(prof. Leszek Kołakowski, ảnh của Gazeta Wyborcza)
Thái Linh dịch
Việc truyền đi các thông tin giả dường như là chuyện bình thường trong tự nhiên. Bướm nói với chim: „Tôi không phải là bướm đâu, tôi là chiếc lá đang đung đưa đấy!” Ong bắp cày nói với ong mật canh gác tổ: „Tôi không phải là ong bắp cày, tôi là ong mật” Ta thấy ngay sự khác nhau giữa hai lời dối trá này. Ta khen con bướm giả làm chiếc lá để tự bảo vệ mạng sống của mình trước con thú có thể xé xác nó. Ta khó chịu về mánh khóe của con ong bắp cày giả làm ong mật để vào được tổ ong và ăn cướp thức ăn mà đám ong mật cần cù đã gom góp được.
Sự dối trá của con người mà chúng ta đánh giá bằng đạo đức cũng tương tự như vậy: một số là tồi tệ, số khác chúng ta cho rằng được phép. Một số triết gia bảo vệ việc nghiêm cấm tuyệt đối nói dối, ví du như thánh Augustine(1) và Kant. Việc cấm nói dối trong bất kỳ trường hợp nào, trước sự phức tạp của cuộc sống con người, không những vô vọng mà tồi tệ hơn, đôi khi còn trái ngược với các lợi ích xã hội có căn cứ hay với lòng tử tế dành cho người thân. Ta hãy bỏ qua trường hợp chiến tranh, khi việc lừa dối kẻ thù đã là một phần không thể thiếu của binh pháp. Ta hãy bỏ qua cả ngoại giao và kinh doanh. Thí dụ đơn giản và thiết thực, rõ ràng nhất từ thời bị chiếm đóng: nếu một người Do Thái trốn ở đâu đó và khi đám sen đầm Đức đến hỏi có người Do Thái nào sống ở đây không, có ai còn một chút lương tâm có thể nói rằng: vì nguyên tắc „không dối trá” cao quý, phải giao một con người vào con đường chết cho đám đao phủ?
Các chính phủ thường nói dối với nhân dân mình, thẳng thừng hoặc bằng cách ỉm đi các sự vụ khi mà sự ỉm đi đó tạo ra bức tranh sai lạc về hiện thực. Đó thường là những sự dối trá nhằm bao che cho chính phủ trước các chỉ trích và giấu đi sự bất hợp pháp hay sai lầm của họ. Nhưng đôi khi đó là những sự dối trá chính đáng; ngoài những chuyện luôn phải bí mật vì an ninh quốc gia, có những sự dối trá thực sự là vì lợi ích xã hội: ví dụ nếu chính phủ muốn phá giá tiền tệ, khi bị hỏi về điều này thì họ phải chối, báo trước về việc phá giá tiền tệ sẽ khiến cho quốc gia bị thiệt hại nặng nề vì những kẻ đầu cơ tài chính như đám châu chấu sẵn sàng lao ngay vào món lợi dễ dàng.
Hơn thế nữa, các đức hạnh trong quan hệ bạn bè, như sư kín đáo hay lịch sự, thường liên quan đến sự dối trá, nhưng khó lòng không công nhận rằng nếu không có các đức hạnh ấy, cuộc sống cộng đồng sẽ tồi tệ hơn rất nhiều, và đó không phải vì ta sẽ hít thở bầu không khí trong lành của sự thật mà vì ta sẽ sống trong thô lỗ. Và chúng ta luôn coi, dù đúng dù sai, những người luôn nói thật không suy nghĩ là thô lỗ.
Thỉnh thoảng tôi tranh luận về việc các bác sỹ có nên thông báo cho người bệnh về tình trạng vô vọng của họ hay không (trường hợp này là nói dối thẳng thừng hoặc giấu giếm): trong chuyện này ở các nước khác nhau có các thông lệ khác nhau, và mặc dù có thể dễ dàng tìm được lý lẽ cho cả phe này lẫn phe kia, các lý lẽ đó thường là vì lý do nhân đạo, lợi ích của bệnh nhân hoặc gia đình họ, chứ không phải vì chính giá trị của sự thật.
Tóm lại, có thể công nhận theo lương năng rằng có những hoàn cảnh phải nói dối vì điều tốt và toàn bộ vấn đề nằm ở chỗ phải định nghĩa cái „điều tốt” đó. Bởi vì chúng ta sẽ dễ dàng có xu hướng đem nguyên tắc này ra sử dụng theo kiểu tất cả mọi thứ nằm trong lợi ích cá nhân của ta đều là „điều tốt”, mà rất khó nghĩ ra một quy định lường trước mọi trường hợp cụ thể có thể xảy ra.
Những người bảo vệ việc cấm nói dối tuyệt đối cho rằng: nếu ai cũng nói dối tùy tiện hoặc khi mình thích, niềm tin đối với người khác sẽ hoàn toàn bị hủy hoại, mà sự tin tưởng là điều kiện cần cho mọi trật tự và sự chung sống của con người; như thế - họ nói thêm – sự dối trá sẽ chống lại những kẻ nói dối, bởi vì dù sao thì cũng chẳng ai tin được ai.
Đây không phải là một lý lẽ vô nghĩa, nhưng nó không thuyết phục nếu là lý do cho việc cấm nói dối tuyệt đối. Nếu ta không bao giờ có thể tin người khác nói thật, cuộc sống sẽ là không thể chịu đựng nổi. Nhưng có lẽ sự phá sản hoàn toàn lòng tin tưởng lẫn nhau không đe dọa chúng ta. Nói chung chúng ta biết khi nào có thể tin vào các thông tin người khác chuyển cho ta, còn khi nào phải cảnh giác vì ta nghi ngờ rằng người đối diện đắc lợi khi lừa gạt chúng ta và anh ta có thể có ý định đó. Người ta ít khi nói dối không vụ lợi. Quả là có những người nói dối nổi tiếng: ví dụ tôi biết một nhà văn, không bao giờ có thể tin được anh ta, vì anh ta thích đắm chìm vào các câu chuyện luôn luôn thay đổi tùy vào hoàn cảnh hay người nói chuyện; nhưng anh làm vậy một cách sáng tạo và ngộ nghĩnh đến mức nghe anh nói rất thú vị, mặc dù ai cũng biết không nên coi các câu chuyện đó là nghiêm túc; do đó không cần lo ngại rằng việc thiếu vắng đức hạnh thật thà trong tính cách anh sẽ gây hậu quả cho người khác. Chúng ta cũng biết các trường hợp những kẻ nói dối bệnh lý, họ không thể nói bất cứ điều gì thật mà cứ bóp méo và làm sai lệch mọi thứ không có lý do, cũng chẳng có sáng tạo. Nhưng họ là những người bị xem thường và các điều dối trá của họ ít có hại, bởi vì dù sao thì cũng chẳng có ai tin họ.
Ngay cả những điều dối trá rất phổ biến trong chính trị, kinh doanh hay trong chiến tranh cũng không phá hủy lòng tin trong quan hệ giữa người với người, bởi vì ai hoạt động trong các lĩnh vực này cũng cảnh giác, biết ai có thể lừa mình và tại sao. Thậm chí sự dối trá trong quảng cáo cũng ít có hại hơn là người ta tưởng. Tất cả các nước đều có các quy định pháp lý ngăn chặn việc đưa ra các thông tin dối trá về sản phẩm được quảng cáo; đơn giản là không được phép bán nước máy trong các chai ghi rằng đây là thứ thuốc hiệu nghiệm chữa ung thư. Nhưng được phép nói rằng xà phòng Phép Màu hay bia Humbug là tốt nhất thế giới. Trong trường hợp này mục đích của quảng cáo không phải là khiến cho tôi, khi nghe trên ti vi thông tin rằng xà phòng Phép Màu tốt nhất thế giới, đi đến kết luận là nó tốt nhất thế giới; không, mục đích là để tôi ghi nhớ hình ảnh xà phòng Phép Màu và khi phải chọn xà phòng trong cửa hàng, tôi sẽ lấy sản phẩm mà tôi thấy quen thuộc sau nhiều lần xem cùng một quảng cáo. Quảng cáo trông đợi, không phải là vô lý, vào chủ nghĩa bảo thủ tự nhiên của chúng ta, trông đợi rằng tôi sẽ có cảm giác mình đã biết đến xà phòng Phép Màu ngay cả khi tôi hoàn toàn chẳng biết gì về nó.
Nhưng khi nói về sự dối trá chính trị, cần phải có sự phân biệt quan trọng. Dối trá chính trị thường gặp nhưng bị hạn chế bởi tự do ngôn luận và phản biện trong các nước dân chủ không làm ảnh hưởng tới sự khác biệt giữa sự thật và dối trá. Một bộ trưởng có thể nói mình không biết chuyện gì đó mặc dù ông ta biết. Ông ta nói dối và dù có vạch trần sự dối trá của ông ta hay không, sự khác biệt giữa sự thật và điều dối trá vẫn còn nguyên. Ở các quốc gia toàn trị thì khác, nhất là chủ nghĩa cộng sản thời hưng thịnh, nghĩa là thời Stalin. Ở đó sự khác biệt giữa sự thật và những gì đúng chủ trương hoàn toàn bị xóa bỏ, đến mức là người dân khi lặp lại những lời „đúng chủ trương” trong nỗi sợ hãi, chỉ tin một nửa vào chúng. Các lãnh tụ nhiều khi cũng trở thành nạn nhân những điều dối trá của chính mình. Mục đích là làm cho sự khác biệt giữa sự thật và dối trá bị tẩy sạch trong tư tưởng người dân đến mức người ta biết phải nói điều gì là đúng chủ trương và quên đi sự khác biệt này, để có thể xuyên tạc sự thật lịch sử và bằng cách đó, không chỉ đơn giản là nói dối, mà triệt tiêu chính khái niệm sự thật trong nghĩa bình thường của từ này. Mục đích này đã không đạt được hoàn toàn, nhưng sự tàn phá tư tưởng mà hệ thống này đã gây ra là rất lớn, nhất là ở Liên Bang Xô Viết, ở Ba Lan nơi chế độ toàn trị chưa bao giờ lên tới mức độ đó, thì ít hơn. Tự do ngôn luận và phản biện không thể loại bỏ dối trá chính trị, nhưng có thể trả lại ý nghĩa bình thường của từ „dối trá”, „sự thật” hay „nói thật”.
Từ việc cho rằng nói dối có lúc là được phép và có thể nói dối vì điều tốt, chúng ta không được nâng lên thành công thức „dối trá đôi lúc là tốt, đôi lúc là xấu”, vì công thức đó mập mờ đến nỗi trên thực tế nó có thể biện minh cho mọi sự dối trá của chúng ta. Điều trên cũng không dẫn đến việc có thể giáo dục trẻ em tinh thần đó ngay từ ban đầu. Sẽ an toàn hơn nếu dạy trẻ rằng nói dối đơn giản là xấu, không có ngoại lệ, để bằng cách đó tạo ra cho trẻ phản xạ khiến chúng cảm thấy khó chịu khi nói dối. Những điều còn lại chúng sẽ tự học được – một cách nhanh chóng, dễ dàng, không cần sự trợ giúp của người lớn.
Nếu như việc cấm nói dối tuyệt đối vừa là vô hiệu, đôi khi lại vừa trái ngược với các điều răn khác quan trọng hơn, làm sao tìm được một nguyên tắc chung cho phép dối trá? Một nguyên tắc chung giải quyết thấu đáo mọi trường hợp cụ thể như vậy, tôi nhắc lại, là không có. Nhưng ta được phép dùng một số quy tắc đạo đức có thể giúp ích.
Quy tắc đạo đức thứ nhất là nên cố gắng để không dối trá với chính mình, nghĩa là ví dụ như nói dối biết rằng mình đang nói dối. Tự dối mình là một đề tài riêng và quan trọng mà ở đây tôi phải để sang một bên. Là đủ khi phát biểu rằng khi ta nói dối và cho là mình làm vậy vì điều tốt, ta phải biết rõ rằng nó chính là như thế. Thứ hai, chúng ta phải nhớ rằng sự tự bào chữa và khái niệm về „điều tốt” của ta, điều làm cho sự dối trá của ta trở nên cao quý, luôn là một khái niệm đáng ngờ, nếu „điều tốt” ấy chỉ là lợi ích cá nhân của ta. Thứ ba, ta có thể nhớ rằng dối trá không phải là một điều tốt về mặt đạo đức ngay cả khi nó được phép hoặc được khuyến khích nhân danh các giá trị khác quan trọng hơn.
Thứ tư, nên biết rằng sự dối trá thường làm hại người khác, nhưng lại làm hại những kẻ nói dối nhiều hơn, vì nó làm trống rỗng nội tâm anh ta.
Nhớ các quy tắc này không khiến chúng ta – hay phần lớn chúng ta - trở thành thánh nhân và vô tội, nó cũng không tiêu diệt sự dối trá ở trên đời, nhưng có thể dạy chúng ta sự thận trọng khi sử dụng vũ khí nói dối ngay cả khi việc dùng nó là cần thiết.
(Trích từ tập "Các thuyết trình mini về những vấn đề maxi" (Mini wykłady o maxi sprawach), NXB Znak, Kraków 2008)
------
Chú thích:
1) tức Augustine of Hippo
2 comments:
Rất hay. Hãy dịch thêm những bài trong tuyển tập này giúp chúng tôi nhé. Thanks bạn.
rất rất tuyệt!!! Cảm ơn chị rất nhiều!
Post a Comment