nhất là bức
Cô gái rót sữa. E.H. Gombrich viết: „Khó lý giải được vì sao một bức tranh rất đơn giản không cầu kỳ như thế lại là kiệt tác xuất sắc nhất mọi thời đại. Phần lớn những người có may mắn được xem bản gốc đều đồng ý với tôi rằng trong nó có một cái gì như thể phép màu. Có thể miêu tả một trong những yếu tố của phép màu ấy, nhưng không thể lý giải được nó. Đó là cách Vermeer đạt được một cách chuẩn xác khi diễn tả màu sắc, chất liệu và hình dạng, nhưng đồng thời bức tranh lại không khô khan và mệt mỏi. Như một nhiếp ảnh gia làm dịu đi sự tương phản mạnh mẽ mà không cần làm nhòe hình khối, Vermeer làm mềm các đường nét mà vẫn giữ được cảm giác vững chãi. Chính sự kết hợp kỳ lạ, độc đáo giữa cái mềm mại và sự sắc nét khiến cho các bức tranh đẹp nhất của người nghệ sĩ ấy trở thành không thể nào quên. Chúng cho phép ta thấu suốt cái đẹp bình yên của một cảnh trí đơn giản và tưởng tượng người nghệ sĩ đã cảm thấy điều gì khi quan sát làn ánh sáng rọi qua cửa số và làm sống động màu sắc tấm vải.”

Tôi đã là người may mắn được ngắm nhìn tận mắt phép màu ấy, điều không một bản sao nào có thể đem lại cho dù kỹ thuật cao đến đâu. Bản gốc Cô gái rót sữa nhỏ hơn tôi vẫn hình dung. Một khoảnh vuông be bé giữa Rijskmuseum mênh mông mà như khiến cả thế giới trở nên bất động. Trong bức tranh này, mọi thứ đều đứng yên, chỉ có dòng sữa nhỏ xíu mong manh chảy ra từ chiếc bình là chuyển động. Nó đã chảy như thế gần bốn trăm năm. Thời gian không còn ý nghĩa gì nữa. Ánh sáng hắt vào khiến nó sáng lên, hơi lấp lánh tinh nghịch, như ánh mắt của Szymborska khi bà viết thi phẩm Vermeer:

Chừng nào cô gái ấy, ở Rijksmuseum
trong tĩnh lặng và chăm chú
ngày qua ngày vẫn rót sữa
từ bình ra âu,
thì thế giới còn chưa xứng đáng đâu
với ngày tận thế.

Phải, chưa thể tận thế khi dòng sữa ấy vẫn chảy. Chưa thể tận thế khi người ta vẫn còn có thể đắm chìm giữa bao nhiêu bức họa kiệt tác trong Rijskmuseum. Tôi nhớ Vincent đã viết cho em trai: „Khi anh ở trong một môi trường khác, giữa những bức tranh và các tác phẩm nghệ thuật, anh đã bất ngờ yêu ngay môi trường ấy và như em biết, yêu tới mức nhiệt thành. Anh không hối tiếc về điều đó, và hôm nay, khi đang ở xa, anh cảm thấy nhớ về xứ sở những bức tranh.”

Và hôm nay, khi đang ở xa, tôi cũng đang nhớ về xứ sở những bức tranh. Để giữ trong tâm hồn một dòng sữa mát. Để ngân lên nốt màu vàng cao vút giữa thế giới bề bộn xung quanh.

(7.2016)

***

iChữ của Bùi Giáng
iiDavid Haziot
iiiWojciech Karpiński

ivE.H. Gombrich

Monday, 11 April 2016

Kỷ nguyên của dối trá (chúng ta bị thao túng như thế nào)



Phỏng vấn nhà xã hội học nổi tiếng, giáo sư Zygmunt Bauman do Jacek Żakowski - phóng viên tạp chí Polityka thực hiện tháng 12.2004.
Trích từ tập Hành trang cần thiết của người trí thức”. Thái Linh dịch.
Jacek Żakowski: - Ông không thể tưởng tượng được tôi đã vui mừng thế nào khi ông nói về „niềm đam mê lột trần những dối trá bao che trách nhiệm về những bất hạnh của con người...” trong cuộc trò chuyện với Keith Tester. Nhưng Tester đã không khai triển mạch này. Và tôi vẫn không biết những dối trá ấy là gì. Giờ ta hãy thử vạch trần chúng một cách triệt để.
Zygmunt Bauman: - Triệt để? Anh định triệt để vạch trần và đưa đám sự dối trá?
Tôi rất muốn ông ít nhất cũng hạ gục vài sự dối trá lớn.
Thế thì anh đã ở thế yếu rồi. Cuộc chiến với dối trá là bất khả chiến thắng. Dối trá tự bản chất là vĩnh cửu và có ở khắp nơi. Georges Duhamel đã rất thông thái khi nói rằng: „Giả dối là nguyên tắc, sự thật là ngoại lệ”.
Ông cũng cho rằng như vậy?
Điều này có thể dễ dàng chứng minh một cách lô gích. Cho mỗi câu hỏi chỉ có một câu trả lời đúng. Thế nhưng các câu trả lời dối trá thì có cả đống.
Vậy vì sao „niềm đam mê lột trần dối trá” lại dẫn lối cho một trong những nhà xã hội học đương đại vĩ đại nhất?
Hẳn là anh muốn nói đến những dối trá chính trị?
Nếu như chúng thường bao che „bất hạnh của con người” nhất.
Điều này không mấy thú vị. Dối trá chính trị sớm muộn gì cũng trở nên rõ ràng đối với tất cả mọi người. Chẳng ai ngạc nhiên khi nghe thấy rằng Blair nói dối về vũ khí khủng khiếp của Hunsein, hoặc rằng Đức đã nói dối về cuộc tấn công của Ba Lan vào đài phát thanh ở Gliwice. Ở đây chẳng cần đến triết học lẫn xã hội học. Những thứ ấy chỉ làm tôi mất thời gian. Tôi quan tâm đến những lò xo ẩn quyết định số phận của những con người bình thường – như anh và tôi.
Ông tin là có „những lò xo ẩn của số phận”?
Có những quá trình vĩ đại mà chúng ta tiếp nhận như những đòn đánh hay bản án của số phận, mặc dù về bản chất chúng là hậu quả hành động có ý thức ít hay nhiều của ai đó. Có những sự kiện có vẻ như bất ngờ hay bất khả kháng, nhưng lại xuât phát từ chuỗi quyết định của con người, từ hệ thống các mối liên kết mà chúng ta có thể có ảnh hưởng nếu biết tự ý thức.
Những âm mưu lớn nào đó?
Những tham vọng thầm kín thì đúng hơn, chúng vẫn luôn hiên hữu nhưng ngày nay chúng đặc biệt phức tạp và khó tránh khỏi bởi có tồn tại sự phụ thuộc lẫn nhau hiển nhiên của các vận mệnh toàn cầu. Chuyện một tia sét từ trời quang đánh trúng đầu người công nhân đang làm việc trong nhà máy ở Leeds hay ở Warszawa có thể là hậu quả của điều gì đó xảy ra ở Singapore hay New York. Người công nhân chẳng biết gì về điều ấy và cũng chẳng có chút ảnh hưởng nào đối với nó. Hơn nữa – thậm chí Gordon Brown (bộ trưởng tài chính Anh), tổng thống Pháp, thủ tướng Đức hay thủ tướng Ba Lan cũng chẳng có ảnh hưởng gì.
Điều này chưa có gì chung lắm với sự dối trá.
Nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau toàn cầu khiến nguyên nhân của vị thế chúng ta thoát khỏi các quan sát của con người. Điều này mở ra một không gian chưa từng thấy trong lịch sử cho những sự dối trá và thao túng vĩ đại. Trước kia không có ngần ấy chỗ cho dối trá, bởi vì các mối nguy hiểm và cách bảo vệ trước chúng được hình thành trong mối liên hệ hiển nhiên. Nếu có bệnh dịch thì cần phải đóng cửa không cho người lạ vào. Nếu có lũ lụt thì phải leo lên ngọn đồi khô ráo. Ngày nay chúng ta không hiểu được mối liên hệ giữa các hiểm nguy và hành động của chúng ta. Ta được biết về chúng từ những người thông thái viết trên báo chí. Ô nhiễm không khí, hành tinh nóng lên, lỗ thủng tầng ô zôn, nguồn gốc của tình hình kinh tế, nguyên nhân khủng bố, lý do thất nghiệp – đó không phải là những hiện tượng có thể nắm bắt được bằng các giác quan tự nhiên. Các chuyên gia nói cho chúng ta nghe về chúng. Nếu các chuyên gia không nói, chúng ta không biết mình đang đứng trước nguy hiểm. Hơn thế nữa – vì chúng ta phải dựa vào ý kiến của các chuyên gia để đánh giá tình hình và một người bình thường không có cách gì kiểm soát họ, người ta có thể nói dối chúng ta thoải mái. Các chuyên gia có thể nói với chúng ta rằng khí nhà kính không có hại, rằng thuyết đơn phương tốt hơn việc xây dựng cộng đồng quốc tế, rằng đó là con đường đúng đắn duy nhất đưa đến phát triển, rằng sô cô la hay rượu kéo dài tuổi thọ hoặc ngược lại.
Và theo ông là không có cách gì xác minh điều đó.
Không có! Thực tế ai cũng có thể ngang nhiên nói dối chúng ta. Trước kia ai cũng rõ là các chính trị gia nói dối, bởi thế người ta tìm sự thật ở các chuyên gia, những người có thẩm quyền, các trí thức, những nhà thông thái. Ngày nay các chuyên gia, trí thức, những nhà thông thái nói dối cũng ngang nhiên và nhẹ nhàng như các chính trị gia mỗi lúc một nhiều hơn. Bởi vậy khi chúng ta nghe thấy theo các nghiên cứu gần nhất một thứ men nào đấy có trong thức ăn kéo dài hoặc rút ngắn tuổi thọ, thì mọi người lập tức hỏi ngay: „Ai tài trợ cho nghiên cứu này?”. Ngày càng phổ biến ý kiến cho rằng nếu nghiên cứu được tập đoàn sản xuất thuốc lá đặt hàng thì kết quả sẽ là thuốc lá tốt cho sức khỏe. Chắc hẳn chẳng còn luận điểm nào vô lý đến mức không thể đánh đổ nó bằng kết quả các nghiên cứu tiến hành trong các trung tâm được công nhận.
Nhưng có thể đánh đổ nó bằng các nghiên cứu khác.
Chính thế! Có thể đánh đổ hoặc chứng minh luận điểm đúng đắn nhất hay ngu ngốc nhất dễ dàng như nhau! Và chúng ta được gì? Khi tra từ khóa „sự dối trá” ở Google tiếng Ba Lan, tôi tìm thấy trong vòng hai phần mười giây hơn 10400 tài liệu. Con người có thể làm gì với điều này? Còn với từ khóa „sự an toàn” gần đây tôi nhận được địa chỉ tới 17 triệu tài liệu. Tôi có nhờ vậy mà thông thái hơn không? Paul Virilio viết về „quả bom thông tin” mà theo ông còn nguy hiểm đối với sự tồn tại của loài người hơn cả bom nguyên tử, bởi nó ngăn cản việc hiểu được những gì đang xảy ra.
Và việc đưa ra những quyết định hợp lý.
Việc phán đoán đã trở nên bất khả rồi, nói gì đến quyết định hợp lý!
Do đó ngày nay sự dối trá căn bản đầu tiên là luận điểm rằng chúng ta có thể phân biệt dối trá và sự thật?
Chúng ta không biết phân biệt và ngày càng không biết. Đó là siêu dối trá của tư duy duy lý đương đại, vô sở bất tại và đang ngày một hùng mạnh. Chúng ta biết phân biệt dối trá và sự thật ư?
Nhưng đó chưa phải là một trong những điều dối trá vĩ đại đương thời „bao che trách nhiệm về bất hạnh của con người.”
Đó là điều dối trá mở ra khả năng gói ghém giả dối tránh nhiệm vào bất cứ cái hộp nào.
Ví dụ?
Ví dụ sự an toàn.
Nghĩa là?
Ở đây có lẽ tôi đã tháo dỡ ra được điều gì đó, nhưng tôi đề nghị kiên nhẫn một chút. Anh có nhớ lý thuyết của Bahtin nói rằng bản chất của quyền lực là dựa trên nỗi sợ không? Trước hết là nỗi sợ vũ trụ mà hầu như mỗi người đều cảm thấy từ thủa lọt lòng. Mỗi khi nghĩ đến vũ trụ, nhìn những cơn sóng lớn, những vực sâu, những ngọn núi ngất trời, chúng ta cảm thấy sự nhỏ bé, mong manh, bất lực của mình. Đó là nỗi sợ tự nhiên mà từ đó tôn giáo, văn hóa, triết học lấy được sức mạnh. Nỗi sợ thứ hai là nỗi sợ chính quyền. Sức mạnh của quyền lực chính trị dựa vào đó. Nỗi sợ chính quyền có thể được tạo ra. Để đạt đến sức mạnh của nỗi sợ vũ trụ, quyền lực chính trị phải được cắt đo theo cỡ quyền lực của Thượng đế. Nó phải có quyền năng rộng khắp, vô sở bất tại và bất khả thấu. Đó phải là quyền lực tầm cỡ của cả Kinh Thánh và Sách Job gộp lại. Bởi Job rốt cuộc đã cảm nhận được, điều đó có nghĩa là Thượng đế không chỉ tạo ra, mà còn thay đổi luật lệ theo ý mình, vì vậy không có sự tuân phục luật lệ Thượng đế nào bảo đảm an toàn cho chúng ta trên trần thế. Leszek Kołakowski đã đào sâu vấn đề này thật tuyệt vời. Và trước đó Carl Schmidt đã viết: „quyền lực thực sự tự chủ phụ thuộc vào sức mạnh thực hiện các ngoại lệ”. Sư phụ trong lãnh vực này là Stalin, người đã khủng bố được toàn thể xã hội, tới mức thậm chí những người phục tùng nhất cũng không chắc chắn được về ngày mai, bởi vậy họ biết ơn hắn chỉ bởi hắn không tống họ vào nhóm những kẻ nổi loạn. „Stalin yêu dấu chăm lo cho người lương thiện – Người đã không đày tôi đi Siberia”.
Nhưng cái đó liên quan như thế nào đến thế giới ngày nay?
Vâng, mỗi chính quyền, bao gồm cả chính quyền ngày nay, để thực hiện vai trò của mình, cần tính chính danh gieo rắc trên nỗi sợ. Đó không thể là nỗi sợ vũ trụ như trong thời ai Cập cổ đại – bởi chính quyền của chúng ta là thế tục. Nhất thiết cần có nỗi sợ chính quyền. Chính quyền đứng trước công dân phải có thể nói với anh ta: „Chính chúng tôi bảo vệ anh trước các hiểm nguy đang rình rập. Chỉ có việc tuân phục các luật lệ do chính quyền đặt ra cho cộng đồng chúng ta mới khiến anh được an toàn!” Nhưng chính quyền ấy ngày nay phải bảo vệ chúng ta trước điều gì? Trước kia các hiểm nguy của thế giới rất hiện thực. Các hiểm nguy là thiên tai, súc vật, kẻ lạ. Chính quyền phải bảo vệ nhân dân trước những điều này. Sau đó là các chu trình kinh thế, khủng hoảng, thất nghiệp. Từ thời Bismarck nhà nước nhận phần bảo vệ trước những hiểm nguy khác nữa, sau thế chiến II nó mang hình thức nhà nước xã hội đảm bảo cho mọi người điều kiện sống tối thiểu và bảo hiểm cho cá nhân trong các trường hợp bất hạnh – ốm đau, thất nghiệp, tàn tật, nghèo đói và tuổi già. Các nhà nước của thế kỷ hai mươi theo một nghĩa chính trị nào đó là các hợp đồng bảo hiểm. Mô hình này đang kết thúc. Nhà nước đương đại đã không còn biết bảo hiểm cho các công dân của mình trước các bất hạnh cá nhân. Không có cả nguồn lực lẫn ý muốn làm điều đó. Nó đẩy trách nhiệm này cho các lực thị trường và sự khôn ngoan của cá nhân. Ai không xoay xở được sẽ trở thành „người bỏ đi”. Thế giới đương đại là thế giới của „bản kiểm kê thiếu”. Thứ gì không sử dụng được hoặc đã bị chán sẽ bị vứt bỏ. Trước tiên những thứ bị vất vào sọt rác mỗi lúc một nhiều hơn. Giờ đây cả con người, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các châu lục cũng bị vứt vào sọt rác. Châu Phi trở thành „rác thải của toàn cầu hóa”. Khi ngọn gió chính trị hay kinh tế thay đổi, gần như mỗi người chúng ta đều có thể ngày một ngày hai trở thành rác. Và càng lúc càng khó tin được việc ai đó bảo vệ chúng ta trước điều đó. Nhất là nhà nước. Rủi ro cuộc sống đã bị tư nhân hóa và cá thể hóa.
Nhưng sự dối trá nằm ở đâu?
Tôi đang tiến đến nó, nhưng ở đây bắt đầu có các bậc thang. Bởi chính quyền, để có tính chính danh, để biện minh cho đòi hỏi phục tùng, phải là lá chắn duy nhất trước các nguy hiểm đe dọa công dân và là người dẫn đường đến thế giới an toàn. Chính quyền đương đại, vẫn mang tính địa phương như thời xưa, nhưng hoạt động trong thế giới toàn cầu hóa, đã không thể và không muốn bảo vệ chúng ta trước những đỏng đảnh của thị trường, trước số phận bất hạnh, trước rủi ro bệnh tật. Có sự cám dỗ - và do đó tồn tại khả năng - chuyển chức năng bảo vệ trước nỗi sợ mà nhân danh nó chính quyền đòi hỏi chúng ta phục tùng từ phạm vi này sang phạm vi khác.
Sang phạm vi nào?
Ở đây tôi có chút khó khăn về ngôn ngữ. Để chỉ việc không có các nguy cơ trong tiếng Ba Lan chỉ có một từ - an toàn. Tiếng Anh có hai từ: security và safety. Security liên quan đến các mối liên hệ xã hội – thứ ở Ba Lan gọi là an toàn xã hội – như thu nhập ổn định, thoát nghèo, có nhà ở, hy vọng vào tuổi già yên ổn. Còn safety liên quan chủ yếu đến sự bảo toàn cơ thể – sự chắc chắn là tôi không bị ai đầu độc bằng thức ăn hay nước uống, không bị ai trộm hay cướp, không bị ai bắn, không bị ai bắt cóc mất con, không bị đặt bom... Chính quyền đương đại ngày càng hướng sự chú ý của nhân dân theo hướng này nhiều hơn. Không thể hứa hẹn cho nhân dân security và một xã hội nơi họ có thể cảm thấy secure, chính quyền càng ngày càng nói nhiều hơn về các hiểm họa safety. Họ muốn lấy được lòng biết ơn của chúng ta, khi không có bom nổ, khi ta không bị bọn côn đồ đánh, hay khi ăn mày bị quét sạch khỏi đường phố. Báo động vàng. Báo động da cam. Báo động đỏ. Phù, thành công rồi, cuộc tấn công đã bị vô hiệu hóa! Càng ít security, càng nhiều hưng phấn và ồn ào quanh safety. Có thể bằng cách này làm nhân dân nhầm lẫn, mất cảnh giác, hướng sự chú ý của chúng ta khỏi những bê bối và bất lực của chính quyền.
Điều này có thể được khẳng định trong các so sánh quốc tế. Cuộc chiến với khủng bố nóng bỏng nhất ở những nơi nhà nước ít quan tâm nhất đến phạm vi security hoặc từ bỏ chúng một cách đột ngột nhất – Mỹ, Anh, Ba Lan. Những nước không có gì đặc biệt xảy ra với security thì cuộc chiến này có vẻ nhẹ nhàng hơn.
Nhưng điều này không chỉ liên quan đến cuộc chiến với khủng bố. Trong các phạm vi khác của safety mức độ căng thẳng cũng phân bố tương tự. Càng ít security, thì cuộc chiến với khói thuốc lá, với việc vượt tốc độ trên đường bộ, với bạo hành gia đình và các thể loại côn đồ... càng ồn ào. Ở Mỹ ám ảnh chống thuốc lá bắt đầu cùng với chủ nghĩa tân tự do và lớn lên cùng nó. Ở Đức chính quyền bắt đầu nói về việc lái xe vượt tốc độ trên đường cao tốc khi nhà nước xã hội bắt đầu bị cắt giảm. Chắc không phải ngẫu nhiên mà ở châu Âu luật cấm hoàn toàn việc hút thuốc lá trong nhà do chính Ireland đưa ra,nước có chỉ số cạnh tranh cao nhất – nghĩa là, nói cách khác, ít safety nhất, các rủi ro cuộc sống rõ ràng nhất và nhà nước ít mang tính phúc lợi nhất.
Ông có cảm giác là bằng cách đó, chính quyền đánh lạc hướng sự chú ý của người dân khỏi những cuộc cải cách đau đớn?
Tôi không biết chứng minh điều này. Nhưng tôi nhìn thấy sự đồng thời rất rõ ràng. Và tôi cũng thấy những người bị tước mất security dễ dàng đồng ý với các hạn chế được biện minh bằng nhu cầu bảo vệ safety cho họ hơn. Tôi đã quan sát phản ứng của hàng nghìn người lang thang ở sân bay London khi các chuyến bay đi Mỹ bị hoãn vì có báo động khủng bố. Không có ai chửi bới, mọi người ngoan ngoãn chờ đợi. Họ nói về cái chính quyền đã hoãn các chuyến bay với sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn. Người ta mất kỳ nghỉ hay công chuyện ở Mỹ cũng chẳng sao. Mọi người đều hạnh phúc vì chính quyền đã lo lắng cho họ. „Nếu chúng ta ngồi cùng máy bay với bọn khủng bố thì sẽ ra sao? Nghĩ đến cũng đã thấy sợ rồi!”. Thực kiện là chẳng có tên khủng bố nào bị bắt và không có dấu vết đáng tin nào được đưa ra về việc ai đó có thể bị nguy hiểm không khiến cho lòng biết ơn của công dân giảm xuống.
Nhưng sự dối trá ở đâu?
Tôi không biết có sự dối trá không. Nhưng tôi biết là có một không gian mới cho dối trá và lừa mị (manipulation) dân chúng. Tôi không biết bọn khủng bố có thực sự có kế hoạch gì không. Nhưng tôi biết rằng nếu chính quyền tự nghĩ ra báo động đó, như Stalin luôn liên tiếp nghĩ ra những âm mưu gây tranh cãi, thì chính quyền sẽ có được lòng biết ơn của mọi người mà gần như không tốn chút hơi sức nào. Không thể kiểm tra được điều này trên thực tế. Rủi ro ở đây khác với các hiểm nguy khác, bởi nó không nhìn thấy được, khó đo đếm và không được xác minh.
Có thể dễ dàng khẳng định có vụ nổ nào không hay những người về hưu có được tăng lương hưu hay không. Nhưng rất khó đánh giá có rủi ro thực tế về việc bom nổ hay không. Chắc luôn có rủi ro nào đó.
Xét từ số báo động giả và từ nhưng dối trá chính trị bị đưa ra ánh sáng, có thể giả định là ở đây chúng ta có vấn đề.
Nhưng có lẽ ông cũng tin là có khủng bố chứ?
Tôi tin là có và tôi tin chính quyền chiến đấu với khủng bố, nhưng tôi cảm thấy họ lạm dụng - có thể là một cách có ý thức – nỗi sợ mà khủng bố gây ra để xóa đi các khía cạnh ít vẻ vang hơn trong hoạt động của họ. Những cái xe tăng bao vây sân bay London có phải là để chiến đấu với khủng bố? Hay nhiều hơn là để tăng cảm giác bị đe dọa và cảm giác biết ơn của công dân đối với chính quyền đang bảo vệ họ và nhờ nó mà họ giữ được mạng sống? Anh có tưởng tượng được việc dùng xe tăng để tìm một phụ nữ mang chất nổ trong người và sẽ làm nổ máy bay không? Trong cuộc chiến với không tặc xe tăng ít hiệu quả, nhưng chúng gây ấn tượng mạnh với những người đang sợ hãi. „Họ lo lắng cho chúng ta, chăm sóc chúng ta, bảo vệ chúng ta, chúng ta mang ơn họ về mạng sống”.
Ông cho rằng chính phủ và các cơ quan an ninh ở Mỹ, Anh, Ba Lan hay Ý đã có những âm mưu để biến chúng ta thành bầy người sợ hãi, mất phương hướng, dễ bị lừa mị và mất tự chủ?
Tôi nói về sự bất khả thấu nguyên nhân của các mối đe dọa safety, về sự khó khăn ngày càng lớn trong việc điều tra sự thật, về phạm vi ngày một rộng hơn của việc sử dụng sự dối trá. Trong gương mặt khủng hoảng tính chính danh của chính quyền xuất phát từ những quá trình toàn cầu hóa, phải chăng nhà nước có khuynh hướng tạo ra cảm giác bị đe dọa trong phạm vi nó cảm thấy hơi chắc chắn hơn và có thể cho thấy nó làm được nhiều hơn?
Nếu nó có (khuynh hướng ấy) thì sao?
Đây là câu hỏi căn bản cho nhà xã hội học. Thế giới thay đổi ra sao khi mọi người không còn hy vọng vào security và chỉ chú ý tới safety? Họ sẽ sống ra sao, nếu sự chú ý của họ chỉ tập trung vào việc mua sắm lên đời các hệ thống báo động, cửa sắt, khóa, áo chống đạn, mặt nạ khí và có trời mới biết được gì nữa... Hiển nhiên là dẫu có cả đám hỗn độn ấy thì nguồn gốc của những bất an và căng thẳng vẫn còn nguyên không được động chạm đến. Ngược lại, một cơ chế tự thúc mình được khởi động – càng nhiều sợ hãi, mớ hỗn độn quanh các hệ thống báo động, cửa, khóa càng lớn. Mớ hỗn độn càng lớn, nỗi sợ hãi càng mạnh. Nỗi sợ không được xoa dịu sẽ tìm nguồn và sẽ cần đến mỗi lúc một nhiều hơn các đối tượng khác nơi nó có thể giải tỏa. Ở đây hiệu quả phụ nguy hiểm sẽ là những căng thẳng giữa các sắc dân hay giữa các nền văn hóa. Trong xã hội đa sắc tộc của phương Tây ngày nay điều này có nghĩa là sự xói mòn lòng tin và thống nhất xã hội. Ở đây đã không còn là chuyện đùa nữa. Chúng ta đi đến tâm điểm của bản sắc xã hội, của nền dân chủ và cấu trúc chính trị chính là dựa vào lòng tin và sự thống nhất xã hội. Và kết quả cuối cùng là người ta làm quá ít để chuẩn bị cho chúng ta bước vào cuộc sống trên hành tinh toàn cầu hóa và chung sống an toàn.
Đây là điều ông nghĩ đến khi nói về việc „lột trần những dối trá bao che trách nhiệm về bất hạnh của con người”?
Đây chỉ là một trong số các ví dụ.
Thế các ví dụ khác?
Anh hãy lấy ví dụ cách tính tổng sản phẩm nội địa, tức là GDP. GDP luôn luôn tăng, nhưng sao người ta có vẻ không cảm thấy cuộc sống tốt hơn nhiều? Vì sao?
Vì sự tăng trưởng nhắm vào vài phần trăm những người tự cường nhất vốn vẫn là những người giàu nhất?
Đó là một nguyên nhân. Nhưng bản thân tăng trưởng GDP thực chất là một siêu dối trá toàn cầu, nếu người ta xem nó là thước đo cho sự phồn vinh của con người. Bởi vì GDP ghi nhận lượng tiền qua tay trong phạm vi một nền kinh tế nào đó. Nhưng nó không xem xét tới một khu vực rộng lớn của kinh tế đạo đức, kinh tế gia đình, láng giềng, môi trường. Khi ngồi một mình trong nhà ăn hay quán bar và nuốt đồ ăn nhanh, thì tôi chẳng thấy dễ chịu gì cho lắm, nhưng tôi thực hiện một nghĩa vụ xã hội nào đó, bởi hóa đơn tôi sẽ trả được tính vào thành phần của GDP và làm cho chỉ số tăng trưởng kinh tế lớn hơn. Nhưng khi vợ tôi nấu cho tôi bữa trưa và chúng tôi ăn cùng con cái, thì điều đó có thể sẽ dễ chịu, lành mạnh hơn đối với chúng tôi, nhưng chúng tôi sẽ cư xử phi xã hội và phi kinh tế, vì GDP không ghi nhận điều đó. Khi gia đình tan rã và cả nhà đều chui ra quán hay các bar ăn nhanh, chắc hẳn hạnh phúc và cả nhân tính của chúng tôi cũng bớt đi, nhưng GDP lại tăng. Khi ông hàng xóm giúp tôi cắt cỏ, còn tôi giúp ông ấy sửa giàn hoa, cả hai chúng tôi đều được hưởng lợi gấp đôi – vì công việc được hoàn tất và nhân thể, chúng tôi cảm thấy dễ chịu hơn trong khu vực của mình. Nhưng GDP sẽ thiệt hại vì điều này, vì mỗi người chúng tôi đều có thể thuê thợ và hóa đơn sẽ được thống kê, đánh thuế. Tương tự, khi tuổi cao sức yếu, tôi sẽ dễ chịu nếu được con gái chăm sóc, hơn là phải đến cái trại nào đó chờ chết. Nhưng sự chăm sóc lấy tiền được GDP ưu ái hơn, còn sự chăm sóc từ trái tim theo góc nhìn thống kê kinh tế là công việc vô giá trị.
Đồng ý, có thể dễ dàng tưởng tượng mô hình phát triển kinh tế dựa trên phát triển dịch vụ, nơi người ta làm việc và thu nhập mỗi lúc một nhiều hơn khi cung cấp dịch vụ lẫn nhau, nhưng đồng thời tất cả mọi người đều tốn tiền và mất chất lượng sống, bởi một mặt họ chi tiêu mỗi lúc một nhiều hơn, nhưng mặt khác lại bị mất đi những niềm vui giản dị, những mối liên hệ tình cảm tích cực với người khác thay cho những liên hệ kinh tế lạnh lùng. Nhưng đó có phải là dối trá không?
Đó là sự dối trá nguy hiểm. Thực chất người ta đo cái điều biểu hiện sự xói mòn xã hội và tan rã gia đình, nhưng chúng ta trưng ra như là thành công kinh tế hay thành công về văn minh! Điều có thật và đau đớn, được cảm nhận rộng rãi là mất mát, lại được kinh tế thị trường trình bày như lợi ích. Người ta gói ghém nỗi bất hạnh của sự tan rã các mối liên kết giữa người với người hay những phiền phức thông thường trong sự dối trá dựa trên trao đổi thương mại của tăng trưởng kinh tế. Ai cũng muốn làm việc cách nhà 500m, đi bộ đi làm, về nhà ăn trưa, sau giờ làm chăm vườn cùng lũ trẻ và cùng nấu bữa tối. Nhưng từ góc nhìn GDP thì sẽ tốt hơn nếu anh làm việc cách nhà 50 km. Khi đó anh tốn khối tiền và thời gian để đi làm. Tất nhiên anh sẽ ăn quán. Anh đặt pizza cho bữa tối, trẻ con do cô giúp việc trông, vườn thuê thợ làm vườn. Thêm vào đó, anh sẵn lòng làm thêm ngoài giờ hay một công việc thứ hai, vì lúc nào anh cũng thiếu tiền cho mọi thứ. Có thể trên danh nghĩa anh giàu hơn rất nhiều, nhưng thực tế lại nghèo và bất hạnh hơn. Chính phủ khoác lác bằng tăng trưởng GDP, nhưng không nói tăng trưởng GDP làm tăng chất lượng cuộc sống ở mức độ nào, và hủy hoại chất lượng cuộc sống ở mức độ nào. Khi mọi nhu cầu và khao khát của chúng ta - từ ăn uống đến tình dục - đều được thị trường thỏa mãn và khi toàn bộ cuộc sống chúng ta được quy về việc thu chi tiền, chúng ta trở thành những sinh vật bất hạnh nhất, cô đơn nhất và vô nghĩa lý nhất trên trái đất. Tất nhiên chúng ta có thể thương mại hóa toàn bộ phạm vi cuộc sống vốn dựa vào các mối quan hệ đạo đức, vào cộng đồng, sự tự lập, nhưng cuộc sống khi đó trông sẽ ra sao?
Ông tự nghĩ ra điều đó, hay ông đọc ở đâu?
Khó có thể đọc được điều này ở đâu. Ban đầu tôi cảm thấy nó. Sau đó tôi đã tìm tòi rất lâu. Phê phán truyền thống đối với chủ nghĩa tư bản tua-bin (turbocapitalism) dựa vào việc vạch trần sự leo thang những thèm khát bị thúc đẩy bởi các chiêu tiếp thị ngày càng tinh vi và các quảng cáo ngày càng quyền lực. Sự dối trá này đã được biết đến từ lâu. Kinh tế đương đại ngày càng dựa nhiều hơn vào việc nghĩ ra một sản phẩm mới (hoặc bề ngoài là mới), sau đó nhờ vào tuyên truyền mạnh mẽ để đánh thức những ham muốn mới, nhồi vào đầu mọi người ý nghĩ là thiếu những sản phẩm ấy họ sẽ không hạnh phúc. Truyền thông sống bằng quảng cáo không thể không tham gia vào siêu dối trá của nền văn minh tiêu dùng. Sự dối trá này từ vài chục năm nay đã đẩy chúng ta vào nỗi bất hạnh mỗi lúc một lớn hơn của những ham muốn không được thỏa mãn, được khơi dậy một cách giả tạo. Nhưng sự dối trá tồi tệ nhất của nền kinh tế dựa trên quảng cáo là việc toàn bộ viễn cảnh về cuộc sống và ý nghĩa tồn tại trong sự tuyên truyền này bị giới hạn vào thứ dầu gội đầu mới, thứ bột làm thạch hay cái xe mới.
Sự dối trá này không chỉ „bao che sự bất hạnh”, mà đơn giản là tạo ra nó.
Nó tạo ra đồng thời bao che. Nguồn cơn của bất hạnh là sự leo thang ham muốn vượt quá khả năng thỏa mãn chúng. Nền kinh tế dựa vào tiêu dùng sẽ sụp đổ theo cách khác. Vỏ bọc do quảng cáo tạo ra nằm ở ảo giác rằng có thể thỏa mãn ham muốn. Song sự thật là trong xã hội tiêu dùng cơ hội để thỏa mãn chúng rất thấp. Người ta đổ nhiều tiền bạc và công sức nhất vào việc đánh thức ham muốn, chứ không phải vào việc thỏa mãn chúng. Để thỏa mãn những ham muốn bịa đặt bị khơi dậy một cách giả tạo chúng ta làm việc cật lực, hành hạ người thân, hủy hoại những phạm vi sống phi thị trường (không có ý nghĩa kinh tế) của chúng ta. Cuộc đuổi bắt này không bao giờ chấm dứt. Không có vạch đích trên đường đua tiêu dùng. Khi anh làm việc cật lực và rốt cuộc bỏ ra được đủ tiền mua nhà hay xe hơi, những thứ sẽ phải mang lại hạnh phúc cho gia đình anh, ngay sau đó anh sẽ nhận được quảng cáo xe hơi từ chính hãng ấy, cái xe sẽ mang lại nhiều hạnh phúc hơn nữa, hoặc quảng cáo nhà nơi sẽ có nhiều tình yêu và hơi ấm gia đình hơn. „Hãy mua đi, rồi bạn sẽ hạnh phúc”. Những sự dối trá vĩ đại của xã hội tiêu dùng nằm ở chỗ những lời hứa mang đến kết quả mong muốn phải bị vi phạm hàng ngày. Trong hệ thống tiêu dùng chúng ta như Syzyf hay đúng hơn như con lừa đuổi theo củ cà rốt ở đầu gậy, hoặc như con chuột trong vòng quay. Anh vừa mới mua xong một thứ đồ phải mang lại hạnh phúc cho anh và gia đình thì đã được biết không phải là nó, rằng nguồn gốc của hạnh phúc là thứ gì đó khác kia. Trong bóng đổ của những niềm hi vọng tót vời che lấp mọi thứ, mỗi lúc một mới hơn, đống đồ vừa mới bóc tem mà ta sẽ bỏ đi lớn dần lên, bởi thực sự chúng chẳng cho ta hạnh phúc hoặc không so sánh được với những sản phẩm tiềm năng khác chưa được dùng thử.
Vậy con người nên học được khá nhanh rằng đồ vật không mang lại hạnh phúc.
Cái khó ở đây là lý trí của chúng ta – sau khi bị đặt dưới sự tẩy não vĩ đại và có hệ thống bằng quảng cáo – từ lâu đã không còn lành mạnh nữa. Theo nguyên tắc của Goebbels sự dối trá của chủ nghĩa tiêu dùng, được lặp lại hàng triệu hay hàng tỉ lần, đã trở thành sự thật được công nhận rộng rãi. Tiêu dùng hậu hiện đại là thói quen xấu tuyệt đối gây nghiện. Nó lây nhiễm y như nghiện ma túy hay nghiện tình dục. Nhìn thấy một quảng cáo mới, người ta rơi vào trạng thái hưng phấn không lành mạnh mà người ta không biết làm chủ. Người ta cảm thấy bất ngờ hưng phấn khi kịp sở hữu thứ gì đó. Nhưng ngay sau khi mua người ta trải nghiệm sự thất vọng và sự tuột hứng đau đớn chỉ có thể bị đẩy lùi bằng cách thỏa mãn những liều ham muốn tiếp theo. Cũng như đa số thói quen xấu, liều cần thiết để chiến thắng nỗi thất vọng không ngừng tăng lên. Vậy là chúng ta ngày càng rơi vào bất hạnh và sự cầm tù của ham muốn được gói ghém trong hình dung sai lầm về hạnh phúc. Sự dối trá này thống trị những ước mơ của con người và qua giấc mơ con người áp đảo thế giới.
Nhưng bằng cách nào, thưa giáo sư, sự dối trá bắt đầu thống trị, còn sự thật thì người ta lại không nghe?
Ở đây tôi sẽ viện đến Aristotles, người đã viết rằng việc điều tra sự thật diễn ra ở chợ (agora), nghĩa là ở phạm vi công cộng. Ở đó mối liên hệ giữa cái mà ông gọi là oikos (nghĩa là việc riêng) và ecclesia (việc chung) được thiết lập. Ở chợ, từ hàng thế kỷ, các nhu cầu cá nhân bị chuyển thành các lợi ích xã hội, còn các quyền lợi tập thể bị chuyển thành ngôn ngữ của các quyền và nghĩa vụ cá nhân. Bằng cách đó, sự thật được điều tra một cách diễn ngôn, người ta xác định điều xã hội chấp nhận là sự miêu tả đúng thực tại. Bây giờ không còn cái chợ như thế nữa. Trong cái chợ ngày nay người ta chủ yếu kể về những trải nghiệm cá nhân của mình. „Tôi đã làm được điều đó”. „Họ đã không làm được điều đó.” „Cái này dễ thương.” „Cái ấy đáng tiếc”. Diễn ngôn khép lại trong tầm chân trời cá nhân. Nó xoay quanh những gì con người có thể tự nhìn thấy hay trải nghiệm. Những gì chúng ta có thể sờ, nếm, ngửi. Các kinh nghiệm tập thể thiếu cái „nền vật chất” hay cơ chế xã hội cho phép chúng kết tinh và mở đường đến sự thật chung, khách quan, bên trên cá nhân.
Nhưng vì sao lại thế, thưa giáo sư?
Ai đó đã nói rất đúng rằng người tiêu dùng là kẻ thù của công dân. Công dân quan tâm đến sự thật có giá trị xã hội vượt lên trên cá thể, bởi anh ta tìm kiếm sự viên mãn trong cộng đồng mà anh ta thuộc về, hay cộng đồng mà anh ta muốn lập ra. Người tiêu dùng chỉ quan tâm đến việc thỏa mãn các ham muốn cá nhân của mình. Anh ta không nghĩ đến sự thật hay dối trá. Anh ta chỉ sử dụng khía cạnh hữu dụng, dễ chịu, vui vẻ. Trong thế giới của những người tiêu dùng mối giao tiếp giữa ecclesie và oikos bị cắt đứt. Các nhân vật của công chúng thậm chí bảo đảm với chúng ta rằng công bằng là khái niệm rỗng được các nhà tư tưởng bịa ra, rằng chỉ có quyền lợi cá nhân là hiện thực và rằng – ngay cả nếu thuật ngữ „xã hội công bằng” có nghĩa gì đó - thì chính là sự khuyến khích các quyền lợi cá nhân. Nhưng nếu chỉ tồn tại các quyền lợi thì chúng ta phải tìm sự thật như thế nào? Thứ luật chung nào là khả dĩ trong thế giới người tiêu dùng? Tôi không nói đến lời giải đáp triết học. Tôi là nhà xã hội học và với tư cách một nhà xã hội học, tôi cảm thấy bất an vì sự biến mất rõ rệt của các cơ chế xã hội truy tầm sự thật.
Có nghĩa là kỷ nguyên dối trá đang chờ đợi chúng ta?
Điều này phụ thuộc vào mọi người, mà mọi người, đáng tiếc, lại thờ ơ với sự thật.
Ở Ba Lan người ta không tranh cãi về chuyện gì khác cả. Ai nói dối? Ai nói dối hơn? Ai lừa đảo? Sự thật và dối trá là chủ đề số 1.
Nhưng sự thật nào? Những sự dối trá nào? Ngày nay chúng ta đưa đạo dức chính trị vào đạo đức cá nhân của các chính trị gia. Clinton là một ví dụ tốt. Khi ông phá bỏ hệ thống an sinh xã hội được Roosevelt thành lập và Johnson xây dựng, khi ông hủy bỏ các chương trình xã hội liên bang và chuyển chúng cho các tiểu bang, khi các bang bắt đầu cạnh tranh để cắt giảm trợ cấp, vì mỗi tiểu bang đều muốn tránh làn sóng đói nghèo tràn sang từ bang lân cận, người ta không đặt vấn đề đạo đức đối với ông ta. Mà ông ta đã nghi ngờ nguyên tắc đạo đức cơ bản rằng trách nhiệm của nhà nước là chăm lo cho dân chúng. Nhưng khi ông nói dối về chuyện ngoại tình với thực tập sinh, người ta đòi phải bãi nhiệm ông vì lý do đạo đức. Người ta công nhận rằng tổng thống đã vi phạm nguyên tắc luân lý.... Đây là đặc trưng của tình hình mới. Sự dối trá hay vụ ngoại tình hủy diệt chính trị gia. Nhưng vi phạm đạo đức của đời sống xã hội thì có thể dễ dàng xoay xở. Khi vấn đề sự thật được giản lược đến việc nói thật dẫu là của những cá nhân tuyệt vời nhất, thì sự thật về xã hội, về tình trạng và số phận của cộng đồng biến mất khỏi tầm mắt. Nếu chính trị gia nói dối, có thể lột mặt nạ anh ta và bãi nhiệm. Có các công cụ để làm việc đó. Công tố viên, tòa án, các nhà báo tò mò hay các ủy ban điều tra. Nhưng khi những sự thật của chung sống xã hội bị dối trá, người ta chủ yếu im lặng. Bởi các sự thật định đoạt số phận chung của chúng ta không thể được xác định bởi các công tố viên, các quan tòa và các ủy ban điều tra. Việc xác định chúng đòi hỏi phải có agora. Mà agora đang biến mất.
Nghĩa là lỗi lại ở sự tiêu dùng?
Chủ nghĩa tiêu thụ – một phần. Nhưng không chỉ có mình nó. Sự tràn ngập thông tin cũng có thể tạo điều kiện cho dối trá áp đảo. Truyền thông đương đại cũng vậy. Kỹ thuật truyền đạt thông tin và kỹ thuật truy tầm sự thật được chi phối bởi các lô gíc khác nhau. Nguồn thông tin phổ biến nhất hiện nay là truyền hình về bản chất không thể gây sự chú ý của người xem trong khoảng thời gian cần thiết để đưa ra căn bản của luận điểm. Trong cuộc tranh luận trên truyền hình, cùng lắm chỉ có thể làm người đối thoại điếc tai và tương vào anh ta (và vào khán giả) những lời châm chích ngắn ngủi. Mà truy tầm sự thật thì cần tập trung và gắng sức. Chẳng bao giờ đến được với sự thật bằng những tiếng la hét hay những lời châm chích. Khi cuộc tranh luận dẫn đến trận khẩu chiến bằng những lời châm chích, việc phân biệt sự thật và dối trá là bất khả.
Nhất định phải thế, hay đó chỉ là một giai đoạn lịch sử thôi?
Tôi không bao giờ chấp nhận là tình hình phải như nó đang là. Nếu chúng ta phản kháng, nếu chúng ta trò chuyện vài giờ – như chúng ta đang làm, chứ không phải vài phút, thì sự thật sẽ khá hơn. Thông tin đưa ra càng quá liều và càng nông thì càng ít có cơ hội cho một cuộc tranh luận nghiêm túc, chúng ta càng có nhiều khả năng bị chìm trong dối trá. Chúng ta đứng trước lựa chọn – và chúng ta sẽ ra sao cũng phụ thuộc vào chúng ta.
Ông muốn thay đổi số phận của thế giới bằng lời nói?
Anh biết không, người ta từng hỏi Cornelius Castoriadis: „Ông muốn thay đổi thế giới à?”. Và ông trả lời: „Xin Chúa che chở cho tôi! Tôi chỉ muốn thế giới tự thay đổi. Như nó đã từng làm thế trong lịch sử của mình”.