Thái Linh dịch tặng
Trong bức tranh của nhà danh họa xưa,
Dưới lớp sơn dầu những cái cây đâm rễ.
Con đường đưa tới đích của mình, chắc chắn là như thế.
Ngọn cỏ thay cho chữ ký trang nghiêm.
Thời khắc năm giờ chiều thuyết phục đáng tin.
Tháng Năm bị dừng lại nơi đây, nhẹ nhàng nhưng cương quyết,
Em cũng ngừng lại thôi, dĩ nhiên, anh thân mến,
Vì em là cô gái kia, dưới bóng tần bì.
Em đã rời xa anh chừng nào, anh hãy nhìn đi,
Hãy nhìn chiếc mũ trắng em mang, tấm váy vàng em mặc,
em giữ chiếc giỏ kia thật chặt
để nó không rơi ra khỏi bức tranh,
hãy nhìn em phô mình trong số phận tha nhân,
ngưng bận tâm về những điều bí mật.
Dù anh có gọi em, em cũng không nghe thấy
Dẫu có nghe thấy anh, em cũng chẳng ngoái đầu,
Dù em có ngoái đầu, điều chẳng thể xảy ra đâu,
thì gương mặt anh cũng dường như xa lạ.
Em biết rõ thế gian trong vòng sáu dặm.
Em am tường về thảo dược cỏ cây,
biết niệm chú để xua đi mọi cơn đau.
Nơi đỉnh đầu em Chúa vẫn đang nhìn xuống.
Em vẫn nguyện cầu cho mình không lìa đời đột ngột.
Hòa bình là sự thưởng ban, chiến tranh là hình phạt.
Mọi giấc mơ đáng thẹn lòng đều do quỷ Sa-tăng.
Em có một tâm hồn rành rọt hiển nhiên
như quả mơ có hạt.
Những trò chơi của con tim, em không hề biết.
Em chưa thấy sự trần truồng của người các con em sẽ gọi là cha.
Em không nghi ngờ thiên Sách Diễm ca
có những bản nháp lem nhem, lằng nhằng gạch xóa.
Điều em muốn nói ra luôn nằm trong những câu sẵn có.
Em chẳng dùng đến tuyệt vọng bao giờ,
bởi nó là thứ đồ
không phải của em, chỉ được giao cho em cất giữ.
Trên con đường em đi nếu anh có ngang qua, giả sử
Dù anh có nhìn vào mắt em lâu,
Em sẽ lướt qua anh bên mép vực sâu
mảnh hơn sợi tóc.
Bên phải là nhà em, xung quanh em rành từng ngách góc,
cả những bậc cầu thang và lối vào nhà,
nơi xảy ra những điều không được vẽ ra:
một con mèo nhảy lên băng ghế,
ánh nắng rớt lên chiếc bình bằng thiếc,
bên chiếc bàn kia, dáng xương xẩu gầy gò,
một người đàn ông đang ngồi sửa đồng hồ.
(1967)
3 comments:
"...Tôi đặc biệt chú ý đến và thậm chí thuộc lòng cả bài thơ "Bức tranh phong cảnh", xuất hiện lần đầu đúng 40 năm trước đây). Tôi biết bài thơ này, thật ra thì tất cả những gì Szymborska viết tôi đều đọc kỹ, rất kỹ, nhưng một số bài - ngay cả khi tôi nhớ rõ - lại trở thành căn nguyên của nỗi bất an sau nhiều năm. Thậm chí sau gần 40 năm.
Câu hỏi cứ hành hạ tôi thật hiển nhiên: đây là bức tranh nào? Nó có thật không hay chỉ là sáng tạo trong bài thơ? Ta biết rằng đây là một bức tranh của hội họa Hà Lan thế kỷ XVII. Có đúng vậy không? Có lẽ vậy. Nhưng bài thơ được viết ra khi tác giả ngắm nhìn nguyên bản, hay là một sự tưởng tượng độc đáo được sáng tạo ra? Cây tần bì có trong bức tranh không, hay đó là một cây sồi chẳng hề hợp cảnh? Thật khó nhận ra người mẫu trong tranh qua cái mũ trắng và chiếc váy vàng - hầu như tất cả mọi phụ nữ được vẽ trong tranh của các danh họa Hà Lan đều đội mũ trắng, những phụ nữ không được vẽ lại càng như thế. Màu vàng, mặc dù tượng trưng cho điềm xấu, nhưng vẫn thường được sử dụng ở những người theo trường phái hiện thực, vì mốt thời trang giai đoạn đó là như vậy.
Mà cũng có thể người mẫu trong tranh vẫn được biết đến rộng rãi, nhưng đã bị nhà thơ thay trang phục? Có thể Szymborska đã quyết định viết cho nhà danh họa Johannes Vermeer mà bà yêu mến một bức tranh chưa được vẽ ra? Có thể "Cô hàng sữa" đã thay váy cho hợp với chiếc áo cánh rồi lên đường ra chợ, giờ đây đang trở về? Hay đó là một trong số sáu phụ nữ trong tranh của danh họa, những người đang viết, đọc hay nhận thư, đang đi? Chính cô gái đang nhận "Bức thư tình" từ người hầu ở đây thật thích hợp: cô đội mũ trắng và mặc váy vàng, chiếc giỏ ở bên cạnh. Chính là cô vừa trở về nhà. Chính là cô vừa trở về nhà từ bài thơ của Szymborrska? Cô còn chưa biết điều đó, vì 300 năm sau bài thơ mới được viết ra?"
(...)
Jerzy Pilch, nhà văn Ba Lan
Bài thơ hay quá, và chị như nhớ lại câu chuyện giữa hai chị em mình.:)Cám ơn em nhé!
Post a Comment